Nầy Kiều Trần Như! Năm bộ như vậy dầu đều
dị biệt mà đều chẳng phòng ngại chư Phật pháp giới và đại Niết bàn.
Thế nào gọi là tuỳ tín hành?
Nếu tin Tam bửu có đủ tín căn, từ tín nhơn
duyên nhập vào quyết định được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na
Hàm, quá Sắc giới, Vô Sắc giới được quả A La Hán. Từ tín được giải thoát
nên gọi là tín giải thoát, cũng gọi là nhứt phần, cũng gọi là thân chứng,
cũng gọi là huệ giải thoát. Đây gọi là tuỳ tín hành.
Thế nào gọi là tuỳ pháp hành?
Nếu có người từ nơi pháp nhập quyết định
đầy đủ huệ căn được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quá Sắc
giới, Vô Sắc giới được quả A La Hán, đây gọi là kiến đáo nhị phần giải
thoát, đây gọi là vô học giải thoát, đây gọi là pháp hành, đây gọi là
thành tựu thân thân quán nhẫn đến thành tựu pháp pháp quán, đây gọi là
thành tựu Tỳ bà xá na và Xa ma tha.
Thế nào là Xa ma tha?
Xa ma tha gọi là diệt. Có thể diệt tâm
tham, tâm sân, tâm tán loạn gọi là Xa ma tha.
Thế nào là tướng Xa ma tha?
Hay diệt tướng tham, tướng sân, tướng si,
gọi là tướng Xa ma tha.
Nếu có thể tuỳ tu Xa ma tha hạnh tôn trọng
tán thán hướng Xa ma tha phương tiện trang nghiêm, đây gọi là Xa ma tha
tướng.
Nếu có Tỳ Kheo thâm tự tư duy rằng tham tâm
của ta chỉ quán bất tịnh mới phá hoại được. Sân tâm của ta chỉ quán từ mới
phá hoại được. Tâm si của ta chỉ quán thập nhị nhơn duyên mới phá hoại
được. Đây gọi là Xa ma tha tướng.
Thế nào gọi là Tỳ bà xá na?
Nếu tu thánh huệ hay quán ngũ ấm thứ đệ
sanh diệt, đây gọi là Tỳ bà xá na.
Còn nữa, nếu quán các pháp đều như, pháp
tánh, thiệt tánh, thiệt tướng, chơn thiệt biết rõ, đây gọi là Tỳ bà xá na.
Thế nào gọi là tướng Tỳ bà xá na?
Nếu có thể thành tựu đầy đủ niệm tâm quán
tất cả hành từ duyên mà sanh từ duyên mà diệt, tất cả hành không tự tại,
không tác, không thọ, đây gọi là tướng Tỳ bà xá na.
Thế nào gọi là Tỳ bà xá na nhập quyết định?
Nếu chí tâm Tỳ bà xa na cung kính tôn trọng
hướng trang nghiêm đạo, đây gọi là từ nơi Tỳ bà xá na nhập vào quyết định.
Thế nào gọi là xuất pháp nhiếp tâm chẳng
phải diệt pháp nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo có thể quán tâm xuất nhơn duyên
nhẫn đến tất cả hành xuất nhơn duyên, đây gọi là xuất pháp nhiếp tâm chẳng
phải diệt pháp nhiếp tâm.
Thế nào gọi là diệt pháp nhiếp tâm chẳng
phải xuất pháp nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo hay thâm quán diệt tâm nhơn
duyên nhẫn đến tất cả hành diệt nhơn duyên, đây gọi là diệt pháp nhiếp tâm
chẳng phải xuất pháp nhiếp tâm.
Thế nào gọi là chẳng phải xuất pháp nhiếp
tâm chẳng phải diệt pháp nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo hay quán tâm tánh nhãn tánh
nhẫn đến ý tánh, đây gọi là chẳng phải xuất pháp nhiếp tâm chẳng phải diệt
pháp nhiếp tâm.
Thế nào là duyên nhiếp tâm chẳng phải tư
duy nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo hay quán xuất tức mà chẳng quán
nhập tức, đây gọi là duyên nhiếp tâm chẳng phải tư duy nhiếp tâm.
Thế nào là tư duy nhiếp tâm chẳng phải
duyên nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo hay quán nhập tức chẳng quán
xuất tức, đây gọi là tư duy nhiếp tâm chẳng phải duyên nhiếp tâm.
Thế nào gọi là chẳng phải duyên nhiếp tâm
chẳng phải tư duy nhiếp tâm?
Nếu Tỳ Kheo quán tâm tánh nhãn tánh nhẫn
đến ý tánh, đây gọi là chẳng phải duyên nhiếp tâm chẳng phải tư duy nhiếp
tâm.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu Tỳ Kheo hay nhiếp
tâm thì được tám mươi môn tam muội và tu ba môn giải thoát.
Nếu Tỳ Kheo quán quá khứ thân và tu trang
nghiêm, quán thân thấy thân, đây gọi là tu vô nguyện giải thoát môn.
Nếu Tỳ Kheo quán thân quá khứ rồi chỉ thấy
tâm mà chẳng thấy thân và tu trang nghiêm quán thân thấy thân, đây gọi là
tu vô tướng giải thoát môn.
Nếu Tỳ Kheo quán thân quá khứ rồi, chẳng
thấy tác chẳng thấy tác giả. Tác giả không có thân, thân không có tác giả,
tu trang nghiêm đạo quán thân thấy thân, đây gọi là không giải thoát môn.
Quán thọ tâm và pháp cũng như vậy.
Còn nữa, nầy Kiều Trần Như! Ba môn giải
thoát tu quán trang nghiêm, quán tất cả hành bất xuất bất diệt, xuất rồi
thì diệt, diệt không có chỗ đến, chẳng đến chẳng đi chẳng tới, đây gọi là
trang nghiêm vô nguyện giải thoát môn.
Còn nữa, vị lai thế các hành chưa xuất, nếu
hành chưa xuất thì không có diệt, không có xuất không có diệt, đây gọi là
trang nghiêm vô tướng giải thoát môn.
