Đại Bồ Tát mới phát ba tâm Bồ Đề (1) gồm có năm sự: Một là
Tánh. Hai là Hạnh. Ba là Cảnh giới. Bốn là Công đức. Năm là Tăng
thêm.
Nếu Bồ Tát luôn luôn phát tâm
Bồ Đề, được mệnh danh là Đại Bồ Tát tu hạnh Đại thừa, chắc chắn được Vô thượng
Bồ Đề. Thế nên mới Phát tâm Bồ Đề là có thể nhiếp lấy tất cả pháp
lành.
Đại Bồ Tát phát tâm Bồ đề, tùy
công hạnh mà lần lượt được Vô thượng Bồ Đề, nếu chẳng phát tâm, rốt cuộc chẳng
thể nào được. Vì vậy sự phát tâm là căn bản của Vô thượng Bồ
Đề.
Đại Bồ Tát thấy chúng sanh đau
khổ, sanh tâm thương xót, vì vậy Bồ Tát nhơn lòng Từ Bi mà phát tâm Bồ Đề, do
tâm Bồ Đề tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, do tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo được Vô
thượng Bồ Đề, bởi thế sự phát tâm gọi là CHI. Phát tâm Bồ Đề cho nên thực hành
giới Bồ Tát, vì vậy sự phát tâm là CHI của giới Bồ Tát. Sự phát tâm là gốc, là
nhân, là nhiếp, là quả, cũng gọi là giống.
Bồ Tát phát tâm có hai hạng:
Một là rốt ráo. Hai là chẳng rốt ráo.
Rốt ráo là không hề thoái
thất, mãi cho đến lúc chứng quả Vô thượng Bồ Đề.
Chẳng rốt ráo là có sự thoái
thất. Thoái thất lại có hai: 1. Rốt ráo thoái. 2. Rốt ráo chẳng
thoái.
Rốt ráo thoái là: Kết cuộc
chẳng phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chẳng thể suy tầm tu tập pháp này. Chẳng rốt
ráo thoái là: Mong cầu tâm Bồ Đề và tu tập pháp này.
Tâm Bồ Đề đây có bốn thứ
nhân. Thế nào là bốn?
1. Kẻ
thiện nam, người thiện nữ được thấy hoặc nghe các đức Phật và các Bồ Tát chẳng
thể nghĩ bàn, bây giờ liền sanh tâm kính trọng, tin tưởng, nghĩ như thế này:
"Việc của chư Phật, Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn. Nếu sự việc chẳng thể nghĩ bàn
của chư Phật, Bồ Tát là có thể được, tôi cũng nên phát tâm Vô thượng Bồ Đề”. Do
tư duy như vậy cho nên dốc lòng nghĩ về Bồ Đề và phát tâm Bồ
Đề.
2. Có
kẻ chẳng thấy sự việc không thể nghĩ bàn của chư Phật, Bồ Tát, mà chỉ nghe nói
đến tạng pháp bí yếu của Phật, Bồ Tát. Nghe rồi tâm sanh kính trọng, tin
tưởng. Được tín tâm nên làm nhân cho Vô thượng Bồ Đề, làm nhân cho Đại trí, cho
nên phát tâm Bồ Đề.
3. Lại có người không thấy sự việc chẳng thể nghĩ bàn của
Phật, Bồ Tát, cũng chẳng được nghe pháp, nhưng gặp hồi chánh pháp hoại diệt, bèn
tự nghĩ như vầy: "Phật pháp cao sâu vô thượng có thể diệt trừ vô lượng nỗi khổ
của chúng sanh, làm lợi ích rất lớn, chỉ có chư Bồ Tát mới có thể làm cho giáo
pháp của Phật trụ lâu nơi đời, chẳng bị hoại diệt, nay tôi cũng nên phát tâm Bồ
Đề, làm cho chúng sanh xa lìa phiền não, lìa những khổ lớn”. Đây do ủng hộ Phật
pháp trụ lâu nơi đời mà phát tâm Bồ Đề.
4. Lại có người chẳng gặp lúc Phật pháp bị hoại diệt, chỉ
thấy chúng sanh trong đời ác trược đủ tất cả phiền não sâu nặng như tham, giận,
si mê, không hổ, không thẹn, bỏn sẻn, ganh tỵ, lo rầu, khổ sở, bất tín, biếng
lười v.v… Thấy những điều ấy rồi bèn tự nghĩ: "Thời buổi cực ác, chúng sanh đại
ác, chẳng siêng tu tạo điều lành, thời đại ác trược thế này, chúng sanh còn
chẳng thể phát tâm nhị thừa, huống gì phát tâm Vô thượng Bồ Đề. Nay tôi nên
phát tâm Bồ Đề, phát tâm này rồi sẽ dạy dỗ chúng sanh khiến họ cũng phát tâm Vô
thượng Bồ Đề”. Thế nên Bồ Tát ở thời đại ác, chúng sanh tệ ác mà phát tâm Bồ
Đề.
Lại nữa, có bốn nhân phát tâm
Bồ Đề. Những gì là bốn?
Một là: Tánh đầy
đủ.
Hai là: Bạn lành đầy
đủ.
Ba là: Lòng Từ đầy
đủ.
Bốn là: Xem khổ sống chết,
Thánh hạnh đầy đủ, chẳng sợ những hạnh khổ khó làm.
1. Tánh đầy đủ: Tánh Bồ Tát vốn tự đầy
đủ.
2. Bạn lành đầy đủ: Gồm có bốn điều:
- Sáu căn đầy đủ, đủ trí huệ
lớn, có thể chỉ bày đường lành, nẻo dữ, chẳng thực hành đạo
tà.
- Tâm không buông lung, hay phá
bỏ tánh tình buông lung, có thể đóng cửa ác đạo.
- Tự mình đầy đủ giới cấm Bồ
Tát và xoay vần theo giáo hóa người.
- Chẳng đem đường lối thấp thỏi
xoay chuyển đường lối cao vời của người, chẳng đem tiểu thừa xoay chuyển người
tu Đại thừa, chẳng dùng lối tu phước lay chuyển người đang tu huệ. Đây gọi là
bạn lành đầy đủ.
3. Lòng Từ đầy đủ: có bốn:
- Thế giới nào có những nơi khổ
não, hoặc thế giới không khổ não và nơi khổ não. Bồ Tát phát nguyện sanh qua nơi
đó. Hoặc thấy người chịu khổ hay tự mình chịu khổ, vì phá khổ ấy mà phát sanh
lòng Từ.
- Sanh vào địa ngục, chứng kiến
những cảnh chúng sanh chịu khổ, vì phá khổ ấy mà phát sanh lòng
Từ.
- Sanh vào ngạ quỷ, thấy cảnh
chúng sanh chịu khổ hay tự mình chịu khổ, vì muốn phá khổ ấy mà phát sanh lòng
Từ.
- Sanh vào loài súc sinh, thấy
chúng sanh chịu khổ hay tự mình chịu khổ cũng sanh lòng Từ để phá khổ
ấy.
- Lòng Từ đầy đủ lại có ba bực:
Thượng, Trung, Hạ.
Bực thượng có bốn
điều:
- Quán khổ sống
chết.
- Tu tâm Từ Bi không có trước
sau.
- Tâm tánh dõng
kiện.
- Được tâm sáng
suốt
Bực trung có bốn
điều:
- Chẳng buông
lung.
- Đầy đủ giới.
- Hay nhẫn
nhục.
- Dốc lòng nhớ nghĩ về Vô thượng
Bồ Tát.
Bực hạ lại có bốn
điều:
- Xem chúng sanh như con
một.
- Không khởi phân biệt với kẻ
oán người thân.
- Được tâm tin tưởng chắc
chắn.
- Tu hành hạnh
Thánh.
Tu tập lòng Từ có bốn năng
lực:
- Năng lực bên
trong.
- Năng lực bên
ngoài.
- Năng lực sở
nhân.
- Năng lực trang
nghiêm.
Đại Bồ Tát dốc lòng nhớ nghĩ
về đạo Vô thượng Bồ Đề, gọi là năng lực bên trong.
Vì muốn hóa độ chúng sanh mà
phát tâm Vô thượng Bồ Đề. Gọi là năng lượng bên ngoài.
Có thể ở trong Vô lượng A tăng
kỳ kiếp tu tập khổ hạnh, vâng thờ chư Phật, Bồ Tát, gọi là năng lực sở
nhân.
Đại Bồ Tát ưa gần gũi thiện
trí thức nghe nhận chánh pháp, tư duy nghĩa lý, đúng theo giáo pháp tu tập, gọi
là năng lực trang nghiêm.
Nếu Đại Bồ Tát dùng năng lực
bên trong và năng lực sở nhân mà phát tâm Vô thượng Bồ Đề, đây gọi là chánh tâm,
là tâm không động, là tâm không lui, tâm không thay đổi.
Nếu dùng năng lực bên ngoài và
năng lực trang nghiêm mà phát tâm Bồ Đề, đó gọi là tâm không chánh, tâm bị động,
tâm thoát lui, tâm thay đổi.
Bồ Tát đổi tâm có bốn nhân
duyên: Một là: Tánh không đầy đủ. Hai là đầy dẫy bạn ác. Ba là chẳng đủ lòng
Từ bi đối với chúng sanh. Bốn là chẳng luôn luôn quán sát mối lo ngại của sự
khổ sống chết.
Đại Bồ Tát mới phát tâm Bồ Đề,
có hai sự không thể nghĩ bàn: Một là: Đối với chúng sanh tưởng như bà con thân
thích. Hai là: không tưởng chúng sanh.
Bồ Tát thường dùng trí tuệ
quán sát: Cái gì là chúng sanh? Chúng sanh thuộc về gì? Như thế gọi là hai
nhân. Hai tâm này có thể làm cho Bồ Tát không thoái chuyển.
Mới phát tâm Bồ Đề có hai tâm:
Một là: Vì đem lại cho chúng sanh sự an ổn. Hai là: Vì đem lại cho chúng sanh
sự vui sướng. Dùng các pháp lành giáo hóa chúng sanh khiến họ loại bỏ điều ác,
gọi là an ổn. Hay đem tiền của cấp giúp, khiến chúng sanh lìa sự nghèo nàn, như
cấp giúp quần áo, ăn uống, phòng nhà, mền nệm thuốc men. Thế gọi là sung
sướng.
Bồ Tát không thoái chuyển, có
hai tâm:
Một là: Tánh trang nghiêm.
Hai là: Chuyên tâm thọ trì trang nghiêm.
-Thường suy nghĩ mong cho
chúng sanh an vui, gọi là tánh trang nghiêm.
-Trọn không thoái chuyển tâm
Bồ Đề, do đây hết lòng đem lại an vui cho tất cả chúng sanh, gọi là Thọ trì
trang nghiêm.
Bồ Tát bất thoái sanh ra phước
đức nhờ hai yếu tố: Một là tâm Bồ Đề. Hai là chúng sanh chịu khổ. Hai yếu tố
trên đây là chỗ chứa nhóm các pháp lành lớn.
Mới phát tâm kiên cố, Bồ Tát
lại có hai điều hơn tất cả Thanh văn, Duyên giác. Một là: Nhân hơn. Hai là:
Quả hơn.
Đại Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, tu
tập pháp lành gọi là Nhân. Do thực hành các thiện pháp, chứng được Vô thượng Bồ
Đề gọi là Quả. Nhân, Quả như thế hơn tất cả Thanh văn, Duyên
giác.
Bồ Tát bất thoái có hai việc
lớn. Một là: Phát tâm này rồi liền vì tất cả vô lượng chúng sanh mà làm ruộng
phước. Được làm cha mẹ thầy dạy, Hòa thượng v.v…Bồ Tát sanh tâm xót thương rộng
lớn. Do xót thương chúng sanh, cho nên khi đi đứng, ngồi, nằm, thức, ngủ, chư
thiên bảo vệ như vua chuyển luân thường được năm trăm quỷ thần mặc y phục xanh
bảo vệ. Bồ Tát bất thoái cũng vậy. Vì tâm thương xót chúng sanh, cho nên nếu
có thọ thêm thân nữa cũng không bệnh ngặt. Hai là: Bồ Tát phát tâm thường được
chúng sanh ưa thích, gặp gỡ, nhìn ngắm, như nhìn cha mẹ. Tất cả chúng sanh đối
với những gì thuộc thân, miệng, ý của Bồ Tát, đều không nhận thấy có điều xấu
ác.
Đại Bồ Tát phát tâm Bồ Đề
không mất chánh niệm. Đối với chúng sanh, Bồ Tát không khởi tâm làm hại, chẳng
ăn thịt, chẳng khi dối, thường dùng các pháp lành giáo hóa chúng sanh. Dầu
chúng sanh không nhận, Bồ Tát cũng không bỏ phế sầu lo, luôn luôn tự chế ngự
mình và kẻ khác, làm cho họ tươi nhuận sự nghiệp phước đức.
Nếu vì nhân duyên khách trần
phiền não, đọa ba đường ác, Bồ Tát cũng mau ra khỏi. Dầu cũng chịu khổ như
chúng sanh, vẫn không khởi tâm độc địa, thấy người chịu khổ sanh tâm thương
xót.
Bồ Tát sơ phát Bồ Đề tâm,
thành tựu vô lượng công đức như vậy.
Chú thích:
(1) Phát ba tâm Bồ Đề: Luận Khởi
Tín giải thích ba tâm Bồ đề là: 1- Trực tâm, chánh niệm pháp chơn như. 2- Thâm
tâm: là Tín sâu lý nhơn quá, chi ác, tác thiện. 3- Đại bi tâm: lập nguyện cứu
độ tất cả chúng sanh.