× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ hai mươi bốn…Như pháp trụ sanh Bồ Đề Địa

 Đại Bồ Tát đầy đủ Tánh, đầy đủ giới, đầy đủ sự học giới Bồ Tát, đầy đủ tướng Bồ Tát, thành tựu đầy đủ sự trang nghiêm của Bồ Tát, đủ 15 món của Tịnh tâm, là được sự nghiêm tịnh của ba nghiệp thân, miệng, ý.

Có 12 hạnh, nhiếp tất cả những gì thuộc hạnh Bồ Tát, nhiếp luôn hạnh Như Lai (hạnh thứ mười ba). Khi được Vô thượng chánh đẳng giác rồi, gọi là Vô thắng hạnh.

Những gì gọi là 12 hạnh của Bồ Tát?

1.Tánh hạnh.

2.Giải hạnh.

3.Hỷ hạnh.

4.Giới hạnh.

5.Tuệ hạnh. (Tuệ hạnh lại kiêm luôn ba hạnh kế).

6.Chung Trợ Bồ Đề hạnh.

7.Chung Thánh Đế hạnh.

8.Chung Thập Nhị nhân duyên hạnh.

9.Hành hạnh.

10.Vô tướng hạnh. (hay vô hành hạnh).

11.Vô ngại hạnh.

12.Bồ Tát hạnh.

Nếu Bồ Tát tu mười hai hạnh này là nhiếp các hạnh là nhiếp luôn hạnh Như Lai, hơn tất cả hạnh. Đó là Vô thắng hạnh.

1.Tánh hạnh là gì? -Đại Bồ Tát tu tập công đức của Bồ Tát, đầy đủ thiện pháp, vì tu tập các thiện pháp cho nên thường vui với thiện pháp, thọ trì tất cả chủng tử Phật pháp. Tự biết thân mình có hạt giống Phật, phá hoại phiền não phần thô, thế gọi là Tánh hạnh. (thập tín vị).

Bồ Tát đầy đủ về tánh hạnh đây, trọn không thể khởi phiền não sâu nặng như tạo năm tội nghịch hay tội Nhứt xiển đề. Đây mệnh danh là Tánh hạnh.

2.Giải hạnh là gì? -Đại Bồ Tát phát Bồ Đề tâm tu về các hạnh, gọi là Giải hạnh (Thập trụ, Thập hạnh, Thập Hồi hướng).

Về Tánh hạnh, khi Bồ Tát thực hành Tánh hạnh là còn trong nhân vị của hạnh Bồ Tát, là nhân của mười hai hạnh, là nhân của hạnh Như Lai. Dầu là cái nhân của chung các hạnh, nhưng chưa được các hạnh khác huống gì Hạnh Như Lai. Cũng chưa được đủ nhân, chưa được quả và cũng là chưa được sự thanh tịnh.

Nếu được một hạnh gọi là Giải hạnh, gọi là thực hành về hạnh Như Lai, song cũng vẫn chưa được Hạnh Như Lai, chưa tịnh được hạnh Như Lai, mà mệnh danh là Tịnh được Giải hạnh.

Bởi tịnh Giải hạnh nên được Hỷ hạnh và tịnh Hỷ hạnh. Vì tịnh Hỷ hạnh nên được Giới hạnh. Tịnh được Giới hạnh cũng thế, cho đến hạnh thứ 12 gọi là Bồ Tát hạnh. Đầy đủ Bồ Tát hạnh và tịnh Bồ Tát hạnh rồi được Như Lai hạnh và tịnh Như Lai hạnh.

3.Hỷ hạnh: Bồ Tát dốc lòng tịnh Bồ Đề tâm, gọi là Hỷ hạnh.

4.Giới hạnh: Bồ Tát trước hết trong sạch các giới trọng thuộc về Tánh giới, chẳng hủy giá trọng. Bởi giới được thanh tịnh cho nên tu các thiền định thế gian, gọi là giới hạnh.

5.Tuệ hạnh: Nương vào thiền định thế gian mà nhập bốn Thánh đế.

6.Tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, gọi là Chung Trợ Bồ Đề hạnh.

7.Tu Trợ Bồ Đề hạnh, nhận thực về Bốn thánh đế, gọi là Chung Thánh đế hạnh.

8.Chung Thập nhị nhân duyên hạnh: Hoặc quán tứ đế, thấy tất cả khổ từ nhân duyên sanh, từ nhân duyên diệt. Đây gọi là Chung Thập nhị nhân duyên hạnh.

9.Hành hạnh: Vì pháp Trợ Bồ Đề mà siêng tu tinh tấn, gọi là Hành hạnh.

10.Vô tướng hạnh: Tuy chẳng thấy tướng chúng sanh hay tướng Bồ Đề, nhưng tu đạo Bồ Đề không thôi, không nghĩ gọi là Vô tướng hạnh.

11.Vô ngại hạnh: Tu tập vô phân biệt pháp giới, vì vô lượng chúng sanh diễn nói chánh pháp làm cho chúng sanh tu đạo Vô thượng Bồ Đề.

12.Thực hành hạnh vô thượng, lần lượt chứng Vô thượng Bồ Đề, làm tất cả Phật sự, mệnh danh là Bồ Tát hạnh.

Đầy đủ Tánh hạnh, Đại Bồ Tát nhứt định được 12 hạnh.

Đầy đủ Giải hạnh, Đại Bồ Tát đoạn được lậu hoặc về phần thô tướng.

Đầy đủ Hỷ hạnh, cho đến Bồ Tát hạnh cũng vậy (chẳng còn thoái chuyển đối với quả Phật).

Khi Đại Bồ Tát thực hành Tánh hạnh, chẳng chấp tướng mạo tất cả các pháp, cho đến thực hành Bồ Tát hạnh cũng vậy.

Khi Đại Bồ Tát tu hành Tánh hạnh, chẳng chấp sự mong cầu thiện pháp và thành quả thiện pháp, cho đến Bồ Tát hạnh cũng vậy.

Khi Đại Bồ Tát tu hành Tánh hạnh được sức mạnh của trí tuệ vĩ đại, cho đến thực hành Bồ Tát hạnh cũng vậy.

Khi Đại Bồ Tát tu hành Tánh hạnh, dứt năm sự sợ sệt là: Sợ chẳng được sống. Sợ chịu tiếng xấu. Sợ chết. Sợ nẻo ác. Sợ đại chúng.

Tuy nhiên nhiều lúc còn có nghiệp ác thuộc thân, miệng, ý. Nhiều lúc ham muốn nghĩ đến ngũ dục, nhiều lúc còn tiếc những vật mình có, nhiều lúc theo người không tự quyết định. Hoặc có lúc chẳng quan tâm đến Phật, Pháp, Tăng thật hay chẳng thật, chẳng quan tâm về sự không thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát, chẳng cầu nhân, chẳng cầu quả, chẳng cầu nhiều, chẳng cầu ít. Với sự đắc, thất không sanh lo mừng, thực hành phương tiện quấy hay chẳng thực hành phương tiện. Có chút ít Văn huệ lại nhiều khi quên mất, đầy đủ sự khổ, trí tuệ không thông lợi, ít nghĩ về Vô thượng Bồ Đề, chẳng siêng Tinh tấn, chẳng được tâm tin hiểu sâu xa, khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc sanh tâm điên đảo, bỏ thân sanh qua đời khác quên mất chánh niệm. Hoặc có khi sáng suốt, có khi mất sự sáng suốt, chẳng thể biết phương tiện thích nghi để điều phục chúng sanh. Hoặc có khi nói pháp nhưng chẳng hiểu đúng câu, nghĩa, văn tự, người nghe có kẻ tin nhận, như người nhắm bắn trong tối khi trúng khi không trúng. Phát Bồ Đề tâm hoặc thoái hoặc không, hoặc phá hỏng giới Bồ Tát đã thọ, hoặc chỉ muốn tự vui, chẳng vì chúng sanh, hoặc quan niệm lệnh lạc về quả báo, phước báo của Bồ Tát. Khi nghe pháp sâu có lúc sinh sợ, có lúc vui mừng, hoặc có lúc tin sâu, có khi nghi hoặc, chẳng thể tu tập về lòng Từ Bi, hoặc thí ít cho người, tâm sanh vui mừng cho là vừa đủ, không tướng Bồ Tát, không tướng trang nghiêm của một Bồ Tát, thấy mình cách xa với đạo vô thượng, chẳng thể đến nới đến chốn. Tâm nghĩ về Đại Niết bàn mà chẳng biết về danh tánh các pháp trợ Bồ Đề v.v. Còn có những tướng như vậy, gọi là Bồ Tát Tánh hạnh.

Bồ Tát Giải hạnh được ba đức nhẫn: bực hạ, bực trung, bực thượng. Khi được Hạ nhẫn tức đồng với tướng thượng nhẫn của hạnh dưới. Trung nhẫn là mức trung bình. Được Thượng nhẫn là đồng với tướng Hạ nhẫn của hạnh trên. Đến khi chứng được Hỷ hạnh là được chấm dứt tướng Nhẫn như vậy, chỉ một mực thiện. Vì đầy đủ thiện pháp cho nên gọi là Tịnh tâm.

Bồ Tát Giải hạnh tuy có ba bực nhẫn như trên nhưng chẳng thanh tịnh. Tại sao vậy? -Bởi khi thực hành ba pháp nhẫn, còn có các phần Hạ, Trung và Thượng, nên chẳng thanh tịnh. Khi trụ Hỷ hạnh đoạn hết các điều ác, thế nên thanh tịnh.

Lại nữa, khi trụ Hỷ hạnh, phát tâm Vô thượng Bồ Đề, tùy thuận người nói lại tùy mình tư duy, bởi hai nhân duyên này mà tâm được kiên cố, cho nên gọi là tịnh nguyện, lìa pháp thế gian, được pháp xuất thế, phá sự khổ của chúng sanh, hơn sự phát nguyện của Thanh văn, Duyên giác.

Đại Bồ Tát trong một niệm tâm phát nguyện, có thể được vô lượng vô biên công đức, nguyện này không động, không cùng, không lui, không đổi, tăng trưởng lẫy lừng, rốt ráo có thể chứng được Vô thượng Bồ Đề, mệnh danh là chơn nguyện.

Về chơn nguyện này, Bồ Tát có bốn điều để quán sát: Ai phát đạo tâm? Do gì phát tâm? Phát tâm là những tánh gì? Phát tâm có những công đức gì? Đó gọi là bốn.

Ai phát đạo tâm là: Sự thành tựu Giải hạnh, đủ công đức lành và khéo thực hành đạo Bồ Đề. Sự phát Bồ Đề tâm của chúng sanh cũng vậy.

Do gì phát tâm là sao? Nghĩa là đủ sự trang nghiêm về đạo Bồ Đề, làm lợi ích chúng sanh, tu vô lượng hạnh thuộc Vô thượng Bồ Đề, thành tựu đầy đủ tất cả pháp Phật, tất cả hạnh Phật. Đây gọi là nhân duyên. Do nhân duyên này mà phát Bồ Đề tâm. Tất cả những sự phát tâm đều nhằm trang nghiêm Vô thượng Bồ Đề. Tất cả công hạnh cũng đều là việc của đạo Bồ Đề, tùy thuận Nhứt thiết trí, tùy thuận tất cả Phật sự, xa lìa phàm phu, được mệnh danh là Bồ Tát danh tự, Bồ Tát danh tự lìa địa vị phàm phu, vào địa vị quyết định, sanh vào giòng giống Phật, được gọi Phật tử, nhứt định chứng quả Vô thượng Bồ Đề, được tâm đại Hỷ xả, xa lìa tâm tham vọng, ganh tỵ, sân hận, vì chúng sanh mà diễn nói đạo Vô thượng Bồ Đề, trang nghiêm đầy đủ tất cả pháp Phật, việc Phật, hạnh Phật, chứng được tâm Hỷ, được vui vắng lặng, xa lìa phiền não, thân được an lạc, thành tựu đầy đủ thiện pháp thanh tịnh, gần với Vô thượng Bồ Đề, chí tâm, tịnh tâm, vì hướng đi của Bồ Tát, lìa tất cả sợ sệt, được tâm Đại hỷ, phát tâm Bồ Đề sâu nặng, bỏ lìa năm thứ sợ sệt, tụ tập chướng vô ngã, rõ biết không ngã, sở hữu của ngã.

Bởi quán không ngã, sở hữu của ngã, cho nên chẳng tham chấp thân, do đó lìa mối lo sợ chẳng sống.

Chẳng tìm, chẳng cầu vật dụng người khác, dầu vật đáng giá, thường lập nguyện rằng “Làm sao cho tôi có thể đem lợi ích lớn cho khắp mọi người” do thế Bồ Tát bỏ lìa lo sợ bị mang tiếng xấu.

Vì lìa chấp ngã, chẳng thấy có ngã, do đó lìa bỏ mối lo sợ chết.

Vì dốc lòng biết rõ: “Tôi bỏ thân rồi thường cùng đi chung với Phật, Bồ Tát” Thế nên lìa mối lo sợ đọa ba đường ác.

Vì dốc lòng cầu pháp xuất thế gian, do đó bỏ lìa sợ sệt oai đức đại chúng.

Bồ Tát xa lìa các nỗi lo sợ như thế rồi, cũng được bỏ lìa mối sợ nghe nghĩa sâu xa, lìa tất cả tâm kiêu mạn và tâm nhiễu hại, lìa tâm vui mừng theo kiểu thế gian, được tâm thanh tịnh tâm không hư hỏng, được tâm vĩ đại, được tâm bất động. Được những tâm ấy cho nên siêng năng tinh tấn hành đạo, vì dốc lòng nghĩ đến Vô thượng Bồ Đề. Bởi dốc lòng tin, cho nên chuyên ròng siêng năng tu tập pháp Trợ Bồ Đề. Đây gọi là Hỷ hạnh.

Do trụ Hỷ hạnh tâm được thanh tịnh. Vì tâm thanh tịnh nên dốc lòng nghĩ đến việc cúng dường các đức Như Lai, thường nghĩ đến việc hộ trì chánh pháp, sự tăng trưởng pháp, hết lòng nghĩ đến điều phục chúng sanh, trụ thế giới Phật, gần gũi chư Phật, chí tâm nghe pháp, tịnh quốc độ Phật. Thường nghĩ đến chung hạnh với Phật, các vị Bồ Tát, các thiện tri thức. Vì lợi ích chúng sanh, mong chứng Vô thượng Bồ Đề để làm Phật sự.

Trong khi chưa được Vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát thường lập những nguyện như vậy, gọi là đại nguyện. Trăm ngàn vô lượng những nguyện như vậy gọi là thiện nguyện. Lập nguyện này rồi nơi đời hiện tại siêng tu tinh tấn. Vì tịnh Hỷ hạnh mà tu mười pháp. Mười pháp ấy là:

1.Tin tất các pháp Phật.

2.Do mười hai nhân duyên chúng sanh chịu khổ. Vì chúng sanh chịu khổ khiến được giải thoát mà tu Bi tâm.

3.Vì đem an vui cho khắp chúng sanh nên tu từ tâm.

4.Vì chúng sanh khổ mà không tiếc thân. Không tiếc thân mạng cho nên xả bỏ vật trong lẫn ngoài.

5.Vì lợi ích chúng sanh mà chịu thống khổ không hề hối hận.

6.Tâm không hối hận cho nên biết được sách vở, phương thuật thế gian.

7.Vì biết thế điển nên có thể biết được căn tánh khác biệt thuộc thượng, trung, hạ của các chúng sanh.

8.Tùy căn cơ của bực Hạ, Trung, Thượng mà đầy đủ hổ thẹn.

9.Tu những việc như vậy, tâm không lui sụt.

10.Được sức dõng kiện, nhận tài vật của người rồi xử dụng vào việc cúng dường tam bảo. Trên đây gọi là mười pháp.

Tóm lại, mười pháp này là: Lòng tin, lòng Bi, lòng Từ, bố thí, chẳng sầu, biết rõ thế điển, tùy thuộc thế gian, hổ với người, thẹn với mình, mạnh mẽ.

Đại Bồ Tát tu mười pháp này, vì trì giới mà thực hành chín cách quán sát đạo quả, công đức và mối lo ngại. Biết rồi có thể tu tập về đạo. Hết lòng thọ trì qua tất cả hạnh, được Vô thượng Bồ Đề, luôn luôn độ sanh nơi biển sanh tử, luôn luôn giáo hóa chúng sanh tu các hạnh lành. Bồ Tát bấy giờ trụ lực thiện hạnh là thấy vô lượng đức Phật, như chỗ nói về sự thấy, sự nghe trong Bồ Tát tạng. Bồ Tát lại biết vô lượng thế giới trong khắp mười phương, có vô lượng tên, có vô lượng Phật. Biết rồi chí tâm mong thấy và có thể thấy. Đây gọi là thiện nguyện.

Bồ Tát lại lập nguyện: “Nguyện tôi thường sanh nơi thế giới chư Phật, tùy nguyện vãng sanh”. Đó gọi là thiện nguyện. Bởi được sanh qua thế giới chư Phật, cho nên cũng được tùy sức cúng dường Phật, Pháp, Tăng bảo, nghe pháp thọ, trì, đúng như pháp trụ. Những thiện pháp đã tu, đều đem hồi hướng Vô thượng Bồ Đề, dùng bốn nhiếp pháp nhiếp lấy chúng sanh, do đó thiện pháp càng thêm lẫy lừng. Cúng dường Tam bảo, nhiếp lấy chúng sanh trong vô lượng kiếp, thanh tịnh thân tâm. Như sự luyện vàng trải qua nhiều lần, màu sắc của vàng càng sáng gấp bội. Tâm Bồ Tát cũng tương tợ như vậy. Vì tâm của người trong sạch cho nên thiện pháp quyết phải trong sạch.

Khi Đại Bồ Tát thọ lấy thân người, làm chuyển luân vương, làm vua bốn châu, được tùy ý tự tại, xa lìa sẻn tham và phá sẻn tham của các chúng sanh. Tạo pháp lành gì hoặc nhiều hoặc ít đều hồi hướng Đạo Vô thượng Bồ Đề, nguyện khiến chúng sanh, tất cả đều được lợi ích vô thượng.

Khi đó Bồ Tát bởi sự siêng năng tinh tấn thúc đẩy, bỏ ngôi xuất gia, trong khoảng một niệm có thể chứng đủ một trăm tam muội, một niệm thấy Phật trong trăm thế giới, cũng biết việc làm của trăm đức Phật, có thể làm rung chuyển thế giới của một trăm đức Phật, ánh sáng soi đầy một trăm thế giới, có thể làm thần thông một thân biến ra trăm thân, mỗi thân biến hóa đều biết những việc quá khứ vị lai trong một trăm kiếp, nhập trăm pháp môn ấm nhập giới môn, mỗi mỗi đều biết trăm số, mỗi mỗi đều hiện trăm người để làm quyến thuộc. Tất cả đều được thần thông v.v…

Khi Đại Bồ Tát trụ bực Hỷ hạnh, vì sức thệ nguyện nên có thể làm những sự thần thông như vậy, do đó Bồ Tát phát nguyện không thể nghĩ bàn.

Bồ Tát Hoan hỷ hạnh có sáu phát tâm: Vì phát thiện nguyện siêng tu tinh tấn. Vì tịnh các hạnh. Vì chứng các hạnh khác. Vì tịnh các thiện căn. Vì khéo ứng thân các cõi. Vì chẳng thể nghĩ bàn.

Hoan hỷ hạnh đây, như trong Thập trụ nói về Hoan hỷ Địa, Vì tự lợi gọi là Địa. Lợi tha gọi là Hạnh.

Bồ Tát Giới hạnh có những tướng nào?

-Những công đức gì Bồ Tát Hỷ hạnh đã có, Bồ Tát giới hạnh thảy đều đầy đủ, gồm có mười tịnh tâm. Đây là mười:

Tâm thanh tịnh, hết lòng cung kính vâng thờ các bậc sư trưởng. Hòa thượng, tôn túc kỳ cựu có nhiều đức độ, chẳng sanh khi dối.

Tâm thanh tịnh khi gặp Bồ Tát đồng hạnh, trước mở lời chào, nói năng mềm mỏng.

Tâm thanh tịnh thắng tất cả ma nghiệp phiền não.

Tâm thanh tịnh thấy các tội lỗi qua tất cả hạnh.

Tâm thanh tịnh thấy rõ công đức Niết Bàn.

Tâm thanh tịnh tu tập tất cả pháp trợ Bồ Đề phần.

Tâm thanh tịnh vì pháp trợ Bồ Đề mà tu tập vắng lặng.

Tâm thanh tịnh không bị pháp thế gian làm nhiễm ô.

Tâm thanh tịnh lìa Thanh văn thừa, ưa nghĩ về Đại thừa.

Tâm thanh tịnh thường nghĩ làm lợi ích chúng sanh.

Trên đây gọi là mười tịnh tâm.

Bởi đủ mười tâm thanh tịnh như thế, gọi là Giới Địa Hạnh.

Khi Bồ Tát trụ Giới Địa Hạnh là đầy đủ Tánh giới, chung đụng với giới tà nghiệp mà chẳng nhận, chẳng nhớ, chẳng sanh vui mừng. Những điều giới nhẹ còn chẳng làm hỏng, huống gì giới trung, giới thượng. Đủ mười pháp lành biết đâu là thiện, đâu là bất thiện, biết nghiệp lành, nghiệp dữ, nẻo lành, nẻo dữ, là thừa, phi thừa, nào nhân, nào quả thảy đều biết rõ. Vì biết rõ ràng cho nên Bồ Tát tự tu thập thiện, lại còn dạy bảo chúng sanh thực hành thập thiện. Nếu các chúng sanh do nhân duyên nghiệp ác, bị các khổ, Bồ Tát sanh tâm lân mẫn, tu tập đại bi, để phá nỗi khổ của các chúng sanh. Bồ Tát Giới hạnh thân được vắng lặng và tâm vắng lặng. Thân tâm vắng lặng thanh tịnh sáng suốt, tựa như vàng ròng lại được chất thuốc ca tư bà thoa vào, khi bỏ vô lửa càng thêm sáng sạch. Tâm lành của Bồ Tát và những pháp được tu cũng giống vậy.

Khi Bồ Tát trụ vào bậc Giới hạnh, nếu sanh ra đời là thường làm thân chuyển luân thánh vương làm vua trong toàn bốn châu thiên hạ, có thể chuyển hóa nghiệp ác hủy giới của nhiều chúng sanh, đặt để chúng sanh trong giới pháp lành. Ngoài ra, như đã nói ở bực Hoan hỷ hạnh. Lại như trong Thập trụ về Ly cấu địa, vì lìa tất cả cấu bợn hủy giới, cho nên gọi là Ly cấu địa. Vì dạy giới Bồ Tát mà gọi Giới hạnh. Nghĩa Ly cấu địa nói trong Thập trụ và Giới hạnh đây tương đương không khác.

Bồ Tát Tuệ Hạnh có những tướng gì?

Bồ Tát trụ bực Tuệ Hạnh được mười Tịnh Tâm, khởi quán như vầy:

Mười tịnh tâm của tôi không thoái không chuyển.

Đối với tất cả các pháp hữu lậu, tâm tôi chẳng sanh cam vui.

Với pháp hữu lậu, tôi nên ưu tu pháp môn đối trị.

Nơi sự đối trị này tôi không thoái chuyển.

Tất cả nghiệp ma phiền não hữu lậu, không một thứ nào mà tôi chẳng nhận ra và chẳng chiến thắng.

Vì sự tu tập cho nên tôi chẳng sanh tâm xả bỏ.

Tôi rất cam vui với những công hạnh của Phật, Bồ Tát.

Vì Đạo Bồ Đề của các đức Phật mà tôi tu hành các thứ hạnh khổ, không sanh chán nản.

Nay tôi dốc lòng nhớ nghĩ giáo pháp Đại thừa.

Tôi thường muốn làm lợi ích chúng sanh.

Trên đây là mười tịnh tâm.

Bồ Tát Tuệ Hạnh quán sát tất cả hạnh có vô lượng sự khổ chi phối. Khởi quán này rồi chẳng nhiễm các sự chi phối. Quán sát công đức và vô lượng phước hạnh của Trí tuệ Phật. Bồ Tát hết lòng nghĩ những công đức chư Phật đã có, được tín tâm lớn. Vì phá khổ não của khắp chúng sanh mà tu Bi tâm. Khéo nghĩ phương tiện vì khiến chúng sanh được sự giải thoát. Vì sự giải thoát quán pháp đối trị. Được pháp đối trị cho nên quán các thiện tam muội, thích nghe kinh điển thuộc tạng Bồ Tát, đã được nghe rồi siêng tu tinh tấn. Vì sự nghe pháp mà chẳng tiếc thân. Của cải trong ngoài đều đem cúng dường cha mẹ, hòa thượng, sư trưởng, tôn túc kỳ cựu đức độ. Vì chúng sanh mà chịu nhiều thứ khổ. Nếu như được nghe một chữ, một câu, một kệ, một nghĩa thuộc Bồ Tát tạng, tâm Bồ Tát vui, còn hơn được của trân quý đầy khắp đại thiên thế giới, còn hơn được thân Đế thích, Phạm vương, Ma vương hay Chuyển Luân vương.

Nếu có người bảo: “Ta có một chữ, một câu, một kệ, một nghĩa, đây là Phật nói. Nếu người có thể chịu khổ gieo mình vào hầm lửa lớn, ta nói cho người”.

Đại Bồ Tát nghe điều kiện này rồi, vui mừng nhận chịu, liền phát lời rằng: “Giả sử toàn cõi Đại thiên thế giới này đầy đặc lửa dữ, ta còn có thể đem thân ở vào trong ấy đến vô lượng kiếp, huống gì chút lửa”.

Khi đó Bồ Tát vì sự siêng tu tinh tấn, suy nghĩ như vậy: “Nếu được nghe nghĩa chân thật thì ta có lợi ích lớn. Phật pháp vô thượng chẳng phải bởi chữ hay câu mà có thể lợi ích”.

Bồ Tát vì muốn hiểu nghĩa chân thật, cho nên tu về Tứ Thiền, Tứ vô sắc định, Tứ vô lượng tâm và năm thần thông. Bởi tu thiền định cho nên Bồ Tát nguyện sanh cõi Dục, tu tập pháp Trợ Bồ Đề làm lợi ích chúng sanh. Dầu sanh cõi Dục song lại không bị Dục giới trói buộc. Trước hết là đoạn tham dục, giận dỗi, ngu si v.v…

Ví như vàng ròng được đem luyện nấu, sửa đổi nhiều lần vẫn không tổn giảm. Tu thiện căn trong sạch cho nên được thân thắng tốt của trời Đế Thích. Vì người thích dục hoại sự tham dục khiến được tư duy về các pháp lành. Vì khiến chúng sanh có thể hay biết hạnh nghiệp, thế giới và chúng sanh giới. Vì biết phương tiện khéo. Vì chúng sanh khổ khiến được giải thoát. Vì cúng dường cha mẹ, sư trưởng, hòa thượng và người có đức. Vì khiến chúng sanh ăn ở đúng cách. Vì được thiền định tam muội đứng đắn và các thần thông…Như trong Thập trụ, nói về Minh Địa Như Minh Địa trong Thập trụ, Tuệ hạnh đây cũng vậy, ngang nhau không khác.

Bồ Tát Trợ Bồ Đề hạnh có những tướng gì?

Bồ Tát Tuệ hạnh đã có mười pháp như trước đã nói. Trụ pháp như vậy tâm không hư hoại, tu tập trí tuệ, có thể vì chúng sanh diễn nói chánh pháp khiến được điều phục và được thuần phục, người đã thuần thục, vì họ nói pháp khiến được giải thoát, sanh chủng tánh Phật. Vì tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo và phương tiện khéo, xa lìa chấp ngã. Do phá chấp ngã mà dứt phiền não, được tâm an nhẫn, tâm nhu nhuyến, tâm thanh tịnh thuần thiện và tâm của vô lượng hạnh. Biết ơn, biết ơn, đầy đủ vô lượng thiện pháp trong sạch, càng siêng tinh tấn tu các nghiệp lành của bực địa thượng. Biết rõ pháp giới và chúng sanh giới. Tất cả kẻ ác, tất cả ác ma, quyến thuộc ác ma không thể đổi dời hay làm trở ngại hoặc làm hư hỏng tâm Bồ Tát này.

Ngoài ra như đã nói qua nơi các Hạnh trước.

Ví như tay thợ làm sâu chuỗi vàng, dễ khiến mọi người ham thích. Thiện pháp của Bồ Tát này cũng tự như vậy, không bị hàng Thanh văn, Duyên giác hay các hạng khác lay động.

Bồ Tát này sanh về Trời Dạ Ma, nhằm phá chấp ngã của chúng sanh nơi đó. Đây gọi là Bồ Tát Trợ Bồ Đề hạnh.

Vì muốn tu tập trí tuệ lợi ích. Vì tu tập ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, phá tất cả kiến chấp, tất cả mê lầm. Vì ngăn đóng tất cả ác nghiệp. Vì tăng trưởng thiện pháp. Vì làm cho quả địa được thanh tịnh, Bồ Tát tu tập Hạnh Trợ Bồ Đề.

Như trong Thập trụ nói về Diệm Huệ địa. Diệm Huệ địa với Trợ Bồ Đề hạnh này ngang nhau không khác. Tự lợi gọi là Địa. Lợi tha là Hạnh.

Bồ Tát Chung Thánh Đế Hạnh có những tướng gì?

Bồ Tát Đế Hạnh trước hết được mười pháp thanh tịnh. Vì sự thanh tịnh cực kỳ vĩ đại đối với bốn Chơn đế, cho nên gọi là Cộng Đế hạnh. (Chung Thánh đế hạnh).

Bồ Tát Đế hạnh thấy vô lượng thế giới, vô lượng đức Phật, quán bốn Thánh đế đều có mười hạnh. Nếu nói về sự khổ, vì cớ gì nói? Nói nhân duyên nào? Nói cách nào? Nói về những ai? Những điều như thế Bồ Tát đều biết một cách chơn thật.

Khổ đế như vậy, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế cũng vậy. Trong khi quán sát, biết những phương tiện của bốn Thánh đế, quán tất cả khổ, tất cả tội lỗi và những công đức của mỗi mỗi đế. Vì chúng sanh mà thêm lớn tâm Bi. Biết rõ nghiệp báo của các chúng sanh qua lại thế gian. Biết rõ đế lý (hữu vi) thế gian và biết rõ sự nhận chịu hậu quả bởi những pháp tà. Vì kẻ thực hành pháp tà mà nói môn giải thoát. Biết về những sự trang nghiêm, đầy đủ tâm ghi nhớ. Đủ tâm sáng tỏ và đủ phương tiện điều phục chúng sanh. Hiểu rõ tất cả phương thuật thế gian. Vì cảm hóa chúng sanh mà phá những thống khổ. Vì chứng Vô thượng Bồ Đề mà thường bố thí chúng sanh những vật cần dùng. Luôn luôn phá sự nghèo nàn khốn khổ của các chúng sanh. Biết rõ ý nghĩa Xứ chẳng phải xứ, phá thờ tự tà, chẳng chấp nhận lối hiểu biết điên đảo nghĩa Bồ Tát tạng, mà thuyết minh về đạo lý chân thật. Ngoài ra như các hạnh trên đã nói.

Ví như vàng ròng được cẩn trong các vật quý, giá trị của nó khó lường. Đại Bồ Tát này cũng vậy. Bao nhiêu thiện pháp đều hơn tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, hơn những Bồ Tát ở các Địa dưới.

Đại Bồ Tát ở bực Tuệ Hạnh (Đệ Tam địa), trí tuệ đã như ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng. Không ai có thể phá hoại che lấp, gió chướng Tỳ lam không thể đổi dời.

Bao nhiêu trí tuệ của Đại Bồ Tát Cộng Đế Hạnh này lại cũng như vậy và còn trỗi vượt hơn. Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác không thể làm cho nghiêng ngả, những gì thế pháp không thể phá hoại. Khi bỏ thân mạng, sanh nơi cõi trời Đâu Xuất, được đại tự tại và phá hỏng pháp tà, thành tựu vô lượng ức số phước đức, đầy đủ trí tuệ của Bồ Tát để tịnh hóa chúng sanh. Vì biết phương tiện nói về chơn đế. Vì xem sanh tử có sự khổ lớn. Vì muốn tăng trưởng về tâm Đại Bi. Vì muốn đầy đủ phước đức trang nghiêm. Vì phát nguyện lành. Vì làm cho tâm ghi nhớ, tâm thí xả và tâm sáng suốt thay đổi thêm lớn. Vì muốn tư duy các thứ thiện pháp. Vì muốn điều phục hạnh các chúng sanh. Vì dạy pháp phương tiện thế, xuất thế gian. Vì trong sạch các căn lành…Ngoài ra, như trên đã nói.

Như trong Thập trụ nói về Nan thắng Địa, Đế hạnh đây cũng vậy, ngang nhau không khác.

Bồ Tát Chung Thập Nhị Nhân Duyên hạnh có những tướng gì?

-Như trước đã nói sơ lược, Bồ Tát trụ hạnh Chung Thập nhị Nhân duyên, quán về tướng Đệ nhất nghĩa của tất cả pháp Đệ nhứt nghĩa là tướng KHÔNG của các pháp. Vì tất cả pháp đều không thể tuyên nói, cho nên gọi là không tướng. Không tướng là tướng không sanh, không diệt. Vì không sanh, không diệt, cho nên cái thấy Vô sanh là bình đẳng. Vô thỉ vô chung bình đẳng. Có và không bình đẳng. Không lấy không bỏ bình đẳng, như huyễn bình đẳng. Tánh không bình đẳng. Chẳng có, chẳng không bình đẳng.

Đại Bồ Tát trụ những sự bình đẳng đây rồi thêm lớn tâm đại bi, hết lòng nhớ pháp Bồ Đề, biết rõ chỗ xuất và chỗ hoại diệt của các thế gian, biết mười hai duyên, rõ biết các pháp vốn từ duyên sanh. Lại cũng biết rõ Từ mười hai nhân duyên, sanh ra ba giải thoát môn Không, Vô tướng, Vô nguyện. Vì tu tập ba giải thoát môn mà dứt hẳn tướng ngã, tướng sở. Đoạn hẳn tướng tác, tướng thọ. Đây gọi là Đệ Nhứt nghĩa. Vì chúng sanh mà chơn thật tư duy tánh chất phiền não bởi nhân duyên hòa hợp, không bền không chắc. Vì nhân duyên không chắc, cho nên pháp hữu vi mong manh, do đó không ngã và không ngã sở. Thành tựu đầy đủ vô lượng các khổ. Bồ Tát tự nghĩ: “Tôi có thể làm tan hoại tất cả các pháp hữu vi. Tuy có thể làm, nhưng tôi chẳng nên diệt hẳn. Tôi để pháp hữu vi là vì chúng sanh”. Khi khởi quán này liền được Tuệ hạnh vô ngại. Vì rõ Tuệ hạnh sáng suốt vô ngại, nên không trở ngại đối với tất cả các hạnh trong đời. Vì được Tuệ hạnh vô ngại cho nên gọi là Nhiếp lấy sức Nhân của Đệ Thất Địa.

Tu Hạnh Trợ Bồ Đề Chung pháp hữu vi đây, chẳng thích diệt hẳn các pháp hữu vi. Tuy chẳng diệt hẳn, cũng không nhiễm mắc. Lúc Bồ Tát tu về phương tiện này, liền chứng một vạn môn không tam muội, Vô tướng, Vô nguyện tam muội lại cũng như vậy. Bởi tu ba vạn môn tam muội cho nên tất cả ngoại đạo tà kiến, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác hay quyến thuộc của các thứ ác ma không thể lay động, không thể làm cho ngăn trở hư hoại. Ngoài ra như đã được nói ở các hạnh trên.

Ví như vua trời Đế tích và Chuyển luân vương đầu đội Kim quan có cẩn tạp bảo, là thứ chân bảo mà Chư Thiên, loài người đều rất ưa nhìn. Trí tuệ của Đại Bồ Tát này cũng vậy, đều được chư Phật và chư Bồ Tát mười phương ưa thấy. Lại như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, hơn hẳn tất cả mọi ánh sáng khác, trí tuệ Bồ Tát cũng lại như vậy.

Đại Bồ Tát trụ Hạnh Chung Thập nhị Nhân Duyên, vì khiến chúng sanh thấy sự bình đẳng các pháp. Vì biết mười hai nhân duyên được chứng giải thoát. Vì được ba giải thoát môn. Vì phá hỏng tất cả tướng tà. Vì biết phương tiện giáo hóa xoay chuyển sanh tử. Vì được trí tuệ vô ngại. Vì được hạnh sáng suốt vô ngại. Vì được vô lượng môn tam muội. Vì không phá, không động. Vì thêm lớn thiện pháp. Vì làm trong sạch các cõi. Ngoài ra, như trong Thập trụ nói về Hiện Tiền Địa. Trong Thập trụ nói và chỗ nói nơi đây ngang nhau không khác.

Bồ Tát Hành Hạnh có những tướng gì?

-Khi Đại Bồ Tát được Hạnh Trợ Bồ Đề, sự tu hành đầy đủ, có thể chứng vô lượng tam muội có sự chung cùng đối với thế gian và chẳng chung thế gian. Vì được đầy đủ cho nên vào hạnh thứ bảy.

Bấy giờ Bồ Tát được sức đại tự tại đối với các pháp thế gian, dốc lòng nghĩ về Từ Tâm. Sự trang nghiêm về công đức, trang nghiêm về Đạo Bồ Đề thảy đều tăng trưởng. Chỗ chứng ngộ về pháp Trợ Bồ Đề của Bồ Tát này chẳng cùng với Thanh Văn, Duyên giác. Biết được pháp giới, biết chúng sanh giới, thế giới, và biết thâm tâm Phật. Khi Bồ Tát này đầy đủ các thứ công đức như vậy, biết cảnh giới Phật không tướng, không nghiệp và không giác tri, thấy được vô lượng quốc độ chư Phật, trong tất cả động tác đi, đứng, ngồi, nằm đều không mất đạo tâm. Khi đó Bồ Tát trong mỗi mỗi niệm thêm lớn mười ba la mật, thành tựu đầy đủ pháp trợ Bồ Đề.

Khi trụ Hoan hỷ hạnh, sự phát nguyện của Bồ Tát chỉ mới là nhân duyên. Trụ hạnh thứ hai (giới hạnh), là nhân duyên xa lìa tất cả sự hủy giới. Trụ hạnh thứ ba (Tuệ hạnh) là thêm lớn thiện nguyện và được pháp sáng suốt. Trụ hạnh thứ tư (Trợ Bồ Đề hạnh) là nhân duyên lìa các tướng đạo. Trụ hạnh thứ năm (Cộng Thánh Đế hạnh) là lìa chướng ngại sự học phương tiện thế gian. Trụ hạnh thứ sáu (Cộng Thập Nhị nhân duyên hạnh) được vào nghĩa thâm sâu. Đến hạnh thứ bảy (Hành hạnh) là tăng trưởng sự hướng đến tất cả pháp Phật, tăng trưởng đầy đủ pháp Trợ Bồ Đề, thế nên Bồ Tát lần lượt sẽ được Tịnh hạnh là hạnh thứ tám (Vô tướng hạnh). Vì sự trong sạch đã được hoàn tất cho nên gọi là Tịnh hạnh. Ở đệ thất hạnh vì còn xen tạp cho nên chẳng gọi là Tịnh hạnh.

Khi trụ Đệ thất hạnh đây đoạn các phiền não, lại cũng chẳng gọi là lìa phiền não. Nghĩa là: Phiền não chẳng khởi nên chẳng gọi là đi đôi (tương ứng), vì chưa được quả Phật cho nên chẳng được gọi là lìa. Nhưng đến địa vị này, ba nghiệp đã được thanh tịnh, biết rõ tất cả phương tiện và học thuật thế gian, có thể làm thầy cho hàng trời, người trong toàn cả cõi Đại thiên thế giới. Chỉ trừ Bát địa, ngoài ra chúng sanh trong khắp đại thiên thế giới, không ai có thể có tâm ngang hàng với Bồ Tát này. Lại cũng trừ Bát địa Bồ Tát, bực Thất địa này có thể tự do xuất nhập vô lượng pháp môn, lìa hẳn con đường của Thanh Văn, Duyên Giác. Đây gọi là bực “Thanh tịnh thân, khẩu, ý nghiệp” cũng vẫn tu tập về đạo Bồ Đề không biết chán đủ, có thể chứng quả Vô thượng Bồ Đề, vì chúng sanh mà nói pháp hữu vi lìa tất cả tướng mạo thuộc thân, miệng, ý, được pháp nhẫn sâu, không sanh không diệt.

Khi thực hành hạnh thứ sáu vào Diệt tận định. Qua đến hạnh này, tuy niệm niệm diệt nhưng không thủ chứng Niết bàn, do đó mệnh danh chẳng thể nghĩ bàn. Dầu cùng chúng sanh tu hạnh Bồ Đề nhưng chẳng bị pháp thế gian làm cho ô nhiễm. Ngoài ra, như đã được nói ở các hạnh trước.

Đại Bồ Tát tu ba giải thoát môn điều phục chúng sanh, chẳng để cho họ ở vào địa vị Thanh Văn, Duyên giác. Điều phục chúng sanh khiến lìa ngũ dục, dứt các tà kiến. Khi tu như vậy, tất cả thiện pháp ngày càng tăng trưởng, tâm của Bồ Tát không ai có thể phá hoại lay động.

Ví như vàng ròng, được cẩn vào giữa các thứ báu vật, giá trị khó lường, vô biên không thể tính kể.

Lại như ánh sáng mặt trời, tất cả chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, ánh sáng trí tuệ của Bồ Tát này lại cũng như vậy.

Đại Bồ Tát tu tập hạnh này vì khiến chúng sanh được vô lượng ức các môn tam muội. Vì phá tất cả những tâm chấp tướng. Vì được phương tiện khéo tu đạo quả. Vì thấy thế giới Phật được chứng giải thoát. Vì có thể nhập các pháp môn rất sâu. Vì được đầy đủ pháp Trợ Bồ Đề. Vì đoạn hẳn tịnh bất tịnh pháp. Vì trang nghiêm đầy đủ về đạo Bồ Đề. Vì tịnh tam nghiệp. Vì biết rõ tất cả phương thuật thế gian. Vì chứng vô lượng pháp môn và các tam muội chẳng đồng chung với Thanh Văn, Duyên Giác.

Ngoài ra như trong Thập trụ nói về Viễn hành địa. Về nghĩa Viễn hành địa và Hành hạnh đây ngang nhau không khác.

Bồ Tát Vô tướng hạnh có những tướng gì?

-Khi Đại Bồ Tát trụ bực thứ nhứt (Hỷ hạnh), đã được pháp hạnh, biết nghĩa các pháp và biết sự không sanh không diệt trong ba đời. Quá khứ chẳng sanh, vị lai chẳng diệt. Hiện tại không tướng. Vì không nhân duyên cho nên chẳng sanh chẳng diệt. Do đó tướng Đệ nhứt nghĩa chẳng thể tuyên nói, chẳng thể tuyên nói về Pháp, còn pháp có thể nói, là phần tướng lan rộng. Tuy có thể lan rộng nhưng thật sự ra vốn không có tánh. Vì tánh không có tướng cho nên không nhân, không quả. Nhưng tánh “bất khả thuyết” này, chẳng thể bảo nó là không. Tại sao vậy? -Vì nó thể diễn bày bởi ngôn thuyết. Nếu tánh có thể nói là có tướng, đó gọi là tướng tà. Nếu có vật gì không thể nói được, tức không có sự khác nhau ở ban đầu, chặn giữa và rốt sau. Vì lẽ ấy trong tất cả thời gian phiền não chẳng thể chi phối, vào đúng pháp giới, không sự tư duy, tâm được bình đẳng, vì đã lìa khỏi lưới si mê, Bồ Tát đầy đủ mười thứ sáng suốt như vậy rồi nhập Đệ Bát hạnh.

Khi Đại Bồ Tát trụ vào hạnh này liền được sự vắng lặng của vô sanh pháp nhẫn. Lại có bốn sự suy cầu về tất cả pháp, có bốn chơn trí biết tất cả pháp. Vì sự cầu biết, cho nên có thể đoạn hết tất cả tà nghiệp v.v…vì đoạn tà nghiệp cho nên thấy các phiền não chẳng còn tái sanh. Tại sao vậy? -Vì đã qua rồi. Lại thấy tất cả phiền não chẳng diệt. Vì sao thế? -Vì không nhân sanh lại thấy hiện tại chẳng phát khởi những kiết sử phiền não, vì chẳng tập nhân vậy.

Bốn sự suy cầu như đã nói trong phần nghĩa chơn thật. Bốn chơn trí cũng được nói trong phần Giải hạnh. Đệ Bát hạnh này gọi là Pháp nhẫn vắng lặng, bởi vì Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn. Vì chứng vô sanh pháp nhẫn cho nên được chỗ rất sâu của Bồ Tát hạnh. Khi trụ vào hạnh rất sâu xa này, Bồ Tát tu hành diệu hạnh vô tướng. Nếu Bồ Tát có những mối lo ngại hay tướng vô minh vi tế nào, thì đến địa này Bồ Tát đều xa lìa. Do thế hạnh này gọi là vắng lặng.

Bồ Tát trụ hạnh sâu thẳm này rồi, bèn thích ở luôn nơi giòng pháp trí (nhập hẳn Niết bàn). Bấy giờ vô lượng Đức Phật đều cùng hiện thân an ủi khuyến phát. Do sự khuyến phát cho nên Bồ Tát khởi nhập pháp môn, vì chứng pháp môn, cho nên lại được mười tâm tự tại như trên đã nói. Vì được sức tự tại nên Bồ Tát này nếu muốn trụ kiếp lâu dài hay kiếp ngắn ngủi đều được tùy ý. Muốn nhập định nào tùy ý được nhập. Muốn làm hạnh nào là tùy ý thực hành. Trong khoản một niệm muốn cầu việc gì, có thể được ngay. Muốn biết tất cả phương tiện thế gian có thể biết rõ. Muốn sanh chỗ nào là tùy ý sanh. Muốn thị hiện ra sức thần thông gì liền có thể thị hiện. Muốn lập thệ nguyện gì, đều có thể như ý. Muốn khởi quán hạnh nào, liền có thể tùy ý thành tựu. Muốn biết pháp giới, tức có thể biết. Muốn biết văn tự, lời lẽ, câu nghĩa, những chỗ đúng pháp, sai pháp v.v… Liền có thể biết rõ ràng. Đây mệnh danh là công đức tự tại của Đại Bồ Tát ở Đệ Bát Địa. Trong mỗi mỗi niệm thường thấy chư Phật…Ngoài ra như đã lược nói ở các địa trên. Những ví dụ vàng và ví dụ mặt trời lại cũng như vậy.

Khi Đại Bồ Tát trụ nơi hạnh này, vì phá chấp tướng của chúng sanh. Vì nhận thức chơn thật về Đệ Nhứt nghĩa. Vì được trí tuệ chơn thật. Vì được vô sanh vắng lặng. Vì biết hạnh rất thẳm sâu. Vì trụ vào giòng pháp. Vì vào pháp môn của Phật. Vì nhập pháp môn chẳng thể nghĩ bàn. Vì đối với Phật pháp tâm không hư hỏng, chẳng thể lay động. Vì được vô lượng thần túc. Vì được mười thứ tự tại. Vì được mười món công đức tự tại. Vì làm cho căn lành vắng lặng. Vì đối với các cõi được tự do sanh đến…

Ngoài ra, có những pháp khác như trong Thập trụ nói về Bất động địa. Bất động địa và Vô tướng hạnh này ngang nhau không khác.

Bồ Tát Vô ngại hạnh có những tướng gì?

-Đại Bồ Tát đã thực hành công hạnh rất là sâu xa không biết chán đủ, tu huệ vô thượng đủ tất cả pháp, vì chúng sanh mà nói ra giáo pháp. Rõ biết pháp giới. Pháp giới nghĩa là cấu uế phiền não đã hết. Những gì cấu, tịnh đều biết rõ ràng và nói được tất cả những pháp như vậy. Đây mệnh danh là Bực Đại Pháp sư, là bực thành tựu vô lượng môn đà la ni, biết phương tiện nói không cùng tận về lời, về nghĩa, thọ pháp, trì giới, tùy niệm chúng sanh vì đó diễn nói, phi thời chẳng nói, tùy sự ưa thích của chúng sanh mà nói. Đây gọi là bốn trí vô ngại của Bồ Tát Vô ngại hạnh. Ngoài ra, những công đức khác như trên đã nói.

Đại Bồ Tát trụ nơi hạnh này, vì các chúng sanh nhập sự vắng lặng. Vì các chúng sanh mà biết pháp giới. Vì các chúng sanh làm đại pháp sư chẳng thể nghĩ bàn. Vì tăng trưởng Phật pháp. Như trong Thập trụ thuyết minh rộng rãi về Thiện Huệ địa. Nhằm khiến chúng sanh được sự an vui, Đại Bồ Tát trụ Vô ngại hạnh, cùng với nghĩa Thiện Huệ địa ngang nhau không khác.

Bồ Tát trụ Bồ Tát hạnh có những tướng gì?

Đại Bồ Tát tịnh Vô ngại hạnh rồi, muốn trở thành một đấng pháp vương, cho nên nhập tam muội thanh tịnh, muốn được đầy đủ Nhứt thiết chủng trí, chỗ chứng pháp môn và tam muội sau cùng đồng với chư Phật, cùng Phật ngồi chung, làm tất cả hạnh, rõ tất cả pháp, biết phương tiện giải thoát, biết sở hành của Phật, biết vô tận môn đà la ni giải thoát, biết sức nghĩ nhớ cực đại, biết đại thần thông, thiện căn vắng lặng, biết sự tịnh hóa các cõi v.v… Ngoài ra như trong Thập trụ nói về Pháp vân địa, đầy đủ trang nghiêm về đạo Bồ Đề và hạnh Bồ Tát.

Bực Phát vân địa Bồ Tát cùng chư Phật chung chứng Bồ Đề rồi, thí khắp chúng sanh vô lượng mưa pháp, mưa pháp như vậy hay khiến chúng sanh lắng đọng tất cả phiền não trần ai, làm nẩy mầm mọng hạt giống pháp lành, làm tăng mầm lành và làm thành thục căn lành sẵn có. Do vậy địa này gọi là Pháp vân địa, cũng bởi nghĩa đây mà mệnh danh là Bồ Tát hạnh. Nếu nói về công đức của Pháp vân địa, thì công đức của bậc trước không có.

Bồ Tát tu mỗi mỗi hạnh, phải trải qua thời gian vô lượng na do tha kiếp và phải đầy đủ ba a-tăng-kỳ đại kiếp mới chứng được hết tất cả các hạnh.

A-tăng-kỳ đại kiếp thứ nhứt được bực Giải hạnh (các quả vị Tam hiền) Qua Giải hạnh rồi đến đầu a-tăng-kỳ kiếp thứ hai chứng được Hỷ hạnh (sơ địa) Qua Hỷ hạnh rồi cũng cứ tu hành mải miết cho đến Vô tướng hạnh (đệ Bát địa). Đến Vô tướng hạnh là mãn a-tăng-kỳ đại kiếp thứ hai, đến đây Bồ Tát chứng Vô tướng hạnh, được gọi là Hạnh quyết định. Qua khỏi Vô tướng hạnh được Vô ngại hạnh, qua Vô ngại hạnh được Bồ Tát hạnh.

A-tăng-kỳ có hai cách gọi: Một là đại kiếp a-tăng-kỳ. Hai là trung kiếp a-tăng-kỳ. Không thể đếm xiết gọi là a-tăng-kỳ. Sự tu hành của Bồ Tát là a-tăng-kỳ đại kiếp (vô số đại kiếp).

Nếu Bồ Tát siêng năng tinh tấn, có thể đổi a-tăng-kỳ trung kiếp, chẳng thể đổi đại kiếp.

Đại Bồ Tát tu tập các hạnh như vậy, luôn luôn phá phiền não và sở tri chướng. Khi trụ Vô tướng hạnh là dứt tất cả phiền não về phần thô tướng. Khi trụ các hạnh sau là dứt tất cả tập khí phiền não (còn gọi là căn bản vô minh), cho nên gọi là Như Lai hạnh.

Sở tri chướng có ba lớp, cũng ví như lớp da ngoài, lớp da trong và lớp xương tủy.

Khi chứng Hoan hỷ địa là mới đoạn món chướng da ngoài. Chứng Vô tướng hạnh có thể đoạn món chướng da trong. Đến khi chứng Như Lai hạnh là chấm dứt hoàn toàn lớp chướng trong xương tủy.

Đầy đủ những hạnh trên, được mười một sự thanh tịnh:

Hạnh thứ nhứt được Tánh tịnh.

Hạnh thứ hai được Giải tịnh.

Hạnh thứ ba được Tâm tịnh.

Hạnh thứ tư được Giới tịnh.

Hạnh thứ năm được Nguyện tịnh.

Hạnh thứ sáu được Trí trang nghiêm tịnh.

Hạnh thứ bảy được Trí trang nghiêm tịnh.

Hạnh thứ tám được Trí trang nghiêm tịnh.

Hạnh thứ chín được đủ trang nghiêm Bồ Đề tịnh.

Hạnh thứ mười được Trí chơn thật tịnh.

Hạnh thứ mười một được Trí vô ngại tịnh.

Hạnh thứ mười hai. Nhứt thiết trí tịnh.

Hạnh thứ mười ba. Tập khí tịnh.

Hạnh thứ nhứt, thứ hai nhờ nghe tạng pháp Bồ Tát được sanh tín tâm.

Hạnh thứ ba, dốc lòng lập nguyện tu tập nguyện khác.

Hạnh thứ tư, thứ năm, thứ sáu là biết rõ tướng các pháp.

Hạnh thứ bảy đến hạnh thứ mười là sự vắng lặng tất cả hạnh, là sự rốt ráo nhân quả của tất cả hạnh.

Thanh Văn thừa cũng có mười hai hạnh:

Có tánh Thanh văn là hạnh thứ nhứt.

Nếu được pháp thứ nhứt về thế gian, gọi là hạnh thứ hai.

Được nhẫn pháp Khổ là hạnh thứ ba.

Được bốn tín tâm, được giới trong sạch là hạnh thứ tư.

Đúng theo giới trụ, pháp được tăng trưởng là hạnh thứ năm.

Quán Tứ thánh đế là hạnh thứ sáu, thứ bảy thứ tám.

Tu Vô tướng tam muội là hạnh thứ chín.

Thành tựu đủ ba môn tam muội là hạnh thứ mười.

Chứng được giải thoát là hạnh thứ mười một.

Quả vị A la Hán là hạnh thứ mười hai.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy