× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ hai mươi lăm…Sự ra đời của Tất Cánh Địa

  Sự ra đời của Bồ Tát có năm tính cách ứng hóa khắp cả (ngũ chủng nhứt thiết).

Tất cả hạnh và tất cả sự thanh tịnh của Bồ Tát là làm cho chúng sanh được an ổn, vui thích.

Năm tính cách khắp cả của Bồ Tát là gì?

1.Ở trong các cõi làm cho chúng sanh lìa khổ.

2.Ở trong các cõi được tùy tâm hành động.

3.Ở trong các cõi được sự trỗi vượt.

4.Ở trong các cõi được sức tự tại.

5.Sự sau cùng của Bồ Tát ở trong các cõi.

Ở trong các cõi làm cho chúng sanh lìa khổ là như thế nào?

Thời kỳ đói kém, Bồ Tát thấy chúng sanh đói khát khổ sở, nhằm năm mất mùa, lúa thóc đắt đỏ. Bấy giờ Bồ Tát do đại nguyện lực, chịu làm thân cá, mình rất dài lớn để bố thí thịt cho nhiều chúng sanh. Chúng sanh ăn rồi trừ được đói khát. Vì sức thệ nguyện mà thân Bồ Tát đổi ra to lớn.

Hoặc vào thời buổi ác độc, hết thảy chúng sanh bị các bệnh tật thuộc 404 chứng. Những chứng bệnh này cùng lúc lan tràn khắp cả mọi nơi. Bấy giờ Bồ Tát dùng năng lực đại nguyện, hoá thân làm bực đại danh y, có thể trị lành hẳn các chứng bệnh, làm cho chúng sanh thoát khỏi nỗi khổ bệnh hoạn.

Hoặc gặp thời đại đao binh chém giết, nhiều xứ đua nhau phát khởi chiến tranh, làm cho dân chúng vô cùng sợ hãi, các lãnh chứa tranh bá đồ vương không chán không đủ. Bấy giờ Bồ Tát ứng thân làm bực vua lớn, có đủ thế lực hùng mạnh và chế định luật pháp hẳn hoi, nhà vua bèn dùng phương tiện hay khéo, làm cho đôi bên oán cừu trở lại hòa hợp, dùng lời mềm mỏng trừ kẻ ác tâm, chẳng dùng hình phạt đánh đập. giam nhốt, chẳng giết mạng người hoặc chiếm đoạt tài sản của người, bình đẳng xem dân dường như con một, thương xót tất cả như nhau.

Nếu có những hạng tà kiến mê muội, vì sự dâng cúng thiên thần tà đạo mà làm nghiệp ác, vì phá số đó, Bồ Tát thị hiện làm thân quỷ thần ứng mộng dạy bảo: Nay ngươi chẳng nên giết hại dê cừu để đem tế tự.

Thế nên, vì phá khổ não của các chúng sanh, mà thọ thân trong các cõi, các loài. Đây mệnh danh là “Ở trong các cõi làm cho lìa khổ”. (ly khổ lữu)

Ở trong các cõi tùy tâm hành động:

Đại Bồ Tát dùng năng lực thệ nguyện, thị hiện chịu thân các giống súc sanh nhằm phá nghiệp ác của các giống ấy, hoặc làm thân ác quỷ, làm kẻ hung dữ, lại còn làm thân bà la môn tà kiến, hoặc thị hiện làm người ham ngũ dục….

Bồ Tát trước hết là tùy tâm loài nào chịu làm thân như trong loài đó, để khiến chúng sanh lìa bỏ nghiệp ác. Tuy rằng thọ thân trong các nẻo ác nhưng chẳng tạo ác. Hoặc khi người có gây tạo chăng nữa, sau đó chẳng tạo. Chúng sanh thấy vậy cũng bắt chước theo mà dừng việc ác. Vì sự tùy loài chúng sanh, phá hỏng bao nhiêu nghiệp ác, cho nên gọi là ở trong các cõi tùy tâm hành động (tùy tâm hành hữu).

Ở trong các cõi được sự trỗi vượt:

Khi Đại Bồ Tát sanh ra nơi nào, là hơn hẳn bao nhiêu người khác. Hơn về giòng họ, nhan sắc, tuổi thọ hoặc quả báo v.v…Đây mệnh danh là ở trong các cõi được sự trỗi vượt (thắng hữu).

Ở trong các cõi được sức tự tại:

Từ lúc Bồ Tát tu lên đến bực Sơ hoan hỷ địa cho đến hạnh thứ mười hai, trong suốt thời gian dài đăng đẳng đó, những thân nào mà Bồ Tát thị hiện, đều gọi chung là được sức tự tại. Sức tự tại là năng lực bản nguyện. Từ tánh địa cho đến hạnh thứ mười hai, hoặc thọ thân chuyển luân vương, thân tự tại thiên cho đến thân trời Sắc cứu cánh. Nói chung lại là tất cả các cõi và ở trong các cõi được thân ô thượng. Bởi do nghiệp lực, cho nên gọi là “Ở trong các cõi được sức tự tại” (tự tại hữu).

Sự sau cùng hết của Đại Bồ Tát ở trong các cõi:

Thân tối hậu của Bồ Tát, gọi là Bồ Tát hữu, thành tựu đầy đủ các sự trang nghiêm về đạo Bồ Đề, hoặc sanh vào giòng Bà la môn hay sát đế lợi mà chứng Vô thượng Bồ Đề, làm tất cả Phật sự. Đây mệnh danh là sự sau cùng của Bồ Tát ở trong các cõi (Bồ Tát hậu hữu).

Các Đại Bồ Tát quá khứ cũng thọ năm thứ “hữu” này. Hiện tại, vị lai tất cả Bồ Tát cũng đều như vậy.

Do năm “hữu” này mà chứng quả vị Vô thượng Chánh giác.

Nếu Bồ Tát nào tu hành thị hiện, thọ năm thứ “hữu” là chứng Vô thượng Bồ Đề.

HẾT QUYỂN TÁM


Xem dưới dạng văn bản thuần túy