× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Niết Bàn



Quyển thứ 27: Phẩm thứ 23: Bồ Tát Sư tử hống

         Phần thứ III. - Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, tất cả các pháp có hai thứ nhân, một là chánh nhân, hai là duyên nhân. Do hai nhân này nên không có trói buộc hay cởi mở. Năm ấm này thì từng niệm từng niệm sinh diệt. Như sự sinh diệt ấy thì ai trói ? Ai mở ? Thưa đức Thế Tôn ! Nhân năm ấm này sinh ra năm ấm sau. Ấm này tự diệt chẳng đến ấm kia. Tuy chẳng đến ấm kia nhưng có thể sinh ra ấm kia. Như nhân hạt sinh ra mầm mà hạt chẳng đến mầm. Tuy hạt chẳng đến mầm mà có thể sinh ra mầm. Chúng sinh cũng vậy thì sao gọi là trói hay mở ?

            - Này thiện nam tử ! Hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Ta sẽ vì ông phân biệt, giải nói ! Này thiện nam tử ! Như khi người bỏ mạng chịu khổ lớn thì bà con vay quanh gào khóc áo não. Người ấy sợ hãi không biết y cứu vào đâu. Tuy có năm tình nhưng người ấy không hay biết gì, chi tiết rúng động, chẳng thể tự giữ gìn, thân thể trống lạnh, hơi ấm muốn hết, thấy trước tướng báo ứng của việc tu thiện, ác. Này thiện nam tử ! Như mặt trời lặn xuống thì bóng núi, đồi, gò, đống hiện ngã về đông, không ngã về tây. Nghiệp quả chúng sinh cũng lại như vậy, khi ấm này diệt thì ấm kia nối tiếp sinh, như đèn thắp lên thì bóng tối diệt, đèn tắt thì tối sinh ra. Này thiện nam tử ! Như dấu sáp ong in vào đất bùn, con dấu cùng đất bùn hợp lại, nếu con dấu diệt thì hoa văn hiện thành. Nhưng con dấu sáp chẳng biến mất tại đất bùn, hoa văn chẳng phải do đất bùn sinh ra, chẳng ở chỗ khác đến mà do nhân duyên dấu sáp sinh ra hoa văn này. Ấm hiện tại diệt thì ấm của trung ấm sinh. Ấm hiện tại này nhất định chẳng biến làm năm ấm của trung ấm. Năm ấm của trung ấm cũng chẳng phải tự sinh ra, chẳng từ chỗ khác đến mà nhân ấm hiện tại sinh ra ấm trung ấm, như dấu sáp in vào bùn mà dấu hoại thì hoa văn thành. Tên gọi tuy không sai mà thời tiết đều khác. Vậy nên ta nói rằng, năm ấm của trung ấm chẳng phải mắt thịt nhìn thấy mà là cái thấy của mắt trời. Trong Trung ấm này có ba thứ ăn, một là tư thực (ăn bằng tư tưởng), hai là xúc thực (ăn bằng chạm xúc), ba là ý thực. Trung ấm có hai thứ, một là thiện nghiệp quả, hai là ác nghiệp quả. Nhân thiện nghiệp nên được thiện giác quán. Nhân ác nghiệp nên được ác giác quán. Khi cha mẹ giao hội ly hợp thì tùy theo nhân duyên nghiệp, một hướng về chỗ thọ sinh, đối với mẹ sinh yêu thương thì đối với cha sinh sân giận. Khi tinh cha ra thì gọi là đã có. Ðã thấy rồi, lòng mừng mà sinh ra hoan hỷ. Do ba thứ nhân duyên phiền não này nên ấm của Trung ấm hoại đi mà sinh ra năm ấm sau, như dấu in vào đất bùn mà dấu hoại thì hoa văn sinh ra. Khi sinh ra các căn có đủ hay chẳng đủ. Người đủ thì thấy sắc nên sinh ra tham mà sinh ra tham thì gọi là Ái. Rồ dại (cuồng nên sinh ra tham thì đó gọi là vô minh.Do hai nhân duyên tham ái, vô minh nên sự nhìn thấy cảnh giới đều điên đảo : vô thường thấy thường, vô ngã thấy ngã, vô lạc thấy lạc, vô tịnh thấy tịnh. Do bốn điên đão nên tạo tác hạnh thiện, ác, phiền não tạo tác nghiệp, nghiệp tạo tác phiền não... Ðó gọi là trói buộc. Do nghĩa này nên gọi là Năm Ấm sinh. Người này nếu được thân cận với Phật và đệ tử của Phật, các thiện tri thức thì liền được nghe thọ mười hai bộ kinh. Do được nghe pháp nên quan sát cảnh giới thiện. Quan sát cảnh giới thiện nên được đại trí tuệ. Người Ðại trí tuệ thì gọi là Chánh tri kiến. Ðược Chánh tri kiến nên ở trong sinh tử mà sinh lòng hối hận. Do sinh lòng hối hận nên chẳng sinh ra hoan lạc. Chẳng sinh ra hoan lạc nên có thể phá được lòng tham. Phá lòng tham nên tu Bát chánh đạo. Tu Bát chánh đạo nên được không sinh tử mà không sinh tử nên gọi là được giải thoát. Như lửa chẳng gặp được củi gọi là lửa tắt, diệt sinh tử nên gọi là diệt độ. Do nghĩa này nên gọi là năm ấm diệt.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Trong hư không không có gai nhọn sao nói rằng nhổ ? Ấm không ràng buộc thì sao gọi là trói buộc ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Do khóa phiền não trói buộc năm ấm, lìa năm ấm rồi không biệt phiền não, lìa phiền não rồi không biệt năm ấm ! Này thiện nam tử ! Như cây trụ chống giữ nhà, lìa nhà không có trụ, lìa trụ không có nhà ! Chúng sinh ngũ ấm cũng lại như vậy, có phiền não nên gọi là trói buộc, không phiền não nên gọi là giải thoát. Này thiện nam tử ! Như nắm tay, chắp tay, trói buộc.v.v... cả ba hợp tan, sinh diệt lại không có biệt pháp. Năm ấm chúng sinh cũng lại như vậy, có phiền não nên gọi là trói buộc, không phiền não nên gọi là giải thoát. Này thiện nam tử ! Như nói danh sắc trói buộc chúng sinh. Danh sắc nếu biệt thì không chúng sinh, lìa danh sắc rồi không biệt chúng sinh, lìa chúng sinh rồi không biệt danh sắc nên cũng gọi là danh sắc trói buộc chúng sinh, cũng gọi là chúng sinh trói buộc danh sắc.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như mắt chẳng tự thấy, ngón tay chẳng tự chạm xúc, lưỡi dao chẳng tự cắt, người thọ chẳng tự thọ thì làm sao đức Như Lai nói rằng, danh sắc trói buộc danh sắc ? Vì sao vậy ? Vì nói danh sắc thì tức là chúng sinh, nói chúng sinh thì tức là danh sắc. Nếu nói rằng, danh sắc trói buộc chúng sinh tức là danh sắc trói buộc danh sắc.

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Như khi hai tay hợp lại thì không có pháp khác đến hợp. Danh cùng với sắc cũng lại như vậy. Do nghĩa này nên ta nói rằng, danh sắc trói buộc chúng sinh. Nếu lìa khỏi danh sắc thì được giải thoát nên ta nói rằng, chúng sinh giải thoát.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu có danh sắc là trói buộc thì các A la hán chưa lìa khỏi danh sắc cũng ứng ràng buộc ?

            - Này thiện nam tử ! Giải thoát có hai thứ, một là tử đoạn (đoạn hạt nhân), hai là quả đoạn (đoạn kết quả). Nói Tử đoạn là gọi đoạn phiền não. A la hán.v.v.. đã đoạn phiền não, mọi kết tan rã hủy hoại. Vậy nên sử kết của hạt nhân chẳng thể trói buộc. Chưa đoạn kết quả nên gọi là quả trói buộc. Các A la hán chẳng thấy Phật tính. Do chẳng thấy nên chẳng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên có thể nói rằng, quả ràng buộc, chẳng thể nói rằng, danh sắc ràng buộc. Này thiện nam tử ! Ví như khi thắp đèn mà dầu chưa hết thì ánh sáng chẳng diệt. Nhưng nếu dầu hết thì ánh sáng diệt không gì nghi ngờ ! Này thiện nam tử ! Cái gọi rằng dầu là dụ cho các phiền não, đèn lại dụ cho chúng sinh. Tất cả chúng sinh vì dầu phiền não nên chẳng vào Niết Bàn. Nếu có người đoạn được thì vào Niết Bàn.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Ðèn với dầu cả hai tính đều khác còn chúng sinh, phiền não thì chẳng như vậy. Chúng sinh tức là phiền não, phiền não tức là chúng sinh, chúng sinh gọi là năm ấm, năm ấm gọi là chúng sinh, năm ấm gọi là phiền não, phiền não gọi là năm ấm thì làm sao đức Như Lai đem dụ nó với đèn ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Dụ có tám thứ, một là thuận dụ, hai là nghịch dụ, ba là hiện dụ, bốn là phi dụ, năm là tiên (trước) dụ, sáu là hậu dụ, bảy là tiên hậu dụ, tám biến dụ (biến : khắp).

            Sao gọi là thuận dụ ? Như trong kinh nói rằng, trời tuông mưa lớn suối khe tràn đầy nên hầm nhỏ đầy, hầm nhỏ đầy nên hầm lớn đầy, hầm lớn đầy nên suối nhỏ đầy, suối nhỏ đầy nên suối lớn đầy, suối lớn đầy nên ao nhỏ đầy, ao nhỏ đầy nên ao lớn đầy, ao lớn đầy nên sông nhỏ đầy, sông nhỏ đầy nên sông lớn đầy, sông lớn đầy nên biển cả đầy. Mưa pháp của Như Lai cũng lại như vậy, chúng sinh giới (cấm) đầy, giới đầy đủ nên lòng chẳng hối đầy, lòng chẳng hối đầy nên hoan hỷ đầy, hoan hỷ đầy nên viễn ly đầy, viễn ly đầy nên yên ổn đầy, yên ổn đầy nên Tam muội đầy, Tam muội đầy nên chánh tri kiến đầy, chánh tri kiến đầy nên yếm ly (chán lìa) đầy, yếm ly đầy nên quở trách đầy, quở trách đầy nên giải thoát đầy, giải thoát đầy nên Niết Bàn đầy. Ðó gọi là thuận dụ.

            Sao gọi là nghịch dụ ? Biển cả có gốc là sông lớn, sông lớn có gốc gọi là  sông nhỏ, sông nhỏ có gốc gọi là ao lớn, ao lớn có gốc gọi là ao nhỏ, ao nhỏ có gốc gọi là suối lớn, suối lớn có gốc gọi là suối nhỏ, suối nhỏ có gốc gọi là hầm lớn, hầm lớn có gốc gọi là hầm nhỏ, hầm nhỏ có gốc gọi là suối khe, suối khe có gốc gọi là mưa lớn... Niết Bàn có gốc gọi là giải thoát, giải thoát có gốc gọi là quở trách, quở trách có gốc gọi là yếm ly, yếm ly có gốc gọi là chánh tri kiến, chánh tri kiến có gốc gọi là Tam muội, Tam muội có gốc gọi là yên ổn, yên ổn có gốc gọi là viễn ly, viễn ly có gốc gọi là hỷ tâm, hỷ tâm có gốc gọi là chẳng hối, chẳng hối có gốc gọi là trì giới, trì giới có gốc gọi là pháp vũ. Ðó gọi là nghịch dụ.

            Sao gọi là hiện dụ ? Như trong kinh nói tâm tính chúng sinh giống như con khỉ đột. Tính khỉ đột bỏ buông bắt không dừng một, lấy một. Tâm tính chúng sinh cũng lại như vậy, tham lấy sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không khi nào tạm đứng lại. Ðó gọi là hiện dụ. Sao gọi là phi dụ ? Như thuở trước ta bảo vua Ba Tư Nặc rằng : “Này Ðại vương ! Có người thân tín từ bốn phương đến đều nói lời này, thưa đại vương ! Có bốn núi lớn từ bốn phương đến muốn hại nhân dân. Nếu nhà vua nghe thì phải thiết lập kế gì?”. Nhà vua đáp rằng : “Thưa đức Thế Tôn ! Giả sử có điều này đến, không tìm chỗ chạy trốn, chỉ phải chuyên chuyên tâm trì giới, bố thí !” Ta liền khen ngợi rằng : “Hay thay ! Này đại vương ! Ta nói bốn núi tức là sự sinh già bệnh chết của chúng sinh. Sinh già bệnh chết thường đến bức thiết con người thì làm sao đại vương chẳng tu trì giới, bố thí ?”. Nhà vua bạch rằng : “Thưa đức Thế Tôn ! Trì giới, bố thí thì được những quả gì ?” Ta đáp rằng : “Này đại vương ! Ở trong người trời hướng thọ nhiều khoái lạc !” Nhà vua bạch rằng : “Thưa đức Thế Tôn ! Cây Ni câu đà có trì giới, bố thí đâu mà cũng ở với người trời hưởng thọ an lạc vậy ?” Ta nói rằng : “Thưa đại vương ! Cây Ni câu đà chẳng thể trì giới, tu hành bố thí. Như cây ấy có thể trì giới, bố thí thì hưởng thọ khoái lạc không khác người, trời”. Ðó gọi là phi dụ.

            Sao gọi là tiên dụ ? Trong Kinh ta nói, ví như có người tham trước hoa đẹp, khi hái hoa bị nước cuốn trôi. Chúng sinh cũng vậy, tham trước năm dục bị cuốn trôi mất của sinh, già, chết. Ðó gọi là tiên dụ.

            Sao gọi là hậu dụ ? Như kinh pháp cú nói rằng :

                                                Chớ khinh ác nhỏ

                                                Là không tai ương

                                                Giọt nước tuy nhỏ

                                                Chậu lớn dần tràn.

            Ðó gọi là hậu dụ.

            Sao gọi là tiên hậu dụ ? Ví như cây chuối ra trái thì chết. Người ngu được lợi dưỡng cũng lại như vậy, như con la mang thai thì sinh mạng chẳng an toàn lâu.

            Sao gọi là biến dụ ? Như trong Kinh nói, trời thứ ba mươi ba có cây Ba lợi chất đa, rễ nó vào sâu trong đất đến năm do tuần, cao đến hàng trăm do tuần, cành lá trải rộng bốn phía đến năm mươi do tuần. Lá chín thì vàng, chư thiên thấy rồi lòng sinh ra hoan hỷ, lá này chẳng bao lâu ắt rơi rụng. Lá ấy đã rơi thì chư thiên lại sinh ra hoan hỷ. Cành cây này chẳng bao lâu ắt đổi sắc mà cành đã đổi sắc thì chư thiên lại sinh  hoan hỷ. Sắc này chẳng bao lâu sẽ sinh những nốt phồng lên mà chư thiên thấy rồi lại sinh hoan hỷ. Nốt phồng này chẳng lâu ắt sẽ nhú những mõm nhọn mà chư thiên thấy rồi lại mừng. Mõm nhọn này chẳng bao lâu ắt sẽ nở ra mà khi nó nở ra thì hơi thơm lan cùng khắp năm mươi do tuần, ánh sáng soi chiếu xa đến tám mươi do tuần. Bấy giờ là thời gian ba tháng mùa hạ, chư thiên ở dưới cây này, hưởng thụ khoái lạc. Này thiện nam tử ! Các đệ tử của ta cũng lại như vậy. Màu lá vàng là dụ cho ý niệm của đệ tử ta muốn xuất gia. Lá ấy rụng là dụ cho đệ tử ta cạo bỏ râu tóc. Sắc ấy biến đổi là dụ cho đệ tử của ta bạch bốn yết ma, thọ cụ túc giới. Nốt phồng lên mới sinh là dụ cho đệ tử của ta mới phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Mõm nhọn là dụ cho Bồ tát Thập Trụ được thấy Phật tính. Mõm nhọn nở ra là dụ cho Bồ tát được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Hương thơm là dụ cho vô lượng chúng sinh ở mười phương thọ trì cấm giới. Ánh sáng là dụ cho danh hiệu của Như Lai châu biến mười phương không ngăn ngại. Ba tháng hạ là dụ cho Tam muội. Trời Ba mươi ba hưởng thụ khoái lạc là dụ cho các đức Phật tại Ðại Niết Bàn được Thường Lạc Ngã Tịnh. Ðó gọi là Biến dụ. Này thiện nam tử ! Phàm việc dẫn dụ thì chẳng nhất định phải lấy hết mà hoặc lấy một phần ít, hoặc lấy phần nhiều, hoặc lại lấy toàn phần. Như nói rằng, mặt Như Lai như trăng đầy thì đó gọi là phần ít. Này thiện nam tử ! Ví như có người, đầu tiên chẳng thấy sữa mà chuyển hỏi người khác rằng, sữa là loại gì ? Người kia đáp rằng : “Như nước, mật và vỏ sò !” Nước thì tướng ẩm ướt, mật thì tướng ngọt, vỏ sò thì tướng màu. Tuy dẫn ba dụ nhưng chưa là sữa thật. Này thiện nam tử ! Ta nói ví dụ đèn để dụ cho chúng sinh cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Rời khỏi nước thì không có sông, chúng sinh cũng vậy, lìa khỏi năm ấm rồi không biệt chúng sinh (không có chúng sinh khác). Này thiện nam tử ! Như lìa khỏi thùng xe, bánh xe, nan hoa bánh xe, trục xe, vành bánh xe thì lại không có cái xe khác (biệt xa). Chúng sinh cũng vậy. Này thiện nam tử ! Nếu muốn được hợp với cái ví dụ đèn đó thì ông hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Ta nay sẽ vì ông nói ! Bấc (tim) đèn là dụ cho hai mươi lăm cõi hữu, dầu là dụ cho ái, ánh sáng dụ cho trí tuệ, phá trừ đen tối là dụ cho phá vô minh, hơi ấm dụ cho Thánh đạo. Như đèn hết dầu thì ánh sáng diệt, chúng sinh hết ái thì thấy Phật tính. Tuy có danh sắc nhưng chẳng thể trói buộc ! Tuy lại ở tại hai mươi lăm cõi hữu nhưng chẳng bị sự ô nhiễm của các hữu !

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Chúng sinh ngũ ấm rỗng không, không sở hữu thì có ai thọ giáo tu tập đạo ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh đều có tâm niệm, tâm tuệ, tâm phát, tâm siêng tinh tấn, tâm tín, tâm định.... Những pháp như vậy tuy từng niệm từng niệm sinh diệt nhưng giống như cũ, tương tợ nối tiếp nhau, chẳng đoạn dứt nên gọi là tu đạo.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Những pháp như vậy đều từng niệm từng niệm diệt. Từng niệm từng niệm diệt này cũng tương tợ nối tiếp nhau thì làm sao tu tập ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Ðèn tuy từng niệm từng niệm diệt mà có ánh sáng phá trừ tối tăm. Các pháp từng niệm.v.v... cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Như chúng sinh ăn tuy từng niệm từng niệm diệt nhưng cũng khiến cho người đói mà được no đủ. Ví như thuốc tốt nhất tuy từng niệm từng niệm diệt nhưng cũng có thể khỏi bệnh. Ánh sáng mặt trời mặt trăng tuy từng niệm từng niệm diệt nhưng cũng có thể làm tăng trưởng rừng cây, thảo mộc. Này thiện nam tử ! Ông nói rằng, từng niệm từng niệm diệt thì làm sao tăng trưởng ? Thì tâm chẳng đoạn nên gọi là tăng trưởng. Này thiện nam tử ! Ví như người đọc sách. Việc đọc chữ câu chẳng được cùng một lúc, trước chẳng đến giữa, giữa chẳng đến sau. Người đọc cùng chữ và cả tâm tưởng đều từng niệm từng niệm diệt, rồi do tu lâu nên được thông lợi. Này thiện nam tử ! Ví như người thợ vàng, từ lúc mới tập cho đến lúc bạc đầu, tuy từng niệm từng niệm diệt, trước chẳng đến sau, nhưng do tích tập nên việc làm trở nên khéo đẹp. Vậy nên được xưng là thợ vàng giỏi bậc thầy. Ðọc tụng  kinh sách cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ví như hạt giống, đất cũng chẳng dạy nó rằng : “Ngươi phải nảy mầm !” Nhưng do tính của pháp nên mầm tự sinh ra. Cho đến hoa đất cũng chẳng dạy người : “Người phải kết trái !” Nhưng do tính của pháp nên trái tự sinh ra. Chúng sinh tu đạo cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ví như phép tính mà một chẳng đến hai, hai chẳng đến ba... tuy niệm niệm diệt mà đến ngàn vạn. Chúng sinh tu đạo cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ðèn từng niệm từng niệm diệt, ánh sáng mới diệt chẳng bảo ánh sáng sau rằng: “Ta diệt, người sinh ra phải phá các tối tăm !” Này thiện nam tử ! Ví như con trâu nghé sinh ra liền tìm sữa. Trí tìm sữa thật không có người dạy, tuy từng niệm diệt mà ban đầu đói, về sau no. Vậy nên phải biết, chẳng nên tương tợ. Nếu tương tợ thì chẳng nên sinh khác. Chúng sinh tu đạo cũng lại như vậy, ban đầu tuy chưa tăng trưởng nhưng do tu lâu nên có thể phá hoại tất cả phiền não.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, người Tu đà hoàn được quả chứng rồi, tuy sinh vào đất nước ác nhưng còn cố giữ giới, chẳng sát sinh, trộm cắp, dâm dục, lưỡng thiệc, uống rượu thì Tu đà hoàn ấm liền ở chỗ này diệt, chẳng đến đất nước ác. Tu đạo cũng vậy, chẳng đến đất nước ác. Nếu tương tợ thì vì sao chẳng sinh đến đất nước thanh tịnh vi diệu ? Nếu ấm của đất nước ác chẳng phải là ấm của Tu đà hoàn thì làm sao mà được chẳng tạo tác nghiệp ác ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Người Tu đà hoàn tuy sinh ở nước ác nhưng nhất định chẳng mất danh xưng Tu đà hoàn và ấm chẳng tương tợ nên ta dẫn con trâu nghé làm ví dụ. Người Tu đà hoàn tuy sinh ở nước ác nhưng do đạo lực nên chẳng tạo tác nghiệp ác. Này thiện nam tử ! Ví như núi Hương có vua Sư Tử. Vậy nên tất cả loài chim bay, thú chạy tuyệt tích ở núi này, chẳng dám đến gần. Có lúc vua Sư tử này đến trong núi Tuyết, tất cả loài chim thú còn chẳng trụ. Người Tu đà hoàn cũng lại như vậy, tuy  chẳng tu đạo nhưng do đạo lực nên chẳng làm các  ác. Này thiện nam tử ! Ví như có người ăn uống cam lộ. Cam lộ tuy diệt nhưng nhờ thế lực của nó nên khiến cho người này chẳng sinh, chẳng chết. Này thiện nam tử ! Như núi Tu Di có thuốc thượng diệu tên là Lăng Dà Lợi. Có người uống nó, tuy từng niệm từng niệm diệt nhưng do dược lực nên chẳng gặp hoạn khổ. Này thiện nam tử ! Như chỗ ngồi của vua Chuyển Luân, tuy nhà vua chẳng ở tại đó nhưng không ai dám gần. Vì sao vậy ? Vì uy lực của nhà vua. Người Tu đà hoàn cũng lại như vậy, tuy sinh ở nước ác, chẳng tu tập đạo nhưng do đạo lực nên chẳng làm nghiệp ác. Này thiện nam tử ! Ấm của người Tu đà hoàn ở đây mà diệt thì tuy sinh ra ấm khác còn chẳng mất ấm của Tu đà hoàn. Này thiện nam tử ! Ví như chúng sinh vì quả trái nên ở trong hạt giống đã làm nhiều việc như bón phân, tưới nước. Chưa được quả trái mà hạt lại diệt và cũng được gọi là nhân hạt được quả. Ấm của Tu đà hoàn cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Ví như có người của cải giàu to mà chỉ có một người con mà đã chết trước. Người con ấy có con nhưng lại ở nước khác. Người nhà giàu ấy bỗng nhiên vội mạng chung. Người cháu nghe tin này đã trở về thu lấy sản nghiệp, tuy biết của cải chẳng phải là sở tác của người ấy, nhưng người ấy thâu lấy không ai ngăn giữ. Vì sao vậy? Vì do cùng một họ vậy. Ấm của Tu đà hoàn cũng lại như vậy.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Như bài kệ đức Phật đã nói :

                                    Tỳ kheo nếu tu tập

                                    Giới, định, tuệ ba môn

                                    Phải biết là chẳng thoái

                                    Gần gũi Ðại Niết Bàn.

            Thưa đức Thế Tôn ! Sao gọi tu Giới ? Sao gọi là tu Ðịnh ? Sao gọi là tu Tuệ ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Nếu có người thọ trì cấm giới chỉ vì tự lợi, làm người trời thụ hưởng an vui, chẳng vì độ thoát tất cả chúng sinh, chẳng vì hộ trì chánh pháp Vô Thượng, chỉ vì lợi dưỡng, sợ ba đường ác, vì sắc lực của mạng sống, an vô ngại biện, sợ sệt vương pháp, danh xấu, tiếng dơ, vì sự nghiệp thế gian.... Hộ trì giới như vậy thì chẳng được gọi là tu tập giới. Này thiện nam tử ! Sao gọi là tu tập giới chân thật ? Khi thọ trì giới, nếu vì độ thoát tất cả chúng sinh, vì hộ chánh pháp, vì độ người chưa độ, giải thoát kẻ chưa giải thoát đưa về người chưa về, người chưa vào Niết Bàn khiến cho vào... Khi tu như vậy chẳng thấy giới, chẳng thấy tướng của giới, chẳng thấy người trì giới, chẳng thấy quả báo, chẳng quan sát kẻ hủy phạm. Này thiện nam tử ! Nếu có thể như vậy thì đó gọi là tu tập giới vậy.

            Sao gọi là tu tập Tam muội ? Khi tu Tam muội mà vì tự độ, vì lợi dưỡng, chẳng vì chúng sinh, chẳng vì hộ pháp, vì thấy lỗi tham dục, ăn bẩn.v.v..., căn nam nữ.v.v... chín lỗ chẳng sạch, chiến đấu, tranh tụng, đánh đâm, sát hại lẫn nhau.... Nếu vì những việc này mà tu Tam muội thì đó chẳng gọi là tu tập Tam muội. Này thiện nam tử ! Sao gọi là tu tập Tam muội chân thật ? Nếu vì chúng sinh tu tập Tam muội, ở trong chúng sinh được lòng bình đẳng, vì khiến cho chúng sinh được pháp bất thoái, vì khiến cho chúng sinh được tâm của Thánh, vì khiến cho chúng sinh được Ðại Thừa, vì muốn hộ trì pháp Vô Thượng, vì khiến cho chúng sinh chẳng thoái tâm Bồ Ðề, vì khiến cho chúng sinh được Thủ Lăng Nghiêm, vì khiến cho chúng sinh được Kim Cương Tam muội, vì khiến cho chúng sinh được Ðà la ni, vì khiến cho chúng sinh được bốn vô ngại, vì khiến cho chúng sinh thấy Phật tính... khi làm hạnh này, hành giả chẳng thấy Tam muội, chẳng thấy tướng Tam muội, chẳng thấy người tu, chẳng thấy quả báo. Này thiện nam tử ! Nếu có thể như vậy thì đó gọi là tu tập Tam muội.

            Sao gọi là tu Trí tuệ ? Nếu có người tu suy nghĩ rằng : “Ta nếu tu tập trí tuệ như vậy thì được giải thoát, qua khỏi ba đường ác. Phật ra đời khó như hoa Ưu Ðàm, ta nay có thể đoạn các kết phiền não, nhất định được giải thoát. Vậy nên ta phải siêng tu trí tuệ, mau chóng đoạn phiền não, sớm được độ thoát”. Người tu như vậy chẳng được gọi là tu tập trí tuệ. Sao gọi là người tu tập trí tuệ chân thật ? Nếu người đó quan sát khổ sinh, già, chết, tất cả chúng sinh bị vô minh che phủ, chẳng biết tu tập đạo Vô Thượng chân chính mà phát nguyện rằng : “Ta nguyện đem thân này thay cho chúng sinh thọ đại khổ não ! Tâm bần cùng, hạ tiện, phá giới và nghiệp tham sân, si... sẵn có của chúng sinh, ta nguyện đến gom hết về thân ta ! Nguyện các chúng sinh chẳng sinh ra tham thủ (lấy), chẳng bị  sự trói buộc của danh sắc ! Nguyện cho các chúng sinh sớm qua khỏi sinh tử, khiến cho ta ở đó một mình mà chẳng chán ! Nguyện khiến cho tất cả đều được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Khi tu như vậy, hành giả chẳng thấy trí tuệ, chẳng thấy tướng của trí tuệ, chẳng thấy người tu, chẳng thấy quả báo. Ðó gọi là tu tập trí tuệ.

            Này thiện nam tử ! Tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ như vậy thì đó gọi là Bồ tát. Chẳng thể tu Giới, Ðịnh, Tuệ như vậy thì đó gọi là Thanh Văn.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao lại gọi là tu tập Giới ? Nếu là người có thể phá hoại mười sáu luật nghi ác của tất cả chúng sinh. Những gì là mười sáu ? Một là vì lợi mà nuôi dê con cho béo rồi đem bán. Hai là vì lợi mà mua nó về giết mổ. Ba là vì lợi mà nuôi dưỡng heo cho béo rồi đem bán. Bốn là vì lợi mua nó về giết mổ. Năm là vì lợi mà nuôi dưỡng trâu nghé cho béo rồi đem bán. Sáu là vì lợi mua nó về giết mổ. Bảy là vì lợi nuôi gà cho mập béo rồi đem bán. Tám là vì lợi mua nó về giết mổ. Chín là câu cá. Mười là làm thợ săn. Mười một là cướp đọat. Mười hai là làm kẻ đầu nậu nem chả. Mười ba là giăng lưới bắt loài chim bay. Mười bốn là nói hai lưỡi. Mười lăm là làm ngục tốt. Mười sáu là nguyền rủa loài rồng (chú rồng?). Nếu hành giả có thể vì chúng sinh đoạn trừ vĩnh viễn mười sáu nghiệp ác như vậy thì đó gọi là Tu Giới.

            Sao gọi là tu Ðịnh ? Nếu có thể đoạn tất cả Tam muội của thế gian, như là vô thân Tam muội có thể khiến cho chúng sinh sinh tâm điên đảo cho là Niết Bàn. Lại như là vô biên tâm Tam muội, Tịnh tụ Tam muội, Thế biên Tam muội, Thế đoạn Tam muội, Thế tính Tam muội, Thế trượng phu Tam muội, Phi tưởng phi phi tưởng Tam muội... Những định như vậy có thể khiến cho chúng sinh sinh lòng điên đảo cho là Niết Bàn. Nếu có thể đoạn trừ vĩnh viễn những Tam muội như vậy thì đó gọi là tu tập Tam muội.

            Sao gọi là tu tập Trí tuệ ? Là có thể phá hết ác kiến sở hữu của thế gian. Tất cả chúng sinh đều có ác kiến, như gọi sắc tức là ngã cũng là ngã sở, trong sắc có ngã trong ngã có sắc... cho đến thức cũng như vậy, sắc tức là ngã mà sắc diệt ngã tồn tại, sắc tức là ngã mà sắc diệt ngã diệt. Lại có người nói rằng, tác giả gọi là ngã, người thọ nhận gọi là sắc. Lại có người nói rằng, tác giả gọi là sắc, người thọ gọi là ngã. Lại có người nói rằng, không người làm, kẻ thọ mà tự sinh, tự diệt đều chẳng phải là nhân duyên. Lại có người nói rằng, không tác không thọ mà đều là sự tạo tác của Tự tại. Lại có người nói rằng, không có người làm, không có người thọ, tất cả đều là sự tạo tác của thời tiết. Lại có người nói rằng, tác giả thọ giả đều không sở hữu, địa, thủy, hỏa, phong, không, năm đại, gọi là chúng sinh. Này thiện nam tử ! Nếu có thể phá hoại tất cả những  ác kiến như vậy của chúng sinh thì đó gọi là tu tập Trí tuệ.

            Này thiện nam tử ! Tu tập Giới là vì thân thanh tịnh. Tu tập Tam muội là vì tâm thanh tịnh. Tu tập Trí tuệ là vì phá hoại tâm nghi hoặc. Hủy hoại tâm nghi hoặc là vì tu tập đạo. Tu tập đạo là để thấy Phật tính. Thấy Phật tính là để được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðược Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác là để được Vô Thượng Ðại Niết Bàn. Ðược Ðại Niết Bàn là để đoạn trừ tất cả sinh tử, tất cả phiền não, tất cả các hữu, tất cả các giới, tất cả các đế của chúng sinh. Ðoạn trừ được sinh tử... cho đến đoạn các đế là được pháp Thường - Lạc - Ngã - Tịnh vậy.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, nếu chẳng sinh diệt thì gọi là Ðại Niết Bàn. Sinh cũng như vậy, chẳng sinh chẳng diệt thì vì sao chẳng được gọi là Niết Bàn ?

            - Này thiện nam tử ! Ðúng vậy ! Ðúng vậy ! Ðúng như lời ông nói ! Sinh này tuy lại chẳng sinh, chẳng diệt mà có đầu có cuối.

            - Thưa đức Thế Tôn ! Pháp sinh tử này cũng không đầu cuối. Nếu nó không đầu cuối thì gọi là thường mà thường tức là Niết Bàn thì vì sao chẳng gọi sinh tử là Niết Bàn vậy ?

            - Này thiện nam tử ! Pháp sinh tử này đều có nhân quả mà có nhân quả nên chẳng được gọi là Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì thể của Niết Bàn không có nhân quả.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Luận về Niết Bàn thì cũng có nhân quả, như lời đức Phật nói :

                                    Từ nhân nên sinh thiên (sinh lên trời)

                                    Từ nhân rời đường ác

                                    Từ nhân nên Niết Bàn

                                    Vậy nên có nhân hết !

            Như thuở trước, đức Phật bảo các vị Tỳ kheo rằng : “Ta nay sẽ nói về đạo quả Sa môn !” Nói Sa môn là gọi người có thể tu đủ Giới, Ðịnh, Trí tuệ. Ðạo là gọi tám Thánh đạo. Sa môn quả là gọi Niết Bàn. Thưa đức Thế Tôn ! Niết Bàn như vậy há chẳng phải là quả sao ? Sao đức Phật nói rằng, thể của Niết Bàn không nhân, không quả ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Ta sở dĩ tuyên nói nhân của Niết Bàn thì gọi là Phật tính. Nhưng tính của Phật tính chẳng sinh ra Niết Bàn, nên ta nói rằng, Niết Bàn không nhân, có thể phá hoại phiền não nên gọi là đại quả, chẳng từ đạo sinh ra nên gọi là không quả. Vậy nên Niết Bàn không nhân, không quả.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Chúng sinh Phật tính là đều có chung hay là mỗi mỗi có riêng ? Nếu có chung thì một người khi được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì tất cả chúng sinh cũng nên đồng được hết. Thưa đức Thế Tôn ! Như hai mươi người đồng có một kẻ oán, nếu một người có thể diệt trừ thì mười chín người còn lại đều cũng đồng trừ khỏi. Phật tính nếu vậy thì khi một người được thì những người còn lại cũng nên được. Nếu mỗi mỗi đều có riêng thì là vô thường. Vì sao vậy ? Vì có thể tính toán. Nhưng lời Phật nói rằng, chúng sinh Phật tính chẳng một, chẳng hai. Nếu mỗi mỗi đều có riêng thì chẳng nên nói rằng, các đức Phật bình đẳng ! Cũng chẳng nên nói, Phật tính như hư không !

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Chúng sinh Phật tính chẳng một, chẳng hai, các đức Phật bình đẳng giống như hư không, tất cả chúng sinh đồng có chung Phật tính đó. Nếu có người có thể tu tám Thánh đạo thì phải biết người này đã được minh kiến (sự thấy sáng suốt). Này thiện nam tử ! Núi Tuyết có thứ cỏ tên là Nhẫn nhục. Nếu trâu ăn nó thì thành đề hồ, chúng sinh Phật cũng lại như vậy.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Như lời đức Phật nói, cỏ Nhẫn nhục là một hay nhiều vậy ?  Như cỏ ấy một thì trâu ăn hết. Như cỏ ấy nhiều thì làm sao mà nói rằng, chúng sinh Phật tính cũng như vậy được ? Như lời đức Phật nói, nếu có người tu tập tám Thánh đạo thì thấy Phật tính, nghĩa này chẳng phải vậy ! Vì sao vậy ? Vì nếu đạo một thì như cỏ Nhẫn nhục nếu có tận. Như đạo ấy có tâm mà một người tu rồi thì những kẻ còn lại không có phần. Ðạo nếu nhiều thì làm sao được nói rằng, tu tập đầy đủ, cũng chẳng được gọi là trí Tát Bà Nhã (Nhất Thiết Chúng Trí).

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Như đường đi bằng phẳng. Tất cả chúng sinh đều đi ở trong đó không chướng ngại gì. Giữa đường có cây mà bóng của nó che mát mẻ. Người đi dường dừng xe ngựa nghỉ ngơi ở dưới bóng cây. Nhưng bóng cây ấy thường trụ chẳng dời, cũng chẳng tiêu hoại, không giữ người đi. Ðường đi dụ cho Thánh đạo, cây dụ cho Phật tính. Này thiện nam tử ! Ví như ngôi thành lớn có một cửa. Tuy có nhiều người qua đó vào ra mà đều không ai có thể làm chướng ngại, cũng lại không có người phá hủy mà mang đi theo. Này thiện nam tử ! Ví như cây cầu mà người đi qua nhờ nó, cũng không có người ngăn chận, chướng ngại, hủy hoại lấy đem đi. Này thiện nam tử ! Ví như vị lương y trị liệu mọi thứ bệnh, cũng không có ai có thể ngăn chận vị lương y này trị người này bỏ người kia. Thánh đạo Phật tính cũng lại như vậy.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Việc dẫn các ví dụ, ý nghĩa chẳng như vậy. Vì sao vậy ? Vì người trước ở tại đường thì người sau bị cản ngại thì làm sao mà nói không có chướng ngại được ? Các ví dụ còn lại cũng đều vậy ! Thánh đạo Phật tính nếu như vậy thì khi một người tu thì làm cản ngại những người còn lại.

