× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ hai mươi ba…Như pháp trụ Định Tâm

Đại Bồ Tát thương xót chúng sanh, có bảy điều. Thế nào là bảy?

1.Không e sợ.

2.Chân thật.

3.Không âu sầu.

4.Không mong cầu.

5.Không đắm mến.

6.Quảng đại.

7.Bình đẳng.

-Đại Bồ Tát thương xót chúng sanh. Vì không e sợ mà tu ba nghiệp lành thuộc thân, miệng, ý để phá các nghiệp dữ của chúng sanh. Gọi là không e sợ.

-Đại Bồ Tát thương xót chúng sanh, chẳng phải bởi phiền não ái nhiễm, chẳng ở trái phép, trái luật, chẳng nói hư vọng, chẳng dạy bảo bằng những điều phi lý. Đây gọi là chân thật.

-Đại Bồ Tát bởi tâm thương xót, vì chúng sanh mà siêng tu khổ hạnh, tâm không lo buồn, tâm không hối hận, gọi là chẳng âu sầu.

-Dầu cho tất cả chúng sanh chẳng cầu, chẳng khẩn, Bồ Tát tự mình tu tập lòng từ. Đây gọi là không mong cầu.

-Khi Đại Bồ Tát tu tâm thương xót đối với chúng sanh, Bồ Tát không có một chút lòng tham, không lòng tham là không cầu báo ơn, không cầu quả báo bởi lòng Từ bi. Gọi là không đắm mến.

-Đại Bồ Tát tu hạnh Từ Bi, giả sử chúng sanh đánh mắng, làm hại, Đại Bồ Tát vẫn không vì đó mà xả bỏ lòng Từ. Đây gọi là quảng đại.

-Đại Bồ Tát tu tập lòng Từ, chẳng phải chỉ vì một số chúng sanh mà vì vô lượng, vô biên chúng sanh trong vô lượng pháp giới. Đây gọi là bình đẳng.

Bảy pháp là như vậy.

Bồ Tát đầy đủ bảy pháp trên đây. gọi là Bồ Tát hết lòng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đây có 15 điều:

1.Vô thượng tịnh.

2.Như pháp tịnh.

3.Ba la mật tịnh.

4.Chơn thật nghĩa tịnh.

5.Bất khả tư nghị tịnh.

6.An ổn tịnh.

7.Lạc tịnh.

8.Bất phóng tịnh.

9.Kiến cố tịnh.

10.Bất cuống tịnh.

11.Bất tịnh tịnh.

12.Tịnh tịnh.

13.Thiện tịnh.

14.Điều phục tịnh.

15.Tánh tịnh.

-Đại Bồ Tát hết lòng nghĩ đến Tam Bảo, gọi là vô thượng tịnh.

-Bồ Tát thọ giới Bồ Tát rồi, dốc lòng bảo trì không để hủy phạm, gọi là như pháp tịnh.

-Đại Bồ Tát dốc lòng tu tập năm pháp ba la mật, mệnh danh là ba la mật tịnh.

-Đại Bồ Tát dốc lòng rõ biết pháp giới vốn không bản ngã, sở hữu của ngã. Vì sự lan rộng mà gọi là Ta hoặc gọi là người…Thông đạt rõ ràng nghĩa lý rất sâu của 12 phần giáo, nghĩa lý rất là đệ nhứt nghĩa. Đệ nhứt nghĩa gọi là Chơn thật nghĩa tịnh.

-Chư Phật, Bồ Tát không thể nghĩ bàn, từ khi xuất thế cho đến Niết Bàn, mệnh danh là bất khả tư nghị tịnh.

-Bồ Tát hết lòng tu tập tâm Bi, đem lại an lạc cho khắp chúng sanh, gọi là an ổn tịnh.

-Đại Bồ Tát vì những chúng sanh khổ mà tu lòng Từ, làm cho số đó đều được sung sướng, gọi là Lạc Tịnh.

