Nầy Xá Lợi Phất! Đây gọi là đức vô úy bất tư nghị của Như Lai mà chư đại Bồ Tát tin nhận vâng thờ không lầm không nghi vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào đại Bồ Tát đối với đức đại bi chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai mà tin nhận vâng thờ chẳng lầm chẳng nghi vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ?
Nầy Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai đức đại bi thường chuyển vận luôn. Tại sao? Chư Phật Như Lai chẳng bỏ tất cả chúng sanh, vì thành thục chúng sanh nên tất cả thời gian đại bi thường chuyển luôn chẳng dứt.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại bi ấy của Như Lai vô lượng như vậy, chẳng thể nghĩ bàn, không gì sánh bằng như vậy, vô biên như vậy, chẳng thể nói như vậy, mãnh lợi như vậy, lâu dài như vậy mà tùy thuận chúng sanh, nhẫn đến tất cả ngữ nghiệp của Như Lai, đối với đại bi ấy cũng khó tuyên nói. Tại sao vậy? Như Bồ đề của Như Lai chứng được chẳng thể nghĩ bàn, đại bi của Như Lai vì chúng sanh mà phát khởi cũng chẳng thể nghĩ bàn như vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là Như Lai chứng được Bồ đề?
Nầy Xá Lơị Phất! Do đức Như Lai nhập vô văn vô trụ như vậy nên chứng được Bồ đề.
Những gì là căn? Những gì là trụ?
Có thân là căn, hư vọng phân biệt là trụ.
Nơi pháp ấy, đức Như Lai biết rõ bình đẳng nên nói do đức Như Lai nhập vô căn vô trụ nên chứng được vô thượng Bồ đề.
Chúng sanh chẳng thể biết rõ được hai pháp ấy.
Đức Như Lai đối với họ phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ biết rõ pháp vô căn vô trụ như vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Luận về Bồ đề, tánh của nó tịch tĩnh. Hai pháp gì gọi là tịch và tĩnh? Nơi trong là tịch, nơi ngoài là tĩnh. Tánh của nhãn căn là không lìa rời ngã và ngã sở, tánh của nhĩ tỷ thiệt thân và ý căn là không rời lìa ngã và ngã sở. Nếu biết rõ như vậy thì gọi là tịch. Thiệt biết rõ tánh của nhãn căn là không rời chẳng duyên theo sắc trần, nhẫn đến thiệt biết rõ ý căn là không rời chẳng duyên theo pháp trần. Nếu biết rõ như vậy thì gọi là tĩnh.
Nơi hai pháp tịch tĩnh ấy, chúng sanh chẳng biết rõ. Đức Như Lai đối với họ phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ biết rõ hai pháp tịch và tĩnh.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Phật chứng Bồ đề tự tánh thanh tịnh.
Thế nào gọi là tự tánh thanh tịnh?
Nầy Xá Lợi Phất! Tánh Bồ đề, thể nó không nhiễm ô. Tánh Bồ đề đồng với hư không. Tánh Bồ đề là tánh hư không. Bồ đề với hư không bình đẳng bình đẳng tánh rốt ráo thanh tịnh.
Phàm phu ngu si chẳng biết được tự tánh thanh tịnh như vậy nên bị khách trần phiền não làm ô nhiễm.
Tất cả chúng sanh đối với tự tánh thanh tịnh ấy chẳng biết rõ được. Đức Như Lai phát khởi đại bi: Phật quyết địn sẽ khai thị cho họ biết rõ tự tánh thanh tịnh như vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Phật chứng Bồ đề không nhập không xuất.
Thế nào gọi là hai pháp nhập và xuất?
Nhập là nói chấp các pháp. Xuất là nói chẳng chấp các pháp.
Đức Như Lai thấy rõ pháp tánh bình đẳng không nhập không xuất, cũng như đức Như Lai thấy rõ không thử ngạn không bỉ ngạn. Tại vì sao? Vì tánh của tất cả pháp rời lìa thử ngạn và bỉ ngạn. Chứng được pháp ấy nên gọi là Như Lai.
Đối với pháp tánh không nhập không xuất ấy, tất cả chúng sanh không biết rõ được, đức Như Lai phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ biết rõ pháp tánh không nhập không xuất.
Nầy Xá Lợi Phất! Phật chứng Bồ đề không tướng không cảnh.
Thế nào gọi là không tướng không cảnh?
Chẳng được nhãn thức gọi là không tướng, chẳng xem nơi sắc gọi là không cảnh. Nhẫn đến chẳng được ý thức gọi là không tướng, chẳng xem nơi pháp gọi là không cảnh.
Nầy Xá Lợi Phất! Không tướng không cảnh ấy là chỗ sở hành của chư thánh. Kẻ phàm phu ngu si trong ba cõi chẳng đi được nơi chỗ đi của chư thánh nên chẳng biết rõ không tướng không cảnh. Đức Như Lai phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ biết rõ pháp không tướng không cảnh ấy.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói Bồ đề ấy, không có quá khứ vị lai hiện tại, ba đời bình đẳng, ba tướng luân dứt.
Thế nào gọi là ba tướng luân dứt?
Nơi đời quá khứ tâm không đoái niệm, nơi đời vị lai thức không chạy đến, nơi đời hiện tại ý không phát khởi. Tâm ý thức ấy không có an trụ: chẳng phân biệt quá khứ, chẳng chấp trước vị lai, chẳng hí luận hiện tại.
Tất cả chúng sanh chẳng giác ngộ được tánh ba đời bình đẳng, ba luân thanh tịnh.
Đức Như Lai đối với họ phát khởi đại bi: Nay Phật sẽ quyết định khai thị làm cho họ giác ngộ ba đời ba luân bình đẳng thanh tịnh như vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Phật chứng Bồ đề vô vi vô tánh.
Sao gọi là vô vi vô tánh?
Tánh Bồ đề ấy chẳng phải nhãn thức biết được, nhẫn đến chẳng phải ý thức biết được, nhẫn đến chẳng phải ý thức biết được.
Nói vô vi là không sanh không diệt cũng không có trụ. Vì lìa hẳn ba tướng ấy nên gọi là vô vi.
Nầy Xá Lợi Phất! Người biết vô vi phải biết hữu vi. Tại sao? Vì tự tánh của các pháp tức là vô tánh. Luận về vô tánh tức là thể tánh không hai.
Vì tất cả chúng sanh chẳng giác ngộ được vô tánh vô vi ấy nên đức Như Lai đối với họ mà phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ giác ngộ vô tánh vô vi ấy.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Phật chứng Bồ đề dấu tích không sai biệt.
Sao gọi là dấu tích không sai biệt?
Chơn như và pháp tánh, cả hai đều gọi là dấu tích. Tánh không khác biệt, tánh không an trụ goị là không sai biệt.
Thiệt tế của các pháp gọi là dấu tích. Tánh không động dao gọi là không sai biệt.
Các pháp tánh không gọi là dấu tích. Tánh chẳng thể được gọi là vô sai biệt.
Các pháp vô tướng gọi là dấu tích. Tánh chẳng thể tìm gọi là vô sai biệt.
Các pháp vô nguyện gọi là dấu tích. Tánh không phát khởi gọi là vô sai biệt.
Không tánh chúng sánh gọi là dấu tích. Tức thể tánh là không gọi là vô sai biệt.
Là tướng hư không gọi là dấu tích. Tánh chẳng thể được gọi là vô sai biệt.
Tánh ấy vô sanh gọi là dấu tích. Tánh ấy vô diệt gọi là vô sai biệt.
Tánh ấy vô vi gọi là dấu tích. Tánh ấy không hành không trụ gọi là vô sai biệt.
Là tướng Bồ đề gọi là dấu tích. Tánh ấy tịch tĩnh gọi là vô sai biệt.
Là tướng Niết Bàn gọi là dấu tích. Tánh ấy vô sanh gọi là vô sai biệt.
Nầy Xá Lợi Phất! Vì tất cả chúng sanh chẳng giác ngộ được dấu tích vô sai biệt ấy, nên đức Như Lai đối với họ phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ giác ngộ dấu tích vô sai biệt ấy.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói Bồ đề ấy, chẳng thể dùng thân để chứng, chẳng thể dùng tâm để chứng.