Còn nữa, quán hành tất cánh tận, tất cánh
tận thì không có sanh diệt. Nếu không có sanh diệt thì tất cánh tận. Nếu
tất cánh tận thì tức là không nhơn duyên. Nếu quán tất cánh tận như vậy,
đây gọi là trang nghiêm không giải thoát môn.
Còn nữa, nếu quán hành tất cánh tận thì
không có sanh diệt, nếu không có sanh diệt tức là không có rỗng không. Tại
sao, vì trước có sau không có gọi là rỗng không. Nếu là bổn không có thì
không có sau không. Nếu không có sau không thì thế nào gọi là rỗng không.
Nếu không có hành tức là vô vi. Tất cánh
tận ấy chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi. Rỗng không chẳng phải hành
chẳng phải không có hành. Vì vậy nên tất cánh tận ấy chẳng phải nhiếp
thuộc hữu vi chẳng phải nhiếp thuộc vô vi. Đây gọi là trang nghiêm vô
tướng giải thoát môn.
Còn nữa, nếu các hành tất cánh tận ấy thì
tức là Niết bàn, chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, vì vậy nên chẳng phải
quá khứ hành diệt gọi là Niết bàn, cũng chẳng phải vị lai hiện tại hành
diệt gọi là Niết bàn. Người Tu Đà Hoàn thấy Niết bàn ấy nhẫn đến người A
La Hán thấy Niết bàn ấy.
Thế nào gọi là khổ đế?
Quán tất cả hành chẳng thấy Đệ nhứt đế.
Quán tất cả nhơn chẳng thấy Đệ nhị đế. Quán tất cả diệt chẳng thấy Đệ tam
đế. Quán tất cả đạo chẳng thấy Đệ tứ đế.
Thế nào gọi là sanh?
Bổn không có sau mới gọi là sanh.
Thế nào gọi là diệt?
Có rồi hoàn không gọi là diệt.
Không có xuất diệt đây gọi là tận.
Do nhân duyên gì không có xuất diệt gọi đó
là đạo?
Đạo có sáu hành đó là tu và chẳng phải tu,
hành và chẳng phải hành, tri và chẳng phải tri.
Nếu có Tỳ Kheo hay thấy các pháp sanh diệt
như vậy, thì hay nhàm tất cả các hành, hay thấy tướng vô thường của tất cả
hành.
Thế nào là tướng vô thường chẳng phải pháp
vô thường?
Nếu có tướng tạp với hành sơ vô lậu tướng,
nếu có tướng tạp với hành vô nguyện giải thoát môn, nếu có tướng không
rỗng, tướng khổ, tướng bất tịnh, tướng vô ngã, đây gọi là tướng vô thường
chẳng phải pháp vô thường.
Thế nào là pháp vô thường chẳng phải tướng
vô thường?
Đó là tam giới sắc tướng thanh tướng đến
pháp tướng, đây gọi là điên đảo tướng, gọi là xả tướng chẳng phải vô
thường tướng. Đây gọi là pháp vô thường chẳng phải tướng vô thường.
Thế nào là vô thường tướng cũng vô thường
pháp?
Đó là tất cả chúng sanh chưa được quyết
định, do thế tục đạo nhập các tam muội tuỳ pháp tướng nhẫn. Đây gọi là
tướng vô thường cũng là pháp vô thường.
Thế nào là chẳng phải tướng vô thường và
chẳng phải pháp vô thường?
Đó là tướng tịch tĩnh thường và tướng giải
thoát tịnh. Đây gọi là chẳng phải tướng vô thường chẳng phải pháp vô
thường.
Thế nào gọi là được Đệ nhứt đế?
Đó là quán sáu căn ngũ ấm dường như tượng
trong gương, đây gọi là được đế thứ nhứt.
Thế nào là nhứt tâm quán Tứ đế?
Nếu quán các hành đều là nhơn khổ. Vì là
nhơn khổ nên thấy được diệt dứt được xa lìa được, như vậy gọi là tâm duyên
vô lậu. Vì vậy nên nhất tâm được tứ đế, gọi là tâm vô lậu được giải thoát.
Nếu có Tỳ Kheo quán tâm số, đây gọi là vô
nguyện giải thoát môn.
Quán tâm số rồi quán mười hai sự:
Mười hai sự là: Nghiệp, hành, khổ, không,
hoại, chẳng tự tại, quá khứ, hiện tại, vị lai, nhơn duyên, vô tác và thọ.
Đây gọi là thấy tâm tâm số gọi là vô nguyện
giải thoát môn.
Nếu có Tỳ Kheo quán sát tâm ấy, không có
tâm sanh không có xuất nhập, không có năng viễn ly, đây gọi là thấy tâm
tâm số được không giải thoát môn.
Nếu Tỳ Kheo quán không có tâm nhập định mà
được xa lìa tất cả phiền não, vì không nhơn duyên nên phiền não chẳng
sanh. Đây gọi là viễn ly phiền não mà thấy tâm tâm số được vô tướng giải
thoát môn.
Nếu quán như vậy thì được xa lìa tâm hữu
lậu mà được vô lậu giải thoát.
Nầy Kiều Trần Như! Tất cả các hành hữu vi
đều không có quyết định. Nếu đã bất định thì thế nào được nhập vào định
tụ. Nếu nói rằng quán sát tam thế rồi được nhập định tụ, nghĩa ấy không
phải. Tại sao, vì quá khứ đã hết, vị lai chưa xuất, hiện tại vô thường,
tam thế quán sai khác thì thế nào được nhập định tụ ư! Vì thế nên tất cả
dị quán, tánh nó chẳng quyết định.
Như điện đường có bốn bực thang. Nếu nói
rằng chẳng do bực thang thứ nhứt mà đến bực thang thứ tư thì chẳng có lẽ
ấy.
Lúc lên bực thang thứ nhứt chẳng được gọi
là lên bực thứ tư. Đã có bốn bực như vậy thì chẳng gọi là một.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu bốn đế ấy là một đế
thì mới có thể nhứt tâm được!