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Như lời ông nói là, nghĩa chẳng tương ứng. Lời dụ của ta về đạo là thiểu phần dụ, chẳng phải tất cả. Này thiện nam tử ! Ðạo của thế gian thì có chướng ngại, đây, đó khác biệt, không có bình đẳng. Ðạo vô lậu thì chẳng như vậy, có thể khiến cho chúng sinh không có chướng ngại, bình đẳng không hai, không có địa phương, xứ sở đây, đó khác biệt. Chánh đạo như vậy có thể vì Phật tính của tất cả chúng sinh mà làm liễu nhân, chẳng làm sinh nhân giống như đèn sáng soi rõ được vật. Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh đều đồng “vô minh” nhân duyên với “hành” nên chẳng thể nói rằng, một người “vô minh” nhân duyên với “hành” rồi thì những người còn lại ấy nên không có. Tất cả chúng sinh đều có “vô minh” nhân duyên với “hành”. Vậy nên nói rằng, mười hai nhân duyên tất cả bình đẳng. Việc tu chánh đạo vô lậu của chúng sinh cũng lại như vậy, bình đẳng đoạn tuyệt phiền não, tứ sinh (bốn cách sinh ra của các loài vật), các giới, đạo hữu vi của chúng sinh. Do nghĩa này nên gọi là bình đẳng. Trong số ấy có người chứng thấy biết đó, đây không có chướng ngại. Vậy nên được gọi là Nhất thiết trí.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Thân của tất cả chúng sinh chẳng một chủng loại, hoặc có thân trời, hoặc có thân người, thân súc sinh, thân ngã quỉ, thân địa ngục. Như vậy là nhiều thân sai khác, chẳng phải là một thì làm sao mà nói rằng, Phật tính là một ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Ví như có người để độc vào trong sữa thì cho đến đề hồ đều có độc. Sữa chẳng gọi là lạc, lạc chẳng gọi là sữa... cho đến đề hồ cũng lại như vậy, danh tự tuy biến đổi nhưng tính độc chẳng mất mà ở khắp trong năm vị đều như vậy. Nếu uống đề hồ đó cũng có thể giết người mà thật ra chẳng để độc ở trong đề hồ. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy, tuy chúng sinh năm đường, thọ thân khác biệt mà Phật tính này thường một không biến đổi.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Mười sáu nước lớn, có sáu thành lớn như là: thành Xá Bà Ðề, thành Bà Chỉ Ða, thành Chiêm Bà, thành Tỳ Xá Ly, thành Ba La Nại, thành Vương Xá. Sáu thành như vậy rất lớn trong đời vì sao đức Như Lai bỏ đi hết mà ở tại ngôi thành nhỏ Câu Thi Na nơi vùng biên địa tệ ác rất nhỏ hẹp này để vào Bát Niết Bàn ?

            - Này thiện nam tử ! Ông chẳng nên nói rằng, thành Câu Thi Na là nơi biên địa tệ ác rất nhỏ hẹp mà nên nói rằng, thành này được trang nghiêm công đức vi diệu. Vì sao vậy ? Vì là chỗ sở hành của các đức Phật, Bồ tát vậy ! Này thiện nam tử ! Ví như nhà người hèn mà nếu vua ở qua thì nên khen ngợi là nhà này nghiêm lệ, phước đức thành tựu mới khiến cho đại vương quay xe đoái hoài đến ! Này thiện nam tử ! Như người bệnh nặng uống thuốc dơ bẩn tệ ác mà uống xong, thì bệnh khỏi, liền ứng lên vui mừng, khen ngợi là thuốc tối thượng, tối diệu có thể trị khỏi bệnh của mình. Này thiện nam tử ! Như người đi thuyền ở trong biển lớn. Thuyền ấy bỗng nhiên hư hoại, không có gì nương tựa nên nhân nhờ vào thây chết mà được đến bờ kia. Ðến bờ kia rồi, người ấy vui mừng khen ngợi thây chết này rằng : “Ta nhờ gặp nhau với thây chết mà được yên ổn”. Câu Thi Na thành cũng lại như vậy, nơi đó mới chính là hành xứ của các đức Phật, Bồ tát thì làm sao mà nói rằng, thành nhỏ nơi biên địa tệ ác nhỏ hẹp được ? Này thiện nam tử ! Ta nhớ thuở xa xưa qua hằng hà sa số kiếp, có kiếp tên là Thiện Giác có vị Thánh vương họ Kiều Thi Ca với bảy báu thành tựu, ngàn đứa con đầy đủ. Vị vua ấy, người đầu tiên tạo lập ngôi thành này, giáp vòng ngang dọc mười hai do tuần, đất trang nghiêm bằng bảy báu, có nhiều dòng sông mà nước trong sạch, ngon ngọt, êm dịu. Ðó là sông Ni Liên Thiền, sông Y La Bạt Ðề, sông Hy Liên Thiên, sông Y Sưu Mạt Ðể, sông Tỳ Bà Xá Na.v.v... Những sông như vậy có đến năm trăm dòng. Bờ của những con sông này cây cối rậm rạp hoa trái tươi sạch. Thời bấy giờ thọ mạng của nhân dân không lường, lúc vị Chuyển Luân Thánh Vương qua tuổi một trăm rồi thì xướng lên rằng : “Như lời đức Phật nói, tất cả các pháp đều vô thường, nếu ai có thể tu tập mười pháp thiện thì có thể đoạn trừ đại khổ vô thường như vậy”. Nhân dân nghe rồi đều chung phụng tu mười pháp thiện. Ta lúc bấy giờ nghe danh hiệu đức Phật, thọ trì mười pháp thiện, suy nghĩ  tu tập, mới phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Phát tâm này rồi, ta lại đem pháp này chuyển giáo cho vô lượng vô biên chúng sinh mà nói rằng, tất cả pháp vô thường, biến hoại. Vậy nên ta hôm nay tiếp tục ở chỗ này cũng nói về các pháp vô thường biến hoại, chỉ nói rằng, thân Phật là pháp thường trụ. Ta nhớ nhân duyên đã làm thuở xa xưa nên hôm nay đến tại đây mà Niết Bàn và cũng muốn thù báo ơn xưa của đất này. Do nghĩa này nên trong kinh ta nói rằng, quyến thuộc ta thọ ân có thể báo đáp ! Lại nữa, này thiện nam tử ! Thuở xưa, khi chúng sinh thọ mạng không lường, bấy giờ thành này tên là Câu Xá Bạt Ðề, giáp vòng ngang dọc năm mươi do tuần, cư dân cõi Diêm phù đề sống gần gũi tiếp giáp nhau mà gà bay kịp đến, có vị vua Chuyển Luân tên là Thiện Kiến với bảy báu thành tựu, ngàn người con đầy đủ, làm vua bốn thiên hạ. Vị thái tử thứ nhất suy nghĩ về chánh pháp được thành Bích Chi Phật. Vua Chuyển Luân thấy vị thái tử ấy thành Bích Chi Phật với uy nghi tường tự, thần thông hiếm có. Thấy việc này rồi, ông liền bỏ ngôi vua như bỏ bãi nước bọt, xuất gia ở tại vùng Ta La song thọ này, tu tập Từ tâm trong tám vạn năm và Bi tâm, Hỷ tâm, Xả tâm cùng đều tu mỗi thứ tám vạn năm. Này thiện nam tử ! Ông muốn biết Thánh Vương Thiện Kiến bấy giờ ? Chính là thân ta đó. Vậy nên ta nay thường ưa vận dụng bốn pháp như vậy. Bốn pháp này gọi là Tam muội. Do nghĩa này nên thân Như Lai Thường Lạc Ngã Tịnh. Này thiện nam tử ! Do nhân duyên này nên hôm nay ta đến tại vùng Ta La song thọ của thành Câu Thi Na này mà Tam muội chánh thọ. Này thiện nam tử ! Ta nhớ thuở xa xưa qua vô lượng kiếp, thành này bấy giờ tên là Ca Tỳ La Vệ. Thành ấy có vị vua tên là Bạch Phạn. Phu nhân của vua ấy tên là Ma Gia. Nhà vua có một người con tên là Tất Ðạt Ða. Lúc bấy giờ, vị vương tử chẳng do thầy dạy, tự nhiên suy nghĩ mà được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, có hai vị đệ tử, một tên là Xá Lợi Phất, hai tên là Mục Kiền Liên và người đệ tử hầu hạ tên là A Nan. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại vùng Song Thọ diễn nói kinh Ðại Niết Bàn như vậy. Ta khi đó ở tại pháp hội được dự việc ấy, nghe nói các chúng sinh đều có Phật tính. Nghe điều này rồi, ta liền đối với Bồ Ðề được Bất Thoái Chuyển, liền tự phát nguyện rằng : “Nguyện vào đời vị lai, khi thành Phật thì cha mẹ, đất nước, tên họ, đệ tử, người thị giả, nói pháp, giáo hóa.... đều như đức Thế Tôn hôm nay, không có khác. Do nhân duyên này nên hôm nay ta đến tại đây tuyên dương diễn nói kinh Ðại Niết Bàn !

            Này thiện nam tử ! Khi ta mới xuất gia chưa được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, vua Tần Bà Ta La sai sứ đến nói rằng : “Thưa thái tử Tất Ðạt ! Nếu ngài làm Thánh vương thì tôi sẽ là thần thuộc ! Nếu ngài chẳng ưa ngôi vua, xuất gia được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì nguyện xin ngài đi đến thành Vương Xá này trước để nói pháp độ người, thọ sự cúng dường của tôi !” Ta mặc nhiên nhận lời mời của vị vua đó.

            Này thiện nam tử ! Khi ta mới được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, ta đã hướng về nước Kiệt Xà thì ở dòng sông Y Liên Thiền, có vị Bà la môn dòng họ Ca Diếp cùng với năm trăm đệ tử sống tại cạnh dòng sông đó, cầu đạo Vô Thượng. Ta vì người này nên đến nói pháp. Ông Ca Diếp nói rằng : “Này ông Cù Ðàm ! Ta nay tuổi đã hơn một trăm hai mươi. Nhân dân trong nước Ma Dà Ðà và đại vương Tần Bà Ta La của nước ấy đều cho là ta đã chứng quả La Hán. Ta nay nếu ở trước ông thính thọ pháp thì tất cả nhân dân, hoặc sinh lòng điên đảo nghĩ rằng : “Ðại đức Ca Diếp chẳng phải là La Hán sao ?”. Nguyện cầu ông Cù Ðàm mau chóng đi đến chỗ khác ! Nếu nhân dân ở đây quyết định biết công đức của ông Cù Ðàm hơn ta thì chúng ta không được họ cúng dường nữa !” Ta đáp rằng : “Này Ca Diếp ! Nếu ông đối với ta chẳng sinh ra sân hận to lớn nặng nề thì hãy cho ta nghỉ lại một đêm, sáng mai sẽ đi sớm !” Ông Ca Diếp nói rằng : “Này ông Cù Ðàm ! Lòng ta không đối với người khác ái trọng nhau lắm, chỉ vì chỗ ở của ta có một con độc long mà tính khí hung dữ, sợ nguy hại nhau thôi !” Ta nói rằng : “Này Ca Diếp ! Ðộc long độc chẳng gì hơn ba độc mà ta nay đã đoạn trừ thì độc của thế gian ta chẳng sợ gì !” Ông Ca Diếp lại nói rằng : “Nếu ngài có thể chẳng sợ thì hay thay ! Xin mời ngài trụ !” Này thiện nam tử ! Ta vào lúc ấy cố vì ông Ca Diếp thị hiện mười tám sự biến hóa, như trong Kinh đã nói. Bấy giờ ông Ca Diếp và bọn năm trăm quyến thuộc của ông ấy đã thấy nghe thế rồi chứng quả La Hán. Lúc đó, ông Ca Diếp lại có hai người em, một người tên Dà Gia Ca Diếp, hai tên là Na Ðề Ca Diếp. Thầy trò quyến thuộc lại có năm trăm người, cũng đều chứng được quả A la hán. Ðồ chúng của Lục sư trong thành Vương Xá nghe việc này rồi liền đối với ta sinh ra lòng đại ác. Khi ta đến dự sự tín thọ  vua kia thỉnh đến thành Vương Xá, chưa đến trung lộ thì nhà vua cùng với vô lượng trăm ngàn chúng đều đến phụng nghinh. Ta vì họ mói pháp. Nghe pháp rồi thì tám vạn sáu ngàn chư thiên Dục giới phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Mười hai vạn người của vua Tần Bà Ta La đem đi theo đều được quả Tu đà hoàn. Vô lượng chúng sinh thành tựu tâm Nhẫn. Ðã vào thành rồi, ta độ cho ông Xá Lợi Phất, ông Ðại Mục Kiền Liên và hai trăm năm mươi người quyến thuộc họ, khiến cho những người ấy bỏ tấm lòng xưa, xuất gia học đạo. Ta liền trụ ở thành đó, nhận sự cúng dường của nhà vua. Bọn lục sư ngoại đạo cùng nhau tụ tập, đi đến thành Xá Vệ.

            Trong thành đó có một ông trưởng giả tên là Tu Ðạt Ða, vì con đi hỏi vợ nên đến thành Vương Xá. Ðã đến được thành đó rồi, ông ở nhờ nhà của ông trưởng giả San Ðàn Na. Ông trưởng giả này nửa đêm thức dậy bảo các quyến thuộc rằng : “Các ông hãy dậy đi ! Hãy mau chóng cùng nhau trang nghiêm, quét dọn nhà cửa, bày biện đủ đồ ăn ngon lành !” Ông Tu Ðạt nghe rồi liền tự suy nghĩ rằng : “Họ sắp chẳng phải muốn thỉnh vua Ma Dà sao ? Hay là có hội hoan lạc hôn nhân ư ?”. Suy nghĩ vậy rồi liền hỏi rằng : “Thưa đại sĩ ! Ngài muốn thỉnh đức vua nước Ma Dà Ðà, Tần Bà Ta La chăng ? Hay là có hội hoan lạc hôn nhân ư ? Việc gì mà gấp gáp chẳng an đến như vậy ?”. Ông trưởng giả đáp rằng : “Chẳng phải vậy! Thưa cư sĩ ! Ngày mai tôi thỉnh đức Phật, đấng Pháp Vương Vô Thượng !”. Ông trưởng giả Tu Ðạt mới nghe đến danh hiệu Phật thì lông của thân đều dựng đứng, lại liền hỏi rằng : “Sao gọi là Phật ?”. Ông trưởng giả đáp rằng: “Ông chẳng nghe sao ? Ở thành Ca Tỳ La có người con dòng họ Thích, tự là Tất Ðạt Ða, dòng họ Cù Ðàm, cha tên là Bạch Phạn. Vị ấy sinh chưa lâu, thầy tướng xem tướng quyết định ngài sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương, như quả Am La đã ở trong tay. Nếu tâm nguyện ngài chẳng ưa mà bỏ đi xuất gia thì không thầy dạy bảo, tự giác ngộ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, tận diệt tham, sân, si, thường trụ không biến đổi, chẳng sinh, chẳng diệt, không có lo sợ, đối với các chúng sinh lòng ngài bình đẳng, giống như cha mẹ bình đẳng nhìn xem con một, đối với thân tâm sở hữu là tối thắng trong mọi người, tuy hơn tất cả mà không kiêu mạn, bồi đắp tổn hại hai việc lòng ngài không hai, trí tuệ thông đạt đối với pháp không ngăn ngại, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, năm trí Tam muội, đại từ đại bi và ba niệm xứ.... Vậy nên hiệu là Phật. Sáng mai này ngài nhận lời mời của tôi đến đây. Vậy nên vội vội vàng vàng chưa rảnh rổi ngắm nhìn nhau (thăm hỏi nhau)”. Ông Tu Ðạt Ða nói rằng : “Hay thay ! Thưa đại sĩ ! Ðấng gọi là Phật công đức Vô Thượng, nay ở chỗ nào ?”. Ông trưởng giả đáp rằng: “Nay ở tại đại thành Vương Xá này ! Ngài đang trụ ở tinh xá Trúc Lâm Ca Lan Ðà !” Ông Tu Ðạt Ða một lòng nghĩ đến công đức sở hữu của đức Phật, mười lực, bốn vô sở úy, năm trí Tam muội, đại từ đại bi và ba niệm xứ. Khi tác khởi ý niệm này, ông bỗng nhiên thấy ánh sáng lớn. Ánh sáng ấy mạnh mẽ giống như mặt trời trắng, ông liền tìm theo ánh sáng, ra đến dưới cửa thành. Nhờ thần lực của đức Phật nên cửa tự nhiên mở ra. Ðã ra khỏi cửa rồi, trên đường đi có miếu thờ trời, ông Tu Ðạt đi qua lễ bái cung kính thì liền trở lại tối đen, lòng sinh kinh sợ, lại muốn quay trở về chỗ nghỉ. Ở cửa thành đó, có một vị Thiên Thần bảo ông Tu Ðạt rằng : “Ngài nếu đến chỗ của đức Như Lai thì được nhiều thiện lợi !”. Ông Tu Ðạt nói rằng : “Sao gọi là thiện lợi ?”. Vị trời nói rằng : “Này trưởng giả ! Giả sử có người bảo quấn quanh, tuấn mã trăm thớt, hương tượng trăm đầu, xe báu trăm chiếc, đúc vàng làm người số ấy lại cả trăm, nữ nhân đoan chính đeo chuỗi ngọc với mọi báu lấp đầy khoảng trống, cung trạch điện đường thượng diệu, nhà cửa mái hiên chạm khắc hoa văn, chậu vàng đựng gạo bạc, chậu bạc đựng gạo vàng, số ấy mỗi thứ một trăm đem thí cho một người. Cứ như vậy mà đắp đổi thí cho hết cõi Diêm Phù Ðề thì sở đắc công đức chẳng bằng có người phát ý nghĩ một bước đi đến chỗ đức Như Lai !” Ông Tu Ðạt Ða nói rằng : “Này thiện nam tử ! Ông là ai vậy ?”. Vị trời đáp rằng : “Này trưởng giả ! Ta là con của Bà la môn Thắng Tướng, là thiện tri thức của ông thuở xưa. Ta nhân ngày trước gặp được ngài Xá Lợi Phất và Ðại Mục Kiền Liên, lòng sinh ra vui mừng nên khi xả thân được làm con của vua trời Tỳ Sa Môn, chuyên coi việc thủ hộ thành Vương Xá này. Ta nhân lễ bái ngài Xá Lợi Phất.v.v... sinh lòng vui mừng mà còn được thân diệu hảo như vậy, huống là sẽ được diện kiến đức đại sư Như Lai để lễ bái cúng dường !”. Ông trưởng giả Tu Ðạt nghe việc này rồi liền quay trở lại đường đi đến chỗ của ta. Ðến nơi rồi, ông ấy đầu mặt kính lễ dưới chân ta, ta liền vì ông mà nói pháp. Ông trưởng giả nghe rồi được quả Tu đà hoàn, đã được quả chứng, lại thỉnh ta rằng : “Ðức Như Lai đại từ ! Nguyện xin ngài đoái hoài đến thành Xá Vệ thọ nhận sự cúng dường nhỏ nhoi của con!”. Ta liền hỏi rằng : “Thành Xá Vệ của ông, vã có tinh xá dung thọ được nhau chăng ?”. Ông Tu Ðạt Ða đáp rằng : “Nếu đức Phật thương xót quyết định rũ lòng đoái hoài đến thì con sẽ tự hết sức kiến tạo thành lập”. Vào thời bấy giờ, ta mặc nhiên thọ thỉnh (nhận lời mời). Ông Tu Ðạt trưởng giả đã được hứa rồi liền bạch với ta rằng : “Con từ xưa đến nay chưa làm việc ấy ! Nguyện xin đức Như Lai sai ngài Xá Lợi Phất  chỉ dẫn, trao đổi nghi thức, phép tắc cho con !” Ta liền giao phó lệnh bảo ông Xá Lợi Phất đi giúp đỡ xây dựng. Ông Xá Lợi Phất cùng ông Tu Ðạt Ða ngồi chung một xe, đi đến thành Xá Vệ. Nhờ thần lực của ta nên trải qua một ngày đêm đã đến nơi, ông Tu Ðạt Ða bạch ông Xá Lợi Phất rằng : “Thưa đại đức ! Ở bên ngoài thành này, chỗ nào có đất chẳng gần, chẳng xa lắm suối nhiều ao, có rừng cây đẹp, hoa quả xum suê, thanh tịnh, nhàn nhã, khoáng đãng thì tôi sẽ trong đó vì đức Phật Thế Tôn và Tỳ kheo Tăng mà tạo lập tinh xá ?”. Ngài Xá Lợi Phất nói rằng : “Có vườn cây ông Kỳ Ðà là chẳng gần, chẳng xa, thanh tịnh, tịch mịch, có nhiều dòng suối, cây cối, hoa trái theo mùa mà có. Chỗ này tối thắng có thể tạo lập tinh xá !”. Ông Tu Ðạt Ða nghe lời nói này rồi liền đến chỗ của ông trưởng giả Kỳ Ðà, nói với ông Kỳ Ðà rằng : “Tôi nay muốn vì đấng Pháp Vương Vô Thượng tạo lập tăng phường mà chỉ khu đất vườn của ngài là có thể tạo lập được. Tôi nay muốn mua, ngài có thể cho mua không ?”. Ông Kỳ Ðà đáp rằng : “Giả sử ông dùng vàng trải khắp đất ấy ta còn chẳng cho nhau !”. Ông Tu Ðạt Ða nói rằng : “Hay thay! Thưa ngài Kỳ Ðà ! Ðất rừng thuộc về tôi, còn ngài thì nhận lấy vàng”. Ông Kỳ Ðà đáp rằng : “Vườn ta chẳng bán thì làm sao nhận lấy vàng?”. Ông Tu Ðạt Ða nói rằng : “Nếu ý ngài chẳng rõ thì chúng ta sẽ đi chung đến chỗ của người quyết đoán việc (phân xử) !”. Hai ông trưởng giả liền cùng chung đi đến, người phân xử nói rằng : “Vườn thuộc về ông Tu Ðạt, ông Kỳ Ðà nhận lấy vàng !”. Ông trưởng giả Tu Ðạt tức thời sai người, xe ngựa chở, vát theo gom lại, rồi trải ra đất, trong một ngày mà chỉ còn năm trăm bước là vàng chưa cùng khắp. Ông Kỳ Ðà nói rằng : “Thưa trưởng giả ! Nếu ngài hối hận thì tùy ý, ngài được dừng lại !”. Ông Tu Ðạt nói rằng : “Tôi chẳng hối hận ! Ðang tự suy nghĩ  sẽ xuất kho nào cho đủ vàng đây ?”. Ông Kỳ Ðà nghĩ rằng:”.Ðấng Như Lai Pháp Vương chân thật là vô thượng ! Lời nói diệu pháp của ngài thanh tịnh vô nhiễm nên đã khiến cho người ấy khinh của báu đến vậy !”, nên liền nói với ông Tu Ðạt rằng : “Chỗ còn chưa khắp, ngài chẳng cần lấy vàng nữa ! Mời ngài nhận lấy đất ! Tôi tự vì đức Phật tạo lập môn lâu (cửa có lầu) luôn khiến cho đức Như Lai đi qua cửa ấy mà vào, ra !”. Ông trưởng giả Kỳ Ðà tự tạo lập môn lâu. Ông trưởng giả Tu Ðạt thì trong bảy ngày, thành lập phòng lớn đủ ba trăm gian, thiền phường, chỗ vắng lặng, sáu mươi ba chỗ, nhà nghỉ đông, điện đường mùa hạ mỗi mỗi đều khác biệt, chỗ nấu ăn, nhà tắm, nơi rửa chân, nhà xí (chỗ tiểu tiện) đại tiểu tiện... không gì chẳng đầy đủ. Xây dựng xong rồi, ông liền bưng lư hương, hướng về thành Vương Xá, từ xa nói lên rằng : “Việc xây dựng đã xong rồi, con nguyện xin đức Như Lai từ ai lân mẫn vì các chúng sinh thọ nhận trú xứ này !”. Ta huyền diệu biết được lòng của ông trưởng giả này nên liền cùng với đại chúng bắt đầu đi khỏi thành Vương Xá, ví như khoảnh khắc người tráng sĩ co duỗi cánh tay, thì chúng ta đã đến tinh xá của Tu Ðạt trong vườn cây của ông Kỳ Ðà ở tại thành Xá Vệ. Khi ta đã đến rồi thì ông Tu Ðạt trưởng giả đem cơ sở xây dựng ấy dâng cho ta. Khi ta nhận rồi liền ở luôn trong tinh xá ấy.

 KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN

- Quyển thứ hai mươi bảy hết -

--- o0o ---


Xem dưới dạng văn bản thuần túy