Tại sao? Vì tánh của thân vô tri, không có tác dụng như cỏ cây đất đá tường vách. Tánh của tâm cũng vậy, như ảo như mơ như trăng đáy nước.
Nếu giác ngộ được thân tâm như vậy thì gọi là Bồ đề.
Nầy Xá Lợi Phất! Chỉ do ngôn ngữ thế tục mà giả danh Bồ đề. Thiệt tánh của Bồ đề chẳng nói gọi được, chẳng thể dùng thân để được, chẳng thể dùng tâm để được, chẳng thể dùng pháp để được, chẳng thể dùng phi pháp để được, chẳng thể dùng phi chơn thiệt để được, chẳng thể dùng chơn đế để được, chẳng thể dùng hư vọng để được.
Tại sao? Vì tánh Bồ đề lìa rời ngôn ngữ, rời lìa tất cả pháp tướng. Lại vì Bồ đề không có hình tướng để thông ngôn ngữ. Như hư không kia không có hình không có chỗ nên chẳng nói được.
Nầy Xá Lợi Phất! Cứ như thiệt mà tìm cầu thì tất cả pháp đều không thể nói. Tại sao? Vì trong các pháp đều không có ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ cũng không có các pháp.
Vì tất cả chúng sanh chẳng giác ngộ được chơn lý của các pháp như vậy, nên đức Như Lai đối với họ phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị chơn lý của các pháp ấy cho họ giác ngộ nghĩa lý chơn thiệt như vây.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói Bồ đề ấy không lấy không cất.
Những gì gọi là không lấy không cất?
Biết rõ nhãn căn thì gọi là không lấy, chẳng xem nơi sắc trần thì gọi là không cất.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chứng Bồ đề không lấy không cất ấy nên chẳng xem các sắc trần chẳng trụ nơi thức. Nhẫn đến chẳng lấy ý căn chẳng xem pháp trần chẳng trụ nơi thức. Dầu chẳng trụ nơi thức mà đức Như Lai biết rõ được chỗ trụ của tất cả chúng sanh.
Biết rõ thế nào? Đó là chúng sanh trụ ở bốn pháp.
Những gì là bốn? Tất cả chúng sanh, tâm của họ trụ nơi thức, tâm của họ trụ nơi thọ, tâm của họ trụ nơi tưởng, tâm của họ trụ nơi hành.
Đức Như Lai biết thiệt rõ trụ và chẳng trụ như vậy.
Vì tất cả chúng sanh chẳng giác ngộ được thiệt tế vô trụ như vậy nên đức Như Lai đối với họ phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ giác ngộ thiệt tế vô trụ ấy.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói Bồ đề là tên khác của không. Do không không nên Bồ đề cũng không. Do Bồ đề không nên các pháp cũng không. Thế nên đức Như Lai đúng với tánh không ấy mà giác ngộ các pháp. Đức Như Lai chẳng do không mà giác ngộ pháp không tánh. Đức Như Lai do trí nhứt lý mà giác ngộ pháp tánh không. Không với Bồ đề, tánh ấy không hai. Vì không hai nên chẳng thể nói đây là Bồ đề, đây là tánh không. Bởi pháp không hai nên không có hai tướng không hành, rốt ráo chẳng hành cũng chẳng hiện hành.
Nói là không ấy là xa rời nắm lấy. Trong thắng nghĩa đế không có pháp để được. Vì tánh không nên nói là không. Như nói thái hư là hư không, nhưng tánh thái hư chẳng nói gì được. Pháp không ấy nói tên là không, nhưng tánh không ấy chẳng nói gọi được. Ngộ nhập các pháp thiệt không có tên mà giả lập tên gọi, nhưng tên gọi ấy không phương không xứ, các pháp cũng không phương không xứ như tên gọi lấy.
Đức Như Lai biết rõ các pháp tứ bổn lai không sanh không khởi. Biết như vậy rồi chứng giải thoát, nhưng thiệt tánh ấy không phược không thoát.
Phàm phu ngu si chẳng giác ngộ được tánh Bồ đề ấy, nên đức Như Lai đối với họ phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định khai thị cho họ giác ngộ thiệt tánh Bồ đề như vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Tánh Bồ đề bình đẳng với hư không. Nhưng tánh của hư không chẳng có bình đẳng không bình đẳng. Tánh Bồ đề cũng vậy, không có đẳng chẳng đẳng. Như các pháp tánh không, chơn thiệt, chẳng thể nói là bình đẳng hay chẳng bình đẳng.
Đức Như Lai giác ngộ tất cả pháp bình đẳng, không pháp nào chẳng bình đẳng. Giác ngộ đúng thiệt không có chút pháp nào khả dĩ là bình đẳng và chẳng bình đẳng.
Lượng trí như thiệt của đức Như Lai cùng tột lượng các pháp. Gì gọi là trí như thiệt? Đó là biết rõ các pháp vốn không có mà sanh, sanh rồi lìa tan, không có chủ mà sanh, không có chủ mà tan. Hoặc sanh hoặc tan đều tùy theo các duyên, trong ấy không có một pháp nào hoặc sanh hoặc tan, cũng không gì tùy theo. Vì thế nên gọi đức Như Lai dứt các nẻo đường mà nói pháp vi diệu.
Vì tất cả chúng sanh chẳng giác ngộ được pháp dứt các nẻo đường ấy, nên đức Như Lai đối với họ phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ giác ngộ pháp dứt các nẻo đường ấy.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói Bồ đề là như. Những gì gọi là tướng như? Như tướng Bồ đề, các sắc cũng vậy, đồng chơn như ấy, không có thối hoàn mà chẳng đến khắp. Thọ tưởng hành và thức cũng vậy, đồng chơn như ấy không chẳng đến khắp.
Nầy Xá Lợi Phất! Như tướng Bồ đề đồng chơn như ấy, tánh tứ đại cũng như vậy, đồng chơn như ấy không có thối hoàn mà chẳng đến khắp. Nhẫn đến nhãn giới sắc giới nhãn thức giới, ý giới pháp giới ý thức giới cũng như vậy.
Như tướng Bồ đề chỉ là giả thi thiết, tất cả các pháp uẩn xứ giới cũng giả thi thiết như vậy.
Biết rõ tướng như vậy thì gọi là như.
Nầy Xá Lơị Phất! Đức Như Lai thiệt giác ngộ chẳng điên đảo, biết rõ rất cả như tiền tế, trung tế và hạâu tế cũng như vậy. Tại sao? Vì tiền tế vô sanh, hậu tế không đến, trung tế rời xa. Tất cả như vậy gọi là như.
Một pháp như vậy, tất cả các pháp cũng vậy. Tất cả các pháp như vậy, một pháp cũng vậy. Chẳng phải trong tánh như mà có thể được một tánh và nhiều tánh.
Tất cả chúng sanh chẳng giác ngộ được pháp như ấy, nên đức Như Lai vì họ mà phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ giác ngộ pháp chơn ấy.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói Bồ đề là nhập nơi hành và nhập nơi vô hành.
Những gì gọi là hành và vô hành?
Nầy Xá Lơị Phất! Phát khởi pháp lành gọi là hành. Tất cả các pháp là bất khả đắc gọi là vô hành.
An trụ nơi tâm vô trụ gọi là hành. Môn giải thoát vô tướng tam muội gọi là vô hành.
Nói hành là cân lường toán số quán sát nơi tâm. Nói vô hành là quá cân lường toán số v.v...
Thế nào nói là quá cân lường v.v...? Vì tất cả chỗ không có tác dụng các thức.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói hành là ỡ chỗ ấy quán sát hữu vi. Nói vô hành là ở chỗ ấy chứng nơi vô vi.
Phàm phu ngu si chẳng giác ngộ được pháp nhập hành vô hành ấy nên đức Như Lai vì họ mà phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ giác ngộ pháp nhập hành vô hành như vậy.
Nầy Xá Lơị Phất! Nói Bồ đề là không lưu không thủ.
