Đông phương quá chín vạn hai ngàn thế giới
chư Phật, có thế giới tên là Thiện Hoa, có Phật hiệu Tịnh Trụ Như Lai, Ứng
Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng
Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn tuyên nói chánh pháp
để giáo hoá chúng sanh. Có một Bồ Tát tên là Bửu Kế cùng tám ngàn Bồ Tát
rời thế giới ấy muốn đến cõi nầy mang theo lọng báu vi diệu muốn dâng lên
Phật. Lọng báu ấy che khắp nhứt thiên Tiểu Thiên thế giới. Cũng còn mang
theo hương hoa muốn cúng dường Phật. Dùng âm thanh vi diệu nói kệ tán thán
Như Lai:
Nếu hàng nhơn thiên được thấy Phật
Thì tức là được lợi ích lớn
Như Lai trước thọ khổ vô lượng
Vì siêng tinh tiến được Bồ đề
Thưở trước tinh tiến được Bồ đề
Vượt hơn tất cả chư Bồ Tát
Vì khiến chúng sanh được lợi ích
Nên chuyển vô thượng chánh pháp luân
Như Lai như vậy khó được thấy
Chánh pháp Phật nói khó được nghe
Được thân loài người cũng là khó
Các căn đầy đủ cũng như vậy
Nếu các chúng sanh làm nghiệp ác
Cũng chẳng làm được ba nghiệp thiện
Nếu người muốn được đại lợi ích
Phải nên gặp thấy Thích Thế Tôn
Nếu muốn nghe học pháp vô thượng
Cùng thấy mười phương chư Bồ Tát
Đầy đủ ba mươi hai diệu tướng
Phải nên mau đến Đại Bửu Phường
Nay nếu chẳng trồng các thiện căn
Sau ắt chẳng được đại Niết bàn
Nếu muốn đầy đủ được thân người
Phải nên mau đến cõi Ta Bà
Nếu muốn phá hoại ba ác đạo
Muốn thọ nhơn thiên vi diệu lạc
Muốn được vô thượng vô tỉ lạc
Phải nên mau đến cõi Ta Bà
Y Vương nay ban vị cam lộ
Trừ diệt chúng sanh các phiền não
Như Lai Đạo Sư Đại Pháp Vương
Ngày nay nói pháp giới vô thượng.
Lúc Bửu Kế Bồ Tát nói kệ tán thán Phật, âm
thanh ấy vang khắp Đại Thiên thế giới.
Tôn giả Xá Lợi Phất nghe tiếng kệ ấy bạch
Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Tiếng nói kệ ấy diễn tại xứ nào?”.
Đức Phật nói: "Nầy Xá Lợi Phất! Đông phương
quá chín vạn hai ngàn thế giới chư Phật, có thế giới tên là Thiện Hoa, có
Phật hiệu là Tịnh Trụ Như Lai, có Bồ Tát tên là Bửu Kế cùng tám ngàn Bồ
Tát đều muốn đến đây. Tiếng nói kệ ấy là của Bửu Kế Bồ Tát ấy nói vang
khắp Đại Thiên thế giới đồng được nghe để khuyên các chúng sanh tu tập
thiện pháp”.
Bửu Kế Bồ Tát và tám ngàn Bồ Tát cùng vô
lượng nhơn thiên đến chỗ Phật đầu mặt lễ lạy bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế
Tôn! Thiện Hoa thế giới Tịnh Trụ Như Lai kính lời thăm hỏi Thế Tôn đi đứng
nhẹ nhanh khí lực an lành chăng, đại chúng có thích học chánh pháp chăng?
Bạch đức Thế Tôn! Tôi từ thế giới kia đến
đây để nghe Bồ Tát tịnh hạnh pháp ấn. Duy nguyên Như Lai đại từ thương xót
vì tất cả đại chúng mà phân biệt giải nói. Khiên chư Bồ Tát nghe rồi tu
tập, phá hoại tất cả phiền não tập khí, tu Bồ Tát hạnh biết rõ tất cả tâm
chúng sanh, có thể tu tất cả hành tướng của Bồ Tát, hay hiểu rõ được trí
huệ hành, hay biết tất cả phiền não hành, hay tu pháp hành của Bồ Tát tu,
hay quán sát sâu tất cả tội lỗi, thân được vô ngại, được thấy tất cả
Phật”.
Đức Phật nói: "Lành thay lành thay, nầy Bửu
Kế! Lắng nghe lắng nghe, nay phật sẽ nói một phần mười tịnh hạnh như vậy.
Nầy Bửu Kế! Đại Bồ Tát có bốn hạnh, đó là
Ba la mật hạnh, trợ Bồ đề hạnh, thần thông hạnh và điều phục chúng sanh
hạnh.
Ba la mật hạnh là nguyện phương tiện. Trợ
Bồ đề hạnh là tu tập đạo phương tiện. Thần thông hạnh là điều tâm phương
tiện. Điều phục chúng sanh hạnh là Bồ đề tâm kiên cố phương tiện.
Nầy Bửu Kế! Thế nào gọi là Đàn Ba la mật?
Đàn Ba la mật tức là tịnh hạnh, hay phá hoại si tâm, hay tu xả tâm, tu xả
tâm rồi hay bố thí tất cả. Nếu Bồ Tát hay bố thí tất cả thì được bốn thứ
vô phân biệt tâm, đó là chẳng phân biệt chúng sanh, chẳng phân biệt pháp,
chẳng phân biệt tâm và chẳng phân biệt nguyện cầu.
Chẳng phân biệt chúng sanh là chẳng phân
biệt kẻ đáng cho kẻ chẳng đáng cho, kẻ nầy cho nhiều kẻ kia cho ít, đây
cho phần thượng đây cho phần hạ, đây kính cho kia khinh cho, đây cho trọn
kia cho một phần, đây trì giới kia phá giới, đây phước điền kia chẳng
phước điền, đây được báo lớn kia chẳng báo lớn, đây chánh kiến kia tà
kiến, đây hành chánh tụ kia hành tà tụ v.v…
Lúc bố thí không tâm kiêu mạn, không có tâm
thượng hạ, không có tâm chướng ngại, là tâm bình đẳng, là tâm chơn chánh,
bình đẳng thí giới, bình đẳng từ bi, tâm không có phân biệt dường như hư
không. Đây gọi là chẳng phân biệt chúng sanh.
Chẳng phân biệt pháp là chẳng phân biệt
người học thì dạy người chẳng học thì chẳng dạy, với người học pháp thì
cho vật cần dùng, trọn chẳng quán sát với kẻ phàm phu thì chẳng nên ban
cho với bực Hiền Thánh thì nên ban cho. Đây gọi là chẳng phân biệt pháp.
Chẳng phân biệt tâm là quán sát các chúng
sanh tâm Bồ Tát đều bình đẳng, chẳng vì báo đáp mà bố thí, chẳng tham nội
ngoại vật mà bố thí, chẳng phải vì danh mà bố thí, chẳng cầu quả báo mà bố
thí, vật được mến thích đem bố thí rồi thì chẳng hối tiếc, vì nhiếp chúng
sanh nên làm việc bố thí. Đây gọi là chẳng phân biệt tâm.
Chẳng phân biệt nguyện cầu là lúc bố thí
chẳng vì cầu được thân Đế Thích, thân Phạm Vương, thân Ma Vương, thân
Chuyển Luân Vương, thân Trưởng Giả, thân Đại Thần, lại cũng chẳng vì cầu
được đại tự tại, được đại quyến thuộc, được cõi trên, cũng chẳng vì cầu
Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa nhẫn đến chẳng vì cầu Vô thượng Bồ đề
mà bố thí. Đây gọi là bất phân biệt nguyện vậy.
Nầy Bửu Kế! Lúc Bồ Tát tu bố thí đầy đủ
thành tựu bốn sự như vậy thì được xa lìa tám bất chánh kiến, đó là ngã
kiến, thường kiến, đoạn kiến, thọ mạng kiến, sĩ phu kiến, thường kiến,
đoạn kiến, hữu kiến, vô kiến. Lại còn xa lìa bốn thứ công đức hạ liệt, đó
là phàm phu công đức, Thanh Văn công đức, Duyên Giác công đức và những
công đức tu tập khác. Lại còn chẳng quán sát bốn tướng, đó là tướng
thường, tướng lạc, tướng ngã và tướng tịnh. Lại còn hay tịnh bốn pháp, đó
là tịnh thân, tịnh khẩu, tịnh tâm và tịnh nguyện. Lại còn xa lìa ba chướng
ngại, đó là quả báo ngại, Thanh Văn ngại và hối tâm ngại. Lại còn được xa
lìa ba sự bố uý, đó là kiêu mạn uý, thượng mạn uý và ma nghiệp uý. Lại còn
có đủ bốn thứ pháp ấn, chúng sanh ấn và Bồ đề không ấn. Lại còn đủ bốn thứ
tinh tiến, đó là vì đầy đủ cho chúng sanh nên tinh tiến, vì thủ hộ Phật
pháp nên tinh tiến và vì tịnh Phật độ nên tinh tiến. Lại còn được đủ bốn
niệm, đó là niệm Bồ đề tâm, niệm muốn thấy Phật, tâm thường niệm từ và
niệm rời lìa phiền não. Còn được tịnh ba sự, đó là tịnh tự thân, tịnh tha
thân và tịnh Bồ đề. Còn tịnh bốn trí, đó là tịnh giới trí, tịnh chúng sanh
mãn túc trí, tịnh nguyện trí và tịnh trợ Bồ đề trí.
Bồ Tát nếu có thể hành các pháp như vậy thì
có thể tịnh được Đàn Ba la mật.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh Thi Ba
la mật?”.
Có một thứ tịnh, đó là Bồ Tát thương xót
tất cả thế gian chúng sanh hơn hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật, lòng từ có
thể phá hoại ma nghiệp điều phục các chúng sanh đầy đủ vô lượng công đức
bửu tụ không có phóng dật.
Còn có hai thứ, đó là nơi các chúng sanh
chẳng có ác tâm và điều phục chúng sanh khiến họ hướng đến Bồ đề.
Còn có ba thứ, đó là tịnh thân vì xa lìa
tất cả ác nghiệp nơi thân vậy. Tịnh khẩu vì xa lìa tất cả ác nghiệp nơi
khẩu vậy. Tịnh ý vì xa lìa tất cả tham sân và tà kiến vậy.
Còn có bốn thứ, đó là khuyên các chúng sanh
khiến họ thọ trì giới cấm. Khuyên các chúng sanh khiến họ trì tịnh giới.
Có thể điều các người phá giới. Thấy người trì giới thì cúng dường cung
kính tôn trọng tán thán.
Còn có năm thứ, đó là trì giới rồi chẳng
sanh kiêu mạn. Thấy người phạm giới chẳng sanh khinh mạn. Thấy người trì
giới tâm không ganh ghét. Trọn chẳng cầu Thanh Văn thưa. Chẳng niệm Bích
Chi Phật thừa.
Còn có sáu thứ, đó là niệm Phật vì siêu quá
giới vậy. Niệm Pháp vì siêu quá giới rồi tâm không hối. Niệm Tăng vì đầy
đủ Như Lai giới vậy. Niệm giới vì chẳng cầu các quả báo trong tam giới.
Niệm thí vì có thể tất cả đều thí cho. Niệm thiên vì muốn đầy đủ tất cả
thiện pháp.
Còn có bảy thứ, đó là thâm tín tất cả Phật
pháp. Siêng tu tinh tiến để được Phật pháp. Đủ trí để biết tất cả Phật
pháp. Nghe rồi có thể nói tất cả Phật pháp. Hay cúng dường cha mẹ, Sư
trưởng, Hoà thượng. Sợ các ác nghiệp hiện tại và vị lai. Có tâm tàm quí.
Còn có tám thứ, đó là chẳng vì lợi dưỡng mà
hiển dị hoặc chúng. Chẳng nói sự của mình vì rời lìa tất cả vậy. Chẳng tán
thán cúng dường vì tâm tri túc vậy. Tu thánh chủng tánh vì thích thiện
pháp vậy. Tu pháp đầu đà vì chẳng tiếc thân mạng vậy. Thích tịch tĩnh vì
lìa nói thế sự vậy. Thâm tâm thích chánh pháp vì nhàm tam giới vậy. Chí
tâm hộ pháp chẳng tiếc thân mạng.
Còn có chín thứ, đó là lìa chín ác tâm vì
vượt quá chỗ ở của chín chúng sanh vậy. Niệm tịnh. Niệm tu. Tăng trưởng
thiện pháp. Tâm thích tịch tĩnh. Lìa phiền não nhiệt. Trang nghiêm Xa ma
tha. Siêng tu tinh tiến. Chẳng khi chúng sanh.
Còn có mười thứ, đó là tịnh thân ba nghiệp.
Tịnh khẩu bốn nghiệp. Tịnh ý ba nghiệp. Xa lìa tật đố. Lìa tâm siểm khúc.
Chí tâm niệm giới. Vì trì giới nên siêng tu tinh tiến. Lời dịu dàng để
điều chúng sanh. Thọ thân để chịu sự sai sử của chúng sanh. Nơi các phước
điền chẳng khinh mạn.
Nầy Bửu Kế! Bồ Tát tu Thi la Ba la mật có
hai thứ tịnh hạnh: Một là có tâm có tướng và trang nghiêm, thà bỏ thân
mạng trọn chẳng phá giới. Hai là vô tâm vô tướng và không có trang nghiêm,
nơi tất cả pháp tâm không chỗ thủ trước.
Còn có hai thứ: Một là thường nguyện tâm Bồ
đề. Hai là chẳng quán bổn hướng Bồ đề giới tướng.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là đại Bồ Tát tịnh Sằn
đề Ba la mật hạnh? Đại Bồ Tát bị mắng chẳng báo vì khẩu nghiệp tịnh vậy.
Bị đánh chẳng báo vì thân nghiệp tịnh vậy. Bị sân chẳng báo vì ý nghiệp
tịnh vậy.
Đại Bồ Tát dầu bị mạ nhục mà chẳng báo vì
thủ hộ chúng sanh vậy. Bị các đau khổ mà chẳng báo vì thủ hộ đời sau vậy.
Bị chặt tay chưn mà từ tâm chẳng sân vì thủ hộ Bồ đề vậy. Thấy có người
cầu xin lòng chẳng sân hận vì tứ nhiếp pháp vậy, vì sanh tâm từ vậy, vì
tăng Bồ đề đạo vậy, vì phá xan tham vậy, vì phá ma nghiệp vậy.
Đại Bồ Tát niệm Phật rồi tu nhẫn nhục thọ
tất cả sự khổ để được thân Phật.
Còn có Bồ Tát tu nhẫn nhục vì muốn được đầy
đủ mười lực vậy.
Còn có Bồ Tát tu nhẫn nhục vì muốn thành
đại sư tử hống vậy.
Còn có Bồ Tát tu nhẫn nhục vì để biết tam
thế không chướng ngại vậy.
Còn có Bồ Tát tu nhẫn nhục để được sức đại
từ đại bi vậy.
Còn có Bồ Tát tu nhẫn nhục để được đầy đủ
Nhứt thiết trí vậy.
Đại Bồ Tát thành tựu hai lực thì được thành
tựu hai nhẫn. Đó là trí lực và tu lực. Do trí lực quán sát thân tâm nên
thành tựu nhẫn. Do tu lực nên chẳng thủ trước các pháp mà thành nhẫn.
Còn nữa, nầy Bửu Kế! Tịnh nhẫn Bồ Tát có
thể quán sát trong tất cả pháp không có chúng sanh nên tu nhẫn nhục. Vì
tất cả pháp tánh nó giải thoát nên Bồ Tát quán tất cả pháp không nhẫn
không sân, nơi tất cả pháp tâm không có chỗ thủ trước đây gọi là nhẫn.
Bồ Tát có hai nhẫn, đó là quán như pháp
thân và quán như pháp giới. Đại Bồ Tát nếu có thể quán hai pháp như vậy
thì gọi là Bồ Tát tịnh Sằn đề Ba la mật hạnh.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh Tỳ lê
gia Ba la mật? Nếu đại Bồ Tát nơi các hạnh tu tập chẳng nghỉ dứt chẳng
hối, nơi các thiện pháp tâm không nhàm đủ, cũng thích tu hành năm Ba la
mật thường cầu trang nghiêm tất cả thiện pháp, ủng hộ chánh pháp thích
tuyên nói chánh pháp, điều phục chúng sanh lòng không thôi nghỉ, quá Thanh
Văn thừa, Bích Chi Phật thừa, ủng hộ tất cả chư Phật chánh pháp, tu các
khổ hạnh lòng không hối, trọn chẳng hư mất căn lành xưa trước, rộng tu đa
văn lòng không nhàm mỏi, vì chúng mà chạy lo công việc lòng chẳng buồn
hối, đây gọi là tinh tiến.
Tinh tiến như vậy thế nào gọi là tịnh?
Nếu Bồ Tát có thể quán thân như tượng như
bóng, quán khẩu không ngôn thuyết, quán tâm rốt ráo thanh tịnh. Dùng tận
trí quán các pháp. Dùng vô sanh trí biết các hữu đều tận. Lúc quán như vậy
thì có thể trang nghiêm ba thứ tinh tiến: một là thể trang nghiêm, hai là
giác trang nghiêm và ba là phân biệt trang nghiêm.
Còn có ba thứ bất trước tinh tiến: một là
chẳng trước nhãn, hai là chẳng trước sắc và ba là chẳng trước nhãn thức.
Nhẫn đến chẳng trước ý pháp và ý thức cũng như vậy.
Đây gọi là chẳng thủ chẳng xả tinh tiến đầy
đủ.
Siêng tinh tiến như vậy rồi, chẳng thủ bố
thí chẳng xả xan tham, chẳng thủ trì giới chẳng xả huỷ giới, chẳng thủ
nhẫn nhục chẳng xả sân hận, chẳng thủ tinh tiến chẳng xả giải đãi, chẳng
thủ thiền định chẳng xả loạn tâm, chẳng thủ trí huệ chẳng xả ngu si, chẳng
thủ thiện pháp chẳng xả ác pháp, chẳng thủ Phật đạo chẳng xả Nhị thừa. Đây
gọi là hai thứ cần tinh tiến vậy. Hai tinh tiến ấy có thể thành tựu đủ
Phật pháp.
Còn có hai thứ tinh tiến, đó là nội tinh
tiến và ngoại tinh tiến vậy.
Đây gọi là tịnh Tỳ lê gia Ba la mật hạnh.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tịnh Thiền Ba
la mật hạnh?
Nếu có đại Bồ Tát thủ các thiền chi, quán
các thiền chi. Quán rồi nhập định. Đã nhập định rồi chẳng tham trước sắc,
thọ, tưởng, hành, thức. Đây gọi là thiền là chẳng phải trước nhãn thiền
nhẫn đến ý thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải trước sắc thiền nhẫn đến
pháp thiền. Đây gọi là thiền chẳng phải trước địa, thuỷ, hỏa, phong, không
thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải trước nhựt, nguyệt, Thích, Phạm, Tự
Tại Thiên Thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải trước Dục giới, Sắc giới,
Vô Sắc giới thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải trước thử bỉ thiền. Đây
gọi là thiền là chẳng phải quán thân tâm thiền. Đây gọi là thiền là chẳng
phải trước thượng hạ thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải trước tứ thủ
thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải trước ngã, nhơn, chúng sanh, thọ
mạng tướng thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải trước thường kiến, đoạn
kiến, hữu kiến, vô kiến thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải cứu cánh lậu
tận thiền. Đây gọi là thiền là chẳng phải nhập định tụ thiền. Đây gọi là
thiền là chẳng phải được Sa Môn quả thiền.
Thiền như vậy đó chẳng phải cứu cánh hành
thiền. Gọi là không điều phục thiền chẳng phải chơn không thiền. Gọi là vô
tướng điều phục thiền chẳng phải chơn vô tướng thiền. Gọi là vô nguyện
điều phục thiền chẳng phải chơn vô nguyện thiền. Đây gọi là Bồ Tát đầy đủ
thành tựu đại từ đại bi nhứt thiết không hành thiền.
Thế nào gọi là đủ nhứt thiết không?
Nếu Bồ Tát có thể chẳng quán bồ thí, trì
giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ, phương tiện, từ bi, hỉ
xả, tứ đế, Bồ đề, trí huệ, phương tiện, từ bi, hỉ xả, tứ đế, Bồ đề, trí
huệ, thệ nguyện, trang nghiêm, xa ma tha, tỳ bà xá na, giải thoát, tàm
quý, đây gọi là chư Phật phương tiện tam muội thần thông vô ngại trí,
nhiếp thủ thập lực, tứ vô sở uý và thập bát bất cộng pháp, chẳng bị nhị
thừa nhiễm ô, đoạn các tập khí, đầy đủ vô lượng đại thần thông trí, được
các chúng sanh quy y, trang nghiêm thế pháp và xuất thế pháp, hay khéo
điều phục tất cả chúng sanh qua khỏi bốn dòng và biển lớn sanh tử, hay dứt
tất cả hệ phược, tịnh các pháp tánh, đây gọi là tánh tịch tĩnh chẳng phải
là hướng pháp tịch tĩnh, cũng lấy hướng pháp xả tánh, thấy rõ hướng pháp
manh tánh, nghe rõ hướng pháp lung tánh, siêng điều phục hướng pháp đình
trụ, tiêu diệt tịch tĩnh, điều phục xí nhiên. Đây gọi là Nhứt thiết hành
không.
