× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Bồ Tát Thiện Giới



Phẩm thứ nhứt…Phần tựa

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở nước Xá Vệ, Tịnh xá Kỳ Hoàn, nơi vườn cây của Thái tử Kỳ Đà và trưởng giả Cấp Cô Độc, cùng với số đông đại Tỳ kheo Tăng gồm năm trăm người, vô lượng Bồ Tát, trong đó có một ngàn vị Đại Bồ Tát làm bực thượng thủ.

Bấy giờ đức Phật bảo chư Bồ Tát:

- Trong đời ác sau này, ai có thể thọ trì, ủng hộ đạo Vô thượng chánh đẳng Chánh giác? Ai có thể hộ pháp? Ai có thể giáo hóa chúng sanh?

Khi đó, Đại Bồ Tát Di Lặc từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo vai mặt, gối bên mặt sát đất, quỳ thẳng chắp tay bạch Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Trong đời ác sau này, con có thể thọ trì, ủng hộ đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có thể bảo vệ Chánh pháp có thể giáo hóa chúng sanh.

Sư Tử Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể dùng các phương tiện nhiếp giữ chúng sanh.

Kim Cang Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh sắp đọa vào ba đường ác, con có thể che chở giữ gìn, làm cho chúng đó khỏi bị đọa lạc.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Nếu chúng sanh nào cầu xin những gì, con có thể giúp họ đầy đủ tất cả.

Trí Tràng Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể đem lại cho chúng sanh trí tuệ rộng lớn.

Pháp tràng Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể đem giáo pháp thí khắp chúng sanh.

Nhựt Quang Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể bố thí chúng sanh sự an vui.

Nguyệt Quang Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể giáo hóa tất cả chúng sanh, khiến họ tu phước đức.

Thiện Hộ Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể giáo hóa tất cả chúng sanh, khiến họ không buông lung.

Vô Tận Ý Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể chỉ dạy tất cả chúng sanh, khiến họ rõ biết ý nghĩa vô tận của các lãnh vực.

Nguyệt Tý Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể bố thí tất cả chúng sanh sự an vui cao tột.

Thiên Nguyệt Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể đem lại cho tất cả chúng sanh sở nhân của sự an lạc.

Quan Thế Âm Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể cứu giúp tất cả chúng sanh khỏi sự sợ hãi.

Đại Thế Chí Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm những người chưa độ được độ thoát.

Chúng Thiện Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho những kẻ chưa điều phục được điều phục.

Thiện Ý Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh đọa vào đường súc sanh, con có thể giáo hóa, khiến chúng đó được điều phục.

Bất Lạc Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể bố thí trí tuệ cho những kẻ ngu muội.

Quang Tụ Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho người căn tánh thấp kém, trở thành căn tánh cao thượng.

Bất Đế Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể chỉ con đường chân chánh cho kẻ mê cuồng.

Nhạo Kiến Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể bố thí sự an lạc cho vô lượng chúng sanh.

Thích Tràng Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho những chúng sanh đã trót chịu khổ, luôn luôn nhớ đến sự khổ.

Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế tôn! Con có thể làm cho chúng sanh trong đường ngạ quỷ, được xa lìa nỗi khổ đói khát.

Thánh Quang Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể điều phục những chúng sanh chẳng ai điều phục.

Duy Ma Cật Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể phá vỡ lòng nghi của chúng sanh.

Quang Minh Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể đóng bít cửa nẻo ba đường ác.

Kim Cang Công Đức Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho những chúng sanh có những hiểu biết dị biệt, trở thành hiểu biết thuần nhất.

Vô Lượng Hạnh Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể đem lại cho chúng sanh đạo quả vô lậu.

Vô Sở Úy Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm tan hoại những thứ sợ sệt của chúng sanh.

Bảo Công Đức Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể chỉ rõ kho tàng công đức quý báu cho tất cả chúng sanh.

Thiện Ý Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể dùng lời nói thanh tao mềm mỏng điều phục chúng sanh.

Tịnh Quang Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể dùng sự yêu mến để điều phục chúng sanh.

