× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Niết Bàn



Quyển thứ 32: Phẩm thứ 24: Bồ Tát Ca Diếp (1)

   Phần thứ II : - Này thiện nam tử ! Tranh tụng như vậy là cảnh giới của Phật, chẳng phải là sự hiểu biết của các Thanh Văn, Duyên Giác. Nếu người đối với vấn đề này sinh ra lòng nghi ngờ thì còn có thể tiêu hoại vô lượng phiền não như núi Tu Di. Nếu người ở trong vấn đề này sinh ra quyết định thì đó gọi là chấp trước.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Sao gọi là chấp trước ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Người như vậy, hoặc theo người khác nghe, hoặc tự tìm ở kinh điển, hoặc người khác dạy bảo cho mà đối với những  việc  đã nhận được chẳng thể buông bỏ thì đó gọi là chấp trước.

            Bồ tát Ca Diếp lại bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như vậy chấp trước là thiện hay là bất thiện vậy ?

            - Này thiện nam tử ! Như vậy chấp trước chẳng gọi là thiện. Vì sao vậy ? Vì chẳng thể tiêu hoại các lưới nghi.

            Ngài Ca Diếp lại bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như vậy con người vốn tự chẳng nghi ngờ thì làm sao mà nói rằng chẳng hoại lưới nghi ?

            - Này thiện nam tử ! Luận về chẳng nghi thì tức là nghi vậy !

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có người cho là người Tu đà hoàn chẳng rơi vào ba ác thì người đó cũng phải gọi là trước, gọi là nghi !

            - Này thiện nam tử ! Ðó có thể gọi là định, chẳng được gọi là nghi. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Ví như có người trước thấy người và cây. Sau đó vào ban đêm từ xa thấy rễ cây nhô lên liền phát sinh ý tưởng nghi ngờ là người hay là cây vậy ? Này thiện nam tử ! Như người trước thấy Tỳkheo và Phạm chí, lúc sau ở trên đường từ xa thấy Tỳkheo liền sinh ý tưởng nghi ngờ là Sa môn hay là Phạm chí vậy ? Này thiện nam tử ! Như người trước thấy trâu và trâu nước, lúc sau từ xa thấy trâu liền sinh ra ý tưởng nghi ngờ là trâu hay là trâu nước vậy? Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh trước thấy hai vật thì về sau liền sinh ra nghi ngờ. Vì sao vậy ? Vì tâm chẳng liễu ngộ vậy. Ta cũng chẳng nói người Tu đà hoàn có đoạ vào ba ác, chẳng đọa vào ba ác thì người đó vì sao sinh ra lòng nghi ?

            Bồ tát Ca Diếp bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, cần phải trước thấy rồi nhiên hậu mới nghi. Nhưng có người khi chưa thấy hai thứ vật cũng sinh nghi là sao vậy ? Như là Niết Bàn đó ! Thưa đức Thế Tôn ! Ví như có người trên đường đi gặp vũng nước đục, nhưng chưa từng thấy, mà vẫn sinh nghi ngờ, nước như vậy là sâu hay cạn vậy ? Người này chưa thấy thì làm sao sinh nghi ?

            - Này thiện nam tử ! Luận về Niết Bàn thì tức là đoạn khổ, chẳng phải Niết Bàn thì tức là khổ. Thấy của tất cả chúng sinh có hai thứ : Khổ, chẳng phải khổ. Khổ, chẳng phải khổ thì tức là đói khát, nóng lạnh, sân giận, vui mừng, bệnh ốm, yên ổn, già, trẻ, sinh, chết, trói buộc, giải thoát, ân ái biệt ly, oán ghét tụ hội... Chúng sinh thấy rồi liền sinh ra nghi ngờ : “Phải chăng có sự xa lìa rốt ráo khổ não như vậy ?”. Vậy nên chúng sinh đối với Niết Bàn mà sinh ra nghi vậy. Theo ý ông nếu cho rằng, người này trước khi đến chưa thấy vũng nước đục mà làm sao sinh ra nghi ngờ thì nghĩa này không đúng. Vì sao vậy ? Vì người đó đã thấy trước chỗ khác rồi. Vậy nên ở chỗ này chưa từng đến mà lại sinh ra nghi.

            - Thưa đức Thế Tôn ! Người này khi trước thấy chỗ sâu, cạn rồi chẳng sinh nghi, đến nay vì sao mà lại sinh nghi ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Vốn chưa đi nên đã sinh ra nghi. Vậy nên ta nói rằng, chẳng rõ nên nghi.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, nghi tức là chấp trước, chấp trước tức là nghi, là ai vậy ?

            - Này thiện nam tử ! Là người đoạn thiện căn.