Những gì gọi là không lưu không thủ? Vì lìa bốn lưu tánh nên gọi không lưu. Lìa bốn lưu tánh nên gọi không lưu. Lìa bốn lưu tánh là lìa dục tánh, lìa hữu lưu tánh, lìa vô minh lưu tánh và lìa kiến lưu tánh.
Vì lìa bốn thủ tánh nên gọi không thủ. Lìa bốn thủ tánh là lìa dục thủ tánh, lìa hữu thủ tánh, lìa kiến thủ tánh và lìa giới thủ tánh. Bốn thủ ấy đều do vô minh mà tối tăm, bờ ao nước ái ứ bít. Do chấp ngã nên cảm thọ uẩn xứ giới.
Trong ấy, đức Như Lai biết thiệt rõ căn bổn của ngã thủ mà tự chứng thanh tịnh, cũng làm cho chúng sanh chứng được thanh tịnh.
Nầy Xá Lợi Phất! Vì đã chứng thanh tịnh ấy, nên ở trong các pháp, đức Như Lai không có phân biệt. Tại sao? Vì phân biệt thì phát khởi suy tưởng chẳng đúng chơn lý. Mà chứng thanh tịnh ấy chỉ là tương ưng với chơn lý nên chẳng phát khởi vô minh. Vì chẳng phát khởi vô minh nên chẳng phát khởi được mười hai hữu chi. Nếu chẳng phát khởi mười hai hữu chi. Nếu chẳng phát khởi mười hai hữu chi thì là vô sanh. Nếu là vô sanh thì là quyết định. Nếu là quyết định thì là liễu nghĩa. Nếu là liễu nghĩa thì là thắng nghĩa. Nếu là thắng nghĩa thì là nghĩ không chơn. Nếu là nghĩa không chơn thì là nghĩa chẳng nói được. Nghĩa chẳng nói được là nghĩa duyên khởi. Các nghĩa duyên khởi là nghĩa pháp. Nghĩa các pháp là nghĩa Như Lai.
Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có thể quán duyên khởi như vậy tức là quán pháp. Nếu quán pháp tức là quán Như Lai. Quán như vậy thì rời ngoài chơn như không có sở quán.
Trong ấy thế nào là có sở hữu? Đó là tướng và duyên. Hai pháp ấy, nếu có thể quán không tướng không duyên tức là chơn thiệt quán.
Đức Như Lai do giác ngộ các pháp bình đẳng như vậy nên bình đẳng.
Phàm phu ngu si chẳng giác ngộ được tánh không lưu không thủ ấy. Đức Như Lai vì họ mà phát khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho họ giác ngộ tánh không lưu không thủ ấy.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói Bồ đề ấy, tánh nó thanh tịnh, không có cấu nhơ, không có chấp trước. Thế nào gọi là thanh tịnh không có cấu nhơ và không có chấp trước? Vì không nên là thanh tịnh, vì vô tướng nên không cấu nhơ, vì vô nguyện nên không chấp trước.
Lại vì vô sanh nên thanh tịnh, vì vô tác nên không cấu, vì vô thủ nên không chấp.
Lại là tự tánh nên thanh tịnh, vì khắp sạch nên không cấu, vì sáng sạch nên không chấp.
Lại vì không hí luận nên thanh tịnh, vì lìa hí luận nên không cấu, vì hí luận tịch tĩnh nên không chấp.
Lại vì là chơn như nên thanh tịnh, là pháp giới nên không cấu, là thiệt tế nên không chấp.
Lại vì hư tĩnh nên thanh tịnh, vì vô ngại nên không cấu, vì không tịch nên không chấp.
Lại vì biết rõ khắp nơi nên thanh tịnh, vì chẳng hành nơi ngoài nên không cấu, vì chẳng thể được nên không chấp.
Lại vì khắp biết rõ uẩn nên thanh tịnh, vì là giới tự thể nên không cấu, vì xứ tổn giảm nên không chấp.
Lại vì quá khứ tận trí nên thanh tịnh, vì vị lai vô sanh trí nên không cấu, vì hiện tại pháp giới trụ trí nên không chấp.
Tánh thanh tịnh không không cấu không chấp như vậy đồng đến một câu, đó là câu tịch tĩnh. Những tịch tĩnh ấy là tột tịch tĩnh. Tột tịch tĩnh là khắp tịch tĩnh. Khắp tịch tĩnh gọi là Đại Mâu Ni.
Nầy Xá Lợi Phất! Dường như Thái hư, Bồ Tát đề cũng vậy. Như tánh Bồ đề, các pháp cũng vậy. Như tánh các pháp, chơn thiệt cũng vậy. Như tánh chơn thiệt, quốc độ, Niết Bàn cũng vậy. Vì thế nên nói Niết Bàn các pháp bình đẳng. Cũng gọi là cứu cánh, vì không tướng biên tế. Không có đối trị, vì rời tướng đối trị.
Các pháp như vậy bổn lai thanh tịnh không cấu không chấp.
Nầy Xá Lợi Phất! Nơi tất cả các pháp vô sắc v.v... như vậy, đức Như Lai giác ngộ như thiệt, xem thấy các tánh của hữu tình thanh tịnh không cấu không chấp, đức Phật khởi đại bi: Nay Phật quyết định sẽ khai thị cho các hữu tình giác ngộ pháp thanh tịnh không cấu không chấp.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức đại bi chẳng thể nghĩ bàn ấy của Như Lai chẳng do công dụng nhậm vận thường chuyển luôn lưu bố khắp đầy mười phương thế giới không có chướng ngại.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức đại bi ấy của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn vô biên vô tế như hư không. Nếu có ai muốn tìm cầu biên tế của đức đại bi ấy thì chẳng khác gì kẻ muốn tìm cầu biên tế của hư không.
Nầy Xá Lơị Phất! Chư đại Bồ Tát nghe đức đại bi của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn đồng hư không rồi liền tin nhận vâng thờ không lầm không nghi vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ”.
Đức Thế Tôn muôn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
“Chư Phật chứng Bồ đề
Không căn không chỗ trụ
Như chỗ Phật đã chứng
Đem dạy cho chúng sanh
Chư Phật chứng Bồ đề
Tịch tĩnh tột tịch tĩnh
Thấy nhãn căn nội không
Thấy sắc trần ngoại không
Hữu tình chẳng giác ngộ
Tịch tĩnh tột tịch tĩnh
Phật biết rõ chơn như
Vì họ khởi đại bi
Tánh Bồ đề sáng sạch
Thanh tịnh đồng hư không
Vì chúng sanh chẳng rõ
Nên Phật khởi đại bi
Chư Phật chúng Bồ đề
Không đến đi lấy bỏ
Vì chúng sanh chẳng rõ
Nên Phật khởi đại bi
Chư Phật chứng Bồ đề
Không tướng không cảnh giới
Là chỗ đi của Thánh
Phàm phu chẳng biết được
Vì họ chẳng biết rõ
Hoặc biết mà chẳng thấu
Đức Phật đối với họ
Phát khởi lòng đại bi
Tự tánh của vô vi
Không sanh cũng không diệt
Cũng vẫn không có trụ
Ba luân luôn giải thoát
Phàm phu chẳng giác ngộ
Tự tánh của hữu vi
Phật thương khởi đại bi
Dạy chơn lý như vậy
Bồ đề chẳng phải thân
Cũng chẳng phải tâm chứng
Tự tánh thân vô vi
Tâm như ảo như mộng
Phàm phu chẳng giác ngộ
Tánh thể của thân tâm
Phật thương khởi đại bi
Dạy diệu lý như vậy
Chư Phật tự nhiên chứng
Bồ đề thắng quảng đại
Ngồi an dưới thọ vương
Quan sát tánh chúng sanh
Trèo lên xe sanh tử
Chạy vòng khắp các loài
Vì thấy họ như vậy
Nên Phật khởi đại bi
Bị kiêu mạn phá hoại
Kiến chấp luân quấn gói
Với khổ tưởng là vui
Vô thường tưởng là thường
Chấp là tịnh là ngã
Là chúng sanh thọ giả
Như Lai quan sát thấy
Vì họ khởi đại bi
Tánh tất cả chúng sanh
Che trùm trong màn si
Không có ánh sáng huệ
Như mây che mặt nhựt
Như Lai quan sát thấy
Vì họ khởi đại bi
Dùng trí sáng không nhơ
Soi sáng đường cho họ
Chúng sanh vào ác đạo
Thường mê mất đường chánh
Đọa địa ngục ngạ quỷ
Hoặc đọa loài súc sanh
Chư Phật đã biết rõ
Dẫn dắt đi đường chánh
Nay Phật thấy họ rồi
Khởi đại bi khai thị
Phật biết tất cả pháp
Chơn như và thiệt tánh
Thanh tịnh đồng hư không
Chứng thành chơn giải thoát
Chúng sanh chẳng biết được
Pháp tịnh diệu như vậy
Như Lai vì thương họ
Mà phát khởi đại bi.
Nầy Xá Lơị Phất! Đây gọi làđức đại bi chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai. Chư đại Bồ Tát nghe đức đại bi chẳng thể nghĩ bàn ấy rồi liền tin nhận vâng thờ không lầm không nghi càng thêm vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đại Bồ Tát đối với đức Phật pháp bất cộng chẳng thể nghĩ bàn của đức Như Lai mà tin nhận vâng thờ không lầm không nghi vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ?
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai thành tựu mười tám Phật pháp bất cộng. Do thành tựu mười tám pháp bất cộng ấy nên đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở giữa đại chúng như sư tử rống tuyên bố rằng: Ta ở ngôi Thế Tôn chuyển pháp luân lớn mà tất cả thế gian hoặc Người hoặc Trời, Va Mương, Phạm Vương, Sa Môn, Bà La Môn đều chẳng thể chuyển được đúng pháp.
Những gì gọi là mười pháp Phật pháp bất cộng?
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai ở đời không có các sự lầm lỗi. Vì không lầm không lỗi nên gọi là Như Lai.
Nầy Xá Lợi Phất! Thân nghiệp của Như Lai không lầm lỗi. Tất cả thế gian, hoặc kẻ ngu người trí đều không thể đúng pháp chỉ trích là Như Lai có lỗi lầm nơi thân nghiệp. Tại sao? Vì thân nghiệp của đức Phật Thế Tôn rốt ráo không lỗi lầm.
Nầy Xá Lơị Phất! Chư Phật Như Lai bước đi trong đời luôn ngó thẳng đến trước. Tất cả cử chỉ, hoặc xoay mình ngó lại, hoặc cúi hoặc ngước, đắp, cầm bát, đến lui qua lại, đi đứng ngồi nằm đều không mất đi oai nghi, luôn đoan nghiêm tường tự.
Nầy Xá Lợi Phất! Nếu lúc đức Như Lai đi vào thành ấp, hoặc lúc trở về, hai bàn chưn đạp trên không mà tướng thiên bức luân hiện rõ trên đất, mùi thơm đẹp ý và hoa sen vàng tự nhiên vọt ra đỡ chưn của Như Lai.
Nếu có tất cả loài hữu tình trong loài súc sanh được chưn Phật chạm phải, thì hưởng thọ vui khoái mãn bảy ngày đêm, sau khi chết được sanh về cõi lành vui.
Nầy Xá Lơị Phất! Đức Như lai mặc y phục, y phục ấy chẳng dính vào thân. Lực lượng của bốn ngón tay Như Lai, ngọn gió tỳ lam chẳng lay động được.
Nầy Xá Lợi Phất! Ánh sáng nơi thân của Như Lai chiếu luôn không ngớt, chạm đến chúng sanh thì làm cho họ vui thích.
Nầy Xá Lợi Phất! Vì không có tất cả thân tướng lỗi lầm như vậy nên nói là thân nghiệp của đức Như Lai không có lỗi lầm.
Như chính Phật tự chứng thân nghiệp không lỗi lầm, cũng vì chúng sanh tuyên nói pháp ấy cho họ dứt hẳn thân nghiệp lỗi lầm.
Nầy Xá Lợi Phất! Ngữ nghiệp của đức Như Lai không có lỗi lầm. Tất cả thế gian, hoặc người trí kẻ ngu đều không thể chỉ trích là ngữ nghiệp của Như Lai có lỗi lầm. Tại sao? Vì đức Như Lai là đấng nói đúng thời, đấng nói thiệt, đấng nói chắc, đấng nói phải thời, đấng làm đúng như lời nói, đấng khéo giảng giải từ ngữ, đấng nói lời mà người nghe vui thích, đấng không nói lập lại, đấng nói văn nghĩa trang nghiêm, đấng phát một âm nào cũng đều khiến người nghe tin hiểu vui đẹp.
Nầy Xá Lợi Phất! Vì tất cả lời nói không có tướng lỗi như vậy nên gọi rằng ngữ nghiệp của Như Lai không lỗi lầm. Như tự mình chứng ngữ nghiệp không lỗi, cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ dứt hẳn lỗi lầm nơi ngữ nghiệp.
Nầy Xá Lợi Phất! Tâm niệm cuả Như Lai không lỗi lầm. Tất cả Thế Gian, hoặc người trí kẻ ngu không thể rình tầm, đúng pháp chỉ trích được rằng tâm nghiệp của Như Lai có lỗi.
Tại sao? Vì đức Như Lai chẳng xả pháp định thậm thâm mà có thể phát khởi làm những Phật sự, chẳng nhọc ý lo nơi tất cả pháp mà trí vô ngại nhậm vận thường chuyển nên nói đức Như Lai tâm nghiệp không lỗi lầm. Như tự mình chứng tâm không lỗi lầm, cũng vì chúng sanh mà nói pháp ấy cho họ dứt hẳn lỗi lầm nơi tâm.
Đây gọi là Phật pháp bất cộng thứ nhứt của Như Lai: “Ba nghiệp không lầm lỗi.”
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai phát ngôn không có sốt bạo? Vì đức Như Lai không sốt bạo mà phát ngôn vậy.
Tất cả thế gian, hoặc Ma Vương hoặc quyến thuộc Ma, hoặc chư Thiên, hoặc các nhà ngoại đạo đều chẳng thể rình tìm được chỗ sơ suất của Như Lai.
Nầy Xá Lợi Phất! Ngôn âm của Như Lai vốn không sốt bạo, không theo nơi sốt bạo. Tại sao? Vì từ lâu đức Như Lai đã lìa hẳn những tham ái và giận hờn. Dầu được tất cả chúng sanh tôn kính mà tâm Như Lai chẳng cao hứng. Dầu bị khinh khi cũng chẳng có niệm buồn.
Nầy Xá Lợi Phất! Việc làm của đức Như Lai không có quá thời và chẳng cứu cánh, cũng chẳng vì việc ấy mà có ăn năn và theo việc ấy mà phát ngôn sốt bạo.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai không có tranh cãi với thế gian nên không có lời sốt bạo. Đức Như Lai luôn dùng ở chánh định vô tranh, không chấp ngã, ngã sở, cũng không có sở thử rời xa những triền phược nên không có lời sốt bạo.
Nầy Xá Lợi Phất! Như tự mình chứng vô lượng ngôn âm không sốt bạo, đức Phật cũng vì chúng sanh nói pháp ấy, cho họ dứt hẳn những sốt bạo.
Đây gọi là Phật pháp bất cộng thứ hai của đức Như Lai: “Lời nói không sốt bạo”.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai không quên mất chánh niệm? Vì đức Như Lai luôn an trụ trong tịnh lự giải thoát tam muội, chẳng ba giờ phát sanh mê loạn nơi một pháp nào. Tại sao? Vì trong chánh định, chánh trí chẳng si mê. Vì xem thấy không chướng ngại những tâm hành động chuyển của các hữu tình. Vì theo chỗ đáng dạy mà vì họ tuyên nói diệu pháp không quên mất. Vì ở trong các pháp nghĩa giảng giải biện tài vô ngại không quên mất. Vì đối với quá khứ vị lai và hiện tại, trí vô ngại thấy suốt vô lượng không quên mất.
Như tự mình chứng chánh niệm không quên mất, cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ chứng được chánh nhiệm ấy.
