Phần thứ VI. - Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu tất cả nghiệp chẳng định được quả, tất cả chúng sinh đều có Phật tính mà cần phải tu tập tám Thánh đạo thì vì nhân duyên gì tất cả chúng sinh đều chẳng thể được Ðại Bát Niết Bàn này ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu tất cả chúng sinh có Phật tính thì tức là sẽ quyết định được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, cần gì tu tập tám Thánh đạo vậy ? Thưa đức Thế Tôn ! Như trong Kinh này nói, người có bệnh nếu được thuốc men và người xem bệnh theo bệnh cho uống thuốc, hoặc giả sử chẳng được như thế cũng đều trừ khỏi. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, hoặc gặp Thanh Văn, Bích Chi Phật, các đức Phật, Bồ tát và các thiện tri thức mà nghe nói pháp tu tập Thánh đạo, hoặc chẳng gặp, chẳng nghe, chẳng tu tập Thánh đạo đều sẽ được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì sao vậy ? Vì do Phật tính vậy. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như vậy mặt trời, mặt trăng không gì có thể ngăn khiến cho chẳng được đến ven sườn núi Át Ða, nước bốn dòng sông lớn chẳng đến biển cả, nhất xiển đề.v.v.. chẳng đến địa ngục. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, không gì có thể ngăn khiến cho chẳng được đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì sao vậy ? Vì do Phật tính vậy. Thưa đức Thế Tôn ! Do nghĩa này nên tất cả chúng sinh chẳng cần tu Thánh đạo. Dọ lực Phật tính nên ứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác chứ chẳng do sức tu tập Thánh đạo vậy. Thưa đức Thế Tôn ! Nếu nhất xiển đề phạm bốn trọng cấm, tội ngũ nghịch.v.v... chẳng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì cần phải tu tập. Do nhân Phật tính quyết định sẽ được, chẳng phải nhân tu tập, nhiên hậu mới được vậy. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như Từ thạch (đá có từ tính) khử sắt. Tuy ở xa nhưng do lực của đá ấy nên sắt bị cuốn hút theo. Phật tính của chúng sinh cũng lại như vậy. Vậy nên chẳng cần siêng tu tập Thánh đạo.
Ðức Phật dạy rằng :
- Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Như bên bờ sông Hằng có bảy thứ người, hoặc vì tắm gội, sợ sệt khấu tặc, hoặc vì hái hoa nên vào trong dòng sông ấy. Người thứ nhất vào nước thì chìm mất. Vì sao vậy ? Vì yếu đuối không thế lực, chẳng tập bơi nổi. Người thứ hai tuy chìm nhưng ra trở lại, ra rồi lại chìm mất. Vì sao vậy ? Vì thân lực lớn nên có thể trở lại nhưng chẳng tập bơi nổi nên ra rồi chìm trở lại. Người thứ ba chìm rồi liền ra, ra lại chẳng chìm mất. Vì sao vậy ? Vì thân nặng nên chìm mà lực lớn nên ra và trước có tập bơi nổi nên rồi liền trụ. Người thứ tư thì vào rồi liền chìm, chìm rồi trở lại ra, ra rồi liền trụ và quan sát khắp bốn phương. Vì sao vậy ? Vì nặng nên chìm, lực lớn nên ra trở lại, tập bơi nổi nên trụ, chẳng biết chỗ ra nên quan sát bốn phương. Người thứ năm thì vào rồi liền chìm, chìm rồi liền ra trở lại, ra rồi liền trụ, trụ rồi quan sát bốn phương, quan sát rồi liền đi. Vì sao vậy ? Vì kinh sợ vậy. Người thứ sáu thì vào rồi liền đi đến chỗ cạn mà trụ. Vì sao vậy ? Vì xem thấy giặc gần hay xa. Người thứ bảy thì đã đi đến bờ kia, leo lên ngọn núi lớn, không kinh sợ nữa, lìa khỏi các giặc dữ, hưởng thọ khoái lạc lớn. Này thiện nam tử ! Dòng sông lớn sinh tử cũng lại như vậy, có bảy thứ người sợ giặc phiền não nên phát khởi ý muốn qua khỏi dòng sông lớn sinh tử, xuất gia, cạo tóc, thân mặc pháp phục. Ðã xuất gia rồi mà họ còn gần gũi bạn ác, thuận theo lời dạy của chúng, thính thọ tà pháp như cho là thân chúng sinh tức là năm ấm, năm ấm thì gọi là năm đại. Chúng sinh nếu chết là đoạn dứt vĩnh viễn năm đại. Ðã đoạn dứt năm đại rồi thì vì sao cần tu tập các nghiệp thiện, ác ? Vậy nên phải biết không có thiện ác và quả báo thiện ác. Như vậy thì gọi là nhất xiển đề. Nhất xiển đề thì gọi là đoạn thiện căn mà đoạn thiện căn nên chìm vào dòng sông sinh tử, chẳng thể được ra. Vì sao vậy ? Vì nghiệp ác nặng, không có tín lực giống như người thứ nhất bên bờ sông Hằng vậy. Này thiện nam tử ! Bọn nhất xiển đề có sáu nhân duyên chìm vào ba đường ác, chẳng thể được ra. Những gì là sáu ? Một là lòng ác hừng hực, hai là chẳng thấy đời sau, ba là ưa quen phiền não, bốn là xa lìa thiện căn, năm là nghiệp ác ngăn cách, sáu là gần gũi ác tri thức.
Lại có năm việc chìm vào ba đường ác. Những gì là năm ? Một là ở bên Tỳkheo làm việc phi pháp. Hai là ở bên Tỳkheo ni làm việc phi pháp. Ba là tự tại sử dụng vật của Tăng. Bốn là ở bên mẹ làm việc phi pháp. Năm là đối với năm bộ Tăng đắp đổi phát sinh thị phi (phải trái).
Lại có năm việc chìm vào ba đường ác. Những gì là năm ? Một là thường nói không quả báo thiện ác. Hai là giết hại chúng sinh phát tâm Bồ Ðề. Ba là ưa nói lỗi lầm của pháp sư. Bốn là pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp. Năm là vì tìm cầu lỗi của pháp mà thính thọ.