            Ngài Ca Diếp bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Những bọn người nào có thể đoạn thiện căn?

            - Này thiện nam tử ! Nếu có người thông minh, trí tuệ, căn tính linh lợi, có thể giỏi phân biệt mà xa lìa bạn lành, chẳng nghe chính pháp, chẳng khéo tư duy, chẳng theo đúng như pháp mà trụ thì người như vậy có thể cắt đứt căn lành. Người lìa khỏi bốn việc đó thì lòng tự nghĩ  suy : “Không có vật bố thí. Vì sao vậy ? Vì thí tức là xả bỏ tài vật (của cải). Nếu bố thí có quả báo thì phải biết thí chủ thường nên nghèo cùng. Vì sao vậy ? Vì hạt với quả tương tợ. Vậy nên nói rằng, không nhân không quả”. Nếu nói không nhân không quả như vậy thì đó gọi là cắt đứt căn lành. Người đó lại khởi ý nghĩ : “Thí chủ, người nhận và cả tài vật ba việc đều vô thường, không có đình trụ. Nếu không đình trụ thì làm sao nói rằng, đây là thí chủ, người nhận, tài vật ? Nếu không người nhận  thì làm sao được quả báo ? Do nghĩa này nên không nhân không quả”. Nếu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người đó có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ rằng : “Người bố thí khi thí có năm việc thí. Người nhận đã nhận rồi hoặc có khi làm thiện, hoặc làm bất thiện mà thí chủ này cũng lại chẳng được quả thiện hay bất thiện. Như pháp thế gian, từ hạt sinh ra quả, rồi quả trở lại làm hạt. Nhân tức là thí chủ, quả tức là người nhận mà người nhận này chẳng thể dùng pháp thiện hay bất thiện này để khiến cho thí chủ được. Do nghĩa này nên không nhân không quả”. Nếu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người đó có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ : “Không có vật thí. Vì sao vậy ? Vì vật thí vô ký. Nếu là vô ký thì làm sao mà được quả báo thiện vậy ? Không quả báo thiện ác tức là vô ký. Của cải nếu vô ký thì phải biết là không quả báo thiện ác. Vậy nên không thí, không nhân, không quả”. Nêu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người đó có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ : “Thí tức là ý. Nếu là ý thì không thấy, không đối tác, chẳng phải là sắc pháp. Nếu chẳng phải là sắc pháp thì làm sao có thể thí. Vậy nên không thí, không nhân, không quả”. Nếu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người này có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ : “Thí chủ nếu vì tượng Phật, tượng trời, cha mẹ quá cố mà hành thí thì tức là không người nhận. Nếu không người nhận thì ứng không quả báo. Nếu không quả báo thì đó là không nhân. Nếu không nhân thì đó là không quả”. Nếu người nói không nhân không quả như vậy thì phải biết người này có thể cắt đứt căn lành. Người đó lại nghĩ : “Không cha, không mẹ. Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sinh sinh ra chúng sinh thì theo lý nên thường sinh không có đoạn tuyệt. Vì sao vậy ? Vì nhân thường có vậy. Nhưng mà chẳng thường sinh. Vậy nên phải biết là không có cha mẹ”. Lại nghĩ rằng : “Không cha không mẹ. Vì sao vậy ? Vì nếu thân chúng sinh nhân cha mẹ mà có thì một người nên đủ hai căn nam và nữ. Nhưng mà không đủ thì phải biết là chúng sinh chẳng phải nhân cha mẹ”. Lại nghĩ rằng : “Chẳng phải nhân cha mẹ mà sinh ra chúng sinh. Vì sao vậy ? Vì mắt thấy chúng sinh chẳng giống cha mẹ như là thân sắc, tâm, oai nghi, tiến lùi...Vậy nên cha mẹ chẳng phải là nhân của chúng sinh”. Lại nghĩ rằng : “Tất cả thế gian có bốn thứ không : Một là chưa sinh ra gọi là không như khi viên bùn chưa có công dụng của cái bình. Hai là diệt rồi gọi là không như khi bình vỡ rồi thì đó gọi là không. Ba là đều khác lẫn nhau không như trong trâu không ngựa, trong ngựa không trâu. Bốn là rốt ráo gọi là không như sừng thỏ, lông rùa. Cha mẹ của chúng sinh cũng lại như vậy, đồng với bốn không này. Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sinh thì khi cha mẹ chết, con chẳng nhất định chết. Vậy nên cha mẹ chẳng phải nhân của chúng sinh”. Lại nghĩ rằng : “Nếu nói cha mẹ là nhân của chúng sinh thì nên nhân cha mẹ thường sinh ra chúng sinh. Nhưng mà lại có hóa sinh, thấp sinh. Vậy nên phải biết chẳng phải nhân cha mẹ sinh ra chúng sinh vậy”. Lại nghĩ rằng : “Tự có chúng sinh, chẳng phải nhân cha mẹ mà được sinh trưởng. Ví như chim Khổng tước (công) nghe tiếng sấm động mà liền được có thai. Lại như con sẻ xanh uống nước mắt con sẻ đực mà liền được có thai. Như loài chim mạng mạng (cộng mạng) thấy con trống thì múa mà liền được có thai”. Khi tác khởi những ý niệm này mà người ấy chẳng gặp thiện tri thức thì phải biết người đó có thể cắt đứt căn lành. Có người lại nghĩ rằng : “Tất cả thế gian không có quả báo thiện ác. Vì sao vậy ? Vì có những chúng sinh đủ mười thiện pháp, ưa bố thí, siêng tu công đức mà người này cũng lại bị bệnh tật, chết yểu, tài vật tổn thất, nhiều những ưu khổ. Có chúng sinh làm mười điều ác, san tham, tật đố, lười biếng, giải đãi, chẳng tu các điều thiện mà họ được thân yên không bệnh, sống lâu trọn đời, thừa thãi của báu, không các sầu khổ. Vậy nên phải biết là không có quả báo thiện ác”. Họ lại nghĩa rằng : “Ta cũng từng nghe các bậc Thánh nhân nói rằng, có người tu thiện khi mạng chung đọa vào ba đường ác, có người làm ác khi mạng chung được sinh lên cõi người, trời. Vậy nên phải biết là không quả báo thiện, ác”. Họ lại nghĩ rằng : “Tất cả Thánh nhân có hai lối nói, hoặc nói sát sinh được quả báo thiện, hoặc nói sát sinh được quả báo ác. Vậy nên phải biết lời nói của Thánh bất định (chẳng quyết định). Thánh nếu bất định thì ta làm sao định được ? Vậy nên phải biết là không quả báo thiện ác”. Họ lại nghĩ rằng : “ Tất cả thế gian không có Thánh nhân. Vì sao vậy ? Vì nếu nói là Thánh nhân thì nên được Chính đạo. Khi tất cả chúng sinh đầy đủ phiền não mà tu chính đạo thì phải biết là người tu đó đều có chính đạo và phiền não cùng một lúc. Nếu có cùng một lúc thì phải biết là chính đạo chẳng thể phá kết. Nếu không phiền não mà tu chính đạo thì như vậy sở tác của chính đạo là gì ? Vậy nên người đủ phiền não thì đạo chẳng thể hoại, chẳng đủ phiền não thì đạo vô dụng. Vậy nên phải biết là tất cả thế gian không có Thánh nhân”. Họ lại nghĩ rằng : “Vô minh duyên hành... cho đến sinh duyên lão tử, mười hai nhân duyên này, tất cả chúng sinh đều chung có. Tám Thánh đạo thì tính của chúng bình đẳng cũng nên như vậy : Khi một người được thì tất cả nên được, khi một người tu thì nên tất cả khổ diệt. Vì sao vậy ? Vì phiền não bình đẳng. Nhưng mà nay thì chẳng được. Vậy nên phải biết là không có Chính đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Thánh nhân đều có pháp đồng với phàm phu như là ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ nghỉ, vui cười, đói khát, nóng lạnh, ưu sầu, khủng bố... Nếu họ đồng với phàm phu trong những việc như vậy thì phải biết Thánh nhân chẳng được đạo Thánh. nếu được đạo Thánh thì các vị ấy cần phải cắt đứt vĩnh viễn những việc như vậy. Những việc như vậy mà các vị ấy chẳng cắt đứt thì phải biết không có Thánh đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Thánh nhân có thân hưởng thọ niềm vui năm dục, cũng lại nhục mạ đánh đập người, ganh ghét, kiêu mạn, chịu khổ vui, tạo tác nghiệp thiện ác... Do nhân duyên này nên biết không có Thánh nhân. nếu có đạo thì nên cắt đứt việc này. Việc này chẳng cắt đứt thì phải biết là không có đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Người nhiều lân mẫn thì gọi là Thánh nhân. Vì nhân duyên gì gọi là Thánh nhân ? Vì nhân duyên đạo nên gọi là Thánh nhân. Nếu tính của đạo là lân mẫn thì nên thương nghĩ đến tất cả chúng sinh chẳng đợi tu rồi nhiên hậu mới được. Như đạo ấy không lân mẫn thì vì sao Thánh nhân nhân được đao Thánh có thể lân mẫn vậy ? Vậy nên phải biết là đời không có Thánh đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Tất cả bốn đại chẳng từ nhân sinh mà chúng sinh đều có tính bốn đại này thì chẳng quan sát chúng sinh bên này nên đến, bên kia chẳng nên đến. Nếu có tính Thánh đạo thì nên như vậy. Nhưng mà nay chẳng vậy. Vậy nên phải biết là đời không có Thánh nhân”. Họ lại nghĩ rằng : “Nếu các Thánh nhân có một Niết Bàn thì phải biết là không có Thánh nhân. Vì sao vậy ? Vì chẳng thể được vậy. Theo lý của pháp thường trụ thì chẳng thể được, chẳng thể lấy hay bỏ (thủ xả). Nếu các Thánh nhân Niết Bàn nhiều thì tức là vô thường. Vì sao vậy ? Vì pháp có thể tính vậy. Niết Bàn nếu khi mỗi một người được thì tất cả nên được. Niết Bàn nếu nhiều thì tức là có biên mà biên (giới) thì làm sao gọi là Thường ? Nếu có người nói rằng, thể của Niết Bàn là một mà giải thoát thì nhiều như vòm miệng là một mà răng, lưỡi thì nhiều. Nghĩa lý này chẳng đúng ! Vì sao vậy ? Vì mỗi một đều sở đắc riêng, chẳng phải tất cả được. Vì cũng có biên nên là ứng với vô thường. Nếu đã vô thường thì làm sao được gọi là Niết Bàn vậy ? Niết Bàn nếu không thì ai là Thánh nhân. Vậy nên phải biết là không có Thánh nhân”. Họ lại nghĩ rằng : “Ðạo Thánh nhân chẳng phải nhân duyên được. Nếu đạo Thánh nhân chẳng phải nhân duyên được thì vì sao tất cả chẳng làm Thánh nhân ? Nếu tất cả người chẳng phải Thánh nhân thì phải biết là không có Thánh nhân và cả Thánh đạo”. Họ lại nghĩ rằng : “Ðức Thánh nói, chánh kiến có hai nhân duyên, một là từ người khác nghe pháp, hai là bên trong tự suy nghĩ. Hai nhân duyên này nếu từ duyên sinh ra thì cái chỗ từ đó sinh ra lại từ duyên sinh ra. Như vậy đắp đổi có đến vô cùng vậy. Còn nếu hai việc này chẳng từ duyên sinh ra thì tất cả chúng sinh vì sao chẳng được...”. Khi tác khởi những sự quan sát này thì có thể cắt đứt căn lành. Này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh thấy sâu không nhân, không quả như vậy thì người đó có thể cắt đứt Tín căn.v.v... năm căn. Này thiện nam tử ! Người cắt đứt căn lành chẳng phải là người thấp hèn ngu độn, cũng chẳng phải ở trong trời và ba đường ác. Kẻ phá tăng cũng vậy.

            Bồ tát Ca Diếp bạch Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Người như vậy thì khi nào sẽ sanh trở lại thiện căn.

            Ðức Phật dạy :

            - Này Thiện nam tử ! Người như vậy có hai trường hợp sinh trở lại thiện căn. Ðó là khi mới vào dịa ngục và khi ra khỏi địa ngục.

            Này thiện nam tử ! Thiện có ba thứ, quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu là quá khứ thì tánh của nó tự diệt. Nhân tuy diệt tận mà quả báo chưa chín, vậy nên không gọi là đoạn quả của quá khứ, đoạn nhân của ba đời, nên gọi là đoạn.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu đoạn nhân của ba đời thì gọi là đoạn thiện căn mà người đoạn thiện căn thì có Phật tính. Như vậy Phật tính chính là quá khứ hay chính là hiện tại hay chính là vị lai hay là khắp ba đời ? Nếu là quá khứ thì làm sao gọi là Thường ? Phật tính chính là Thường. Vậy nên phải biết chẳng phải là quá khứ. Nếu là vị lai thì làm sao gọi là Thường ? Vì sao đức Phật nói tất cả chúng sinh nhất định sẽ được ? Nếu nhất định được thì sao nói là đoạn ? Nếu là hiện tại thì làm sao lại thường ? Vì sao lại nói nhất định sẽ thấy ? Ðức Như Lai cũng nói Phật tính có sáu, một là thường, hai là chân, ba là thật, bốn là thiện, năm là tịnh, sáu là khả kiến (có thể thấy). Nếu người đoạn thiện căn có Phật tính thì chẳng được gọi là đoạn thiện căn vậy. Nếu không Phật tính thì làm sao lại nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính ? Nếu nói rằng, Phật tính cũng có, cũng đoạn thì làm sao đức Như Lai lại nói là Thường ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Như Lai Thế Tôn vì chúng sinh nên có bốn thứ đáp, một là định đáp, hai là phân biệt đáp, ba là tùy vấn đáp, bốn là trí (đặt để) đáp.

            Này thiện nam tử ! Sao gọi là định đáp ? Nếu hỏi : Nghiệp ác được quả thiện hay quả bất thiện vậy ? Là nên quyết định đáp rằng, được quả bất thiện và thiện cũng như vậy mà đáp. Nếu hỏi : Như Lai có Nhất Thiết Trí không ? Là nên quyết định đáp rằng, chính là Nhất Thiết Trí. Nếu hỏi : Phật pháp chính là thanh tịnh chăng ? Là nên quyết định đáp rằng, nhất định thanh tịnh. Nếu hỏi : Ðệ tử của Như Lai có đúng như pháp mà trụ không ? Là nên quyết định đáp rằng, có đúng như pháp mà trụ. Ðó gọi là định đáp.

            Sao gọi là phân biệt đáp ? Như lời nói về pháp bốn chân đế của ta. Những gì là bốn ? - Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Sao gọi là Khổ đế ? Có tám khổ nên gọi là Khổ đế. Sao gọi là Tập đế ? Nhân của năm ấm nên gọi là Tập đế. Sao gọi là Diệt đế ? Tham dục, sân, si hết rốt ráo nên gọi là Diệt đế. Sao gọi là Ðạo đế ? Ba mươi bảy pháp trợ đạo gọi là Ðạo đế. Ðó gọi là phân biệt đáp.

            Sao gọi là tùy vấn đáp ? Như lời ta nói, tất cả pháp vô thường. Lại có người hỏi rằng : “Ðức Như Lai Thế Tôn vì pháp gì mà nói đến vô thường?”. Ðáp rằng : “Như Lai vì pháp hữu vi nên nói vô thường”. Ðối đáp về vô ngã cũng vậy. Như lời ta nói, tất cả pháp đốt cháy người khác. Lại hỏi rằng : “Ðức Như Lai Thế Tôn vì pháp gì mà nói tất cả đốt cháy ?” Ðáp rằng : “Như Lai vì tham, sân, si nên nói tất cả cháy”.

            Này thiện nam tử ! Mười lực Như Lai, bốn Vô sở úy, đại Từ đại Bi, ba Niệm xứ, Thủ Lăng Nghiêm.v.v... tám muôn ức các tam muội môn, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp. Ngũ trí ấn.v.v... ba vạn năm ngàn các tam muội môn, Kim Cương định.v.v... bốn ngàn hai trăm các tam muội môn, phương tiện tam muội nhiều vô lượng vô biên.v.v... những pháp như vậy là Phật tính. Phật tính như vậy thì có bảy việc : Một là thường, hai là ngã, ba là lạc, bốn là tịnh, năm là chân, sáu là thật, bảy là thiện. Ðó gọi là phân biệt đáp. Này thiện nam tử ! Phật tính của Bồ tát thân sau có sáu việc : Một là thường, hai là tịnh, ba là chân, bốn là thật, năm là thiện, sáu là ít thấy. Ðó là phân biệt đáp. Như trước ông hỏi, người đoạn thiện căn có Phật tính thì người đó cũng có Phật tính Như Lai, cũng có Phật tính thân sau. Hai Phật tính này chướng ngại vị lai nên được gọi là không rốt ráo được, nên được gọi là có. Ðó gọi là phân biệt đáp. Phật tính của Như Lai chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai. Phật tính của thân sau thì hiện tại, vị lai ít có thể thấy nên được gọi là hiện tại. Chưa thấy đủ nên gọi là vị lai. Khi Như Lai chưa được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì nhân của Phật tính cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai, còn quả thì chẳng vậy, có quả là ba đời, có quả chẳng phải ba đời. Nhân của Phật tính Bồ tát thân sau cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai và quả cũng như vậy. Ðó gọi là phân biệt đáp. Phật tính của Bồ tát Cữu Trụ có sáu thứ. Một là thường, hai là thiện, ba là chân, bốn là thật, năm là tịnh, sáu là khả kiến. Nhân của Phật tính cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai và quả cũng như vậy. Ðó gọi là phân biệt đáp. Phật tính của Bồ tát Bát Trụ xuống đến Lục Trụ có năm việc : Một là chân, hai là thật, ba là tịnh, bốn là thiện, năm là khả kiến. Nhân của Phật tính cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai và quả cũng như vậy. Ðó gọi là phân biệt đáp. Phật tính của Bồ tát Ngũ Trụ xuống đến Sơ Trụ có năm việc : Một là chân, hai là thật, ba là tịnh, bốn là khả kiến, năm là thiện hay bất thiện. Này thiện nam tử ! Năm thứ Phật tính, sáu thứ Phật tính, bảy thứ Phật tính này thì người đoạn thiện căn nhất định sẽ được nên được nói rằng có. Ðó gọi là phân biệt đáp.

            Nếu có người nói rằng : “Người đoạn thiện căn thì quyết định có Phật tính hay quyết định không có Phật tính. Ðó gọi là Trí đáp.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Con nghe mà không trả lời mới gọi là trí đáp. Ngày nay đức Như lai dùng nhân duyên gì để đáp mà gọi là trí đáp.

            Này thiện nam tử ! Ta cũng không nói trí mà chẳng đáp, mới gọi là trí đáp.

            Này thiện nam tử ! Như vậy trí đáp lại có hai thứ, một là chận đứng, hai là không để ý, theo nghĩa này nên gọi là trí đáp.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói thì sao gọi là Nhân cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai ? Quả cũng quá khứ, hiện tại, vị lai ? Chẳng phải là quá khứ, hiện tại, vị lai?

             Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Năm ấm có hai thứ, một là nhân, hai là quả. Là nhân thì năm ấm là quá khứ, hiện tại, vị lai. Là quả thì năm ấm cũng là quá khứ, hiện tại, vị lai và cũng chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai. Này thiện nam tử ! Kết sử của tất cả vô minh phiền não đều là Phật tính. Vì sao vậy ? Vì nhân của Phật tính. Từ vô minh, hành... và các phiền não được năm ấm thiện thì đó gọi là Phật tính. Từ năm ấm thiện cho đến chứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy nên ở trong Kinh, trước ta đã nói, Phật tính của chúng sinh như máu với sữa hoàn lẫn. Máu tức là vô minh, hành.v.v... tất cả phiền não. Sữa tức là năm ấm thiện vậy. Vậy nên ta nói, từ các phiền não và năm ấm thiện được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Như thân chúng sinh đều từ tinh huyết mà được thành tựu, Phật tính cũng vậy. Người Tu đà hoàn, người Tư đà hàm vì đoạn ít phiền não nên Phật tính như sữa. Phật tính của người A na hàm như cao sữa (lạc), của người A la hán giống như sinh tô (váng sữa sống), của hàng từ Bích Chi Phật cho đến Bồ tát Thập Trụ giống như thục tô (váng sữa chín). Phật tính của Như Lai giống như đề hồ. Này thiện nam tử ! Phiền não hiện tại vì làm chướng ngại nên khiến cho các chúng sinh chẳng được nhìn thấy. Như trong núi Hương có loại cỏ Nhẫn nhục mà chẳng phải tất cả trâu đều có thể được ăn, Phật tính cũng vậy. Ðó gọi là phân biệt đáp.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Năm thứ, sáu thứ, bảy thứ Phật tính mà nếu vị lai có thì làm sao nói rằng, người đoạn thiện căn có Phật tính vậy ?.

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Như các chúng sinh có nghiệp quá khứ mà nhân nghiệp này nên chúng sinh hiện tại được thọ quả báo. Còn chúng sinh có nghiệp vị lai, do chưa sinh ra nên nhất định chẳng sinh ra quả báo. Có phiền não hiện tại hoặc không phiền não thì tất cả chúng sinh nên phải rõ ràng hiện thấy Phật tính. Vậy nên người đoạn thiện căn do nhân duyên phiền não đời hiện tại có thể cắt đứt căn lành. Những đời vị lai nhờ nhân duyên của lực Phật tính nên trở lại sinh ra thiện căn.            Bồ tát Ca Diếp bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Vị lai làm sao có thể sinh ra thiện căn ?

            - Này thiện nam tử ! Giống như đèn và mặt trời tuy lại chưa sinh ra nhưng cũng có thể phá bóng tối, sự sinh của vị lai có thể sinh ra chúng sinh. Phật tính vị lai cũng lại như vậy. Ðó gọi là phân biệt đáp.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu nói năm ấm là Phật tính thì làm sao nói rằng, Phật tính của chúng sinh chẳng phải trong, chẳng phải ngoài?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Vì nhân duyên gì mà ông mất ý như vậy ? Ta trước chẳng đã nói Phật tính của chúng sinh là trung đạo đó sao ?

            Ngài Ca Diếp bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Con thật chẳng mất ý ! Nhưng do việc chúng sinh ở trung đạo này, con chẳng thể lý giải nên hỏi vấn đề ấy thôi !

            - Này thiện nam tử ! Chúng sinh chẳng hiểu tức là trung đạo : Hoặc khi có hiểu, hoặc có chẳng hiểu ! Này thiện nam tử ! Ta vì chúng sinh được khai giải mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong, chẳng phải ngoài. Vì sao vậy ? Vì chúng sinh phàm phu hoặc nói rằng, Phật tính trụ ở trong năm ấm như trong đồ đựng có trái cây. Hoặc nói rằng, lìa khỏi năm ấm có Phật tính giống như hư không. Vậy nên Như Lai nói ở trung đạo, Phật tính chẳng phải trong sáu nhập chẳng phải ngoài sáu nhập mà trong ngoài hợp lại nên gọi là trung đạo. Vậy nên Như Lai tuyên nói Phật tính tức là Trung đạo, chẳng phải trong chẳng phải ngoài nên gọi là Trung đạo. Ðó gọi là phân biệt đáp.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là chẳng phải trong chẳng phải ngoài ? Này thiện nam tử ! Hoặc nói rằng, Phật tính tức là ngoại đạo. Vì sao vậy ? Vì Ðại Bồ tát ở vô lượng kiếp, ở tại trong ngoại đạo, cắt đứt các phiền não, điều phục lòng mình, giáo hóa chúng sinh rồi nhiên hậu mới được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do đó Phật tính tức là ngoại đạo. Hoặc nói rằng, Phật tính tức là nội đạo. Vì sao vậy ? Vì Bồ tát tuy ở trong vô lượng kiếp, tu tập ngoại đạo nhưng nếu lìa khỏi nội đạo thì chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do đó Phật tính tức là nội đạo. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này mà nói rằng, Phật tánh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng gọi là trong ngoài, gọi là Trung đạo. Ðó gọi là phân biệt đáp.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc nói rằng, Phật tính tức là thân Như Lai Kim Cương với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Vì sao vậy ? Vì chẳng hư dối vậy. Hoặc nói rằng, Phật tính tức là Mười lực, bốn Vô sở úy, Ðại từ Ðại bi và bốn Niệm xứ, Thủ Lăng Nghiêm.v.v... tất cả tam muội. Vì sao vậy ? Vì nhân tam muội này mà sinh ra thân Kim Cương ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng gọi là trong ngoài, gọi là Trung đạo. Ðó gọi là phân biệt đáp.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc có người nói rằng, Phật tính tức là bên trong tư duy tốt. Vì sao vậy ? Vì lìa khỏi tư duy tốt (thiện) thì chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy nên Phật tính tức là bên trong tư duy tốt. Hoặc có người nói rằng, Phật tính tức là theo người khác nghe pháp. Vì sao vậy ? Vì theo người khác nghe pháp thì có thể bên trong tư duy tốt. Nếu chẳng nghe pháp thì không có tư duy. Do đó Phật tính tức là theo người khác nghe pháp. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này (hai bên) mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng gọi là nội ngoại, gọi là Trung đạo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Lại có người nói rằng, Phật tính là ngoài như là Ðàn Balamật mà từ Ðàn Balamật được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do đó nói rằng, Ðàn Balamật tức là Phật tính. Hoặc có người nói rằng, Phật tính là trong như là năm Balamật (còn lại). Vì sao vậy ? Vì lìa khỏi năm việc này thì phải biết là không có nhân quả Phật tính. Do đó nói rằng, năm Balamật tức là Phật tính. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng trong cũng ngoài. Ðó gọi là Trung đạo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc có người nói rằng, Phật tính ở trong ví như viên ngọc báu trên trán người lực sĩ. Vì sao vậy ? Vì Thường Lạc Ngã Tịnh như viên ngọc báu. Do đó nói rằng, Phật tính ở bên trong. Hoặc có người nói rằng, Phật tính ở bên ngoài như bảo tàng của người nghèo. Vì sao vậy ? Vì do phương tiện nên mới được thấy. Phật tính cũng vậy, ở bên ngoài chúng sinh, phải dùng phương tiện mới được thấy nó. Vậy nên Như Lai ngăn chận quan niệm nhị biên này mà nói rằng, Phật tính chẳng phải trong chẳng phải ngoài, cũng trong cũng ngoài. Ðó gọi là Trung đạo.

            Này thiện nam tử ! Phật tính của chúng sinh chẳng phải có chẳng phải không. Sở dĩ vì sao ? Vì Phật tính tuy có nhưng chẳng phải như hư không. Vì sao vậy ? Vì hư không của thế gian tuy dùng vô lượng phương tiện khéo léo nhưng chẳng thể được thấy mà Phật tính có thể thấy. Vậy nên tuy có nhưng chẳng phải như hư không. Phật tính tuy không nhưng chẳng đồng với sừng thỏ. Vì sao vậy ? Vì lông rùa, sừng thỏ tuy dùng vô lượng phương tiện khéo léo vẫn chẳng thể được sinh ra mà Phật tính có thể sinh ra. Vậy nên Phật tính tuy không nhưng chẳng đồng với sừng thỏ. Vậy nên Phật tính chẳng phải có chẳng phải không mà cũng có cũng không. Sao gọi là có ? Tất cả đều có ! Những chúng sinh này chẳng đoạn, chẳng diệt như ngọn đèn cháy sáng, cho đến được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðó gọi là có. Sao gọi là không ? Tất cả chúng sinh hiện tại chưa có tất cả Phật pháp Thường Lạc Ngã Tịnh. Vậy nên gọi là không. Có không hợp lại nên tức là Trng đạo. Vậy nên Phật nói rằng, Phật tính của chúng sinh chẳng phải có chẳng phải không. Này thiện nam tử ! Nếu có người hỏi rằng : “Trong chủng tử này có quả hay không có quả vậy ?” thì nên quyết định đáp rằng : “Cũng có cũng không !” Vì sao vậy ? Vì lìa khỏi chủng tử ra thì chẳng thể sinh ra quả. Vậy nên gọi là có. Chủng tử chưa mọc mầm nên gọi là không. Do nghĩa này nên cũng có cũng không. Sở dĩ vì sao ? Vì thời tiết có khác nhưng thể ấy là một. Phật tính của chúng sinh cũng lại như vậy. Nếu nói rằng, trong chúng sinh có Phật tính riêng khác thì nghĩa đó chẳng đúng. Vì sao vậy ? Vì chúng sinh tức là Phật tính, Phật tính tức là chúng sinh mà những do thời tiết khác mà có tịnh hay bất tịnh. Này thiện nam tử ! Nếu có người hỏi rằng : “Hạt giống này có thể sinh ra quả không ? Quả này có thể sinh ra hạt không ?” Thì nên quyết định đáp rằng : “Cũng sinh, cũng chẳng sinh !”

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như người đời nói trong sữa có cao sữa (lạc), thì nghĩa đó ra sao ?

            - Này thiện nam tử ! Nếu có người nói rằng, trong sữa có cao sữa thì đó gọi là chấp trước. Nếu nói không có cao sữa thì gọi là hư vọng. Lìa khỏi hai việc này thì nên quyết định nói rằng,  cũng có cũng không. Vì sao gọi là có ? Vì từ sữa sinh ra cao sữa. Nhân tức là sữa, quả tức là cao sữa. Ðó gọi là có. Sao gọi là không ? Sắc vị đều khác, cách dùng chẳng đồng : Bệnh nóng uống sữa, bệnh lạnh uống cao sữa. Sữa sinh ra bệnh lạnh, cao sữa sinh ra bệnh nóng. Này thiện nam tử ! Nếu nói trong sữa có tính của cao sữa thì sữa tức là cao sữa, cao sữa tức là sữa. Nếu tính của chúng là một thì vì nhân duyên gì sữa xuất hiện trước mà cao sữa chẳng sinh ra trước ? Nếu có nhân duyên thì tất cả người đời vì sao chẳng nói  Còn nếu không nhân duyên thì vì sao cao sữa chẳng xuất hiện trước ? Nếu cao sữa chẳng xuất hiện trước thì ai tạo tác theo thứ lớp sữa, cao sữa, váng sữa sống, váng sữa chín, đề hồ ? Vậy nên biết là, cao sữa trước không nay có. Nếu trước không nay có thì tức là pháp vô thường. Này thiện nam tử ! Nếu có người nói rằng, sữa có tính cao sữa nên có thể sinh ra cao sữa. Nước không tính của cao sữa nên chẳng sinh ra cao sữa, thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy ? Vì nước và cỏ cũng có tính của sữa và cao sữa. Sở dĩ vì sao ? Vì nhân nước và cỏ thì sinh ra sữa và cao sữa. Nếu nói trong sữa quyết định có tính của cao sữa mà nước và cỏ không thì đó gọi là hư vọng. Vì sao vậy ? Vì lòng chẳng bình đẳng nên nói hư vọng. Này thiện nam tử ! Nếu nói trong sữa quyết định có cao sữa thì trong cao sữa cũng nên quyết định có tính của sữa. Vậy vì nhân duyên gì trong sữa sinh ra cao sữa mà trong cao sữa chẳng sinh ra sữa ? Nếu không nhân duyên thì phải biết là cao sữa trước không nay có. Vậy nên người trí nên nói rằng, trong sữa chẳng phải có tính của cao sữa, chẳng phải không tính của cao sữa. Này thiện nam tử ! Vậy nên Như Lai, ở trong kinh, nói lời như vầy : “Tất cả chúng sinh quyết có Phật tính”. Ðó gọi là đắm trước. Nếu nói không Phật tính thì đó gọi là hư vọng. Người trí nên nói Phật tính của chúng sinh cũng có cũng không.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy