× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Bảo Tích



X. PHÁP HỘI VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ MÔN THỨ MƯỜI

(Hán Bộ Trọn Quyển Thứ 29)
Hán Dịch: Nhà Đường, Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi

Như vậy, tôi nghe một lúc Đức Phật ở thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật câu hội với tám trăm đại Tỳ Kheo và bốn muôn hai ngàn đại Bồ Tát.

Bấy giờ có Bồ Tát tên Vô Cấu Tạng cùng chúng Bồ Tát chín muôn hai ngàn cung kính vây quanh từ hư không đến.

Đức Thế Tôn liền bảo đại chúng rằng chư Bồ Tát ấy được Phổ Hoa Như Lai ở thế giới Biến Thanh Tịnh Hạnh khuyến cáo đến thế giới Ta Bà nầy để được nghe ta giảng dạy pháp môn Phổ Nhập Bất Tư Nghị. Chư Bồ Tát khác cụng sẽ đến họp.

Đức Thế Tôn tuyên bố xong, các chúng Bồ Tát đông vô lượng vô biên ở cõi khác và cõi nầy đều đến núi Kỳ Xà Quật đảnh lễ chưn Phật rồi ngồi qua một phía.

Ngài Vô Cấu Tạng Bồ Tát tay cầm hoa sen thất bửu ngàn cánh đến chỗ Đức Như Lai đầu mặt lạy chưn Phật mà bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phổ Hoa Như Lai ở thế giới Biến Thanh Tịnh Hạnh sai tôi mang hoa báu nầy dâng Đức Thế Tôn. Ngài ân cần thăm hỏi Đức Thế Tôn vô lượng ít bịnh í não khỏe mạnh an vui".

Bạch xong, Ngài Vô Cấu Tạng Bồ Tát liền bay lên hư không ngồi kiết gìa.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rời chỗ ngồi trịch y vai hữu quỳ gối hữu cung kính chắp tay mà bạch Đức Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Tôi nhớ thuở xưa đã từng nghe đức Phổ đăng Phật nói pháp môn Phổ Nhập Bất Tư Nghị. Lúc ấy tôi được tám ngàn bốn trăm ức na do tha tam muội, lại biết được bảy mươi bảy mươi bảy muôn ức na do tha tam muội.

Lành thay Đức Thế Tôn! Mong Đức Thế Tôn xót thương vì chư Bồ Tát mà dạy pháp môn ấy".

Đức Phật phán: "Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nay ông lắng nghe khéo suy nghĩ, ta sẽ nói cho".

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: "Vâng! Bạch Đức Thế Tôn! Tôi xin được nghe".

Đức Phật dạy: "Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu chư Bồ Tát muốn học pháp ấy thì phải tu tập các môn tam uội. Đó là sắc tướng tam muội, thanh tướng tam muội, hương tướng tam muội, vị tướng tam muội, xúc tướng tam muội, ý giới tam muội, nam tướng tam muội, nữ tướng tam muội, đồng nam tường tam muội, đồng nữ tướng tam muội, thiên tướng tam muội, long tướng tam muội, dạ xoa tường tam muội, càn thát bà tướng tam muội, a tu la tướng tam muội, ca lâu la tướng tam muội, khẩn na la tướng tam muội, ma hầu la già tướng tam muội, địa ngục tướng tam muội, súc sanh tướng tam muội, diêm ma la giới tam muội, tham tướng tam muội, sân tướng tam muội, si tướng tam muội, bất thiện pháp tam muội, thiện pháp tam muội, hữu vi tam muội, vô vi tam muội.

- Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nơi các tam muội ấy, nếu chư Bồ Tát khéo thông đạt thì đã là tu học pháp ấy.

- Nầy Văn Thù Sư Lợi! hế Nào gọi là sắc tướng tam muội?

Quán sắc như đống bọt

Nó không có chắc thiệt

Vì chẳng nắm giữ được

Đó tên sắc tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là thanh tướng tam muội?

Quán thanh như âm vang

Tánh nó bất khả đắc

Các pháp cũng như vậy

Không tướng không sai biệt

Biết rõ đều tịch tịnh

Đó tên thanh tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là hương tướng tam muội?

Dầu là trăm ngàn kiếp

Thường ngửi các thứ hương

Như biển nạp các dòng

Mà không hề chán đủ

Hương ấy nếu là thiệt

Lẽ ra phải đầy đủ

Chỉ có danh tự giả

Kỳ thiệt bất khả đắc

Mũi cũng vô sở hữu

Biết rõ tánh không tịch

Đó tên hương tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là vị tướng tam muội?

Lưỡi kia chỗ nếm biết

Mặn chua các thứ vị

Đều từ các duyên sanh

Tánh nó vô sở hữu

Nếu biết được như vậy

Nhơn duyên hòa hiệp khởi

Biết nghĩa bất tư nghị

Đó tên vị tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là xúc tướng tam muội?

Xức chỉ có danh tự

Tánh nó bất khả đắc

Mịn trơn ấm các pháp

Đều từ các duyên sanh

Nếu biết được xúc tánh

Nhơn duyên hòa hiệp khởi

Rốt ráo vô sở hữu

Đó tên xúc tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là ý giới tướng tam muội?

Dầu hợp cả Đại Thiên

Vô lượng các chúng sanh

Nhứt tâm đồng suy tìm

Ý Giới bất khả đắc

Chẳng ở trong hay ngoài

Cũng chẳng thể tu tập

Chỉ dùnd những giả danh

Gọi là có các tướng

Dường như là huyễn hóa

Không trụ không xứ sở

Biết rõ nó tánh không

Đó tên ý tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là nam tướng tam muội?

Tự cho mình nam tử

Thấy kia là nữ nhơn

Do tâm phân biệt nầy

Mà sanh lòng ái dục

Lòng dục vô sở hữu

Tâm tướng bất khả đắc

Do vì vọng phân biệt

Nơi thân tưởng là nam

Trong ấy không thiệt nam

Ta nói như dương diệm

Biết nam tướng là không

Đó tên nam tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là nữ tướng tam muội?

Tứ đại giả làm nữ

Trong ấy vô sở hữu

Lòng phàm phu mê hoặc

Nắm lấy cho là thiệt

Nữ nhơn như huyễn hóa

Người ngu chẳng biết được

Vì vọng thấy nữ tướng

Mà sanh lòng nhiễm trước

Ví như huyễn hóa nữ

Mà chẳng thiệt nữ nhơn

Kẻ vô trí mê hoặc

Bèn sanh tưởng ái dục

Biết rõ như vậy rồi

Tất cả nữ không tướng

Tướng nữ đều vắng bặt

Đó tên nữ tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là đồng nam tướng tam muội?

Như cây không rễ nhánh

Thì chẳng có được hoa

Vì đã chẳng có hoa

Nên trái cũng chẳng sanh

Do không có nữ nhơn

Đồng nam cũng chẳng có

Tùy ở người phân biệt

Giả gọi tên như vậy

Biết rõ nữ nhơn ấy

Và đồng nam chẳng có

Quan sát dược như vậy

Là đồng nam tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là đồng nữ tướng tam muội?

Như chặt cây đa la

Trọn chẳng còn sống lại

Đâu có người trí huệ

Cầu trái hột trong ấy

Nếu ai biết rõ được

Các pháp là vô sanh

Chẳng nên khởi phân biệt

Đồng nữ là năng sanh

Lại như hột lúa cháy

Mầm lúa chẳng còn sanh

Đồng nữ cũng như vậy

Là đồng nữ tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là thiên tướng tam muội?

Nhơn tính tâm thanh tịnh

Và do các nghiệp lành

Thọ thắng báo chư Thiện

Thân đoan chánh xinh đẹp

Các cung điện trân bửu

Chẳng phải do xây dựng

Hoa đẹp mạn đà la

Cũng không ngưới gieo trồng

Bất tư nghị như vậy

Đều do sức nghiệp lành

Hiện được các thứ tướng

Như lưu ly trong sạch

Thân đẹp xinh như vậy

Và các cung điện thảy

Đều từ hư vọng sanh

Đó tên thiên tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là lonf tướng tam muội?

Thọ lấy thân loài rồng

Do chẳng tu hạnh nhẫn

Nổi mây tuôn mưa lớn

Đầy khắp Diêm Phù Đề

Chẳng từ thuở trước sau

Cũng chẳng ở chặng giữa

Mà hay tuôn nước mưa

Lại chảy về biển cả

Các loài rồng như vậy

Huân tập tánh sai biệt

Khởi lên các thứ nghiệp

Nghiệp cũng không có sanh

Tất cả chẳng chơn thiệt

Kẻ ngu cho là có

Biết rõ được như vậy

Đó là long tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là dạ xoa tướng tam muội?

Là thân đại dạ xoa

Từ nơi tự tâm khởi

Trong ấy không có thiệt

Vọng sanh sự khủng bố

Cũng không có lòng sợ

Mà sanh lòng kinh sợ

Vì quán phap chẳng thiệt

Vô tướng vô sở đắc

Chỗ không vô tịch tịnh

Hiện tướng dạ xoa ấy

Biết hư vọng như vậy

Là dạ xoa tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là càn thát bà tướng tam muội?

Họ thiệt không có tướng

Danh ngôn giả bịa đặt

Biết tướng là chẳng tướng

Là càn thát tam muội

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là a tu la tướng tam muội?

Ấn định tướng tu la

Tướng ấy vốn vô sanh

Vô sanh nên vô diệt

Là tu la tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là ca lâu la tướng tam muội?

Lấy vô thân làm thân

Danh tự giả bịa đặt

Danh tướng vô sở hữu

Là ca lâu tam muội.

Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là khẩn na la tướng tam muội?

Pháp vô tác làm tác

Gọi là khẩn na la

Biết đó là vô sanh

Khẩn na la tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là ma hầu la gìa tướng tam muội?

Kia do nơi danh tự

Theo thế tục an lập

Trong ấy không có pháp

Mà vọng khởi phân biệt

Biết rõ phân biệt ấy

Tự tánh vô sở hữu

Vì tướng ấy tịch tịnh

Ma hầu la tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là địa ngục tướng tam muội?

Điạ ngục không vô tướng

Tánh ấy rất thanh tịnh

Trong ấy không tác giả

Do Tự phân biệt sanh

Lúc ta ngồi đạo tràng

Biết tướng vô sanh nầy

Vì vô tướng vô sanh

Tánh ấy như hư không

Tướng ấy đều tịch tịnh

Là điạ ngục tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư ợi i Thế nào là súc sanh tướng tam muội?

Như mây hiện hình sắc

Trong ấy không có thiệt

Làm cho người vô trí

Nơi ấy sanh mê hoặc

Nơi loài súc sanh kia

Thọ lấy các thứ thân

Như mây trong hư không

Hiện ra các sắc tượng

Biết rõ nghiệp như huyễn

Chẳng sanh lòng mê hoặc

Tướng ấy vốn tịch tịnh

Là súc sanh tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là diêm ma la giới tướng tam muội?

Gây tạo thuần nghiệp ác

Và tạo các nghiệp tạp

Lưu chuyển cõi Diêm La

Thọ lấy các sự khổ

Thiệt không cõi Diêm La

Cững không người lưu chuyển

Tự tánh vốn vô sanh

Các khổ dường cảnh mộng

Nếu quán được như vậy

Diêm ma la tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là tham tướng tam muội?

Tham từ phân biệt sanh

Phân biệt cũng chẳng có

Vô sanh cũng vô tướng

Trụ xứ bất khả đắc

Tham tánh như hư không

Cũng không có kiến lập

Phàm phu vọng phân biệt

Do đó sanh tham nhiễm

Pháp tánh vốn vô nhiễm

Thanh tịnh như hu không

Tìm cầu khắp mười phương

Tánh nó bất khả đắc

Vì chẳng biết tánh không

Thấy tham sanh lòng sợ

Không có sợ sanh sợ

Ở đâu đươc an vui

Ví như kẻ ngu si

Sợ sệt cõi hư không

Vì sợ mà rong chạy

Lánh không chẳng muốn thấy

Hư không khắp tất cả

Chỗ nào rời nó được

Vì kẻ ngu mê hoặc

Sanh điên đảo phân biệt

Tham vốn không tự tánh

Vọng sanh tâm nhàm lìa

Như người muốn lánh không

Trọn không thoát khỏi được

Các pháp tánh tự lìa

Dường như là Niết Bàn

Chư Phật trong ba đời

Biết tham tánh là không

Ở trong cảnh giới ấy

Chưa lúc nào bỏ lìa

Người kinh sợ nơi tham

Suy gẫm cầu giải thoát

Tham tự tánh như vậy

Rốt ráo thường thanh tịnh

Lúc ta chứng Bồ Đề

Rõ thấu đều bình đẳng

Nếu chấp tham là có

Sẽ bỏ lìa nơi tham

Do hư vọng phân biệt

Mà nói bỏ lìa tham

Đây là tâm phân biệt

Thìệt không gì để bỏ

Tánh nó bất khả đắc

Cũng không có diệt hoại

Trong bình đẳng thiệt tế

Không giải thoát phân biệt

Nếu giải thoát nơi tham

Nơi không cũng giải thoát

Hư không cùng với tham

Vô tận vô sai biệt

Nếu ai thấy sai biệt

Phật bảo phải bỏ rời

Tham thiệt không có sanh

Vọng khởi sanh phân biệt

Tham ấy bổn tánh không

Chỉ có danh tự giả

Chẳng nên do giả danh

Mà sanh lòng chấp trước

Vì biết tham không nhiễm

Thì là rốt ráo không

Chẳng do diệt hoại tham

Mà được nơi giải thoát

Pháp tham ở Phật pháp

Bình đẳng tức Niết Bàn

Người trí phải nên biết

Rõ tham tịch tịnh rồi

Nhập vào cõi tịch tịnh

Đó tên tham tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là sân tướng tam muội?

Do nhơn duyên hư vọng

Mà khởi lòng giận dữ

Không ngã chấp làm ngã

Và do tiếng thô ác

Khởi lòng sân quá mạnh

Dường như là á độc

Âm thanh và giận dữ

Rốt ráo vô sở hữu

Như Dùi gỗ ra lửa

Cần nhờ sức các duyên

Nếu duyên chẳng hòa hiệp

Thì lửa chẳng sanh được

Âm thanh chẳng đẹp ý

Rốt ráo vô sở hữu

Biết thanh tánh là không

Sân cũng chẳng còn sanh

Sân chẳng ở nơi thanh

Cũng chẳng ở trong thân

Nhơn duyên hòa hiệp khởi

Rời duyên chẳng sanh được

Như nhơn sữa làm duyên

Hòa hiệp sanh tô lạc

Sân tự tánh không khởi

Nhơn nơi tiếng thô ác

Người ngu chẳng biết được

Nhiệt não tự đốt cháy

Phải nên biết như vầy

Rốt ráo vô sở hữu

Sân tánh vốn tịch tịnh

Chỉ có nơi giả danh

Giận dữ tức thiệt tế

Bởi nương chơn như khởi

Biết rõ như pháp giới

Thì gọi sân tam muội

Lạy nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là si tướng tam muội?

Vô minh thể tánh không

Vốn tự không sanh khởi

Trong ấy không chút pháp

Mà nói được là si

Phàm phu nơi vô si

Hư vọng sanh lòng si

Nơi vô trước sanh trước

Dường như gút hư không

Lạ thay cho kẻ ngu

Chẳng nên làm mà làm

Các pháp đều chẳng có

Do nhiễm phân biệt sanh

Như muốn lấy hư không

An trí ở một chỗ

Dầu trải ngàn muôn kiếp

Không hề tích tụ được

Kẻ ngu từ hồi nào

Trải bất tư nghị kiếp

Vọng khởi gút ngu si

Mà không chút phần tăng

Như người lấy hư không

Không bao giờ tăng giảm

Nhóm ngu si nhiều kiếp

Không tăng giảm cũng vậy

Lại như ống bễ kia

Rút gió không hạn lượng

Ngu si mê dục lạc

Không lúc nào chán đủ

Si ấy vô sở hữu

Không căn không trụ xứ

Vì căn chẳng phải có

Cũng không si để tận

Bởi vì si vô tận

Biên tế bất khả đắc

Thế nên các chúng sanh

Ta chẳng thể làm tận

Dầu ta trong một ngày

Độ được cõi Đại Thiên

Có bao nhiêu chúng sanh

Đều khiến nhập Niết Bàn

Trải qua bất tư nghì

Vô lượng ngàn muôn kiếp

Ngày ngày độ như vậy

Chúng sanh giới chẳng tận

Si giới chúng sanh giới

Cả hai đều vô tướng

Nó đều như huyễn hoá

Nên chẳng làm tận được

Si tánh với Phật tánh

Bình đẳng không sai khác

Nếu phân biệt nơi Phật

Người ấy ở ngu si

Si và Nhứt thiết trí

Tánh đều bất khả đắc

Nhưng các chúng sanh ấy

Với si đều bình đẳng

Chúng sanh bất tư nghị

Si cũng bất tư nghị

Do vì bất tư nghị

Chẳng nên khởi phân biệt

Tâm tư duy như vậy

Suy lường bất khả đắc

Si cũng chẳng thể lường

Vì nó không biên tế

Đã không có biên tế

Từ đâu mà sanh được

Vì tự tánh vô sanh

Tướng cũng bất khả đắc

Biết si không có tướng

Quán Phật cũng như vậy

Phải nên biết như vậy

Tất cả pháp không hai

Tánh si vốn tịch tịnh

Chỉ có danh tự giả

Lúc ta chứng Bồ Đề

Cũng rõ si bình đẳng

Quán sát được như vậy

Gọi là si tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là bất tiện tam muội?

Biết tham sân si ấy

Tất cả các phiền não

Có bao nhiêu hành tướng

Hư vọng không chơn thiệt

Quan sát được như vậy

Là bất thiện tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là thiện pháp tam muội ?

Các ông phải nên biết

Những người sở thích thiện

Tâm niệm đều sai khác

Đều đồng nơi một hạnh

Dùng một tướng xuất ly

Mà biết rõ tất cả

Vì thảy đều tịch tịnh

Gọi là thiện tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là hữu vi tam muội?

Các ông phải nên biết

Tất cả pháp hữu vi

Chẳng phải sở tạo tác

Cũng không cân lường được

Ta biết rõ các hành

Tánh nó không chứa họp

Tất cả đều tịch tịnh

Gọi hữu vi tam muội.

- Lại nầy Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là vô vi tam muội?

Tánh vô vi tịch tịnh

Trong ấy không sở trước

Cũng lại chẳng xuất ly

Chỉ có danh tự giả

Vì chúng sanh chấp trước

Mà nói danh tự ấy

Biết rõ được như vậy

Là vô vi tam muội".

Lúc Đức Thế Tôn nói kệ bất tư nghị vi diệu như vậy, có chín muôn hai ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Ba muôn sáu ngàn Tỳ Kheo dứt hết phiền não tâm được giải thóat. Bảy mươi hao muôn ức na do tha chư Thiên, sáu ngàn Tỳ Kheo Ni, một trăm tám mươi muôn ưu Bà Tắc, hai ngàn hai trăm Ưu Bà Di đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Mong Đức Thế Tôn vì chư Bồ Tát mà diễn nói danh tự của các môn tam muội. Làm cho người nghe các căn thông lợi được trí huệ sáng đối với các pháp, chẳng bị khuất phục bởi những chúng sanh tà kiến, cũng là cho họ chứng được bốn vô ngại biên tài, nơi một văn tự mà biết được các thứ văn tự, nơi các thứ văn tự. Lại dùng vô biên biện tài và các chúng sanh mà khéo thuyết pháp, cũng làm cho chứng được thậm thâm pháp nhẫn, trong một sát na biết tất cả hành, tất cả hành ấy mỗi hành lại có vô biên hành tướng đều biết rõ được cả".

Đức Phật dạy: "Nầy Văn Thù Sư Lợi! Có tam muội tên Vô biên ly cầu. Nếu Bồ Tát được tam muội ấy thì hiện được tất cả các sắc thanh tịnh.

Có tam muội tên Khả úy diện. Bồ Tát được tam muội ấy có oai quang lớn chói che nhựt nguyệt.

Có tam muội tên Xuất diệm quang. Bồ Tát được tam muội ấy thì chói che được ánh sáng của tất cả Đế Thích và Phạm Thiên.

Có tam muội tên Xuất ly. Bồ Tát được tam muội ấy làm cho chúng sanh xuất ly tất cả tham sân si.

Có tam muội tên Vô ngại quang. Bồ Tát được tam muội ấy thì chiếu sáng được tất cả Phật quốc.

Có tam muội tên Vô vong thất. Bồ Tát được tam muội ấy thì thọ trì được giáo pháp của chư Phật nói, và cũng có thể vì người khác mà diễn nói nghĩa Phật pháp.

Có tam muội tên Lôi âm. Bồ Tát được tam muội ấy thì khéo có thể hiển thị tất cả ngôn âm lên đến trời Phạm Thiên.

Có tam muội tên Hỉ lạc. Bồ Tát được tam muội ấy có thể làm cho chúng sanh đầy đủ hỉ lạc.

Có tam muội tên Hỉ vô yểm. Bồ Tát được tam muội ấy, có ai thấy nghe Ngài đều không chán đủ.

Có tam muội tên Chuyên nhứt cảnh nan tư công đức. Bồ Tát được tam muội ấy có thể thị hiện tất cả thần biến.

Có tam muội tên Giải nhứt thiết chúng sanh ngữ ngôn. Bồ Tát được tam muội ấy thì khéo tuyên nói được tất cả ngữ ngôn. Trong một chữ nói tất cả chữ biết tất cả chữ đồng như một chữ.

Có tam muội tên Siêu nhứt thiết đà la ni vương. Bồ Tát được tam muội ấy thì khéo biết rõ được các đà la ni.

Có tam muội tên Nhứt thiết biện tài trang nghiêm. Bồ Tát được tam muội ấy thì khéo phân biệt được tất cả văn tự và các thứ ngôn âm.

Có tam muội tên Tích tập nhứt thiết thiện pháp. Bồ ; Tát được tam muội ấy có thể làm cho chúng sanh đều nghe tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tăng, tiếng Thanh Văn, tiếng Duyên Giác, tiếng Bồ Tát, tiếng Ba la mật. Lúc Bồ Tát trụ tam muội như vậy thì làm cho các chúng sanh nghe tiếng ấy không dứt".

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: "Mong Đức Thế Tôn gia hộ cho tôi được vô ngại biện tài để nói công đức thù thắng của pháp môn ấy".

Đức Phật nói: "Lành thay, lành thay! Tùy ý nguyện của ông".

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát lại bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát nơi pháp môn ấy mà thọ trì đọc tụng không có nghi hoặc, thì nên biết rằng người nầy ở trong thân hiện tại được bốn thứ biện tài là thiệp tật biện tài, quảng đại biện tài, thậm thâm biện tài và vô tận biện tài. Tâm Ngài thường hộ niệm các chúng sanh tùy chỗ tu hành của họ. Người nào sắp thối thất hư hoại, Ngài đều có thể giác ngộ họ cho họ không thối hoại".

Đức Thế Tôn khen: "Lành thay, lành thay! Văn Thù Sư Lợi có thể khéo phân biệt được nghĩa ấy. Như người bố thí được báo giàu có lớn, người trì cấm giới quyết định sanh thiên, người có thể thọ trì được kinh điển nầy thì hiện đời được biện tài quết không hư vọng.

Như ánh sáng mặt trời chiếu ra thì trừ được tối tăm, như Bồ Tát ngồi tòa Bồ Đề thành Đẳng Chánh Giác quyết định không nghi, người thọ trì đọc tụng kinh điển nầy thì hiện đời dược biện tài cũng như vậy.

- Nầy Văn Thù Sư Lợi! Nếu có người ở hiện đời muốn cầu biện tài thì nơi kinh điển nầy phải tin ưa thọ trì đọc tụng vì người mà giảng rộng chớ sanh lòng nghi hoặc".

Bấy giờ Ngài Vô Cấu Tạng Bồ Tát bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, nơi pháp môn nầy, nếu chư Bồ Tát tâm không nghi hoặc mà thọ trì đọc tụng rộng giảng thuyết cho người, thì tôi sẽ nhiếp thọ thêm biện tài cho họ".

Lúc ấy Ma Vương Ba Tuần lo rầu khổ não rơi lệ đến chỗ Đức Phật mà bạch rằng: "Ngày xưa lúc Đức Như Lai chứng Vô Thượng Bồ Đề, tôi đã lo rầu rồi. Hôm nay Như Lai lại nói pháp môn nầy càng thêm khổ não nhiều như trúng phải tên độc. Nếu chúng sanh nghe ; kinh điển nầy quyết định không thối chuyển nơi Vô Thượng Bồ Đề mà bát Niết Bàn, làm cho thế giới tôi phải trống rỗng.

Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác hay làm cho tất cả chúng sanh khổ sở đều được an vui. Mong Đức Như Lai thương xót chẳng hộ niệm kinh diển nầy cho tôi được an ổn hết lo khổ".

Đức Thế Tôn bảo Ba Tuần rằng: "Chớ cưu lòng lo khổ. Nơi pháp môn nầy ta chẳng gia hộ. Các chúng sanh cũng chẳng Niết Bàn".

Thiên ma Ba Tuần nghe lời nầy vui mừng hết buồn lo liền ẩn mất.

Ngài Văn thù Sư Lợi Bồ Tát tiến lên bạch rằng: "Có mật ý gì mà Đức Thế Tôn hôm nay bảo Ba Tuần rằng Phật chẳng gia hộ pháp môn nầy?".

Đức Phật phán: "Nầy Văn Thù Sư Lợi! Dùng không gia hộ để gia hộ pháp môn này, vì thế nên ta nói với Ba Tuần như vậy. Bởi tất cả pháp bình đẳng thiệt tế đều quy nơi chơn như đồng với pháp giới rời các ngôn thuyết, vì tướng bất nhị nên không có gia hộ.

Do lời thành thiệt không có hư vọng của ta như vậy có thể làm cho kinh điển nầy rộng lưu truyền tại Diêm Phù Đề".

Phán dạy xong, Đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan rằng: "Nầy A Nan! Kinh nầy tên là Phổ Nhập Bất Tư Nghị Pháp Môn.

Nếu ai thọ trì được kinh điển nầy là thọ trì tám muôn bốn ngàn pháp môn, hai sự thọ trì ấy đồng nhau không sai khác. Tại sao vậy? Ví ta ở nơi kinh nầy thông đạt rồi mới có thể vì các chúng sanh mà diễn nói tám muôn bốn ngàn pháp môn.

Thế nên, nầy A Nan! ông phải khéo hộ trì đọc tụng lưu thông pháp môn nầy chớ để quên mất".

Đức Phật nói kinh nầy rồ, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Ngài Vô Cấu Tạng Bồ Tát, Tôn giả A Nan và các thế gian Thiên, Nhơn A Tu La v. vân tất cả chúng hội nghe lời Đức Phật dạy đều rất vui mừng tin thọ phụng hành.

 

--- o0o ---


Xem dưới dạng văn bản thuần túy