Nầy Kiều Trần Như! Lúc quán khác lúc được
cũng khác.
Lúc quán khác đó là nhơn và quả đều hoại
hết.
Lúc được khác đó là khổ trí, tập trí, diệt
trí và đạo trí.
Nếu có Tỳ Kheo quán các hành là vô thường,
là khổ, là vô ngã, là bất tịnh, là vô trụ, là lậu, là kiết duyên, là tất
cả hữu, đây gọi là hệ phược, vì vậy nên chẳng cầu các ấm các hành mà nhàm
tất cả hành và thích cầu Niết bàn, chí tâm tư duy công đức Niết bàn, rất
thích tịch tĩnh, chẳng tiếc thân mạng, tu Xa ma tha và Tỳ bà xá na. Đây
gọi là Tỳ Kheo tu tập pháp hành.
Nầy Kiều Trần Như! Thế nào là Tỳ Kheo tâm
có thể quán sát tâm?
Nếu có Tỳ Kheo có thể quán sát tâm. Tâm vô
thường là pháp sanh diệt, đây gọi là Tỳ Kheo tâm hay quán tâm.
Tỳ Kheo như vậy tu không tam muội.
Thế nào gọi là không?
Đó là ngũ ấm không, thập nhị nhập không,
thập bát giới không, tứ đế không, thiệt không, thập nhị nhơn duyên không,
tánh không.
Thế nào là Ngũ ấm không?
Đó là sắc ấm không, không có ngã ngã sở,
đến thức ấm không, không ngã ngã sở. Đây gọi là ngũ ấm không.
Nhập và giới không cũng như vậy.
Thế nào là Tứ đế không?
Đó là khổ đế không có đắc không có xả, đến
đạo đế không có đắc không có xả. Đây gọi là Tứ đế không.
Thế nào gọi là thiệt không?
Trong tất cả pháp không có giác quán không
có ngã ngã sở. Đây gọi là thiệt không.
Thế nào là Thập nhị nhơn duyên không?
Thập nhị nhơn duyên tứ là thập nhị hữu chi,
Quán thập nhị chi không có ngã ngã sở, đây gọi là thập nhị nhơn duyên
không.
Thế nào là Tánh không?
Nếu có Tỳ Kheo quán nhãn không, không có
ngã ngã sở, đến quán ý không, không có ngã sở. Đây gọi là Tánh không.
Đây gọi là pháp hành có thể quán tâm tâm
số.
Tỳ Kheo như vậy chẳng thấy chúng sanh thọ
mạng sĩ phu. Tỳ Kheo ấy biết tất cả pháp tánh chơn thiệt hiểu biết thế đế
vì là lưu bố vậy. Nói ấm nhập giới, biết tất cả pháp tánh không có xuất
diệt.
Tỳ Kheo như vậy có thể qua khỏi sanh tử, có
thể biết Khổ, Tập, Diệt, Đạo, có thể dứt phiền não.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo tu tập
pháp hành biết tất cả pháp từ nhơn duyên sanh từ nhơn duyên diệt. Tỳ Kheo
như vậy được ba giải thoát, biết sắc chơn tướng. Sắc chơn tướng ấy tức là
ngại tướng, thọ thọ tướng, tưởng giác tướng, hành hành tướng, thức tri
tướng. Đây gọi là chơn thiệt biết tất cả pháp tướng, quán như vậy rồi được
Không giải thoát môn.
Thấy tất cả pháp không có tác giả thọ giả,
không có thọ mạng tự tại, chỉ thấy vô thường khổ vô ngã bất tịnh, đây gọi
là được Vô nguyện giải thoát môn.
Quán tất cả pháp không có sanh không có
diệt, đây gọi là được Vô tướng giải thoát môn.
Nầy Kiều Trần Như! Pháp hành Tỳ Kheo có thể
được thần thông không có ác giác quán, miệng trọn chẳng nói bốn thứ ác,
không có đấu tranh, không nghe lời ác, lúc bấy giờ xa lìa ngũ cái tăng
trưởng năm thiện căn được Sơ thiền.
Nhập sơ thiền rồi muốn được thần thông, cột
tâm đầu mũi quán hơi thở ra vào sâu thấy chín vàn ngàn lỗ lông, hơi thở ra
vào thấy thân đều rỗng không, đến tứ đại cũng như vậy.
Quán như vậy rồi xa lìa sắc tướng được thần
thông, đến Tứ thiền cũng như vậy.
Thế nào là pháp hành Tỳ Kheo được Nhãn
thông?
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo quán hơi
thở ra vào chơn thiệt thấy sắc. Đã thấy sắc rồi tư duy như vầy: như ta
được thấy tam thế các sắc, ý nếu muốn thấy tuỳ ý liền thấy. Đến Tứ thiền
cũng như vậy.
Thế nào là pháp hành Tỳ Kheo được Nhĩ
thông?
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo lúc được
Sơ thiền quán hơi thở ra vào. Quán hơi thở ra vào rồi thứ đệ quán âm
thanh, đến Tứ thiền cũng như vậy.
Thế nào là pháp hành Tỳ Kheo được Tha tâm
trí?
Nếu có Tỳ Kheo lúc được Sơ thiền quán hơi
thở ra vào tu Xa ma tha và Tỳ bà xá na, đây gọi là Tha tâm trí, đến tứ
thiền cũng như vậy.
Thế nào là pháp hành Tỳ Kheo được Túc mạng
trí?
Nếu có Tỳ Kheo quán hơi thở ra vào lúc được
Sơ thiền được nhãn thông. Được nhãn thông rồi quán thân ban sơ lúc ca la
la nhẫn đến ngũ ấm sanh diệt, trong vô lượng kiếp ngũ ấm sanh diệt. Đến Tứ
thiền cũng như vậy.
Nói là thiền ấy, cớ sao gọi là Thiền?
Vì mau chóng gọi là Thiền. Mau rất mau, trụ
đại trụ, tĩnh tịch tĩnh, quán diệt viễn ly, đây gọi là Thiền.
Sơ thiền ấy cũng gọi là cụ túc, cũng gọi là
viễn ly.
Thế nào là cụ túc? Thế nào là viễn ly?
Nói viễn ly là xa lìa ngũ cái.
Nói cụ túc là có đủ năm chi, đó là giác,
quán, hỉ, an và định.
Thế nào là giác?
Như tâm giác đại giác, tư duy đại tư duy
quán nơi tâm tánh. Đây gọi là giác.
Thế nào là quán?
Nếu quán tâm hành, đại hành, biến hành, đều
tuỳ ý. Đây gọi là quán.
Thế nào là hỉ?
Như chơn thiệt biết, biết rất rõ, tâm động
chí tâm. Đây gọi là hỉ.
Thế nào là an?
Đó là thân an, tâm an, thọ an, thọ nơi lạc
xúc. Đây gọi là an.
Thế nào là định?
Nếu tâm trụ đại trụ, chẳng loạn nơi cảnh
duyên, chẳng sai lầm, không có điên đảo. Đây gọi là định.
Nhị thiền ấy, đồng xa lìa ngũ cái, có đủ
bốn chi là hỉ, an, nội tịnh và định.
Nhập Tam thiền cũng xa lìa ngũ cái, có đủ
năm chi là niệm, xả, huệ, an và định.
Nhập Tứ thiền cũng lìa ngũ cái, có đủ bốn
chi là niệm, xả, bất khổ bất lạc và định.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo đầy đủ Tứ
thiền, đây gọi là pháp hành.
Nếu có Tỳ Kheo quán thân nhàm sợ, xa lìa
thân tướng, tất cả thân xúc, hỉ xúc, lạc xúc, phân biệt sắc ấm, xa lìa sắc
ấm, quán vô lượng không xứ. Đây gọi là Tỳ Kheo tu tập pháp hành.
Thế nào là Tỳ Kheo được Thức xứ định?
Nếu có Tỳ Kheo tu Xa ma tha, Tỳ bà xá na
quán tâm ý thức, tự biết thân nầy chẳng thọ ba thứ thọ, đã được xa lìa ba
thứ thọ ấy, vì vậy nên gọi là được thức xứ định. Đây gọi là pháp hành.
Thế nào là Tỳ Kheo được Thiểu xứ định?
Nếu có Tỳ Kheo quán tam thế không, biết tất
cả hành cũng sanh cũng diệt, không xứ và thức xứ cũng sanh cũng diệt. Quán
như vậy rồi thứ đệ quán thức: nay ta quán thức cũng chẳng phải thức, chẳng
phải chẳng thức. Nếu chẳng phải thức ấy đây gọi là tịch tĩnh. Nay ta thế
nào dứt hẳn thức ấy. Quán như vậy rồi được ít thức xứ. Đây gọi là Tỳ Kheo
được Thiểu xứ định.
Thế nào là Tỳ Kheo được Phi tưởng phi phi
tưởng xứ định?
Nếu Tỳ Kheo có chẳng phải tâm tưởng, suy
nghĩ như vầy: nay tưởng ấy của ta là khổ là thống là nhọt, là ung, là
chẳng tịch tĩnh, nếu ta có thể dứt được chẳng phải tưởng chẳng phải chẳng
tưởng ấy, đây gọi là tịch tĩnh.
Nếu Tỳ Kheo có thể dứt được chẳng phải
tưởng chẳng phải chẳng tưởng ấy, đây gọi là được vô tướng giải thoát môn.
Tại sao, pháp hành Tỳ Kheo suy nghĩ rằng:
Nếu có thọ tưởng, nếu có thức tưởng, nếu có
xúc tưởng, nếu có không, nếu có thức, nếu có phi tưởng phi phi tưởng. Các
thứ tưởng ấy gọi là thô tưởng. Nay nêu ta tu vô tướng tam muội thì có thể
dứt được các tưởng như vậy, vì thế nên thấy phi tưởng phi phi tưởng là
tịch tĩnh xứ. Thấy như vậy rồi nhập phi tưởng phi phi tưởng định.
Nếu được Phi tưởng phi phi tưởng định rồi
mà không ái không ái không tham thì có thể phá vô minh, phá vô minh rồi
thì gọi là được quả A La Hán.
Ba định trước không thức và thiểu xứ hai
đạo sở đoạn. Định thứ tư sau đây trọn chẳng thể dùng thế tục đạo đoạn
được. Phàm phu dù ở nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ không có thô phiền não
cũng còn có mười pháp. Đó là thọ, tưởng, hành, xúc, tư, dục, giải, niệm,
định và huệ.
Thọ là thức thọ, tưởng là thức tưởng, hành
là pháp hành, xúc là ý xúc, tư là pháp tư, dục là muốn nhập định muốn xuất
định, giải là pháp giải, niệm là niệm tam muội, định là tâm như pháp trụ,
huệ là hụê căn và huệ lực.
Quán hướng tứ quả hành đến được A La Hán
quả, quán sanh diệt và không tam muội. Quán tứ đại như bốn rắn độc. Mười
pháp như vậy, không xứ thứ tư có đủ cả. Do vì không có thô phiền não nên
phàm phu gọi đó là Niết bàn.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo tu tập
thánh đạo nhàm lìa tứ thiền và tứ không xứ, quán nơi diệt định đạo trang
nghiêm tư duy như vầy: Các hơi thở ra vào đều là vô thường, nếu ta dứt
được xuất nhập tức thì là an lạc. Do đây nên tất cả các hành nhơn duyên
đều diệt, thọ diệt, tưởng diệt, nhẫn đến huệ diệt. Vì giác quán diệt nên
ấm nhập giới đều diệt, tham sân si diệt, tất cả tâm số pháp diệt, tất cả
phi tấm số pháp cũng diệt. Đây gọi là pháp bất cộng với phàm phu, chẳng
phải pháp thế gian, là pháp vô học.
Nầy Kiều Trần Như! Bực Tu Đà Hoàn, bực Tư
Đà Hàm trọn chẳng thể được diệt định ấy. Thứ đệ được quả A Na Hàm cũng
chẳng thể được. Nếu người A Na Hàm xả thân nầy rồi được quả A La Hán cũng
không thể được diệt định ấy.
Nếu người được bát giải thoát đầy đủ, người
nầy mới được diệt định ấy.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu giả sử Như Lai cùng
kiếp tận kiếp nói môn Pháp Mục đà la ni ấy mới cùng tận được. Đây gọi là
pháp vô ngại trí.
Nầy Kiều Trần Như! Pháp mục đà la ni như
vậy chẳng thể nghĩ bàn.
Giả sử có người dùng quỷ mao đếm được số
giọt nước biển, nhưng chẳng đếm biết được công đức của Pháp Mục đà la ni.
Nếu trừ Như Lai, có ai nói hết được thì không có lẽ ấy. Nhẫn đến tất cả vi
trần trong Ta Bà thế giới cũng như vậy.
Đức Phật bảo Kim Cương Sơn Đồng tử rằng:
"Nầy Kim Cương Sơn! Pháp Mục đà la ni của ông mang đến đây cùng với chỗ
được nói hôm nay có khác không?”.
Kim Cương Sơn Đồng tử nói: "Bạch đức Thế
Tôn! Không có khác vậy”.
Đức Phật hỏi: "Nầy Kim Cương Sơn! Nói như
vậy chăng?”.
Kim Cương Sơn Đồng tử nói: "Bạch đức Thế
Tôn! Thiệt nói như vậy”.
Đức Phật nói: "Với pháp nầy, nếu có người
thọ trì đọc tụng thơ tả rộng vì người giảng nói. Nên biết rằng người ấy
thường được Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na
La, Ma Hầu La Già, tất cả Bát Bộ Thiên Thần thủ hộ. Tất cả tứ ma chẳng
được tiện lợi, qua sông phiền não nhập vào Bát chánh đạo”.
Kim Cương Sơn Đồng tử nói: "Lành thay, bạch
đức Thế Tôn! Thiệt đúng như lời đức Phật dạy”.
Đức Phật bảo Tôn giả Kiều Trần Như: "Nầy
Kiều Trần Như! Nếu có người trong hàng tứ chúng mà tu pháp ấy thì không gì
phá hoại được. Đây gọi là thí quang, hay thanh tịnh tịch tĩnh, không có
hành xứ, không trược, không động, không có sở y, không ít, không nhiều,
gọi là chí xứ hành, là tế hành, là kiên hành, hay phá bốn ma và tứ ma
chúng, cùng tất cả tà kiến, qua sông sanh tử vào biển trí huệ, thường được
chư Thánh tán thán, được gần chỗ ngồi của Như Lai, dầu chưa dứt hết tất cả
phiền não, cũng được thượng thân thượng sắc thượng lực thượng biện thượng
niệm thượng huệ thượng xứ. Hoặc được làm Chuyển Luân Vương thống lãnh bốn
ba hai một thiên hạ. Hoặc làm Thiên Đế Thích đến Tha Hoá Tự Tại Thiên
Vương. Hoặc làm Phạm Thiên Vương. Hoặc được toà kim cương dưới cội Bồ đề,
phạm âm thâm viễn, tâm thường bình đẳng, được tâm đại bi, được Xa ma tha
phá các phiền não gọi là Vô Thượng Tôn”.
Lúc Phật nói pháp ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất,
Tôn giả Đại Mục Kiền Liên v.v… từ chỗ ngồi được quả A La Hán.
Tất cả chư Thiên và thế nhơn tán thán rằng:
"Như Lai công đức bất khả tư nghị”.
Vô Lượng chúng sanh được quả Tu Đà Hoàn,
quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, vô lượng chúng sanh phát tâm Vô
thượng Bồ đề.
Tứ Thiên Vương và Công Đức Thiên bạch rằng:
"Bạch đức Thế Tôn! Tuỳ xứ nào lưu bố kinh điển nầy, tôi sẽ ủng hộ tứ bộ đệ
tử tại xứ ấy, cũng ủng hộ quốc độ ấy những thành ấp thôn xóm tụ lạc quốc
vương và nhơn dân”.
Lúc bấy giờ Thế Tôn phóng my gian bạch hào
tướng quang chiếu suốt thế giới chư Phật mười phương làm mờ cả những nhựt
nguyệt tinh tú châu lửa đèn đuốc. Những nơi được ánh sáng bạch hào ấy
chiếu đến thì tất cả gai gốc độc không còn hiện. Chúng sanh trong vô lượng
hằng hà sa số thế giới mười phương thấy ánh sáng ấy, họ đều nhiếp niệm tư
duy pháp lành.
Chư Phật mười phương thấy ánh sáng ấy đều
bảo đại chúng mình rằng: "Nầy các thiện nam tử! Cách đây vô lượng hằng hà
sa số thế giới có thế giới tên là Ta Bà đủ ngũ trược. Nơi đó hiện có Phật
hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai đủ mười hiệu. Mười phương có vô lượng Bồ Tát,
vô lượng Thanh Văn đều đến đó tập hội. Phật ấy vì đại chúng tuyên nói pháp
hành môn Pháp Mục đà la ni. Phật ấy vì hàng Thanh Văn nói pháp hành xong
phóng đại quang minh, sắp sửa tuyên nói môn Tịnh Mục đà la ni, để người
trung thừa được quả Duyên Giác, để chư Bồ Tát trang nghiêm thành tựu Vô
thượng Bồ đề đầy đủ thập địa mười tám pháp bất cộng chuyển pháp luân bất
thối, phá ba ác thú, khiến tu Bát thánh đạo được quả Vô thượng”.
Vô lượng đại chúng chư Bồ Tát nghe đức Phật
mình tuyên lời ấy, tất cả đều bạch Phật mình rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nay
chúng tôi đều muốn đến Ta Bà thế giới kính lễ Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai
và cũng để nghe học môn Tịnh Mục đà la ni”.
Bấy giờ mười phương vô lượng đại chúng Bồ
Tát đến Ta Bà thế giới chỗ đức Thế Tôn đầu mặt lễ Phật rồi ngồi qua một
phía.
Thế giới nầy, vô lượng Phạm Thiên đồng đến
chỗ Phật cúng dường kính lễ rồi ngồi qua một phía.
Trăm ức Ma Thiên, trăm ức Tha Hoá Tự Tại
Thiên, trăm ức Hoá Lạc Thiên, trăm ức Đâu Suất Đà Thiên, trăm ức Dạ Ma
Thiên, trăm ức Đao Lợi Đế Thích Thiên, trăm ức Tứ Thiên Vương Thiên, trăm
ức Nhựt Nguyệt Thiên, trăm ức Diêm La Vương, trăm ức Địa Hành Quỉ, bốn
trăm ức A Tu La, bốn trăm ức Long Vương. Đại chúng như vậy đều đến cúng
dường kính lễ Phật rồi ngồi qua một phía.
Vô lượng Sa Môn, Bà La Môn, những người có
thần thông cũng đến chỗ Phật kính lễ rồi ngồi qua một phía.
Trong thế giới có các ngoại đạo tướng sư
thấy quang minh ấy đều suy nghĩ rằng:
Ánh sáng ấy chẳng phải ánh sáng nhựt nguyệt
tinh tú châu lửa đèn đuốc, ắt là ánh sáng lạ, có thể chẳng bao lâu có bảy
mặt nhựt mọc sẽ đốt cháy hết đại hải, sông núi, cây cỏ, sau đó Dục giới sẽ
có thuỷ tai.
Còn có người nói, sau đây chẳng lâu sẽ có
mưa độc giết hại tất cả.
Còn có người nói, sau đây chẳng lâu sẽ có
mưa đao kiếm giết hại người vật. Thời kỳ ác hại sắp đến rồi, ai có thể cứu
được.
Có người nói: chỉ có Cù Đàm Sa Môn thương
xót tất cả có lẽ ông ấy sẽ cứu được khỏi chết.
Bấy giờ mọi người chí tâm niệm Phật. Niệm
rồi liền thấy Đại Bửu Phường Đình, do Phật thần lực, họ đến trong phường
đình.
Vua Ba Tư Nặc, do Phật thần lực cũng thấy
bửu phường và cũng được đến đó.
Vua Ưu Điền Đà Na, vua Ác Tánh, vua Luân
Đầu Đàn, vua Ma Hê Đà, vua Đầu Đà Xa Na, vua Tần Bà Sa La. Các vua ấy cũng
do Phật thần lực thấy bửu phường đều được đến đó. Các vua đến nơi rồi cúng
dường kính lễ phật rồi ngồi qua một phía.
Các vua ngồi rồi bảo nhau rằng: "Trong đây
có đại tiên nhơn, có Phật Thế Tôn. Vậy nhơn duyên của ánh sáng ấy nên đem
hỏi ai?”.
Vua Đầu Đà Xa Na nói: "Tôi có một đại Bà La
Môn sư tên Điện Man, giỏi biết tướng pháp, hay giải hay nói, là người đáng
nên hỏi”.
Tướng sư Điện Man nghe rồi liền nói: "Tôi
xem rộng hết tất cả tướng thơ đều không có ghi sự nầy. Thiệt tôi chẳng thể
hiểu được điềm ánh sáng ấy. Chẳng riêng gì tôi, mà cả năm trăm tướng sư
trong Diêm Phù Đề nầy cũng đều chẳng hiểu được”.
Vua Tần Bà Sa La nói: "Nầy các vua! Sao các
vua lại rối vậy. Trong đại chúng nơi bửu phường nầy có Phật Thế Tôn hiệu
Thích Ca Mâu Ni đủ Nhứt thiết trí, giỏi biết tất cả tướng thế gian và xuất
thế gian, biết rõ sách tướng lành mười hai tháng, có lòng đại từ bi thương
mến tất cả chúng sanh, thiệt ngữ chánh ngữ. Chỉ có Phật Thế Tôn đây có thể
giải nói điềm ánh sáng ấy. Chúng ta nên hỏi Phật”.
Các vua và đại chúng đều tôn ngưỡng đồng
bạch rằng: "Ngữa mong Như Lai vì chúng tôi mà nói sách tướng mười hai
tháng”.
Đức Phật nói: "Nầy các vua! Nay đại hội nầy
chẳng nên nói sách tướng thế gian”.
Vua Tần Bà Sa La bạch rằng: "Bạch Thế Tôn!
Nay trong đại chúng nầy có những người chẳng tin công đức Như Lai. Họ lại
chẳng tin Thế Tôn là bực Nhứt thiết trí. Nguyện Phật vì phá hoại lòng nghi
như vậy mà vì chúng tôi tuyên nói sách ấy. Những người như vậy được nghe
rồi ắt vui mừng sanh lòng tin. Họ sanh lòng tin rồi mới có thể vì họ nói
đạo xuất thế. Những người nầy cũng thường thích học hỏi để điều phục”.
Đức Phật nói: "Nầy Đại Vương! Chí tâm lắng
nghe, Phật sẽ nói đó.
Nầy Đại Vương! Thưở xưa tại Tuyết Sơn có
một tiên nhơn tên Bạt Già Bà. Tiên ấy ăn rau quả rễ củ, tu tập từ tâm,
chưa dứt được phiền não kiết sử, chẳng điều phục được lòng tham dục.
Chỗ tiên nhơn ấy có một cọp cái bèn cùng
hành dục. Cọp cái có thai đủ ngày tháng đến chỗ tiên nhơn đẻ mười hai
người con trai. Vì lòng thương, tiên nhơn tắm rửa các trẻ và mớm nuôi
chúng. Cọp mẹ cũng mến yêu luôn cho chúng bú.
Tiên nhơn đặt tên cho chúng: Thứ nhứt tên
Đoan Già, thứ hai tên Bạt Già Bà, thứ ba tên Hổ, thứ tư tên Sư Tử, thứ năm
tên Đảm Trọng, thứ sáu tên Bà La Đoạ Xà, thứ bảy tên Bộ Hành, thứ tám tên
Bà La Nô, thứ chín tên Kiện Thực, thứ mười tên Ác Tánh, thứ mười một tên
Sư Tử Thiềm, thứ mười hai tên Kiện Hành.
Mười hai đồng tử ấy đều ăn rau quả rễ củ,
lúc lên bảy tuổi thì cả cha và mẹ đều chết. Các trẻ ấy sầu não lo lắng kêu
khóc, ngước mặt lên trời mà nói rằng: Tại sao một lúc không có nơi nương
dựa thế nầy.
Có thọ thần nghe lời kêu khóc ấy bảo rằng:
Nầy các đồng tử chớ kêu khóc. Có chỗ dựa nương đó là Phạm Thiên thường
thương mên chúng sanh.
Các ngươi ngày đêm sáu thời nên tự tắm gội,
hướng lên hư không chí tâm lễ lạy cầu khẩn Phạm Thiên.
Phạm Thiên sẽ dùng vô ngại thiên nhĩ nghe
tiếng của các ngươi. Nghe rồi Phạm Thiên sẽ đến chỗ chúng ngươi ở. Đến rồi
vì thương xót Phạm Thiên sẽ phá trừ si ám cho các ngươi mà ban cho ánh
sáng trí huệ. Được trí huệ rồi thì tất cả chư Thiên sẽ cúng dường các
ngươi huống là thế nhơn.
Các đồng tử y theo lời thọ thần mà thi hành
suốt mười hai năm Phạm Thiên mới nghe tiếng kêu cầu của họ mà xuống cung
Trời Đao Lợi.
Thiên Đế Thích thấy Phạm Thiên đến liền
cung kính cúng dường rồi hỏi rằng: Đại Sĩ muốn việc gì?
Phạm Thiên nói: Nầy Kiều Thi Ca! Ông chẳng
thấy mười hai tiên nhơn trong Tuyết Sơn kia sao? Nên cùng qua đó.
Thích Đề Hoàn Nhơn cùng vô lượng chư Thiên
theo Phạm Thiên xuống Tuyết Sơn.
Thấy Phạm Thiên đến, mười hai tiên nhơn vui
mừng hớn hở lễ bái cúng dường.
Phạm Thiên Vương hỏi:
Các người cớ chi trong mười hai năm tinh
cần khổ hạnh cúng dường ta muốn cầu sự gì? Vì cầu danh tiếng sắc lực của
cải, hay cầu thánh đạo trí huệ, hay cầu được thân chư Thiên?
Kiệt Già Tiên bạch Phạm Thiên: Thưa Đại Sĩ!
Nay tôi chẳng cầu những sự ấy. Tôi muốn cầu trí huệ để vì chúng sanh.
Chúng tôi côi cút trẻ nít sớm mất cha mẹ tự theo ý mình không có ai dạy
bảo.
Duy nguyện Đại Sĩ ban cho chúng tôi trí
huệ, cho chúng tôi biết các nghiệp thiện ác, cũng rõ chúng sanh những
nghiệp thiện ác, cũng biết chúng sanh quốc độ thành ấp Sát Đế Lợi, Bà La
Môn, Tỳ Xá, Thủ Đà, nam nữ đại tiểu các tướng thiện ác các sự khổ vui, các
vua tham nước chẳng biết chán đủ hưng binh đánh nhau các tướng thạnh suy.
Nếu tôi được biết rồi sẽ dùng phương tiện dạy họ dứt diệt tướng xấu ác cho
họ được an lạc.
Nầy Đại Vương! Đây là nhơn duyên có sách
tướng lành mười hai tháng, là nhơn sanh diệt thế gian chẳng phải pháp nhơn
duyên vượt qua tam giới lục đạo cũng chẳng phải pháp dứt diệt ba ác đạo
khổ”.
Lúc ấy Di Lặc Bồ Tát ở trước Phật tâm niệm
nói kệ hỏi nơi đức Phật Thế Tôn:
Chẳng phải có đướng sá
Mà cũng có luân chuyển
Như Lai cũng chẳng trụ
Tất cả đạo phi đạo
Phi đạo thấy là đạo
Đạo thấy là phi đạo.
Đức Phật nói: "Nầy Di Lặc! Phi đạo là chẳng
xuất chẳng diệt chẳng trụ, chẳng phải trí chẳng phải cảnh giới của trí,
chẳng phải minh ám, chẳng phải thường đoạn, chẳng phải thiện ác, chẳng
phải sắc ấm đến thức ấm. Đây gọi là thiệt tánh, là pháp tánh, là nhứt
thiết hành, là chơn thiệt tiết. Đây gọi là phi đạo.
Trong đạo ấy, chư Phật Như Lai chuyển chánh
pháp luân mà chẳng thủ trước.
Các đạo như vậy, nếu có chúng sanh đạo thấy
là phi đạo, phi đạo thấy là đạo thì chẳng đạt được đạo và phi đạo. Mới
biết rằng ba đạo Như Lai đều hay phân biệt giải nói nhẫn đến chẳng dứt nơi
đạo.
Nầy Di Lặc! Như Lai Thế Tôn ở trong không
có đạo mà chuyển pháp luân để phá hoại chúng sanh ba thứ đạo vậy. Những gì
là ba thứ đạo? Đó là phiền não đạo, khổ đạo và nghiệp đạo.
Nghiệp đạo là hành và hữu. Phiền não đạo là
vô minh, ái và thủ. Khổ đạo là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh và
lão tử.
Ba đạo như vậy do nhơn duyên gì mà có. Đó
là do xúc làm duyên mà có.
Nầy Di Lặc! Nhơn nhãn thấy sắc mà sanh ái
tâm, ái tâm ấy là vô minh. Do ái tâm gây tạo nghiệp gọi là hành, chí tâm
chuyên niệm gọi là thức, thức cùng đi chung với sắc gọi là danh sắc, sáu
căn sanh tham gọi là lục nhập, nhơn nhập cầu thọ gọi là xúc, tâm tham
trước gọi là ái, cầu lấy các pháp ấy gọi là thủ, pháp như vậy sanh gọi là
hữu, thứ đệ chẳng dứt gọi là sanh, thứ đệ dứt gọi là tử, sanh tử nhơn
duyên các khổ bức bách gọi là não, nhẫn đến thức nhơn duyên sanh tham cũng
như vậy.
Mười hai nhơn duyên ấy, nơi một người trong
một niệm đều có đủ cả.
Xuất có ba thứ, đó là nhơn xuất, vật xuất
và đạo xuất.
Nếu có Tỳ Kheo tu hành pháp hạnh quán sát
tướng mạo ái tâm mà mình có. Tỳ Kheo nên quán sát nếu có ái tâm tức là vô
minh.Thể tánh của vô minh hay xuất ra hai lỗi đó là xuất ra hành và thức.
Thức cũng hay xuất ra hai lỗi đó là xuất ra danh và sắc. Danh sắc xuất ra
hai là vô trụ và làm lục nhập. Lục nhập xuất ra hai là chẳng nhàm dục và
xúc. Xúc cũng xuất ra hai là sanh tâm thọ và cầu thọ. Thọ xuất ra hai là
thọ khổ lạc và tâm tham ái. Ái xuất ra hai là hệ phược bền chắc và cầu lấy
tức là thủ. Thủ xuất ra hai là tâm thâm và cầu có tức hữu. Hữu xuất ra hai
là thích ở và nhơn duyên. Duyên xuất ra hai là sanh già và khổ duyên. Già
xuất ra hai là hư hoại sắc trẻ và làm nhơn cho tử. Tử cũng xuất ra hai là
hư hoại thọ mạng và ái biệt ly. Đây gọi là xuất nhơn.
Nếu Tỳ Kheo tu tập pháp hành quán các pháp
như vậy cũng là xuất cũng là diệt thì gọi là vật xuất”.
Đức Thế Tôn lại bảo Tôn giả Kiều Trần Như:
"Nầy Kiều Trần Như! Thế nào là đạo xuất?
Nếu Tỳ Kheo kiến đạo thì có hai hạng là
hành hành và huệ hành. Chừng ông có biết hành hành và huệ hành ấy chăng?”.
Tôn giả Kiều Trần Như nói: "Bạch đức Thế
Tôn! Tôi chưa biết. Duy nguyện Như Lai vì Tỳ Kheo quán mười hai nhơn duyên
được đại trí huệ phá phiền não kiết sử mà phân biệt giải nói. Tỳ Kheo nghe
rồi sẽ thọ trì đầy đủ”.
Đức Thế Tôn hỏi Bửu Tràng đồng tử rằng:
"Nầy Bửu Tràng! Chừng ông có biết hơi thở ra vào chăng?”.
Bửu Tràng đồng tử bạch rằng: "Bạch đức Thế
Tôn! Tôi chẳng biết”.
Đức Phật nói: "Nầy thiện nam tử! Pháp hành
Tỳ Kheo trước tiên quán vô minh đến lão tử.
Thế nào gọi là trước quán vô minh?
Trước tiên quán trung ấm nơi cha mẹ sanh
tâm tham ái. Do ái nhơn duyên nên tứ đại hoà hiệp hai giọt tinh huyết hiệp
thành một giọt bằng hột đậu gọi là ca la la. Ca la la ấy có ba sự là mạng
căn, thức và hơi nóng. Nghiệp duyên quả báo trong đời quá khứ không có tác
giả và thọ giả. Sơ tức xuất nhập gọi là vô minh ca la la. Lúc ấy hơi thở
ra vào có hai đường đó là theo hơi thở lên xuống của bà mẹ cứ bảy ngày thì
một lần biến đổi. Hơi thở ra vào gọi là thọ mạng đây gọi là phong đạo.
Chẳng thúi chẳng rã đây gọi là noãn nóng. Tâm ý trong ấy gọi là thức.
Nếu người muốn được quả Bích Chi Phật thì
nên quán mười hai nhơn duyên như vậy.
Lại quán ba thứ thọ, nhơn duyên ngũ ấm,
thập nhị nhập, thập bát giới. Quán thế nào?
Theo nơi niệm tâm quán hơi thở ra vào, quán
sát nội thân da thứa thịt gân xương tuỷ như mây trên không. Gió động trong
thân cũng như vậy. Có gió hay lên, có gió hay xuống, có gió hay đầy, có
gió hay cháy, có gió hay tăng trưởng. Vì vậy nên hơi thở ra vào gọi là
thân hành. Vì hơi thở ra vào theo giác quán mà sanh nên gọi là ý hành. Hoà
hiệp phát ra âm thanh nên gọi là khẩu hành. Do nhơn duyên ba hành ấy nên
có thức sanh. Do nhơn duyên thức nên có bốn ấm và sắc ấm nên gọi là danh
sắc. Nhơn duyên ngũ ấm mà thức hiện hành sáu chỗ gọi là lục nhập. Nhãn và
sắc đối nhau đến ý và pháp đối nhau gọi đó là xúc. Nhơn duyên xúc nên nhớ
ghi sắc ấy đến pháp ấy gọi là thọ. Tham trước nơi sắc đến pháp thì gọi đó
là ái. Nhơn duyên ái nên tìm cầu bốn phương đây gọi là thủ. Do nhơn duyên
thủ nên có thân sau đây gọi là hữu. Do nhơn duyên hữu nên có sanh và lão
tử các thứ khổ.
Đây gọi là cội cây lớn mười hai nhơn duyên,
ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới vậy.
Vì thế nên duyên nơi xuất nhập tức hay sanh
ra tất cả các khổ phiền não. Phàm phu lúc sanh là phiền não hệ phược, lúc
tử cũng phiền não hệ phược, trọn chẳng được thân tâm tự tại, chẳng được
tam muội, chẳng hết các lậu.
Nếu có Tỳ Kheo quán xuất nhập tức như gió
trong hư không, không có ngã ngã sở, không có tác giả không có thọ giả, nó
theo duyên mà sanh cũng từ nơi duyên mà diệt, không có tướng không có vật
không có giác quán.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|