Khi ấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói kệ rằng :
« Chúng sanh cõi Đại Thiên
Đều khiến thành Duyên Giác
Một người trong một kiếp
Tâm niệm chẳng biết được.
Tất cả tâm tưởng niệm
Đức Phật biết rõ cả
Phật dùng tâm vô tưởng
Đều biết tất cả niệm.
Tùy chúng s anh tưởng niệm
Phật tuyên giảng kinh điển
Thanh âm ấy tại tâm
Mà diễn nên đạo pháp.
Như tất cả chúng sanh
Nghĩ tưởng các danh sắc
Một chưn lông của Phật
Phóng Quang Minh cũng vậy.
Như danh sắc và tâm niệm
Của tất cả chúng sanh
Thanh âm của Phật diễn
Hơn số tưởng của chúng.
Phật ban tuyên tất cả
Dẫn dụ kể tưởng niệm
Tiếng kia chẳng thôi nghỉ
Lời Phật không hạn mé.
Ai có thể mến lời
Không sắc nói không nói,
Không sắc không có nói
Tiêu diệt không sắc trần.
Giả sử trần không sắc
Tất cả chẳng thể được
Do vì không sắc trần
Rốt ráo chẳng thể được.
Dầu nói nhưng chẳng thiệt
Không trong cũng không ngoài
Trần lao đồng hư không
Nên gọi không trong ngoài
Lời nói chẳng thể được
Phật nói suốt mười phương
Trần lao cũng vô hạn
Đây kiến lập nơi chỗ.
Lời nói thượng trung hạ
Của tất cả chúng sanh
Không thân khẩu ý nghiệp
Chẳng bỏ cũng chẳng lấy.
Dường như xướng kỹ kia
Âm nhạc của chư Thiên
Cũng không thân khẩu nghiệp
Mà âm thanh hòa khắp.
Tâm chúng sanh cũng vậy
Vốn thanh tịnh như thế
Phật đều ban lời dạy
Tâm Phật không tưởng niệm.
Ví như vang theo tiếng
Không trong cũng không ngoài.
Lời Phật nói cũng vậy
Không trong cũng không ngoài.
Vô niệm như diệu bửu
Lời Phật đẹp chúng sanh
Lời Phật không vọng tưởng
Lợi ích cho muôn loài ».
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Tịch Ý Bồ Tát rằng : « Đó là khẩu ngôn bí yếu của đức Như Lai.
Lại khẩu bí yếu của đức Như Lai, tùy theo âm thanh ấy mà vì chúng sanh thuyết pháp khai hóa.
Cõi Dại Thiên nầy giả sử có bao nhiêu loài, đức Như Lai chí chơn tuyên bố dạy dỗ, theo tiếng nói của họ, dùng những danh hiệu chẳng kể hết chí thành giáo hóa. Đây gọi là khổ tập diệt đạo. Gọi là địa thần ủng hộ.
Tâm Phật kiên cố, bổn ý ở nơi đây.
Thần chú rằng :
A bì a bà mâu lê, gia hà ha na di, kha ca ưu đầu.
Thần chú nầy hộ trì tất cả, thế nên gọi là khổ tập diệt đạo.
Trong hư không, tất cả chư Thiên đều khen lời nói ấy, đồng tuyên chú rằng :
Hượt tri, a hượt tri, a hượt tra ca di, a hòa ni nê lê.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả, thế nên gọi là khổ tập diệt đạo.
Chư Thiên ở trời Tứ Vương lại nói chú rằng :
Y nê di nê, đa bế đa đa bế, duy lô.
Thần chú nầy cứu tất cả chúng sanh, thế nên gọi là khổ tập diệt đạo pháp.
Chư Thiên ở trời Đao Lợi nói chú rằng :
Kỳ hồi chuyển, quán tập, chủ diệt tận, vi tận bất tương cử yếu.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên ở trời Dạ Ma nói chú rằng :
Thủ lê đạo la tư, hòa lê đạo la tê tuy tà, đạo tê tuy tà bị hòa ni.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên trời Đâu Suất nói chú rằng :
Độc phạm diện xúc, hồi chuyển tích súc nghiệp.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên ở trời Hóa Lạc nói chú rằng :
Sở độ câu sở độ, hộ sở độ, chủ độ nữ.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên ở trời Tha Hóa Tự Tại nói chú rằng :
A hô sự nghiệp hô, hòa nê di, a la ni hàm.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Phạm Thiên nói chú rằng :
Hữu sự nghiệp, sự nghiệp chủng, nhơn duyên thọ dĩ nhơn duyên độ.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Phạm Thân nói chú rằng :
Thanh minh, tạo thanh tịnh, thanh tịnh phong, động thanh tịnh.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Phạm Mãn nói chú rằng :
Vô cực để, câu tương khứ, đạo ngự chủ, niệm kiên yếu.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Phạm Độ nói chú rằng :
Hòa na hòa na tán đề, hòa na ha ha na, hòa na câu ma na.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Đại Phạm nói chú rằng :
Mộc mật, mộc mật tiên bỉ diệc tiên, ấn thị.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiền Quang Diệu nói chú rằng :
Y hài hài, tương hài khứ thân cận.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Thiểu Quang nói chú rằng :
Thị thủ khứ, bất tương khứ, bất sử khứ, vô sở chí.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Vô Lượng Quang nói chú rằng :
Quán tập, câu cung tập tập diệt tận, tập vô lượng.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Quang Âm nói chú rằng :
Dĩ đoạn chung, tự tại đoạn thuận tùng hòa, thường thanh tịnh.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Ước Tịnh nói chú rằng :
Sở chí thu, sở khả quy, cận sở đáo, dĩ cận sở đáo.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Thiểu Tịnh nói chú rằng :
Thanh tịnh, thanh tịnh thị, tịnh phục tịnh, quy thanh tịnh.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Vô Lượng Tịnh nói chú rằng :
Vô ngã thị, vô ngô ngã thị, phi cống cao quy tự đại.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Tịnh Nan Đệ nói chú rằng :
Giải thoát dĩ độ, tích giải độ, bổn cận giải.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả.
Chư Thiên Quảng Quả, chư Thiên Ngự Từ nói chú rằng :
Dĩ vô tác, vô sở tác, trừ sở tác, sở tác cứu cánh.
Thần chú nầy cứu hộ tất cả”.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói : “Đây gọi là khổ tập diệt đạo nên phải phụng hành, nên phải khai hóa mà theo luật giáo hiển hiện nghiệp vi diệu vô cực.
Chư Thiên Ly Từ, chư Thiên Giả Sử, chư Thiên Thiện Hiện, chư Thiên Cứu Cánh, cõi Tịnh Cư có bốn trời, đó là chư Thiên Phụng Hành Quyết Liễu Nhứt Xứ Cứu Cánh, chư Thiên Chơn Cứu Cánh, chư Thiên Vô Sân Khuể và chư Thiên Bất Thân Cận.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Chư Thiên ấy lập thệ chí thành lợi ích chúng sanh như vậy.
Chư quỷ thần Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, và quỷ thần Trì Hoa, những ngôn từ tuyên dạy của họ đều riêng khác nhau.
Những đại quốc ở Diêm Phù Đề nầy có một ngàn, mỗi đại quốc đều riêng có đại quân, tất cả loài người và các hàng phi nhơn, ngôn ngữ của họ đều khác nhau, âm thanh chẳng đồng, lời có khinh trọng ; nhẫn đến trong biển các loài thủy tộc và chư thủy thần, ngôn ngữ đều khác nhau, chi tháo của họ chẳng đồng, âm thanh cũng sai khác.
Đức Như Lai chí chơn tùy theo ngôn ngữ âm thanh của họ mà nhập vào trong ấy rồi khai thị giáo hóa họ, xây dựng họ nơi chánh chơn.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Cõi Đại Thiên nầy có tám mươi bốn ức trăm ngàn triệu loài chúng sanh. Ngôn ngữ của họ đều khác nhau. Tính kể tất cả đều quy về một nghĩa, trí huệ chí chơn, chí thành không phẫn nộ.
Đây là ngôn từ bí yếu của đức Như Lai.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Ngôn từ của đức Như Lai giaỉ quyết lưới nghi của tất cả chúng sanh làm cho họ không còn kiết sử.
Tất cả chúng sanh mười phương, chủng loại nhiều hơn đất đại địa, gây nghiệp riêng khác, đức Như Lai đều làm cho hết tội đến được thân loài người. Do thân người từ tư tưởng phát sanh trí huệ biện tài dũng mãnh như Ngài Xá Lợi Phất.
Ngôn từ của đức Như Lai chẳng thể hạn lượng được, không gì ví dụ được”.
Lúc nói ngôn từ bí yếu của đức Như Lai, có hai vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Tất cả chúng hội được chưa từng có, tất cả đều vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ tin thọ.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ lại nói với Tịch Ý Bồ Tát rằng : “Thế nào là tâm bí yếu của đức Như Lai ?
Tâm Như Lai thanh tịnh. Do đâu mà biết như vậy ?
Tất cả chư Thiên sanh ra do một thức huệ mà sống tám muôn bốn ngàn kiếp. Lại thần thức của chư Thiên chẳng cải biến làm thức khác, nhẫn đến tâm được định lại được thọ mạng nữa. Từ thân đó chết mất, nhơn nơi hành nghiệp của họ thọ sanh thân khác.
Như vậy, thưa Ngài Tịch Ý ! Đức Như Lai từ lúc mới thành Phật đạo đến ngày diệt độ, khoảng thời gian ấy, đức Như Lai không nghi, cũng không xoay chuyển lại, tâm không suy nghĩ, không duyên đi, tâm không có chẳng vững chắc, tâm không hiệp nơi đâu, tâm không tán, không loạn, không dời, không đi, không gìn, không lặng, không lỗi thời, không mê, không cầu lý, không tối, không sanh, không mừng, không khiếp, không dừng, không qua, không tưởng, không trông, không cầu tưởng, không tiêu diệt, tâm không xem, không biết, không chỗ trụ, tâm không xem tâm kẻ khác, mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, lưỡi không nếm, thân không chạm, tâm không tưởng niệm, ý chẳng dựa nơi sắc thanh hương vị xúc đẹp tốt thơm ngon mịn trơn, tâm chẳng nương theo pháp, tâm không chỗ vui, tâm chẳng phải chẳng vui, tâm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, tâm chẳng vào nơi pháp, tâm chẳng vượt trí huệ, tâm chẳng xem quá khứ, chẳng xem tương lai, chẳng xem hiện tại. Tâm của Như Lai là tâm thánh thanh tịnh vòi vọi. Tâm Như Lai chẳng tạo nghiệp tội phước. Với tất cả pháp, trí huệ không chướng ngại mà thị hiện khắp. Tâm Phật thanh tịnh chẳng thấy tâm kẻ khác chẳng thanh tịnh. Chỗ được thấy ấy cũng không chỗ xem. Nếu là chỗ xem cũng không có vọng tưởng, không phóng dật, thấy chỗ được nhìn xem cũng không chạy theo, xem có được thấy trọn không có chỗ thấy.
Chỗ thấy của đức Như Lai, chẳng phải nhục nhãn thấy, chẳng phải thiên nhãn thấy, chẳng phải huệ nhãn thấy, chẳng phải pháp nhãn thấy, chẳng phải Phật nhãn thấy, chẳng khiến thiên nhĩ nghe, chẳng khiến xem tâm kẻ khác, chẳng tạp niệm nhớ biết sự quá khứ, chẳng nương thần thông mà làm biến hóa, chẳng nương sở hữu.
Các phiền não đã hết, với tất cả pháp đều không hội hiệp, không chỗ chướng ngại, không cát tường, không các nghiệp, vĩnh viễn không phan duyên.
Trí huệ Như Lai chiếu sáng mà dường như không có, đều biết rõ tất cả tâm hành của chúng sanh, mười thứ trí lực, bốn món huệ vô úy, mười tám pháp bất cộng, đây cũng như vậy tiến thối không có làm, xả bỏ tâm ý thức, không xa rời Như Lai tam muội chánh định, làm tất cả Phật sự đều không chấp trước dường như hư không.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Đức Như Lai chí chơn hóa làm tượng Như Lai. Hóa Như Lai ấy không có tâm ý thức thân khẩu ý nghiệp, hành động thị hiện đều chí chơn, tùy thời có thể làm Phật sự. Hóa Như Lai không có suy tưởng, cũng không cầu nhớ.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Đạo tâm cũng vậy, như Hóa Như Lai không khác. Hóa ấy chỗ tưởng niệm không tưởng niệm, không thân khẩu ý, nhơn duyên tiến thối, mắt nhìn thấy đó đều làm Phật sự, cũng không chỗ có.
Gọi là biến hóa ấy thì đều không chỗ làm, các pháp như biến hóa.
Đức Như Lai biết được như biến hóa mà thành bực tối chánh giác. Đã thành bực chánh giác rồi, trí huệ của đức Như Lai chẳng dừng ở năm ấm, mười hai nhập, cũng không mười tám giới, chẳng dừng ở trong ở ngoài, không thiện không bất thiện, không hiện thế, không độ thế, không có phiền não, không có chẳng phiền não, không chán trần lao tranh cải, chẳng ở vô vi, có số không có số, không có ba thuở quá khứ, vị lai, hiên tại, xoay quanh qua lại chẳng ở hữu vi có chỗ quan sát, chẳng ở vô vi. Trí huệ Như Lai không có chỗ dừng ở như vậy.
Đức Như Lai chí chơn đối với chí tánh của tất cả chúng sanh hiển hiện trí huệ nhơn từ, không có tổn hại mà cứu tế nguy ách.
Ngài Tịch Ý phải biết, đức Như Lai bí yếu nếu có chỗ vào ban tuyên giáo hóa không đâu chẳng khắp thấu.
Lại bí yếu của đức Như Lai không có hạn lượng, tuyên giáo bí mật không thể cùng tận”.
Lúc Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói phẩm Như Lai bí yếu, vô lượng số thế giới rung động sáu cách, ánh sáng lớn chiếu đến mười phương thấy mười phương vô lượng cõi Phật. Trời mưa các thứ hoa, các nhạc khí chẳng đánh tự kêu. Vô lượng số người phát tâm Vô thượng Bồ đề. Vô số Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Vô hạn người được nhu thuận pháp nhẫn. Vô số Bồ Tát được nhứt sanh bổ xứ.