Phổ Hiền Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho tất cả chúng sanh nhớ lại đời quá khứ.

Cao Quý Đức Quang Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho chúng sanh chuyên cần tinh tấn tu hành.

Thiện Công Đức Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho những chúng sanh khổ não đều được giải thoát.

Bảo Thủ Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể thí khắp vô lượng chúng sanh các món báu vật.

Ý Châu Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể phá hỏng sự nghèo cùng của chúng sanh.

Phá Kiết Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể phá hoại sự phiền não của các chúng sanh.

Kim Quang Minh Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể chỉ con đường chơn thật cho những chúng sanh tà ngụy.

Công Đức Sắc Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho chúng sanh thuộc các Thừa, trụ vào nhứt Thừa.

Pháp Ý Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho chúng sanh được con mắt pháp.

Kim Cang Tử Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm hư hỏng nghiệp ác của các chúng sanh.

Pháp Tăng Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể đúng như pháp nhiếp giữ chúng sanh.

Vô Sanh Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể làm cho tất cả chúng sanh lìa khỏi ba độc.

Nguyệt Thắng Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể chỉ phương tiện khéo léo cho chúng sanh.

Sư Tử Ý Bồ Tát thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Con có thể đem Phật Pháp thí khắp chúng sanh.

Sư Tử Hống Bồ Tát thưa:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Con có thể phá hỏng lưới nghi của chúng sanh.

Hương Thượng Vương Bồ Tát thưa:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Về đời ác sau này, trong giấc chiêm bao của chúng sanh, con có thể chỉ cho họ phá hoại phiền não.

*

* *

Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất tự suy nghĩ như vầy:

Lạ lùng thay! Kỳ đặc thay! Những việc của chư Bồ Tát thật chẳng thể nghĩ bàn. Nghĩ như vậy rồi, ngài liền bạch Phật:

- Kính lạy đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát siêng năng tinh tấn tu hành, đầy đủ có phương tiện, để có thể đem lại lợi ích cho chúng sanh về mọi mặt. Bạch đức Thế Tôn! Những vị Đại Bồ Tát đã như thế, thì sao chúng sanh lại còn theo các vị này hỏi xin đầu, mắt, tủy, não, máu, thịt hay những nhu cầu khác?

- Kính bạch đức Thế Tôn! Nay con định chắc, người đến xin đây chính là Bồ Tát Ma ha tát.

Đức Phật nói:

- Đúng vậy! Đúng vậy Xá Lợi Phất! Quả như lời ông vừa nói. Chỉ có chư Bồ Tát mới biết Bồ Tát. Bậc Thanh Văn, Duyên Giác thật sự chẳng thể theo kịp nổi.

- Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Ma ha tát tuy hiện các thứ thần túc của Phật, nhưng trọn không bỏ tâm Bồ Tát.

- Xá Lợi Phất! Nếu kẻ trưởng giả nào sanh tâm kiêu mạn, Bồ Tát liền hiện thân trưởng giả để phá sự kiêu mạn của kẻ đó, cả đến trời Na La Diên hoặc người đàng hoàng, nếu có điều kiêu mạn, Bồ Tát cũng đều hiện thân như vậy, để phá tâm kiêu mạn của những kẻ ấy. Nếu họ chứng được Thánh pháp, Bồ Tát liền đem pháp Đại Thừa khai thị.

Tại sao vậy?

- Lìa sự giải thoát của Nhứt Thừa, không có giải thoát nào riêng khác, bởi thế mệnh danh là Như Lai.

- Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát tại gia tu tập hai điều bố thí: Một là Tài thí. Hai là Pháp thí. Bồ Tát xuất gia tu tập bố thí có bốn: Một là Cho viết Hai là Cho mực. Ba là Cho kinh. Bốn là Nói pháp cho người. Bồ Tát xuất gia thực hành đủ bốn việc bố thí này rồi, có thể tự điều phục tâm mình, phá bỏ tâm kiêu mạn và tu phước đức nhẫn nhục.