Nầy Bửu Kế! Ví như tam thiên Đại thiên thế
giới tất cả chúng sanh đều giỏi biết hoạ. Trong ấy hoặc có kẻ giỏi đắp tô,
hoặc giỏi mài cho màu, hoặc biết hoạ thân chẳng hiểu hoạ tay chưn, hoặc
hiểu hoạ tay chưn mà chẳng hiểu hoạ mắt.
Có quốc vương trao chúng ấy một trương lụa
mà bảo rằng: Người nào có khả năng hoạ thì đến tụ họp tại đây hoạ hình
thân ta trên trương lụa nầy. Chúng ấy đều đến tụ họp tuỳ khả năng mình mà
cùng chung làm. Có một hoạ sư vì duyên sự riêng nên không đến họp được,
Chúng ấy họa xong đồng đem bức hoạ dâng cho quốc vương.
Nầy Bửu Kế! Như vậy có thể gọi là mọi người
đều tụ họp tất cả chăng?”.
Bửu Kế Bồ Tát nói: "Không, bạch đức Thế
Tôn!”.
Đức Phật nói: "Nầy Bửu Kế! Ta nói ví dụ ấy
nghĩa của nó chưa tỏ. Vì còn một người chưa đến nên chẳng được gọi là tất
cả đều họp lại làm, cũng chẳng được nói hình tượng thành tựu.
Phật pháp hành cũng như vậy. Nếu còn có một
hành chẳng thành tựu thì chẳng gọi là đầy đủ Như Lai chánh pháp. Vì vậy
cần phải đầy đủ các hành mới gọi là thành tựu Vô thượng Bồ đề”.
Lúc nói pháp ấy, có sáu vạn Bồ Tát nơi tất
cả hành được đầy đủ không.
"Nầy Bửu Kế! Thế nào gọi là Bồ Tát tịnh Bát
Nhã Ba la mật hạnh?
Đại Bồ Tát đủ mười hai huệ:
Một là biết quá khứ vô ngại, hai là biết vị
lai vô ngại, ba là biết hiện tại vô ngại, bốn là biết hữu vi vô ngại, năm
là biết vô vi vô ngại, sáu là biết tất cả thế tác vô ngại, bảy là biết
xuất thế tác vô ngại, tám là biện tài vô ngại, chín là biết thiệt vô ngại,
mười là biết thế đế vô ngại, mười một là biết đệ nhứt nghĩa vô ngại, mười
hai là biết các chúng sanh lợi độn vô ngại. Đây gọi là huệ.
Huệ nầy, với khó phá thì hay phá được, với
khó thấy thì hay thấy được, với khó hiểu thì hay hiểu được. Ví như kim
cương không gì trở hoại được. Đây gọi là huệ xuất thế, là cứu cánh huệ, là
Nhứt thiết chúng sanh chơn giải tâm huệ, khó hành khó vào, thậm thâm khó
thấy, khó tập học được, là chánh kiến chánh tụ xa lìa các kiến và tập khí,
tự biết tỏ rõ, thấy biết tâm tất cả chúng sanh, là pháp trí nghĩa trí
không có tham trước, là quang minh rộng lớn không tranh không gần, khéo
biết thời tiết vượt quá thời tiết, là chánh tụ thủ hộ chánh tụ, là cứu
cánh giác chánh giác thiệt giác, xa lìa cấu uế, chẳng bị tất cả Thánh nhơn
quở trách, là nhứt hành vô hành, là tất cả chúng sanh hành, là hành không
có dấu chưn, dầu rời lìa tất cả thế gian hành mà cũng chẳng xa lìa tất cả
thế gian hành, dầu lìa thế giới mà chẳng rời Phật độ, dầu lìa tất cả các
hành trang nghiêm mà chẳng rời xa điều phục chúng sanh, dầu rời các hành
mà chẳng lìa thiện hành, dầu rời chúng sanh tâm hành nhơn duyên mà chẳng
rời thấy biết tâm hành tất cả chúng sanh, dầu rời thế hành mà chẳng lìa
thế pháp, dầu lìa các thân chúng sanh mà cũng nhập vào tâm chúng sanh. Đây
gọi là huệ.
Trí huệ như vậy rất là khó được.
Nếu chẳng phải thiện căn thuần thục thì
trọn chẳng thể được. Người chẳng thường tu hành thiện pháp luôn thì cũng
chẳng thể được trí huệ như vậy. Người ngồi toà kim cương dưới Bồ đề thọ
mới được đó. Là chơn như pháp tánh được chư Phật hộ niệm, đã qua đến bờ
kia, biết tất cả pháp ban bố vị cam lộ, vì vậy nên gọi là Bát Nhã Ba la
mật.
Nầy Bửu Kế! Trí huệ như vậy cứu cánh biết
rõ tất cả duyên, tất cả tướng, tất cả tâm hành của tất cả chúng sanh, vì
vậy nên gọi là trí huệ.
Trí huệ như vậy có hai tịch tĩnh: một là
biết tướng ngại tịch tĩnh và hai là biết tướng vô ngại tịch tĩnh.
Còn có hai thứ: một là vô giác tịnh và hai
là lìa các kiến tịnh.
Trí huệ như vậy, Bồ Tát thường dạo đi trong
căn lợi độn của chúng sanh, trong tâm chúng sanh, trong tất cả pháp, quán
các phiền não tức là trí huệ. Bồ Tát dầu trụ các cõi mà phần nhiều trụ cõi
Phật. Hay khéo xem thấy thập phương thế giới, lìa tất cả cái chướng, đều
là tất cả Phật pháp căn bổn, đầy đủ tất cả vô thượng Phật pháp, chẳng học
các pháp chẳng rời các pháp, chẳng hoại một pháp chẳng thành một pháp.
Bồ Tát thành tựu trí huệ như vậy có thể làm
công đức, hay đọc tụng hay tuyên thuyết tất cả Phật pháp, tất cả phước đức
đều có thể được, đều có thể tu thành tất cả thiện pháp. Đây gọi là Bồ Tát
tịnh Bát Nhã Ba la mật hạnh”.
Lúc nói pháp ấy, có hai vạn hai ngàn chúng
sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề, tám ngàn Bồ Tát được vô sanh nhẫn, năm trăm
Tỳ Kheo lậu tận ý giải, mười ngàn Thiên Nhơn được quả Tu Đà Hoàn.
Tất cả hàng Nhơn Thiên đồng nói rằng: "Bạch
đức Thế Tôn! Nếu người có thể tin pháp nầy thì nên biết người ấy được chư
Phật hộ niệm, huống là người có thể thọ trì đọc tụng thơ tả cúng dường!”.
Đức Phật lại bảo Bửu Kế Bồ Tát: "Nầy Bửu
Kế! Thế nào là đại Bồ Tát tịnh trợ Bồ đề hạnh?
Đại Bồ Tát thân niệm xứ có hai thứ hạnh:
Một là bất tịnh hạnh, hai là tịnh hạnh.
Thân bất tịnh hạnh là quán thân bất tịnh
hôi dơ đầy dẫy, vô thường vô trụ nó dội phỉnh phàm phu.
Thân tịnh hạnh là tư duy như vầy: Nay ta
nhơn nơi thân bất tịnh nầy mà được tịnh Phật thân, được tịnh pháp thân,
được tịnh công đức thân, được thân mà tất cả chúng sanh thích thấy.
Còn nữa, nầy Bửu Kế! Bồ Tát quán thân rồi
có thể tịnh hai hạnh: Một là vô thường, hai là thường.
Bồ Tát quán thân vô thường tất định sẽ
chết. Quán như vậy rồi chẳng vì thân mà gây kiết sử tạo ác nghiệp, chẳng
tà mạng tự sống, tu ba kiên pháp: Đó là thân kiên, mạng kiên và tài kiên.
Quán như vậy rồi, Bồ Tát có thể vì chúng sanh mà làm cấp sử liền được xa
lìa thân khẩu ý siểm khúc. Bồ Tát quán thân vô thường được vô lượng công
đức như vậy.
Thế nào là thường?
Bồ Tát quán thân vô thường rồi thì được
thường thân, nhơn quán vô thường mà được công đức thân, nhơn nơi vô thường
mà chẳng dứt Phật chủng, Pháp chủng và Tăng chủng.
Lại nầy Bửu Kế! Thường ấy tức là vô tận, vô
tận ấy tức là vô vi, vô vi ấy là chỗ sở hành của Nhứt thiết trí, sở hành
của Nhứt thiết trí ấy tức là không, vô tướng vô nguyện.
Lại thường ấy tức là hư không. Đại Bồ Tát
quán tất cả pháp dường như hư không. Đây gọi là đại Bồ Tát thường hạnh.
Nầy Bửu Kế! Còn có Bồ Tát tu thân niệm xứ,
quán sát thân tất cả chúng sanh rốt ráo sẽ là thân Phật Như Lai. Như Phật
thân, pháp thân cũng vậy. Hai thân như vậy thân ta cũng vậy. Đây gọi là Bồ
Tát quán vô lậu thân. Bấy giờ những thiện pháp mà Bồ Tát đã được hoặc
nhiều hay ít tất cả đều vô lậu. Đem pháp như vậy phát nguyện hồi hướng
Nhứt thiết chủng trí. Đã được vô lậu thì trọn chẳng còn khởi hữu lậu. Nói
là lậu ấy có ba thứ là Dục giới lậu, Sắc, Vô Sắc giới lậu cũng gọi là hữu
lậu và vô minh lậu.
Bồ Tát biết rõ ba lậu rồi, vì chúng sanh mà
thọ sanh Dục giới cũng chẳng bị dục lậu làm ô nhiễm, thọ sanh Sắc giới và
Vô Sắc giới cũng vậy.
Vô minh lậu ấy đã nhỗ gốc rễ nó. Tại sao,
vì nhổ vô minh thì không có kiến lậu.
Bồ Tát tu thân niệm xứ rồi, ở trong thân
chẳng thấy có ngã ngã sở, chẳng sanh kiêu mạn, vì đã lìa ngã ngã sở nên
chẳng cầu chẳng lấy tất cả tài vật. Vì chẳng cầu lấy nên ở nơi tài vật
không tranh. Vì không tranh nên là tịch tĩnh. Luận về tịch tĩnh ấy tức là
nhẫn nhục. Trụ nơi nhẫn nhục chẳng thượng chẳng hạ tức là như pháp trụ.
Như pháp trụ thì chẳng hành thiện pháp chẳng hành ác pháp.
Chẳng thượng chẳng hạ rồi thì được thiện
hữu. Được thiện hữu rồi thì được gặp thiện tri thức. Vì được gặp thiện tri
thức nên được nghe chánh pháp. Vì nghe chánh pháp nên chẳng dùng tâm hữu
lậu hướng pháp hữu lậu. Đây gọi là vượt quá cảnh giới các lậu. Quá cảnh
giới các lậu rồi sẽ nhập thiền định. Đã nhập định rồi nhẫn đến nơi một
pháp cũng chẳng sanh giác quán. Vì không có giác quán nên chẳng làm một
pháp chẳng biến một pháp. Đây gọi là như pháp. Đây gọi là tất cả pháp bình
đẳng. Nếu được tất cả pháp bình đẳng như vậy thì gọi là Nhứt thiết trí.
Đại Bồ Tát nếu có thể quán thân niệm xứ như
vậy đây gọi là quán thân niệm.
Nầy Bửu Kế! Bồ Tát ấy kế đến quán thọ niệm
xứ. Đối với kẻ có thọ Bồ Tát sanh tâm từ bi hướng đến các chúng sanh mà
bảo rằng: cứu cánh lạc ấy dứt tất cả thọ. Nếu người có thể dứt tất cả thọ
tức là thường lạc. Lúc bấy giờ Bồ Tát tuỳ sở thọ sanh tâm từ bi hoặc tự
hoặc tha lúc thọ lạc thọ xa lìa tâm ái trước mà sanh tâm từ, lúc thọ khổ
thọ xa lìa tâm sân mà sanh tâm bi, lúc thọ khổ bất lạc thọ thì xa lìa tâm
vô minh mà sanh xả tâm.
Vì vậy nên Bồ Tát lúc thọ lạc chẳng sanh
tham trước, lúc thọ khổ chẳng sanh sân hận, lúc thọ chẳng khổ chẳng lạc
chẳng sanh vô minh. Bồ Tát lúc nầy quán tất cả thọ là vô thường khổ không
vô ngã. Thấy người thọ lạc liền biết là khổ, thấy người thọ khổ như nhọt
như ghẻ, thấy thọ chẳng khổ chẳng lạc là tịch tĩnh. Quán lạc thọ là vô
thường, quán khổ thọ là rỗng không, bất khổ bất lạc thọ là vô ngã. Lúc
quán như vậy rồi, Bồ Tát thấy các thọ tức là không có thọ, thấy tất cả thọ
là hữu vi. Nếu là hữu vi tức là sanh diệt tán lậu vô trụ. Quán như vậy
chẳng thấy có ngã, chẳng thấy người thọ, đây gọi là Bồ Tat đại trí phương
tiện.
Nhơn phương tiện ấy, Bồ Tát thấy tất cả thọ
vô thường sanh diệt, quán tất cả pháp thảy đều không vô, không có thọ
không có thọ giả, không có tác không có tác giả, theo duyên mà sanh theo
duyên mà diệt, không có thuộc không nhiếp thủ, nơi các nhơn duyên chẳng
sanh giác quán. Nhơn vì không có giác quán nên nói như vầy: Các pháp nhơn
duyên thảy đều là rỗng không.
Lúc quán như vậy, đại Bồ Tát thành tựu thọ
niệm xứ có thể làm cho thân tâm thảy đều tịch tĩnh biết tất cả hành, đây
gọi là nhứt thiết trí. Đây gọi là tu thọ thọ niệm xứ.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tu tâm niệm
xứ?
Đại Bồ Tát trụ tâm Bồ đề, quán sát tâm tánh
ấy, chẳng thấy nội nhập tâm, chẳng thấy ngoại nhập tâm, chẳng thấy nội
ngoại nhập tâm, chẳng thấy tâm ở trong ngũ ấm, chẳng thấy tâm ở trong thập
bát giới. Đã chẳng thấy tâm rồi, Bồ Tát suy nghĩ rằng: Tâm duyên như vậy
là dị biệt hay chẳng dị biệt. Nếu tâm khác với duyên thì lẽ ra trong nhứt
thời có hai tâm, nếu tâm là duyên thì chẳng nên tâm lại hay quán tự tâm,
như đầu ngón tay chẳng nên có tự chạm lấy nó. Quán vậy rồi, Bồ Tát thấy
tâm vô trụ vô thường biến dị, chỗ sở duyên diệt thì biết là tâm, chẳng
phải tâm duyên sanh, chẳng phải chẳng duyên sanh, chẳng phải thường chẳng
phải đoạn, chẳng phải nội, chẳng phải ngoại, chẳng phải hữu, chẳng phải
vô. Bồ Tát quán tâm như vậy chẳng ngại pháp như, biết tâm tịch tĩnh. Đây
gọi là Bồ Tát tu tâm tâm niệm xứ.
Còn nữa, nầy Bửu Kế! Đại Bồ Tát quán tâm
chẳng phải sắc chẳng thể nhìn thấy được, chẳng phải giác quán. Đây gọi là
Bồ Tát tu tâm tâm niệm xứ.
Như tâm, các tâm số cũng vậy. Như tâm số,
các tâm hành cũng vậy. Như tâm hành, các pháp sở cầu của tâm cũng vậy. Như
pháp sở cầu, Bồ đề cũng vậy. Như Bồ đề, tất cả thiện pháp cũng vậy.
Bồ Tát nếu quán tâm như di hầu, vẽ nước,
sương mai, ong chúa, ngư mẫu, như sông, như lửa, như tưởng sự xa, như độc
hành không thân, thường chuyển không dừng, tham trước các giới, thứ đệ
sanh diệt, Bồ Tát có thể tư duy nhiếp vô lượng tâm như vậy, khiến trụ một
chỗ chẳng động chẳng chuyển chẳng lậu chẳng lầm chẳng loạn chẳng tan. Đây
gọi là Xa ma tha.
Bồ Tát nếu có thể quán như vậy, đây gọi là
thành tựu quán tâm tâm niệm xứ. Đây gọi là biết tâm cảnh giới, là biết tâm
pháp giới, là biết tâm chơn thiệt tướng, là biết tâm chơn thiệt tánh, tức
là quảng tri, tức là tịnh tri, liễu tri, chơn tri, thiệt tri như huyễn ảo,
đây gọi là tri pháp, tri tâm tánh, tri tâm tận, gọi là vô thủ tri, vô quái
ngại tri.
Đại Bồ Tát quán như vậy rồi, khéo biết tất
cả chúng sanh tâm tánh. Biết rồi Bồ Tát như chỗ đáng nên mà vì họ thuyết
pháp.
Như biết tâm tánh ấy, biết tất cả chúng
sanh tâm tánh cũng như vậy.
Như biết tự tâm tướng, biết tất cả chúng
sanh tâm tướng cũng như vậy.
Như biết tự tâm không, biết tất cả chúng
sanh tâm không cũng như vậy.
Như quán tự tâm bình đẳng, quán tất cả
chúng sanh tâm bình đẳng cũng như vậy.
Quán như vậy rồi, chẳng động pháp giới. Đây
gọi là Bồ Tát tu tâm tâm niệm xứ.
Nầy Bửu Kế! Thế nào là Bồ Tát tu pháp niệm
xứ?
Đại Bồ Tát quán sát như vầy: pháp xuất pháp
diệt không có ngã, chúng sanh, thọ mạng, sĩ phu, không sanh, không diệt,
không một, không xuất, đây gọi là pháp tánh. Nếu hay cầu pháp đây gọi là
xuất pháp, nếu chẳng cầu pháp đây gọi là diệt pháp.
Các pháp hoặc thiện hay bất thiện, pháp
xuất theo duyên, pháp diệt theo duyên.
Lúc quán như vậy, Bồ Tát quán nơi ba hành
là ác hành, thiện hành và bất động hành.
Trong ba hành ấy, ta nên thường hành cực
thiện hành là thập thiện pháp. Thập thiện pháp ấy là tịnh thân nghiệp để
cầu Như Lai ba mươi hai tướng tám mưới hình hảo người khác chẳng hại được.
Thập thiện pháp ấy là tịnh khẩu nghiệp, phàm có lời nói ra mọi người thích
nghe học. Thập thiện pháp ấy là tịnh tâm nghiệp, với các chúng sanh tâm
thường bình đẳng, thường nhập thiền định tịnh tứ vô ngại trí. Vì tịnh tâm
bi nên trong vô lượng đời vì chúng sanh thọ khổ mà tâm chẳng hối. Tịnh
thập lực để biết chúng sanh các căn lợi độn. Tịnh tứ vô uý để biết chúng
sanh chướng không chướng. Tịnh thập bát bất cộng pháp để biết tam thế vô
ngại. Tịnh tất cả Phật pháp vì tất cả chúng sanh không ai hơn được vậy.
Đại Bồ Tát hay quán như vậy thì ở nơi các
thiện pháp và các công đức tâm không nhàm đủ, gần kề thiện hành xa lìa ác
hành và phiền não tập khí, chơn thiệt biết rõ bất động hành. Dầu biết
chẳng tham mà tâm được tự tại tuỳ nguyện vãng sanh chẳng phải kiết nghiệp
sanh, Bồ Tát sanh vào dục giới là vì chúng sanh vậy.
Nầy Bửu Kế! Đại Bồ Tát được thiện phương
tiện quán pháp niệm xứ tu tập trang nghiêm pháp trợ Bồ đề, xa lìa tất cả
cấu chướng Bồ đề. Được công đức ấy, Bồ Tát chẳng trước thường kiến chẳng
trước đoạn kiến, lìa hai kiến ấy hành nơi trung đạo.
Luận về trung đạo có hai pháp: Một là niệm
bất thiện và hai là vô minh. Trong hai pháp ấy tâm chẳng phóng dật đây gọi
là trung đạo.
Còn có hai pháp: Một là hành, hai là thức.
Còn có hai pháp: Một là danh sắc, hai là
lục nhập.
Còn có hai pháp: Một là xúc, hai là thọ.
Còn có hai pháp: Một là ái, hai là thủ.
Còn có hai pháp: Một là hữu, hai là sanh.
Còn có hai pháp: Một là lão, hai là tử.
Trong những hai pháp ấy tâm chẳng phóng dật
đây gọi là trung đạo.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|