Đại Bồ Tát sạch cả hai chướng, do đó tánh Bồ Tát được gọi
là Hơn.
Đại Bồ Tát có bốn điều hơn hết thảy Thanh văn, Duyên giác
và ngoại đạo. Bốn điều hơn là: 1. Căn hơn. 2. Hạnh hơn. 3. Phương tiện hơn.
4. Đắc quả hơn.
-Căn hơn: Đại Bồ Tát bản tánh dõng mãnh lanh lợi. Duyên
giác tánh trung bình, Thanh văn tánh chậm lụt. Đây gọi là căn hơn.
-Hạnh hơn: Thanh văn, Duyên giác vì tự độ mình mà tu các
pháp lành, Bồ Tát chẳng tự vì mình, chỉ vì chúng sanh mà tu tập pháp lành, đem
tâm Đại bi thương xót tất cả, ban bố an vui cho khắp chúng sanh, vì thế gọi là
hạnh hơn.
-Phương tiện hơn: Thanh văn, Duyên giác chỉ có thể rõ
thấu Ấm, Giới, Nhập mà chẳng rõ suốt mười hai nhân duyên và Xứ, chẳng phải Xứ.
Phương tiện của Bồ Tát có thể khéo biết tất cả pháp, thế gọi là phương tiện
hơn.
-Quả hơn: Thanh văn tự được Thanh văn Bồ Đề, Duyên giác
tự được Duyên giác Bồ Đề, Bồ Tát tự được Bồ Tát Bồ Đề.
Tánh Bồ Tát có sáu ấn, do sáu ấn này mà tất cả chúng sanh
đưọc hay biết đó là Bồ Tát. Sáu thứ ấn là gì? - Tức Bố thí ba la mật cho đến
Bát nhã ba la mật.
Do nghĩa gì Bố thí độ gọi là Tánh ấn của Bồ
Tát?
-Bản tánh đại Bồ Tát có thể được tâm Thí xả như
vầy:
Đối với các thứ tiền của, dầu nhiều hay ít, tâm Bồ Tát
không tham đắm, muốn đem cấp giúp cho người. Khi cấp giúp và cấp giúp xong, tùy
chỗ thí vật, Bồ Tát tâm sanh vui vẻ. Dù ít dù nhiều, tâm không nghi ngờ hối
tiếc, thí vật chút ít cũng không e thẹn. Nếu không tiền của, cũng thường khen
ngợi về sự bố thí. Thấy người bỏn sẻn, có thể đả phá tâm bỏn sẻn nọ, gặp người
làm việc bố thí, tâm sanh phấn khởi, vui mừng như gặp cha mẹ. Thấy người đến
xin lấy làm hân hạnh. Nếu không tiền của cung ứng, bèn dùng sức khỏe trợ giúp
cho bậc già nua, cha mẹ, sư tăng. Ứng đối thì dùng lời nói vui vẻ, lời nói mềm
mỏng, lời nói đúng cách, lời nói chơn thành lời nói ngay thẳng, để đối trị với
lời nói hư vọng, lời nói đôi chiều, lời nói hung hiểm lời nói vô nghĩa của chúng
sanh.
Hoặc có người hỏi, còn chẳng nói đến điều hay điều dở của
người, huống gì không hỏi mà lại tự nói.
Nếu có những người lo sợ các nạn nước, lửa, vua quan, thú
dữ, giặc cướp, có thể vì họ cứu nguy giải ách. Biết ơn, nhớ ơn của người,
thường nghĩ báo đáp. Nhận vật người khác gởi gấm giao phó, chẳng làm kẻ ấy nghi
ngờ, nếu là vật quý tâm không tham đắm. Vật của mình có, tâm không lẫn tiếc.
Thường sắm áo mặc thức ăn cấp giúp cho người. Luôn luôn chế ngự lòng tham đắm
sắc dục, sự đam mê rượu chè, chế ngự sự ưa thích chơi giỡn hay sự vui thích đờn
ca xướng hát, và tu tập tánh biết hổ thẹn, dầu được vật quý giá, cũng chẳng sanh
ham vui. Đây gọi là Tánh ấn của Bồ Tát thuộc Bố thí độ.
Thế nào là tánh ấn của Bồ Tát thuộc Trì giới
độ?
-Thân, miệng, Ý của đại Bồ Tát tánh tự mềm mỏng trong
sạch, Bồ Tát chẳng khởi tâm hung dữ, chẳng khởi tâm giận hại. Nếu vì khách trần
phiền não mà gây các tội lỗi, tạo rồi tâm rất ân hận, tâm rất hổ thẹn phát lộ
sám hối. Đối với chúng sanh, khởi lòng thương xót, tưởng như con một. Trọn đời
chẳng dùng tay chân gậy gộc, đá gạch để đánh đập mọi loài, luôn luôn tìm kiếm
bực chơn thiện tri thức, chí thường ưa thích cúng dường cha mẹ, sư trưởng và các
vị tôn túc kỳ cựu, phá bỏ tánh tình kiêu xa ngã mạn, hỏi han chào đón trước
người, biết ơn, nhớ ơn, nếu ai đến hỏi xin, Bồ Tát từ tốn an ủi dẫn dụ chẳng
dùng những trò huyễn thuật dối gạt chúng sanh, trọn chẳng nuôi sống bản thân
bằng những điều trái phép, thường ưa tu tập tất cả công đức, dạy bảo chúng sanh
rộng tu sự nghiệp phước đức. Thấy các chúng sanh chịu các sự khổ, bị đánh, bị
trói, bị giam, bị cầm, bị nóng lạnh đói khát, đến nỗi mất mạng. Xem những cảnh
ấy, Bồ Tát đau đớn không khác chính mình chịu khổ. Bảo vệ giới luật Phật chế,
dầu một giới khinh nhỏ nhặt cũng không có ý hủy phạm, huống gì những điều giới
trọng. Luôn luôn dùng mười nghiệp lành dạy dỗ mọi người, chẳng ưa xem nghe
những kẻ đấu tranh mắng nhiếc. Những gì thuộc về ba nghiệp thân, miệng, Ý của
Bồ Tát là thường vì chúng sanh, trọn chẳng vì mình mà làm. Nếu như có người gồm
đủ giới đức, nhẫn nhục, trí tuệ, Bồ Tát ưa thích cùng họ làm việc, được lòng hòa
dịu, không lòng oán hận hay lòng bất nhẫn. Tâm của Bồ Tát luôn luôn kính trọng
những giới Phật chế, không hề dối trá chúng sanh, không nói đôi chiều, không nói
lời vô nghĩa. Dầu không người hỏi vẫn cứ ca tụng điều tốt của người, huống có
kẻ hỏi mà không tán dương. Nói chung là luôn luôn tôn trọng sùng kính sự nói
năng đúng đắn chân thật. Đây gọi là tánh ấn của Bồ Tát thuộc Trì giới
độ.
Thế nào là Tánh ấn của Bồ Tát thuộc Nhẫn nhục
độ?
-Đại Bồ Tát thấy các chúng sanh, nếu có ai đến đánh đập
thân mình, ngay đó chẳng đem điều ác trả đũa. Vì sao thế? - Bởi thân ta đây
chẳng phải là thân chân thật. Nếu là thân chân thật làm sao có thể đánh. Thân
máu thịt này là thân hòa hợp, là thân nhơ nhớp. Trong thân hòa hợp này, phần
ít thấy có đánh, phần nhiều không chút tổn hại. Cái nhiều đã không tổn hại thì
sao lại không vui? Kẻ giận ta là giận nơi phần ít, cái nhiều không giận. Nếu
cái đánh hòa hợp, đánh cái nhận hòa hợp, vậy thì ai đánh, ai nhận? Ví như hai
vật chạm nhau khua tiếng. Nếu ta nổi giận là tự giận lấy mình. Tại sao vậy? -
Do vì nghiệp duyên mà có thân này, bởi có thân này nên chịu khổ độc này, cũng
như do có mục tiêu, tên mới cắm vào. Nếu ta tăng thêm lòng giận, tức chẳng thể
có quan niệm oan thân lành dữ là điều bình đẳng. Nếu chẳng thể quan sát sự bình
đẳng giữa thiện và ác, quyết định sẽ đọa ba đường ác. Vì lẽ đó, nếu ai đánh
mắng, đối với kẻ kia, ta chẳng nên nổi lòng sân hận. Quán được như vậy, gọi là
tánh ấn của Bồ Tát thuộc Nhẫn nhục độ.
Lại nữa, nếu gặp người đến đánh mắng, đối với kẻ đó, nên
sanh ý tưởng họ như con một của ta, lòng không oán hận. Đây gọi là tánh ấn của
Bồ Tát thuộc Nhẫn nhục độ.
Thế nào là Tánh ấn của Bồ Tát thuộc Tinh tấn
độ?
-Đại Bồ Tát siêng tu tinh tấn, hừng đông thức dậy, về
khuya mới đi nghỉ, chẳng ưa nằm dài ngủ thẳng, chẳng màng lạnh nóng, đói khát,
lo mừng. Phàm tạo tác những sự nghiệp thế gian hay sự nghiệp xuất thế, nhứt
quyết phải làm, cho đến lúc hoàn tất, chẳng chịu bỏ phế nửa chừng. Sự việc dầu
chưa kết quả cũng không hối đổi. Dầu được người cúng dường cung kính, việc tu
của mình cũng không nghĩ, không thôi. Với tự bản thân chẳng khởi tâm xem
thường, cho rằng mình chẳng thể được Vô thượng Bồ Đề. Tuy gặp những chuyện khó
làm ở đời, trọn không dần dà, thoái thất. Đây gọi là Tánh ấn của Bồ Tát thuộc
Tinh Tấn độ.
Thế nào gọi là Tánh ấn của Bồ Tát thuộc Thiền Định
độ?
-Đại Bồ Tát dốc lòng ưa thích quán sát nghĩa thật các
pháp. Thích ở chỗ vắng lặng rảnh rang, hoặc chỗ không người lai vãng. Thích
lìa kẻ ác để nuôi lớn pháp lành, gặp người vui ưa vắng lặng liền sanh hoan hỷ
cung kính. Tuy có phiền não, tính chất cũng nhẹ mỏng, bao nhiêu tâm lành trọn
không bị giác quán ác làm cho hư hỏng, tu tập lòng từ, xem kẻ oan gia không khác
đích tử. Hoặc gặp chúng sanh chịu sự khổ lớn, sanh lòng bi mẫn, tùy theo sức
mình ra tay dứt trừ, mong các chúng sanh đều được an tồn, giả sử thân bị đau khổ
chẳng sanh lo buồn, rủi mất thân mạng hay mất tiền của, bị trói, bị nhốt, bị
đánh bị đuổi vẫn tự an ủi không sanh lo khổ, để phải đánh mất chánh niệm, chuyên
tâm nghe pháp, biên chép thọ trì, đọc tụng giải nói. Nếu người khác quên mất,
có thể vì họ chỉ dạy v.v… Do nhân duyên sự dốc lòng trên đây, trong những đời
sau không quên pháp giới. Đây gọi là Tánh ấn của Bồ Tát thuộc Thiền Định
độ.
Thế nào là Tánh ấn của Bồ Tát thuộc Trí tuệ
độ?
-Đại Bồ Tát biết rõ hết thảy những việc thế gian, biết
các phương thuật cũng như biết rành lời lẽ nói năng của các chúng sanh. Tuy
biết việc ấy nhưng tâm không mê lầm phóng túng, chẳng bị ngoại đạo lừa dối mê
hoặc, chẳng theo nghĩa lý các luận thuyết tà kiến. Đây là tánh ấn của Bồ Tát
thuộc Trí tuệ độ.
Nay Như Lai nói sơ lược về tướng Ấn thô của Bồ Tát, còn
tướng Ấn Tế về sau là chỗ biết của các đức Phật.
Tánh của Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, thành tựu đầy đủ các
công đức chân thật, đầy đủ tịnh pháp, cho nên gọi là trên hết, gọi là chẳng
động, cũng gọi là ấn Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đại Bồ Tát, nếu không xem thấy tai họa của các điều ác,
tức chẳng được tu tất cả pháp lành. Khi Bồ Tát tu pháp lành bực thượng, nếu do
nhân duyên khách trần phiền não, làm cho sa đọa vào ba đường ác, vẫn hơn những
chúng sanh trong các đường ấy.
Vì sao vậy? - Vì có tánh Bồ Tát.
Nếu do nhân duyên khách trần phiền não đọa vào đường ác,
có thể nhanh chóng phá hoại ác báo và mau được ra khỏi, như người chẳng ra cũng
không đồng với những kẻ chịu khổ nặng nề trong chốn ác đạo.
Khi Bồ Tát chịu khổ, đối với chúng sanh vẫn còn sanh tâm
Đại bi, do nhân duyên củaTánh mà được Bi tâm, thế nên Bồ Tát hơn tất cả chúng
sanh trong ba ác đạo.
Đại Bồ Tát do nhân duyên bốn thứ phiền não làm cho hư
hỏng pháp trong sạch. Những gì là bốn?
Một là luôn luôn đặt nặng tài lợi.
Hai là, do hai kiết sử Giận, Si mà gần gũi bạc
ác.
Ba là, ở chỗ tướng soái, giặc cướp, vua chúa, oán cừu, vì
sự sợ hãi mà đánh mất thiện tâm, khởi các phiền não.
Bốn là, vì thân mạng mà tạo các điều dữ.
Tuy có tánh Bồ Tát nhưng do bốn điều này, rốt cuộc chẳng
chứng Vô thượng Bồ Đề.
Lại có bốn việc, tuy có tánh Đại Bồ Tát, nhưng chẳng
chứng Vô thượng Bồ Đề. Những gì là bốn?
Một là, không gặp thiện tri thức chư Phật, Bồ Tát nói
những nghĩa lý không sai, không lộn.
Hai là, tuy gặp thiện hữu tri thức chư Phật Bồ Tát giải
nói nhưng hiểu nghĩa lầm lộn.
Ba là, tuy gặp thiện hữu tri thức chư Phật Bồ Tát tùy
thuận giải nghĩa, nhưng chẳng luôn luôn giữ giới Bồ Tát.
Bốn là, tuy gặp thiện hữu Phật và Bồ Tát tùy thuận giải
nghĩa, vị này cũng học giới Bồ Tát song căn lành chưa thành thục, chưa đủ để
trang nghiêm đạo Vô thượng Bồ Đề.
Bồ Tát tuy có Bồ Tát tánh nếu không đầy đủ bốn việc như
vậy, trọn không thể chứng đạo Vô thượng Bồ Đề. Ngược lại, tuy đầy đủ bốn việc
như trên, nhưng nếu không có tánh Bồ Tát mà có thể chứng Vô thượng Bồ Đề điều ấy
cũng phi lý.