- Xá Lợi Phất! Bồ Tát xuất gia tu đức nhẫn nhục, là có thể thọ trì giới cấm của Bồ Tát. Lại còn phải đủ ba điều huệ thí nữa, mới có thể thọ trì giới cấm của Bồ Tát. Ba điều huệ thí là gì?

1. Bố thí. 2. Đại thí. 3. Vô thượng thí.

Thế nào là bố thí? - Bố thí vật quý cho chúng sanh trong bốn châu thiên hạ còn chẳng lẫn tiếc, huống là vật mọn. Đây gọi là bố thí.

Thế nào là Đại thí? - Có thể xả bỏ vợ, con cấp thí.

Thế nào là Vô thượng thí? - Bố thí đầu, mắt, tủy, não, xương, thịt, da, máu v.v…Bồ Tát đầy đủ ba thứ thí trên đây là đủ đức nhẫn nhục. Đủ đức Nhẫn này rồi, có thể thọ trì giới cấm của Bồ Tát.

- Xá Lợi Phất! Khi muốn thọ giới Bồ Tát, trước hết nên chế ngự các giác quan cho được mềm mỏng. Đối với sự phát sanh dục nhiễm, Bồ Tát chẳng sanh tâm ham muốn, với sự giận dỗi, Bồ Tát chẳng sanh lòng giận, đối với sự si mê, Bồ Tát chẳng sanh tâm si, với sự sợ sệt, Bồ Tát chẳng sanh tâm lo sợ.

- Nếu Bồ Tát tự hiểu đủ bốn điều như trên, tức như chỗ biết của chư Phật mười phương, vị này cũng có thể biết mười phương chư Phật.

- Xá Lợi Phất! Nếu biết chẳng đủ bốn điều của người thọ giới Bồ Tát, người này chẳng đắc giới Bồ Tát, cũng là luống dối với chư Phật, chư Bồ Tát hiện tại trong mười phương.

- Xá Lợi Phất! Bồ Tát có hai hạng: Hạng thứ nhất theo nhân duyên sân hận. Hạng thứ hai theo nhân duyên si mê.

- Xá Lợi Phất! Sự giận dỗi có thể gây nhân duyên tám địa ngục lớn. Sự si mê có thể làm nhân duyên cho các phiền não xấu ác. Do hai nhân duyên giận dỗi, si mê này mà có thể làm hỏng giới Bồ Tát.

- Xá Lợi Phất! Nếu muốn thọ giới Bồ Tát, trước hết người thọ phải xa lìa tham dục, giận dỗi, si mê, sợ sệt. Người thọ giới nên ở riêng một chỗ rảnh rang, suốt thời gian sáu tháng, ngày đêm sám hối các tội, phát lời như sau:

Con tên là (pháp danh là)…Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng, Quy y các đức Phật hiện tại trong khắp mười phương và chư Bồ Tát Tăng. Quy y đức Thích Ca Như Lai.

Nam Mô Phật Đà

Nam Mô Đạt Ma

Nam Mô Tăng Già

Nam Mô Thập Phương chư Phật cùng Bồ Tát Tăng.

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Kim Cang Vô Hoại Thân Phật.

Nam Mô Bảo Quang Phật.

Nam Mô Vô Lượng Tự Tại Vương Phật.

Nam Mô Vô Thượng Lâm Vương Phật.

Nam Mô Vô Thượng Hoan Hỷ Phật.

Nam Mô Bão Hỏa Phật.

Nam Mô Bão Nguyệt Quang Phật.

Nam Mô Thanh Tịnh Phật.

Nam Mô Thủ Cần Tinh Tấn Phật.

Nam Mô Phạm Đức Phật.

Nam Mô Thiện Công Đức Phật.

Nam Mô Chiên Đàn Công Đức Phật.

Nam Mô Quang Công Đức Phật.

Nam Mô A Thúc Già Công Đức Phật.

Nam Mô Na La Diên Lực Phật.

Nam Mô Hoa Công Đức Phật.

Nam Mô Liên Hoa Phật.

Nam Mô Tài Công Đức Phật.

Nam Mô Niệm Công Đức Phật.

Nam Mô Thiện Danh Phật.

Nam Mô Thích Chủng Vương Phật.

Nam Mô Vô Thắng Phật.

Nam Mô Vô Biên Thân Quang Phật.

Nam Mô Vô Biên Thân Phật.

Nam Mô Vô Động Phật.

Nam Mô Đại Sơn Vương Phật.

Quy y như vậy vô lượng chư Phật, Bồ Tát trong vô lượng thế gian, thường trụ nơi đời, nói pháp giáo hóa.

Ngưỡng mong chư Phật xót thương đoái tưởng, như vô lượng đời trước hoặc đời hiện tại, con đã lỡ tạo các điều ác nghiệp bất thiện. Hoặc tự mình làm hay thấy người làm sanh tâm vui mừng. Hoặc lấy những vật của Phật, hoặc vật của Pháp, vật của chúng tăng, vật chiêu đề Tăng, vật hiện tiền tăng, hoặc tự mình lấy hay thấy người lấy sanh tâm vui mừng. Hoặc tự mình gây tội ngũ nghịch, hay thấy người gây tội sanh tâm vui mừng. Tự mình tạo mười nghiệp ác hay thấy người tạo, sanh tâm vui mừng.

Do nhân duyên các nghiệp chẳng lành này, sẽ đọa vào loài súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, hoặc nơi biên địa, hoặc sanh lên các cõi trời trường thọ, hoặc sanh làm người câm, điếc, ngọng, mù, hoặc gần thầy tà, bạn ác, không gặp chư Phật xuất thế. Những tội như vậy, ngày nay thành tâm, cầu xin sám hối.

Như đối trước đức Thích Ca Mâu Ni hiện tại, đấng Như Lai Thế Tôn chơn thật rõ biết, trí Phật vô ngại, mắt Phật thấy suốt, ngài luôn luôn vì tất cả chúng sanh làm bậc chứng minh. Kính mong đức Phật soi xét lòng thành sám hối của con, từ nay trở đi con không dám gây tội lỗi như trước.

Thứ nữa, ngưỡng mong mười phương chư Phật, chư đại Bồ Tát, đồng gia tâm chứng giám cho con. Nếu con đã gây phước nghiệp bố thí trong vô lượng đời trước hay đã gây tạo trong hiện đời này, dầu là đem thí cho loài súc sanh một nắm thức ăn…Những công đức ấy đều đem hồi hướng. Hoặc những công đức do sự trì giới mà con đã tạo trong lúc nào đó, tất cả đều đem hồi hướng về đạo Vô Thượng Bồ Đề, như sự phát nguyện hồi hướng của chư Phật Bồ Tát quá khứ, như sự phát nguyện hồi hướng của chư Phật, Bồ Tát vị lai, như sự phát nguyện hồi hướng của chư Phật, Bồ Tát hiện tại trong khắp mười phương hư không pháp giới.

- Xá Lợi Phất! Vị Bồ Tát chí tâm lễ lạy, cung kính chư Phật, trải qua sáu tháng như vậy rồi, hoặc tới lui, hoặc đi đứng, hoặc ngồi. Lúc đó chư Phật mười phương hiện thân ra trước mặt, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tuy thị hiện tướng hảo với Bồ Tát ấy, nhưng đối với pháp giới vẫn là bất động.

Tại sao thế?

- Các đức Như Lai chơn thật rõ biết tâm của Bồ Tát này. Mười phương chư Phật đều biết chắc Bồ Tát này có thể kham lãnh thọ trì giới cấm của Bồ Tát để tu lòng Từ Bi, có thể phá hoại ma quân và chuyển bánh xe pháp, tuyên nói chánh pháp, điều phục chúng sanh trong khắp pháp giới. Do ý nghĩa đó chư Phật mười phương vì Bồ Tát này, hiện ra thân tướng các ngài.

- Này Xá Lợi Phất! Như tiếng rống của sư tử, mèo, chồn có thể rống nổi không?

- Thưa không! Bạch đức Thế Tôn.

- Nếu người không vun trồng cội đức nơi vô lượng đức Phật, người đó có thể được giới Bồ Tát không?

- Bạch đức Thế tôn! Không thể nào được.

- Xá Lợi Phất! Như sức chuyên chở của voi chúa, con lừa có thể hơn không?

- Kính bạch Thế Tôn! Không thể nào hơn.

- Như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, lửa đom đóm có thể sánh bằng không?

- Kính bạch Thế Tôn! Không thể sánh bằng.

- Như báu vật của Tỳ sa môn Thiên vương, kẻ nghèo nàn có thể bằng không?

- Kính bạch Thế Tôn! Không bằng.

- Như chim Đại bàng bay lượn, con quạ có thể theo kịp không?

- Kính bạch Thế Tôn! Không thể theo kịp.

- Này Xá Lợi Phất! Nếu như người nào, trong vô lượng đời, trong vô lượng chỗ của các đức Phật, đã từng trồng sâu cội đức, người này mới có thể thọ giới Bồ Tát, mới có thể thấy chư Phật mười phương một cách rõ ràng.

- Xá Lợi Phất! Khi thọ giới Bồ Tát rồi, nếu do khách trần phiền não, phạm phải những điều có thể sám hối, hãy nên hướng về chư Phật trong mười phương mà lễ sám.

Bồ Tát trọn không tạo năm tội nghịch. Nếu tâm tham dục chẳng dứt, đến đỗi sanh con, phải nên đối trước chư Phật hiện tại trong mười phương, trường trải hai năm, ban ngày ban đêm, hết lòng trân trọng, cầu xin sám hối.

Nếu vì lòng tham của, trộm lấy vật của Phật của Pháp, của Tăng, cũng phải đối trước chư Phật sám hối hai năm như đã nói trên.

- Xá Lợi Phất! Bồ Tát do nhân duyên giận dỗi hủy phá giới cấm ư? Việc ấy không có. Do nhân duyên giận dỗi phá hủy giới cấm lại được sám hối ư? Việc ấy cũng không có.

*

Bấy giờ Tôn giả Ưu Ba Ly, cũng trong buổi rạng đông hôm ấy, ngài ra khỏi thiền định, đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật, nhiễu quanh đức Phật ba vòng rồi ngồi xuống một bên và bạch:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Như trong giới kinh nói "Nếu đệ tử Như Lai, những người có đức tin, một khi đã thọ giới, dầu phải mất cả mạng sống, suốt đời cũng không nên hủy phạm”.

- Kính bạch đức Thế Tôn! Hiện tại đây và về sau này, khi Phật Niết Bàn rồi, con nên phân biệt như thế nào, để biết rõ giới cấm của Thanh Văn, giới cấm của Duyên Giác và giới cấm của Bồ Tát? Đức Thế Tôn dạy rằng; con là người đứng đầu trong các vị trì luật, nay con chẳng rõ phương tiện của Tỳ ni, làm thế nào để nói ra? Nay đây có nhiều vị đại Tỳ kheo cùng chư Bồ Tát tăng, cúi mong đức Như Lai chỉ vẽ đầy đủ và giảng nói rộng rãi.

Đức Phật dạy:

- Lành thay! Lành thay Ưu Ba Ly! Hãy dốc lòng nghe kỹ và khéo suy nghĩ nhớ lấy, tôi sẽ vì ông mà nói rõ.

- Này Ưu Ba Ly! Giới của Thanh Văn nhơn duyên khác. Giới của Bồ Tát nhơn duyên khác. Giới của Thanh văn tâm lượng khác. Giới của Bồ Tát tâm lượng khác. Sự trang nghiêm của giới Thanh văn khác. Sự trang nghiêm của giới Bồ Tát khác. Giới của Thanh văn phương tiện khác. Giới của Bồ Tát phương tiện lại khác.

- Ưu Ba Ly! Sự trong sạch của giới Thanh văn không phải như sự trong sạch của giới Bồ Tát. Sự trong sạch của giới Bồ Tát không phải như sự trong sạch của giới Thanh văn.

Người thuộc Thanh văn đầu đến một niệm cũng không cầu thọ thân các cõi (Hữu), nên gọi là sự trong sạch của giới Thanh văn. Bồ Tát thì trái lại, nếu chẳng cầu "Hữu” gọi là đại phá giới, gọi là giới không trong sạch.

Bực Thanh văn nếu còn cầu có sự thọ thân gọi là phá giới, gọi là giới không trong sạch.

- Ưu Ba Ly! Bồ Tát Ma ha tát trong vô lượng kiếp, luôn luôn ở trong các nẻo mà không mong tiến thủ, gọi là Bồ Tát hủy Tịnh của Thanh văn. Bởi ý nghĩa đó cho nên Ưu Ba Ly, ông nên nói rằng: Thanh văn hủy cấm là gấp, Bồ Tát hủy cấm là hoãn, Thanh văn hủy giới bị đóng bít. Bồ Tát hủy phạm được khai mở. Trong giới Thanh văn nên nói nhân duyên, trong giới Bồ Tát không nên nói nhân duyên.

- Ưu Ba Ly! Sự tùy thuận chúng sanh của Bồ Tát chẳng phải như hàng Thanh Văn. Thế nên, đối với Bồ Tát, những giới dâu nhỏ, dâu hoãn, Thanh văn cũng phải bảo vệ như những giới gấp.

- Ưu Ba Ly! Bồ Tát trong buổi rạng đông phạm giới, vẫn cố nhớ nghĩ đến đạo Vô Thượng Bồ Đề, tự biết tội lỗi của mình, ngày đêm ba thời cũng cố nhớ nghĩ như vậy. Đây gọi là giới Bồ Tát.

- Ưu Ba Ly! Nếu Bồ Tát mỗi lúc mỗi phạm chẳng gọi là phá giới.

Nếu như Thanh văn mỗi lúc mỗi phạm, gọi là phá giới, gọi là mất giới, gọi là chẳng được đạo quả của bậc sa môn.

Tại sao thế?

- Người Thanh văn vì muốn mau chóng phá hoại phiền não mà siêng năng tinh tấn, vì thế chẳng nên hủy phạm.

- Ưu Ba Ly! Bồ Tát nếu không Hằng hà sa kiếp thọ hưởng năm thứ dục lạc, cũng không mất giới cấm của Bồ Tát, chẳng gọi là mất giới, chẳng gọi là không được quả vị Bồ Tát.

- Ưu Ba Ly! Bồ Tát chẳng thể trong một đời sạch hết phiền não, mà phải dùng nhiều phương tiện trừ sạch lần lần.

- Ưu Ba Ly! Đạo Vô Thượng Bồ Đề, phải nhờ năng lực trang nghiêm cao tột vĩ đại, sau đó mới chứng quả vị Vô thượng Chánh giác, chẳng phải một đời chứng được. Vì thế Như Lai không nói "Bồ Tát ở trong đường sống chết sanh tâm hối đối” cũng không tuyên nói rằng "phải đoạn hết tham ái” mà Như Lai vì Bồ Tát nói pháp hoan hỷ, pháp sâu xa, pháp không nghi ngờ, pháp rỗng rang, Bồ Tát nghe pháp ấy rồi thích ở trong đường sanh tử.

Ngài Ưu Ba Ly thưa:

- Kính bạch Thế Tôn! Phạm có ba thứ:

- Một là tham lam. Hai là Giận dỗi. Ba là si mê.

- Bồ Tát phạm tội nặng là những gì? Phạm tội nhẹ là những gì?

Phật đáp:

- Ưu Ba Ly! Nếu Bồ Tát phạm những điều thuộc tham, nhiều như số cát sông Hằng, chẳng gọi là hủy giới. Nếu một lần phạm sân, làm nhân duyên hủy giới. Đây gọi là phá giới.

- Vì sao thế?

- Này Ưu Bà Ly! Tâm giận dỗi bỏ rơi chúng sanh, tâm tham ái có thể che chở chúng sanh. Nếu yêu mến chúng sanh chẳng gọi là phiền não. Giận dỗi bỏ rơi chúng sanh gọi là phiền não sâu nặng.

- Ưu Bà Ly! Vì thế trong kinh Như Lai nói rằng: Những kiết sử tham khó đoạn chẳng gọi là nặng. Giận dỗi dễ dứt, ấy gọi là nặng.

- Ưu Ba Ly! Thứ khó đoạn chẳng phải là nặng. Bồ Tát thường đoạn giận dỗi là thứ giới trọng dễ trừ, cho đến trong giấc chiêm bao còn không giận dỗi.

- Ưu Ba Ly! Bồ Tát si mê không có phương tiện hay khéo lo sợ phạm ái. Bồ Tát có trí, khéo biết phương tiện, lo sợ phạm sân, chẳng sợ phạm ái.

*

Khi đó, ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

- Kính thưa đức Thế Tôn! Tỳ ni gọi là điều phục. Tánh của các pháp rốt ráo là điêu. Vì sao đức Như Lai tuyên nói về Tỳ ni?

Phật đáp:

- Văn Thù Sư Lợi! Nếu kẻ phàm phu có thể biết các pháp rốt ráo là điêu, thì Như Lai trọn không nói về Tỳ ni. Bởi kẻ phàm phu chẳng biết, chẳng hiểu, do đó Như Lai vì nói Tỳ ni.

- Văn Thù Sư Lợi! Nay ông vì sao không nói về Tỳ ni? Ưu Ba Ly đang muốn nghe đó.

Bấy giờ ngài Văn Thù Sư Lợi nói với ngài Ưu Ba Ly:

- Này ông Ưu Ba Ly! Tất cả các pháp rốt ráo là điều phục.

- Tất cả các pháp tánh chẳng ô uế.

- Tất cả các pháp tánh chẳng điên đảo.

- Tất cả các pháp tánh vốn thanh tịnh.

- Tất cả các pháp chẳng thể tuyên nói.

- Tất cả các pháp không có chấp lấy.

- Tất cả các pháp không đi, không lại.

- Tất cả các pháp không thể nghĩ bàn.

- Tất cả các pháp không hề chướng ngại.

- Tất cả các pháp vốn không tự tánh.

- Tất cả các pháp chẳng sanh chẳng diệt.

- Tất cả các pháp không bị chi phối.

- Tất cả các pháp không có ba đời.

- Tất cả các pháp không có lưới nghi.

- Tất cả các pháp như vậy, Phật đều hiểu biết.

Ưu Ba Ly bạch Phật:

- Kính thưa đức Thế Tôn! Như chỗ nói ra của ngài Văn Thù Sư Lợi, chẳng phải là nói một cách rõ ràng.

Phật bảo:

- Này Ưu Ba Ly! Văn Thù Sư Lợi thường thích tuyên nói nghĩa lý giải thoát như vậy.

Ưu Ba Ly thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Vì sao gọi là Bồ Tát kiêu mạn? Phật đáp:

- Nếu Bồ Tát nói rằng "Ta có Bồ Đề tâm, ta thực hành hạnh Bồ Đề, tu sáu pháp ba la mật. Ta vì Bát nhã ba la mật mà tu các hạnh…” Hoặc nói hạnh Bồ Đề sâu, hạnh Thanh văn cạn. Hạnh Bồ Đề trong sạch. Hạnh Thanh văn chẳng trong sạch. Hạnh Bồ đề rốt ráo, hạnh Thanh văn chẳng rốt ráo…” Nếu lại sanh tâm phân biệt "là pháp Thanh văn, là pháp Duyên giác, là pháp Bồ Tát, là pháp Phật. Đây gọi là tịnh, đây là bất tịnh, đây gọi là Đạo, đây chẳng phải Đạo…Như thế gọi là Bồ Tát kiêu mạn.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy