× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Pháp Hoa



4. Phẩm Tín giải 2

     

  1. Ông Trưởng-giả có trí

  2. Lần lần cho ra vào

    Trải qua hai mươi năm

    Coi sóc việc trong nhà,

    Chỉ cho biết vàng, bạc,

    Ngọc trân châu, pha-lê

    Các vật ra hoặc vào

    Đều khiến gã biết rõ.

    Gã vẫn ở ngoài cửa

    Nương náu nơi am tranh

    Tự nghĩ phận nghèo nàn

    Ta không có vật đó.

    Cha biết lòng con mình

    Lần lần đã rộng lớn

    Muốn giao tài vật cho

    Liền nhóm cả thân tộc

    Quốc vương các đại thần

    Hàng sát-lợi, cư-sĩ

    Rồi ở trong chúng này

    Tuyên nói chính con ta

    Bỏ ta đi nước khác

    Trải hơn năm mươi năm,

    Từ gặp con đến nay

    Đã hai mươi năm rồi

    Ngày trước ở thành kia

    Mà mất đứa con này

    Ta đi tìm khắp nơi

    Bèn đến ngụ nơi đây

    Phàm của cải ta có

    Nhà cửa cùng nhân dân

    Thảy đều phó cho nó

    Mặc tình nó tiêu dùng.

    Người con nhớ xưa nghèo

    Chí ý rất kém hèn

    Nay ở nơi cha mình

    Được quá nhiều châu báu

    Và cùng với nhà cửa

    Gồm tất cả tài vật,

    Lòng rất đỗi vui mừng

    Được điều chưa từng có.

     

  3. Đức Phật cũng như thế

  4. Biết con ưa tiểu thừa

    Nên chưa từng nói rằng

    Các ngươi sẽ thành Phật

    Mà chỉ nói chúng con

    Được có đức vô lậu

    Trọn nên quả tiểu thừa

    Hàng Thanh-văn đệ tử

    Đức Phật bảo chúng con

    Nói đạo pháp tối thượng

    Người tu tập pháp này

    Sẽ được thành Phật quả

    Chúng con vâng lời Phật

    Vì các Bồ-Tát lớn

    Dùng các món nhân duyên

    Cùng các món thí dụ

    Bao nhiêu lời lẽ hay

    Để nói đạo vô thượng.

    Các hàng Phật tử thảy

    Từ nơi con nghe pháp

    Ngày đêm thường suy gẫm

    Tinh tấn siêng tu tập.

    Bấy giờ các đức Phật

    Liền thọ ký cho kia:

    Các ông ở đời sau

    Sẽ được thành Phật đạo.

    Pháp mầu rất bí tàng

    Của tất cả các Phật

    Chỉ để vì Bồ-Tát

    Mà dạy việc thật đó,

    Nhưng chẳng vì chúng con

    Nói pháp chân yếu này

    Như gã cùng tử kia

    Được gần bên người cha

    Dầu lãnh biết các vật

    Nhưng lòng chẳng mong cầu,

    Chúng con dầu diễn nói

    Tạng pháp báu của Phật

    Tự mình không chí nguyện

    Cũng lại như thế đó.

     

  5. Chúng con diệt bề trong (18)

  6. Tự cho là đã đủ

    Chỉ xong được việc này

    Lại không biết việc khác.

    Chúng con dầu có nghe

    Pháp tịnh cõi nước Phật

    Cùng giáo hóa chúng sanh

    Đều không lòng ưa vui.

    Như thế là vì sao?

    Vì tất cả các pháp

    Thảy đều là không lặng

    Không sanh cũng không diệt

    Không lớn cũng không nhỏ

    Vô lậu và vô vi,

    Suy nghĩ thế đó rồi

    Chẳng sanh lòng ưa muốn.

    Chúng con đã từ lâu

    Đối với trí huệ Phật

    Không tham không ưa thích

    Không lại có chí nguyện,

    Mà đối với pháp mình

    Cho đó là rốt ráo.

    Chúng con từ lâu nay

    Chuyên tu tập pháp không

    Được thoát khỏi hoạn nạn

    Khổ não của ba cõi

    Trụ trong thân rốt sau

    Hữu dư y Niết-bàn (19)

    Đức Phật dạy bảo ra

    Chứng được đạo chẳng luống

    Thời là đã có thể

    Báo được ơn của Phật.

    Chúng con dầu lại vì

    Các hàng Phật tử thảy

    Tuyên nói pháp Bồ-Tát

    Để cầu chứng Phật đạo

    Mà mình đối pháp đó

    Trọn không lòng ham muốn

    Đấng Đạo-Sư buông bỏ

    Vì xem biết lòng con

    Ban đầu không khuyên gắng

    Nói những lợi có thực

    Như ông Trưởng-giả giàu

    Biết con chí kém hèn

    Bèn dùng sức phương tiện

    Để hoà phục tâm con

    Vậy sau mới giao phó

    Tất cả tài vật báu

    Đức Phật cũng thế đó

    Hiện ra việc ít có

    Biết con ưa tiểu thừa

    Bèn dùng sức phương tiện

    Điều phục tâm của con

    Rồi mới dạy trí lớn.

    Chúng con ngày hôm nay

    Được pháp chưa từng có

    Chẳng phải chỗ trước mong

    Mà nay tự nhiên được

    Như gã cùng tử kia

    Được vô lượng của báu

     

  7. Thế-Tôn! Chúng con nay

    Được đạo và chứng quả

    Ở nơi pháp vô lậu

    Được tuệ nhãn thanh tịnh

    Chúng con từ lâu nay

    Gìn tịnh giới Phật chế

    Mới ở ngày hôm nay

    Được hưởng quả báo đó,

    Trong pháp của Pháp-vương

    Lâu tu-hành phạm hạnh

    Ngày nay được vô lậu

    Quả báo lớn vô thượng

    Chúng con ngày hôm nay

    Mới thật là Thanh-văn

    Đem tiếng đạo của Phật

    Cho tất cả đều nghe

    Chúng con ngày hôm nay

    Thật là A-la-hán

    Ở nơi các thế gian

    Trời, người và ma, phạm,

    Khắp ở trong chúng đó

    Đáng lãnh của cúng dường

    Ơn lớn của Thế-Tôn

    Đem việc ít có này

    Thương xót dạy bảo cho

    Làm lợi ích chúng con

    Trải vô lượng ức kiếp

    Ai có thể đền được.

    Tay lẫn chân cung cấp

    Đầu đảnh lễ cung kính

    Tất cả đều cúng dường

    Đều không thể đền được.

    Hoặc dùng đầu đội Phật

    Hai vai cùng cõng vác

    Trong kiếp số hằng sa

    Tận tâm mà cung kính,

    Lại đem dưng đồ ngon

    Y phục báu vô lượng

    Và các thứ đồ nằm

    Cùng các món thuốc thang

    Gỗ ngưu-đầu chiên-đàn

    Và các vật trân báu

    Để dựng xây tháp miếu

    Y báu lót trên đất

    Như các việc trên đây

    Đem dùng cúng dường Phật

    Trải kiếp số hằng sa

    Cũng không đền đáp được.

    Các Phật thật ít có

    Đấng vô lượng vô biên

    Đến bất-khả tư-nghì

    Đủ sức thần thông lớn,

    Bậc vô lậu vô vi

    Là vua của các Pháp

    Hay vì kẻ hạ liệt

    Nhẫn việc cao thượng đó,

    Hiện lấy tướng phàm phu

    Tùy cơ nghi dạy nói

    Các Phật ở nơi pháp

    Được sức rất tự tại

    Biết các hàng chúng sanh

    Có những điều ưa muốn

    Và chí lực của nó

    Theo sức nó kham nhiệm

    Dùng vô lượng thí dụ

    Mà vì chúng nói pháp

    Tùy theo các chúng sanh

    Trồng căn lành đời trước

    Lại biết đã thành thục

    Hay là chưa thành thục

    Suy lường những điều đó

    Phân biệt biết rõ rồi

    Ở nơi đạo nhất thừa

    Tùy cơ nghi nói ba.

 

KINH DIỆU- PHÁP LIÊN-HOA
QUYỂN THỨ HAI

---o0o---

Bậc thượng căn lãnh ngộ, hàng trung hạ nổi nghi, mở quyền bày thật hội ba thời. Pháp mầu tuyệt sự nói suy, của báu không riêng tư, toàn giao phó cho con nhà.

NAM-MÔ PHÁP-HOA HỘI-THƯỢNG PHẬT BỔ-TÁT. (3 lần)

Đức Như-Lai dụ nói ba cõi làm nhà, ngoài cửa ba cõi bày ba thứ xe, các con đua giành ồn ào, Trưởng-giả mừng khoe, thọ ký quả Phật không sai.

NAM-MÔ VỊ-LAI HOA-QUANG PHẬT. (3 lần)

---o0o---
 

THÍCH NGHĨA

(1 ) LẬU TẬN: Nhiễm tâm phiền-não đã hết sạch, đồng nghĩa với: 'Vô Lậu'.

(2 ) Thân Phật sắc vàng tử-kim đủ 32 tướng tốt.

(3 ) Trí của Phật có 10 lực dụng:

1.Thị-xứ phi-xứ trí-lực

2. Nghiệp trí-lực

3.Thiền-định trí-lực

4.Căn-tính trí-lực

5.Nguyện-dục trí-lực

6. Giới trí-lực

7.Đạo-chí-xử trí-lực

8.Túc-mạng trí-lực

9.Thiên-nhãn trí-lực

10.Lậu-tận trí-lực

(4 ) BẤT CỘNG: Bồ-Tát cùng Thanh-văn Duyên-giác đều không có, riêng Phật là có 18 pháp này.

(5) BỔ-TÁT: 'Bồ-Đề': Giác; 'tát đỏa': Hữu-tình; nói tắt là Bồ-Tát, tức là bậc đã tự hay giác ngộ và có thể cứu độ giác ngộ loài hữu tình.

(6 ) Tức là Bà-la-môn.

(7 ) Tên của Ma-vương ở đầu cõi dục.

(8 ) NGŨ UẨN: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Cũng gọi là ngũ ấm.

(9 ) NGŨ DỤC: 1. Tài (sắc), sắc, danh, thực (sự ăn), thùy (ngủ nghỉ). 2. Sắc, thanh, hương, vị, xúc.

(10) Bốn đức vô-sở-úy của Phật:

1. Nhất-thiết-trí vô-úy

2. Lậu-tận vô-úy

3. Thuyết-đạo vô-úy

4. Thuyết-khổ-tận-đạo vô-úy

(11) NĂM CĂN: Tín căn, tinh-tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

NĂM LỰC: tín lực, tinh tấn lực, niệmlực, định lực, tuệ lực.

BẨY GIÁC CHI: Trạch pháp, niệm, tinh tấn, hỷ, khinh an, định,xả.

TÁM CHÁNH ĐẠO: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định.

(12) Súy: Cú tai mèo; Hiêu, Điêu, THỨU: Loài chim dữ, tiếng xấu. THƯỚC: Chim khách.

CƯU: Tu-hú. CÁP: Bồ câu. NGOAN-XÀ: Rắn độc. PHÚC-YẾT: Bò-cạp.

NGÔ ÂCÔNG: Rít. DO-DIÊN: Trùng, rận ở trong áo tơi. DỨU -LY: Chồn, cáo.

HỀ-THỬ: Giống chuột. KHƯƠNG-LƯƠNG: Bọ hung.

(13) Thiên-nhãn-minh, Túc-mạng-minh, Lậu-tận-minh.

(14) Thiên-nhãn-thông, thần-túc-thông, thiên-nhĩ-thông, tha-tâm-thông, túc-mạng-thông, lậu-tận-thông.

(15) TIN: lòng tin. GIẢI: Hiểu rõ.

(16) Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ.

(17) Hý-LUẬN: Lời luận nói suông không sự thật, đồng nghĩa với hư vọng.

(18) Diệt lòng phiền-não: 1. Kiến sở đoạn 2. Tư sở đoạn.

(19) NIẾT-BÀN: Tịch tịnh; VIÊN TỊCH: nghĩa là vắng bặt. Còn vọng động phiền não là còn tạo nghiệp thọ báo sanh-tử. Dứt hẳn vọng động phiền não khỏi báo sanh tử yên lặng nhàn vui nên gọi Niết-bàn.
HỮU-DƯ Y: Thân người hiện còn thừa lại rốt sau cả.

---o0o---

SỰ TÍCH TẢ KINH THOÁT KHỒ

Nhà Đường, niên hiệu Long-Sóc năm thứ ba, xứ Trường-An, mẹ vợ ông Lưu-Công-Tín chết.

Không bao lâu cô họ Trần, vợ ông Tín, cũng bỗng chết, thần-hồn đi đến một ngục đá, thấy mẹ mình ở trong cửa đá thọ nhiều sự khổ.

Khóc bảo con gái rằng : "Mau vì mẹ tả một bộ kinh Pháp-Hoa ngõ hầu thoát khỏi tội này". Nói vừa xong cửa đá liền khép lại.

Cô họ Trần sống lại, thuật chuyện gặp mẹ với chồng. Ông Tín nhờ ông Triệu-Sư-Tử tả kinh, ông Triệu bèn đem một bộ kinh Pháp-Hoa hiện đã thành tả rất tốt giao cho ông Tín sửa sang, mà bộ kinh đó vốn là của một người họ Phạm ra tiền mướn tả, mà ông Tín thâ chưa biết cũng tin là ông Triệu tả cho mình.

Không bao lâu, cô họ Trần lại nằm chiêm bao thấy mẹ đòi kinh, cô nói rằng đã tả xong rồi. Mẹ liền khóc rằng : "Mẹ chính vì bộ kinh đó mà càng bị khổ thêm. Bộ kinh đó vốn là nhà của họ Phạm tu phước, sao lại cướp làm công của mình?" Sau khi thức dậy, cô Trần và ông Tín đi hỏi thăm lại, thời quả thực họ Phạm ra hai trăm tả kinh mà chính là bộ trên đó.

Vợ chồng liền thuê người tả một bộ khác để cúng dường hồi hướng công đức cho mẹ.

Than ôi ! Công đức tả kinh hay ấn tống lớn biết là dường nào? Tội nặng bị khổ ở địa ngục nhờ người tả một bộ kinh Pháp-Hoa mà còn có đủ phước để thoát khổ huống nữa là mình tự ra công tiền ư!


Xem dưới dạng văn bản thuần túy