Nầy Bửu Kế! Ví như một thành ngang rộng một
do tuần có nhiều cửa ngõ đường hiểm trở tối đen nên rất kinh sợ, người nào
vào thành được thì hưởng nhiều an lạc. Có một người có một con trai rất
quý trọng mến yêu. Người ấy nghe thành kia nhiều an lạc như vậy liên bỏ
con trai lại để đi đến thành. Người ấy phương tiện qua được đường hiểm ác
đến cửa thành, một chưn vào thành chưa cất chưn kia liền nhớ con trai mình
tự nghĩ rằng: Ta chỉ có một đứa con, lúc đến thành sao chẳng cùng chung
vào. Ai có thể nuôi giữ nó cho nó khỏi khổ. Nghĩ vậy rồi người ấy bỏ thành
trở lại chỗ đứa con để dắt nó đi. Cũng như vậy, đại Bồ Tát thương xót chúng
sanh như con một, tu tập ngũ thần thông. Đã tu tập rồi sắp được tận lậu mà
chẳng thủ chứng. Tại sao, vì thương chúng sanh nên bỏ lậu tận thông nhẫn
đến đi trong phàm phu địa. Nầy Bửu Kế! Thành kia là dụ Đại bát Niết
bàn. Có nhiều cửa là dụ tám vạn các môn tam muội. Đường hiểm ác là dụ các
ma nghiệp. Đến cửa thành là dụ năm thần thông. Một chưn bước vào là dụ trí
huệ. Một chưn chưa bước vào là dụ Bồ Tát chưa chứng giải thoát. Nói một
con trai là dụ tất cả chúng sanh ngũ đạo. Nhớ lại con trai là dụ tâm đại
bi. Trở lại chỗ con trai là du điều chúng sanh. Có thể được giải thoát mà
chẳng chứng tức là phương tiện vậy. Nầy Bửu Kế! Đại Bồ Tát đại từ đại bi bất
khả tư nghị”. Bửu Kế Bồ Tát nói: "Bạch đức Thế Tôn! Như
lời Phật nói đại từ đại bi bất khả tư nghị. Như thánh giáo thì chẳng những
từ bi bất khả tư nghị, mà phương tiện và lực cũng bất khả tư nghị. Đại Bồ
Tát tỏ rõ tự biết sẽ được Vô thượng Bồ đề mà chẳng chứng đó. Vì chúng sanh
nên đại Bồ Tát hành nơi sanh tử chẳng bị sanh tử nhiễm ô. Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát có đủ pháp gì
mà ở trong sanh tử tâm chẳng nhàm hối?”. Đức Phật nói: "Nầy Bửu Kế! Đại Bồ Tát có
hai mười mốt pháp ở trong sanh tử tâm chẳng hối. Một là thiện pháp được tu cùng chung với từ
hành. Hai là tâm từ được tu cùng chung với đại bi hành. Ba là đại bi được
tu cùng chung với điều chúng sanh hành. Bốn là điều phục chúng sanh cùng
chung với tinh tiến hành. Năm là tinh tiến được tu cùng chung với thiện
tâm chung hành. Sáu là thiện tâm được tu cùng chung với phương tiện chung
hành. Bảy là phương tiện được tu cùng với hụê chung hành. Tám là huệ được
tu tập cùng với thiền định chung hành. Chín là thiền định được tu tập cùng
với thần thông chung hành. Mười là thần thông được tu cùng với trí chung
hành. Mười một là trí được tu tập cùng với dục chung hành. Mười hai là dục
được tu cùng với niệm chung hành. Mười ba là niệm được tu tập cùng với Bồ
đề tâm chung hành. Mười bốn là tâm Bồ đề được tu tập cùng với tứ nhiếp
pháp chung hành. Mười lăm là tứ nhiếp được tu tập cùng với cấm giới chung
hành. Mười sáu là cấm giới được tu tập cùng với đa văn chung hành. Mười
bảy là đa văn được tu tập cùng với như pháp trụ chung hành. Mười tám là
như pháp trụ được tu cùng với đà la ni chung hành. Mười chín là đà la ni
được tu tập cùng với vô ngại trí chung hành. Hai mươi là vô ngại trí được