Đây gọi là Phật pháp bất cộng thứ ba của đức Như Lai: “Chánh niệm không quên mất”.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai không có tâm chẳng định?
Nầy Xá Lợi Phất! Hoặc đi đứng ngồi nằm hoặc ăn uống, hoặc nói nín, đức Như Lai luôn ở trong thâm định không bao giờ xuất xả. Tại sao? Vì đức Như Lai chứng được thậm thâm tối thắng thiền định ba la mật đa, đã thành tựu tĩnh lự thậm thâm không chướng không ngại.
Nầy Xá Lợi Phất! Không có hữu tình nào hoặc nhập định hay xuất định mà thấy được tâm và tâm sở của Như Lai, chỉ trừ lúc Như Lai dùng thần lực gia bị cho họ.
Như tự mình đã chứng được tâm thường ở trong chánh định, đức Như Lai cũng vì các hữu tình nói pháp ấy cho họ rời hẳn tâm tán loạn.
Đây gọi là Phật pháp bất cộng thứ tư của Như Lai: “Không có tâm chẳng định”.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai không có các dị tưởng? Nếu có dị tưởng thì có thể có tâm niệm không bình đẳng. Tâm Như Lai thường bình đẳng nên đối với tất cả pháp, đức Như Lai không có dị tưởng.
Nầy Xá Lợi Phất! Nơi các Phật độ, đức Như Lai không có dị tưởng, vì Phật độ như hư không. Nơi các hữu tình, đức Như Lai không có các dị tưởng, vì tánh hữu tình vô ngã. Nơi chỗ chư Phật, đức Như Lai không có các dị tưởng, vì trí bình đẳng pháp tánh không có sai biệt. Nơi tất cả pháp, đức Như Lai không có các dị tưởng, vì pháp ly dục tánh nó bình đẳng. Với người trì giới, Như Lai không yêu, với người phá giới, Như Lai không giận, với kẻ ơn đều đền đáp, với kẻ oán không lòng hại, với người được độ đều bình đẳng, với kẻ tà định không có lòng khinh mạn, nơi tất cả các pháp đều bình đẳng mà an trụ, vì thế nên nói đức Như Lai không có dị tưởng.
Như mình đã chứng không có dị tưởng, đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ dứt hảnh các thú dị tưởng.
Đây gọi là Phật pháp bất cộng thứ năm của Như Lai: “Không có dị tưởng”.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai không chẳng biết rõ mà xả?
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai đã tu tập xong thánh đạo mà chứng đức xả ấy, chẳng phải là chưa tu thánh đạo mà chứng. Đức Như Lai đã tu nơi tâm, đã tu nơi giới đã tu nơi huệ mà chứng đức xả ấy, chẳng phải chưa tu mà chứng.
Nầy Xá Lơị Phất! Đức xả của Như Lai là tùy theo trí huệ mà hiện hành, chẳng phải tùy ngu si. Đức xả của Như Lai là xuất thế, chẳng sa nơi thế gian. Đức xả của Như Lai là thánh là xuất ly, chẳng phải chẳng thánh chẳng xuất ly. Đức xả của Như Lai thường chuyển pháp luân thanh tịnh thương mến chúng sanh chẳng bỏ rơi. Đức xả của Như Lai nhậm vận thành tựu, vì chẳng theo nơi đối trị.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức xả của Như Lai không cao chẳng cao cũng chẳng hạ liệt, an trụ được nơi bất động rời xa hai bên, vượt khỏi tất cả suy lường xem xét, quán đãi theo thời cũng chẳng quá thời, không động lay không tư lự, không phân biệt không phân biệt khác, không tu không tổn không có kiêu căng phóng dật, không có thị hiện, là chơn tánh là như tánh, là tánh chẳng hư vọng, chẳng phải tánh chẳng nhu, có vô lượng tánh như vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức đại xả của Như Lai thành tựu như vậy, vì muốn chúng sanh được viên mãn đức xả ấy mà nói pháp nầy.
Đây gọi là đức xả vô phân biet Phật pháp bất cộng thứ sáu của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là chí dục không lui giảm của Như Lai? Những gì là chí dục không lui giảm?
Lại còn có nghĩa gì gọi là chí dục của Như Lai?
Chí dục đại từ của Như Lai không giảm. Chí dục đại bị của Như Lai không giảm. Chí dục thuyết pháp của Như Lai không giảm. Chí dục điều phục chúng sanh của Như Lai không giảm. Chí dục thành thục chúng sanh của Như Lai không giảm. Chí dục giải thoát của Như Lai không giảm. Chí dục giáo đạo Bồ Tát của Như Lai không giảm. Chí dục nối giống Tam Bảo khiến chẳng đoạn tuyệt của Như Lai không giảm. Tất cả Như Lai chẳng theo nơi dục mà hành động. Chí dục của Như Lai dùng trí huệ làm tiền đạo.
Như tự mình đã chứng chí dục không lui giảm, cũng vì chúng sanh tuyên nói pháp ấy cho họ chứng đước chí dục nhứt thiết trí trí viên mãn.
Đây gọi là chí dục không giảm Phật pháp bất cộng thứ bảy của Như Lai.
Lại nầy Xá Lơị Phất! Thế nào gọi là chánh cần không lui sụt giảm của Như Lai?
Đó là chánh cần chẳng bỏ chúng sanh được hóa độ. Chánh cần chẳng có ý xua đuổi chúng nghe pháp. Giáo hóa chẳng lui mất như vậy nên gọi chánh cần của Như Lai chẳng giảm.
Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có chúng sanh thích nghe pháp đáng là pháp khí có thể nghe pháp mãi cả kiếp không biết mỏi, gặp thính chúng như vậy, đức Như Lai cũng thuyết pháp suốt kiếp chẳng rời pháp tòa chẳng ăn uống mà thuyết pháp luôn chẳng nghỉ.
Giả sử cách xa hằng ha sa thế giới có một chúng sanh thuộc giới hạn giáo hóa của Phật, đức Như Lai liền đích thân đến tại chỗ họ để giáo hóa cho họ được ngộ nhập. Chánh cần của Như Lai không hề mỏi mệt nhọc nhàm chán.
Nầy Xá Lợi Phất! Thân của Như Lai không hề mệt mỏi, ngữ và tâm của Như Lai cũng không hề mỏi mệt. Tại sao? Vì thân ngữ và tâm của Như Lai thường khinh an luôn.
Nầy Xá Lợi Phất! Từ nhiều kiếp đức Như Lai phát khởi tinh tấn và ca ngợi đức tinh tấn, vì chúng sanh mà nói pháp ấy cho họ siêng tu tập đức tinh tán để được chứng thánh giải thoát.
Đây gọi là đức chánh cần không giảm Phật pháp bất cộng thứ tám của Như Lai.
Nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai đối với tất cả pháp và tất cả chủng mà tất cả niệm không lui giảm? Vì niệm của đức Như Lai không lui giảm vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chứng được Vô thượng Bồ đề, quán trí không gián đoạn. Tâm của tất cả chúng sanh nối tiếp biết các sự quá khứ vị lai, nơi trong ấy đức Như Lai đều biết rõ không có quên mất. Và biết thiệt tâm hành của chúng sanh rồi, đức Như Lai không hề tác ý trong đó mà sự nhớ biết của Như Lai không lui giảm.
Nầy Xá Lơị Phất! Đức Như Lai an lập ba tụ chúng sanh, căn tánh ngộ nhập hiểu biết và tu hành của họ, xét biết rõ rồi đức Như Lai chẳng để ý nghĩ nhớ quan sát nữa, mà đức Như Lai thường vì họ thuyết pháp đúng chỗ chẳng hề thôi nghỉ. Tại sao? Vì đức niệm của Như Lai không lui giảm vậy.
Như tự mình chứng niệm không lui giảm, cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ vĩnh viễn dứt niệm thối giảm.
Đây gọi là đức niệm không giảm Phật pháp bất cộng thứ chính của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là tam ma địa của Phật không thối giảm?
Nầy Xá Lợi Phất! Tam ma địa của Phật và tất cả pháp, tánh ấy bình đẳng, không chẳng bình đẳng. Vì tất cả pháp và tất cả chủng pháp không có tánh gì chẳng bình đẳng.
Lại có nhơn duyên gì mà tam ma địa của Phật không giảm?
Vì chơn như bình đẳng thì tam ma địa bình đẳng, vì tam ma địa bình đẳng thì Như Lai bình đẳng. Vì hay chứng nhập tánh bình đẳng như vậy, nên tam ma địa ấy gọi là đẳng định.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Nếu tham tế bình đẳng thì ly tham tế bình đẳng. Nếu sân tế bình đẳng thì ly sân tế bình đẳng. Nếu si tế bình đẳng thì ly si tế bình đẳng. Nếu hữu vi tế bình đẳng thì vô vi tế bình đẳng. Nếu sanh tử tế bình đẳng thì Niết Bàn tế bình đẳng.
Vì Như Lai chứng nhập tánh bình đẳng như vậy nên tam ma địa của Như Lai không lui giảm. Tại sao? Vì tánh bình đẳng không thối giảm vậy.
Nầy Xá Lơị Phất! Tam ma địa của Phật chẳng phải tương ưng với nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý. Tại sao? Do không tương ưng vậy, nhưng nơi đức Như Lai sáu căn không thiếu.
Tam ma địa của Phật chẳng y nơi địa thủy hỏa phong bốn đại, chẳng y nơi dục giới sắc giới vô sắc giới, chẳng y nơi thế gian nầy và thế gian khác. Tại sao? Do không y vậy. Vì thế mà không lui không giảm.
Đã tự chứng tam ma địa không giảm, đức Như Lai cũng vì chúng sanh tuyên nói pháp ấy cho họ chứng được các tam ma địa.
Đây gọi là tam ma địa không giảm Phật pháp bất cộng thứ mười của Như Lai.
Lại nầy Xá Lơị Phất! Thế nào là trí huệ không giảm của Như Lai?
Nầy Xá Lợi Phất! Những gì là trí huệ của Như Lai?
Đó là trí biết rõ các pháp chẳng nhờ người khác. Trí nói diệu pháp cho các hữu tình. Trí thiện xảo vô tận. Trí hiểu biết vô ngại. Trí phân biệt tất cả nghĩa. Trí ngộ nhập một nghĩa cả trăm ngàn đại kiếp nói cũng chẳng hết. Trí dứt lưới nghi khi được nghe. Trí nơi tất cả chỗ không chướng ngại. Trí lập và nói ba thừa. Trí thấu rõ khắp tám muôn bốn ngàn tâm hành của hữu tình. Trí mở dạy tám muôn bốn ngàn pháp tạng.
Nầy Xá Lợi Phất! Trí huệ của Như Lai vô biên vô tế không có cùng tận. Vì trí huệ ấy chẳng thể cùng tận vậy.
Do trí huệ ấy chẳng cùng tận, nên từ trí huệ ấy thuyết pháp cũng không cùng tận, vì thế mà gọi trí huệ của Như Lai không lui giảm.
Như tự chứng trí huệ không giảm, đức Như Lai cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ chứng được trí huệ vô tận.
Đây gọi là trí huệ không giảm Phật pháp bất cộng thứ mười một của đức Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là giải thoát không giảm của Như Lai?
Nầy Xá Lợi Phất! Những gì là giải thoát của Như Lai?
Nầy Xá Lợi Phất! Hàng Thanh Văn thừa do ngộ âm thanh mà được giải thoát. Hàng Độc Giác thừa do ngộ các duyên mà được giải thoát. Chư Phật Như Lai do xa rời tất cả chấp trước hai bên mà được giải thoát, nên gọi là Như Lai giải thoát. Giải thoát ấy, với tiền tế thì không hệ phược, với hậu tế thì không chuyển hành, với hiện tai thì không trụ trước.
Nầy Xá Lợi Phất! Nhãn với sắc, hai chấp giải thoát. Nhĩ với thanh, tỷ với hương, thiệt với vị, thân với xúc, hai chấp giải thoát. Vì y chỉ giải thoát nên nhiếp thọ không chấp.
Nầy Xá Lợi Phất! Tâm cùng với trí, tự tánh sáng sạch, thể không vết không nhơ. Vì thế nên chư Phật do sát na tâm tương ưng huệ mà chứng được Vô thượng Bồ đề.
Theo chỗ chứng Bồ đề của mình, đức Như Lai cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ chứng viên mãn Bồ đề.
Đây gọi là giải thoát không giảm Phật pháp bất cộng thứ mười hai của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là tất cả thân nghiệp của Như Lai do trí làm tiền đạo và theo trí mà chuyển.
Nầy Xá Lợi Phất! Do vì Phật đã thành tựu thân nghiệp ấy nên tất cả hữu tình hoặc thấy Như Lai liền điều phục, hoặc nghe Như Lai thuyết pháp cũng đều điều phục. Vì thế nên Như Lai hoặc hiện yên lặng điều phục chúng sanh, hoặc hiện uống ăn điều phục chúng sanh, hoặc hiện các oai nghi điều phục chúng sanh, hoặc hiện những tướng thù thắng điều phục chúng sanh, hoặc hiện tùy hình hảo điều phục chúng sanh, hoặc hiện vô kiến đảnh điều phục chúng sanh, hoặc hiện tướng nhìn xem điều phục chúng sanh, hoặc hiện thần quang chiếu sáng điều phục chúng sanh, hoặc hiện bước đi cất chưn hạ chưn điều phục chúng sanh, hoặc hiện qua lại thành ấp điều phục chúng sanh.
Nầy Xá Lợi Phất! Nói tóm lại, không có oai nghi nào của Phật mà chẳng điều phục chúng sanh, vì thế nên nói tất cả thân nghiệp của Như Lai do trí làm tiền đạo theo trí mà chuyển.
Như tự chứng thân nghiệp như vậy, đức Như Lai cũng vì chúng sanh nói pháp ấy cho họ chứng nhập thân trí như vậy.
Đây gọi là thân nghiệp theo trí chuyển Phật pháp bất cộng thứ mười ba của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là tất cả ngữ nghiệp của Như Lai do trí làm tiền đạo và theo trí mà chuyển?
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Phật Như Lai không bao giờ luống thuyết pháp. Do trí là tiền đạo nên lời Phật thọ ký đều tròn đủ cả. Lời Phật nói ra đều rõ ràng vi diệu.
Nầy Xá Lợi Phất! Ngôn ngữ của Phật theo hiện thật mà chuyển chẳng thể nghĩ bàn. Nay sẽ lược kể:
Ngôn ngữ của Phật là lời nói dễ hiểu rõ, là lời nói dễ biết rõ, lời nói chẳng cao đại, lời nói chẳng ti hạ, lời nói thù thắng, lời nói chẳng tà khúc, lời nói chẳng vấp váp, lời nói chẳng phiền loạn, lời nói chẳng ngập ngừng, lời nói chẳng thô cứng, lời nói chẳng ẩn mất, là lời nói nhu hòa, lời nói đáng vui thích, lời nói chẳng trống thiếu, lời nói chẳng nhẹ rung, lời nói chẳng lập cập, lời nói chẳng phiền trọng, lời nói chẳng quá mau, lời nói khéo quyết đoán, lời nói khéo giảng giải, lời nói tột hay tốt, lời nói thắng diệu, lời nói khéo xướng đạo, lời nói thanh lớn, lời nói như sấm nổ, lời nói không sót thừa, lời nói như uống cam lộ, lời nói có ý nghĩa, lời nói đáng gần gũi, lời nói quảng đại, lời nói đáng yêu, lời nói không nhiễm trần, lời nói rời trần cấu, lời nói không nhơ, lời nói không đục, lời nói không lỗ mãng, lời nói oai nghiêm, lời nói không chướng ngại, lời nói hay dạy dỗ, lời nói sáng sạch, lời nói chánh trực, lời nói không khiếp sợ, lời nói không khuyết giảm, lời nói chẳng nhẹ gấp, lời nói hay sanh vui mừng, lời nói làm cho thân khoan khoái, lời nói làm cho tâm hớn hở lời nói làm hết tham, lời nói làm dứt sân, lời nói làm mất si, lời nói trừ ma, lời nói dẹp ác, lời nói xô ngã dị luận, lời nói có biểu thị, lời nói như tiếng trống trời, lời nói mà người trí vui thích, lời nói như tiếng tiên điểu, lời nói như tiếng Thiên Đế, lời nói như tiếng Phạm Thiên, lời nói như tiếng hải triều, lời nói như tiếng vân lôi, lời nói như tiếng động đất động núi, lời nói như tiếng chim hồng chúa, chim hạc chúa, chim công chúa, chi hoàng li, chim cộng mạng, chim ngỗng chúa, chim nhạn chúa, lời nói như tiếng lộc vương, như tiếng nhạc, như tiếng loa, như tiếng tiêu, lời nói dễ biết dễ hiểu, lời nói rành rẽ, lời nói đẹp dạ, lời nói đáng lắng nghe, lời nói sâu xa, lời nói không ngọng ngịu, lời nói vui tai, lời nói sanh căn lành, lời nói không thiếu văn cú, lời nói khéo trình bày văn cú, lời nói đúng văn cú, đúng nghĩa, đúng pháp, đúng thời, đáp đúng, chẳng lỗi thời, lời nói biết căn tánh thắng liệt, lời nói trang nghiêm bố thí, thanh tịn trì giới, truyền day nhẫn nhục, luyện tập tinh tấn, khiến thích thiền định, ngộ nhập chánh huệ, lời nói đức từ khéo nhóm, đức bi không mỏi, đức hỉ trong sạch, chứng nhập đức xả, lời nói an lập ba thừa, lời nói nối vững Tam Bảo, lời nói thành lập ba tụ, lời nói thanh tịnh ba giải thoát, lời nói tu khắp đế lý, tu khắp trí huệ, lời nói người đạt chẳng mê, lời nói bực thánh khen ngợi, lời nói lượng như hư không, lời nói thành tựu vi diệu nhứt thiết chủng. Lời nói của Như Lai vô lượng vô biên thanh tịnh vi diệu như vậy. Vì thế nên nói ngữ nghiệp của Như Lai dùng trí làm tiền đạo theo trí mà chuyển.
Như tự mìn đã chứng ngữ nghiệp như vậy, đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ được chứng nhập ngữ nghiệp như vậy.
Đây gọi là ngữ nghiệp theo trí chuyển Phật pháp bất cộng thứ mười bốn của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là tất cả ý nghiệp của Như Lai dùng trí làm tiền đạo theo trí mà chuyển?
Luận về Như Lai thì tâm ý và thức đều chẳng nói được.
Luận về Như Lai thì phải do trí để cầu, vì trí tăng thượng nên gọi là Như Lai . Trí của Như Lai theo đến tâm của tất cả chúng sanh, theo vào ý của tất cả chúng sanh, chẳng rời thức của tất cả chúng sanh, đốt sạch các pháp, các tam ma địa, chẳng theo các duyên, vượt quá tất cả cảnh giới sở duyên, xa rời duyên sanh, dứt ba cõi các loài, vượt khỏi giống kiêu mạn, giải thoát nghiệp ma, rời các dua nịnh dối trá, bỏ ngã ngã sở, dứt trừ vô minh si ám, khéo tu các trợ đạo chi, đồng với hư không, chẳng có phân biệt, không khác biệt với pháp giới.
Nầy Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chứng nhập ý nghiệp như vậy, trí làm tiền đạo theo đúng tâm của chúng sanh mà thuyết pháp cho họ cũng chứng nhập ý ấy.
Đây gọi là ý nghiệp theo trí chuyển Phật pháp bất cộng thứ mười lăm của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai đối với đời quá khứ dùng trí vô trước vô ngại chuyển hành?
Nầy Xá Lợi Phất! Tại sao trí ấy gọi là chuyển hành?
Đức Như Lai dùng trí vô ngại có thể biết được trong vô lượng vô biên đời quá khứ có bao nhiêu quốc độ hoặc thành hoặc hoại, tất cả sự việc xảy ra đó vô lượng vô số, đức Như Lai đều xét biết. Cho đến trong những quốc độ ấy có bao nhiêu cây cỏ rừng rậm cây thuốc, ở nơi đây đức Như Lai đều biết rõ. Trong những quốc độ ấy có bao nhiêu chúng sanh sự việc của chúng sanh, đức Như Lai đều biết rõ. Trong đó có chư Phật xuất thế, chư Phật thuyết chánh pháp, ở nơi đây đức Như Lai đều biết thiệt rõ. Trong đó có bao nhiêu chúng sanh do Thanh Văn thừa đắc đạo, hoặc do Độc Giác thừa hoặc Đại thừa đắc đạo, đức Như Lai đều biết rõ. Cho đến những quốc độ ấy có hình tướng sai biệt, chúng Tỳ Kheo Tăng, thọ lượng, chánh pháp trụ thế, uống ăn thở hít, đức Như Lai đều biết rõ.
Nầy Xá Lợi Phất! Tướng dạng đời quá khứ của tất cả hữu tình, hoặc chết, hoặc sanh, hoặc cõi, hoặc loài, ở nơi đây đức Như Lai đều biết thiệt rõ.
Các hữu tìn ấy bao nhiêu chủng tánh, bao nhiêu căn tánh, bao nhiêu hành tánh, bao nhiêu hiểu biết, có vô lượng thứ sai biệt đức Như Lai đều biết rõ.
Đức Như Lai lại biết những tâm nối tiếp nhau của tất cả chúng sanh ấy. Như là những tâm không hở xen như vậy những tâm sanh khởi như vậy, đức Như Lai đều biết rõ.
Nầy Xá Lợi Phất! Hoặc dùng hiện trí, hoặc dùng chủng loại trí, đức Như Lai chứng biết được tất cả tâm nối tiếp đã quá vãng trong đới quá khứ.
Tự mình đã chứng trọn vẹn trí ấy, đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà nói pháp ấy cho họ được chứng nhập trí như vậy.
Đây gọi là trí vô ngại biết đời quá khứ Phật pháp bất cộng thứ mười sáu của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai đối với đời vị lai dùng trí vô trước vô ngại chuyển hành?
Cớ sao trí ấy gọi là chuyển?
Nầy Xá Lợi Phất! Trong đời vị lai có bao nhiêu đức Phật, hoặc sẽ xuất hiện, hoặc sẽ diệt độ, hoăc lại sẽ có, hoặc lại sẽ không, ở tạ đây đức Như Lai đều biết rõ.
Cho đến đương lai hỏa kiếp, đương lai thủy kiếp, đương lai phong kiếp phá hoại, các quốc độ sẽ tồn tại lâu hay mau, tất cả những sự khác biệt ấy, ở tại đây đức Như Lai đều biết rõ.
Lại đương lai các quốc độ có bao nhiêu địa giới, có bao nhiêu vi trần, có bao nhiêu cỏ cây lùm rừng cây thuốc, cho đến bao nhiêu tinh tú khác biệt, ở tại đây đức Như Lai đều biết rõ.
Khắp đến trong mỗi mỗi quốc độ đương lai chư Phật, Độc Giác, Thanh Văn và Bồ Tát xuất hiện ra đời, hoặc uống ăn, hoặc đi đứng, hoặc thở hít, ở tại đây đức Như Lai đều biết rõ.
Cho đến mỗi mỗi đức Phật giáo hóa sai khác, quan sát tánh của hữu tình sẽ chứng giải thoát, hoặc nương Thanh Văn thừa, hoặc nương Độc Giác thừa, hoặc nương Đại thừa mà chứng giải thoát, ở tại đây đức Như Lai đều biết rõ.
Cùng tận đời vị lai trong mỗi mỗi quốc độ có bao nhiêu chúng sanh chỗ sanh ra sai khác, cho đến tâm và tâm sở của chúng hữu tình ấy, ở tại đây đức Như Lai đều biết rõ.
Tự mình đã chứng được trí ấy, đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ chứng được trí như vậy.
Đây gọi là trí vô ngại biết đời vị lai Phật pháp bất cộng thư mười bảy của Như Lai.
Lại nầy Xá Lợi Phất! Thế nào là đức Như Lai đối với đời hiện tại trí vô ngại vô trước chuyển hành?
Cớ sao trí ấy gọi là chuyển?
Nầy Xá Lợi Phất! Đối với trong tất cả quốc độ hiện tại ở mười phương có bao nhiêu Phật hiện tại, những chúng Thanh Văn, những chúng Độc Giác, những chúng Bồ Tát, có bao nhiêu sai khác đức Như Lai đều biết rõ.
Đức Như Lai biết rõ hiện tại những sắc tướng của các tinh tú, cỏ cây lùm rừng, địa giới, vi trần v.v... tất cả sự việc của tất cả quốc độ hiện tại ở mười phương, đức Như Lai đều biết rõ. Cho đến tất cả thủy giới, hỏa giới, phong giới trong tất cả quốc độ hiện tại ở mười phương, đức Như Lai đều biết rõ, cũng biết rõ cả hư không giới.
Đức Như Lai biết rõ hiện tại ba thứ thế gian giới. Biết rõ hiện tại địa ngục chúng sanh giới, sanh nhơn và xuất nhơn của họ. Biết rõ hiện tại súc sanh giới, sanh nhơn và xuất nhơn. Biết rõ hiện tại ngạ quỷ giới, sanh nhơn và xuất nhơn. Biết rõ hiện tại nhơn gian chúng sanh giới, sanh nhơn và tử nhơn. Biết rõ hiện tại thiên thượng chúng sanh giới, sanh nhơn và tử nhơn. Biết rõ hiện tại các tâm tâm sở nối tiếp của tất cả chúng sanh, có tánh phiền não hoặc rời tánh phiền não. Biết rõ hiện tại những chúng sanh được hóa độ có căn tánh sai biệt, hiện tại những chúng sanh phải được hóa độ có căn tánh sai biệt. Vô lượng sự tướng như vậy, đức Như Lai đều biết thiệt rõ.
Tự mình đã có chứng trí như vậy, đức Như Lai cũng vì chúng sanh mà tuyên nói pháp ấy cho họ chứng được trí ấy.
Đây gọi là trí vô ngại biết đời hiện tại Phật pháp bất cộng thứ mười tám của Như Lai.
Nầy Xá Lợi Phất! Chư Phật Như Lai thành tựu mười tám Phật pháp bất cộng như vậy viên mãn không thừa phóng quang minh chiếu sáng tất cả đại chúng khắp mười phương, che khuất tất cả chúng hội thiên ma.
Nầy Xá Lợi Phất! Phật pháp bất cộng của Như Lai chẳng thể nghĩ bà vô biên vô tế như hư không. Nếu có người muốn tìm cầu biên tế của Phật pháp bất cộng ấy thì chẳng khác gì người muốn tìm cầu biên tế của hư không.
Chư đại Bồ Tát nghe Phật pháp bất cộng của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn như hư không rồi liền tin nhận vâng thờ không làm không nghi càng thêm vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ”.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy nên nói kệ rằng:
“Thân, ngữ ý nghiệp của Đạo Sư
Không có lỗi lầm cũng không động
Và dùng pháp ấy độ chúng sanh
Đây là pháp bất cộng của Phật
Tâm Phật chẳng cao cũng chẳng hạ
Rốt ráo rời xa sân và ái
Luôn luôn không tranh dứt hẳn tranh
Là pháp bất cộng của Như Lai
Đạo Sư nơi pháp và cùng trí
Giải thoát sở hành không vong niệm
Những trí vô ngại cũng không mất
Là pháp bất cộng của Như Lai
Hoặc đứng hoặc ăn hoặc kinh hành
Hoặc ngồi hoặc nằm tâm thường định
Không loạn cũng không chúng sanh tưởng
Là Pháp bất cộng của Như Lai
Đạo Sư nơi quốc độ chư Phật
Hữu tình và Phật không dị tưởng
Đại trí an trụ tánh bình đẳng
Là pháp bất cộng của Như Lai
Đạo Sư không có xả giản trạch
Vì khéo tu đạo thắng quyết định
Không có phân biệt nơi các pháp
Là pháp bất cộng của Như Lai
Đạo Sư dục lành không lui giảm
Thường chung cùng từ bi phương tiện
Điều phục chúng sanh rộng vô lượng
Là pháp bất cộng của Như Lai
Đạo Sư tinh tấn thường không giảm
Hóa độ vô chúng sanh lượng vô biên
Ba nghiệp điều phục các chúng sanh
Là pháp bất cộng của Như Lai
Đạo Sư đại niệm thường không giảm
Ngồi tòa Bồ đề thành chánh giác
Giác ngộ các pháp vô lượng giác
Là pháp bất cộng của Như Lai
Không phân biệt không dị phân biệt
Tự nhiên an trụ định bình đẳng
Tịnh lự chẳng y tất cả pháp
Là pháp bất cộng của Như Lai
Trí huệ của Phật rất các tường
Liễu đạt tất cả hạnh chúng sanh
Diễn nói pháp mầu tùy ý rõ
Là pháp bất cộng của Như Lai
Thanh Văn Độc Giác chứng giải thoát
Giải thoát của Phật rất thù thắng
Vô ngại ly cấu như hư không
Đại xả của Phật khó nghĩ biết
Chư Phật bổn lai không tâm niệm
Tánh giải thoát tâm luôn nối tiếp
Như pháp giải thoát vì chúng nói
Là pháp bất cộng của Như Lai
Chúng sanh mắt thấy Phật oai nghi
Hoặc đứng hoặc đi vào thành ấp
Tướng hảo quang minh hiển hiện ra
Họ được điều phục đồng tu thiện
Đạo Sư từ oai phóng quang minh
Vô lượng chúng sanh thọ an lạc
Quang minh chiếu khắp độ chúng sanh
Là pháp bất cộng của Như Lai
Đạo Sư tự nhiên diễn pháp âm
Chúng sanh đều nghe tùy ý hiểu
Được nghe tiếng pháp như vang ứng
Là pháp bất cộng của Như Lai
Đạo Sư vĩnh viễn không ý nghiệp
Những hành nghiệp chuyển đều do trí
Trí vào trong tâm của chúng sanh
Là pháp bất cộng của Như Lai
Các tam ma địa và tịnh lự
Khéo tu thành mãn lìa hí luận
Trụ tánh bình đẳng như hư không
Là pháp bất cộng của Như Lai
Nơi tất cả pháp đời quá khứ
Bao nhiêu quốc độ bao nhiêu chúng
Trí Phật vô ngại đều biết rõ
Là pháp bất cộng của Như Lai
Nơi tất cả pháp đời vị lai
Thế giới sẽ có hoặc sẽ không
Chúng sanh quốc độ và chư Thánh
Phật đều biết rõ không sót dư
Đạo Sư quan sát đời vị lai
Tâm tĩnh không bao giờ tán loạn
Chúng sanh và pháp biết như thiệt
Là pháp bất cộng của Như Lai
Nơi tất cả pháp đời hiện tại
Phật trí vô ngại đều biết rõ
Cảnh giới của Phật đồng hư không
Là pháp bất cộng của Như Lai
Đã nói pháp bất cộng của Phật
Đủ số mười tám chẳng nghĩ bàn
Chơn như thiệt tánh đồng hư không
Chư đại Bồ Tát tin nhận được
Nầy Xá Lợi Phất! Đây gọi là đức Như Lai thành tựu mười tám Phật pháp bất cộng.
Do thành tựu mười tám pháp ấy nên đức Như Lai ở giữa đại chúng như sư tử rống tuyên bố rằng đức Phật ỏ bực Thế Tôn hay chuyển pháp luân thanh tịnh mà tất cả thế gian hoặc Người hoặc Trời, Ma Vương, Phạm Vương, Sa Môn, Bà La Môn đều chẳng thể chuyển đúng pháp được.
Nầy Xá Lợi Phất! Chư đại Bồ Tát đã an trụ nơi đức tin thanh tịnh, đối với mười bất tư nghị và mười thứ pháp chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, đều tin nhận vâng thờ chẳng lầm chẳng nghi, càng thêm vui mừng hớn hở phát ý tưởng hy kỳ”.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|