× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ hai mươi tám…Hạnh Tất Cánh Địa

Đại Bồ Tát trụ Giải địa cho đến Bồ Tát địa có bốn hạnh:

1.Hạnh Ba la mật.

2.Hạnh Bồ đề.

3.Hạnh thần thông.

4.Hạnh thành thục chúng sanh.

Hạnh Ba la mật: Như trước đã nói về sáu pháp ba la mật, Phương tiện ba la mật, Nguyện ba la mật, Lực ba la mật, Trí ba la mật, Mười ba la mật như thế gọi là Hạnh ba la mật.

Phương tiện ba la mật hay khéo, gồm có mười hai cách thức như đã nói ở phẩm trước (12 sự khó).

Nguyện ba la mật gồm có năm điều, cũng đã nói như ở trước.

Mười Lực trang nghiêm thanh tịnh, gọi là Lực ba la mật.

Biết rõ Xứ chẳng phải Xứ của tất cả các pháp, gọi là Trí ba la mật. Biết đệ nhứt nghĩa đế, gọi là Bát nhã ba la mật.

Lại nữa, vô lượng trí gọi là phương tiện ba la mật. Cầu Thắng trí hơn nữa gọi là Nguyện ba la mật. Chẳng bị bốn thứ mà làm chướng ngại gọi là Lực ba la mật. Có thể biết tánh chơn thật của các pháp giới gọi là Trí ba la mật.

Trên đây gọi là Hạnh ba la mật.

Hạnh Bồ Đề: Bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo, Bốn sự suy cầu, Bốn Chơn trí như đã nói ở trước, gọi là Hạnh Bồ Đề.

Hạnh thần thông: Như trong phẩm chẳng thể nghĩ bàn đã nói rõ. Sáu thần thông cũng đã nói đến, gọi là Hạnh thần thông.

Hạnh thành thục chúng sanh: Có hai ý nghĩa vô lượng: Điều phục vô lượng và Phương tiện vô lượng như trước đã nói, gọi là Hạnh thành thục chúng sanh.

Bốn Hạnh như thế của Bồ Tát nhiếp tất cả Hạnh.

Đại Bồ Tát tu hành trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp, rốt ráo đầy đủ sự thanh tịnh về các thiện pháp, hơn tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, rốt ráo nhiếp lấy đạo quả Bồ Đề, vì rốt ráo có thể chứng quả Bồ Đề, cho nên gọi là Thập ba la mật.

Nếu nói theo thứ lớp thì có ba điều:

1.Vì đối trị.

2.Vì sanh ra.

3.Vì đắc quả.

-Về đối trị: Với những thiện pháp đối trị gồm có sáu pháp:

Đối trị sẻn tham. Đối trị nghiệp ác phá giới. Đối trị giận dữ. Đối trị biếng lười. Đối trị loạn tâm. Đối trị ngu si.

Do sáu pháp ác này mà chẳng chứng Vô thượng Bồ Đề. Vì phá hoại sáu pháp ác như trên mà nói về lục ba la mật. Sáu ba la mật này nhiếp luôn bốn ba la mật sau. Đó gọi là đối trị.

-Về sanh ra: Đại Bồ Tát bỏ cả sự nghiệp thế tục, xuất gia học đạo, mệnh danh là Thí ba la mật. Được xuất gia rồi thọ giới Bồ Tát, gọi là Giới ba la mật. Vì hộ trì giới luật, mặc dù bị người đánh mắng vẫn lặng lẽ nhận, không hề báo trả, gọi là Nhẫn ba la mật. Giới đức đã đủ, siêng tu pháp lành, gọi là Tấn ba la mật. Nhờ sự tinh tấn điều phục các căn, tư duy quán sát, gọi là Thiên ba la mật. Các căn đã được điều phục, biết được Chơn pháp giới, gọi là Trí ba la mật. Đây mệnh danh là sanh ra.

Về đắc quả: Bồ Tát hiện tại tu các thiện pháp như bố thí, v.v. Nếu bỏ thân rồi sanh sang đời khác, bên ngoài thì được của cải dồi dào, bên trong được năm điều đầy đủ như là: Sanh trong cõi trời, cõi người, sống lâu sắc tốt, sức mạnh an vui và có tài biện luận. Đây là quả báo thứ nhứt của Đại Bồ Tát. Do nhân duyên bố thí, tu tập các thiện pháp, tâm không ganh ghét, nhẫn chịu tội lỗi. Đây gọi là đầy đủ quả báo thứ hai. Do nhân duyên bố thí, nếu tạo sự nghiệp thế gian, hay sự nghiệp xuất thế, tâm không chán nản tâm không hối tiếc, gọi là quả báo thứ ba. Do nhân duyên bố thí mà tâm mềm mỏng không bị thác loạn, là quả báo thứ tư. Do nhân duyên bố thí, có thể biết rõ ràng, đây là ruộng phước, biết là có thể thí hay không nên thí, khéo biết phương tiện tìm của giữ của, là quả báo thứ năm.

Bốn ba la mật sau, nhiếp về sáu ba la mật trước, gồm có ba sự ngăn đón (giới):

1.Ngăn đón theo giới.

2.Ngăn đón theo tâm.

3.Ngăn đón theo trí.

-Trì giới ba la mật của Bồ Tát, gọi là ngăn đón theo giới (tùy giới giới).

-Thiền ba la mật gọi là ngăn đón theo tâm (tùy tâm giới).

-Trí tuệ ba la mật gọi là ngăn đón theo trí (tùy trí giới)

Lìa ba thứ ngăn đón này không có giới Bồ Tát. Ba thứ ngăn đón của Bồ Tát nhiếp lấy tất cả giới.

Bồ Tát có bốn việc có thể lợi ích khắp cả chúng sanh. Bốn việc đó là: 1.Vì Bồ Đề mà tu tập thiện pháp. 2.Trước dùng chơn trí biết nghĩa của pháp. 3.Tăng trưởng thiện pháp. 4.Thành thục căn cơ chúng sanh.

Bốn việc như vậy Bồ Tát luôn luôn làm lợi ích lớn cho khắp chúng sanh.

Nếu thuyết nào nói: Lìa bốn việc này vẫn có thể lợi ích chúng sanh, điều đó hoàn toàn không có lý.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy