(THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT)
1.Thế nào là Tánh Thiền của Đại Bồ Tát?
-Bồ Tát hoặc nghe về Bồ Tát Tạng, hoặc tư duy nghĩa lý các thứ thiền định thế gian hay Thiền định xuất thế, Bồ Tát nghe rồi buộc tâm một chỗ, ổn định tâm trí, phân chia đẳng cấp để tu tập Đạo. Đây gọi là Tánh thiền.
2.Thế nào là Tất cả Thiền?
-Tổng quát gồm có hai loại: Thiền thế gian và Thiền định xuất thế. Hai loại Thiền này lại có ba trạng thái:
Một là. Nhập thiền hiện tại thọ vui.
Hai là. Nhập thiền thêm lớn Bồ Đề.
Ba là. Nhập thiền lợi ích chúng sanh.
-Hiện tại thọ vui là như thế nào? -Đại Bồ Tát phá các lưới nghi ngờ, thân tâm vắng lặng tự cảm nhận được cái vui xa lìa, phá tâm liêu mạn của sự riêng mình, chẳng đắm Thiền vị, lìa tất cả tướng. Đây mệnh danh là Nhập thiền hiện tại thọ vui.
Nhập Thiền thêm lớn Bồ Đề? -Thiền Định của Đại Bồ Tát có nhiều thứ duyên, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể, không có hạn lượng, thâu nhiếp hết thẩy tánh của mười lực, được các tam muội, những tam muội này dầu cho tất cả Thanh Văn, Duyên Giác còn không biết đến danh từ để gọi huống là có thể tu tập.
Những pháp thiền chung đại loại như là: Bát thắng xứ, Thập nhứt thiết xứ, Tứ vô ngại trí, Nguyện trí, Vô tránh trí, Đảnh trí v.v..Vì đồng có pháp tăng trưởng như nhau, gọi là Nhập thiền thêm lớn Bồ Đề.
-Nhập thiền lợi ích chúng sanh? -Có mười một điều như phẩm Trì giới đã nói.
Đại Bồ Tát tu đủ mười một điều thuộc về Thiền định, có thể giáo hóa chúng sanh, phá khổ phiền não, tu tập pháp lành và các môn tam muội, trí tuệ, nghĩ ơn báo ơn, thường hay cứu vớt những sự đau khổ của các chúng sanh, có thể bố thí những vật cần dùng cho khắp tất cả, khéo biết phương tiện, có thể chứa nuôi đệ tử, có thể làm cho đệ tử vâng theo ý mình…Những loại Thiền như vậy gọi là Tất cả Thiền.
3.Thiền khó khăn là gì? -Gồm có ba sự.
Một là. Khi Bồ Tát nhập thiền cảm thọ niềm vui, hơn hẳn tất cả sự vui thế gian, cũng hơn sự vui xuất thế của Thanh Văn thừa. Nhưng vì chúng sanh Bồ Tát bỏ cái vui thiền định, chịu thân cõi Dục.
Hai là. Đại Bồ Tát tu tập Thiền định, những môn tam muội được Bồ Tát tu, nhiều đến vô lượng vô biên vô số, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể. Tất cả Thanh Văn và Bích chi Phật đều không thể nào biết đến cảnh giới của Bồ Tát đã chứng nhập.
Ba là. Đại Bồ Tát nhờ nhân duyên thiền định mà được chứng quả Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Thiền khó khăn.
4.Tự thiền của tất cả?
Có bốn trạng thái:
Chung một trạng thái giác quán.
Chung một trạng thái hoan hỷ.
Chung một trạng thái an lạc.
Chung một trạng thái xả ly.
Vì vậy gọi là Tự thiền của tất cả.
5.Thiền của người lành?
Có năm sự tương đồng:
-Chẳng ái nhiễm.
-Cùng có tâm Từ.
-Cùng có tâm Bi.
-Cùng có tâm Hỷ.
-Cùng có tâm Xả.
Đây gọi là Thiền của người lành.
Thiền trong tất cả hạnh? -Có 13 điều:
-Vô ký đúng mức
-Thần túc
-Hướng đến Chỉ
-Hướng đến Quán
-Tự lợi
-Lợi tha
-Được công đức của thiền là năm thần thông
-Nhân duyên lời lẽ
-Nhân duyên nghĩa lý
-Nhân duyên về tướng Chỉ
-Nhân duyên về tướng Quán
-Nhân duyên thọ hạnh an vui hiện tại
Đây gọi là Thiền trong tất cả hạnh.
7.Thiền Trừ khử? -Có tám điều:
Một là. Khi Bồ Tát nhập thiền, có thể trừ những nỗi khổ tham độc cho các chúng sanh. Những khổ độc như: gió mạnh, mưa đá, bệnh nóng, bị quỷ ám nhập. Đây gọi là Thiền.
Hai là. Bồ Tát nhập định, có thể trừ diệt các khổ bốn đại không được điều hòa nơi thân chúng sanh. Mệnh danh là thiền.
Ba là. Hoặc khi nhập định, có thể rưới mưa cứu vãn đói kém vì nắng hạn lâu ngày.
Bốn là. Hoặc khi nhập định, có thể làm cho chúng sanh lìa các sợ sệt, sợ người, sợ quỷ, nỗi sợ dưới nước hay trên đất liền.
Năm là. Hoặc khi nhập định, có thể bố thí nước uống thức ăn, vật dùng cho các chúng sanh đang bị đói khát ở nơi đồng trống.
Sáu là. Hoặc khi nhập định, có thể cấp thí những vật cần dùng cho người nghèo khổ.
Bảy là. Hoặc khi nhập định, có thể phá hỏng tánh tình buông lung của các chúng sanh ở trong mười phương.
Tám là. Hoặc khi nhập định có thể phá hỏng các mối nghi ngờ trong tâm chúng sanh.
Tám điều trên đây gọi là Thiền để trừ khử.
8.Thiền tự lợi, lợi tha? -Có chín điều:
Một là. Nhập thiền do sức thần túc điều phục chúng sanh.
Hai là. Nhập thiền do tha tâm trí điều phục chúng sanh.
Ba là. Nhập thiền dùng sự giảng thuyết chơn thật điều phục chúng sanh.
Bốn là. Nhập thiền vì chúng sanh ác mà chỉ cho thấy cái khổ địa ngục.
Năm là. Nhập thiền làm cho kẻ câm được nói.
Sáu là. Nhập thiền làm cho kẻ mất sự nhớ nghĩ (loạn trí) được nhớ nghĩ lại.
Bảy là. Nhập thiền tùy thuận giảng nói mười hai phần kinh luận thuộc Bồ Tát tạng để giáo hóa trụ lâu nơi đời.
Tám là. Nhập thiền có thể dạy vẽ chúng sanh các việc ở đời như sớ giải sách sử, toán học, đọc tụng, in sách, luyện kim, nghề mộc, nghề hồ…
Chín là. Nhập thiền phóng ánh sáng lớn phá sự khổ não của những chúng sanh nơi ba đường ác.
Trên đây gọi là Thiền tự lợi, lợi tha.
9.Thiền vắng lặng? -Có mười:
Một là. Vắng lặng trong sạch về pháp thế gian.
Hai là. Vắng lặng trong sạch về pháp xuất thế.
Ba là. Vắng lặng trong sạch về phương tiện.
Bốn là. Vắng lặng trong sạch về căn bản.
Năm là. Vắng lặng trong sạch bực thượng.
Sáu là. Thể nhập sự vắng lặng trong sạch.
Bảy là. Trụ cảnh vắng lặng trong sạch.
Tám là. Ra khỏi sự vắng lặng trong sạch.
Chín là. Sự tự tại vắng lặng trong sạch.
Mười là. Vắng lặng trong sạch hai món chướng.
Mười sự vắng lặng trong sạch này, gọi là Thiền vắng lặng.
Bồ Tát tu tập mười điều vắng lặng như trên, thành tựu vô lượng, vô biên công đức là chứng được quả Vô thượng Bồ Đề.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|