Hán dịch: Bắc Lương, Tam Tạng Đàm Vô Sấm.
Việt dịch: Việt Nam, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh.
Tôi nghe như vầy: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác vẫn ở Đại Bửu Phường Đình giữa hai cõi
Dục giới và Sắc giới, cùng vô lượng Tỳ Kheo Tăng và chư Đại Bồ Tát câu hội
thuyết pháp.
Lúc bấy giờ các Tôn giả Xá Lợi Phất, Đại
Mục Kiền Liên v.v… xuất gia chưa bao lâu. Do nhân duyên các Tôn giả ấy mà
đức Phật nói pháp Thanh Văn tạp Tứ chơn đế. Trong đại chúng có các hạng
người gốc ngoại đạo căn tánh ám độn tự cho mình có trí huệ nên khởi tâm
đại kiêu mạn, thắng mạn, phi pháp mạn, chưa được chứng quả thứ hai thứ ba
thứ tư, vì vậy mà đức Thế Tôn nói pháp trung đạo để lìa các ác phiền não
như vậy.
Lúc đức Như Lai Thế Tôn nói nghĩa trung đạo
ấy, các hạng người như vậy đều luận nói đoạn kiến ngã kiến.
Đức Thế Tôn nghĩ rằng: đáng thương thay cho
các người ấy vì họ gốc ngoại đạo nên dầu nhập vào Phật pháp mà sanh đại
mạn, trong chỗ chưa được mà tưởng mình đã được, trong chỗ chưa biết mà
tưởng mình đã biết, trong như pháp mà chẳng tu hành, dầu thuận Tứ đế mà
chẳng có thể được Tứ vô ngại trí nhẫn đến chẳng được chứng đệ Tứ quả.
Đức Thế Tôn hai tay đưa lên nắm tràng hoa
chiêm bà phát đại thệ nguyện. Do sức thệ nguyện trong tràng hoa xuất sanh
bốn báu: một là Đế Thích bửu, hai là Thiên Quang bửu, ba là Kim Cương
Quang bửu và bốn là Thắng Chư Quang bửu. Trong mỗi một báu đều phát ánh
sáng lớn chiếu khắp Ta Bà thế giới nầy. Bốn báu phát ánh sáng lớn rồi, đức
Thế Tôn ném lên hư không. Trong tràng hoa ấy liền có tiếng nói kệ rằng:
Dầu cạo râu tóc chẳng bỏ kiết
Dầu mặc nhiễm y chẳng lìa nhiễm
Thờ Phật làm thầy chẳng nghe lời
Người như vậy làm nhơ đại chúng
Như Lai lúc tuyên nói chánh pháp
Lại chẳng chí tâm lắng tai nghe
Người ấy chẳng được nghĩa chơn thật
Cũng chẳng lìa được các phiền não
Nếu người thấy được thiệt pháp tánh
Người nầy phá hoại vô minh mạn
Nếu được thân cận thiện tri thức
Người nầy mau được vị cam lộ
Nếu hay quở trách lỗi sanh tử
Người nầy mau được đến bờ kia
Người nầy có đủ giới đa văn
Cũng được đủ thiền định trí huệ
Nếu hay phá được ma phiền não
Xa lìa ấm ma và tử ma
Xô dẹp thiên ma và quyến thuộc
Thường nên gần kề Vô Thượng Tôn.
Trong tràng hoa ở hư không phát tiếng nói
kệ ấy rồi, những đệ tử Thanh Văn có lòng kiêu mạn đều tự nghĩ rằng đức Như
Lai biết ta có tâm ô nhiễm nên vì ta mà hiện thần lực nói kệ như vậy. Suy
nghĩ rồi trong lòng sanh đại tàm quí. Trong tứ thiên hạ các đệ tử Phật
cũng sanh lòng đại tàm quí như vậy, tất cả đều đến tập hội bên đức Phật.
Lúc bấy giờ trăm ngàn vạn ức Thanh Văn đại
chúng đều đến tụ tập. Đức Phật biết chúng hội đã định liền vì đại chúng mà
nói tạp Tứ chơn đế.
Tràng hoa báu ấy đi thẳng qua phương Nam
quá chín vạn hai ngàn hằng hà sa số thế giới chư Phật, nơi đó có thế giới
tên là Kim Cương Quang Tạng, chúng sanh thế giới ấy có đủ ngũ trược, Phật
Thế Tôn cõi âý hiệu là Kim Cương Quang Minh Công Đức Như Lai, Ứng Cúng,
Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ,
Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, cũng vì tứ chúng đại hội
mà tuyên nói tạp Tứ chơn đế pháp. Chư Bồ Tát Thanh Văn tứ chúng trong đại
hội ấy thấy tràng hoa báu đại quang minh trụ trên hư không ngay đỉnh Phật,
liền bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Tràng hoa báu như vậy từ đâu bay đến và
ai sai sử nó?”.
Đức Phật Kim Cương Quang Minh Công Đức nói:
"Nầy các thiện nam tử! Phương Bắc cách đây chín vạn hai ngàn hằng hà sa số
thế giới chư Phật có thế giới tên là Ta Bà có Phật Thế Tôn hiệu là Thích
Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế
Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn
vì đại hội tứ chúng tuyên nói pháp tạp Tứ chơn đế như thế giới ta đây
không khác.
Các thiện nam tử! Thế giới Ta Bà ấy, chúng
sanh có đủ ngũ trược rất là si ám thô lỗ khinh tháo sanh lòng đại kiêu mạn
gây nhiều nghiệp ác khó điều khó giải, vì vậy nên Thích Ca Như Lai làm đại
tập hội ở trong đại chúng Thanh Văn tập hội ấy mà diễn nói chánh pháp để
phá hoại những ác sự lớn như vậy. Chúng sanh ở thế giới ấy nơi chưa được
cho mình đã được, nơi chưa chứng tưởng mình đã chứng, nơi chưa tu tập
tưởng mình đã tu tập. Vì cớ ấy nên Phật Thích Ca Mâu Ni muốn thuyết pháp
rộng lớn như pháp tu hành để phá hoại lòng đại kiêu mạn ấy. Vì muốn đại
chúng ấy được tận trí và vô sanh trí nên Phật ấy muốn tuyên nói pháp hành
Hư Không Mục, để được các quả Thanh Văn, quả Duyên Giác, quả Phật, muốn
khai thị Như Lai vô thượng pháp tạng, nên Phật ấy sai tràng hoa báu nầy
đến đây xin dục nơi ta, nay ta giữ dục cho đó và ta muốn đem Pháp Mục đà
la ni tặng cho kia để làm tin, có thể làm vô lượng vi diệu quang minh, hay
làm khô tất cả phiền não, hay thọ trì tất cả pháp được nghe chẳng quên
mất, hay làm sạch tất cả cấu nhơ nơi tâm, hay hộ tất cả thiện cấm giới,
hay nhập tất cả đại trí huệ, hay hộ tất cả tam muội vô thượng, hay hộ tâm
mình sanh lòng vui cho người thọ trì thánh pháp xa lìa các tật bịnh, cầu
thiện pháp gì thì liền được như nguyện, liền được tăng trưởng tất cả đồ
cần dùng sanh sống, cũng hay trưởng dưỡng tất cả thiện căn, hay điều phục
ác vương và tứ tánh, các ác quỉ thần điểu thú độc trùng, hay hộ trì tất cả
cội pháp lành, hay được tất cả pháp Phật nhẫn đến được mười tám pháp bất
cộng pháp. Vì vậy nên ta muốn sai Pháp Mục đà la ni như vậy đến thế giới
Ta Bà kia tặng Thích Ca Như Lai”.
Phật Kim Cương Quang Minh Công Đức bảo đồng
tử Kim Cương Sơn rằng: "Nầy Kim Cương Sơn! Ông nên qua thế giới Ta Bà xưng
danh tự ta mà thăm hỏi Thích Ca Như Lai mà bạch Phật ấy rằng: Kim Cương
Quang Minh Công Đức Như Lai dâng môn Pháp Mục đà la ni nầy xa tặng Thế
Tôn”.
Kim Cương Sơn đồng tử bạch rằng: "Bạch đức
Thế Tôn! Lành thay lành thay, tôi cũng muốn đến kính lễ đức Phật ấy và
muốn thưa hỏi pháp chưa từng được nghe là Hư Không Mục pháp môn”.
Còn có sáu vạn ức đại Bồ Tát, tám vạn ức
Thanh Văn đồng thanh bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi cũng muốn đến
Ta Bà thế giới kính lễ Thích Ca Mâu Ni Như Lai và muốn học hỏi pháp môn Hư
Không Mục chưa từng được nghe. Duy nguyện Như Lai gia thần lực cho chúng
tôi được qua đến thế giới ấy”.
Phật Kim Cương Quang Minh Công Đức nói:
"Lành thay lành thay! Các thiện nam tử nên biết là phải lúc. Kim Cương Sơn
đồng tử có thể điều phục các người, là thiện tri thức của các người”.
Đức Phật bảo Kim Cương Sơn đồng tử : "Nầy
Kim Cương Sơn! Lắng nghe lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói môn Pháp Mục đà la
ni.
Liền nói chú rằng:
A bà, a bà a bà, nang na xà sa tra, ma ha
ma khê, ma ha tha sa bà sa, thọ dụ đê, a tha, na bà na tha nễ, Phật xà la
di, an lũ lại di, xà la ca tha, a na nậu đắc xoa, phạm phục bà, na bà trà
bà, lặc xoa lỗ giá na, sa tra khê bà, đà la ni mậu xà, ba la già trác bà,
tỳ na xí, bà na tỳ phu, a na ca tha, chiên trà mế tu, bà la khê đa, tu lỗ
giá na, lỗ giá na bà, lỗ giá xà nang bà bà tư, sá ha.
Nầy Kim Cương Sơn! Ông nên thọ trì đọc tụng
thơ tả đà la ni ấy, đến Ta Bà thế giới thăm hỏi Thích Ca Như Lai, như lời
ta mà bạch Phật ấy rằng: Tứ bộ đệ tử có thích thọ pháp chăng? Người tứ
tánh có hay cúng dường chăng? Tâm chúng sanh có trược loạn chăng? Họ có
thường hay gần kề Như Lai chăng? Họ có hay tôn trọng tán thán Phật chăng?
Chánh pháp Phật có được thêm rộng lưu bố chăng? Phật Kim Cương Quang Minh
Công Đức Như Lai xa tặng Thế Tôn môn Pháp Mục đà la ni nầy hay làm ánh
sáng lớn khô cháy tất cả ác phiền não nhẫn đến làm cho chúng sanh được
Phật thập bát bất cộng pháp”.
Kim Cương Sơn đồng tử tuân Phật dạy thọ trì
đọc tụng thơ tả môn Pháp Mục đà la ni rồi bảo các đại chúng rằng: Nếu muốn
đến thế giới Ta Bà kính lễ Phật Thích Ca Mâu Ni và hỏi học pháp môn Hư
Không Mục chưa từng được nghe ấy thì phải xa lìa tất cả sắc tướng, cũng
chớ nhớ tướng phân biệt, mà phải thường tu tập tướng hư không, xa lìa tất
cả tướng thủ xả, buông bỏ tất cả tướng trần lao, mở các kiết phược, chuyên
niệm hư không”.
Đại chúng đồng thanh nói: "Lành thay, lành
thay, thưa đồng tử!”.
Đại chúng liền đến trước Phật đảnh lễ. Lễ
Phật rồi nhiếp niệm quán tướng hư không, trong thời gian một niệm đến Ta
Bà thế giới chỗ Thích Ca Như Lai. Đến rồi kính lễ Phật cúng dường cung
kính tôn trọng tán thán hữu nhiễu ba vòng qua một phía chấp tay mà đứng.
Lúc ấy tràng hoa báu lại đi thẳng qua
phương Tây quá tám vạn ức thế giới chư Phật có thế giới tên là Huệ Ám đủ
ngũ trược, có Phật hiệu Trí Tràng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh
Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,
Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn cũng vì tứ chúng tuyên nói pháp tạp Tứ chơn
đế. Chư Bồ Tát, Thanh Văn tứ chúng thấy tràng hoa báu đại quang minh dừng
trên không ngay đỉnh đức Phật liền bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Tràng hoa
báu ấy từ đâu đến và ai sai sử nó?”.
Đức Phật Trí Tràng Như Lai nói: "Nầy các
thiện nam tử! Phương Đông cách đây tám vạn ức thế giới chư Phật, có thế
giới tên Ta Bà đủ ngũ trược. Phật Thế Tôn hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai đủ
mười hiệu cũng vì tứ chúng tuyên nói pháp tạp Tứ chơn đế như ta đây không
khác, cho đến vì muốn khai thị pháp tạng Như Lai nên sai tràng hoa báu nầy
đến xin dục nơi ta, ta cho đó và muốn tặng Phật ấy môn Tịnh Mục đà la ni
hay làm ánh sáng lớn khô cháy các ác phiền não nhẫn đến có thể được Phật
thập bát bất cộng pháp”.
Đức Trí Tràng Như Lai bảo Thắng Tràng đồng
tử rằng: "Ông nên đến Ta Bà thế giới xưng danh tự ta mà thăm hỏi đức Phật
ấy và đem môn Tịnh Mục đà la ni xa tặng”.
Lúc ấy có vô lượng Bồ Tát Thanh Văn đồng
bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Lành thay, lành thay, chúng tôi cũng muốn
đến thế giới Ta Bà kính lễ Thích Ca Như Lai cùng muốn hỏi học pháp môn Hư
Không Mục chưa từng được nghe”.
Nhẫn đến Phật Trí Tràng liền nói thần chú
rằng:
Vật lực ha, vật lực ha, vật lực ha, vật lực
ha, a bà vật lực ha, tát tha vật lực ha, tu bà xa vật lực ha, na bà vật
lực ha, tu phả bà, a năng già, đê tỉ xoa, xà xà tư la, na bà áo nam, khê
già bát la, na la na diêm, túc sa, sí xa tư la, a bà la tư la, ma ha bách
kỳ xà na, a na siểm đa la, a bà khê già, na du đa siểm đà la, sa phả la, a
nang già già, na la noa, sa giá, thủ lưu đa kiệt bà xí na, sá ha.
Nầy Thắng Tràng! Ông nên thọ trì đọc tụng
thơ tả đà la ni ấy. Nhẫn đến qua một phía chắp tay đứng”.
Lúc ấy tràng hoa báu đại quang minh đi
thẳng qua phương Bắc quá chín vạn chín ức thế giới chư Phật, có thế giới
tên là Vi Thường đủ ngũ trược, Phật hiệu là Phát Quang Minh Công Đức Như
Lai đủ mười hiệu cũng vì hàng tứ chúng tuyên nói pháp tạp Tứ chơn đế.
Trong pháp hội chư Bồ Tát, chư Thanh Văn và tứ chúng thấy tràng hoa báu
dừng ở hư không ngay đỉnh Phật, liền bạch hỏi rằng: "Bạch đức Thế Tôn!
Tràng hoa báu ấy từ đâu đến và ai sai khiến nó?”.
Đức Phật Phát Quang Minh Công Đức nói: "Nầy
các thiện nam tử! Phương Nam cách đây chín vạn chín ức thế giới chư Phật
có thế giới tên là Ta Bà đủ ngũ trược, Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như
Lai đủ mười hiệu vì hàng tứ chúng tuyên nói pháp tạp Tứ chơn đế như nơi
đây không khác, nhẫn đến vì muốn khai pháp tạng Như Lai nên sai tràng hoa
tứ bửu nầy đến xin dục nơi ta. Nay ta giữ dục cho đó và muốn tặng môn
Quang Mục đà la ni có thể làm ánh sáng lớn khô cháy ác phiền não, nhẫn đến
hay được Như Lai thập bát bất cộng pháp”.
Đức Phật bảo Thắng Ý đồng tử rằng: "Nầy
Thắng Ý! Ông nên đến thế giới Ta Bà xưng danh tự của ta thăm hỏi Phật
Thích Ca Mâu Ni, đem môn Quang Mục đà la ni đây xa tặng Như Lai ấy”.
Trong đại chúng còn có vô lượng Bồ Tát,
Thanh Văn đồng bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Thiện tai, thiện tai, chúng
tôi cũng muốn đến đó kính lễ Phật Thích Ca và hỏi học pháp môn Hư Không
Mục mà chúng tôi chưa từng được nghe, nhẫn đến Phật Phát Quang Minh Công
Đức liền nói chú rằng: "Xà bà ma, xà bà ma, xà bà ma, a câu lô tra, tỉ bà
xà bà, ma ha đà ma khê bà, a ra xà, san bồ đà, nang khê bà, a ra xà bà bà,
ra xà bà bà, xà kỳ xoa xà bà bà, ma hê xà bà ni bạn đà, tỳ mâu giá bà bà,
na ra xà noa bà bà, chước thu bà bà, thâu lô đa bà bà, thâu lô đa bà bà,
già hận noa bà bà, thị chúc bà bà, ca xà bà bà, chất đa bà bà, sa mậu đà
ra bà bà, cực ra noa bà bà, sất na tu lưu kỳ bà bà, soá ha”.
Nầy Thắng Ý! Ông nên thọ trì đọc tụng thơ
tả môn Quang mục đà la ni ấy đến Ta Bà thế giới, nhẫn đến qua một phía
chắp tay đứng”.
Lúc ấy tràng hoa bốn báu đi thẳng qua
phương Đông quá sáu vạn ngàn ức thế giới chư Phật, có thế giới tên là Bửu
Đảnh đủ ngũ trược, Phật hiệu là Bửu Cái Quang Minh Công Đức Như Lai đủ
mười hiệu đang vì hàng tứ chúng tuyên nói pháp tạp Tứ chơn đế. Trong pháp
hội các Bồ Tát, Thanh Văn tứ chúng thấy tràng hoa báu đại quang minh trụ ở
hư không ngay đỉnh đức Phật liền bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Tràng hoa
tứ bửu ấy từ đâu đến và ai sai khiến nó?”.
Đức Bửu Cái Quang Minh Công Đức Như Lai
nói: "Các thiện nam tử! Phương Tây cách đây sáu vạn ngàn ức thế giới chư
Phật có thế giới tên là Ta Bà đủ ngũ trược, Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni
Như Lai đủ mười hiệu đang vì tứ chúng tuyên nói pháp tạp Tứ chơn đế như
tại đây không khác, nhẫn đến vì muốn khai pháp tạng Như Lai nên sai tràng
hoa tứ bửu ấy đến xin dục nơi ta. Nay ta giữ dục cho đó, và muốn tặng cho
đó môn Thánh mục đà la ni hay làm ánh sáng lớn khô cháy ác phiền não nhẫn
đến được Như Lai thập bát bất cộng pháp”.
Đức Phật liền bảo Hư không Thanh đồng tử
rằng: "Nầy Hư không Thanh! Ông nên đến thế giới Ta Bà xưng danh tự ta thăm
hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai và đem dâng môn Thánh mục đà la ni xa
tặng”.
Nhẫn đến còn có vô lượng Bồ Tát Thanh Văn
đại chúng đồng thanh bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Lành thay, lành
thay, chúng tôi cũng muốn đến Ta Bà thế giới kính lễ Phật Thích Ca Mâu Ni
Như Lai và hỏi học pháp môn Hư Không Mục mà chúng tôi chưa từng được
nghe”.
Đức Phật Bửu Cái Quang Minh Công Đức liền
nói chú rằng: "A la ma, a la ma, a la ma, xà xà ra xà, tự lê xà ra xà, già
xà phu, bà ra xà la, a na giá, a khê sa ra, khê già sa xà na, na ô ha, na
ra xà na ô ha, ma hê thấp ba la giá ma, a ma ni ha, ha xà bà lợi la, chước
thu giá ma, chước thu sa chước thu na, na bà na bà ma xà, a bà khê bà, xa
bà na bà, khê già thiền lũ, sa ra chiên đà ra, ma hê thấp ba la ni la na
bà, sa đàn ma xoa xà, sá ha.
Nầy Hư Không Thanh! Ông nên thọ trì đọc
tụng thư tả môn Thánh mục đà la ni ấy qua thế giới Ta Bà, nhẫn đến qua một
phía đứng chắp tay”.
Bấy giờ bốn đồng tử Bồ Tát biến thế giới
nầy bằng phẳng, đầy đủ những hương hoa phan lọng bảy báu cúng dương đức
Phật. Tất cả cung chư Thiên, cung A Tu La đều bị chấn động sáu cách. Chư
Thiên vui mừng đều thọ hỉ lạc đều đem dâng hương hoa phan lọng bảy báu các
thứ kỹ nhạc cúng dường Phật.
Bốn đồng tử cúng dường Phật rồi thăng lên
hư không cao bảy cây đa la tay cầm tứ bửu nói kệ tán thán:
Phật là vua sáng lớn thanh tịnh
Vì chúng sanh nói pháp cam lộ
Với chúng sanh lòng Phật như đất
Đại bửu thương chủ thương tất cả
Vì chúng sanh nói pháp thanh tịnh
Khiến lìa các khổ và phiền não
Tâm Phật bình đẳng như hư không
Lời Phật vi diệu biết chơn đạo
Đầy đủ giới cấm và trí huệ
Dứt hẳn phiền não mưa cam lộ
Vì người khát pháp Phật xuất thế
Đuốc huệ sáng lớn phá tối tăm
Dầu kẻ không tu bát thánh đạo
Và người được chứng quả giải thoát
Như Lai bình đẳng thương xót đồng
Ban cho Nhơn Thiên tịnh pháp nhãn
Hay độ chúng sanh khỏi sanh tử
Hay ban vô thượng của bảy báu
Hay khiến chúng sanh nhàm sanh tử
Tu trọn ba mươi bảy đạo phẩm
Pháp đã mất lâu nay Phật dạy
Vì vậy được gọi Vô Thượng Tôn
Chúng sanh bốn phương đã tập hội
Duy nguyện xót thương chuyển pháp luân.
Đại chúng trong pháp hội nầy lòng sanh vui
mừng đều nói rằng: "Vô lượng vô biên đại chúng từ đâu đến, tất cả đều oai
nghi thanh tịnh đủ vô lượng đức, tàm quí trí huệ đều trọn đủ thành tựu, từ
trước chúng ta chưa từng thấy chư Đại Tiên ngũ thông sắc thân vi diệu như
vậy”.
Đức Phật bảo Tôn giả Kiều Trần Như: "Nầy
Kiều Trần Như! Bốn phương có vô lượng Bồ Tát đều đến tập hội để được nghe
pháp. Nay nên chí tâm thanh tịnh ý niệm”.
Đức Phật dùng âm thanh vi diệu bảo bốn đồng
tử rằng: "Các thiện nam tử! Các ông đến đây rất tốt. Các ông từ phương nào
đến và đến để làm gì?”.
Bốn đồng tử kính lễ chân Phật đi nhiễu giáp
vòng. Kim Cương Sơn đồng tử bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nam phương cách
đây chín vạn hai ngàn hằng hà sa thế giới chư Phật, có thế giới tên là Kim
Cương Quang Tạng đủ ngũ trược, Phật Thế Tôn hiệu là Kim Cương Quang Minh
Công Đức Như Lai đủ mười hiệu đang vì tứ chúng tuyên nói pháp tạp Tứ chơn
đế.
Đức Kim Cương Quang Minh Công Đức Như Lai
sai tôi đến thế giới Ta Bà nầy thăm hỏi đức Thế Tôn và muốn nghe pháp môn
Hư Không Mục.
Bạch đức Thế Tôn! Phật Kim Cương Quang Minh
Công Đức trí kính ân cần thăm hỏi Thế Tôn và sai dâng tặng môn Pháp mục đà
la ni hay làm ánh sáng lớn khô cháy ác phiền não, nhẫn đến được Như Lai
thập bát bất cộng pháp”.
Kim Cương Sơn đồng tử liền ở trước Phật nói
chú như vậy. Ba đồng tử đồng tử kia cũng bạch thưa và nói chú như vậy.
Bốn đồng tử nói chú rồi, đại địa chấn động
sáu cách. Tất cả Long Vương đều nói rằng: "Chúng tôi cũng sẽ đồng đến chỗ
Phật”.
Phương Đông có hai Long Vương tên là Ngưu
Hộ và Bửu Hộ cùng sáu vạn Long Vương.
Phương Nam có hai Long Vương tên là Vi
Nguyệt và Bà Tụ cùng bảy vạn Long Vương.
Phương Tây và phương Bắc mỗi phương cũng có
hai Long Vương cùng mười vạn Long Vương.
Bốn phương chư Long Vương đến chỗ Phật kính
lễ chưn Phật bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi đều có thể thọ trì
đọc tụng thơ tả các đà la ni như vậy. Nếu có hàng tứ chúng hay thọ trì đọc
tụng thơ tả các đà la ni như vậy chúng tôi sẽ thành tâm thủ hộ”.
Nước Quy Tư có một Long Vương tên là Hải
Đức em trai Long Vương A Na Bà Đạt Đa cùng chín vạn Long Vương.
Nước Vu Điền có một Long Vương tên là Lạc
Tạng Bửu cũng là em trai Long Vương A Na Bà Đạt Đa cùng một vạn tám ngàn
Long Vương.
Nước Ba La Việt có một Long Vương tên là
Sơn Đức cũng là em trai Long Vương A Na Bà Đạt Đa cùng hai vạn Long Vương.
Nước Sư Tử có một Long Vương tên là Bửu
Tạng cùng bốn vạn tám ngàn Long Vương.
Nước Tỳ Đồ có một Long Vương tên là Trường
Phát cùng bốn vạn ba ngàn Long Vương.
Núi Niệm Mật Xa có một Long Vương tên là
Bà Tu Cát cùng tám ngàn Long Vương.
Nước Ô Trành có một Long Vương tên là A Bát
La La cùng hai vạn năm ngàn Long Vương.
Nước Càn Đà La có một Long Vương tên là Y
La Bát Đa cùng ba vạn Long Vương.
Nước Chơn Đơn có một Long Vương tên là Tam
Giác cùng tám ngàn Long Vương.
Nan Đà Long Vương, Bạt Nan Đà Long Vương
cùng vô lượng Long Vương.
Các Long Vương như vậy đồng đến chỗ Phật
kính lễ bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi có thể thọ trì đọc
tụng thơ tả các môn đà la ni như vậy chẳng quên chẳng mất một chữ”.
Đức Phật nói: "Lành thay lành thay! Chư
Long Vương chơn thiệt hay thủ hộ chánh pháp”.
Đức Phật bảo Thiên Nữ Chánh Ngữ rằng: "Nầy
Thiên Nữ! Nhà người có thể thủ hộ chánh pháp Như Lai chăng?”.
Chánh Ngữ Thiên Nữ bạch rằng: "Bạch đức Thế
Tôn! Lúc Như Lai còn tại thế gian và lúc sau khi Phật diệt độ, xứ nào có
các đà la ni như vậy lưu bố tôi sẽ thủ hộ xứ ấy. Người nào thọ trì, tuỳ
chỗ cần dùng tôi đều cung cấp đủ. Nếu ai muốn thấy thân tôi, tôi sẽ vì họ
mà hiện thân.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu hàng tứ chúng có ai
muốn thấy tôi, người ấy nên sạch thân mình trì giới tinh tiến, trong một
ngày tắm gội ba lần, đoạn thực ba ngày ở riêng nơi tịch tĩnh, hoặc bên
tượng Phật, hoặc trong tháp, hoặc ở tĩnh thất, dùng các hương hoa các phan
lọng cùng các thứ nước thơm ngon cúng dường Phật, day mặt về hướng chánh
Đông tụng chu như vầy:
Bà tra trí, bà tra trí, hưu lâu, hưu lâu,
đồn đậu lâu, đồn đậu lâu, khê tra, khê tra, tỉ sá ha.
Đã tụng chú như vậy rồi, tôi sẽ đến đó tuỳ
chỗ nguyện cầu của tứ chúng tôi sẽ làm cho được thành tựu tất cả. Nếu tôi
không đến đó, là khi dối thập phương chư Phật, cũng chớ khiến tôi thành Vô
thượng Bồ đề”.
Đức Phật bảo La Hầu A Tu La Vương, Tỳ Ma
Chất Đa A Tu La Vương, Tỳ Lâu Giá Na A Tu La Vương rằng: "Nay Phật đem các
đà la ni như vậy phó chúc chư A Tu La Vương, tại sao, vì các ông có đại
lực thế, có chúng sanh nào chẳng tin thì các ông có thể làm họ tin”.
Chư A Tu La Vương bạch rằng: "Lành thay,
bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi sẽ hộ trì. Lúc Phật tại thế và lúc sau khi
Phật diệt độ, nếu có hàng tứ chúng hay thọ trì đọc tụng thơ tả các đà la
ni như vậy, chúng tôi có thể sẽ ban cho họ tám sự: một là mạnh mẽ, hai là
thích nghe học chánh pháp, ba là tâm không sợ sệt, bốn là thường sáng
không tối, năm là thiện nguyên đầy đủ, sáu là giải thoát, bảy là biện tài
và tám là thiện pháp tăng trưởng. Nếu có A Tu La nào làm não người ấy
chúng tôi liền trừng trị. Nếu ở nơi thế giới nầy mà chẳng thủ hộ Phật pháp
thì là khi dối thập phương chư Phật Thế Tôn vậy”.
Đức Phật quan sát tứ chúng rồi, bảo Kiều
Trần Như Tỳ Kheo rằng: "Nầy Kiều Trần Như! Tất cả đại chúng rất thích nghe
pháp. Vô lượng chúng sanh trong vô lượng thế giới đều vì nghe pháp mà đến
đây tập hội, đều muốn biết pháp hành phương tiện thành đại trí huệ, xa lìa
tham dục và tất cả phiền não, chơn thiệt biết rõ pháp hành phương tiện”.
Tôn giả Kiều Trần Như bạch rằng: "Lành thay
đức Thế Tôn, thiệt đúng như lời Phật dạy. Bốn phương thế giới có vô lượng
Bồ Tát đều đem lời giữ dục của chư Phật đến đây và muốn hỏi học pháp hành
Hư Không Mục. Nay chánh là phải lúc xin Phật thương xót vì chúng sanh mà
tuyên nói đó.
Bạch đức Thế Tôn! Được nói là pháp hành,
pháp hành Tỳ Kheo. Thế nào gọi là pháp hành Tỳ Kheo?”.
Đức Phật nói: "Nầy Kiều Trần Như! Chí tâm
lắng nghe, Phật sẽ vì ông mà giải nói.
Nếu có Tỳ Kheo đọc tụng mười hai bộ kinh
Như Lai, đó là Tu đa la nhẫn đến Ưu bà đề xá, đây gọi là thích đọc chớ
chẳng gọi là pháp hành. Còn có Tỳ Kheo đọc tụng Như Lai mười hai bộ kinh
thích vì đại chúng tuyên dương rộng nói, đây gọi là thích nói chớ chẳng
gọi là pháp hành. Còn có Tỳ Kheo đọc tụng Như Lai mười hai bộ kinh hay
rộng giảng nói suy nghĩ ý nghĩa, đây gọi là tư duy mà chẳng gọi là pháp
hành. Còn có Tỳ Kheo thọ trì đọc tụng Như Lai mười hai bộ kinh giải thuyết
tư duy quán nghĩa lý, đây gọi là thích quán mà chẳng gọi là pháp hành.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo hay quán
thân tâm, lòng chẳng tham trước tất cả tướng ngoài khiêm hư hạ ý chẳng
kiêu chẳng mạn, chẳng dùng nước ái tưới rưới ruộng nghiệp, cũng chẳng ở
trong đó gieo giống thức, dứt diệt giác quán cảnh giới đều dứt, xa lìa
phiền não tâm tịch tĩnh. Tỳ Kheo như vậy, Phật gọi là pháp hành. Tỳ Kheo
pháp hành ấy nếu muốn được Thanh Văn Bồ đề hoặc Duyên Giác Bồ đề hoặc Như
Lai Bồ đề thì có thể được cả.
Nầy Kiều Trần Như! Như thợ lò gốm nhồi đất
sét nhuyễn dẻo rồi để trên vòng quay tuỳ ý thành món dùng. Pháp hành Tỳ
Kheo cũng như vậy.
Nếu có Tỳ Kheo tu pháp hành thì nên quán ba
sự việc là thân, thọ và tâm. Quán ba sự ấy rồi được hai thứ trí là tận trí
và vô sanh trí. Thế nào là tận trí và vô sanh trí?
Nầy Kiều Trần Như! Trí hết phiền não gọi là
tận trí, trí hết hữu chi gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, trí không có hành nhơn gọi là tận
trí, trí không có hành quả gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, trí hết các kiết sử gọi là tận
trí, trí hết phiền não gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, trí hết các hành gọi là tận trí,
trí hết tất cả hữu gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, phân biệt hết không có vất gọi là
tận trí, biết rõ các hệ phược giải thoát gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, biết hết căn giới gọi là tận trí,
biết hết duyên giới gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, chẳng giác quán phiền não, gọi là
tận trí, chẳng giác quán quả báo gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, trí hết phiền não đệ tam địa gọi
là tận trí, trí hết tất cả phiền não gọi là vô sanh trí.
Còn nữa, sanh của ta đã hết phạm hạnh thanh
tịch gọi là tận trí, không còn thừa thân trong ba cõi gọi là vô sanh trí.
Hai trí như vậy gọi là một trí cũng gọi một
hạnh biết rõ tam đạo. Nếu có Tỳ Kheo dứt được tam đạo thì gọi là pháp
hành.
Có thể quán như vậy là quán tâm và thọ.
Thế nào là Tỳ Kheo hay quán sát thân?
Nếu có Tỳ Kheo quán hơi thở vào ra, đây gọi
là quán thân quán thọ quán tâm.
Thế nào là quán hơi thở vào ra?
Hơi thở vào ra gọi là A na ba na. Thở vào
là A na, thở ra là Ba na. Quán hơi ra vào như cửa như ngõ. Nếu có Tỳ Kheo
quán như vậy đây gọi là pháp hành.
Nếu có Tỳ Kheo có thể học có thể đếm theo
hơi thở ra vào lạnh nóng dài vắn. Hoặc khắp đầy thân, hoặc cột tâm nơi đầu
mũi, hay thấy mới cũ, phân biệt rõ các tướng, hay quán sanh diệt cầu xa ma
tha khéo vào trong định, cũng hay quán sát hơi thở thô tế, nhẫn đến quán ở
nội thân, thân tưởng là thân, đây gọi là Tỳ Kheo tu tập pháp hành.
Nầy Kiều Trần Như! Lúc tu sổ tức được hai
sự đó là lìa ác gíac quán và quán tướng mạo của hởi thở. Lúc tu tập tuỳ
tức cũng được hai sự, đó là chuyên niệm niệm tâm và lìa thiện giác quán.
Quán hơi lạnh nóng cũng được hai sự, đó là phân biệt ra vào và quán tướng
tâm số. Lúc quán thân cũng được hai sự, đó là thân khinh và tâm khinh.
Chuyển quán sanh diệt cũng được hai sự, đó là biết tất cả pháp là tướng vô
thường và biết tất cả pháp là tướng vô lạc.
Nầy Kiều Trần Như! Pháp hành Tỳ Kheo niệm
xuất nhập tức cột tâm một chỗ, có số giảm và số tăng.
Thế nào là số giảm? Đó là hai đếm là một,
ba đếm là hai, nhẫn đến mười đếm là chín.
Thế nào là số tăng? Đó là một đếm là hai,
nhẫn đến chín đếm là mười.
Cớ sao lại tu sổ tức, vì phá tất cả giác
quán vậy. Lúc được sơ thiền quán xuất nhập tức và quán tâm tướng. Sơ thiền
có năm chi là giác, quán, hỉ, lạc và định. Lúc đủ năm chi thì lìa tham sân
si.
Nếu có Tỳ Kheo đầy đủ năm chi thiền thì gọi
là pháp hành, xa lìa năm sự, thành tựu năm sự, tu tập phạm hạnh thành đại
công đức.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo có thể
được Nhị thiền thì gọi là pháp hành. Tỳ Kheo nầy quán tức nhập xuất cột
tâm một chỗ xa lìa giác và quán được đệ Nhị thiền.
Nếu có Tỳ Kheo quán tức nhập xuất cột tâm
một chỗ xa lìa hỉ được đệ Tam thiền.
Nếu có Tỳ Kheo quán tức nhập xuất cột tâm
một chỗ xa lìa hỉ lạc bất khổ bất lạc được đệ Tứ thiền.
Nếu có Tỳ Kheo quán tức nhập xuất thì quán
ngũ ấm, nếu quán ngũ ấm thì gọi là pháp hành.
Nếu Tỳ Kheo thấy tất cả pháp hành sanh diệt
nhẫn đến thấy tất cả phiền não sanh diệt, đây gọi là như pháp nhẫn.
Nếu Tỳ Kheo thấy nhãn rỗng không nhẫn đến
thấy ý thức rỗng không, đây gọi là không nhẫn.
Nếu Tỳ Kheo thấy nhãn không có tướng nhẫn
đến thấy ý thức không có tướng, đây gọi là vô tướng nhẫn.
Nếu Tỳ Kheo chẳng nguyện cầu nơi nhãn nhẫn
đến chẳng nguyện cầu nơi ý thức, đây gọi là vô nguyện nhẫn.
Nếu vì chúng sanh mà đi trong sanh tử, đây
gọi là tuỳ thượng chơn đế nhẫn.
Thế nào là tuỳ căn, tuỳ lực, tuỳ giác quán,
nhẫn đến tuỳ Niết bàn?
Với các pháp nhãn đến ý thức như vậy mà tâm
chẳng thủ trước thì gọi là tín nhẫn, đây là tín chẳng gọi là tín căn. Nếu
nhiếp thân tâm chẳng cho tạo ác thì gọi là tinh tiến chẳng gọi là tiến
căn. Nếu hay chuyên niệm các pháp như vậy thì gọi là niệm chẳng gọi là
niệm căn. Tâm và tâm số pháp có thể cột một cảnh duyên thì gọi là định
chẳng gọi là định căn. Nếu có thể chẳng thấy các tướng như vậy thì gọi là
huệ chẳng gọi là huệ căn. Nếu quán những vô căn như vậy thì gọi là pháp
hành.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo quán đảnh
pháp, thế đệ nhứt pháp, quán tam giải thoát: không, vô tướng và vô nguyện;
vô thường, khổ, không, đây gọi là pháp hành, đây gọi là không tam muội.
Không tam muội ấy duyên không có thọ mạng, duyên không có tự tại. Vô tướng
tam muội duyên tận duyên hoại duyên diệt duyên yểm ly. Vô nguyện tam muội
duyên cam lộ chẳng phải cam lộ hành, có cam lộ hành chẳng phải duyên cam
lộ. Có không tam muội duyên cam lộ chẳng phải cam lộ hành, có cam lộ hành
chẳng phải duyên cam lộ. Vô tướng tam muội duyên cam lộ chẳng phải cam lộ
hành, có cam lộ hành chẳng phải duyên cam lộ.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo duyên huệ
diệt trang nghiêm nhập vô nguyện tam muội, đây gọi là duyên cam lộ chẳng
phải cam lộ hành.
Nếu có Tỳ Kheo duyên huệ diệt mà được giải
thoát, đây gọi là cam lộ hành chẳng phải duyên cam lộ.
Như vô nguyện, không và vô tướng cũng vậy.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo có thể
quán như vậy, đây gọi là pháp hành.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo quán thọ
quán tâm, đây gọi là pháp hành. Tại sao, vì có thể phá hoại hai mươi ngã
kiến vậy.
Nầy Kiều Trần Như! Đoạn kiến và ngã kiến
đều riêng có năm thứ.
Sắc đoạn nhẫn đến thức đoạn đây gọi là đoạn
kiến.
Sắc ngã nhẫn đến thức ngã đây gọi là năm
ngã kiến.
Năm đoạn kiến phân biệt thì có bốn mươi bốn
thứ, đó là mười sáu thứ nói tưởng, tám thứ nói vô tưởng, tám thứ nói phi
tưởng phi phi tưởng, sáu thứ nói các loại tưởng và sáu thứ nói đoạn.
Năm ngã kiến phân biệt có mười tám thứ, đó
là bốn thứ định nói ngã, bốn thứ nói biên, bốn thứ nói dị sự và sáu thứ
nói vô cầu tam muội.
Nầy Kiều Trần Như! Đoạn kiến và ngã kiến
phân biệt thành sáu mươi hai kiến.
Hai mươi ngã kiến nhơn duyên có thể sanh
bốn trăm lẻ bốn thứ phiền não. Vì rời lìa các phiền não như vậy mà quán
thân tâm đây gọi là pháp hành. Tỳ Kheo có thể quán thân tâm như vậy.
Nầy Kiều Trần Như! Thế nào là bát nhơn, thế
nào là quyết định?
Nầy Kiều Trần Như! Người đoạn kiến nói rằng
một niệm dứt. Người thường kiến nói rằng bát nhẫn dứt. Hai hạng người ấy
đều được quyết định. Về sau rời lìa phiền não cũng đều không có phòng
ngại.
Nầy Kiều Trần Như! Người có thể được bát
nhẫn thì gọi là bát nhơn. Người được mười sáu tâm đây gọi là quyết định,
đây gọi là như pháp.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo thành tựu
pháp quán xuất nhập tức thì được bát nhơn cũng gọi là quyết định.
Nầy Kiều Trần Như! Nếu có Tỳ Kheo thành tựu
sổ tức thì được tín căn nhẫn đến huệ căn. Nếu được ngũ căn thì được thế
gian đệ nhứt pháp. Tỳ Kheo như vậy có thể phá tất cả tâm nghi, đây gọi là
chơn thiệt tu tập thánh hạnh.
Nếu có Tỳ Kheo thành tựu khổ trí thì dứt
mười thứ phiền não, đây gọi là tu tập sơ vô lậu tâm quán. Lúc ấy thứ đệ
quán vô nguyện tam muội. Lúc quán vô nguyện tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo,
đây gọi là vô lậu định trí, được khổ pháp nhẫn khổ pháp trí, tập pháp nhẫn
tập pháp trí. Bấy giờ quán Sắc giới ngũ ấm, Vô Sắc giới tứ ấm, như Dục
giới khổ, Sắc giới và Vô Sắc giới khổ cũng như vậy. Quán như vậy rồi dứt
Sắc và Vô Sắc mười tám thứ phiền não. Mười tám thứ đã dứt rồi tư duy như
vầy: các khổ ấy từ nơi nào đến và ai tạo ra nó. Tư duy như vậy biết rõ khổ
ấy từ ái nhơn duyên, nếu ta không nhổ rễ ái như vậy thì sẽ sanh khổ, vì
vậy mà quán tập, quán tập như vậy rồi dứt bảy phiền não. Quán Dục giới tập
rồi, quán Sắc giới, Vô Sắc giới tập cũng như vậy. Quán như vậy rồi được tỉ
nhẫn tỉ trí.
Lúc quán như vậy dứt mười ba phiền não.
Nầy Kiều Trần Như! Người đủ bát nhẫn thì
gọi là bực bát nhơn pháp.
Dứt tập tam giới rồi lại quán như vầy: do
nhơn duyên gì mà dứt khổ và tập? Vì an lạc vậy. Đại an lạc tức là diệt đế.
Bấy giờ sơ quán Dục giới diệt đế được diệt
pháp nhẫn dứt bảy phiền não, Sắc và Vô Sắc cũng như vậy, quán như vậy được
diệt tỉ nhẫn dứt mười hai phiền não.
Lại quán như vầy: do nhơn duyên gì được bảy
nhẫn, biết rằng nhơn tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Do sức bát chánh đạo mà
biết Dục giới khổ tập và diệt đế, biết Sắc giới và Vô Sắc giới khổ tập
diệt đế. Lúc nầy kế sanh đạo pháp nhẫn, được rồi có thể dứt tám thứ phiền
não. Lại quán Sắc giới và Vô Sắc giới được đạo tỉ nhẫn dứt mười bốn phiền
não.
Do tu tập pháp quán như vậy dứt tám mươi
tám thứ phiền não, đây gọi là quyết định. Được quả Tu Đà Hoàn đây gọi là
được mười sáu tâm, đây gọi là quyết định được Bồ đề, đây gọi là bảy lần
qua lại dứt hết tất cả khổ.
Nầy Kiều Trần Như! Có người từ tín quyết
định, có người từ pháp quyết định. Có người một đời được quả Tu Đà Hoàn
nhẫn đến được quả A La Hán. Có người nhập tín căn nhẫn đến huệ căn. Có
người tu định, có người tu huệ. Có người được Sơ thiền nhẫn đến Tứ thiền
được nhập quyết định, quán tất cả hành vô thường, thứ đệ sanh diệt xa lìa
tất cả pháp phàm phu. Có người quán tất cả hành vô thường, khổ, không, bất
tịnh, chẳng được tự tại, không có tịch tĩnh, theo duyên mà sanh theo duyên
mà diệt, quán như vậy rồi được tịch tĩnh diệt đế, đây gọi là Tỳ Kheo như
pháp mà hành.
Nầy Kiều Trần Như! Như Lai biết rõ tất cả
chúng sanh các căn lợi độn, cũng biết tất cả chúng sanh tâm tánh tất cả
phiền não tánh, vì vậy Như Lai theo chỗ chúng sanh đáng được mà vì họ
thuyết pháp, tuỳ các phiền não tuyên nói đối trị, nên Như Lai được gọi là
Nhứt thiết chủng trí.
Nầy Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết bàn,
các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai bộ kinh thơ tả đọc tụng, điên đảo
giải nghĩa, điên đảo tuyên nói. Vì điên đảo giải nói nên che ẩn pháp tạng.
Vì che pháp nên gọi là Đàm Ma Cúc Đa.
Nầy Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết bàn,
các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai bộ kinh đọc tụng thơ tả, mà lại
còn đọc tụng thơ tả giải nói ngoại điển, thọ trì tam thế và nội ngoại điển
phá hoại ngoại đạo, hay giỏi luận nghĩa, nói rằng tất cả tánh đều được thọ
giới, phàm chỗ vấn nạn thường hay đối đáp, vì vậy nên gọi là Tát Bà Nhã Đế
Bà.
Nầy Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết bàn,
các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai bộ kinh đọc tụng thơ tả nói rằng
không có ngã và người thọ, chuyển các phiền não dường như tử thi, vì vậy
nên gọi là Ca Diếp Tỳ Bộ.
Nầy Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết bàn,
các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai bộ kinh đọc tụng thơ tả, chẳng trụ
các tướng địa thuỷ hoả phong hư không thức, vì vậy nên gọi là Sa Di Tắc
Bộ.
Nầy Kiều Trần Như! Sau khi Phật Niết bàn,
các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai bộ kinh đọc tụng thơ tả, đều nói
rằng có ngã, chẳng nói tướng không, dường như tiểu nhi, vì vậy nên gọi là
Bà Ta Phú La.
Nầy Kiều Trần Như! Sau khi Phật diệt độ,
các đệ tử Phật thọ trì Như Lai mười hai bộ kinh đọc tụng thơ tả, rộng rãi
xem khắp kinh thơ năm bộ, vì vậy nên gọi là Ma Ha Tăng Kỳ.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|