Chư Bồ Tát ấy vì cúng dường pháp nên đồng tung hoa dâng Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ.
Hoa được tung lên ấy hóa thành lọng hoa. Thừa oai thần của đức Phật, bay vòng quanh đức Phật và Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ ba vòng, che khắp chúng hội.
Các lọng hoa báu ấy lại dừng ở hư không ngay trên đức Phật.
Từ các báu ấy vang ra âm thanh vô tỉ rằng :
Kính thưa đức Thế Tôn ! Chư Bồ Tát ở hiền kiếp sai chúng tôi đến cúng dường Đại Thánh và Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, dâng pháp cúng dường đã ban tuyên chỗ nói bí yếu chẳng thể nghĩ bàn của đức Như Lai chí chơn. Đều là oai thần của đức Như Lai làm ra cả vậy.
Lúc ấy cả chúng hội nghe những lời trên đều rất vui mừng vòng tay đảnh lễ Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ rồi cung kính nói rằng : “Bạch đức Thế Tôn ! Chúng tôi được lợi lành, được rất vui mừng thấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, được nghe ngôn giáo bí yếu chẳng thể nghĩ bàn của đức Như Lai.
Nếu có chúng sanh nghe yếu nghĩa của kinh điển nầy mà tin ưa, bởi gần đạo nghiệp nên chẳng hồ nghi, chưa từng do dự vào lời huấn thị của đức Như Lai. Phải xem những người ấy là chẳng thối chuyển, sẽ đến đạo Vô thượng chánh chơn”.
Lúc ấy đức Phật khen Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ : “Lành thay, lành thay ! Giỏi nói những lời ấy”.
Đức Phật lại bảo Ngài Tịch Ý Bồ Tát : “Công huân của Như Lai rất lạ chí chơn đủ bốn huệ vô sở úy, đúng như Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đã ca ngợi.
Ai được nghe pháp nầy chẳng kinh chẳng sợ, hiểu được ý nghĩa, nếu có thể thọ trì học tập đọc tụng, vì người rộng giảng thuyết, thì chẳng lâu sẽ được thọ ký Vô thượng Bồ đề”.
Bấy giờ nơi đất ở giữa chúng hội đạo tràng ấy, trước mặt đức Thế Tôn liền nứt ra sâu sáu mươi tám trăm ngàn do tuần, tự nhiên có vòi nước to bằng vành xe phun cao lên hư không đến trời Phạm Thiên rưới khắp cõi Đại Thiên.
Đức Phật bảo Ngài Tịch Ý Bồ Tát : “Ông có thấy vòi nước lớn phun lên hư không rưới khắp cõi Đại Thiên chăng ?
- Bạch đức Thế Tôn ! Tôi đã thấy. Xin đấng trời trong trời thương xót dạy cho biết là điềm lành gì ?
- Nầy Tịch Ý ! Ông nên biết vòi nước ấy, đất không có tư tưởng, không có ý nứt rã, nước tự nhiên phun lên.
Các vị pháp sư cũng vậy. Nếu thọ trì kinh pháp nầy, phụng hành đúng theo đây, thì đều sẽ làm nứt rã sáu mươi hai thứ tà kiến, sẽ được trí huệ biện tài.
Các vị chánh sĩ ấy vì chúng sanh mà giỏi nói chánh pháp, làm vui đẹp lòng đại chúng.
Lại nầy Tịch Ý ! Người biết kinh điển như vầy đều thoát khỏi nạn tam đồ các ác đạo”.
Lúc ấy Ngài Xá Lợi Phất tiến lên bạch rằng : “Bạch đức Thế Tôn ! Nay các chúng Bồ Tát trong Hiền Kiếp ở tại thế giới chư Phật mười phương thanh tịnh tu phạm hạnh, sau khi chư Bồ Tát ấy thành Phật, có phải vị Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nầy sẽ đều tay cầm kim cang xử hầu hạ phía sau chăng ?”.
Đức Phật nói : “Thôi đi. Nầy Xá Lợi Phất ! Việc ấy chẵng thể nghĩ bàn được. Chư Thiên và người đời nghe được lời ấy hoặc sẽ mê lầm việc làm của Bồ Tát, hoặc có thể chẳng tin”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa : “Bạch đức Thế Tôn ! Nếu người hữu học gieo trồng những gốc lành sẽ tin ưa đó. Chúng tôi đều sẽ lãnh thọ lời giảng dạy của đức Như Lai”.
Đức Phật phán : “Nầy Xá Lợi Phất ! Chừng ông có thấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đứng hầu phía sau đúc Phật chăng ?”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa : “Vâng ! Tôi đã thấy”.
Đức Phật dạy : “Đó là do thần thông lực bổn nguyện nên ông ấy đứng hầu như vậy.
Các chúng Bồ Tát trong Hiền Kiếp thành Phật, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ thường sẽ đứng hầu cũng như đứng hầu ta vậy. Đó là do thệ nguyện từ trước nên ông ấy có sức thần thông tự tại như ấy.
Nầy Xá Lợi Phất ! Giả sử tất cả chúng sanh trong cõi Đại Thiên tương lai thành Phật, đều sẽ cần hầu hạ, lúc được thành Phật ông ấy cũng cầm kim cang xử, tự mình thị hiện đều đứng hầu phía sau.
Dầu biến hóa như vậy, nhưng oai đức thần thông của Chánh Sĩ ấy chưa có tổn hao.
Nầy Xá Lợi Phất ! Ông có thấy nay Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ thường đứng hầu phía sau Di Lặc Bồ Tát chăng ?”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa : “Bạch đức Thế Tôn ! Tôi đã thấy. Nhờ thánh chỉ của đức Phật mà tôi được nghe việc từ nào tới giờ chưa được nghe”.
Đức Phật nói : “Nầy Xá Lợi Phất ! Ông ấy thường hầu Di Lặc Bồ Tát mà các ông chẳng thấy thôi.
Chư Bồ Tát ở phương khác đến cùng Đế Thích, Phạm Thiên và Tứ Thiên Vương thấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đứng hầu phía sau Di Lặc Bồ Tát và hầu chư Bồ Tát ở Hiền Kiếp.
Di Lặc Bồ Tát và chư Bồ Tát trong Hiền Kiếp hóa làm ức trăm ngàn triệu chúng Bồ Tát khai thị cứu độ chúng sanh. Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đều đứng hầu phía sau các Hóa Bồ Tát ấy.
Chánh Sĩ Mật Tích nầy có oai đức chẳng thể nghĩ bàn, thần thông biến hóa vòi vọi dường ấy, lục thông trí huệ chẳng có hạn lượng”.
Lúc ấy Ngài Tịch Ý Bồ Tát nói với Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ rằng : “Có thể nào Ngài vui lòng nói cho biết đức Như Lai cần tu khổ hạnh, trang nghiêm đạo thọ hàng phục quân ma mà chuyển pháp luân gầy dựng thánh đế”.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói : “Thưa Ngài Tịch Ý ! Công đức của Như Lai chẳng thể hạn lượng. Giả sử sống lâu một kiếp nói công đức ấy cũng không thể nói hết.
Nay tôi thừa oai thần của đức Phật mà nói sơ lược những điều cốt yếu.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Chỗ làm của Bồ Tát chẳng vì một sự viẹâc mà cần tu khổ hạnh.
Vì muốn cứu tế hàng dị học ngoại tà, từ nơi thân hành tùy nghi hiển thị oai nghi, nhơn đó mà hóa độ được những chúng sanh tà kiến ngoại học.
Bồ Tát hiện thân tối thắng tôn quý đệ nhứt, siêng làm khổ hạnh không ai bằng được, thị hiện oai nghi lễ tiết mà tất cả hàng ngoại học tà dị không theo kịp được. Với hàng tà ngoại ấy, Bồ Tát ở một chương cú giảng giải vô lượng nghĩa. Hoặc hiện lên phương trên, hoặc hiện đi quanh qua lại mặt trời mặt trăng, hoặc hiện thần thông bay đến chỗ ở ẩn của các Tiên Nhơn, hoặc hiện làm Quốc Sư Cư Sĩ, hoặc hiện làm Thánh Đế, Tứ Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc hiện thân khổ hạnh nằm trên gai góc, hoặc hiện nằm trên cỏ, trên trấu, trên đất, hoặc hiện chỗ nằm đáng sợ, không đáng sợ, hoặc hiện ăn trái, mặc áo rách, hoặc nằm trên nước lầy, hoặc hiện mặc áo đỏ, hoặc hiện cùng ở cùng đi với nhóm lõa thể, hoặc hiện ăn cực, ăn đậu, ăn mè, ăn củ cải, ăn khoai, ăn rau, ăn gai, ăn lá bông trái, ăn táo, hoặc ngày ăn một lần, hoặc ăn hai lần, hoặc hiện thường ăn, hoặc hiện bảy ngày ăn một lần, hoặc mười lăm ngày ăn một lần, hoặc một tháng ăn một lần, hoặc ăn một giọt bơ, một giọt dầu, một giọt mật, hoặc uống một giọt nước, một giọt sữa, hoặc hiện chẳng ăn, hoặc hiện thường đứng, hoặc hiện thường ngồi, hoặc hiện nhiều cử chỉ khác không thể kể hết.
Đây là những khổ hạnh mà Bồ Tát thị hiện.
Bồ Tát hiện làm khổ hạnh đủ sáu năm, chẳng phải chỉ một hạnh khổ, mà thị hiện đầy đủ ngần ấy thứ, lại còn siêng tu tinh tiến vượt hơn cả khổ hạnh ấy.
Các chúng sanh chẳng thấy hết được oai nghi cử chỉ của đức Như Lai, cũng chẵng biết được hành vi của Bồ Tát.
Nếu có chúng sanh có thể hành đạo đáng được hóa độ mới có thể thấy được oai nghi cử chỉ của Bồ Tát.
Bồ Tát hành động không có hư luống.
Đây là Bồ Tát siêng tu đầy đủ khổ hạnh khai hóa sáu mươi triệu người, ba trăm vạn chư Thiên và nhơn dân đều được nhập đạo.
Lúc ấy Bồ Tát hành sự vi diệu, ngồi đài cao lầu báu mà thị hiện sanh. Không có các hoạn nạn trọn được an ổn, thường ở trong tam muội chánh định, mà trái lại thị hiện khổ hạnh sáu năm. Rồi lại thấy Bồ Tát đứng dậy đi.
Lúc ấy chư Thiên cầu pháp lạc chẳng mến thế tục, ở bên Bồ Tát chẳng mong gì khác chỉ mong được nghe pháp Đại thừa.
Lúc ấy có Bồ Tát tên là Pháp Chủng ưa thích Đại thừa nhập vào đại bi.
Lại có pháp điển tên là nhập bất khả tư nghị pháp môn, lại gọi là phổ nhiếp, hàng phục các tà tất cả chúng ma, vào trong khổ nạn trọn được an lành.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Bồ Tát siêng tu khổ hạnh đủ sáu năm rồi thị hiện oai nghi tinh tiến. Bồ Tát rời chỗ ngồi đi đến bên bờ sông Ni Liên Thiền.
Vì thuận theo thế gian nên Bồ Tát cố ý đến sông Ni Liên Thiền tắm rửa sạch sẽ rồi rời sông đến đứng một mình ở chỗ khác.
Bấy giờ có nàng Di Ca tên là Thiẹân Aám vắt sữa ngàn con bò cho trăm con bò uống. Vắt sữa trăm con bò nầy cho mười con bò uống. Vắt sữa mười con bò nầy cho một con bò uống. Nàng vắt lấy sữa con bò sau cùng nầy để nấu cháo sữa. Cháo sữa ấy sôi bắn lên cao vài mười trượng. Nàng Di Ca lấy làm lạ. Có vị phạm chí bàn rằng : người sắp thành Phật mới đáng ăn cháo sữa nầy.
Nàng Di Ca mang cháo sữa đến chỗ Bồ Tát.
Cũng có sáu vạn chư Thiên, Long Thần, Càn Thát Bà v.v... đều mang thức ăn kỳ dị ngọt ngon đồng đến chỗ Bồ Tát.
Tất cả đại chúng đều thưa bạch Bồ Tát :
Xin Ngài xót thương nhận đồ cúng dường.
Lúc ấy Bồ Tát nhận cháo sữa của nàng Di Ca Thiện Ấm rồi ăn. Bồ Tát cũng nhận lấy thức ăn của sáu vạn chúng chư Thiên, chư Thần và đều thị hiện ăn.
Những người dâng cúng thức ăn lên Bồ Tát, đều tự thấy Bồ Tát chỉ riêng nhận ăn đồ cúng dường của mình mà không thấy nhận của người khác.
Mỗi mỗi người đều tự nghĩ rằng Bồ Tát riêng nghĩ tưởng nhận ăn đồ của tôi dâng cúng, Ngài sẽ thành tựu Vô thượng Bồ đề, thành bực Đẳng Chánh Giác. Họ đều rất vui mừng và đều phát đạo tâm, được bất thối chuyển.
Đây gọi là nhận lấy thức ăn dâng cúng. Vì khai hóa chúng sanh nên thị hiện sáu năm siêng tu khổ hạnh.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Đó là Bồ Tát tùy theo thế tục nhận đồ cúng dường mà ăn khiến thân thể khí lực đầy đủ an hòa rồi đi đến dưới cây.
Có địa thần tên Thiện Địa Thiên Tử bảo chư Thiên Tử khác và chư Địa Hành Thiên Thần giữ đất chẳng cho rúng động.
Sau khi đến dưới cây, Bồ Tát dọn dẹp sạch sẽ.
Cõi Đại Thiên lúc ấy bỗng nhiên thanh tịnh, rưới hoa, thiêu hương, nước thơm tưới đất.
Trời Ca Lưu Tích cầm hoa rời thiên cung ở trong hư không thấy Bồ Tát thì vui mừng mưa các thứ hoa.
Bốn vị Thiên Vương cùng quyến thuộc bay đến bốn phương dùng màng lưới vàng tử kim che khắp cõi Đại Thiên để cúng dường.
Trong cõi Đại Thiên, chư Thiên Vương cùng chư Thiên quyến thuộc trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại giăng màn báu cùng chơn châu minh châu cúng dường.
Chư Thiên, Long Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẳn Na La, Ma Hầu La già đều dùng thần thông sửa sang trang nghiêm tất cả cõi dục.
Lúc ấy có vị Đại Phạm Thiên Vương tên là Oai Thần Tự Tại, là chủ cõi Đại Thiên qua đến Bồ đề thọ. Đại Phạm Thiên Vương ấy bảo chư Phạm Thiên rằng các Ngài phải biết Bồ Tát Đại Sĩ đây ở chỗ chư Phật quá khứ tu hành chánh hạnh, trồng các cội công đức, đảnh lễ quy mạng vô số chư Phật, nguyện lớn chí ý vững mạnh, đầy đủ Bồ Tát hạnh, phụng tu các ba la mật, vào hết căn tánh của tất cả chúng sanh, thông đạt tất cả bí yếu của Như Lai, kiến lập đạo pháp Vô thượng, là đại đạo sư cứu tế chúng sanh ban tuyên kinh điển, là đại y vương chữa lành bịnh chúng sanh, đội mão giải thoát làm đại pháp vương trí huệ sáng suốt diễn thánh đế Vô thượng, chẳng bị tám pháp thế tục câu phược, như hoa sen chẳng vấy bùn, nắm giữ các pháp chẳng sót quên như sông biển, trí chẳng hạn lượng như núi Tu Di chẳng động lay, rửa sạch tâm mình như nước rửa bụi. Không hề tự cao đại mà thường khiêm hạ, như châu minh nguyệt trừ tối và các thứ nhơ trược, với tất cả pháp được tự tại, chứa các cội công đức, dường như Phạm Thiên là đệ nhứt trên trời, Ngài đến dưới cây hàng phục quân ma, sẽ được đạo Vô thượng chánh chơn thành bực tối chánh giác, đầy đủ mười thứ trí lực của chư Phật, bốn vô sở úy, mười sáu pháp bất cộng, chuyển đại pháp luân, làm sư tử hống sung mãn tất cả, ban pháp thí đượm nhuần muốn làm thanh tịnh đạo nhãn cho tất cả chúng sanh, nhiếp lấy các pháp, dẹp trừ chín mươi sáu thứ ngoại tà, bổn nguyện đầy đủ, thấyrõ cảnh giới chư Phật mười phương, Đại Thánh oai đức tự tại.
Chư Phạm Thiên các Ngài phải khiêm hạ cung kính Bồ Tát.
Lúc ấy Đại Phạm Thiên Vương ở trước chúng Phạm Thiên nói kệ rằng :
Hạnh chơn chánh thanh tịnh
Quyết pháp diệu vô thượng
Thương xót nơi thế gian
Cũng thương đến chư Thiên
Đấng trời trong các trời
Tôn quý trong trời người
Bực Đại Thánh nay ở
Dưới cội cây Bồ đề
Sẽ hàng phục ma vương
Cùng các quyến thuộc ma
Được Vô thượng Chánh giác
Thành nhứt thiết chủng trí
Đã đầy đủ tối chánh giác
Lại chuyển chánh pháp luân
Như đại sư tử hống
Vui đẹp lòng chúng sanh”.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Ngài Tịch Ý rằng : “Lúc Bồ Tát sắp đến ngồi dưới cội cây, từ lòng bàn chưn nơi tướng thiên bức luân phóng ra ánh sáng chiếu khắp cả cõi Đại Thiên. Tất cả chúng sanh nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ngừng dứt sự khổ não.
Aùnh sáng ấy chiếu đến địa ngục Hắc Nhĩ. Được ánh sáng của Bồ Tát chiếu đến, chúng sanh ở đại địa ngục Hắc Nhĩ vui mừng hớn hở, Vua và cung thuộc nơi ấy đều cầm hoa hương, phan lọng, kỹ nhạc bay lên hư không hóa làm mây báu mưa châu minh nguyệt, hương chiên đàn, rồi thừa thần thông biến hóa đến chỗ Bồ Tát cúi đầu đảnh lễ đi quanh bên hữu ba vòng, đồng đem đồ cúng dường dâng lên Bồ Tát.
Ánh sáng của Bồ Tát chiếu đến chỗ ở của Ca Lân Long Vương. Long Vương mừng rỡ rời cung điện đến dưới cây Bồ đề đứng bên mé hữu của Bồ Tát.
Bấy giờ có một người tên là Kiết An ở xa thấy Bồ Tát, liền tìm cỏ tốt thơm tho mềm nhuyễn như thiên y cầm đến dâng cho Bồ Tát, cúi đầu đảnh lễ đi vòng bên hữu bảy vòng. Kiết An đem cỏ dâng cho Bồ Tát sẽ phát tâm Vô thượng Bồ đề. Tại sao vậy ? Vì bổn nguyện của ông ấy khiến được như vậy.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Tôi nhớ thuở quá khứ trải qua chín mươi mốt kiếp, lúc đức Phật Duy Vệ xuất thế đủ mười đức hiệu, có ngàn vị Tỳ Kheo tu hạnh thanh tịnh được Phật Duy Vệ thọ ký sẽ thành bực tối chánh giác ở Hiền Kiếp.
Trong pháp hội ấy có ông Trưởng Giả tên Hữu Chí nghe sự thọ ký ấy mới tự nghĩ rằng, ở Hiền Kiếp lúc chư Bồ Tát sắp thành Phật, tôi sẽ cúng dường cỏ tốt để trải tòa sư tử trang nghiêm thanh tịnh an hòa nhu nhuyến. Nhơn đó tôi được phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Trưởng Giả Hữu Chí thuở trước đó, nay là ông Kiết An vậy. Vì bổn nguyện mà ông ấy dâng cỏ tốt và phát đạo tâm. Sau nầy ông ấy thành Phật hiệu là Bửu Tịnh Sư Tử Như Lai chí chơn.
Lúc Bồ Tát nhận lấy cỏ trải dưới cội cây Bồ đề, Thọ Thần và một vạn Thiên Nữ đều đem những túi đựng hoa trời, hương trời, cùng phan lọng đến lễ lạy cúng dường nghinh tiếp Bồ Tát.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Lúc Bồ Tát trải tòa vừa xong, liền có tám vạn bốn ngàn Thiên Tử thấy Bồ Tát trải chỗ ngồi, trong lòng vui mừng trần thiết tám vạn bốn ngàn tòa sư tử. Các tòa sư tử ấy rất trang nghiêm tốt đẹp cao lớn, do các châu báu hiệp thành, trên tòa trải thiên y. Chư Thiên Tử đồng thỉnh Bồ Tát ngồi lên tòa sư tử của mình trần thiết.
Lúc ấy Bồ Tát tự biến thân mình đều ngồi cả trên tám vạn bốn ngàn tòa sư tử ấy.
Chư Thiên Tử chẳng thấy nhau, chẳng biết nhau, chỉ tự thấy biết là Bồ Tát ngồi lên tòa sư tử của mình để thành tối chánh giác, nên họ rất vui mừng phát tâm Vô thượng Bồ đề đến bậc bất thối chuyễn.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Lúc bấy giờ Bồ Tát dùng oai thần làm cho Ma Vương hay biết.
Ma Vương liền cùng quyến thuộc vô số ức trăm ngàn triệu quỷ thần đều mặc giáp cầm vũ khí hiển thần thông thế lực đến chỗ Bồ Tát bao vây khắp ba trăm ba mươi sáu vạn dặm.
Ma Vương Ba Tuần cùng quyến thuộc quỷ thần ấy, dung mạo của họ đều khác nhau, đầu mặt chẳng đồng, tiếng kêu nói của họ đều sai khác, họ hiện chẳng biết bao nhiêu là hình tượng, binh khí nghiêm chỉnh, cảnh huống rất đáng sợ. Họ chẳng thuận nhơn nghĩa, làm chuyện rất quấy, chẳng theo đạo đức, chuyên việc tàn bạo, gầm thét kêu la vang động cả ba cõi. Giả sử người phàm chưa ly dục mà nghe âm thanh ấy, thì máu sẽ theo mũi miệng mà trào ra, hoặc kinh sợ mà chết.
Lúc ấy Bồ Tát không chút sợ sệt cũng không e ngại, lại phát lòng từ bi. Những âm thanh hãi hùng ấy tự nhiên tiêu diệt, chẳng rõ về đâu.
Tại sao vậy ?
Vì tâm Bồ Tát thanh tịnh, dầu nghe âm thanh ấy mà thấu rõ, vốn là hư trống, vốn là không có. Thấy ma chúng đến, ánh sáng từ nơi thân Bồ Tát càng chiếu ra rực rỡ. Bồ Tát bảo Ma Vương Ba Tuần rằng :
Thôi đi Ba Tuần, chớ có hiện ra cảnh tượng vô ích ấy. Chớ có sanh lòng sân độc rồi tự chuốc lấy tai họa vào thân mà phải mãi mãi chẳng an.
Hôm nay Ba Tuần sanh tâm muốn hại Bồ Tát, nhưng Bồ Tát có đức từ rộng, có dũng mãnh lón, đại bi vô tận, đại từ vô cực, hàng phục kẻ ác nghịch.
Ba Tuần muốn làm loạn Bồ Tát, nhưng tâm Bồ Tát vốn thanh tịnh, trần lao cấu trược đã tiêu trừ, Ba Tuần chẳng những không hại được Bồ Tát, trái lại làm nên cho Bồ Tát.
Ba Tuần muốn đem lửa đom đóm sánh hơn ánh sáng mặt trời, trùng thú nhỏ làm kinh sợ sư tử, chưn bé gầy đạp ngã cổ thọ to, nước vũng chưn trâu so với biển cả.
Ba Tuần nên bỏ tâm oán hận mê lầm, chuyển quyến thuộc hung tàn thành bạn đạo pháp, bỏ phi pháp về thánh đạo.
Ma Vương Ba Tuần thấy Bồ Tát oai đức vòi vọi, nghe tiếng từ bi, lòng ma vui mừng kính ngưỡng hướng về chánh đạo.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Lúc ấy Bồ Tát tự nghĩ rằng : Từ số kiếp chẳng thể tính kể được, tôi chứa công đức, nhơn hạnh thành tựu, đời đời phụng pháp tu hành, vì thương tưởng chúng sanh bị tai khổ trong ba cõi mà tu tập trí huệ nhơn từ, ai dám hủy hoại được, chỉ có đại địa chứng minh.
Từ trong y ca sa, Bồ Tát thò tay sắc vàng tử kim rờ khắp thân mình. Chẳng bỏ đại bi, muốn cứu độ chúng sanh, Bồ Tát cất tay hữu lên hướng về mười phương.
Liền đó toàn cõi Đại Thiên chấn động sáu cách, có âm thanh tự nhiên phát ra. Âm thanh tự nhiên ấy vang suốt đến các cõi Phật mười phương.
Ma Vương Ba Tuần cùng ma quyến thuộc ở trên hư không, nghe âm thanh ấy đều tự trách mình sái quấy mà ưa thích pháp lành.
Lúc ấy Bồ Tát ban bố vô úy đại bi thương xót. Ma và quỷ thần hướng đến Bồ Tát, tự nhiên từ hư không rơi xuống, tâm họ quy y phát tâm ủng hộ rồi ẩn mất không còn.
Đó là Bồ Tát thương xót chúng ma quỷ thần mà phóng đại quang minh. Họ đều được rời khỏi bố úy mà đều trở về thiên cung.
Lúc Bồ Tát thị hiện hàng phục Ma Vương và ma quyến thuộc, có tám ngàn ức triệu quỷ thần phát tâm Vô thượng Bồ đề, chín mươi hai ức tải người được bất thối chuyển, tám muôn bốn ngàn Thiên Tử vì đã trồng cội công đức nên được vô sanh pháp nhẫn.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Hiện tượng hàng phục chúng ma ấy, vô số trời người được lợi lành lớn. Dầu vậy, nhưng tâm Bồ Tát không có phân biệt, cũng không có nạn ma, vì đã bỏ hẳn các tội hại. Chư Thiên và thế gian tùy theo căn lành của chính mình, đều được thấy Bồ Tát.
Hoặc có người thấy Bồ Tát ngồi trên tòa sư tử bửu liên hoa, hoặc thấy ở dưới đất, hoặc thấy ở hư không, hoặc thấy ở dưới cội cây, hoặc thấy ở cung trời Đao Lợi ngồi dưới cây báu, hoặc thấy ngồi trên tòa sư tử cao bảy nhẫn, hoặc thấy ngồi trên tòa sư tử cao mười dặm, hoặc hai mươi dặm, hoặc bốn mươi dặm, hoặc có chư Thiên nhơn thấy Bồ Tát ngồi trên tòa sư tử cao bốn vạn hai ngàn do tuần dưới cội cây Bồ đề cao tám vạn bốn ngàn do tuần.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Cảnh giới của Bồ Tát chẳng có hạn lượng, chẳng thể nghĩ bàn, vì thế nên đạo tràng rất là thù đặc. Nếu có chúng sanh nào căn tánh thuần thục thì được thấy công hạnh của Bồ Tát, còn người căn tánh loạn động thì chẳng hay chẳng biết.
Bồ Tát lúc vừa mới thành tựu viên mãn Phật đạo, bảy ngày đêm an trụ trong pháp lạc nhìn cây Bồ đề mắt chẳng nháy.
Bấy giờ có trăm ngàn ức chư Thiên đến ca ngợi cúng dường, đặt bàn ngọc, dâng thức ăn, thấy đức Như Lai đã thành Phật đạo, đều phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Tứ đại Thiên Vương đều cầm bát đến dâng lên đức Như Lai.
Như thế giới Đại Thiên nầy có trăm ức phương vực, mỗi phương vực có tứ đại Thiên Vương. Tất cả trăm ức tứ đại Thiên Vương đều cầm bát đến dâng lên, đức Như Lai đều nhận lấy cả.
Do oai thần của đức Như Lai làm cho chư vị đại Thiên Vương đều chẳng thấy nhau, đều tự nghĩ rằng đức Phật nhận lấy bát của mình sẽ dùng đựng thức ăn. Do đó đại Thiên Vương trong tâm vui mừng đều phát tâm Vô thượng Bồ đề, đến chẳng thối chuyển.
Trưởng Giả Đề Vị Ba Lợi cùng năm trăm thương gia ngồi xe đi ngang qua đạo tràng.
Đức Phật muốn độ họ nên thị hiện oai thần, ngựa xe của đoàn thương gia ấy tự nhiên đứng dừng lại không tiến lên được.
Trưởng Giả cùng các thương gia đều lấy làm lạ chẳng rõ cớ.
Chư Thiên ở hư không bảo họ rằng : Đức Phật đã xuất hiện thế gian, các ngươi nên đến cúng dường.
Nghe tiếng chỉ bảo trên hư không, Trưởng Giả và đoàn thương gia mừng rỡ, đều mang mật búng đề hồ đến dâng lên đức Phật.
Đồng thời tám mươi bốn ngàn chư Thiên cũng dâng thức ăn lên đức Phật
Đức Phật đều nhận lãnh.
Những người và chư Thiên ấy, đời trước đã từng phát nguyện, lúc đức Như Lai thành đạo, tôi sẽ là người dâng cúng thức ăn đầu tiên.
Muốn cho họ toại bổn nguyện, nên oai thần của đức Phật làm cho họ chẳng thấy nhau, chẳng biết nhau, mỗi người đều tự thấy chỉ có riêng mình cúng dường, do đó họ đều rất vui mừng được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề”.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Ngài Tịch Ý Bồ Tát : “Bồ Tát đến dưới cội Bồ đề để thành Phật đạo. Đức Như Lai chí chơn chưa chuyển pháp luân khai đạo chúng sanh, mà đã hóa độ vô lượng chúng sanh nhiều hơn số chúng sanh được tế độ từ lúc sơ phát đạo tâm khi ngồi dưới cội Bồ đề.
Đức Như Lai chí chơn vừa thành Phật đạo, bấy giờ Diệu Thức Phạm Thiên Vương cùng sáu mươi tám vạn ức triệu trăm ngàn chư Phạm Thiên quyến thuộc đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chưn, đi quanh bên hữu bảy vòng, trụ ở trước đức Phật cung kính bạch rằng :
Xin đấng đại bi chuyển pháp luân tuyên bố đạo hóa. Có nhiều chúng sanh đáng được độ nghe đức Phật thuyết pháp có thể hiểu biết vâng làm.
Thưa Ngài Tịch Ý ! Như Diệu Thức Phạm Thiên Vương ân cần khuyến thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân, mười ức Phạm Thiên, mười ức Thiên Đế và mười ức trăm ngàn triệu chư Bồ Tát cũng khuyến thỉnh đức Thế Tôn chuyển pháp luân.
Lúc đức Thế Tôn sắp chuyển pháp luân, Diệu Thức Phạm Thiên Vương đến vườn Lộc Uyển ở Ba La Nại trần thiết tòa sư tử báu đẹp trang nghiêm cao ba ngàn hai trăm tám mươi dặm.
Mười ức Phạm Thiên, mười ức Thiên Đế, mười ức trăm ngàn triệu chư Bồ Tát cũng vì đức Thế Tôn mà trần thiết tòa sư tử cao rộng đều đồng nhau, ai cũng tự nghĩ rằng : đức Như Lai sẽ ngồi trên tòa sư tử của tôi để chuyển pháp luân.
Đức Như Lai đến vườn Lộc Uyển ở Ba La Nại ngồi trên tòa sư tử.
Chư Phạm Thích và Bồ Tát đều tự nghĩ rằng đức Như Lai riêng ngồi trên tòa sư tử của mình.
Lúc đức Như Lai vừa ngồi xong, mười phương vô hạn Phật độ chấn động sáu cách.
Đức Như Lai nhập vô cực giới tam muội.
Tức thời toàn cõi Đại Thiên đều bằng phẳng như bàn tay. Tất cả chúng sanh ở địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, trên trời, trong loài người đều được an ổn, không dâm nộ si, tiêu bịnh tam độc, lòng họ thanh tịnh thương yêu nhau như cha, như mẹ, như con cái, như anh em, chị em.
Vô số chư Bồ Tát từ vô hạn Phật độ ở mười phương đến nghe đức Phật thuyết pháp.
Trong cõi Đại Thiên, vô cực chư Thiên, Long Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhơn, Phi nhơn đồng đến chỗ đức Phật muốn nghe kinh pháp.
Đại chúng đến dự hội đông đầy khắp cả cõi Đại Thiên không còn chỗ nào trống chừng sợi lông sợi tóc. Tất cả thính chúng đều nhứt tâm khát khao đạo pháp.
Đức Thế Tôn thấy đại chúng đã tập họp đông đủ liền chuyển pháp luân. Vì các hàng Sa Môn, Bà La Môn, chư Thiên, Ma Vương, Đại Phạm Thiên Vương và người thế tục mà tuyên bố chánh pháp, tùy thời nghi, theo tâm chúng sanh, đều làm cho họ đều được hiểu biết tỏ ngộ tuân hành đạo pháp :
Nhãn căn vô thường, biết rõ nhãn căn vô thường thì theo luật giáo. Nhãn căn độc khổ, không có ngô ngã, nhãn căn như huyễn, như hóa, như dã mã, như bóng trăng, như mộng, như ảnh, như vang, theo luật giáo nầy mới chịu phụng hành không, vô tướng, vô nguyện. Nhãn căn vốn trống không vắng lặng đạm bạc theo duyên mà khởi.
Nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý căn cũng vậy. Tất cả đều vô thường. Do nghe nói vô thường thì hiểu là khổ, không có vô ngã, vắng lặng đạm bạc, không, vô tướng, vô nguyện. Vì chẳng thấu tỏ nên theo duyên mà khởi.
Ngũ ấm vô thường, dầu nói năm thứ nhưng đều vô thường, nghe nói ngũ ấm vô thường thì hiểu là rỗng không vậy.
Lục trần và tứ đại chủng cũng vậy.
Bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám đạo hạnh. Do được nghe ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà hiểu vô thường, rỗng không, bèn theo luật giáo.
Người thích Thanh Văn thì chẳng ưa Duyên Giác. Người thích Duyên Giác thì chẳng muốn Thanh Văn. Nếu mộ hai thừa thì chẳng nói Đại thừa. Nếu tuyên Đại thừa, được nghe nghĩa thú ấy thì chẳng ham nghe lời nói về Thanh Văn và Duyên Giác .
Thưa Ngài Tịch Ý ! Đức Như Lai tùy theo tâm sở thích của chúng sanh mà chuyển pháp luân đều làm cho họ được độ. Dầu cho trí huệ như Ngài Xá Lợi Phất trải qua trăm ngàn năm suy nghĩ chỗ sở nhập của bổn hạnh đạo nghĩa cũng chẳng lường biết được, huống là người khác.
Lúc nói về Tát Bồ đến ngồi dưới cội Bồ đề, hàng ma thành đạo và chuyển pháp luân, có tám muôn bốn ngàn người trong đại hội phát tâm Vô thượng Bồ đề”.
Lúc bấy giờ, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tiến lên bạch Phật rằng : “Bạch đức Thế Tôn ! Vừa rồi tôi tuyên nói bí yếu của đức Như Lai phải chăng không sai trái hủy báng đức Như Lai.
Bí yếu của đức Như Lai rất là huyền diệu rộng lớn không ngằn mé, thế gian khó tin được.
