Đại Bồ Tát tại gia hay xuất gia đều có bốn pháp, người có khả năng tu học là được ngay hạnh Vô thượng Bồ Đề và thể hiện sự thương xót chúng sanh bằng những phương tiện thiện nghiệp. Phương tiện thiện nghiệp là: Vì Bố thí ba la mật mà tu các hạnh như sau:
Hạnh từ thiện.
Hạnh chuyên tâm.
Hạnh thường hằng.
Hạnh trong sạch.
1.Hạnh từ thiện: Bố Tát có nhiều tiền của trong khi cấp thí, có người cầu xin, Bồ Tát chẳng hề để ý là kẻ biết ơn hay kẻ vô ơn, chẳng thấy ruộng phước hay không phải ruộng phước. Dầu có Trời, người, dầu có sa môn hay ba la môn cũng không làm trở ngại hư hỏng quyết tâm bố thí của Đại Bồ Tát. Đây gọi là Hạnh Từ thiện.
2.Hạnh chuyên tâm: Khi Bồ Tát bố thí, có kẻ tìm cầu, Bồ Tát xả bỏ vật bên trong thân và vật ngoài thân, bố thí tất cả tâm không tham lẫn. Đây gọi là Hạnh chuyên tâm.
3.Hạnh thường hằng: Khi Bồ Tát bố thí, có người tìm đến cầu xin, Bồ Tát chẳng xem nay là đúng lúc hay không đúng lúc, mà tùy được tùy thí. Đây gọi là Hạnh thường hằng.
4.Hạnh trong sạch: Khi Bồ Tát bố thí, có người đến cầu xin, Bồ Tát chẳng vì danh dự, tiếng khen, lại cũng chẳng vì sự vui cõi trời mà làm việc cấp thí, như đã nói trong phẩm Bố thí độ. Đây gọi là Hạnh trong sạch.
Về Bố thí ba la mật có bốn pháp trên. Đến như Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát Nhã ba la mật cũng đồng có đủ bốn tướng như vậy.
Thế nào phương tiện hay khéo của Bồ Tát?
-Nếu như có người manh tâm phá hoại Phật pháp, vì điều phục họ Bồ Tát thực hành phương tiện hay khéo. Vì khiến cho người vào cửa Phật pháp, Bồ Tát thực hành phương tiện hay khéo. Dầu người đã vào ngưỡng cửa Phật pháp, nếu chưa thuần thục, Bồ Tát thực hành phương tiện hay khéo làm cho thuần thục. Người đã vào cửa và đã thuần thục Bồ Tát thực hành phương tiện hay khéo, làm cho kẻ ấy chứng quả giải thoát.
Bồ Tát thực hành phương tiện hay khéo bằng cách áp dụng y học thế gian, kỹ thuật khoa học và các môn luận lý.
Vì muốn hết lòng thọ giới Bồ Tát, kiên trì chẳng phạm, Bồ Tát thực hành phương tiện hay khéo, phương tiện thiện nguyện, phương tiện của Thanh văn thừa, của Bích Chi Phật thừa và phương tiện của Đại thừa.
Mười phương tiện này có thể tạo thành năm sự. Bốn phương tiện đầu là sự lợi ích chúng sanh. Phương tiện kỹ thuật thế gian là phá các luận thuyết tà kiến.
Bồ Tát thọ trì giới cấm của Bồ Tát, trọn không hủy phạm. Giả sử có phạm cũng theo chỗ phạm mà làm pháp sám hối, khéo dùng phương tiện phát những thiện nguyện, do đó tùy chỗ sự việc mong muốn liền có thể được đúng như sở nguyện.
Phương tiện tam thừa của Đại Bồ Tát là tùy căn cơ, trình độ chúng sanh mà giảng chánh pháp, cho nên mười phương tiện như trên của Bồ Tát (từ câu: Có người manh tâm….đến phương tiện Đại thừa) có thể tác thành năm việc (bốn hạnh phương tiện và phá các tà kiến), do năm việc này Bồ Tát đầy đủ tánh cách quyết định, có thể đạt được kết quả mọi việc thế gian trong khi hiện tại hoặc thuở vị lai.
Thế nào là sự lợi ích tha nhân của Bồ Tát?
-Như trong phẩm Tứ nhiếp đã nói đủ.
Thế nào là sự khéo phát nguyện của Bồ Tát?
-Phàm tất cả những sự nghiệp lành nào Bồ Tát đã tu, Bồ Tát đã làm trong thuở quá khứ, hiện tại, vị lai, Bồ Tát chẳng cầu thành quả gì khác, mà chỉ cầu quả Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là sự khéo phát nguyện.
Khi Phật thuyết giới cho người xuất gia và người tại gia, tất cả sự thuyết giới ấy đều là nhiếp lấy bốn sự như trên. Nếu các Bồ Tát xuất gia, tại gia quá khứ, vị lai, hiện tại, những ai thọ trì giới cấm Bồ Tát, tất cả đều sẽ chứng được Vô thượng Bồ Đề. Bồ Tát xuất gia hơn Bồ Tát tại gia. Vì sao thế? -Bồ Tát xuất gia gặt hái tất cả kết quả cấm giới của Bồ Tát. Tại gia Bồ Tát chẳng được tất cả giới cấm của Bồ Tát.
Xuất gia Bồ Tát có thể thực hành phạm hạnh vắng lặng thanh tịnh. Bồ Tát tại gia khó nổi, hoặc chẳng thể tu phạm hạnh vắng lặng.
Bồ Tát xuất gia có thể tu tập 37 phẩm trợ đạo.
Bồ Tát tại gia chẳng hay tu hành 37 phẩm trợ đạo.
Bồ Tát xuất gia giải thoát tất cả sự việc thế gian. Bồ Tát tại gia còn bị sự việc thế gian ràng buộc.
HẾT QUYỂN BẢY
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|