tu cùng vơi trang nghiêm công đức chung hành. Hai mười mốt là công đức
được tu tập cùng với trí huệ trang nghiêm chung hành. Đây gọi là Bồ Tát hai mười mốt pháp ở tại
sanh tử tâm chẳng nhàm hối”. Bửu Kế Bồ Tát nói: "Bạch đức Thế Tôn! Thế
nào là Bồ Tát trang nghiêm tự thân cũng khiến chúng sanh được đại lợi
ích?”. Đức Phật nói: "Nầy Bửu Kế! Đại Bồ Tát nếu
có đủ đa văn thì gọi là tự trang nghiêm, vì chúng sanh diễn nói thì gọi là
đại lợi ích. Còn nữa, đại Bồ Tát được đại tổng trì gọi
là tự trang nghiêm, vì chúng sanh diễn nói gọi là đại lợi ích. Còn nữa, đại Bồ Tát không có phóng dật gọi
là tự trang nghiêm, điều phục chúng sanh gọi là đại lợi ích. Còn nữa, đại Bồ Tát có ba mươi hai tướng là
tự trang nghiêm, có đại trí huệ gọi là đại lợi ích. Còn nữa, đại Bồ Tát nhu nhuyến ngữ là tự
trang nghiêm, nói rồi như lời nói mà làm gọi là đại lợi ích. Còn nữa, đại Bồ Tát hay tất cả bố thí là tự
trang nghiêm, chẳng cầu quả báo gọi là đại lợi ích. Đây gọi là đại Bồ Tát trang nghiêm tự thân
cũng làm cho chúng sanh được đại lợi ích. Nầy Bửu Kế! Thưở quá khứ vô lượng a tăng kỳ
kiếp, kiếp ấy tên là Lạc Hỷ, trong kiếp ấy có Phật hiệu Nhứt Thiết Chúng
Sanh Lạc Niệm Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,
Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế
Tôn. Thế giới của Phật Nhứt Thiết Chúng Sanh Lạc Niệm ấy tên là Thiên
Quán. Nầy Bửu Kế! Tại sao kiếp ấy tên là Lạc Hỷ? Trong đại kiếp ấy có sáu vạn chư Phật xuất
thế. Lúc kiếp sơ ấy, Trời Thủ Đà Bà Thiên xướng rằng: Kiếp này sẽ có sáu
vạn đức Phật Như Lai xuất thế. Chúng sanh nghe rồi thảy đều lạc hỷ, nên
kiếp ấy có tên là Lạc Hỷ. Nầy Bửu Kế! Thế giới Thiên Quán ấy trang
nghiêm vi diệu không có hạn lượng, khoái lạc diệu hảo như cung trời không
khác, vì vậy mà thế giới ấy tên là Thiên Quán. Cõi ấy tất cả đều là chiên đàn làm đất
không có đất cát bụi bặm. Hơi thơm cõi ấy xông khăp vô lượng thế giới chư
Phật. Khắp mọi nơi trong cõi ấy sản xuất liên hoa, mỗi hoa có đại quang
minh chiếu khắp cõi ấy. Chúng sanh cõi ấy đều có thần thông chưn không đạp
đất, không có thai sanh, tất cả đều hoá sanh, không có sanh tử nữ nhơn,
cũng không có danh từ ba ác đạo. Tất cả chúng sanh đều dùng thiền hỷ làm
thực. Cõi ấy không có danh từ Nhị thừa. Tất cả chúng sanh cõi ấy đều dùng
chơn kim anh lạc thiên quan châu báu trang nghiêm thân mình. Dầu không cạo
râu tóc mặc y ca sa mà cũng được gọi là người xuất gia. Tại sao, Vì đối
với tất cả vật, chúng sanh cõi ấy xả bỏ mà chẳng tham vậy. Phật Như Lai cõi ấy, hình sắc như Phạm
Thiên. Phật ấy hiện thân Phạm Thiên vì chư Bồ Tát nói pháp yếu. Nếu các thế giới khác chư Bồ Tát thấy Phật
ấy rồi liền thọ đại hoan hỷ. Nầy Bửu Kế! Đức Phật ấy lúc muốn tuyên nói
chánh pháp giáo hoá thì thăng đại pháp toà ở phía trên đại chúng cao bằng
bảy cây đa la, thường lược thuyết pháp. Tại sao lược nói? Vì tất cả chúng sanh cõi
ấy căn tánh mãnh lợi vậy. Phật ấy nói pháp chỉ một câu mà các chúng sanh
hiểu trăm ngàn câu. Đức Phật ấy thường nói bốn tịnh pháp. Đó là
Ba la mật tịnh, trợ Bồ đề tịnh, thần thông tịnh và điều chúng sanh tịnh. Lúc ấy có Bồ Tát tên là Bửu Tụ bạch rằng:
"Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát trang nghiêm tự thân cũng làm cho
chúng sanh được đại lợi ích?”. Đức Nhứt Thiết Chúng Sanh Lạc Niệm Như Lai
ấy dạy rằng: "Nầy Bửu Tụ! Nếu Bồ Tát có đủ vô ngại trí thì gọi là trang
nghiêm, hay làm trí minh thì gọi là đại lợi ích. Lúc Phật ấy nói như vậy rồi có sáu ngàn Bồ
Tát được Vô sanh nhẫn”.. Bửu Tụ Bồ Tát lại bạch rằng: "Bạch đức Thế
Tôn! Thế nào là Bồ Tát trang nghiêm Bồ đề thọ?”. Đức Phật ấy nói: "Nầy Bửu Tụ! Nếu Bồ Tát có
thể tu bất phóng dật, đây gọi là trang nghiêm Bồ đề thọ. Bất phóng dật ấy là như pháp trụ. Như pháp
trụ là như thuyết mà trụ. Còn nữa, bất phóng dật ấy gọi là vô lượng
trang nghiêm, vô lượng bố thí, vô lượng trì giới, vô lượng nhẫn nhục, vô
lượng tinh tiến, vô lượng thiền định, vô lượng trí huệ, vô lượng Phật
pháp, vô lượng điều phục, vô lượng công đức trí huệ trang nghiêm, cúng
dường vô lượng chư Phật Thế Tôn vì đủ trí huệ vậy, vô lượng đa văn vì tăng
trí huệ vậy, vô lượng xa ma tha tỳ bà xá na. Thành tựu các pháp như vậy
gọi là trang nghiêm Bồ đề thọ, cũng hay mau được Vô thượng Bồ đề. Nầy Bửu Tụ! Tất cả pháp tá trợ Bồ đề do bất
phóng dật mà làm căn bổn, đủ đại trang nghiêm tất cả trí huệ, chẳng mất
tất cả thiện pháp, xa lìa tất cả phiền não, nhiếp thủ tất cả các pháp, nơi
tất cả pháp không có chướng ngại, điều phục các căn, thủ hộ các thiện pháp
không cho thối thất, biết thời phi thời, đầy đủ thập lực tứ vô uý Phật bất
cộng pháp đảnh pháp. Đây gọi là bất phóng dật”. Lúc Phật ấy nói pháp rồi, có vạn hai ngàn
Bồ Tát được Vô sanh nhẫn. Bửu Tụ Bồ Tát thưở xa xưa ấy, nay chính là
thân ông, Bồ Tát Bửu Kế vậy. Nầy Bửu Kế! Nay ông nên biết đủ bất phóng
dật đại Bồ Tát liền có thể trang nghiêm Bồ đề thọ. Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh điều
phục? Chúng sanh hành vô lượng vô biên bất khả tư
nghị, điều phục cũng vô lượng vô biên bất khả tư nghị, Bồ Tát hành cũng vô
lượng vô biên bất khả tư nghị. Đại Bồ Tát nhứt tâm chí tâm điều phục chúng
sanh. Nầy Bửu Kế! Có các chúng sanh nghe nói huệ
thí thì có thể điều phục. Hoặc có chúng sanh nghe nói trì giới mà được
điều phục. Hoặc có chúng sanh nghe nói thí và giới mà được điều phục. Hoặc
có chúng sanh do nhuyến ngữ mà được điều phục. Hoặc có chúng sanh do sân
ngữ mà được điều phục. Hoặc có chúng sanh đủ hai thứ ngữ mà được điều
phục. Hoặc có chúng sanh nghe nói thân nghiệp mà được điều phục. Hoặc có
chúng sanh nghe nói xả thân mà được điều phục. Hoặc có chúng sanh dùng
thắng mà điều phục. Hoặc có chúng sanh dùng cương điều phục. Hoặc có chúng
sanh nghe lời quở trách được điều phục. Hoặc có chúng sanh lúc bố thí điều
phục. Hoặc có chúng sanh lúc bị cướp điều phục. Hoặc có chúng sanh thấy
diệu sắc được điều phục. Thanh, hương, vị, xúc cũng như vậy. Hoặc có chúng
sanh thường gần gũi điều phục. Hoặc có chúng sanh ở xa thì được điều phục.
Hoặc có chúng sanh thấy Phật được điều phục. Hoặc có chúng sanh nghe pháp
được điều phục. Hoặc có chúng sanh nghe pháp vô thường mà được điều phục.
Khổ, không, vô ngã cũng như vậy. Hoặc có chúng sanh nghe tiếng bố thí được
điều phục. Tiếng giới, tiếng nhẫn, tiếng cần, tiếng định, tiếng huệ cũng
như vậy. Hoặc có chúng sanh nghe nói tất cả hữu vi vô thường mà được điều
phục. Hoặc có chúng sanh nghe tán thán Nhơn Thiên mà được điều phục. Hoặc
có chúng sanh nghe Thanh Văn thừa mà được điều phục. Hoặc có chúng sanh
nghe Bích Chi Phật thừa mà được điều phục. Hoặc có chúng sanh nghe Phật
thừa mà được điều phục. Hoặc dùng Tứ nhiếp mà được điều phục. Hoặc dùng
tam, nhị hoặc dùng một nhiếp mà được điều phục. Hoặc chẳng dùng Tứ nhiếp
mà được điều phục. Hoặc do nội thí, hoặc do ngoại thí, hoặc do nội ngoại
thí mà được điều phục. Hoặc có chúng sanh nghe nói sự khổ địa ngục, hoặc
khổ ngạ quỷ, súc sanh hoặc sự khổ loài người, loài trời mà được điều phục.
Hoặc nghe thuần lạc, hoặc nghe thuần khổ mà được điều phục. Hoặc nghe cả
khổ lạc mà được điều phục. Hoặc thấy hình tượng Tỳ Kheo, hoặc Tỳ Kheo Ni,
Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di hình tượng mà được điều phục. Hoặc do làm các thứ kỹ
nhạc mà được điều phục. Nầy Bửu Kế! Bồ Tát có thể biết những pháp
điều phục chúng sanh hành như vậy. Đây gọi là Bồ Tát có thể hành lục Ba la
mật, đầy đủ pháp tá trợ Bồ đề, đầy đủ thần thông điều phục chúng sanh. Nầy Bửu Kế! Nếu Bồ Tát có đủ bốn pháp thì
hay điều phục chúng sanh. Đó là tâm chẳng nhàm hối, chẳng tham những sự
vui, biết thời phi thời và biết rõ các tâm. Còn có bốn pháp là chánh ngữ, ái ngữ, tịnh
ngữ và như pháp ngữ. Còn có bốn pháp là với các chúng sanh tâm
không chướng ngại, tâm bi, tâm lợi ích và từ điều các căn. Còn có bốn pháp là thanh tịnh tự tâm,
thương mến tâm người, siêng làm tinh tiến và xa lìa thọ lạc. Vì vậy nên đại Bồ Tát điều phục hành vô
lượng vô biên bất khả tư nghị. Nầy Bửu Kế! Thưở quá khứ vô lượng a tăng kỳ
kiếp, có kiếp tên là Ái, Phật hiệu Quảng Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng,
Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ,
Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Thế giới Phật ấy tên là
Tịch Tĩnh. Đức Phật ấy có đại chúng Thanh Văn chín vạn
sáu ngàn ức người. Tám vạn bốn ngàn chư Bồ Tát đại chúng. Nhơn dân cõi ấy thọ mười bảy vạn hai ngàn
tuổi. Lúc ấy có một đại Vương Tử tên là Tài Công
Đức, dòng Bà La Môn, diện mạo đoan chánh mọi người thích thấy. Năm mười
sáu tuổi, Vương Tử ấy tự thị đoan chánh nên sanh kiêu mạn ban sơ chẳng
chịu hướng Phật cung kính lễ bái. Đức Quảng Quang Minh Như Lai nghĩ rằng:
Vương Tử ấy nay sắp thối Vô thượng Bồ đề, thiện căn chẳng thành thục. Nếu
có được thiện hữu thì Vương Tử ấy đến chỗ Phật nghe pháp thọ trì. Đức Như Lai ấy liền ở trong đại chúng tám
vạn bốn ngàn Bồ Tát hành trù mà bảo rằng: Trong đại chúng Bồ Tát có ai hay điều phục
con trai Bà La Môn ấy, ai có thể trong tám vạn bốn ngàn năm thường qua lài
nhà Vương Tử ấy, hoặc bị các sự khổ như mắng đánh mà chẳng hối. Trong số
tám vạn bốn ngàn Bồ Tát ấy không có một người nào lấy thẻ. Đức Phật ấy
xướng lần thứ hai, xướng lần thứ ba cũng như vậy. Khi lời Phật xướng gọi lần thứ ba xong, có
một Bồ Tát hiệu là Tịnh Tinh Tiến từ chỗ ngồi dậy trịch y vai hữu chấm đất
chắp tay bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi có thể đến nhà
Vương Tử ấy cam tâm chịu khổ”. Lúc nói lời ấy, cả tam thiên Đại Thiên thế
giới đại chấn động. Tất cả nhơn thiên đồng thanh xướng rằng: "Lành thay lành thay, thưa Đại Sĩ!”. Lúc ấy Bồ Tát Tịnh Tinh Tiến liền qua đứng
nơi cổng nhà Vương Tử Tài Công Đức. Vương Tử thấy, dùng lời ác mắng nhiếc, dùng
đất ném lấm mặt, dùng dao gậy ngói đá chém đập thân thể, mà Bồ Tát không
giận cũng không bỏ đi tâm chẳng mỏi nhàm. Trải qua một ngàn năm bị khổ như
vậy. Quá hai vạn năm mới được đến cổng thứ hai, quá tám vạn bốn ngàn năm
còn thiếu bảy ngày mới đến đứng được dưới cổng thứ bảy. Lúc bấy giờ Vương Tử Tài Công Đức thấy Bồ
Tát mới hỏi rằng: "Nầy Đạo Sĩ! Nay ông đến đây cầu sự gì?”. Nói xong, Vương Tử đối với Bồ Tát liền sanh
tâm bất tư nghị: Tại sao người nầy trải qua bao thời gian chịu nhiều sự
khổ mà lòng không mỏi nhàm. Vương Tử lần thứ hai thứ ba cũng hỏi rằng: "Nầy Đạo Sĩ! Nay ông đến đây cầu sự gì?”. Tịnh Tinh Tiến Bồ Tát biết Vương Tử tâm đã
điều phục liền nói kệ rằng:
Tất cả tài vật của thế gian
Vàng bạc lưu ly và pha lê
Và bốn cúng dường ta chẳng cần
Chỉ vì pháp mà ta đến đây
Đời này có Phật Quảng Quang Minh
Vì chúng sanh nói pháp vô thượng
Chúng sanh nghe rồi lìa phiền não
Cũng thọ vô lượng cam lộ vị
Chư Phật xuất hiện nơi thế gian
Còn khó hơn hoa linh thoại kia
Nay thế gian xuất hiện Như Lai
Ngài còn phóng dật chìm biển dục
Các chúng sanh thường đi trong tối
Đấng Vô thượng Giác ban đuốc huệ
Tự thị tài sắc sanh kiêu mạn
Mà chẳng chịu đến chỗ Thế Tôn
Tất cả tài bửu và mạng sống
Phật nói hai thứ đều vô thường
Chúng sanh nếu nghe cam lộ nầy
Chẳng đến chỗ Phật là phóng dật
Thưở xa xưa Ngài hành Bồ đề
Mời chúng sanh hứa ban pháp vị
Nay Ngài còn thuộc các phiền não
Điều phục sao được các phóng dật
Nay ta cầu Ngài đồng đến Phật
Phá hoại kiêu mạn lìa phiền não
Siêng tu tinh tiến xả quốc sự
Khiến Ngài lúc chết lòng chẳng hối. Vương Tử nghe lời kệ rồi xa lìa lòng kiêu
mạn, liền sanh tín tâm tán thán Tịnh Tinh Tiến Bồ Tát và sám hối sự làm
khổ hại cho Bồ Tát từ trước rồi thưa rằng: "Thưa Đại Sĩ! Nay tôi bỏ lìa quốc sự và ngũ
dục lạc thượng diệu, phá hoại kiêu mạn đến chỗ đức Phật để nghe pháp cam
lộ điều phục chúng sanh”. Vương Tử Tài Công Đức cùng tám vạn bốn ngàn
quyến thuộc mang hương hoa vi diệu theo Bồ Tát Tịnh Tinh Tiến đến chỗ
Phật. Đến rồi dâng hương hoa cúng dường phá kiêu
mạn chí tâm nghe pháp. Vương Tử lòng hoan hỷ kính lễ chưn phật quỳ
dài chắp tay hướng lên Phật bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi quy y Tịnh Tinh
Tiến Bồ Tát là người chịu khổ nhục hàng vạn năm lòng chẳng sân hận chẳng
nhàm hối để điều phục tôi. Dầu tôi có cúng dường bao nhiêu cũng không báo
đáp được ơn nặng ấy. Nay tôi ở trước Phật chí tâm sám hối. Tôi trước tu hành Bồ đề đạo, dùng tâm từ bi
điều phục chúng sanh, tôi chẳng còn sanh lòng phóng dật nữa nhẫn đến được
đạo Bồ đề”. Vương Tử Tài Công Đức liền bỏ vương vị, ở
trong Phật pháp xuất gia nghe học chánh pháp như pháp mà trụ được vô sanh
nhẫn. Nầy Bửu Kế ! Ông có biết thưở ấy Tịnh Tinh
Tiến là ai chăng? Nay chính là thân ta, Thích Ca Mâu Ni Phật. Còn Vương Tử
Tài Công Đức ấy, nay là Di Lặc Bồ Tát vậy. Nầy Bửu Kế! Vì vậy nên đại Bồ Tát điều
chúng sanh vô lượng vô biên bất khả tư nghị. Nếu Bồ Tát có thể điều phục
chúng sanh, đây chơn thiệt là nghiệp hành được tu của Bồ Tát. Nầy Bửu Kế ! Bồ Tát có bốn thứ nghiệp: Một là Bồ Tát nghiệp tịnh Phật quốc độ. Hai
là Bồ Tát tịnh nghiệp thân. Ba là Bồ Tát nghiệp tịnh khẩu. Bốn là Bồ Tát
nghiệp cầu tất cả Phật pháp. Còn có bốn nghiệp. đó là tri tâm, tri căn,
tri bịnh và tri trị”. Bửu Kế Bồ Tát nghe pháp ấy rồi, liền lấy
châu chơn bửu trên búi tóc mình, châu ấy giá trị vô lượng, nó từ vô lượng
Bồ Tát nghiệp xuất sanh, dâng lên cúng dường Như Lai và phát thệ nguyện
rằng: "Nay tôi đem đảnh châu này cúng Phật, nguyện công đức cúng đảnh châu
nầy làm nhơn đầu cho chúng sanh, do nhơn duyên nầy được vô thượng trí”. Đức Thế Tôn liền mỉm cười, từ miệng Phật
phóng ra đại quang minh nhiều màu sắc làm luốt mất tất cả ánh sáng khác. Tật Biện Bồ Tát liền đứng dậy chắp tay bạch
Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Nhơn duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười?”. Đức Phật nói: "Nầy Tật Biện! Ông có thấy
Bửu Kế dâng ta đảnh châu đó chăng?”. Tật Biện Bồ Tát nói: "Có thấy, bạch đức Thế
Tôn!”. Đức Phật nói: "Nầy Tật Biện! Bửu Kế Bồ Tát
đã ở chỗ vô lượng vô biên chư Phật phát tâm Vô thượng Bồ đề, trì giới tinh
tiến cầu Bồ đề đạo, cúng dường vô lượng hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn,
cũng đã điều phục vô lượng hằng hà sa số chúng sanh. Bửu Kế Bồ Tát ở đời vị lai quá mười a tăng
kỳ kiếp sẽ được Vô thượng Bồ đề hiệu là Bửu Xuất Như Lai, thế giới tên là
Tịnh Quang, kiếp ấy tên là Vô Cấu. Thế giới của Phật Bửu Xuất ấy thất bửu
làm nên, quang minh chiếu khắp mười phương thế giới, tất cả nhơn dân không
có đói khát, đều là thanh tịnh Bồ Tát, tai họ không hề nghe danh từ Nhị
thừa, thường nghe pháp thuần nhứt Đại thừa, vì vậy mà Phật ấy có hiệu là
Bửu Xuất. Tất cả Bồ Tát cõi Tịnh Quang ấy có đủ thần thông. Thế giới ấy
không có vua chúa, chỉ có Phật Pháp Vương. Tất cả chúng sanh đều hoá sanh,
cũng không có danh từ nam nữ và ba ác đạo. Không có chúng sanh nào mà thân
thể chẳng đầy đủ các căn, cũng không có chúng sanh biên địa, thọ mạng của
họ là bốn vạn trung kiếp. Đức Phật Bửu Xuất ấy không diễn nói sự gì khác
ngoại trừ lục Ba la mật. Chư Bồ Tát cõi Tịnh Quang ấy có đủ từ bi lợi căn
trí huệ, nghe Phật nói một câu liền tỏ hiểu ngàn câu. Đức Phật Bửu Xuất ấy thường vì tất cả Bồ
Tát nói đà la ni Kim cương cú. Sao gọi là đà la ni Kim cương cú? Đà la ni Kim cương cú ấy tức là nhứt cú.
Một cú như vậy liền nhiếp hết tất cả pháp cú, vô tận pháp cú. Sao gọi là
vô tận pháp cú? Vì tất cả chư Phật đều chẳng thể tận được, nên gọi là vô
tận pháp cú. Hành vô tận pháp cú thì nhiếp tất cả tự.
Tất cả tự ấy nhiếp hết tất cả pháp cú. Nhứt thời chẳng được nói nhị tự
nhứt tự, cũng lại chẳng hiệp nhị tự, vì vậy nên gọi là nhứt cú, gọi là tác
cú, gọi là tự cú. Nếu chẳng phân biệt tự cú pháp cú tác cú thì gọi là đà
la ni Kim cương cú. Nầy Tật Biện! Đà la ni Kim cương cú như
vậy, Phật Bửu Xuất ấy thường vì chư Bồ Tát diễn nói. Nầy Tật Biện! Hoặc một kiếp hoặc giảm một
kiếp ta nói công đức của Phật Bửu Xuất ấy cũng chẳng thể hết được”. Bửu Kế Bồ Tát nghe đức Phật thọ ký cho mình
rồi tâm đại hoan hỷ nói kệ tán thán:
Tất cả tri kiến tất cả sự
Được đến bờ kia tất cả pháp
Xa lìa tất cả các phiền não
Vì vậy gọi Phật đấng Vô thượng
Tôi đã cúng dường vô lượng Phật
Như Lai đều biết rõ tất cả
Như Lai chứng được vô thượng trí
Nên biết tam thế không chướng ngại
Như Lai nay thọ ký cho tôi
Khiến tôi xa lìa lòng nghi ngại
Tôi cũng sẽ được chơn thiệt đạo
Như nay Thích Ca Mâu Ni Phật
Tất cả đại địa đều khiến tan
Hư không nhựt nguyệt khiến rớt đất
Lời nói của Phật không có hai
Nên tôi quyết định được Bồ đề
Chánh ngữ thiệt ngữ vi diệu ngữ
Thọ ký tôi Vô thượng Bồ đề
Nếu tôi chơn thiệt được Bồ đề
Sẽ khéo điều phục vô lượng chúng
Cõi nước tịnh diệu tôi sẽ được
Và cùng đại chúng Phật đã ghi
Nay tôi nghe pháp vô thượng nầy
Phá nghi thẳng đến Bồ đề đạo
Nay tôi tinh tiến tu Bồ đề
Điều phục chúng sanh lòng chẳng hối
Nay phật nói tín lực của tôi
Vô thượng trí huệ và Phật lực. Lúc Phật thọ ký, có vạn hai ngàn chúng sanh
phát tâm Vô thượng Bồ đề đều nói rằng: "Nguyện tôi đều sẽ được sanh thế
giới ấy”. Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A Nan rằng: "Nầy A
Nan! Ông nên thọ trì chánh pháp như vậy, đọc tụng rộng nói để đại lợi ích
cho chư Thiên thế nhơn. Nầy A Nan! Nếu có chúng sanh tín thọ kinh
nầy, người ấy quyết định sẽ được ta thọ ký. Nầy A Nan! Nếu đem thất bửu đầy trong tam
thiên Đại Thiên thế giới cấp thí chúng sanh mãn một ngàn năm chẳng bằng
người thọ trì đọc tụng thơ tả kinh điển nầy”. Tôn giả A Nan bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế
Tôn! Kinh nầy tên là gì và phụng trì như thế nào?”. Đức Phật nói: "Nầy A Nan! Kinh nầy tên là
Phương Đẳng Đại Tập Đại Đà La Ni Đại Thiện Hành Bồ Tát Nhập Xứ”. Nghe Phật nói kinh nầy rồi, Tôn giả A Nan
và chư Thiên hàng thế nhơn đều rất hoan hỷ tín thọ phụng hành.
PHÁP HỘI HƯ KHÔNG MỤC
THỨ NĂM MƯƠI CHÍN
HẾT.
--- o0o ---
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|