Nầy Kiều Trần Như ! Người tu tập ý tưởng
thế gian chẳng đáng ưa thích thì có thể dứt dục tham, sắc tham, vô sắc
tham, kiêu mạn, nghi, điệu, vô minh, đến được bực vô học. Đây gọi là đầy
đủ tùy vô nguyện đà la ni.
Nầy Kiều Trần Như ! Đà la ni nầy hay phá
tất cả ác ma, đến có thể là cho Tam bửu tăng trưởng”.
Lúc nói pháp ấy, có vô lượng chúng sanh
được pháp nhãn tịnh, vô lượng ức chúng được dứt hẳn các lậu, tám na do tha
chúng được tùy vô nguyện đà la ni, vô lượng chúng sanh phát tâm Vô thượng
Bồ đề, năm vạn tám ngàn chúng sanh được bất thối tâm Bồ đề, vô lượng chúng
sanh được như Pháp nhẫn.
Vô lượng chúng sanh bạch Phật rằng:
"Bạch đức Thế Tôn ! Tất cả chúng sanh nếu nghe pháp ấy, thì đâu chẳng
phát tâm Vô thượng Bồ đề. Chúng tôi nay hộ trì nghe học pháp ấy”.
Đức Phật nói:
"lành thay lành thay, nầy chư đại đàn việt! Nay mọi người muốn hộ trì
đại pháp. Nhơn hộ pháp mà đời vị lai sẽ được vô lượng phước đức quả báo”.
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch rằng:
"Bạch đức Thế Tôn ! Phật Đức Hoa Mật Như Lai sai Hư Không Mật đại Bồ Tát
mang đến dục tịnh đà la ni ấy, duy nguyện Thế Tôn tuyên nói đó”.
Đức Phật nói:
"Nầy Xá Lợi Phất ! Lắng nghe lắng nghe, khéo suy nghĩ đó sẽ vì ông mà
nói.
Nầy Xá Lợi Phất ! Đức Hoa Mật Phật sai mang
đến dục tịnh đà la ni ấy để phá hoại tứ đảo của chúng sanh Ta Bà nầy:
Chúng sanh cõi nầy thường không có ngã mà
vì tâm điên đảo ngang sanh ý tưởng có ngã. Người trí quán sát kỹ biết
không có ngã, liền phá điên đảo.
Thế nào là người trí quán vô ngã ? Đó là
quán thân ngũ ấm biết chắc không có ngã, tại sao, vì là tướng hòa hiệp
vậy. Kế quán nhãn căn cũng không có ngã. Tại sao ? Vì là tứ đại hiệp vậy.
Nếu mắt chuyển nháy tức là phong lực, phong ấy nhơn nơi hư không mà có khứ
lai hồi chuyển, mà tánh hư không là vô sở hữu cũng là bất khả thuyết. Nếu
là vô sở hữu và bất khả thuyết tức là không có ngã. Vì vậy nên hư không
thiệt không có ngã, phong trong hư không cũng lại không có vật chẳng tuyên
nói được nên là vô ngã. Như quán phong, quán địa, thủy, hỏa cũng như vậy.
Vì vậy mà biết rằng, nhãn căn tứ đại lại cũng không có vật chẳng tuyên nói
được thế nên không có ngã.
Nếu còn có người nói rằng vì nhãn sắc nhơn
duyên nên có tướng ngã ấy, nghĩa nầy chẳng đúng. Tại sao, vì trong nhãn
không có ngã, trong sắc không có ngã, trong hai thứ hòa hiệp cũng không có
ngã. Nhơn duyên hòa hiệp cũng không có ngã, trong hai thứ hòa hiệp cũng
không có ngã. Nhơn duyên hòa hiệp sanh ra nhãn thức, trong thức ấy cũng
không có ngã. Nhơn thức sanh sắc gọi là danh sắc. Danh s8ác nhơn duyên
sanh lục nhập. Lục nhập nhơn duyên sanh xúc. Xúc nhơn duyên sanh thọ. Thọ
nhơn duyên ái. Ái nhơn duyên thủ. Thủ nhơn duyên hữu. Hữu nhơn duyên sanh
lão bịnh tử v.v… Các pháp như vậy nhơn nhãn thức sanh, mà nhãn thức nầy cũng chẳng từ
mười phương đến. Niệm sở nhơn sanh nhãn thức ấy, niệm nầy cũng diệt, nhân
thức chẳng trụ. Trong hai niệm ấy cũng chẳng bảo nhau: Nay ngươi trụ còn
ta diệt. Diệt pháp nầy cũng không có xứ sở. Vì vậy nên cácp hễ duyên hiệp
thì sanh, duyên ly thì diệt. Nếu nhơn duyên thì sanh, không nhơn duyên thì
diệt. Vì vậy nên biết thiệt không có ngã, mà nhơn duyên ấy cũng không có
tác không có thọ. Nếu không có tác giả thì không có ngã. Nếu không có ngã
thì ngã sở cũng không. Vì vậy nên nhãn tánh không có ngã ngã sở không hiệp
không tan, tức là sanh diệt.
Tất cả các pháp cũng như vậy. Tất cả pháp
tánh không có thủ không có xả chẳng phải tạo tác bởi chư Thanh Văn, Duyên
Giác, chư Phật.
Như nhãn thức không, tất cả pháp không cũng
như vậy.
Lúc quán như vậy được môn không tam muội,
hoặc được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán.
Như quán nơi nhãn, quán nơi nhĩ tỷ thiệt
thân cũng như vậy.
Quán thân vô ngã, tóc, da, thứa, máu, thịt,
xương, gân, tủy, não, ruột, gan, mủ, dãi, hơi ấm gió trên dưới thọ mạng
danh tự tất cả đều vô ngã, chỉ do các duyên hòa hiệp nên gọi là thân. Thân
xúc nhơn duyên nên sanh thân thức, thức nhơn duyên danh sắc, đến hữu nhơn
duyên sanh lão bịnh tử v.v…
Các pháp nhơn duyên như vậy sanh thân thức, mà thân thức cũng chẳng từ
mười phương đến. Niệm sở nhơn sanh thân thức ấy, niệm nầy cũng diệt thân
thức chẳng trụ. Trong hai niệm ấy cũng chẳng bảo nhau ngươi trụ ta diệt.
Mà pháp diệt ấy cũng không có xứ sở. Vì vậy nên các pháp, hễ duyên hiệp
thì sanh mà duyên tan thì diệt. Nếu nhơn duyên thì sanh không nhơn duyên
thì diệt. Vì vậy nên biết thiệt không có ngã. Mà nhơn duyên ấy cũng không
có tác không có thọ. Không có tác giả thì không có ngã, đã không có ngã
thì nhã sở cũng không có. Vì vậy mà thân tánh không ngã ngã sở, không hiệp
không tan tức là sanh diệt. Tất cả các pháp cũng như vậy, tất cả pháp tánh
không có thủ không có xả, chẳng phải chư Thanh Văn, chư Giác Duyên, chư
Phật làm ra.
Như thân thức không tất cả pháp không cũng
như vậy.
Lúc quán như vậy, người ấy được không tam
muội, hoặc chứng quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán.
Nầy Xá Lợi Phất ! Nếu có Tỳ Kheo có thể
quán nhãn căn đến thân căn vô ngã như vậy, nên biết người ấy được tam muội
môn được chư Thiên và thế nhơn cúng dường”.
Lúc nói pháp ấy, có vô lượng chúng sanh ác
nghiệp quá khứ đều được tiêu trừ, vô lượng chúng sanh được pháp nhãn tịnh,
vô lượng chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán, chín vạn bốn
ngàn chúng sanh được tịnh đà la ni như vậy, vô lượng chúng sanh phát tâm
Vô thượng Bồ đề, vô lượng chúng sanh chẳng thối chuyển tâm Bồ đề, vô lượng
chúng sanh được như pháp nhẫn, vô lượng chúng sanh phá được dục tham, sắc
tham và vô sắc tham, vô lượng chúng sanh được tùy không, tùy vô tướng và
tùy vô nguyện đà la ni, vô lượng chúng sanh thành tựu bất tịnh quán, vô
lượng chúng sanh thành tựu a ni ba na, hoặc được xa ma tha, hoặc được tỳ
bà xá na, hoặc được tánh địa, hoặc được Thanh Văn pháp, Bích Chi Phật pháp
hoặc được Bồ Tát pháp, tất cả nữ nhơn nghe rồi đều được chuyển nam thân,
chúng sanh Dục giới đều thọ khoái lạc như đệ Tam thiền.
Tất cả chư Thiên, Nhơn, Bát Bộ cúng dường
đức Phật, hoan hỉ ngồi yên.
Vua Tần Bà Sa La bạch rằng:
"Bạch đức Thế Tôn ! Trong thế giới Ta Bà nầy, vô lượng Bồ Tát được thành
tựu quang minh diệu sắc, từ giờ tôi chưa từng thấy chưa từng nghe.
Bạch đức Thế Tôn ! Bồ Tát quang minh ấy có
thể chiếu khắp tất cả Ta Bà thế giới. Nếu là bực Bồ Tát gần Vô thượng Bồ
đề thì quang minh thế nào ?”.
Đức Phật nói:
"Nầy Đại Vương ! Nếu Bồ Tát thành tựu Vô thượng Bồ đề, quang minh chiếu
tất cả mười phương thế giới. Tại sao, vì thiện pháp trang nghiêm các công
đức vậy, vì thành tựu đầy đủ pháp trang nghiêm vậy, vì tất cả thiện căn
nhiều tăng trưởng vậy, vì gần Vô thượng Bồ đề đạo vậy, vì rốt ráo vô
thượng Bồ đề đạo vậy, vì thọ Như Lai chánh pháp quả vậy,vì phân biệt diễn
nói vô biên pháp vậy, vì thân đã được không có quái ngại vậy, vì được
thanh tịnh chơn thiệt pháp vậy, vì chỗ được tu tập đều đến bờ kia vậy, vì
nghiệp đời vị lai đã được hết hẳn vậy, vì thành tựu vô lượng Phật chánh
pháp vậy, vì hay chuyển vô thượng diệu pháp luân vậy, vì được tự tại nơi
tất cả pháp vậy, vì thông đạt tất cả chúng sanh căn vậy, vì đoạn hẳn tất
cả phiền não tập khí vậy. Vì vậy nên quang minh có thể chiếu khắp mười
phương thế giới.
Nầy Đại Vương ! Tùy sức thế lực lớn công
đức của pháp cũng có thể nhìn thấy thập phương chư Phật”.
Vua nói:
"Bạch đức Thế
Tôn ! Nay tôi muốn được thấy thập phương chư Phật và chư Bồ Tát, chư Thanh
Văn”.
Đức Phật bảo Tôn giả A Nhã Kiều Trần Như: "nếu
người Thanh Văn đệ tử Phật, hoặc tại gia hay xuất gia, thế nhơn đều thâm
quán tự tu duy thiện pháp minh đã có. Ta cũng muốn nhập Như Lai tam muội.
Nếu có hàng nhơn thiên được như thiệt nhẫn, nếu có người chẳng thối chuyển
nơi tam thừa, các người ấy cũng nhập chánh định, nếu có người được tâm
kính tin nơi Tam bửu cũng nhập thiền định như vậy”.
Đức Thế Tôn liền nhập tam muội. Tam muội ấy
tên là Nhứt thiết Phật cảnh giới hành trí, rộng như hư không, tất cả người
trí vui mừng, sáng như ánh sáng nhựt nguyệt. Tam muội như vậy tất cả hàng
Thanh Văn, Duyên giác, Bồ Tát chẳng biết được chẳng tính lường được. Dây
gọi là Phật cảnh giới tam muội.
Thế Tôn nhập tam muội ấy rồi, Ta Bà thế
giới ức tứ thiên hạ, trăm ức Tu Di sơn, trăm ức nhựt nguyệt đến trăm ức
Trời Hữu Đãnh, các cõi như vậy, đều nhập vào thân của Phật. Trong Ta Bà
thế giới các địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người và trời có ai thọ khổ liền
được tiêu diệt, tất cả đều hoan hỷ như Tỳ Kheo nhập đệ Tam thiền.
Tất cả đại Bồ Tát đều khởi định thấy Phật
quang minh. Thấy Phật quang minh rồi, quang minh của mình có liền tắt
không còn hiện.
Tất cả hàng Thanh Văn thọ khoái lạc như Tỳ
Kheo nhập đệ tam thiền.
Tất cả vô lượng chúng sanh thảy đều tự thấy
lỗ lông Như Lai. Mỗi mỗi lỗ lông phóng vô lượng ánh sáng như ánh sáng của
hàng hà sa nhựt nguyệt, cũng như ánh sáng của hàng hà sa số vị Thập trụ Bồ
Tát. Quang minh như vậy đều chiếu khắp mười phương quốc độ chư Phật.
Thập phương chư Phật Thế Tôn đều riêng bảo đại chúng rằng:
"Chư
thiện nam tử ! Các Ngươi có thấy quang minh của Thích Ca Như Lai chẳng ?
Quang minh như vậy thành tựu vô lượng vô biên công đức. Quang minh ấy nhơn
nơi đại từ đại bi vì thương xót các chúng sanh vậy. Nay Như Lai ấy hiển
thị tướng đại thần biến cho các chúng sanh. Tất cả chúng sanh thấy quang
minh ấy rồi đều phát tâm Vô thượng Bồ đề. Thế giới phương khác có các
chúng sanh được thần thông đều tập họp tại Ta Bà thế giới, kẻ không được
thần thông thì vói lễ lạy cúng dường”.
Lúc bấy giờ tất cả chư Phật, chư Bồ Tát và
chúng Thanh Văn đều đến Ta Bà thế giới. Tất cả Bồ Tát đều dâng thất bữu
các thứ hương hoa phan lọng kỹ nhạc cúng dường Thế Tôn cung kính tôn trọng
tán thán. Có các chúng sanh ở thân Phật thảy đều thấy đó, thầy rồi lại thọ
vô lượng khoái lạc.
Ta Bà thế giới tất cả chúng sanh đồng thanh nói rằng:
"Chúng
ta do nhơn duyên lành nầy nguyện đời sau đồng sanh trong một quốc độ, được
thấy thập phương chư Phật, đã được tiêu diệt hết ba ác nghiệp đạo.
Nếu có chúng sanh nào thấy thần biến của
của Phật mà chẳng phát tâm Vô thượng Bồ đề, nên biết người ấy thường đi
trong tối tăm. Chư Bồ Tát vì chúng sanh mà thọ nhiều thí khổ. Hoặc hóa làm
Phật, làm Bích Chi Phật, làm Thanh Văn, Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Đại Thiên
Vương, thân Na La Diên, thần Rồng, Quỷ, A Tu La, Chuyển Luân Vương. Nếu có
thế giới đáng do Thanh Văn mà được điều phục thì hiện thân Thanh Văn. Ưng
hóa như vậy nếu chẳng phải bực Thập trụ đại Bồ Tát thì không thề làm được.
Vì vậy nên tâm Vô thượng Bồ đề thành tự vô lượng vô biên công đức”.
Bao nhiêu chúng sanh ở trong thân tất cả chư Phật đồng thanh nói kệ rằng:
Do vì các ác tâm nhơn duyên
Lưu chuyển sanh lão bịnh tử khổ
Vì chẳng thân cận thiện tri thức
Thế nên chẳng đến được bờ kia
Nếu hay xa lìa được ác tâm
Các ác tà kiến ác nhơn duyên
Hay dứt sanh tử trong ba cõi
Người nầy được đến nơi bờ kia
Chúng sanh khó được trọn thân người
Được rồi gặp thiện hữu rất khó
Lòng tin chắc vững lại khó được
Có rồi khó được nghe chánh pháp
Nếu người hay phát tâm Bồ đề
Người nầy hay dứt các phiền não
Cũng hay giáo hoá vô lượng chúng
Hiện đại thần biến như Phật nay
Nếu hay dứt hẳn hai pháp ấy
Đó là thường đoạn hai kiến thảy
Nếu thấy tất cả hành vô ngã
Người nầy được gọi thiện tư duy
Nếu hay tu tập khổ tập đế
Người nầy hay dứt các phiền não
Nếu hay phát khởi Bồ đề tâm
Người nầy thắng được các thế gian.
Nghe nói kệ ấy rồi , có vô lượng chúng sanh
phát tâm Vô thượng Bồ đề, hoặc có chúng sanh phát tâm Duyên giác, tâm
Thanh Văn, hoặc được vô lượng đà la ni, có các chúng sanh được như pháp
nhẫn, bất thối nhẫn, như thiệt nhẫn, hoặc được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La
Hán.
Bấy giờ ma vương Ba Tuần thấy rõ Ta Bà thế
giới ở trong thân Phật, liền buồn khóc sầu não, hoặc ngồi, hoặc dậy, hoặc
đi, hoặc đứng, tới lui ra vào lấy tay vỗ đầu càng thêm khổ não. Tất cả
quyến thuộc ma cũng khổ não như vậy.
Ba Tuần có một đại thần tên là Không Thọ thấy ma vương khổ não nên nói kệ
rằng:
Cớ chi sầu não mà độc hành
Tâm Vương mê loạn như người cuồng
Đi đến chỗ nào cũng không vui
Mong Thiên Vương nói nhơn duyên ấy,
Ba Tuần nói kệ đáp:
Ta thấy Cù Đàm đại thần lực
Nên ta khổ não đi như điên
Nội tâm tháo động không được an
Sầu nhiệt bức thiết đến quyến thuộc
Nhìn thấy Như Lai vô biên thân
Dung thọ tất cả Ta Bà giới
Khiến cảnh giới ta đều trống hư
Vì vậy nay ta sanh sầu não
Bao nhiêu thánh nhơn ở mười phương
Đầu đến tập hội thế giới nầy
Thiết đại cúng dường cúng dường Phật
Vì vậy khiến ta sanh sầu não
Nhìn thấy Như Lai đại thần lực
Và thấy quyến thuộc quy y Phật
Nay ta độc hành không bạn lữ
Vì vậy khiến ta sanh sầu não.
Đại thần Không Thọ lại nói kệ rằng:
Nay tôi có đông các quyến thuộc
Lòng họ tệ ác đủ khí giới
Sức hay phá hoại thân Như Lai
Và hay hủy hoại đại thần lực.
Ba Tuần nói kệ rằng:
Nay quyến thuộc ta rất sợ Phật
Làm sao hoại được đức thần thông
Nếu lúc sanh tâm muốn hủy hoại
Liền tự thấy mình bị ngũ phược.
Không Thọ nói kệ rằng:
Như oán địch ấy thế lực lớn
Nên giả thân hậu thì phá được
Nếu biết Cù Đàm có đại lực
Trước nên trái hiện lòng thân hậu.
Ma vương nói kệ rằng:
Nếu ta trá hiện tâm thân hậu
Vì muốn hủy hoại thân Cù Đàm
Liền thấy cổ mình đeo tử thi
Bị tất cả người đồng chê trách
Đại thần Không Thọ lại nói kệ rằng:
Tất cả cõi Dục thuộc ma giới
Bao nhiêu nhơn thiên thuộc Như Lai
Xin Vương sắc lịnh ác Long Vương
Thì hay phá được thân Cù Đàm.
Ma vương Ba Tuần lại nói kệ rằng:
Nếu người biết rõ rồng đủ sức
Ta đã thất tâm ngươi tự sai
Nếu thiệt rồng phá được Cù Đàm
Ta lại được nước và bổn tâm.
Đại thần tuân lời ma vương liền bảo các ác Long Vương rằng:
"Các
Long Vương nên vì ta mà hủy hoại thân Cù Đàm”.
Các ác Long vừa muốn bay lên hư không mà không chuyển động được. Họ liền nói
với đại thần rằng:
"Kính phụng mạng lịnh vừa rồi muốn đi phá hoại Cù Đàm. Vừa sanh tâm ấy
liền chẳng bay đi được”.
Đại thần nghe các ác Long Vương nói liền
sanh lòng kinh sợ suy nghĩ rằng: Nay ta hiện ma đại lực khiến các ác Long
sanh tâm giận dữ. Vì tâm rồng giận dữ thì có thể phá hoại thân Cù Đàm.
Bấy giờ cung rồng có hóa tử thi đầy khắp
mọi nơi. Các rồng thấy vậy tự nơi cung thất mình lòng chẳng an vui suy
nghĩ rằng: Đây là ai hóa làm những tử thi ấy.
Dầu có suy tìm mà chẳng biết là ai làm.
Trong tất cả tứ thiên hạ chư đại Long Vương
và quyến thuộc nam nữ lớn nhỏ đều ra khoải cung thất đến núi Khê La Kỳ.
Núi ấy bằng phẳng ngang rộng bốn vạn do tuần, là chỗ ở của chư Thánh đời
trước, có đẻ bảy báu.
Nhẫn đến Nan Đà Long Vương, Bạt Nan Đà Long
Vương cũng bỏ cung điện mà đến núi ấy.
Trong tứ đại hải, bao nhiêu Long vương và
quyến thuộc vô lượng vô biên, như là Y La Bạt Long Vương, Thiện Trụ Long
Vương, Quy Long Vương, A Na Bà Đạt Đa Long V. Mục Chơn Lân Đà Long Vương,
Đức Hải Long Vương, Thủy Đức Long Vương, Xá Đức Long Vương, Lạc Đức Long
Vương, A Ba Na La Long Vương, Sơn Đức Long Vương, Ngưu Đức Long Vương, Y
La Bạt Đa Long Vương, Trường Tý Long Vương, Trường Phát Long Vương, Tịnh
Long Vương, Ca Yết La Long Vương, Thủy Phiêu Long Vương, Hắc Phát Long
Vương, Kim Sắc Long Vương, Xá Câu Long Vương, Niệm Di Long Vương, Tượng
Long Vương, Lợi Nha Long Vương, Hữu Hành Long Vương, Nghị Võng Long Vương,
Trường Diện Long Vương, Xích Nhãn Long Vương, Lạc Kiến Long Vương.
Như vậy châu Diêm Phù Đề có tất cả Lọng
Vương tám vạn và quyến thuộc, nhẫn đến bốn vạn bốn ngàn quốc độ tất cả
Long Vương và quyến thuộc đều đến núi Khê La Kỳ.
Bắc Uất ĐơnViệt có hai Long Vương là Vô
Biên Long Vương và Kim Thân Long Vương cùng vô lượng chúng quyến thuộc,
nhẫn đến bốn vạn bốn ngàn quốc độ tất cả Long Vương và quyến thuộc đều đến
núi Khê La Kỳ.
Đông Phất Bà Đề có hai Long Vương là Nguyệt
Long Vương và Bà Tư Tra Long Vương cùng vô lượng quyến thuộc, nhẫn đến bốn
vạn bốn ngàn quốc độ tất cả Long Vương cùng quyến thuộc đều đến núi Khê La
Kỳ.
Tây Cù Gia Ni có hai Long Vương là Bữu Phát
Long Vương và Quang Phát Long Vương cùng vô lượng quyến thuộc, nhẫn đến
bốn vạn bốn ngàn quốc độ tất cả Long Vương cùng quyến thuộc đều đến trong
núi Khê La Kỳ.
Và trong tứ thiên hạ hàng tứ sanh Long
Vương cùng quyến thuộc cũng đến trong núi Khê La Kỳ. Các Long Vương nầy
thân hình đều như củ thuốc bốn tấc, do vì giện dữ nên thân họ cao lớn như
núi Tu Di.
Ba Tuần xem thấy chúng Long Vương như vậy rồi bảo quyến thuộc rằng:
"Lắng nghe lắng nghe, do ma lực
của ta làm cho các Long Vương như vậy từ cung thất ra đến Khê La sơn kia,
họ đều mất thế lực chẳng phá hoại được Sa Môn Cù Đàm”.
Còn có ma đại thần tên là Giới Thê thưa ma vương rằng:
"Đại
Vương ! Các Long Vương như vậy vì muốn phá hoại thân Thích Ca nên tập hội
một chỗ. Họ đều nghĩ rằng: Nay ta nên dùng phương tiện gì phá hoại thân
Cù Đàm”.
Ba Tuần nói:
"Nếu chắc có sự như vậy ngươi nên qua đó xem sao”.
Đại thần Giới Thê cùng trăm ngàn vạn quyến
thuộc muốn đến núi Khê La Kỳ.
Lúc ấy đức Thế Tôn từ thiền định khởi ngồi
một phía thị hiện thân bình thường.
Ma đại thần thấy thân thường Như Lai ở nước
Ma Già Đà. Thấy rồi nghĩ rằng: Sa Môn Cù Đàm thối thất thần thông có lẽ
sợ ta chẳng, hay muốn ta sanh đại ác chăng ? Ta nên trước đến chỗ Cù Đàm
kia để cùng bàn luận.
Ma đại thần Giới Thê cùng đại chúng đến Phật nói kệ rằng:
Thân Ngài chưa qua biển sanh tử
Thế nào sẽ độ được chúng sanh
Cù Đàm chớ gạt các chúng sanh
Nói rằng sẽ được đại Niết bàn
Đức Như Lai nói kệ đáp:
Ta đã được qua biển sanh tử
Cũng được thoát hẳn tất cả cõi
Ta vì nhơn duyên đại từ bi
Nói rằng chúng sanh sẽ Niết bàn
Ngươi đã vô lượng đời thuở xưa
Phát khởi Vô thượng Bồ đề tâm
Đã từng cúng dường vô lượng số
Trăm ngàn vạn ức các Thế Tôn
Ngươi nay định sẽ được Phật đạo
Tại sao nói Phật gạt chúng sanh
Nay ta cho ngươi đại niệm lực
Bèn nên chí tâm quán bổn thân.
Ma đại thần Giới Thê nghe lời Phật tự quán sát quá khứ bổn thân thấy rõ ràng
mình phát Bồ đề tâm cúng dường vô lượng vô biên chư Phật, thấy rồi tâm rất
hổ thẹn ở trước Như Lai dập đầu mặt xuống đất sám hối tác lễ bạch đức Phật
rằng:
"Bạch đức Thế Tôn ! Nay tôi đã nhớ vô lượng đời phát tâm Bồ đề, đã từng
cúng dường vô lượng ức Phật, ở chỗ chư Phật nghe học diệu pháp, đã được tu
hành sáu Ba la mật.
Bạch đức Thế Tôn ! Thuở Phật Ca Diếp có một
Tỳ Kheo nói Thanh Văn thừa. Tôi chẳng tư duy bèn nói lời ấy chẳng phải là
lời Phật là lời nói của ma. Tỳ Kheo ấy đã phát tâm Bồ đề hành Bồ đề đạo.
Vì nhơn duyên ấy nên Ca Diếp Như Lai chẳng thọ ký cho tôi. Tôi nhơn việc
ấy sanh trong ma giới thọ thân nầy đến nay đã trải qua năm vạn bảy ngàn ức
năm.
Bạch đức Thế Tôn ! Tôi thà đem những thân
quá khứ ấy thọ khổ địa ngục chớ trọn chẳng thối tâm Bồ đề”.
Đức Phật nói:
"Nầy đại thần ! Lành thay lành thay, nếu có người đem hoàng kim như núi
Tu Di và các món vật bằng thất bữu trong vô lượng đời cúng dường chư Phật,
phước ấy chẳng bằng phát tâm Bồ đề. Tại sao, vì phát tâm Bồ đề mới là cúng
dường thập phương chư Phật”.
Lúc ấy Giới Thê Bồ Tát liền ở tại chỗ được
như pháp nhẫn, bèn rời chỗ ngồi đầu mặt tác lễ nhiễu Phật ba vòng đem
thượng y nơi thân cúng dường đức Phật, nhẫn đến quyến thuộc bốn vạn bốn
ngàn đại chúng cũng cúng dường như vậy.
Ma vương Ba Tuần thấy đại thần của mình
cùng đại chúng quyến thuộc đều quy y Phật, tâm rất khổ não, đóng chặt cửa
nẻo ngồi yên một chỗ.
Đức Phật vì đại chúng nói ba thứ từ tâm đó
là Chúng sanh duyên từ, Pháp duyên từ và Vô duyên từ tâm như trong hội Hư
Không Mục đã tuyên nói.
Trong lúc ấy tất cả Long Vương đều tập hội núi Khê La Kỳ muốn động chẳng
động được, muốn đi chẳng đi được, muốn hiện thân lớn cũng lại chẳng được.
Họ bèn hướng về Nan Đà Long Vương, Bạt Nan Đà Long Vương mà nói rằng:
"Đại Vương ! Trước kia hoá hiện tử thi trong cung thất là do Ba Tuần
làm, vì vậy khiến chúng tôi đều đến núi nầy thọ thân nhỏ nhít. Nếu có thể
quy y ma Ba Tuần thí có thể được giải thoát”.
Y la Bạt La Long Vương nói:
"Nay ma vương đã thất bổn tâm và thần túc làm sao cứu tế các Ngài được”.
Các Long Vương ấy, hoặc có quy y Tứ Thiên
Vương, hoặc có quy y Đao Lợi Thiên, hoặc có quy y Dạ Ma Thiên, hoặc Đâu
Suất Thiên, hoặc Hoá Lạc Thiên. Hoặc có quy y Tha Hóa Tự Tại Thiên, hoặc
có quy y Phạm Thiên.
Hải Long Vương nói:
"Các Ngài chẳng thấy Thích Ca Như Lai được tất cả hiền thánh nhơn thiên
tạp loại thiết đại cúng dường mà quy y đó ư!”.
Có các Long Vương quy y Na Trà tiên nhơn,
hoặc Mã Tàng tiên nhơn, hoặc Quảng tiên nhơn, hoặc Quang Vị tiên nhơn,
hoặc Bạt Già Bà Tiên Nhơn.
Các Long Vương quy y năm tiên nhơn như vậy.
Năn tiên nhơn ấy đều được ngũ thông ở tại núi Tuyết đều đang nghe Quang Vị
tiên nhơn tuyên nói chánh pháp. Quang Vị Bồ Tát cũng dùng vô lượng các thứ
tán thán để tán thán đức Như Lai.
Các tiên nơn đều nghe âm thanh của tất cả Long Vương, liền bạch Quang Vị
tiên nhơn rằng:
"Ngài có nghe
tiếng khóc kêu của các Long Vương chẳng ?”.
Quang Vị đáp:
"Tôi có nghe”.
Chư Thiên nói:
"Thưa Đại Sĩ ! Duy nguyện đến đó cứu khổ họ”.
Quang Vị nói:
"Các Ngài nên đến đó, tôi đi chẳng được, tại sao, vì hiện nay có Đại
Thiên muốn được nghe Vô duyên từ tâm vậy”.
Bốn tiên nhơn lễ lạy Quang Vị rồi đến núi
Khê La Kỳ để cứu tế.
Chư Long Vương thấy bốn tiên liền cất tiếng
cầu ai cứu tế.
Chư Tiên nói:
"Ta chẳng cứu được. Trong núi Tuyết có một Bồ Tát tên là Quang Vị, người
ấy có thể cứu. Các ngươi nên nhứt tâm cầu ai tác lễ”.
Chư Long Vương đều hướng về núi Tuyết làm
lễ đồng thanh cầu cứu.
Quang Vị nghe tiếng ấy bèn cùng vô lượng
chư Thiên cúng dường đến núi Khê La Kỳ.
Chư Long Vương thấy rồi đầu mặt lễ lạy: "Duy nguyện Đại Sĩ cứu khổ chúng tôi”.
Quang Vị Bồ Tát biết đã đến lúc, muốn nói
tinh tú.
Hải Long Vương bạch rằng:
"Bạch Đại Sĩ ! Tinh tú ấy của ai nói ? Ai làm đại tinh, ai làm tiểu tinh
? Ai làm nhựt nguyệt ? Trong ngày nào tinh nào ở trước ? Thế nào là mãn
nguyệt ? Thế nào là thời giờ ?. Các tinh tú như vậy hệ thuộc Thiên nào,
tánh là gì, tinh tú nào khinh, nào trọng, nào thiện, nào ác, nào thực, nào
thí ? Ai tạo ngày ? Ai tạo đêm ? Bóng có mấy bộ gọi là chuyển, thế nào gọi
là Nam chuyển. Thế nào gọi là Bắc
chuyển ? Thưa Đại Sĩ ! Ngài ở trong hàng chư Tiên là đệ nhứt hơn cả, duy
nguyện đầy đủ phân biệt giải nói”.
Quang Vị Bồ Tát bảo chư Long Vương rằng: "Nầy Đại Vương ! Đời quá khứ trước, ban sơ của Hiền kiếp, thành Chiên Đà
Diên có vua tên là Vô Lượng Tịnh dùng chánh pháp trị nước. Vua ấy chẳng
tham dục lạc, thường thích tịch tĩnh tài trí thông đạt. Vua có phu nhơn
dục tâm phát động cùng vua du hành ở trong một khu rừng lòng tham dục nhìn
vua liền có thai, đủ ngày sanh ra một con trai. Đứa trẻ ấy đầu tai mắt môi
miệng cổ đều giống lừa, các phần khác giống người. Bà mẹ thấy rồi sợ quá
ném nó vào nhà xí, thân nó chưa chạm đất được lủ quỷ ở trên không tiếp lấy
đem đến núi Tuyết chăm sóc nuôi dưỡng như con đẻ. Trong núi Tuyết có thuốc
ngọt ngon, lủ quỷ hái lấy cho trẻ ấy ăn. Trẻ ấy ăn rồi thân liền chuyển lạ
có đại quang minh đầy đủ phước tướng có đại từ bi. Do cớ ấy nên được chư
Thiên lễ bái cúng dường tán thán. Trẻ ấy tất cả thân tướng đều chuyển đổi
chỉ có môi thì giống môi lừa, nên có tên là Lư Thần. Do phước lực của Lư
Thần nên trong núi Tuyết sản xuất các thứ dưa quả và dược thảo.
Lư Thần tiên nhân suốt sáu vạn năm thọ trì
cấm giới, thường co một chưn lên. Tất cả Phạm Thiên, Ma Thiên, Đế Thích
đại thiết cúng dường để cúng dường đó và bạch Lư Thần tiên nhơn muốn cầu
sự gì xin được nói cho, chúng tôi biết rồi nếu sức chúng tôi làm được sẽ
ban cho Ngài.
Lư Thần tiên nhơn nói:
Nay tôi muốn biết tinh tú để lợi ích mọi
người vì lòng tôi thương xót họ.
Tất cả chư Thiên nói:
Nếu vì thương xót tất cả chúng sanh mà muốn
được biết, nguyện sẽ nói đó.
Lư Thần tiên nhơn nói:
Thưa Phạm Thiên ! Thiệt tôi chẳng hiểu tinh
tú tối sơ v.v…”.
Lúc Quang Vị nói tinh tú ấy, chư đại Long
Vương đối với Quang Vị Bồ Tát sanh tâm vui mừng.
Quang Vị Bồ Tát lại vì chư Long Vương phát âm thanh vi diệu tán thán Tam bửu
rồi nói rằng:
"Chư Đại Vương
! Nay ta thiệt chẳng thể cứu vớt khổ các Ngài. Chỉ có Thích Ca Như Lai Thế
Tôn mới cứu được. Đức Thích Ca Như Lai vì muốn điều phục các chúng sanh,
nên trong vô lượng đời xả bỏ sở hữu trân quý tu tập từ bi để cứu khổ não”.
Nghe lời ấy, tất cả Long Vương và quyến thuộc nam nữ lớn nhỏ đều chí tâm
niệm Phật tán thán quy y:
"Nam mô Phật Thế Tôn, ở trong tất cả chúng sanh rất là thù thắng, ở trong
tất cả pháp tâm được tự tại, ở trong các pháp hải đã đến bờ kia, hay cứu
tất cả chúng sanh khổ não ban cho họ an lạc bình đẳng không hai, thương
xót tất cả, hay chỉ đường chánh ban cho chánh nhãn, được tất cả Thiên Long
cúng dường, hay thọ cúng cụ vị diệu của tất cả nhơn thiên trong tất cả thế
giới mười phương.
Chúng tôi thọ nhiều vô lượng khổ não, duy
nguyện đức Thế Tôn từ bi thương cứu”.
Thành tâm niệm Phật rồi, tất cả chư Long tự
thấy thân mình như cũ.
Quang Vị Bồ Tát bảo chư Long Vương rằng: "Như Lai công đức bất khả tư nghị, vì chúng sanh nên trong vô lượng đời
Như Lai tu hành đầy đủ sáu Ba la mật, tuyên nói ba thứ từ bi điều phục
chúng sanh, tuyên nói tất cả pháp vô ngã vô tác, tuyên nói ấm, nhập, giới,
tứ, đại, các phiền não tuyên nói tánh phiền não, và tánh chúng sanh, tuyên
nói tất cả pháp vô tánh, vô tướng, vô ngại, vô tác, vô cấu, vô tịnh, vô
minh, vô ám, vô thủ, vô xả, vô hành, vô trụ, vô nhứ, vô nhị, tất cả ấm,
nhập, giới tứ đại cũng đều như vậy. Đây gọi là Đệ nhứt nghĩa không.
Vì vậy nên Như Lai hay điều phục chúng sanh
là đấng Vô Thượng Tôn. Vì vậy nên đức Như Lai có thể cưu vô lượng khổ não
của các Ngài”.
Quang vị Bồ Tát cùng chư tiên nhơn tất cả
Long Vương và quyến thuộc đồng đến chỗ đức Phật lễ bái cung kính hữu nhiễu
rồi ngồi qua một phía.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Quang Vị Bồ Tát rằng:
"Nầy
Quang Vị ! Nay ông có muốn nghe nghiệp của chư Long chẳng ?”.
Quang Vị Bồ Tát bạch rằng:
"Bạch đức Thế Tôn ! Nay đã đúng lúc, duy nguyện đức Như Lai tuyên nói đó”.
Đức Phật nói:
" Lành thay lành thay, lắng nghe, lắng nghe, nầy Quang Vị ! Phật sẽ vì
ông mà diễn nói”.
Tất cả nhơn thiên dâng hương hoa tốt, phan
lọng, kỹ nhạc cúng dường Phật.
Đức Thế Tôn cùng chư Thiên cõi Dục, cõi
Sắc, vô lượng Thanh Văn và Bồ Tát từ nước Ma Già Đà thẳng đến núi Tu Di.
Phạm Vương thiết toà thất bửu để chờ Như Lai, lại còn tạo làm đường thất bửu
rồi bạch rằng:
"Duy nguyện Như Lai đi trên đường nầy và ngồi tòa của tôi”.
Tha Hóa Tự Tại Thiên dùng diêm phù đàn na
bửu làm tòa ngồi và đường đi cũng nguyện như trên.
Hóa Lạc Thiên dùng vàng cõi trời làm tòa
ngồi và đường đi cũng ước nguyện như vậy.
Đâu Suất Đà Thiên dùng bạc cõi trời làm tòa
ngồi và đường đi cũng cầu nguyện như vậy.
Dạ Ma Thiên dùng lưu ly làm tòa ngồi và
đường đi cũng nguyện cầu như vậy.
Đao Lợi Thiên dùng chơn châu làm tòa ngồi
và đường đi cũng cầu mong như vậy.
Tứ Thiên Vương dùng mã não làm tòa ngồi và
đường đi cũng nguyện như vậy.
Tứ A Tu La Vương dùng chiên đàn làm tòa
ngồi và đường đi cũng mong cầu như vậy.
Vì lòng lân mẫn, đức Thế Tôn hóa thân Phật
khắp đi bảy đường, khắp ngồi bảy tỏa. Còn chơn thân Như Lai thì đi và ngồi
đường và tòa của Phạm Vương sắp đặt. Mỗi mỗi Hoá Phật đều có vô lượng
Thanh Văn và Bồ Tát làm quyến thuộc. Quang minh của mỗi Hoá Phật nhu ánh
sáng của vô lượng nhựt nguyệt.
Chư Long Vương thấy Hoá Phật rồi lòng rất kính trọng đồng nói rằng:
"Nay núi Tu Di bèn có trăm ngàn
nhựt nguyệt như vậy chăng”.
Nan Đà, Bạt Nang Đà Long Vương nói:
"Đức Như Lai Thế Tôn cùng vô lượng Pham Thiên đến núi Tu Di, đó là quang
minh của Phật chớ chẳng phải nhựt nguyệt. Các Ngài nếu muốn giải thoát thì
nên chí tâm chuyên niệm Như Lai, Như Lai Thế Tôn đã phá hết vô minh nên
nay có quang minh như vậy”.
A Na Bà Đạt Đa Long Vương nói:
"Quang minh ấy là của ma mương chẳng phải của Phật. Tại sao, vì tất cả
Dục giới thuộc ma Ba Tuần, ma Ba Tuần hay làm điều ác ấy, nay vì thương
xót nên có thể cứu khổ của chư Long Vương như vậy”.
Còn có Long Vương nói là của Hoá Tự Tại
Thiên, còn có nói là của Hóa Lạc Thiên, Đâu Suất Thiên, Dạ Ma Thiên, Đao
Lợi Thiên, Tứ Vương Thiên vì thương xót nên có thể cứu khổ chư Long Vương
như vậy.
Thiện Trụ Long Vương nói:
"Quang minh đó là của Quang Vị Bồ Tát vì thương xót nên có thể cứu khổ
chư Long Vương như vậy”.
Bửu Kế Long Vương nói:
"Quang minh ấy là của người đại đức xuất gia cạo bỏ râu tóc, vì thương
xót nên có thể cứu khổ chư Long Vương như vậy”.
Hải Long Vương nói:
"Quang minh ấy là của Như Lai. Tại sao, vì thương xót vậy, Như Lai Thế
Tôn ở nơi các chúng sanh tu nhứt tử tưởng, hay cứu chúng sanh tất cả khổ
não, trong vô lượng đời tu hành đầy đủ sáu Ba la mật chỉ vì cứu tế tất cả
chúng sanh khổ não. Vì vậy nên chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc sắp đặt đại cúng
cụ để cúng dường Phật”.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Thiên Đế Thích rằng:
"Nầy
Kiều Thi Ca ! Như ta đi trong thế giới Ta Bà để giáo hóa chúng sanh, cũng
như Ngài ở Đao Lợi Thiên để độ chư Thiên”.
Đế Thích nói:
"Bạch đức Thế Tôn ! Nay tôi chưa có vô biên trí, sao lại nói là tôi có
thể hóa độ chư Thiên.
Bạch đức Thế Tôn ! Nay núi Tu Di nầy có vô
lượng chư Thiên, vô lượng Phạm Thiên, vô lượng Quỷ Thần, vô lượng Càn Thác
Bà, vô lượng Khẩn Na La, vô lượng Ca Lâu La, vô lượng A Tu La, vô lượng Ma
Hầu La Già, vô lượng Chư Long, vô lượng Đại Tiên, vô lượng Thánh nhơn. Duy
nguyện Như Lai thương xót hoá độ chúng sanh như vậy”.
Đức Thế Tôn vui vẻ mỉm cười, từ miệng Phật
phát xuất vô lượng sắc quang sanh vàng đỏ trắng pha lê nhiều màu chiếu
khắp mười phương những chỗ tối tăm, hay phá hoạitc các ác nghiệp ma hơn
hẳn quang minh của vô lượng ức Phạm Thiên, Đế Thích nhựt nguyệt.
Đức Phật nói với Thiên Đế Thích:
"Nầy Kiều Thi Ca ! Tất cả núi trong Ta Bà thế giới, núi Tu Di là lớn hơn
cả. Ta cũng vậy, là hơn hết trong tất cả chúng sanh”.
Chư Long Vương nghe lời ấy đều bạch Phật rằng:
"Bạch
đức Thế Tôn ! Duy nguyện xót thương cứu khổ chúng tôi”.
Đức Phật nói:
"Chư Long Vương ! Các ngươi nên trước chí tâm niệm Phật, ta sẽ cứu cho”.
Đức Phật dùng âm thanh nghe khắp mười phương thế giới mà bảo Tôn giả Kiều
Trần Như rằng:
"Nầy Kiều Trần Như ! Tất cả các pháp đếu vô thường, tất cả các pháp sanh
trụ vô thường, tại sao, vì sanh nhơn duyên vậy. Tất cả nhơn duyên sanh
pháp tức là khổ vậy. Nếu lúc pháp sanh tức là khổ, tức là nhọt ghẻ, tức là
hữu chi, tức là sanh lão, tức là sanh diệt.
Nầy Kiều Trần Như ! Nhãn tức là vô thường
khổ, nhãn sanh ấy tức là khổ, là nhọt ghẻ, là hữu chi, là sanh lão, tức là
sanh diệt.
Như nhãn, nơi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý
cũng vậy.
Nầy Kiều Trần Như ! Nếu Nhãn diệt thì tức
là sanh, lão, bịnh, tử diệt, tất cả hữu chi diệt, nhẫn đến ý cũng như vậy.
Vì chúng sanh chẳng biết nhãn sanh diệt nên
lưu chuyển trong ngũ đạo.
Đức Như Lai vì giúp nhãn sanh diệt nên diễn
thuyết pháp, cũng vì nói khổ đoạn khổ hành pháp.
Vì vậy nên Như Lai là Đại Phạm trong Phạm,
là Đại Thiên trong Thiên, là Đại Tượng trong Tượng, là Đại Sa Môn trong Sa
Môn, là Đại Bà La Môn trong Bà La Môn, là Đại Từ trong Từ, là Đại Bi trong
Bi, là Vô Thượng Tôn, là Đại Trượng Phu, đã đến bờ kia của biển lớn sanh
tử, là tối đại phước điền, là vô thắng thí chủ, tâm thường bình đẳng, là
đại Pháp Vương trì đại cấm giới, là vô thượng tinh tiến khéo tu phạm hạnh,
biết rõ chánh đạo làm đại Đạo Sư thông đạt các nghiệp khác.
Nầy Kiều Trần Như ! Vì khéo biết nhãn sanh
diệt nhơn duyên nên gọi là Như Lai. Vì chẳng biết rõ nhãn sanh diệt nhơn
duyên nên gọi là phàm phu.
Thế nào là chẳng biết mà gọi là phàm phu ?
Nầy Kiều Trần Như ! Tất cả chúng sanh đều
nói có ngã, do đây nên chẳng biết tướng nhãn sanh diệt mà phải luân chuyển
ngũ đạo.
Nầy Kiều Trần Như ! Có các nhà ngoại đạo
nói rằng kiến là ngã, đến nói rằng tri ấy là ngã, nhãn ấy là nhơn duyên
của ngã, đến ý ấy là nhơn duyên của ngã. Họ nói nhãn dụ như lỗ trống, ngã
dụ như thấy. Nếu như vậy thì gọi là điên đảo, tại sao ? Vì thấy được nói
đó là hoà hiệp, ở trong hòa hiệp mà cho là ngã nên là điên đảo.
Nếu nói lỗ trống dụ cho nhãn, còn thấy dụ
cho ngã, nghĩa nầy chẳng đúng. Tại sao ? Vì trong lỗ trống mà thấy đó,
cũng có thấy, cũng có nghe, cũng có biết, cũng cảm xúc mà nhãn thì không
có như vậy. Vì vậy nên thấy ấy chẳng được gọi là ngã.
Lỗ trống dầu lâu cũ mà thấy vẫn tỏ rõ. Nhãn
nếu lâu cũ thì chẳng được như vậy.
Ngã ấy gọi là thường. Nếu ngã là thấy là
nghe thì ngã là vô thường. Đã vô thường đâu được gọi là ngã.
Nầy Kiều Trần Như ! Vì điên đảo nhơn duyên
nên chúng sanh chẳng thấy tứ chơn đế. Như Lai đạt tướng điên đảo ấy nên
gọi là chánh trí. Ngã ấy tức là Như Lai.
Nếu có người biết được Như Lai ngã ấy,
người nầy có thể phá hoại tướng điên đảo. Nếu hoại điên đảo thì phá ma
nghiệp. Nếu phá ma nghiệp, người nầy có thể cứu khổ chư Long.
Nầy Kiều Trần Như ! Vì vậy nên nay Phật có
thể cứu khổ não chư Long Vương vậy”.
Nghe pháp ấy, tất cả chư Long Vương và
quyến thuộc vui mừng hớn hở lòng khổ não liền trừ đồng kính lễ nhứt tâm
quy hướng Tam bửu.
Phật nói pháp ấy rồi, tất cả đại chúng đều
hoan hỉ tín thọ phụng hành.
PHÁP HỘI NHỰT MẬT BỒ TÁT
THỨ SÁU MƯƠI
HẾT
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|