Lại có ba việc chìm vào ba đường ác. Những gì là ba ? Một là gọi Như Lai vô thường, diệt vĩnh viễn. Hai là chánh pháp vô thường biến đổi. Ba là Tăng bảo có thể hoại diệt. Vậy nên họ thường chìm trong ba đường ác. Người thứ hai phát ý muốn qua khỏi dòng sông lớn sinh tử mà đoạn thiện căn nên chìm mất chẳng thể ra. Sở dĩ nói rằng ra là nói gần gũi bạn lành thì được tín tâm. Người tín tâm là người tin bố thí và quả báo của bố thí, tin thiện và quả báo của thiện, tin ác và quả báo của ác, tin sinh tử, khổ, vô thường, bại hoại. Ðó gọi là tin. Ðã được tín tâm, tu tập tịnh giới, thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói, thường làm bố thí, khéo tu trí tuệ nhưng do độn căn nên lại gặp bạn ác, chẳng thể tu tập thân, giới, tâm, tuệ, thính thọ tà pháp, hoặc gặp lúc ác, ở đất nước ác, đoạn dứt các căn lành mà đoạn căn lành nên thường chìm vào sinh tử như người thứ hai bên bờ sông Hằng. Người thứ ba phát ý muốn vượt qua dòng sông lớn sinh tử mà đoạn căn lành nên chìm đắm ở trong đó. Gần gũi bạn lành thì được gọi là ra. Tin Như Lai chính là Nhất Thiết Trí thường hằng không biến đổi, vì chúng sinh nên nói đạo Vô thượng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Như Lai chẳng phải diệt, Pháp, Tăng cũng vậy, không có diệt hoại, nhất xiển đề chẳng đoạn pháp ấy nhất định chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, cần phải xa lìa thì nhiên hậu mới được. Do tín tâm nên tu tập tịnh giới, tu tịnh giới rồi thì thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói mười hai bộ kinh, vì các chúng sinh tuyên dương lưu bố rộng rãi, ưa thích bố thí, tu tập trí tuệ. Do lợi căn nên trụ vững ở tín tuệ, lòng không thối chuyển như người thứ ba bên bờ sông Hằng. Người thứ tư là người phát ý muốn vượt qua dòng sông lớn sinh tử mà đoạn thiện căn nên chìm đắm ở trong đó, nhờ gần gũi bạn lành nên được tín tâm thì đó gọi là xuất (ra). Ðược tín tâm nên thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói mười hai bộ kinh, vì chúng sinh nên tuyên dương lưu bố rộng rãi, ưa làm bố thí, tu tập trí tuệ. Do lợi căn nên trụ vững ở tín tuệ, lòng không thoái chuyển người này quan sát khắp bốn phương, bốn phương là bốn quả Sa môn, như người thứ tư bên bờ sông Hằng. Người thứ năm là người phát ý muốn vượt qua dòng sông lớn sinh tử mà đoạn dứt thiện căn nên chìm đắm ở trong đó, nhờ gần gũi bạn lành nên được tín tâm, đó gọi là ra. Do tín tâm nên thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói mười hai bộ Kinh, vì chúng sinh nên tuyên dương lưu bố rộng rãi. Người này ưa làm bố thí, tu tập trí tuệ, do lợi căn nên trụ vững ở tín tuệ, lòng không thoái chuyển. Không thoái chuyển rồi thì người này liền tiến tới trước. Người tiến tới trước gọi là Bích Chi Phật. Bích Chi Phật tuy có thể tự độ nhưng chẳng độ cả chúng sinh. Vậy nên gọi là đi (khứ) như người thứ năm bên bờ sông Hằng. Người thứ sáu là người phát ý muốn vượt qua dòng sông lớn sinh tử mà đoạn dứt thiện căn nên chìm đắm ở trong đó, nhờ gần gũi bạn lành nên được tín tâm. Ðược tín tâm nên gọi là ra. Do tín tâm nên người đó thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói mười hai bộ Kinh, vì chúng sinh nên tuyên dương lưu bố rộng rãi. Người đó ưa làm bố thí, tu tập trí tuệ và do lợi căn nên trụ vững ở tín tuệ, lòng không thoái chuyển. Không thoái chuyển rồi thì liền lại tiến tới trước đến chỗ cạn, đến chỗ cạn rồi liền trụ lại chẳng đi. Người trụ lại chẳng đi gọi là Bồ tát. Bồ tát vì muốn độ thoát các chúng sinh nên trụ lại quan sát phiền não như người thứ sáu bên bờ sông Hằng. Người thứ bảy là người phát ý muốn vượt qua dòng sông lớn sinh tử mà đoạn dứt thiện căn nên chìm đắm trong đó, nhờ gần gũi bạn lành nên được tín tâm. Ðược tín tâm rồi thì đó gọi là ra. Do có tín tâm nên người đó thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói mười hai bộ Kinh và vì chúng sinh nên tuyên dương lưu bố rộng rãi. Người đó ưa bố thí, tu tập trí tuệ và do lợi căn nên trụ vững ở tín tuệ, lòng không thoái chuyển, không thoái chuyển rồi liền tiến tới trước, đã tiến tới trước rồi thì được đến bờ kia, leo lên núi cao, lìa khỏi các sợ hãi, thọ nhiều an vui. Này thiện nam tử ! Núi bờ kia là dụ cho Như Lai, thọ an lạc là dụ cho Phật thường trụ, núi cao lớn là dụ cho Ðại Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Những người như vậy ở bên bờ sông Hằng này đều đủ tay chân mà chẳng thể vượt qua, tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, thật có Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, Như Lai thường nói yếu nghĩa các pháp, có tám Thánh đạo, Ðại Bát Niết Bàn mà chúng sinh đều chẳng thể được. Ðây chẳng phải lỗi của ta, cũng chẳng phải lỗi của Thánh đạo và chúng sinh mà phải biết đều chính là tội ác của phiền não. Do nghĩa này nên tất cả chúng sinh chẳng được Niết Bàn. Này thiện nam tử ! Ví như vị lương y biết bệnh cho thuốc, còn người bệnh chẳng uống thì chẳng phải lỗi của thầy thuốc. Này thiện nam tử! Như có vị thí chủ đem sở hữu của mình thí cho tất cả mọi người mà có người chẳng nhận thì chẳng phải lỗi của thí chủ. Này thiện nam tử ! Ví như mặt trời mọc mọi u tối đều sáng mà người mù lòa chẳng thấy đường đi thì chẳng phải lỗi của mặt trời. Này thiện nam tử ! Như nước sông Hằng có thể trừ được khát thiếu mà người khát chẳng uống thì chẳng phải lỗi của nước. Này thiện nam tử ! Ví như đại địa khắp sinh ra quả trái bình đẳng không hai nhưng nông dân chẳng gieo trồng thì chẳng phải lỗi của đất. Này thiện nam tử ! Như Lai khắp vì tất cả chúng sinh mở rộng, phân biệt mười hai bộ Kinh mà chúng sinh chẳng thọ nhận thì chẳng phải lỗi của Như Lai.
Này thiện nam tử ! Nếu tu đạo thì liền được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Ông nói rằng, chúng sinh đều có Phật tính nên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác như đá có từ tính thì hay thay ! Hay thay ! Do có lực nhân duyên Phật tính nên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu nói rằng chẳng cần tu Thánh đạo thì nghĩa này chẳng đúng ! Này thiện nam tử ! Ví như có người khát nước gặp được giếng. Giếng ấy rất sâu, tuy chẳng thấy nước, nhưng nhất định là có. Người này phương tiện tìm kiếm, dùng dây buộc vào lọ mà múc lấy nước thì thấy có nước. Phật tính cũng vậy, tất cả chúng sinh tuy lại đều có nhưng cần phải tu tập đạo Thánh vô lậu rồi nhiên hậu mới được thấy. Này thiện nam tử ! Như có hạt mè thì được thấy có dầu, nhưng nếu lìa khỏi các phương tiện thì chẳng được thấy. Cây mía cũng vậy. Này thiện nam tử ! Như cõi Uất Ðơn Việt ở phương Bắc của trời Ba mươi ba. Tuy đó là hữu pháp nhưng nếu không có đạo lực thần thông thiện nghiệp thì chẳng thể thấy. Như rễ cỏ trong đất và nước dưới đất vì đất phủ lên nên chúng sinh chẳng thể thấy. Phật tính cũng vậy, vì chẳng tu Thánh đạo nên chẳng được thấy. Này thiện nam tử ! Như ông đã nói, ở đời có người bệnh nếu gặp lương y xem bệnh, thuốc tốt, tùy bệnh cho ăn uống và cả nếu chẳng gặp được vậy thì cũng đều được khỏi bệnh. Này thiện nam tử ! Ta vì Bồ tát lục trụ mà nói nghĩa như vậy. Này thiện nam tử ! Ví như hư không đối với các chúng sinh thì chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải trong ngoài nên cũng không ngăn ngại. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ví như có người mà của cải ở tại địa phương khác, tuy chẳng hiện tiền nhưng được tùy ý thọ dụng. Có người hỏi xin thì người đó nói rằng : Ta hứa! Vì sao vậy ? Vì nhất định có. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy, chẳng phải đây, chẳng phải đó mà do nhất định được nên nói rằng, tất cả đều có. Này thiện nam tử ! Ví như chúng sinh tạo tác các nghiệp hoặc thiện, hoặc ác, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài. Như vậy tính của nghiệp chẳng phải có, chẳng phải không, cũng lại chẳng phải là vốn không mà nay có, chẳng phải không nhân sinh ra, chẳng phải đây làm đây chịu, đây làm đó chịu, đó làm đó chịu, không làm, không chịu, thời tiết hòa hợp mà được quả báo. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy, cũng lại chẳng phải chính là vốn không mà nay có, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải đây, chẳng phải đó, chẳng phải chỗ khác lại, chẳng phải không nhân duyên, cũng chẳng phải tất cả chúng sinh chẳng thấy. Có các Bồ tát mà thời tiết, nhân duyên hòa hợp thì được thấy. Thời tiết là nói các Ðại Bồ tát Thập Trụ tu tám Thánh đạo, đối với các chúng sinh được tâm bình đẳng mà bấy giờ được thấy thì chẳng gọi là tác (thọ tác). Này thiện nam tử ! Ông nói rằng, như từ thạch thì nghĩa đó chẳng đúng ! Vì sao vậy ? Vì đá chẳng hút sắt. Sở dĩ vì sao ? Vì không có tâm nghiệp vậy. Này thiện nam tử ! Pháp khác có nên pháp khác sinh ra, pháp khác không nên pháp khác diệt hoại, không có người làm, không có kẻ hoại. Này thiện nam tử ! Giống như lửa mạnh chẳng thể đốt cỏ (?). Lửa xuất hiện, cỏ hoại tan thì gọi là đốt cỏ. Này thiện nam tử ! Ví như cây quì tiêu (một giống chuối hướng theo mặt trời) theo mặt trời mà chuyển. Nhưng cây quì tiêu này cũng không có lòng cung kính, không thức, không nghiệp, do tính pháp khác mà tự hồi chuyển. Này thiện nam tử ! Như cây ba tiêu (cây chuối) nhân tiếng sấm mà tăng trưởng. Cây này không có tai, không tâm, ý, thức nhưng do pháp khác có nên pháp khác tăng trưởng, pháp khác không nên pháp khác hoại diệt. Này thiện nam tử ! Như cây A thúc ca mà con gái sờ mó vào là hoa xuất hiện. Cây này không có tâm cũng không hay biết chạm xúc nhưng do pháp khác có nên pháp khác sinh ra, pháp khác không nên pháp khác hoại diệt. Này thiện nam tử ! Như cây quất (quít) được xác chết thì trái nhiều thêm mà cây quất đó không tâm, không chạm xúc, nhưng do pháp khác có nên pháp khác nhiều thêm, pháp khác không nên pháp khác hoại diệt. Này thiện nam tử ! Như cây An thạch lựu nhờ phân xương nên quả trái sum suê mà cây an thạch lựu cũng không tâm, không chạm xúc nhưng do pháp khác có nên pháp khác sinh ra, pháp khác không nên pháp khác diệt hoại. Này thiện nam tử ! Từ thạch (đá có từ tính) hút sắt cũng lại như vậy, do pháp khác có nên pháp khác sinh ra, pháp khác không nên pháp khác diệt hoại. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy, chẳng thể hút được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Vô minh chẳng thể hút lấy các hành, hành cũng chẳng thể hút lấy thức; cũng được gọi là vô minh duyên hành, hành duyên thức. Pháp giới có Phật, không Phật thường trụ.
Này thiện nam tử ! Nếu nói Phật tính trụ ở trong chúng sinh thì, này thiện nam tử ! Thường pháp không trụ. Nếu có chỗ trụ tức là pháp vô thường. Này thiện nam tử ! Như mười hai nhân duyên không định trụ xứ. Nếu có trụ xứ thì mười hai nhân duyên chẳng được gọi là Thường. Pháp thân của Như Lai cũng không trụ xứ. Pháp giới, pháp nhập, pháp ấm, hư không đều không trụ xứ. Phật tính cũng vậy, đều không trụ xứ. Này thiện nam tử ! Ví như lực của bốn đại tuy quân bình có cứng, có nóng, có ẩm ướt, có chuyển động, có nặng, có nhẹ, có đỏ, có trắng, có vàng, có đen mà bốn đại này cũng không có nghiệp nhưng do pháp giới khác nên đều chẳng tương tợ. Phật tính cũng vậy, pháp giới khác nên thời đến thì hiện ra. Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh chẳng thoái Phật tính nên gọi đó là có. A tỳ bạt chí (bất thoái chuyển). Do phải có nên quyết được, quyết định sẽ thấy. Vậy nên gọi là tất cả chúng sinh đều có Phật tính.
Này thiện nam tử ! Ví như có vị vua bảo một đại thần rằng : “Ông hãy dắt một con voi để cho người mù xem !”. Bấy giờ vị đại thần nhận sắc lệnh của vua rồi tập trung nhiều người mù, đem voi cho họ xem. Lúc đó mọi người mù đều dùng tay sờ. Vị đại thần liền trở lại mà bạch với vua rằng : “Thần đã bày xong !”. Bấy giờ vị đại vương liền kêu những người mù mà hỏi từng người một rằng : “Ngươi có thấy voi không vậy ?”. Những người mù đều đáp rằng : “Tôi đã được thấy !” Nhà vua nói : “Voi là loại gì ?”. Người sờ ngà voi liền nói rằng : “Hình voi như rễ cây Lai phục (?)”. Người sờ tai voi thì nói rằng : “Voi như cái sàng”. Người sờ đầu thì nói rằng : “Voi như hòn đá”. Người sờ mũi voi thì nói rằng : “Voi như cái chày !” Người sờ chân voi thì nói rằng : “Voi như cái cối bằng gỗ !”. Người sờ sống lưng voi thì nói rằng : “Voi như cái giường !”. Người sờ bụng voi thì nói rằng : “Voi như cái vò !” Người sờ đuôi voi thì nói rằng : “Voi như sợi dây!”. Này thiện nam tử ! Như những người mù kia chẳng nói hình thể con voi cũng chẳng phải chẳng nói. Nếu mọi tướng này đều chẳng phải con voi thì bỏ ngoài những tướng đó lại không có con voi khác. Này thiện nam tử ! Vua dụ cho Như Lai Ứng Chánh Biến Tri. Thần dụ cho Kinh Phương Ðẳng Ðại Niết Bàn. Voi dụ cho Phật tính. Người mù dụ cho tất cả chúng sinh vô minh. Những chúng sinh này nghe Phật nói rồi, hoặc nói rằng : “Sắc chính là Phật tính ! Vì sao vậy ? Vì sắc này tuy diệt nhưng thứ lớp nối tiếp nhau. Vậy nên thu hoạch được ba mươi tướng của Như Lai Vô Thượng, sắc của Như Lai thường. Sắc của Như Lai thường thì chẳng đoạn. Vậy nên nói sắc là Phật tính. Ví như chất vàng ròng tuy biến đổi nhưng sắc thường chẳng khác. Hoặc khi làm xuyến, làm thoa cài tóc, làm chậu tắm... nhưng màu vàng ấy vẫn như ban đầu không biến đổi. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy, chất tuy vô thường nhưng mà sắc là thường. Do vậy nên nói sắc là Phật tính”. Hoặc có người nói rằng : “Thọ là Phật tính. Vì sao vậy ? Vì thọ nhân duyên nên thu hoạch được niềm vui chân thật của Như Lai. Như Lai thọ nghĩa là rốt ráo thọ, Ðệ nhất nghĩa thọ. Thọ của chúng sinh, tính tuy lại vô thường nhưng thọ ấy theo thứ lớp nối tiếp nhau chẳng dứt. Vậy nên thu hoạch được thọ thường hằng của Như Lai. Ví như có người họ Kiều Thi Ca. Người tuy vô thường mà dòng họ là thường, dù trải qua ngàn vạn đời cũng không có thay đổi. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy. Do vậy nên nói Thọ là Phật tính”. Lại có người nói rằng : “Tưởng chính là Phật tính. Vì sao vậy ? Vì Tưởng nhân duyên nên thu hoạch được tưởng chân thật của Như Lai. Như Lai tưởng là gọi tưởng vô tưởng. Tưởng vô tưởng thì chẳng phải chúng sinh tưởng, chẳng phải nam nữ tưởng, cũng chẳng phải sắc thọ tưởng hành thức tưởng, chẳng phải tưởng đoạn tưởng. Tưởng của chúng sinh tuy lại vô thường nhưng do tưởng theo thứ lớp nối tiếp nhau chẳng dứt nên được tưởng thường hằng của Như Lai. Này thiện nam tử ! Ví như mười hai nhân duyên của chúng sinh. Chúng sinh tuy diệt mà nhân duyên thì thường. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy. Do vậy nên nói Tưởng là Phật tính”. Lại có người nói rằng : “Hành là Phật tính. Vì sao vậy ? Vì hành gọi là thọ mạng mà do thọ mạng nhân duyên nên thu hoạch được thọ mạng thường trụ của Như Lai. Thọ mạng của chúng sinh tuy vô thường nhưng mà thọ mạng theo thứ lớp nối tiếp nhau chẳng dứt nên được thọ mạng thường hằng chân thật của Như Lai”. Này thiện nam tử ! Ví như mười hai bộ kinh mà người nghe nói kinh thì tuy lại vô thường nhưng kinh điển đó lại thường tồn bất biến. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy. Do vậy nên nói Hành là Phật tính. Lại có người nói rằng : “Thức là Phật tính. Do Thức nhân duyên nên thu hoạch được tâm bình đẳng của Như Lai. Ý thức của chúng sinh tuy lại vô thường nhưng mà thức theo thứ lớp nối tiếp nhau nên được tâm thường hằng chân thật của Như Lai. Như tính nóng của lửa, lửa tuy vô thường nhưng nóng chẳng phải vô thường. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy. Do vậy nên nói thức là Phật tính”. Lại có người nói rằng : “Lìa khỏi ấm thì có ngã. Ngã chính là Phật tính. Vì sao vậy ? Vì ngã nhân duyên nên thu hoạch được tám tự tại ngã của Như Lai”. Có các ngoại đạo nói rằng : “Ði lại, nghe thấy, buồn vui, nói năng... là ngã. Như vậy tướng của ngã tuy lại vô thường nhưng mà chân thật ngã của Như Lai là thường. Này thiện nam tử ! Như ấm, nhập, giới tuy lại là vô thường mà gọi là thường. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Như những người mù kia, mỗi mỗi đều nói về voi, tuy chẳng được chân thật nhưng chẳng phải chẳng nói về voi. Người nói về Phật tính cũng lại như vậy, chẳng phải tức là sáu pháp, chẳng lìa khỏi sáu pháp. Này thiện nam tử ! Vậy nên ta nói Phật tính của chúng sinh chẳng phải sắc, chẳng lìa khỏi sắc... cho đến chẳng phải ngã, chẳng lìa khỏi ngã. Này thiện nam tử ! Có các ngoại đạo tuy nói có ngã mà thật không có ngã. Ngã của chúng sinh tức chính là năm ấm mà bỏ ngoài năm ấm lại không có ngã khác. Này thiện nam tử ! Ví như thân cành, cánh hoa, tua hoa, đài hoa hợp làm hoa sen mà bỏ ngoài những yếu tố này lại không có hoa sen khác. Ngã của chúng sinh cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ví như tường vách cỏ cây hòa hợp thì gọi đó là nhà mà bỏ ngoài những yếu tố đó lại không có nhà khác. Như cây Khư đà la, cây Ba la xa, cây Ni câu đà, cây Uất đàm bát... hòa hợp làm thành rừng mà bỏ ngoài những cây đó lại không có rừng khác. Ví như binh xa, binh tượng, binh mã, binh bộ hòa hợp làm quân đội mà bỏ ngoài những binh đó lại không có quân đội khác. Ví như năm màu dệt xen vào nhau hòa hợp gọi là lụa hoa mà bỏ ngoài năm màu đó lại không có lụa hoa khác. Như bốn dòng họ hòa hợp lại gọi là đại chúng mà bỏ ngoài bốn dòng đó lại không có đại chúng khác. Ngã của chúng sinh cũng lại như vậy, bỏ ngoài năm ấm ra lại không có ngã khác. Này thiện nam tử ! Như Lai thường trụ thì gọi là Ngã. Pháp thân của Như Lai vô biên, vô ngại, chẳng sinh, chẳng diệt, được tám tự tại thì đó gọi là Ngã. Chúng sinh chân thật không có ngã và cả ngã sở như vậy. Chỉ vì chúng sinh nhất định sẽ được rốt ráo Ðệ nhất nghĩa không nên gọi là Phật tính.
Này thiện nam tử ! Ðại từ đại bi gọi là Phật tính. Vì sao vậy ? Vì đại từ đại bi thường theo Bồ tát như bóng theo hình. Tất cả chúng sinh nhất định sẽ được đại từ đại bi nên nói rằng; tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Ðại từ đại bi gọi là Phật tính mà Phật tính thì gọi là Như Lai. Ðại hỷ đại xả gọi là Phật tính. Vì sao vậy ? Vì Ðại Bồ tát nếu chẳng thể xả bỏ hai mươilăm cõi hữu thì chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác mà vì các chúng sinh nhất định sẽ được nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Ðại hỷ đại xả tức là Phật tính mà Phật tính tức là Như Lai. Phật tính là gọi đại tín tâm. Vì sao vậy ? Vì tín tâm nên Ðại Bồ tát có thể đầy đủ Ðàn Ba la mật... Bát nhã Ba la mật mà tất cả chúng sinh nhất định sẽ được đại tín tâm. Vậy nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Ðại tín tâm tức là Phật tính mà Phật tính tức chính là Như Lai. Phật tính là gọi Nhất tử địa (địa vị con một). Vì sao vậy ? Vì do Nhất tử địa nhân duyên nên Bồ tát đối với tất cả chúng sinh được tâm bình đẳng. Tất cả chúng sinh nhất định sẽ được Nhất tử địa. Vậy nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính mà Phật tính thì tức là Như Lai. Phật tính là gọi Ðệ tứ lực. Vì sao vậy ? Vì do Ðệ tứ lực nhân duyên nên Bồ tát có thể giáo hóa chúng sinh. Tất cả chúng sinh nhất định sẽ được Ðệ tứ lực. Vậy nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Ðệ tứ lực tức là Phật tính mà Phật tính tức là Như Lai. Phật tính là gọi mười hai nhân duyên. Vì sao vậy ? Vì do nhân duyên nên Như Lai thường trụ. Tất cả chúng sinh nhất định có mười hai nhân duyên như vậy. Vậy nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Mười hai nhân duyên tức là Phật tính mà Phật tính tức là Như Lai. Phật tính là gọi bốn vô ngại trí. Do bốn vô ngại trí nhân duyên nên nói chữ, nghĩa không ngăn ngại. Chữ nghĩa không ngăn ngại, nên có thể giáo hóa chúng sinh. Bốn vô ngại trí tức là Phật tính mà Phật tính tức là Như Lai. Phật tính là gọi Ðỉnh tam muội. Do tu Ðỉnh tam muội như vậy nên có thể thống nhiếp tất cả Phật pháp. Vậy nên nói rằng, Ðỉnh tam muội gọi là Phật tính. Bồ tát Thập Trụ tu tam muội này chưa được đầy đủ nên tuy thấy Phật nhưng mà chẳng sáng rõ. Tất cả chúng sinh nhất định được tam muội đó. Vậy nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Này thiện nam tử ! Như nói ở trên, đủ thứ các pháp mà tất cả chúng sinh nhất định sẽ được. Vậy nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Này thiện nam tử ! Ta nếu nói sắc chính là Phật tính thì chúng sinh nghe rồi liền sinh ra tà kiến điên đảo. Do tà đảo nên mạng chung, họ phải sinh vào địa ngục A tỳ mà Như Lai nói pháp là vì họ đoạn địa ngục. Vậy nên Như Lai chẳng nói sắc chính là Phật tính... cho đến nói thức cũng lại như vậy.
Này thiện nam tử ! Nếu các chúng sinh liễu ngộ Phật tính thì chẳng cần tu Ðạo. Bồ tát Thập Trụ tu tám Thánh Ðạo mà còn thấy ít Phật tính, huống là người chẳng mà được thấy ư ? Này thiện nam tử ! Như các Bồ tát Văn Thù Sư Lợi.v.v.. đã vô lượng đời tu tập Thánh đạo mới rõ biết Phật tính thì làm sao Thanh Văn, Bích Chi Phật.v.v... lại có thể biết Phật tính. Nếu các chúng sinh muốn được biết rõ ràng Phật tính thì nên phải một lòng thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi Kinh Niết Bàn này. Nếu thấy có người thọ trì... cho khen ngợi Kinh này như vậy thì nên phải dùng phòng nhà đẹp, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh... mà cúng dường họ lại thêm khen ngợi, lễ bái, hỏi thăm họ. Này thiện nam tử ! Nếu có người đã ở trong vô lượng vô biên đời quá khứ, gần gũi cúng dường vô lượng các đức Phật, gieo trồng sâu căn lành thì nhiên hậu mới được nghe tên của Kinh này. Này thiện nam tử ! Phật tính chẳng thể nghĩ bàn ! Phật Pháp Tăng bảo cũng chẳng thể nghĩ bàn ! Tất cả chúng sinh đều có Phật tính mà chẳng thể biết. Ðó cũng chẳng thể nghĩ bàn ! Pháp của Như Lai Thường Lạc Ngã Tịnh cũng chẳng thể nghĩ bàn ! Tất cả chúng sinh có thể tin Kinh Ðại Niết Bàn như vậy cũng chẳng thể nghĩ bàn !
Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, tất cả chúng sinh có thể tin Kinh Ðại Niết Bàn như vậy chẳng thể nghĩ bàn ! Thưa đức Thế Tôn ! Trong đại chúng này có tám vạn năm ngàn ức người mà đối với Kinh này chẳng sinh lòng tin. Vậy nên có người có thể tin Kinh này thì gọi là chẳng thể nghĩ bàn !
- Này thiện nam tử ! Ðúng vậy ! Những người ở đời vị lai cũng sẽ nhất định được tin Kinh điển này, thấy được Phật tính, được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Làm sao Bồ tát bất thoái tự biết quyết định có tâm bất thoái ?
Ðức Phật dạy rằng :
- Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát sẽ dùng khổ hạnh để tự thử thách lòng mình. Mỗi ngày ăn một hạt mè, trải qua một lần bảy ngày. Với hạt gạo nếp, hạt đậu xanh, hạt vừng, hạt gạo tẻ và cả đậu trắng cũng lại như vậy. Mỗi một lần bảy ngày khi ăn một hạt mè thì tác khỏi suy nghĩ này : “Khổ hạnh như vầy đều không lợi ích. Việc không lợi ích mà còn có thể làm huống là việc có lợi ích mà sẽ chẳng làm ?” Ðối với việc không lợi ích mà tâm có thể kham nhẫn chẳng thoái chẳng chuyển. Vậy nên nhất định được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Những ngày như vậy khi tu khổ hạnh thì tất cả da thịt tiêu giảm héo hắt, nhăn nheo như chặt cây sống đặt vào giữa trưa nắng. Mắt người ấy hõm sâu như sao đáy giếng. Thịt hết, xương sườn bày ra như mái nhà cỏ mục nát; xương sống nối liền hiện ra đường chỉ khâu trùng lắp, chỗ ngồi như vết móng ngựa, muốn ngồi thì nằm phục xuống, muốn đứng dậy thì nằm lăn ra. Tuy thọ khổ không ích lợi như vậy nhưng hành giả chẳng thoái tâm Bồ Ðề. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát vì phá mọi khổ, ban an vui nên thậm chí có thể xả bỏ tài vật trong ngoài và thân mạng của mình như rơm cỏ. Nếu có thể chẳng tiếc thân mạng này thì như vậy Bồ tát tự biết nhất định có tâm bất thoái, Bồ tát nhất định sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại nữa, Bồ tát vì nhân duyên pháp mà khoét thân làm đèn rồi thu thập da thịt, dầu mỡ rót vào đó đốt cháy lên làm bấc đèn. Bồ tát lúc bấy giờ, chịu khổ lớn này mà tự quở trách lòng mình nói lên rằng : “Khổ như vầy so với khổ ở địa ngục trăm ngàn vạn phần còn chưa bằng một ! Ngươiở trong vô lượng trăm ngàn kiếp, thọ khổ não lớn đều không lợi ích ! Ngươi nếu chẳng thể thọ cái khổ nhẹ nhàng này thì làm sao mà có thể ở trong địa ngục cứu khổ cho chúng sinh”. Ðại Bồ tát khi tác khởi sự quan sát này thì thân chẳng hay biết khổ, lòng ấy chẳng thoái, chẳng động, chẳng chuyển. Bồ tát bấy giờ ứng tự biết sâu sắc rằng, ta nhất định sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Bồ tát, bấy giờ phiền não đầy đủ chưa có đoạn dứt thì vì pháp nhân duyên có thể đem đầu, mắt, tủy não, tay, chân, máu, thịt bố thí cho người, dùng đinh đóng vào thân, nhảy xuống từ núi cao ngất, gieo mình vào lửa đỏ. Bấy giờ, Bồ tát tuy thọ vô lượng những khổ như vậy mà lòng chẳng thoái, chẳng động chẳng chuyển. Bồ tát phải biết rằng, ta nay nhất định có tâm chẳng thoái chẳng chuyển, sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát vì phá phiền não của tất cả chúng sinh nên nguyện làm thân loài súc sinh to lớn, đem máu thịt bố thí cho chúng sinh mà khi chúng sinh nhận lấy lại sinh lòng thương xót. Bấy gờ, Bồ tát nín hơi chẳng thở thị hiện làm tướng chết khiến cho những người lấy máu thịt đó chẳng sinh tư tưởng nghi ngờ giết hại. Bồ tát tuy thọ thân súc sinh nhưng nhất định chẳng tạo tác nghiệp súc sinh. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì Bồ tát đã được tâm bất thoái rồi thì nhất định chẳng tạo tác nghiệp ba đường ác. Ðại Bồ tát, nếu đời vị lai có quả báo nghiệp ác nhỏ như vi trần thì chẳng quyết định thọ. Nhưng do lực đại nguyện, vì chúng sinh mà đều thọ hết. Ví như người bệnh bị quỉ ẩn náu ở trong thân. Do lực thần chú nên nó tức thời hiện tướng. Hoặc nói năng, hoặc mừng, hoặc giận, hoặc mắng chữi, hoặc kêu gào, hoặc khóc lóc... Nghiệp ba đường ác đời vị lai của Ðại Bồ tát cũng lại như vậy. Khi Ðại Bồ tát thọ thân loài gấu thường vì chúng sinh diễn nói chánh pháp. Hoặc thọ thân chim Ca tân xà la vì các chúng sinh nói chánh pháp. Hoặc thọ thân Cù đà, thân nai, thân thỏ, thân voi, thân dê, thân vượn, thân bồ câu trắng, thân chim cánh vàng, thân rồng, thân rắn.v.v... Khi Bồ tát thọ những thân súc sinh như vậy thì nhất định chẳng tạo tác nghiệp ác súc sinh mà còn thường vì chúng sinh của những loài súc sinh còn lại kia diễn nói chính pháp khiến cho những chúng sinh đó mau được chuyển khỏi thân súc sinh. Bấy giờ, Bồ tát tuy thọ thân súc sinh nhưng chẳng tạo tác ác nghiệp thì phải biết là Bồ tát nhất định có tâm bất thoái. Ðại Bồ tát ở vào đời đói kém, thấy chúng sinh đói, thì hiện làm thân rùa, cá to lớn vô lượng do tuần. Bồ tát lại phát nguyện rằng : “Nguyện cho các chúng sinh khi lấy thịt của ta thì lấy tùy ý theo sự sống của mình và nhân ăn thịt của ta được lìa khỏi nỗi khổ đói khát, tất cả đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Bồ tát lại phát nguyện : “Nếu có người nhân ăn thịt của ta được lìa khỏi đói khát thì đời vị lai mau chóng được lìa khỏi khổ hoạn đói khát của hai mươi lăm cõi hữu”. Ðại Bồ tát thọ khổ như vậy mà lòng chẳng thoái thì phải biết Bồ tát nhất định được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại nữa, Bồ tát ở vào đời dịch bệnh, thấy bệnh khổ thì suy nghĩ như vầy : “Như vua cây thuốc, nếu có người bệnh lấy rễ, lấy thân, lấy cành, lấy lá, lấy hoa, lấy quả, lấy da, (vỏ cây), lấy phần ngoài của da... mà uống đều được khỏi bệnh. Nguyện thân này của ta cũng lại như vậy. Nếu có người bệnh nghe tiếng, chạm vào thân, ăn uống máu thịt... cho đến xương tủy của ta thì bệnh đều trừ khỏi. Nguyện cho các chúng sinh khi ăn thịt của ta thì chẳng sinh lòng ác như ăn thịt con”. Ta trị bệnh cho họ rồi thường vì họ nói pháp, nguyện cho họ tín thọ, tư duy, chuyển hóa. Lại nữa, này thiện nam tử ! Bồ tát đầy đủ phiền não, tuy thọ thân khổ nhưng tâm của Bồ tát chẳng thoái, chẳng động, chẳng chuyển thì phải biết Bồ tát nhất định được tâm bất thoái, thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại nữa, này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh bị bệnh quỉ ám. Bồ tát thấy rồi liền nói rằng : “Nguyện làm thân quỉ, thân lớn, thân khỏe mạnh, thân nhiều quyến thuộc... khiến cho người bệnh kia nghe thấy thì bệnh được trừ khỏi”. Ðại Bồ tát vì chúng sinh nên siêng tu khổ hạnh, tuy có phiền não nhưng ô nhiễm lòng Bồ tát. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát tuy lại tu hành sáu Ba la mật nhưng cũng lại chẳng cầu quả báo lục độ. Khi Bồ tát tu hành sáu Ba la mật vô thượng thì phát nguyện rằng : “Ta nay dùng sáu Ba la mật này thi hành với tất cả chúng sinh. Mỗi một chúng sinh thọ nhận sự thi hành của ta rồi đều khiến cho được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ta cũng tự vì sáu Ba la mật, siêng tu khổ hạnh, thọ các khổ não. Khi phải thọ khổ thì nguyện cho ta chẳng thoái tâm Bồ Ðề. Này thiện nam tử ! Khi Ðại Bồ tát phát nguyện này thì đó gọi là tướng Bồ Ðề Bất Thoái.
Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát chẳng thể nghĩ bàn ! Vì sao vậy ? Vì Ðại Bồ tát biết sâu nhiều những tội lỗi của sinh tử, quan sát Ðại Niết Bàn có công đức lớn mà vì chúng sinh nên ở tại sinh tử, chịu đủ thứ khổ, lòng không thoái chuyển. Ðó gọi là Bồ tát chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát không có nhân duyên mà sinh lân mẫn, thật chẳng thọ ân mà thường thi ân, tuy thường thi ân mà chẳng cầu đền đáp (báo). Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, này thiện nam tử ! Hoặc có chúng sinh vì sự lợi ích của mình mà tu các hạnh khổ, còn Ðại Bồ tát vì lợi người khác nên tu hành khổ hạnh. Ðó gọi là tự lợi (của Bồ tát). Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, Bồ tát đầy đủ phiền não, nhưng vì phá hoại sự thọ nhận những khổ não của kẻ oán, người thân nên tu tâm bình đẳng. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, Bồ tát nếu thấy các chúng sinh ác, bất thiện thì hoặc quở trách, hoặc nói lời dịu dàng, hoặc xua đuổi, hoặc buông bỏ... Người có tính ác thì hiện làm người nói lời dịu dàng. Người có tính kiêu mạn thì hiện làm người kiêu mạn mà kỳ thật bên trong lòng không kiêu mạn. Ðó gọi là Bồ tát phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, Bồ tát đầy đủ phiền não khi ít của cải mà người đến cầu xin nhiều nhưng lòng chẳng mong ít. Ðó gọi là Bồ tát chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, Bồ tát ở vào lúc Phật ra đời, biết công đức của Phật. Nhưng vì chúng sinh nên ở chỗ không có Phật, thọ thân nơi biên địa như mù, như điếc, như thọt, như què... Ðó gọi là Bồ tát chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, Bồ tát biết sâu tội lỗi sở hữu của chúng sinh nhưng vì độ thoát họ nên thường cùng hành động chung. Bồ tát tuy hành động theo ý họ nhưng tội cấu chẳng ô nhiễm. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Lại nữa, Bồ tát thấy biết rõ ràng, không có tướng chúng sinh không ô nhiễm phiền não, không đạo tu tập, lìa khỏi phiền não, tuy là Bồ Ðề nhưng không hạnh Bồ Ðề cũng không thành tựu hạnh Bồ Ðề, không có người thọ khổ, người phá khổ mà có thể vì chúng sinh phá hoại. Khổ, hành hạnh Bồ Ðề. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Lại nữa, Bồ tát thọ thân hậu biên ở trên trời Ðâu Suất thì đó cũng gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao vậy ? Vì trời Ðâu Suất Ðà là cõi tối thắng trong Dục giới. Người ở trời dưới thì lòng họ buông lung. Người ở trời trên thì các căn ám độn. Vậy nên gọi là thắng. Tu thí, tu giới thì được thọ thân trời trên, trời dưới. Tu Thí Giới Ðịnh thì được thân trời Ðâu Suất. Tất cả Bồ tát hủy báng các hữu, phá hoại các hữu, nhất định chẳng tạo tác nghiệp của trời Ðâu Suất để thọ thân của cõi trời đó. Vì sao vậy ? Vì Bồ tát, nếu ở các cõi hữu còn lại ấy thì cũng có thể giáo hóa thành tựu chúng sinh. Bồ tát chân thật không có dục tâm mà sinh ra ở Dục giới. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Ðại Bồ tát sinh lên trời Ðâu Suất có ba việc thù thắng : Một là mạng, hai là sắc, ba là danh. Ðại Bồ tát chân thật chẳng cầu lấy mạng, sắc và danh xưng. Tuy lòng Bồ tát không cầu mà sở đắc thắng hơn. Ðại Bồ tát ưa thích Niết Bàn sâu sắc nhưng có nhân duyên cũng thắng hơn. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Ðại Bồ tát có ba việc như vậy tuy thắng hơn các trời mà các trời ở chỗ Bồ tát nhất định chẳng sinh ra lòng sân giận, lòng ganh ghét, lòng kiêu mạn mà thường sinh ra lòng vui mừng. Bồ tát đối với các trời cũng chẳng kiêu mạn. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Ðại Bồ tát chẳng tạo tác mạng nghiệp mà đối với các trời kia thọ mạng rốt ráo. Ðó gọi là mạng thắng (thọ mạng ngắn hơn). Bồ tát cũng không sắc nghiệp mà thân diệu sắc sáng ngời đầy khắp. Ðó gọi là sắc thắng. Ðại Bồ tát ở cung trời kia chẳng ưa ngũ dục mà chỉ vì việc pháp. Vậy nên danh xưng tràn đầy mười phương. Ðó gọi là danh thắng. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Ðại Bồ tát xuống trời Ðâu Suất thì khi đó đại địa chấn động sáu thứ. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao vậy ? Vì Bồ tát khi xuống cõi Dục cõi Sắc thì chư thiên đều đến hầu đưa tiễn, phát ra âm thanh lớn khen ngợi Bồ tát. Do hơi gió trong miệng nên khiến cho đất rung động. Lại có Bồ tát là chúa voi trong loài người. Chúa voi trong loài người gọi là Long vương. Long vương khi bắt đầu vào thai thì có các Long vương ở bên dưới đất này, hoặc sợ, hoặc thức dậy nên đại địa chấn động sáu thứ. Vậy nên gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Ðại Bồ tát biết khi vào thai, khi trụ thai, khi sinh ra, biết cha, biết mẹ chẳng sạch, chẳng ô nhiễm như châu báu màu xanh trên tóc Ðế Thích. Vậy nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Này thiện nam tử ! Kinh Ðại Niết Bàn cũng lại như vậy, chẳng thể nghĩ bàn. Này thiện nam tử ! Ví như biển lớn có tám điều chẳng nghĩ bàn. Những gì là tám ? Một là dần dần trở nên sâu. Hai là sâu khó lần được đáy. Ba là đồng một vị mặn. Bốn là nước triều chẳng quá giới hạn. Năm là đủ thứ bảo tàng. Sáu là chúng sinh thân lớn cư trú ở trong đó. Bảy là chẳng chứa chấp thây chết. Tám là tất cả muôn dòng nước, mưa lớn... trút vào trong đó mà chẳng tăng, chẳng giảm. Này thiện nam tử ! Dần dần trở thành sâu có ba việc. Những gì là ba ? Một là phước lực của chúng sinh, hai là thuận gió mà đi, ba là nước sông vào... cho đến việc chẳng tăng chẳng giảm cũng đều có ba việc. Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này cũng lại như vậy, có tám điều chẳng thể nghĩ bàn. Một là dần dần sâu như là năm giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới, Bồ tát giới... như là quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, quả Bích Chi Phật, quả Bồ tát, quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác... kinh Niết Bàn này nói những pháp đó. Ðó gọi là sâu dần dần. Vậy nên Kinh này gọi là sâu dần dần. Hai là sâu khó lần được đáy : Như Lai Thế Tôn chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, chẳng chuyển pháp luân, chẳng ăn, chẳng thọ, chẳng làm huệ thí (bố thí). Vậy nên gọi là Thường Lạc Ngã Tịnh. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Phật tính chẳng phải là sắc, chẳng lìa khỏi sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức... cho đến chẳng lìa khỏi... thức là thường có thể thấy rõ nhân, chẳng phải tác nhân. Tu đà hoàn... cho đến Bích Chi Phật sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, cũng không phiền não, cũng không trụ xứ, tuy không có phiền não nhưng chẳng gọi là Thường. Vậy nên gọi là sâu. Lại có chỗ rất sâu ở trong Kinh này. Hoặc khi nói Ngã hoặc nói Vô Ngã, hoặc khi nói Thường hoặc nói Vô thường, hoặc khi nó Tịnh hoặc nói bất tịnh, hoặc khi nói vui hoặc nói khổ, hoặc khi nói không hoặc nói chẳng không, hoặc nói tất cả có, hoặc nói tất cả không, hoặc nói ba thừa, hoặc nói một thừa, hoặc nói năm ấm tức là Phật tính, Kim Cương tam muội và cả trung đạo, Thủ Lăng Nghiêm tam muội, mười hai nhân duyên, Ðệ nhất nghĩa không, từ bi bình đẳng với các chúng sinh, đỉnh trí, tín tâm, biết các căn, lực, trong tất cả pháp trí không ngăn ngại, tuy có Phật tính nhưng chẳng nói quyết định. Vậy nên gọi là sâu. Ba là một vị : tất cả chúng sinh đồng có Phật tính, đều đồng một thừa, đồng một giải thoát, một nhân một quả, đồng một cam lộ. Tất cả sẽ được Thường Lạc Ngã Tịnh. Ðó gọi là một vị. Bốn là nước triều chẳng quá giới hạn : Như trong Kinh này hạn chế các Tỳkheo chẳng được nhận nuôi chứa tám vật bất tịnh. Nếu đệ tử của ta có thể thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói, phân biệt Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này thì thà mất thân mạng chớ nhất định chẳng hủy phạm Kinh đó. Ðó gọi là nước triều chẳng quá giới hạn. Năm là có đủ thứ bảo tàng. Kinh này tức là vô lượng bảo tàng. Nói là báu là gọi bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn Như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phận, tám Thánh đạo phận, hạnh anh nhi (trẻ con), hạnh Thánh, hạnh Phạm, hạnh Trời, các thiện phương tiện, Phật tính của chúng sinh, công đức của Bồ tát, công đức của Như Lai công đức của Thanh Văn, công đức của Duyên Giác, sáu Ba la mật, vô lượng tam muội, vô lượng trí tuệ. Ðó gọi là bảo tàng. Sáu là chỗ cư trú của chúng sinh thân lớn. Chúng sinh thân lớn là gọi Phật, Bồ tát. Vì Phật, Bồ tát có trí tuệ lớn nên gọi là chúng sinh lớn. (Chúng sinh lớn thì) có thân lớn, tâm lớn, trang nghiêm lớn, điều phục lớn, phương tiện lớn, nói pháp lớn, thế lực lớn, đồ chúng lớn, thần thông lớn, từ bi lớn, thường hằng chẳng biến đổi, tất cả chúng sinh không ngăn ngại, dung thọ tất cả các chúng sinh. Ðó gọi là chỗ cư trú của chúng sinh thân lớn. Bảy là chẳng chứa chấp thây chết. Thây chết là gọi Nhất xiển đề, phạm bốn trọng cấm, năm tội vô gián, bài báng kinh Phương Ðẳng, chẳng phải pháp nói là pháp, pháp nói chẳng phải pháp, thọ nhận nuôi chứa tám thứ vật bất tịnh, vật của Phật vật của Tăng mà sử dụng tùy ý, hoặc ở chỗ Tỳkheo, Tỳkheo ni làm việc phi pháp... Ðó gọi là thây chết. Kinh Niết Bàn này lìa khỏi những điều như vậy. Vậy nên gọi là chẳng chứa chấp thây chết. Tám là chẳng tăng, chẳng giảm : không bờ cõi nên không thỉ chung, chẳng phải sắc nên chẳng phải tác (làm), thường trụ nên chẳng sinh diệt, tất cả chúng sinh đều bình đẳng, tất cả pháp tính đồng một tính. Ðó gọi là không tăng giảm. Vậy nên Kinh này như biển cả kia, có tám điều chẳng nghĩ bàn.
Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Nếu nói Như Lai chẳng sinh chẳng diệt là sâu thì tất cả chúng sinh có bốn loại sinh là noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh. Bốn loại sinh này trong loài người có đủ : Như Tỳkheo Thi Bà La, Tỳkheo Ưu Bà Thi Bà La, mẹ trưởng giả Di Ca La, mẹ trưởng giả Ni Câu Ðà, mẹ trưởng giả Bán Xà La đều có năm trăm con đồng ở noãn sinh (sinh ra từ trứng) thì phải biết là trong loài người có sinh ra từ trứng. Thấp sinh thì như lời đức Phật nói, ta vào thuở xưa, khi làm Bồ tát từng làm vua sinh ra từ đỉnh đầu và làm vua sinh ra từ tay. Như hôm nay ngài nói, người con gái Am La Thọ, con gái Bất Ða Thọ thì phải biết trong loài người có thấp sinh (sinh ra từ ẩm ướt). Khi kiếp bắt đầu thì tất cả chúng sinh đều hóa sinh hết. Ðức Như Lai Thế Tôn được tám tự tại, vì nhân duyên gì mà chẳng hóa sinh vậy ?
Ðức Phật dạy rằng :
- Này thiện nam tử ! Việc sinh ra làm bốn lối sinh của tất cả chúng sinh, người được Thánh pháp rồi chẳng được như vốn đã noãn sinh, thấp sinh. Này thiện nam tử ! Ban đầu kiếp chúng sinh đều hóa sinh. Ðang lúc ấy, Phật chẳng ra đời. Này thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh khi gặp bệnh khổ cần thầy thuốc, cần thuốc mà lúc đầu kiếp chúng sinh đều hóa sinh, tuy có phiền não mà bệnh ấy chưa phát. Vậy nên Như Lai chẳng xuất hiện ở đời ấy. Ðầu kiếp thân chúng sinh chẳng phải pháp khí. Vậy nên Như Lai chẳng xuất hiện ở đời ấy. Này thiện nam tử ! Nghiệp sở hữu của Như Lai Thế Tôn thắng hơn các chúng sinh như là về chủng tính, quyến thuộc, cha mẹ. Do thù thắng nên phàm lời nói pháp của Như Lai mọi người đều tín thọ. Vậy nên Như Lai chẳng thọ hóa sinh. Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh thì cha tạo tác nghiệp con, con tạo tác nghiệp cha. Như Lai Thế Tôn nếu thọ hóa thân thì không cha mẹ. Nếu không cha mẹ thì làm sao có thể khiến cho tất cả chúng sinh tạo tác các nghiệp lành. Vậy nên Như Lai chẳng thọ hóa thân. Này thiện nam tử ! Trong chính pháp của Phật có hai thứ hộ, một là nội, hai là ngoại. Nội hộ là gọi cấm giới. Ngoại hộ là gọi thân tộc quyến thuộc. Nếu Phật Như Lai thọ hóa thân thì không ngoại hộ. Vậy nên Như Lai chẳng thọ hóa thân. Này thiện nam tử ! Có người ỷ vào dòng họ mà sinh kiêu mạn, Như Lai vì phá sự kiêu mạn như vậy nên sinh ở dòng họ tôn quí, chẳng thọ hóa thân. Này thiện nam tử ! Như Lai Thế Tôn có cha mẹ chân thật. Cha tên là Tịnh Phạn, mẹ tên là Ma Da mà các chúng sinh còn nói là huyễn thì làm sao mà thọ thân hóa sinh ? Nếu thọ hóa thân thì làm sao được có xá lợi của thân vụn. Như Lai vì thêm phước đức cho chúng sinh nên làm vụn nát thân ấy để cho họ cúng dường. Vậy nên Như Lai chẳng thọ hóa thân. Tất cả các đức Phật đều không hóa sinh thì làm sao khiến một mình thọ hóa thân.
Lúc bấy giờ, Bồ tát Sư Tử Hống chắp tay, quì dài, gối phải đặt xuống đất, dùng kệ khen đức Phật rằng :
Như Lai công đức tụ không lường
Con nay chẳng thể rộng tuyên nói
Nay vì chúng sinh diễn một phần
Nguyện xin thương xót cho con nói !
Chúng sinh đi trong tối vô minh
Thọ đủ vô biên trăm thứ khổ.
Thế Tôn hay khiến lìa khỏi nhanh
Nên đời xưng đấng Từ Bi lớn !
Chúng sinh qua lại sinh tử thằng (sợ dây sinh tử)
Phóng dật mê man không an lạc
Như Lai hay cho mọi lạc an
Vậy nên cắt đứt dây sinh tử.
Phật hay ban bố mọi lạc an
Tự vui với mình, chẳng tham lạc,
Tu khổ hạnh vì các chúng sinh
Nên thế gian cúng dường cung kính.
Thấy người thọ khổ rúng động thân
Ở tại địa ngục, đau chẳng biết
Chịu khổ lớn vì các chúng sinh
Nên không có lường, không ai thắng.
Phật tu khổ hạnh vì chúng sinh
Thành tựu đầy đủ, mãn lục độ
Tâm ở gió tà chẳng chao nghiêng
Nên có thể thắng bậc Ðại sĩ
Chúng sinh thường muốn được lạc an
Mà chẳng biết tu nhân an lạc
Như Lai hay dạy, khiến tu hành
Giống như cha lành yêu con một.
Phật thấy chúng sinh bệnh não phiền
Lòng khổ như mẹ lo con bệnh
Phương tiện khỏi bệnh nghĩ tới luôn
Vậy nên thân này thuộc người khác.
Các khổ, tất cả chúng sinh làm
Mà lòng điên đảo cho là lạc (vui)
Như Lai diễn nói khổ, lạc chân
Nên xưng hiệu là Từ Bi Lớn.
Thế gian đều ở trứng vô minh
Không có mỏ trí có thể phá
Mỏ trí Như Lai mổ phá tan
Vậy nên gọi là tối đại tử.
Chẳng bị ba đời nhiếp giữ gìn
Không có danh tự và hiệu quả
Hiểu biết nghĩa thậm thâm Niết Bàn
Vậy nên xưng Phật là Ðại Giác.
Có sông cuồn cuộn chìm chúng sinh
Vô minh mù tối, ra chẳng biết
Như Lai tự độ, độ chúng sinh
Vậy nên xưng Phật, Thuyền Sư Lớn (người lái thuyền giỏi).
Có thể biết tất cả quả, nhân
Cũng lại thông đạt tận diệt đạo
Thường ban thuốc bệnh khổ chúng sinh
Vậy nên đời xưng : Y vương lớn.
Khổ hạnh ngoại đạo thường tuyên dương
Nhân đó hay được Vô Thượng Lạc
Như Lai diễn nói lạc hạnh chân
Hay khiến chúng sinh thọ khoái lạc.
Phá tà đạo, Như Lai Thế Tôn
Khai thị chúng sinh đường chân chính
Người đi đường đó được lạc an
Nên xưng Phật là thầy dẫn dắt.
Sở tác chẳng phải người và mình
Chẳng phải cộng tác, không nhân tác
Việc thọ khổ theo lời Thế Tôn
Thắng hơn tất cả các ngoại đạo.
Thành tựu Giới, Ðịnh, Tuệ hoàn toàn
Cũng đem pháp này dạy sinh chúng
Khi đem pháp thí không ghét lận
Vậy nên xưng Phật : Bi không duyên.
Không sự tạo tác không nhân duyên
Thu được không nhân, không quả báo
Vậy nên tất cả người trí thông
Xưng nói Như Lai chẳng cầu báo
Thường chung hạnh phóng dật thế gian
Mà thân chẳng bị nhiễm phóng dật
Vậy nên gọi là chẳng nghĩ bàn
Tám pháp thế gian chẳng thể nhiễm.
Như Lai Thế Tôn không oán thân
Vậy nên tâm ấy thường bình đẳng
Ðại Bi, con rống sư tử khen
Hay rống vô lượng Sư tử hống.
KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN
- Quyển thứ ba mươi hết -
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|