× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Bảo Tích



Phần 58 LVIII. PHÁP HỘI BỬU TRÀNG - THỨ NĂM MƯƠI TÁM (2)

Ma vương sanh lòng giận ác muốn dùng năm thứ trói buộc để trói các thể nứ ấy. Do Phật thần lực nên chẳng trói được. Các thể nữ ấy liền trở lại chỗ Phật. Ma vương mắt thấy mà chẳng ngăn được. Ma vương lại ở hư không làm gió tỳ lam muốn làm cho thân các thể nữ ấy tan nát chẳng được thấy Phật. Do Phật thần lực nên chẳng làm hại được các thể nữ ấy.

Lúc ấy ma vương khóc khổ dùng âm thanh lớn bảo các vợ con rằng: "Nay ta tan mất sức đại thần thông. Có một đậc thọ mọc ra ở thế gian vì các chúng sanh mà nói dứt diệt thành tựu đại ảo thuật có phương tiện khéo giỏi”.

Nghe lời nói của ma vương các quyến thuộc đều tụ họp đến chỗ Ma vương hỏi rằng: "Đại Vương cớ chi sanh sầu não quá vậy. Đã không có tướng thối vị lai không có hỏa tai, trong Dục giới lại không có kẻ oán địch?”.

Ma vương nói: "Nay các ngươi chẳng thấy thế gian có một người ngồi Bồ đề thọ phá bốn binh chủng, dường như lửa lớn đốt cháy cỏ khô. Tất cả người trí trong đời đều quy thuộc. Người ấy tức là kẻ oán địch của ta. Các ngươi chẳng thấy năm trăm thể nữ bỏ ta mà đi quy y người ấy sao.các ngươi nếu không trị Thích Tử ấy thì cả cõi Đại Thiên như vầy chẳng bao lâu sẽ trống rỗng. Các người đều nên tự nghiêm bị vững mạnh cùng nhau tận lực trừ Thích Tử ấy”.

Các Ma tử nói: "Lành thay! Thưa Đại Vương chúng tôi sẽ trang bị tận thần lực mình, nếu trừ được người ấy thì tốt thay vui thay. Nếu như chẳng được lại sẽ quy y người ấy”.

Ma vương nói: "Ác nhơn! Nay sao ngươi dám thốt lời như vậy?”.

Ma tử thưa: "Tâu Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm ngày trước một mình ngồi cây Bồ đề còn khó làm trở ngại được, huống là ngày nay quyến thuộc vô lượng đông nhiều mà lại có thể trừ được”.

Ma vương nói: "Con thân mến! Nếu có thể giết chết Sa Môn Cù Đàm thì rất tốt rất hay. Nếu như không được thì chúng ta sẽ tự thủ cõi của mình”.

Lúc bấy giờ bốn binh chủng ma số đông vô lượng đầy cả Diêm Phù Đề cao tám mươi do tuần, phóng đại ác phong tuôn mưa lớn, tay vỗ núi Tu Di lay động cả tứ thiên hạ, phát âm thanh ác lớn như tiếng đại Long Vương tiếng Dạ Xoa các quỷ, làm rúng động tất cả sông ao khe suối. Tất cả trời rồng người quỷ đều kinh sợ run rẩy.

Ma chúng ở trên núi Tu Di lấy một khối đá lớn muốn đè chụp cả thành Vương Xá vườn Trúc Lâm Ca Lan Đà.

Phật liền nhập phá ma lực thế tam muội, do sức tam muội ấy làm cho tất cả các binh khí, các khối đá lửa độc của ma chúng đều biến làm các thứ hoa, như là hoa ưu bát la, hoa bát đầu ma, hoa câu vật đầu, hoa phân đà lợi rơi xuống thành Vương Xá, lại còn biến ra các thứ hương thơm. Biến các âm thanh ác của ma thành tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tăng, tiến thần thông, tiếng Ba la mật, tiếng bất thối chuyển, tiếng Bồ Tát, tiếng phá binh ma, tiếng Niết bàn, cũng làm cho ác phong lặng mất. Tất cả cỏ cây đều biến thành thất bửu vi diệu. Thân Phật lúc ấy cao đến Trời Sơ Thiền đủ ba mươi hai tướng tám mươi vẻ đẹp, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp Đại Thiên thế giới, trong tất cả Trời, Người, Rồng, Dạ Xoa, A Tu La, Ca Lâu La, Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Gìa, Nhơn Phi Nhơn nhẫn đến các loài địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ đều thấy thân Phật. Vô lượng chư Thiên thiết lễ cúng dường lớn như là những hoa hương phan lọng kỹ nhạc. Ba ác đạo chúng sanh xưng Nam Mô Phật liền được thoát khỏi tam đồ thọ thân trời người.

Ma chúng thấy Phật hiện thần lực như vậy đều sanh tính tâm nói kệ rằng:

Nay tôi quy y nơi Như Lai

Đấng ba nghiệp tịnh trí vô thượng

Hay hiện ma giới bát chánh đạo

Cho chúng sanh tối ánh sáng lớn

Có đủ thập lực không ai hơn

Bình đẳng tất cả xem như con

Tâm Phật bình đẳng như hư không

Nên tôi kính lạy đại Pháp Vương

Phiền não chẳng nhiễm tu từ bi

Chứng được cát tường dạy nhơn quả

Hay ban chúng sanh chơn giải thoát

Nên nay tôi cúi đầu lễ lạy

Đại từ đại bi trời trông trời

Đấng Thế Tôn tối thắng vô thượng

Nói tất cả pháp như thủy nguyệt

Nay tôi kính lễ đại Đạo Sư

Chúng sanh bị bịnh phiền não nặng

Nên tôi quy y đại Y ương

Ác đạo chúng sanh nghèo thất tài

Nay nên quy y đấng Vô Lậu

Ngưỡng mong xót thương cho sám hối

Nơi chỗ đức Phật sanh ác tâm

Phật là cha mẹ hiền của chúng

Nay tôi xả bỏ các nghiệp ma

Tôi hay triệu thỉnh các chúng sanh

Vì họ phát khởi tâm Bồ đề

Mong vì tôi nói đạo vô thượng

Có những pháp gì được Bồ đề

Nay tôi phụng hiến diệu hương hoa

Ví chúng sanh mà cúng dường Phật

Thân cận hiện hữu thiện tư duy

Chí tâm nghe học như pháp trụ.

Năm trăm thể nữ cùng ma quyến thuộc dâng diệu hương hoa phan lọng kỹ nhạc cúng dường Phật.

Những món cúng dường ấy khắp đến vô lượng hằng hà sa thế giới chư Phật, đồng thời cúng dường vô lượng chư Phật, tất cả ma chúng thảy đều nhìn thấy sắc thân chư Phật đồng như nhau không có sai khác. Chỉ có tòa sư tử thế giới rừng cây nhà cửa đền điện thì sai khác chẳng đồng.

Thấy rồi ma chúng đều rất vui mừng ngồi bên đức Phật chí tâm nghe pháp. Nghe thọ pháp rồi trở về ma cung tâu với Ma vương rằng: "Chúng tôi đến chỗ Sa Môn Cù Đàm tận thần lực cũng chẳng động được một sợi lông.

Đại Vương nên biết rằng nay chúng tôi đã thuộc về Sa Môn Cù Đàm”.

Ma vương tâm ác sanh sân nghĩ rằng ta sẽ làm sao giết Thích Tử ấy trừ diệt kẻ oán thù ấy.

Ma vương lòng rất lo rầu nhập vào nhà khổ.

Lúc bấy giờ ma chúng trở lại chỗ đức Phật bạch Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi muốn Đại thừa, niệm Đại thừa lại đủ thần thông đại từ đại bi.

Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát có đủ bao nhiêu pháp chẳng gần ác hữu mau được thành tựu Vô thượng Bồ đề?”.

Đức Phật nói: "Nầy các thiện nam tử! Đại Bồ Tát có đủ bốn pháp chẳng gần ác hữu mau được Vô thượng Bồ đề.

Một là nếu Bồ Tát chẳng tham các pháp chẳng bỏ các pháp, chẳng thọ các pháp, chẳng giác các pháp, cũng không có ý tưởng ngã và ngã sở, làm bố thí chẳng cầu quả báo, chẳng sanh lòng tham trước, chẳng bỏ chẳng lấy, cũng không có hay biết ý tưởng ngã và ngã sở, nhẫn đến Niết bàn cũng như vậy.

Hai là nếu Bồ Tát chẳng thấy chúng sanh thọ mạng sĩ phu, cũng chẳng bỏ chúng sanh giới, chẳng tham chẳng lấy, cũng chẳng hay biết ý tưởng ngã và ngã sở.

Ba là nếu Bồ Tát chẳng thấy sắc thanh hương vị xúc pháp, cũng chẳng bỏ săc thanh hương vị xúc pháp chẳng bỏ chẳng lấy, cũng chẳng hay biết ý tưởng ngã và ngã sở.

Bốn là nếu Bồ Tát có thể thâm quán sát các pháp như vậy, nơi Phật chánh trí chẳng sanh giác quán, tại sao, vì dứt tất cả hành dứt tất cả trí gọi là Phật trí, vì không có, không thừa, không thanh, không tưởng, không chữ, không có vô lượng, không sanh, không xuất, không diệt, không tưởng, không ngại, không chướng, không thấy, là tịch tĩnh không ngã, không thọ mạng, không danh, không sáng, không tối, không xứ, không tiết, không biên, không số, không giới, không căn, không cánh, không có tư duy, không thực, không tham, không tịnh, không cấu, không bực, không hành, không ái, không nghiệp, không dựa ở, không nắm lấy, không tạo tác, không hiển thị được, không niệm niệm diệt, đây tức là Phật trí.

Dường như hư không, như hư không không có giác quán chẳng thể tuyên nói không có nhiễm trước không có giác tri.

Đại Bồ Tát có đủ bốn pháp như vậy chẳng gần ác hữu mau được thành tựu Vô thượng Bồ đề.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy