× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ mười chín…Những pháp trợ Bồ đề khác

Thế nào là Đà la ni của Bồ Tát?

-Đà la ni có bốn thứ:

1.Pháp Đà la ni.

2.Nghĩa Đà la ni.

3.Từ Đà la ni.

4.Nhẫn Đà la ni.

Pháp Đà la ni: Tâm của Bồ Tát được sự nhớ nghĩ. Nhờ sức nhớ nghĩ cho nên Bồ Tát được trí tuệ lớn, do sức trí tuệ lớn cho nên Bồ Tát biết các pháp giới, vững tâm thọ trì lời lẽ, chữ, câu, trải vô lượng đời không hề quên mất.

Nghĩa Đà la ni: Như Pháp Đà la ni nói trên, thêm nữa là tùy thuận giải thích nghĩa lý, trong vô lượng đời thọ trì chẳng quên.

Từ Đà la ni: Đại Bồ Tát vì phá những điều ác của chúng sanh mà thọ thần chú, đọc tụng thông lợi và làm lợi ích vô lượng chúng sanh. Vì chú thuật nên Bồ Tát thọ trì năm pháp: Một là không ăn thịt. Hai là không uống rượu. Ba là không ăn năm thứ cay nồng. Bốn là không dâm dục. Năm là không ăn uống trong những gia đình bất tịnh.

Bồ Tát đầy đủ năm pháp như trên, có thể làm điều lợi ích rất lớn vô lượng chúng sanh. Các chứng bệnh ngặt như bị quỷ thần hung dữ ám nhập, những bệnh nơi thân hay các thứ độc hại, không chứng bệnh nào mà Đại Bồ Tát chẳng thể chữa trị.

Nhẫn Đà la ni: Đại Bồ Tát nhờ sức mạnh trí tuệ cho nên tâm người ưa vui vắng lặng, chẳng cùng ở chung với người nào khác, lặng lẽ không nói, không có bạn lữ, với sự cốt sao vừa đủ, chỉ ăn độc nhất một thứ thức ăn, tọa thiền, tư duy, ban đêm không ngủ. Bấy giờ đức Phật đem đại Đà la ni truyền dạy để Bồ Tát này trì tụng: ẤT TRÍ, MẬT TRÍ, Ỷ TRÍ TỲ, SẰN ĐỀ, BÁT ĐÀN NA, TÁ HA.

Khi ấy Bồ Tát từ nơi đức Phật nhận lãnh chú rồi, quán sát mật chú với tâm sâu xa, biết chữ không nghĩa. Vì chữ không nghĩa cho nên sự nói không nghĩa. Do vì không nghĩa nên tất cả pháp chẳng thể tuyên nói. Nghĩa ở đây là Nghĩa Không Nghĩa của tất cả pháp. Do lực của Nhẫn cho nên có thể biết rất rõ ràng bốn thứ Đà la ni, vì thường đầy đủ Nhẫn Đà la ni nên chẳng bao lâu Bồ Tát sẽ chứng Vô thượng Bồ Đề.

Trong a tăng kỳ kiếp thứ nhất đại Bồ Tát tu tập thực hành, được Pháp và Nghĩa Đà la ni trên.

Nhờ Pháp và Nghĩa Đà la ni này mà tu chánh định, do tu chánh định mà phát đại nguyện cho nên Bồ Tát được Từ và Nhẫn Đà la ni.

Nếu như Bồ Tát đầy đủ bốn việc là được bốn thứ Đà la ni nêu trên. Bốn việc ấy là gì?

Một là, không tham ngũ dục.

Hai là, không lòng ganh tị đối với chúng sanh.

Ba là, luôn luôn bố thí.

Bốn là, ưa nghe chánh pháp, thọ trì đọc tụng, biên chép giải nói về Kinh và Luận thuộc về Bồ Tát Tạng.

Thế nào là sự phát thệ nguyện lớn của Bồ Tát?

Sự phát thệ này gồm trong năm điều:

Một là Phát tâm pháp nguyện.

Hai là Hữu phát nguyện.

Ba là Hạnh phát nguyện.

Bốn là Thiện phát nguyện.

Năm là Đại phát nguyện.

-Khi mới phát tâm Bồ Đề, gọi là Phát tâm phát nguyện.

-Vì lợi ích chúng sanh mà ở cõi Trời cõi người gọi là Hữu phát nguyện.

-Vì chúng sanh mà tu vô lượng tâm gọi là Hạnh phát nguyện.

-Tu tập tất cả pháp lành của Bồ Tát gọi là Thiện phát nguyện.

-Chẳng tiếc thân mạng, hộ trì chánh pháp gọi là Đại phát nguyện.