Dầu nói bí yếu của đức Như Lai mà tâm tôi tự nhớ là trí huệ của đức Như Lai nhập trong thân tôi, chớ chẳng phải là sức của tôi”.
Đức Phật phán : “Đúng như vậy. Như lời của Mật Tích đã nói. Đạo huệ của đức Như Lai nhập vào chỗ nào thì không ai là chẳng được an ổn. Hàng đệ tử Phật ban tuyên kinh điển, đều nương nhờ oai thần của đức Như Lai.
Vì nhập vào thân không pháp đạo huệ huyền diệu của đức Như Lai nên không ai là chẳng thông đạt.
Nếu muốn bảo chúng sanh tự kiến lập Như Lai chánh pháp, tuyên nghĩa thu nhận, thì chưa bao giờ có.
Nay ông suy gẫm chơn đế, nương đạo huệ của đức Như Lai mà được sức vô úy diễn nói pháp ấy. Nói rằng chơn đế chánh là pháp ấy.
Tại sao vậy ?
Chơn đế ấy, là đạo vô thượng chánh chơn mà chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai, chư Phật hiện tại đều tuân hành. Giả sử có ai ban tuyên kinh điển bí yếu nầy đúng pháp không sai thì đều sẽ thành Phật.
Nếu có người nghe nói kinh nầy mà tin ưa, thì được tất cả thế gian đều kính mến tin tưởng.
Giả sử có người dùng đầu hoặc vai mang núi Tu Di đứng giữa hư không, việc nầy còn có thể được.
Người không có đức thì chẳng kham nhiệm được nghe kinh điển nầy.
Hoặc đã được nghe cũng khó tin.
Hoặc đã tin nhưng chẳng thể mến thích.
Huống lại là thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết.
Nếu có người nghe kinh nầy mà tin ưa thọ trì, đọc tụng, vì người khác giảng thuyết, người nầy đời trước đã từng cúng dường vô số ức trăm ngàn triệu tải chư Phật Thế Tôn. Đây là bực chánh sĩ vun trồng cội công đức, chí gìn Đại thừa, quyết định được thọ ký.
Huống là người chí thành hay phụng hành !”.
Lúc ấy Ngài Tịch Ý Bồ Tát tiến lên bạch đức Phật : “Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào là nghĩa vắng lặng đạm bạc ?”.
Đức Phật bảo Ngài Tịch Ý Bồ Tát : “Nầy thiện nam tử ! Nghĩa vắng lặng đạm bạc là tiêu diệt trần lao và đạm bạc những ô nhiễm.
Do tiêu trần lao nên mới gọi là trừ các tham dục vọng tưởng.
Do trừ dục tưởng thì không tư lự. Do không tư lự thì chẳng chấp trước. Do chẳng chấp trước thì không hành nghiệp nhơn duyên. Do không hành nghiệp nhơn duyên thì không vô minh chỗ có ân ái. Do không vô minh chỗ có ân ái thì tiêu ngô ngã. Do tiêu ngô ngã thì không sanh sắc. Do không danh sắc thì tiêu nghiệp chấp đoạn chấp thường. Do không nghiệp đoạn diệt chấp thường thì tiêu tham thân.
Nầy thiện nam tử ! Các nhân duyên quả báo tùy theo các nghiệp chấp kiến điên đảo mà thành trần lao, đều do tham thân mà thành họa hoạn ấy.
Do không tham thân thì bỏ cả sáu mươi hai thứ chấp kiến.
Do không tham thân thì vắng bặt các duyên.
Do không tham thân thì tất cả tham dục tự nhiên đạm bạc.
Do không tham thân thì các hy vọng vắng lặng tiêu diệt.
Ví như nhổ cây thì rễ gốc thân nhánh lá hoa trái đồng thời đều trừ, cây ấy vĩnh viễn không còn có.
Hành giả cũng vậy. Do tiêu tham thân thì không còn có những sáu mươi hai thứ kiến chấp. Do tiêu tham thân nên đều trừ tất cả các pháp sở thọ, họa hoạn trần lao năm ấm sáu nhập. Do không tham thân nên không có các họa hoạn trần lao năm ấm ».
Ngài Tịch Ý thưa : « Bạch đức Thế Tôn ! Vì chẳng dứt trừ tham thân nên có ngô ngã ? ».
Đức Phật dạy : « Nầy thiện nam tử ! Vì còn có ngô ngã nên chẳng dứt trừ tham thân. Vì còn có nhơn, thọ mạng nên chẳng dứt tham trước.
Cái được thấy ấy chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, không có nơi chỗ. Suy tìm tất cả chỗ đều không có cái được thấy. Vì không có cái được thấy nên không có phân biệt. Đây thì gọi là dứt được kiến chấp tham thân, tham thân đều rỗng không.
Do trí nhu thuận pháp nhẫn hay hiểu biết pháp không nên không còn các chấp kiến kia, thân mình không có tưởng đều không có chỗ làm, không có sanh không có khởi. Đây mới gọi là nhu thuận pháp nhẫn chẳng còn các kiến chấp, là dứt tham thân.
Nầy thiện nam tử ! Nếu chẳng tham thân thì giải thoát thân không có thân.
Sao gọi là không có thân ?
Thân do bốn đai chủng hiệp thành vốn không có tên. Do biết như vậy nên hiểu là hư ngụy, nên gọi là chẳng chơn thiệt, là chẳng có được, đều do vọng tưởng mà có.
Nếu không cầu mong, chẳng vọng tưởng, chẳng mê chẳng lầm, chẳng làm chẳng ở, thì không tham sân. Vì không tham sân nên gọi là vắng lặng, là đạm bạc.
Tiêu diệt những gì mà gọi là vắng lặng ?
Tiêu các nhơn duyên là vắng lặng.
Tại sao vậy ?
Vì từ các nhơn duyên ấy mà làm cho tâm hừng hẩy. Do không nhơn duyên thì tâm chẳng hừng hẩy.
Ví như do nhơn duyên hai khúc gỗ cọ nhau nên có lửa hẩy hừng. Không gỗ không lửa thì không hẩy hừng.
Cũng vậy, do duyên đối kia làm cho tâm hừng hẩy. Do không duyên đối thì không hừng hẩy.
Lại nầy thiện nam tử ! Bồ Tát đại sĩ dùng sức phương tiện tùy thời tiêu diệt nhơn duyên mà chẳng tiêu diệt những cội gốc công đức. Chẳng hưng khởi nhơn duyên trần lao. Hưng phát các công hạnh, các ba la mật. Vứt bỏ các sự ma các nghiệp tà mà chẳng bỏ đạo hạnh nghiệp duyên của chư Phật. Bỏ nhơn Niết bàn mà chẳng bỏ ba mươi bảy phẩm đạo nghiệp. Tâm chẳng luyến ưa Thanh Văn, Duyên Giác. Chẳng bỏ đạo tâm trí chơn của Bồ Tát.Vì quán không vô mà khởi đại bi. Xét các nhơn duyên để không duyên theo tướng. Tuyên giảng chí đức, chẳng vì vọng tưởng mà mất đạo tâm. Vì không mong cầu nên nhàm các nhơn đối đãi các nạn trong ba cõi. Chỉ không co sanh duyên mà chẳng bỏ sở sanh. Không ngờ vực, tu các công đức, làm các đạo hạnh.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|