Hạnh Như Lai thứ mười ba gọi là Tất Cánh Phật Địa. Tất Cánh Phật Địa có 140 pháp Bất cộng. Đó là:
Ba mươi hai tướng tốt, 80 vẻ đẹp, 4 Tịnh hạnh, 10 Lực, 4 Vô úy, 3 Niệm xứ, 3 Bất hộ. Đại Bi, Thường không quên mất, Trí đoạn tập nhân phiền não, Nhứt Thiết Trí. Đây gọi là 140 pháp Bất cộng.
Ba mươi hai tướng:
1.Dưới lòng bàn chân bằng phẳng.
2.Dưới bàn chân có hình bánh xe ngàn cọng.
3.Các ngón tay búp măng dài đẹp.
4.Gót chân no tròn.
5.Ngón tay ngón chân có màng da liền lạc.
6.Tay chân mềm mại.
7.Bắp chân như chân nai chúa.
8.Xương mắt cá chẳng lộ bày.
9.Đứng thẳng tay dài quá đầu gối.
10.Ngọc hành ẩn kín như mã vương.
11.Thân hình đầy đặn như cây Ni câu Loại.
12.Lông trên mình mướt đẹp.
13.Mỗi mỗi sợi lông đều xoay về phía mặt.
14.Thân mình màu vàng rực.
15.Thân thường có ánh sáng chiếu xa một tầm.
16.Da thứa mịn màng, bụi đất không dính.
17.Bảy chỗ hõm như: hai lòng bàn lòng tay, hai lòng bàn chân, hai vai, sau ót đều đầy đặn.
18.Phần trên của thân như thân sư tử chúa.
19.Cánh tay, khỉu tay, bả vai tròn trịa.
20.Các khớp xương đầy đặn, bằng phẳng.
21.Thân thể cân đối.
22.Bốn mươi cái răng.
23.Răng khít khao chẳng thưa hở.
24.Răng sắc trắng tinh.
25.Cằm vuông vức như cằm sư tử chúa.
26.Nước miếng ngon ngọt.
27.Tướng nhục kế trên đảnh đầu.
28.Lưỡi dài và rộng, có thể che đến chân tóc.
29.Tiếng nói trong trẻo thanh tao.
30.Mắt sắc xanh biếc.
31.Mắt tựa như mắt ngưu vương.
32.Tướng lông trắng giữa chặn mày (bạch hào).
Tám mươi vẻ đẹp:
1.Tướng Vô kiến đảnh.
2.Mũi cao nhưng chẳng lộ hai lỗ mũi.
3.Lông mày đẹp như trăng đầu tháng.
4.Vành tai dài rũ xuống.
5.Thân vững chắc như Trời Na la diên.
6.Các đốt xương giao nhau như móc câu.
7.Trông lại được phía sau.
8.Khi đi chân cách đất 4 tấc mà vẫn hiện dấu.
9.Móng tay, móng chân như sắc đồng đỏ.
10.Đầu gối vững chắc tròn đẹp.
11.Thân trong sạch.
12.Thân dịu dàng mềm mại.
13.Thân không cong vẹo.
14.Ngón tay, ngón chân tròn có màng da liền lạc.
15.Lằn chỉ trên ngón tay được che khuất.
16.Các gân mạch ẩn sâu không hiện.
17.Mắt cá không lộ bày.
18.Thân thể tươi nhuận.
19.Thân tự giữ ngang.
20.Thân đầy đặn.
21.Uy nghi toàn vẹn nghiêm túc.
22.Dáng dấp đầy đặn.
23.Khi đi đứng an ổn, không lay động.
24.Uy đức lừng lẫy.
25.Chúng sanh được gặp rất sanh ưa thích.
26.Gương mặt không dài lớn.
27.Dung mạo đoan chánh, sắc mặt chẳng nhăn.
28.Mặt đầy đặn.
29.Môi đỏ tươi, đẹp như trái tần bà.
30.Tiếng nói sâu xa.
31.Rún tròn đẹp và lún sâu vào.
32.Lông trên mình xoay về phía phải.
33.Tay chân đầy đặn.
34.Tay chân như ý.
35.Lằn chỉ trên tay sáng thẳng.
36.Lằn chỉ tay dài.
37.Lằn chỉ tay chẳng đứt quãng.
38.Những người ác tâm được gặp đều vui mừng.
39.Mặt vuông đẹp.
40.Mặt trong sáng như trăng rằm.
41.Chiều ý chúng sanh mà nói lời hoà vui.
42.Từ lỗ chân lông phát ra mùi thơm.
43.Trong miệng phát ra mùi thơm.
44.Dáng dấp oai hùng như sư tử chúa.
45.Tới lui như voi chúa.
46.Tướng đi như Nga vương.
47.Đầu tròn đẹp như quả ma dà na.
48.Diễn nói một thứ tiếng mà đầy đủ cho tất cả.
49.Bốn cái răng cấm trắng và bén.
50.Lưỡi sắc đỏ tươi.
51.Lưỡi mỏng.
52.Lông màu hồng.
53.Lông mềm mại sạch sẽ.
54.Con mắt dài rộng.
55.Hậu môn có đủ tướng.
56.Tay chân trắng đỏ như màu hoa sen.
57.Rún chẳng lộ bày.
58.Bụng thon thon.
59.Bụng chẳng lộ.
60.Thân vững vàng không nghiêng ngả.
61.Thân giữ sức nặng.
62.Thân lớn hơn người thường.
63.Thân cao hơn người thường.
64.Tay chân mềm mại, láng sạch.
65.Ánh sáng nơi thân chiếu ra bốn bên cách khoảng một tầm.
66.Đi có hào quang chiếu sáng.
67.Bình đẳng xem khắp chúng sanh.
68.Không khinh khi chúng sanh.
69.Tiếng nói tùy tâm chúng sanh, không thêm không bớt.
70.Nói pháp không vướng mắc.
71.Theo lời lẽ của chúng sanh mà thuyết pháp.
72.Phát âm đúng với các giọng, các tiếng.
73.Theo thứ tự nói pháp cho người có nhân duyên.
74.Chúng sanh xem tướng Phật không thể xiết.
75.Xem tướng Phật không nhàm chán.
76.Tóc dài đẹp đẽ.
77.Tóc không rối.
78.Tóc xoắn đẹp.
79.Tóc màu như thanh châu.
80.Tay chân biểu lộ tướng phước đức.
Đại Bồ Tát trụ bực Tịnh tâm địa rồi, nhờ năng lực của nghiệp thanh tịnh, mặc dầu được tám mươi vẻ đẹp nhưng chưa trong sáng vĩ đại, đợi khi ngồi nơi Bồ Đề đạo tràng (thành Phật), lúc ấy mới hoàn toàn trong sáng. Khi chưa được trong sáng hoàn toàn, gọi là Địa hay Hạnh Bồ Tát.
Sự trang nghiêm đạo Bồ Đề có hai tính cách:
Một là gần. Hai là xa.
Xa nghĩa là chưa được quả báo (chưa có) về 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Nếu được (đã có), gọi là gần.
Nói 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trên đây là để chúng ta gây tạo nghiệp lành.
Chúng sanh vì tạo các thứ nghiệp ác, bởi nghiệp ác mà phải chịu quả báo, do đó Như Lai nói về nghiệp lành và quả báo lành, chúng sanh nghe rồi, ngay đó phá trừ các thứ nghiệp ác.
Đây là sự thành tựu 32 tướng tốt, 80 mươi vẻ đẹp, nói về nghiệp lành và quả báo lành, chúng sanh nghe rồi, ngay đó phá trừ các thứ nghiệp ác.
Đ
ây là sự thành tựu 32 tướng:
-Bồ Tát chí tâm tu hành, gìn giữ tịnh giới cho nên được tướng lòng bàn chân bằng phẳng.
-Cúng dường cha mẹ, bực thầy, hòa thượng, người có đức độ, do nhân duyên đó được tướng: Bánh xe có 1000 cọng dưới lòng bàn chân.
-Không sanh lòng làm hại chúng sanh, không có ý tưởng cướp đoạt trộm lấy. Nếu gặp cha mẹ, hoà thượng, thầy học, người có đức độ, bèn nghênh đón từ xa, sắp đặt gường ghế, cung kính lễ lạy, phá bỏ kiêu mạn, do nhân duyên đó được tướng. Ngón tay búp măng dài đẹp.
-Đủ ba hạnh trên đây được tướng: Gót chân no tròn.
-Dùng bốn nhiếp pháp nhiếp hóa chúng sanh do nhân duyên đó được tướng: Ngón tay, ngón chân có màng da liền lạc.
-Đem dầu, sữa tốt thoa rửa cha mẹ, hòa thượng, bực thầy, người có đức độ, do nhân duyên đó được tướng: Tay chân mềm mại.
-Tu lập pháp lành không biết chán đủ, do nhân duyên đó được tướng: Bắp chân như chân nai chúa.
-Nghe pháp tâm sanh vui mừng, ưa vì người giải nói, vì pháp mà làm kẻ sai khiến. Do nhân duyên đó được tướng: Mắt cá không lộ bày.
-Ba nghiệp trong sạch, xem bệnh cho thuốc ăn uống vừa đủ, phá trừ kiêu mạn. Do nhân duyên đó được tướng: Đứng thẳng cánh tay dài quá đầu gối.
-Thấy kẻ chia lìa khéo nói lời hòa hợp, tự mình tu đức hổ thẹn và dạy người cùng tu. Do nhân đó được tướng: Ngọc hành ẩn kín như mã vương.
-Tự mình trong sạch ba nghiệp và dạy người trong sạch, nếu có chúng sanh tứ đại chẳng điều hòa, thường vì họ chữa trị, do nhân duyên đó được tướng: Thân hình đầy đặn như cây Ni câu loại.
-Nghe pháp vui mừng hay vì người diễn nói do nhân duyên đó được tướng: Lông trên mình mướt đẹp.
-Suy gẫm các ý nghĩa sâu xa các pháp, ưa tu pháp lành, cúng dường cha mẹ, hòa thường, người có đức độ, dọn dẹp gai góc, sỏi đá, vật nhơ ở chỗ tháp Phật, chùa tăng, hay trên đường xá. Do nhân duyên đó được tướng: Lông trên mình mỗi sợi đều xoay về phía phải.
-Dùng món ăn, thức uống, các đồ trang sức, bố thí cho người, tự mình bỏ lìa lòng giận. Do nhân duyên đó nên được hai tướng: Thân có màu vàng rực.Thân thường có ánh sáng chiếu ra một tầm.
-Cũng do nhân duyên này mà được tướng: Da thịt mịn màng, bụi bặm không dính.
-Thường bố thí những vật cần dùng cho chúng sanh. Do nhân duyên đó được tướng: Bảy chỗ đều đặn.
-Tự mình phá bỏ kiêu mạn, tánh tình điều độ làm đúng phép tắc, thuận theo lòng người, hay dùng pháp lành trừ điều chẳng lành . Do nhân duyên đó được tướng: Phần trên của thân như thân sư tử. Được tướng hai vai tròn trịa và các khớp xương đầy đặn bằng phẳng.
-Do nhân duyên gì được tướng thân thể nở nang?
Tức cũng do nhân duyên trên mà được tướng thân thể nở nang.
-Dẹp bỏ lời nói đôi chiều, khéo giảng hòa sự tranh chấp. do nhân duyên đó được tướng: Bốn mươi cái răng: Răng khít khao chẳng hở.
-Ở cõi Dục tu tập lòng Từ. Do nhân duyên đó được tướng: Răng sắc trắng tinh.
-Gặp người đến cầu xin liền niềm nở đưa đón. Do nhân duyên đó được tướng: Cằm vuông như cằm sư tử chúa.
-Bình đẳng xem khắp chúng sanh dường như con một. Do nhân duyên đó được tướng: Nước miếng ngon ngọt.
-Thường ban cho chúng sanh pháp vị cam lồ vô thượng, thấy người lãng quên làm cho được nhớ, tự giữ cấm giới, xoay vần dạy người. Tu tập bi tâm và thực hành lục ba la mật. Do các nhân duyên đó được tướng: Nhục kế trên đảnh và tướng lưỡi rộng dài.
-Nói lời chân thật, nói lời vui vẻ, nói đúng chánh pháp, nói lời mềm mỏng, chẳng nói trái thời. Do duyên đó được tướng: Tướng nói trong trẻo thanh tao.
-Tu tập bi tâm, xem khắp chúng sanh dường như cha mẹ. Do nhân duyên đó được hai tướng: Mắt sắc xanh biếc. Mắt tựa như mắt trâu chúa.
-Gặp người đức hạnh mở lời tán dương ca ngợi. Do nhân duyên đó được tướng: Lông trắng ở giữa chặn mày.
Tuy rằng trong 32 tướng, tướng nào nói nhân duyên tướng đó, song nhân duyên chính là sự trì giới và sức tinh tấn. Vì sao thế?
-Nếu chẳng trì giới và luôn luôn siêng tu tinh tấn, còn chẳng được làm thân người huống gì được 32 tướng tốt.
Tướng nhục kế và tướng vô kiến đảnh đồng nhau.
Lại nữa, phàm làm việc lành nào, hễ tâm quyết định không hề hối đổi. Do nhân duyên đó được tướng: Lòng bàn chân bằng phẳng.
-Nếu hết lòng gây tạo. Do nhân duyên đó được tướng: Bánh xe có ngàn cọng dưới bàn chân, tướng Màng da liền lạc nơi các ngón tay ngón chân, tướng Bảy chỗ đầy đặn không khuyết, tướng thân thể mềm dịu, tướng vai tròn trịa, tướng Các đốt xương bằng phẳng không khuyết, tướng Thân ngay thẳng và tướng Lưỡi rộng dài.
-Nếu luôn luôn thực hiện, do nhân duyên đó được tướng: Các ngón tay búp măng dài. Tướng cánh tay dài đến đầu gối. Tướng ánh sáng nơi thân chiếu ra một tầm và Tướng răng khít khao không hở.
-Nếu làm với tâm trong sạch, do nhân duyên đó được các tướng khác.
Lại nữa, nếu khởi tâm thuần thiện đối với chúng sanh, do nhân duyên đó được tướng: Tay chân mềm dịu, da thứa mịn láng, bụi bặm không dính.
-Nếu tu tập có thứ lớp, tu đúng thời tiết, do nhân duyên đó được các tướng như: Dưới bàn chân có bánh xe ngàn cọng, tướng ngón tay búp măng, tướng gót chân no tròn.
-Nếu vui tu pháp lành, tâm không hối đổi, do nhân duyên đó được tướng: Thân sắc vàng chói, tướng Thân thường có ánh sáng, tướng răng trắng tinh và tướng lông trắng giữa chặn mày.
-Nếu nghe người khen ngợi mà không sanh kiêu mạn, không che dấu pháp lành để người không hay biết. Do nhân duyên đó được tướng mã âm tàng.
-Tu tất cả thiện pháp nào cũng đều hồi hướng đạo Vô thượng Bồ Đề. Do nhân đó được tướng: Mỗi lỗ chân lông đều có một sợi lông. Tướng lông trên mình xinh đẹp. Tướng trong miệng có bốn mươi cái răng và tướng nước miếng ngon ngọt hơn tất cả các vị.
Vì siêng năng tinh tấn tu hành, do nhân duyên đó được tướng cằm vuông và tướng: Phần trên của thân như thân sư tử chúa.
-Hết lòng mến tưởng chúng sanh, xem tất cả đồng như con một. Do nhân duyên đó được tướng: Răng bằng phẳng đều đặn. Tướng mắt xanh biếc. Tướng mắt như mắt trâu chúa.
Tu tập thiện pháp không biết chán đủ. Do đó được các tướng khác.v...v..
Khi Đại Bồ Tát trụ bực Tánh hạnh, là lúc tu các nghiệp về ba mươi hai tướng.
Khi trụ bực Tịnh hạnh, tuy có ba mươi hai nhưng các tướng đó chưa đầy đủ vẹn toàn và chưa sáng sủa.
Trụ hạnh thứ mười ba, khi đó ba mươi hai tướng mới sáng sủa rõ ràng và mới đầy đủ hoàn toàn tất cả pháp Phật, dầu cho vô lượng tướng tốt của chúng sanh cũng không bằng.
Về ba mươi hai tướng hảo trên đây, có tướng bực hạ. bực trung, bực thượng, khó bề hiểu hết. Bởi vậy Phật nói về ba mươi hai tướng.
Tất cả chúng sanh có bao nhiêu phước lành giả sử cùng gom góp lại, chính thật chỉ đồng tướng một chân lông của Như Lai. Gom hết những công đức của hết thảy tướng chân lông mới thành một vẻ đẹp (trong 80 vẻ đẹp)
Tập trung những công đức của các vẻ đẹp rồi tăng lên gấp một trăm lần, mới thành một tướng. Chỉ trừ tướng lông trắng giữa chặn mày, và tướng Vô kiến đảnh. Ngoài ra, tập họp tất cả các tướng rồi nhân lên gấp 1000 lần mới thành hai tướng đó.
Gom hết những công đức về 32 tướng và tám mươi vẻ đẹp, rồi nhân lên cho đến gấp ngàn vạn ức lần mới thành tướng: Tiếng nói rỗng suốt vô tận của Như Lai (Lê âm) tiếng nói ấy vang xa đến vô lượng, vô biên thế giới của tất cả các đức Phật.
Như Lai thành tựu vô lượng, vô biên công đức như vậy, do nghĩa đó Như Lai Thế Tôn mệnh danh là đấng vô thượng. Những gì Như Lai thực hành, gọi là Hạnh vô thượng.
32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp có ba nghĩa vô lượng:
1.Trải qua ba a tăng kỳ đại kiếp tu hành vô lượng.
2.Tu tất cả hạnh là vô lượng.
3.Lợi ích chúng sanh trong khắp pháp giới là vô lượng.
Thế nên nói rằng Như Lai Thế tôn thành tựu vô lượng công đức.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|