Bồ Tát nếu dùng mười cách cúng dường Phật pháp, Tăng bảo (như phẩm cúng dường Tam Bảo đã nói), hộ trì chánh pháp, thấy người trì pháp thì cúng dường cung kính. Đây gọi là Đại phát nguyện.

Đại Bồ Tát sanh lên cung trời Đâu Xuất, mãi cho đến lúc vào Đại Niết Bàn, gọi là Đại phát nguyện.

Đại Bồ Tát từ sơ phát tâm mãi đến lúc chứng Vô thượng Bồ Đề, gọi là Đại phát nguyện.

Đại Bồ Tát vì độ chúng sanh mà ở khắp các nẻo, tùy loài thọ thân, gọi là Đại phát nguyện.

Đại Bồ Tát thường dùng tạng kinh, tạng Luận của Bồ Tát thừa giáo hóa chúng sanh, gọi là Đại phát nguyện.

Đại Bồ Tát phàm có diễn nói, không gì chẳng làm lợi ích chúng sanh. Người không căn lành, Bồ Tát làm cho phát sanh mầm lành, gọi là Đại phát nguyện.

TAM GIẢi THOÁT MÔN

Thế nào là pháp tu về Không Tam Muội của Đại Bồ Tát?

-Bồ Tát quán sát một cách sâu xa tánh có thể nói của tất cả các pháp. Tánh khả thuyết này với tánh bất khả thuyết nó là rỗng không, cho nên gọi là môn Không Tam Muội.

Thế nào là Vô Nguyện Tam Muội?

-Đại Bồ Tát thường nhận thức rằng: Vì tất cả pháp có thể tuyên nói, cho nên có ngã và có ngã sở. Do có cái ngã, sở hữu của ngã đều gọi là khổ.

Đại Bồ Tát phá ý tưởng lệch lạc, cho nên rõ biết tất cả các pháp chẳng thể tuyên nói, do đó chẳng bị vướng mắc vào ngã, sở hữu của ngã. Vì không có ngã, không có ngã sở, cho nên Bồ Tát chẳng nguyện cầu gì. Đây mệnh danh là Vô Nguyện Tam Muội.

Thế nào là Vô Tướng Tam Muội?

-Đại Bồ Tát biết tất cả các pháp chẳng thể tuyên nói, vì chẳng thể nói cho nên tất cả đều không có tướng tất cả phiền não. Chính vì không tướng cho nên gọi là vắng lặng. Do sự tu tập đã được vắng lặng cho nên gọi là Vô Tướng Tam Muội.

Vì cớ gì Như Lai nói về Ba Môn Tam Muội?

-Vì tất cả pháp đại loại có hai tính cách.

Một là. Có là có (hữu vi có)

Hai là. Không mà có (vô vi có)

-Có là có, đó là bản ngã, sở hữu của ngã.

-Không mà có, ấy là Niết Bàn.

Về nghĩa có là có. Đại Bồ Tát quán sát tất cả đều khổ cho nên chẳng sanh mong cầu. Đây gọi là Vô Nguyện Tam Cầu.

Về nghĩa Không mà có, tức là Niết Bàn (hữu dư), Đại Bồ Tát đối với Niết Bàn chẳng sanh ý tưởng ưa thích. Đây gọi là vô tướng.

Vô vi pháp là cũng có cũng không, cho nên Bồ Tát chẳng phải có nguyện, chẳng phải chẳng nguyện.

Đại Bồ Tát thấy có có, thấy không không, có trong cái không không, không trong cái không mà có Đây mệnh danh là Không Tam Muội. Lúc Bồ Tát tu môn Không Tam Muội được trí chơn thật. Tam muội như thế Thanh Văn, Duyên Giác cũng tu cũng học, nhưng chẳng thể nói. Tất cả các pháp chẳng thể tuyên nói.

TỨ PHÁP ẤN

Chư Phật, Bồ Tát vì làm cho chúng sanh được sự vắng lặng mà nói bốn pháp ấn sau đây: Tất cả các pháp hữu vi thảy đều vô thường, Khổ, vô ngã và Niết Bàn vắng lặng.

Các đức Phật, các vị Bồ Tát vì các chúng sanh nói bốn pháp này, phải biết tất cả pháp giới được nói, thì bốn pháp này là gốc hết thảy. Đây gọi là Ưu đà na. Ưu đà na đây vô lượng tất cả chư Phật quá khứ cũng nói như vậy, có thể làm sự trên hết, làm tăng trưởng thiện pháp, gọi là Ưu đà na (vô vấn tự thuyết).

Thế nào là sự nhận thức các pháp hữu vi vô thường?

-Đại Bồ Tát biết rằng: Pháp có thi vi, pháp có thể nói vốn đều vô thường, do đó những gì thuộc pháp hữu vi đều là vô thường. Biết tánh các pháp trong nghĩa chơn thật vốn không nhơn quả, cho nên chẳng thể tuyên nói, vì vậy mỗi khi thành tướng nói năng thì tất cả pháp là pháp sanh diệt. Do đó pháp hữu vi quá khứ cũng là pháp sanh diệt. Bởi vậy pháp thuộc quá khứ chẳng thấy có nhân, chẳng thấy có tánh. Vì chẳng thấy nhân, chẳng thấy có tánh, cho nên nói rằng pháp quá khứ đều là vô thường.

Pháp thuộc hiện tại biết có sanh ra nhưng chẳng biết diệt, các pháp hiện tại chẳng thấy nhân mà lại thấy quả, thấy tánh của nó. Vì chẳng diệt cho nên biết tánh mà chẳng biết nhân.

Pháp hữu vi vị lai chẳng thấy sanh diệt, vì vậy biết nhân, chẳng biết quả, chẳng biết tánh, vì cớ chưa sanh vậy. Thế nên Bồ Tát biết nhơn mà không biết tánh. Khi đó quán về ba đời, mỗi niệm mỗi niệm đều có ba tướng (quá, hiện, vị lai). Nếu qua một niệm là có bốn tướng (sanh, trụ, dị, diệt). Trước hết là pháp diệt, tiếp đến sanh ra một pháp tương tự, đây gọi là sanh. Sanh rồi có sự tác động, đó gọi là trụ. Trước diệt pháp tướng, pháp tướng diệt rồi lại thấy tương tự, đó gọi là dị. Sanh rồi chẳng dừng cho đến hai niệm. Đây gọi là diệt.

Bồ Tát nhận thức: Thấy tướng của pháp hữu vi đều là một thứ: Như tướng sanh, tướng trụ và dị cũng vậy, chỉ có tướng diệt là khác. Vì sao biết? -Vì chẳng cộng trụ với ba tướng khác. Bốn tướng như thế thấy ra có hai: Một là có, hai là không. Có là ba tướng trước. Không là tướng thứ tư.

Bồ Tát nhận thức về pháp hữu vi, chẳng thấy tướng sanh, chẳng thấy tướng trụ, chẳng thấy tướng dị, chẳng thấy tướng diệt. Tại sao vậy? -Vì sanh, trụ, dị, diệt không tánh chơn thật. Đại Bồ Tát thấy sự sanh, trụ, dị, diệt của sắc pháp mà chẳng khởi quan niệm về sanh, trụ, dị, diệt.

Đại Bồ Tát dùng trí phương tiện quán sát chẳng thấy bốn tướng. Phương tiện quán là pháp quán của Bồ Tát.

Nếu lìa sắc pháp riêng có cái sanh thì khi sắc pháp sanh, cái sanh lẽ ra cũng sanh? Nếu vậy tất cả các pháp lẽ ra có hai cái sanh? Một là sắc sanh, hai là cái sanh sanh. Hai cái sanh như thế hoặc là pháp tức, hay là pháp ly? Nếu là chẳng rời thì không sanh ra cái sanh. Nếu nói lìa pháp riêng có cái sanh, nghĩa này không đúng. Nếu như chẳng lìa thì khi có sắc không có sanh. Sanh vì nhơn duyên mà sanh. Tướng trụ, dị, diệt cũng vậy.

Nếu tự tánh của pháp Diệt là có, nên biết sự diệt này cũng là sanh, cũng là diệt. Nếu pháp diệt cũng là diệt cũng là sanh, nên biết rằng tất cả pháp hữu vi đều không có diệt. Trường hợp khi nhập Diệt tận định, tâm và tâm sở pháp lẽ ra thường sanh trở lại? Và khi sắc pháp diệt lẽ ra cũng sanh trở lại? Vì sao? -Vì cái diệt này sanh. Thế thì các pháp lẽ ra là thường? Chính vì các pháp hữu vi vô thường, cho nên khi Bồ Tát lìa sắc pháp rồi chẳng thấy bốn tướng, biết tánh của pháp hữu vi là vô thường, vì vậy cũng luôn luôn tuyên nói sự vô thường của pháp hữu vi.

-Bồ Tát quán sát, thấy pháp hữu vi có ba thứ khổ: Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ. Vì thế Như Lai nói: pháp hữu vi tất cả là khổ.

Bồ Tát thế nào nhận thức pháp hữu vi vô ngã? Vô ngã có hai: 1.Chúng sanh không tự ngã. 2.Pháp không có tự ngã.

-Chúng sanh không tự ngã: Chúng sanh chẳng phải pháp có, chẳng phải pháp không, chẳng phải lìa pháp có, chẳng phải lìa pháp không. Đây gọi là chúng sanh không ngã.

-Pháp không có tự ngã: Tất cả các pháp đều có thể nói. Tánh của sự có thể nói này lại không. Đây gọi là Pháp không có tự ngã.

Đã có hai thứ vô ngã như trên, cho nên Phật nói: “Các pháp hữu vi thảy đều vô ngã”. Đoạn cái nhân hiện tại, làm chướng cái nhân vị lai của pháp hữu vi như thế gọi là Niết Bàn, không có kiết sử phiền não gọi là vắng lặng.

Nếu Bồ Tát dùng tâm không thanh tịnh quán về Niết Bàn, hoặc bực Thanh Văn chưa chứng đạo quả mà quán về Niết Bàn, thì cả hai hạng cũng chưa thật sự biết rõ tâm lượng Niết Bàn và cũng chưa biết về tướng Niết Bàn.

Ví như nhà vua vì các người con đang ngủ, lấy gỗ chạm khắc thành những con thú: voi, ngựa, nai, thỏ. Con vua thức dậy thấy voi, ngựa này cũng tưởng đúng là thú vật thứ thật. Có lúc nhà vua khen ngợi voi, ngựa, mỗi người con vua cho rằng vua cha khen ngợi voi ngựa của mình. Sau đó các thái tử ra khỏi cung điện được thấy voi ngựa thật sự, các người con vua đều sanh mắc cỡ và tự bảo nhau: “Vì sao đối với voi ngựa giả tạo mà chúng ta lại tưởng là chơn thật? Vì sao đối với sự đồng tên, đồng tướng mà chúng ta lại sanh ý tưởng cho là chơn thật?”.

Như Lai cũng nói: “Nếu tâm Bồ Tát không được thanh tịnh, hoặc bực Thanh Văn chưa chứng đạo quả, cả hai đều ở ngôi nhà sanh tử, Như Lai vì họ nói đến Niết Bàn vắng lặng. Bồ Tát, Thanh Văn nghe rồi cũng sanh ý tưởng đúng là Niết Bàn mà thật sự ra cả hai chưa biết bề chơn Niết Bàn. Khi nghe Phật thuyết tâm sanh tưởng tượng, nói là Niết Bàn. Sau này các vị ấy tu Tám thánh đạo, được trí thanh tịnh, khỏi thân sanh tử, khi đó các vị chơn thật rõ biết về tánh Niết Bàn mới sanh hổ thẹn và tự nghĩ rằng: “Vì sao lúc trước chẳng phải Niết Bàn mà chúng ta lại sanh ý tưởng là Niết Bàn chơn thật?”.

Lại ví dụ như một người có bệnh đến chỗ thầy thuốc, khi đó lương y vì sự phá bệnh, tùy bệnh trao thuốc, người bệnh được thuốc lòng sanh vui mừng, tưởng là đúng thuốc liền nhận uống ngay. Đã uống thuốc xong, dầu trừ mối lo, nhưng lại phát sanh một thứ bệnh khác. Khi ấy lương y dứt thứ thuốc trước và đưa thuốc mới, bệnh nhân lại nói: “Thuốc trước của thầy thật là tốt lành, đây do tài năng trị bệnh của thầy, không phải hiệu lực của thuốc”. Lương y dầu nói “thuốc ấy rất tốt” nhưng bệnh nhân này vẫn còn chẳng tin. Đến khi bệnh nhân dùng thứ thuốc sau và bệnh được lành, lòng sanh hổ thẹn mới tin tưởng thuốc.

Khi Phật nói pháp cũng tựa như thế, chúng sanh nghe rồi hoại diệt một ít phiền não, ngay đó liền sanh ý tưởng chơn thật. Khi phiền não khởi lại, bèn nói “Phật là vô thường” Như Lai vì họ nói pháp sâu hơn. Tuy lại nghe pháp nhưng còn chưa tin, cho rằng lúc trước mới chính là thật.

Bồ Tát nếu được quả thanh tịnh, khi ấy mới sanh hổ thẹn mà tự nghĩ rằng: “Như Lai Chơn thường, vì sao ta lại cho rằng Như Lai là không thường hằng?”

Bởi vậy Như Lai thường nói: “Các pháp hữu vi thảy đều vô thường, tất cả đều khổ. Tất cả vô ngã và Niết Bàn vắng lặng”.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy