Trọn bộ mười
quyển
Đời Tống nước Kế Tân
Tam Tạng Pháp sư Cầu Na Bạt Ma Dịch Phạn
văn sang Hán văn
Tỳ kheo Thích ThiệnThông
Dịch ra Việt
văn
--- o0o --- Mùa An cư năm 1981
tại già lam Quảng Hương, lúc đó hòa thượng Thích Trí Thủ còn sinh thời, tôi xin
nhập hạ tại đó, trong lúc lên thư viện mượn một ít kinh luận để đọc, tôi bỗng
bắt gặp một tập sách lẻ loi rất dày và đẹp, cạnh mạ vàng óng ánh, thật là loại
kinh sách quý. Mở ra xem thì đó là 1 tập thuộc Tân Tu Đại Chánh Tạng, dày 1,000
trang, trong đó chứa đựng nội dung các bộ kinh Bồ tát Thiện Giới, Du Già Sư Địa
Luận và một vài bộ kinh nào nữa mà nay tôi không còn nhớ rõ. Mới đọc qua vài
trang đầu, tôi không sao hiểu nổi ý nghĩa, vì trình độ Hán văn quá ít ỏi, nói
đến dịch thuật, thật là chuyện mơ hồ. Hai năm sau tôi
nhận một ngôi chùa ở vùng Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Một dịp nọ ra Long Khánh, đến
chùa Bảo Sơn của thầy Huệ Tâm, trong lúc chuyện trò, bớt chợt nhìn vào tủ kinh
sách, thấy một tập kinh in trên giấy thật trắng, tôi xin phép mượn xem thử tại
chỗ, lại thấy đó là một tập trong đại tạng Tần Già, ngoài bìa đề "Đại Thừa Luật”
bên trong gồm 20 quyển; Bồ tát Thiện Giới 10 quyển, Phạm Võng 2 quyển, Anh Lạc
Bổn Nghiệp 2 quyển, Văn Thù Sư Lợi Vấn Phật 2 quyển, Thập Thiện 1 quyển, Thọ
Thập Thiện Giới 1 quyển, Bồ Tát Nội Giới 2 quyển. Bỗng tôi nghĩ: Có một cái gì
lạ lùng khiến tôi hai lần gặp được Bộ Bồ Tát Thiện Giới như vầy? Đây không phải
là chuyện ngẫu nhiên may rủi, chắc chắn có nguyên nhân gì với giáo pháp, nên mới
khiến tôi bắt gặp bộ kinh quý báu này. Thế là tôi mượn tập kinh ấy đem về
nghiên cứu, và thầy Huệ Tâm bằng lòng cho mượn. Sau khi đem về, mở kinh Bồ Tát
Thiện Giới ra đọc tới đọc lui, độ 5, 7 tờ thấy sao mà bao la sâu thẳm quá, mình
chữ nghĩa chỉ lõm bõm sơ sài, biết có kham nổi không đây? Tuy vậy, tôi quyết chí
cố gắng diễn dịch, hy vọng có thể vượt qua những khó khăn. Mùa An cư 1984 tôi
bắt đầu hạ bút, trước hết là dịch mấy bộ kinh ngắn, như kinh Thập Thiện (bản đời
Tống), kinh Văn Thù Vấn Phật…Qua mùa hạ 1985 tôi khởi sự dịch bộ này, mỗi ngày
dành 3 giờ để làm việc, sau mùa An cư năm đó tôi dịch được 5 quyển và 5 quyển
sau tôi hoàn tất trong cuối năm 1985, tôi so sánh sửa chữa, chép đi chép lại đến
3 lần. Qua năm 1986, nhân lúc gặp TT. Đức Chơn, tôi đưa bản thảo nhờ góp ý,
trong lúc nhập thất TT. Đức Chơn viết thư ra, phát biểu rằng: "Tôi đã đọc xong
bộ kinh của thầy dịch, thật là một bộ mới lạ hiếm có. Thì ra trong Tạng còn
nhiều bộ kinh lớn như thế này mà ít người chịu dịch đến, phần nhiều người ta
dịch những bản đã có người dịch trước, tôi rất tùy hỷ việc làm của thầy, sau khi
ra thất tôi sẽ cho người đánh máy giúp, và tôi sẽ bồi dưỡng tiền công cho họ”.
Thượng Tọa Đức Chơn đã thực hiện lời hứa ấy và trao cho tôi 3 bản đánh máy. Năm 1990, lúc đến
Phật học viện Huệ Nghiêm, gặp thầy Toàn Châu đang dịch mấy quyển Phật Tâm Tông,
thầy cho biết HT. Từ Đàm mới vô già lam Quảng Hương, thầy đề nghị tôi nên nhờ
Hòa thượng giảo chánh lại, tôi đồng ý, chúng tôi hẹn ngày đến gặp Ôn Từ Đàm.
Sáng mùng 2/8 thầy Toàn Châu và tôi được Hoà thượng tiếp chuyện, qua lời giới
thiệu của TT. Toàn Châu, Hòa thượng đồng ý duyệt lại bản thảo, HT hỏi có đem bản
chính theo không? Tôi trao tạng bản, thì Hòa thượng nói: - Nhân duyên nào thầy
có tạng bản này? - Kính bạch Hòa thượng.
Con mượn ở chùa Bảo Sơn huyện Long Khánh. - Tôi nhớ tại Linh
Quang (Huế) có tạng Tần Già này, vì sao lại rơi rớt ở đó kìa? - Thưa Hòa thượng con
cũng không rõ. Có lẽ vị nào đó từ Huế đem vào, rồi bỏ quên lại đó chăng? Vậy
nếu cần, sau khi duyệt xong, Hoà thượng đem về đó thì hay quá, như vậy khỏi bị
thất lạc. Nghe tôi nói vậy,
Hòa thượng Từ Đàm gật đầu. Hòa thượng yêu cầu tôi đọc bản Việt, còn ngài cầm
bản chữ Hán để theo dõi. Sáng hôm đó HT không được khỏe, vì vừa qua một cơn
bệnh nhẹ, tuy vậy HT vẫn nằm trên võng nghe tôi đọc phần Việt dịch, đến chỗ nào
hơi nghi ngờ, HT yêu cầu tôi giải thích về những từ ngữ mà tôi xử dụng, sau khi
tôi trình bày, HT chấp nhận. Đọc đến hết quyển 4, HT bảo "Hãy thôi, không cần
phải đọc nữa. Qua 4 quyển vừa rồi tôi xét thấy mức độ chính xác 98/100, bản này
thầy dịch theo lối văn mới, được lắm đó” Hòa thượng dạy những lời trên trước sự
hiện diện của TT Đức Chơn và thầy Toàn Châu. Tôi ngỏ ý thỉnh Hòa thượng viết
cho lời tựa, nhưng Hòa thượng nói: - Thầy cứ viết đi, rồi
tôi giới thiệu cho. Sau khi được sự
khích lệ tinh thần của bậc tôn túc khả kính, tôi lần hồi dịch tiếp bộ Bồ Tát Anh
Lạc Bổn Nghiệp (vì đã có bản chép tay), từ dạo đó đến nay, trước sau đã 10 năm,
phần thì thiếu thốn tài chánh, phần thì bận tới lui giảng dạy ở một số trường
Phật học, tôi vẫn giữ nguyên bản thảo, chưa có dịp lưu thông, nay xét giới tu sĩ
trẻ càng ngày càng đông, nền giáo dục Phật pháp càng được mở rộng, tôi dành dụm
chút đỉnh tài chánh làm lại bản thảo này để ra mắt học giới, mong đóng góp phần
nhỏ trong việc phổ biến giáo pháp hiện tại và tương lai. Nay tôi ghi lại
những lời này trước là kính gởi lên Hòa thượng Từ Đàm sự tri ân sâu đậm vì ngài
đã không quản ngại tuổi cao sức yếu, duyệt qua bản thảo và khích lệ tinh thần
trong việc dịch thuật này. Tôi cũng xin cảm tạ sự sốt sắng hỗ trợ của TT Đức
Chơn trong thời gian trước đây. Thành thật tán thán sự đóng góp tịnh tài của
chư thượng tọa và các Phật tử phát tâm, để bộ kinh Bồ Tát Thiện Giới được lưu
thông mặc dầu trong phạm vi giới hạn nội bộ.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Mahatát.
Dịch giả cẩn chí.
Thích Thiện Thông
Bồ Tát Thiện Giới,
hiểu theo nghĩa Việt là những giới tốt lành, hay kheo, chơn chánh của Bồ
tát.
Nói đến giới
Bồ tát, ta thường nghĩ ngay đến mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh được
nói trong kinh Phạm Võng, hoặc sáu giới trọng hai mươi tám giới khinh trong kinh
Thi Ca La Việt. Theo ý nghĩa nơi kinh này, thì giới Bồ tát không chỉ hạn hẹp
trong bao nhiêu đó mà là rộng rãi vô cùng, bao quát tất cả. Phàm những gì mà
một Bồ tát từ khi sơ phát tâm cho đến khi chứng quả Phật, bao nhiêu quá trình tu
tập mà vị đó trải qua, bao nhiêu công hạnh vị đó thực hiện và những quả đức đã
chứng nhập, đều được gọi là "Thiện giới”. Do ý nghĩa ấy mà bậc tiên đức đã nói
"Về giới Bồ tát, nếu tính đến lượng đông với hư không, về cảnh thì lan khắp pháp
giới”, tất cả những Giới, Hạnh, Quả như vậy được tóm thâu trong ba cú nghĩa:
Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới, chúng ta
quen gọi là Tam tụ luật nghi của Bồ tát.
Vì "Thiện
giới” bao hàm tất cả những nghĩa như vậy, cho nên trong kinh này nơi cuối quyển
9, khi ngài Ưu Ba Ly hỏi về tên kinh, đức Phật đã dạy: "Ưu Ba Ly! Kinh này gọi
là Thiện giới, gọi là Bồ tát địa, gọi là Luật Bồ tát, gọi là Luận Bồ tát, gọi là
Như Lai Tạng, gọi là Căn bản của tất cả thiện pháp, gọi là Nhân của sự an lạc,
gọi là Sự chứa nhóm các hạnh ba la mật…”
Trọn bộ kinh
gồm 10 quyển, chia làm 30 phẩm. Chín quyển đầu thuyết minh tất cả hạnh môn của
Bồ tát địa và Phật địa, một quyển sau dạy về thể thức truyền giới, tự thệ thọ
giới, cũng như thuyết minh tám giới trọng và 55 giới khinh của Bồ tát, xem như
một bộ giới bổn, ngoài bộ giới Bổn Phạm Võng. Điểm đặc biệt của quyển giới bổn
này là dạy rõ vừa pháp giá vừa pháp khai trong 55 giới khinh của Bồ tát, mà từ
trước đến nay chưa thấy có bản dịch nào nói đến, cho nên phần giới bổn trong bộ
kinh này có thể triển khai nhiều phương diện, giúp ích cho những vị đã thọ học
giới Bồ tát, muốn biết để thực hành.
Qua 30 phẩm
kinh, đức Phật đã giảng nói một cách cô đọng, sâu thẳm về vô biên hạnh của Bồ
tát, như Mười Ba la mật, Bốn nhiếp pháp, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Mười hai nhân
duyên, Bốn Vô lượng tâm, Ba giải thoát môn, Bốn pháp ấn…Ngoài những hạnh môn của
Bồ tát, ngài còn dạy rõ về 140 pháp bất cộng của chư Phật, như nhân địa và thành
quả 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, Bốn tịnh hạnh, Mười lực, Bốn vô sở úy, Ba niệm xứ,
Ba bất hộ, Đại bi, Thường không quên mất, Trí đoạn tập nhân phiền não, Nhứt
thiết chủng trí…
Có một điểm
đáng lưu ý mà chúng tôi muốn trình bày là: trong khi diễn nói những hạnh môn ba
la mật của Bồ tát đức Phật dạy về hành trình của 41 ngôi vị, nhất là 10 địa
trong hàng thập thánh, phần này rất cô đọng nhưng đã tóm nhiếp giáo nghĩa bậc
Thập địa nơi kinh Hoa Nghiêm, hoặc trong kinh Phạm Võng (quyển thượng) Kinh Anh
Lạc Bổn Nghiệp, kinh Lăng Nghiêm v.v…Như vậy, kinh Bồ tát Thiện giới này là Bồ
tát luật, Bồ tát luận, là Như Lai Tạng, quả thật không sai.
Trong khi dịch
thuật bộ này, chúng tôi nhận thấy rằng, nội dung của kinh chứa đựng quá nhiều
thuật ngữ, cũng như pháp số mà nhiều kinh khác có chỗ cũng nói đến. Có lẽ các
nhà sớ giải Trung hoa đã nương vào kinh này, để giải thích thuật ngữ, pháp số
nằm trong những hạnh môn của Bồ tát địa.
Tóm lại, tuy
chỉ gồm trong 10 quyển nhưng đã bao gồm tất cả những giáo lý tối thượng Phật
thừa, mà đức Thế Tôn của chúng ta đã thành tựu, và ngài vì hàng Bồ tát Vị lai mà
nói ra.
Kinh này được
tam tạng pháp sư Cầu Na Bạt Ma người Ấn độ. Cầu Na Bạt Ma (Gunavarman), người
Hoa dịch là Công Đức Khải, ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp năm Nguyên Gia thứ 8 đời
vua Tống Văn Đế, từng dịch hơn một chục bộ kinh, luật được vua Tống rất khen
ngợi cung kính.
Vì một nhân
duyên nào đó, khiến tôi gặp kinh này và phát nguyện dịch ra Việt văn, để góp
phần văn hóa Phật giáo nước nhà, và giúp thêm tư liệu cho chư vị tại gia xuất
gia rộng đường duyệt lãm. Mặc dù cố gắng hết mình và sửa đi sửa lại nhiều lần,
nhưng thánh ý cao viễn vô biên, tâm phàm không sao trắc lượng, chắc chắn không
tránh khỏi mọi sự vụng về sai lạc, rất mong chư vị thiện tri thức cao minh chỉ
bày cho những chỗ khuyết điểm, để khi có cơ hội ấn hành sau, được hoàn chỉnh
hơn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tháng quý Thu, năm Ất Hợi 1995
Dịch giả kính ghi
--- o0o ---
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|