Trung đạo như vậy, trí huệ thế gian chẳng
thể thấy được, chẳng tuyên nói được, chẳng hiển thị được, không có tướng
mạo, không sắc, không xứ, không thủ, không xả, là thanh tịnh là tịch tĩnh.
Nầy Bửu Kế! Về trung đạo ấy, chẳng thể nhãn
thấy được nhẫn đến chẳng thể thân xúc được, cũng không chỗ đến, cũng thế
cũng xuất thế, chẳng tuyên nói được, chẳng phải nhiều chẳng phải ít, nên
gọi là trung đạo.
Nầy Bửu Kế! ngã cùng vô ngã gọi là nhị
biên.
Nếu có Bồ Tát nói rằng: Chẳng thường chẳng
đoạn, chẳng mạng căn chẳng sĩ phu, chẳng tưởng chẳng chẳng tưởng, chẳng
giác chẳng chẳng giác, chẳng thiệt chẳng hư, chẳng thử chẳng bỉ, chẳng hữu
chẳng vô, chẳng hữu vi chẳng vô vi, chẳng hành chẳng hành chẳng chẳng
hành, chẳng sanh tử chẳng Niết bàn. Đây gọi là trung đạo.
Còn nữa, nầy Bửu Kế! Đại Bồ Tát quán pháp
pháp niệm xứ chẳng phân biệt pháp giới. Như pháp giới, chúng sanh giới
cũng vậy. Hai giới như vậy gọi là hư không giới. Pháp giới ấy tức là chúng
sanh giới. Chúng sanh giới ấy tức là vô phân biệt. Đây gọi là quán sát tất
cả pháp bình đẳng, thấy tất cả giới tức là pháp giới. Dầu thấy rành rõ mà
tâm chẳng thủ trước, vì không trước thì không phân biệt.
Đại Bồ Tát chẳng dùng nhục nhãn, thiên
nhãn, huệ nhãn quán pháp niệm xứ, tại sao, vì ba nhãn như vậy không có
tướng mạo. Vì thế nên quán pháp, Bồ Tát dùng pháp nhãn. Dầu tỏ rõ biết mà
Bồ Tát tâm chẳng trước. Dầu chẳng trước mà chẳng mất pháp giới, đây gọi là
phật trí. Có thể biết thậm thâm pháp giới như vậy mà chẳng mất nơi Nhứt
thiết trí niệm. Đây gọi là Bồ Tát tu pháp pháp niệm xứ.
Nầy Bửu Kế! Đại Bồ Tát cớ chi tu tập bốn
niệm xứ ấy, vì muốn xa lìa bốn điên đảo vậy. Tu thân niệm xứ để lìa tịnh
đảo. Tu thọ niệm xứ để lìa lạc đảo. Tu tâm niệm xứ để lìa thường đảo. Tu
pháp niệm xứ để lìa ngã đảo.
Còn lìa bốn thứ thực: tu thân niệm xứ để
lìa đoàn thực, tu thọ niệm xứ để lìa xúc thực, tu tâm niệm xứ để lìa thức
thực, tu pháp niệm xứ để lìa tư thực.
Còn xa lìa bốn trụ xứ của thức. Tu thân
niệm xứ xa lìa trụ sắc xứ. Tu thọ niệm xứ lìa trụ niệm xứ. Tu tâm niệm xứ
lìa trụ tưởng xứ. Tu pháp niệm xứ lìa trụ hành xứ.
Vì lìa ngũ ấm mà tu Tứ niệm xứ. Tu thân
niệm xứ, để lìa sắc ấm. Tu thọ niệm xứ, để lìa thọ ấm. Tu tâm niệm xứ, để
lìa thức ấm. Tu pháp niệm xứ, để lìa tưởng hành ấm.
Đây gọi là Bồ Tát tịnh Tứ niệm xứ hành.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh Tứ chánh
cần hành?
Đại Bồ Tát thường thích tu tập tất cả thiện
pháp.
Ác pháp chưa sanh vì chẳng sanh mà siêng tu
tinh tiến. Ác pháp đã sanh vì xa lìa mà siêng tu tinh tiến. Thiện pháp
chưa sanh vì sanh mà siêng tu tinh tiến. Thiện pháp đã sanh vì trụ vững
chẳng mất mà siêng tu tinh tiến.
Đại Bồ Tát nơi vô lượng đời tu tập thiện
hành vì vậy nên tánh thiện chẳng dùng phương tiện khiến ác chẳng sanh. Nếu
Bồ Tát tu Tứ chánh cần thì tâm được tự tại.
Chánh cần ấy, Bồ Tát lúc ấy tâm và tâm số
cùng đại từ đại bi hoà hiệp cộng hành, đây gọi là chánh cần.
Bồ Tát lúc bấy giờ kế thứ tu Tứ như ý túc
là dục, tâm, tiến và huệ.
Chuyên niệm chí tâm niệm nơi Bồ đề đây gọi
là dục.
Vì tu đại bi nên giác tâm nhẹ nhàng tiện
lợi đây gọi là tâm.
Xa lìa ác pháp đây gọi là tinh tiến.
Vì được phương tiện nên gọi là huệ.
Bồ Tát tu Tứ như ý túc rồi được bốn tự tại.
Một là thọ mạng tự tại. Do tự tại nên dầu sanh đoản thọ mà tự được trường
thọ để điều phục chúng sanh cùng kẻ trường thọ, nên diễn nói chánh pháp. Ở
trong trường thọ có thể hiện đoản thọ. Tuỳ xứ nào Bồ Tát thọ sanh hoặc
Trời hoặc loài người, Bồ Tát đều được thọ mạng tự tại.
Hai là thân được tự tại. Do tự tại nên tuỳ
tâm mà làm thân, tuỳ tâm mà làm sắc, thị hiện oai nghi vì chúng sanh vậy.
Bồ Tát nếu muốn thân mình cùng thân chúng sanh đồng cao lớn nhỏ bé đều có
thể tuỳ tâm làm được cả.
Ba là được pháp tự tại. Vì tự tại nên có
thể biết tất cả pháp thế gian tất cả pháp xuất thế. Chỉ dạy các chúng sanh
tất cả thế sự, nơi xuất thế hành tâm cũng chẳng thối thất, biết rõ thậm
thâm thập nhị nhân duyên được vô ngại trí có thể vì chúng sanh nói các
pháp. Vô lượng chúng sanh nghe pháp ấy rồi phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Bốn là nguyện được tự tại. Do tự tại nên có
thể khiến bốn đại hải hiệp làm một mà chẳng lai chẳng khứ, không có động
chuyển như cũ không khác. Cũng có thể khiến tất cả Tu Di sơn trong tam
thiên Đại Thiên thế giới hiệp làm một mà chẳng lai chẳng khứ không có động
chuyển như cũ không khác, với Tứ Vương Thiên Đao Lợi Thiên không có phòng
ngại. Nếu muốn khiến tam thiên Đại Thiên thế giới đều làm kim bửu, thất
bửu, chiên đàn, anh lạc, hương hoa, hư không, thuỷ, hỏa đều tuỳ ý thành
cả. Đây gọi là Bồ Tát được tứ tự tại.
Nầy Bửu Kế! Bồ Tát được Tứ như ý túc thì
được diện kiến thập phương chư Phật cùng nói năng đi đứng một chỗ. Cũng
diện kiến tất cả Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương cùng Thiên, Long, Dạ
Xoa, Bát Bộ Thần đồng nói năng đi đứng một chỗ.
Thế nào là trang nghiêm Tứ như ý túc?
Nầy Bửu Kế! Nếu Bồ Tát có thể cúng dường
cha mẹ, Hoà thượng, Sư trưởng kỳ cựu có đức, thấy các chúng sanh tiên ý
thăm hỏi, dịu dàng nói năng như lời mà làm, xem các chúng sanh tâm mình
bình đẳng, thiện tâm, chánh tâm, cung kính tâm, tàm quí tâm, xa lìa tham
dục sân khuể ngu si, không khi, không kiêu, không đố kỵ, không xan tham,
kinh doanh sự nghiệp người như làm cho mình, người không có thế lực giúp
họ thế lực, đường bùn lầy lấy đất đá lấp, nơi sông rạch bắc cầu làm đò,
hoặc dùng thân mang gánh, hoặc cho thuyền chở, thường thí cho chúng sanh
vật cần dùng, miệng chẳng nói sự suy não của người, cũng chẳng chê chọc
người phạm tội, người có phạm tội hay như pháp trừ, ngăn các phiền não
chẳng cho sanh khởi, vật mình trọng thích có thể đem cho, đã cho rồi tâm
không hối, vì các chúng sanh mà phát nguyện hồi hướng, tín tâm dùng thiện
pháp khuyên các chúng sanh chẳng tiếc thân mạng, thiểu dục tri túc nơi lợi
dưỡng của người lòng không hi vọng, thường niệm xuất gia cũng khuyên
người, niệm thiện tri thức lòng không xa rời, trong oán thân bình đẳng
không hai, đem các thứ xe cho người đi đường, với người ốm thiếu thí cho
giường nệm, kẻ bị khủng bố có thể cứu hộ, xem các chúng sanh như cha mẹ,
chẳng khi người huỷ giới, đem tài vật cho kẻ nghèo, người bịnh gầy cho
thuốc men, thi ơn nơi người chẳng tự kể nhắc, trọn chẳng đoạn tuyệt Tam
bửu chủng tánh, thường niệm vô vi xa lìa thế sự tất cả các pháp ác bất
thiện, chẳng bị thế pháp nhiễm ô, chẳng mất niệm Bồ đề chí tâm.
Đây gọi là Bồ Tát trang nghiêm tịnh Tứ như
ý túc hành.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh Ngũ căn
hành?
Bồ Tát tín tâm chẳng thể động chuyển gọi là
tín căn. Chẳng do người dạy bảo mà tự hành tinh tiến gọi là tinh tiến căn.
Thường niệm Bồ đề không quên gọi là niệm căn. Thường tu đại bi gọi là định
căn. Nhiếp thủ thiện pháp gọi là huệ căn.
Còn nữa, tin các Phật pháp không động
chuyển gọi là tín căn. Tự cầu các Phật pháp gọi là tinh tiến căn. Thường
niệm các Phật pháp gọi là niệm căn. Được phật tam muội gọi là định căn.
Dứt các lưới nghi gọi là huệ căn.
Còn nữa, tâm hướng Bồ đề không nghi gọi là
tín căn. Tăng trưởng thiện pháp gọi là tinh tiến căn. Cầu thiện phương
tiện gọi là niệm căn. Xem các chúng sanh lòng bình đẳng gọi là định căn.
Quán thấy chúng sanh thượng trung hạ căn gọi là huệ căn.
Còn nữa, tâm thanh tịnh không trược cấu gọi
là tín căn. Phá các tâm trược cấu gọi là tinh tiến căn. Thường niệm pháp
thanh tịnh gọi là niệm căn. Quán tâm tánh thanh tịnh gọi là định căn. Hay
khiến chúng sanh trụ pháp thanh tịnh gọi là huệ căn.
Còn nữa, xa lìa tất cả pháp tệ ác gọi là
tín căn. Cầu các thiện pháp gọi là tinh tiến căn. Được thiện pháp rồi
chẳng mất gọi là niệm căn. Đã được thiện pháp như thiện pháp mà trụ gọi là
định căn. Tư duy các pháp thiện bất thiện và vô ký gọi là huệ căn.
Còn nữa, tín căn là tâm bố thí. Tinh tiến
căn tức là ưa thí không thôi nghỉ. Niệm căn là sau khi thí chẳng cầu quả
báo. Định căn là bình đẳng thí không có phân biệt. Hụê căn là chẳng quán
sát phước điền và chẳng phước điền.
Còn nữa, tín căn là tâm sơ nhập thiện pháp.
Tinh tiến căn là hay phá kiêu mạn. Niệm căn là rời ngã ngã sở. Định căn là
xa lìa tất cả sáu mươi hai kiến. Huệ căn là xa lìa tất cả ác phiền não.
Đây gọi là Bồ Tát tịnh Ngũ căn hành.
Thế nào là Bồ Tát tịnh Ngũ lực hành?
Nầy Bửu kế! Đại Bồ Tát có đủ Ngũ căn ấy
không bị các chúng ma phá hoại thì gọi là Ngũ lực.
Tất cả Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa
không bằng được, tất cả chúng sanh chẳng thể khiến thối thất Đại thừa tâm
được, tất cả phiền não chẳng thể phá hoại được, hay khiến có tâm thiểu dục
tri túc thân được đại lực, khéo che các căn được thân kim cương, đây gọi
là lực.
Nầy Bửu Kế! đại Bồ Tát lúc trụ tín lực trọn
chẳng tạo tác tất cả các ác. Lúc trụ tinh tiến lực hay tạo tất cả thiện
pháp. Lúc trụ niệm lực chẳng mất thiện pháp. Lúc trụ định lực chẳng bị ngũ
dục làm hư. Lúc trụ huệ lực xa lìa tất cả kiết phiền não.
Còn nữa, đại Bồ Tát lúc trụ tín lực chẳng
theo lời người. Lúc trụ tinh tiến lực cầu thiện pháp chẳng dứt. Trụ niệm
lực được đà la ni. Trụ định lực thuyết pháp bình đẳng. Lúc trụ huệ lực hay
phá tâm nghi tất cả chúng sanh.
Còn nữa, đại Bồ Tát lúc trụ tín lực thấy
tội lỗi xan tham. Lúc trụ tinh tiến lực xa lìa xan tham. Lúc trụ niệm lực
đem thiện pháp đã tu hồi hướng Bồ đề. Lúc trụ định lực tâm bình đẳng. Lúc
trụ huệ lực trọn chẳng cầu quả báo do bố thí, trì giới, thiền định.
Còn nữa, đại Bồ Tát lúc trụ tín lực hay lìa
tất cả trược cấu phá giới. Lúc trụ tinh tiến lực chí tâm đủ tịnh giới. Lúc
trụ niệm lực đem trì tịnh giới ấy phát nguyện hồi hướng Bồ đề. Lúc trụ
định lực đủ thanh tịnh địa. Lúc trụ huệ lực xa lìa tác giới.
Còn nữa, đại Bồ Tát lúc trụ tín lực xa lìa
tâm sân hận. Lúc trụ tinh tiến lực tu tập nhẫn nhục. Lúc trụ niệm lực đem
nhẫn nhục đã tu nguyện hồi hướng Bồ đề. Lúc trụ định lực thủ hộ các chúng
sanh. Lúc trụ huệ lực chẳng quán chúng sanh sĩ phu thọ mạng.
Còn nữa, đại Bồ Tát lúc trụ tín lực xa lìa
giải đãi. Lúc trụ tinh tiến lực các thiện pháp đã tu đều đến bờ cứu cánh.
Lúc trụ niệm lực đem tinh tiến đã tu nguyện hướng Bồ đề. Lúc trụ định lực
thân tâm tịch tĩnh. Lúc trụ huệ lực chẳng làm thiện ác.
Còn nữa, đại Bồ Tát lúc trụ tín lực xa lìa
tất cả sự vội gấp. Lúc trụ tinh tiến lực siêng cầu thiền chi. Lúc trụ niệm
lực đem định đã tu nguyện hướng Bồ đề. Lúc trụ định lực tâm thường định.
Lúc trụ huệ lực chẳng trước các định.
Còn nữa, đại Bồ Tát lúc trụ tín lực xa lìa
vô minh. Lúc trụ tinh tiến lực siêng cầu các thiện pháp. Lúc trụ niệm lực
đem trí đã tu nguyện hướng Bồ đề. Lúc trụ định lực tu thiện tư duy. Lúc
trụ huệ lực như pháp mà trụ.
Còn nữa, đại Bồ Tát lúc trụ tín lực có đủ
bảy lực. Lúc trụ tinh tiến lực được trụ thất giác chi. Lúc trụ niệm lực
được bát niệm xứ. Lúc trụ định lực được thất thức xứ. Lúc trụ huệ lực lìa
bát tà chi.
Còn nữa, đại Bồ Tát tâm ở nơi Bồ đề không
có thối chuyển gọi là tín lực tịnh tín lực hành. Chẳng thủ chẳng xả gọi là
tinh tiến lực tịnh tinh tiến lực hành. Tu tứ niệm xứ gọi là niệm lực tịnh
niệm lực hành. Điều phục tâm gọi là định lực tịnh định lực hành. Xa lìa
các kiến biết thiện phương tiện gọi là hụê lực tịnh huệ lực hành.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh thất
giác chi hành?
Đại Bồ Tát nếu trọn chẳng mất pháp trợ Bồ
đề đây gọi là niệm giác phần. Chẳng thủ chẳng xả Xa ma tha đây gọi là
trạch pháp giác phần. Lìa tất cả ác đây gọi là tinh tiến giác phần. Lìa
các sầu não đây gọi là hỉ giác phần. Thân tâm tịch tĩnh đây gọi là trừ
giác phần. Được vị giải thoát đây gọi là định giác phần. Sở tác đã xong
đây gọi là xả giác phần.
Còn nữa, chẳng bỏ Bồ đề tâm đây gọi là niệm
giác phần. Chí tâm hộ pháp đây gọi là trạch giác phần. Điều các chúng sanh
chẳng thôi nghỉ gọi là tinh tiến giác phần. Đầy đủ thiện pháp gọi là hỉ
giác phần. Lìa các phiền não gọi là trừ giác phần. Hay khiến các chúng
sanh trụ trong tam muội gọi là định giác phần. Khiến các chúng sanh đều
biết pháp tướng gọi là xả giác phần.
Còn nữa, đại Bồ Tát chẳng niệm Thanh Văn
thừa, Bích Chi Phật thừa gọi là niệm giác phần. Phân biệt tất cả pháp tự
cú nghĩa gọi là trạch giác phần. Lúc cầu thiện pháp ba nghiệp không thôi
nghỉ gọi là tinh tiến giác phần. Lìa tâm oán thân gọi là hỉ giác phần. Như
pháp mà trụ gọi là trừ giác phần. Tuỳ các thế gian mà hay điều phục gọi là
định giác phần. Chẳng quán hai pháp gọi là xả giác phần.
Nầy Bửu Kế! Trợ Bồ đề ấy giác tất cả pháp,
biết tất cả pháp, phân biệt các pháp, tính lường các pháp, biết các chúng
sanh tâm tánh tâm hành, đây gọi là Bồ đề phần cũng gọi là thánh hành.
Thánh hành như vậy chẳng phải sở hành của
tất cả phàm phu chúng ma tà kiến, chẳng phải sở hành sắc, thanh, hương,
vị, xúc, chẳng phải tất cả pháp hành tất cả tướng, tất cả thọ, các tâm ý
thức kiến văn giác tri, hữu tưởng, vô tưởng, nên gọi là thánh hành.
Thánh hành ấy chẳng phải giác chẳng phải
chẳng giác, cũng chẳng phải đại giác, mà có thể đối trị tất cả pháp, nhưng
lại chẳng tranh tụng với các pháp, đây gọi là thánh hành. Thánh hành ấy
tức là tá trợ Bồ đề.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh bát đạo
hành?
Bát đạo là chánh kiến. Thế nào là chánh
kiến?
Chánh kiến là thấy tất cả pháp thảy đều
bình đẳng. Chánh kiến như vậy chẳng gọi là không kiến, tại sao, vì tự có
chánh kiến chẳng phải là không kiến. Hai kiến như vậy cũng gọi là đồng
kiến. Còn có ngã kiến, chúng sanh kiến, không kiến, chẳng gọi là chánh
kiến. Ba kiến như vậy cũng lại đồng kiến. Lại có chúng sanh kiến, thọ mạng
kiến, không kiến, chẳng gọi là chánh kiến. Ba kiến như vậy cũng lại đồng
kiến. Còn có ngã kiến, đoạn kiến, không kiến, chẳng gọi là chánh kiến. Ba
kiến như vậy cũng lại đồng kiến. Còn có hữu kiến, vô kiến, không kiến,
chẳng gọi là chánh kiến. Ba kiến như vậy cũng lại đồng kiến.
Còn có bốn kiến: Phật kiến, Pháp kiến, Tăng
kiến và không kiến, đây gọi là chánh kiến. Bốn kiến như vậy chẳng gọi là
không kiến.
Nầy Bửu Kế! Nếu có người trước các kiến như
vậy thì chẳng gọi là chánh kiến. Tại sao vậy?
Luận về chánh kiến ấy là vô phân biệt, là
bình đẳng không có hai. Sao gọi là bình đẳng kiến?
Nếu suy nghĩ rằng: Phàm phu pháp là hạ, học
pháp là thượng, như vậy gọi là chẳng phải bình đẳng kiến.
Nếu suy nghĩ rằng: Phàm phu pháp là lậu,
học pháp là vô lậu; phàm phu pháp có thực, Duyên Giác pháp không thực;
phàm phu pháp cấu uế, Bồ Tát pháp thanh tịnh; phàm phu hữu vi, Phật vô vi,
các kiến như vậy chẳng phải bình đẳng kiến.
Nếu có thể quán sát phàm phu pháp đến Phật
pháp không có sai biệt mới gọi là bình đẳng kiến.
Nếu có thể quán phàm phu pháp không đến
Phật pháp không, đây gọi là chánh kiến.
Nếu quán phàm phu pháp từ nhơn duyên sanh,
Duyên Giác pháp cũng theo nhơn duyên sanh, đây mới gọi là chánh kiến.
Nếu quán phàm phu pháp tịch tĩnh, Bồ Tát
pháp tịch tĩnh, đây gọi là chánh kiến.
Nếu quán phàm phu pháp chẳng cụ túc, nhẫn
đến Phật pháp cũng chẳng cụ túc, đây gọi là chánh kiến.
Nếu quán ngã cùng vô ngã không có sai biệt,
vô sai biệt kiến mới gọi là chánh kiến.
Nếu là kiến như vậy thì chẳng thấy pháp
thượng trung hạ, nơi tất cả pháp cũng không có giác quán, đây gọi là chánh
kiến.
Chánh kiến ấy gọi là vô sở kiến. Vô sở kiến
ấy tức là chánh kiến.
Nếu là kiến như vậy, người ấy nhẫn đến
chẳng thấy một pháp, một pháp tướng mạo, một pháp quang minh.
Nầy Bửu Kế! Kiến như vậy gọi là chánh kiến
của Phật pháp vậy”.
Lúc nói pháp ấy, có năm trăm Tỳ Kheo được
quả A La Hán.
Đức Phật phán tiếp: "Nầy Bửu Kế! Thế nào là
chánh giác?
Chánh giác ấy lìa tất cả giác. Giác ấy gọi
là trí huệ phương tiện quán pháp biết pháp, đây gọi là chánh kiến.
Quán sát các pháp: gì là cấu gì là tịnh,
quán như vậy rồi đều chẳng giác tri bình đẳng cùng bất bình đẳng, rời lìa
tất cả giác, đây gọi là chánh giác.
Thế nào là chánh ngữ?
Khẩu phát ra lời chẳng tự đốt não cũng
chẳng não người, chẳng tự ô nhục cũng chẳng nhục người, chẳng tự sanh mạn
chẳng sanh kiêu mạn cho người, chẳng tự dối phỉnh chẳng dối phỉnh người,
đây gọi là chánh ngữ.
Còn nữa, chánh ngữ là phàm có nói thì nói
tất cả pháp thảy đều bình đẳng, khéo có thể phân biệt tướng hữu vi, đây
gọi là chánh ngữ.
Còn nữa, nói tất cả pháp không, vô tướng,
vô nguyện, vô sanh, vô diệt, vô xuất, vô một, đây gọi là chánh ngữ.
Còn nữa, nói hữu vi là khổ vô thường vô
ngã, Niết bàn tịch tĩnh, đây gọi là chánh ngữ.
Còn nữa, nếu nói tất cả chúng sanh đều
không có thọ mạng sĩ phu, tất cả các pháp theo nhơn duyên sanh theo nhơn
duyên diệt, dường như hột trái, đây gọi là chánh ngữ.
Tịnh chánh ngữ ấy tức là Phật ngữ. Đây gọi
là tịnh chánh ngữ hành.
Thế nào là chánh nghiệp?
Nếu nghiệp dầu có thể hoại tất cả nghiệp
cũng chẳng gọi là chánh nghiệp.
Nếu nghiệp có thể làm nhơn tịch tĩnh bất
tăng bất giảm, có thể hoại phiền não chẳng cho tăng trưởng, đây gọi là
chánh nghiệp.
Dầu biết nghiệp như vậy mà vẫn làm thiện
nghiệp, cũng quán các nghiệp thảy đều không tịch không có chắc thiệt là
khổ không lạc, đây gọi là chánh nghiệp.
Thế nào là chánh mạng?
Nếu mạng chẳng phòng ngại tự thân tha thân,
chẳng tăng tất cả các ác phiền não, chẳng phải ác nghiệp để sống, đây gọi
là chánh mạng.
Đại Bồ Tát nơi các chúng sanh tịnh nơi
chánh mạng, đem chánh mạng ấy nguyện hướng Bồ đề, đây gọi là chánh mạng.
Chánh mạng như vậy hay tự lợi lợi tha.
Thế nào là chánh tinh tiến?
Siêng làm phương tiện cầu các thiện pháp,
dục tâm chẳng dứt không có nhàm hối, đây gọi là chánh tinh tiến.
Suy cầu tánh bình đẳng của các pháp, cũng
chẳng quán các pháp bình đẳng cùng bất bình đẳng, chẳng làm chẳng phải
chẳng làm, biết rõ nơi như, pháp tánh và thiệt tánh, đây gọi là chánh tinh
tiến.
Tuyên nói các pháp khiến các chúng sanh lìa
tà tinh tiến, cũng biết hạnh được tu hành của chúng sanh, đây gọi là chánh
tinh tiến.
Thế nào là chánh niệm?
Nếu niệm thí giới nhẫn tinh tiến thiền định
trí huệ tứ vô lượng tâm, đây gọi là chánh niệm.
Còn có chánh niệm nhiếp thủ phiền não chẳng
cho vọng khởi, chẳng gần tất cả ác ma nghiệp, chẳng đoạ ác đạo chẳng khởi
ác tâm, thường tu tất cả pháp chánh thiện, xa lìa tất cả pháp tà ác, đây
gọi là chánh niệm.
Bồ Tát trụ trong chánh niệm ấy được chánh
tụ Sa Môn chánh quả. Đây gọi là chánh niệm.
Thế nào là chánh định?
Tu hành thánh hạnh, biết khổ lìa tập chứng
diệt hành đạo, đây gọi là chánh định.
Còn có chánh định quán tất cả pháp thảy đều
bình đẳng, nếu quán ngã tịnh thì tất cả cũng tịnh, nếu quán ngã không thì
tất cả cũng không, dầu quán như vậy mà chẳng nhập chánh vị, đây gọi là Bồ
Tát chánh định vậy.
Đại Bồ Tát trụ trong định ấy, khoảng một
niệm được Nhứt thiết trí, đây gọi là chánh định”.
Lúc nói pháp ấy, có một vạn hai ngàn Thiên
và Nhơn phát tâm Vô thượng Bồ đề.
"Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh thần
thông hạnh?
Thiên nhãn năm thứ đều hay nhìn thấy thập
phương thế giới, thấy thập phương thế giới chư Phật, thấy các chúng sanh
xuất sanh thối một, thấy tất cả mười phương không có chướng ngại hơn cả
Thanh Văn, Duyên Giác và hàng Thiên Nhơn. Bồ Tát có đủ năm sự như vậy thì
có thể tỏ rõ thấy tất cả pháp. Đây gọi là Bồ Tát tịnh thiên nhãn hành.
Đại Bồ Tát được thiên nhĩ thông nghe năm
thứ tiếng: Tiếng loài người, tiếng hàng phi nhơn, tiếng địa ngục, tiếng
thuyết pháp của thập phương chư Phật, tiếng ngữ ngôn của tất cả chúng
sanh. Đây gọi là Bồ Tát tịnh thiên nhĩ hành.
Thế nào là Bồ Tát tịnh tha tâm trí hành?
Tri tha tâm trí cũng có năm thứ: đều biết
tất cả tâm của tất cả Nhơn Thiên, biết rõ tâm của tất cả chúng sanh, địa
ngục, ngạ quỷ, súc sanh, biết tâm quá khứ, biết tâm vị lai, biết tâm hiện
tại. Đây gọi là Bồ Tát tịnh tha tâm trí hành.
Còn có tha tâm trí biết chúng sanh ấy là
chánh định tụ, là tà định tụ, là bất định tụ, biết chúng sanh ấy có tham,
có sân hay có si, đã biết rõ rồi tuỳ chỗ nên đáng mà thuyết pháp, chúng
sanh nghe pháp rồi được hoại phiền não. Đây gọi là Bồ Tát tịnh tha tâm trí
hành.
Thế nào là Bồ Tát tịnh túc mạng trí hành?
Bồ Tát biết rõ thân ấy từ tham sân si nhơn
duyên mà sanh, biết rõ thân ấy từ thí giới nhẫn tiến định huệ từ bi hỉ xả
nhơn duyên mà sanh, biết rõ thân ấy cụ túc chẳng cụ túc, biết rõ thân ấy
từ vô minh ái và bốn điên đảo sanh, biết rõ thân ấy do thí nhơn duyên nên
có đủ tài vật và các quyến thuộc. Các trí như vậy gọi là Bồ Tát tịnh túc
mạng trí hành.
Thế nào là Bồ Tát tịnh thần túc hành?
Thần túc hành ấy cũng có năm thứ:
Một là hiển thị hình sắc. Hai là hiểu các
thứ ngôn ngữ của chúng sanh mà vì họ thuyết pháp. Ba là khéo biết rõ tâm ý
thức v.v… Bốn là hay biết rõ tất cả pháp. Năm là hay diễn nói tất cả pháp.
Đây gọi là Bồ Tát tịnh thần túc hành.
Nầy Bửu Kế! Ngũ thần thông như vậy để vì
lậu tận, Bồ Tát tu tập ngũ thông mà chẳng tận lậu vì muốn biết rõ tất cả
pháp. Tại sao, vì để điều phục chúng sanh vậy.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|