-Đại Bồ Tát vì các chúng sanh tu tập lòng Từ Bi nhưng chẳng có tâm mong cầu cúng dường, chẳng mong quả báo hay cầu báo ơn, cũng không để mặc chúng sanh làm ác. Đây gọi là bất phóng tịnh.

-Đại Bồ Tát vì Vô thượng Bồ Đề, tâm người vững vàng không thể phá hoại. Gọi là kiên cố tịnh.

-Đại Bồ Tát trong vô lượng đời, hết lòng tu tập hạnh lành của hạnh Bồ Đề. Hạnh Bồ Đề và đạo Bồ Đề như vậy chẳng hề luống dối, gọi là bất cuống tịnh.

-Đại Bồ Tát trong khi chưa được địa vị hiểu ngộ, mệnh danh là bất tịnh tịnh.

-Đại Bồ Tát trụ bực Cứu cánh địa tu Bố thí ba la mật, trì giới ba la mật. v.v. gọi là thiện tịnh.

-Đại Bồ Tát vì muốn được Tịnh tâm địa mà hàng phục tâm mình, gọi là điều phục tịnh.

-Đại Bồ Tát trụ vào tịnh tâm địa hay Cứu cánh địa, gọi là Tánh tịnh. Tánh tịnh là không phải nhờ tu tập sau đó mới thanh tịnh, mà là thể tánh tự nó vốn như vậy. Vì thân và tâm cả hai đều tịnh, cho nên gọi là tánh tịnh.

-Bồ Tát đầy đủ 15 pháp như trên, có thể làm thành mười việc:

1.Bồ Tát do vô thượng tịnh cho nên siêng năng cúng dường Tam Bảo, cúng dường Tam Bảo là sự trang nghiêm căn bản hơn hết của đạo Bồ Đề.

2.Bồ Tát nhơn Thọ trì tịnh (như pháp tịnh) mà luôn luôn thọ trì giới cấm của Bồ Tát, đến đỗi xả bỏ thân mạng, trọn không hủy phạm, nếu mất chánh niệm hủy phạm giới cấm tức liền sám hối.

3.Bồ Tát nhơn ba la mật tịnh, thường siêng tu tập tất cả thiện pháp, trở thành không buông lung.

4.Bồ Tát nhơn chơn thật nghĩa tịnh, vì chúng sanh mà trôi lăn trong sanh tử, dầu có phiền não, trọn không vì đó mà quên mất tâm vắng lặng (Niết bàn tâm).

5.Bồ Tát nhơn bất khả tư nghị tịnh, làm cho chúng sanh đối với Phật pháp, được lòng tin rộng lớn và tu tập đạo quả.

6.Bồ Tát nhơn an ổn định, Lạc tịnh, bất phóng tịnh, thành tựu đầy đủ sự lợi ích chúng sanh, mà tâm Bồ Tát vẫn không sầu lo hối tiếc.

7.Bồ Tát nhơn kiên cố tịnh, siêng tu tinh tấn, phá bỏ lười biếng và trở thành không buông lung.

8.Bồ Tát nhơn bất cuống tịnh, tức có thể được Vô thượng Bồ Đề, pháp lành thêm lớn và sự tu hành không biết chán nản.

9.Bồ Tát nhơn điều phục tịnh, Tánh tịnh mà luôn luôn dùng Vô thượng Bồ Đề giáo hóa chúng sanh, đem sự an ổn thí khắp trời người và tất cả chúng sanh.

10.Bồ Tát nhơn Tánh tịnh nhiếp cả ba tịnh. Ba tịnh là bất tịnh tịnh, Tịnh tịnh và Thiện tịnh.

Chư Phật và chư Bồ Tát quá khứ, vị lai, hiện tại chứng Vô thượng Bồ Đề, hoặc đã được, hoặc đang được, không một vị nào chẳng do mười lăm tịnh pháp này mà được Vô thượng Bồ Đề.

Nếu có thuyết nào nói rằng Bồ Tát lìa mười lăm pháp này vẫn được Vô thượng Bồ Đề, điều ấy không thể nào có.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy