× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Niết Bàn



Quyển thứ 26: Phẩm thứ 23: Bồ Tát Sư tử hống (1)

    Phần thứ II. - Này thiện nam tử ! Lại có mắt thấy, các đức Phật Như Lai và Bồ tát Thập Trụ mắt thấy Phật tính. Lại có nghe thấy, tất cả chúng sinh cho đến Bồ tát Cữu Ðịa nghe thấy Phật tính. Bồ tát nếu nghe tất cả chúng sinh đều có Phật tính mà lòng chẳng sinh ra niềm vui thì chẳng gọi là nghe thấy.

            Này thiện nam tử ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn thấy Như Lai thì cần phải tu tập mười hai bộ Kinh, thọ trì, đọc tụng, sao chép, giải nói.

            Ðại Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Tất cả chúng sinh chẳng thể được biết tâm tướng của Như Lai thì phải quan sát thế nào mà được biết vậy ?

            - Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh thật chẳng thể biết tâm tướng của Như Lai ! Nếu muốn quan sát mà được biết thì có hai nhân duyên, một là mắt thấy, hai là nghe thấy. Nếu thấy thân nghiệp sở hữu của Như Lai thì phải biết chính đó là Như Lai. Ðó gọi là mắt thấy. Nếu quan sát khẩu nghiệp sở hữu của Như Lai thì phải biết chính đó là Như Lai. Ðó gọi là nghe thấy. Nếu thấy sắc mạo không cùng ngang bằng với tất cả chúng sinh thì phải biết chính đó là Như Lai. Ðó gọi là mắt thấy. Nếu nghe âm thanh vi diệu tối thắng chẳng đồng với âm thanh sở hữu của chúng sinh thì phải biết đó là Như Lai. Ðó gọi là nghe thấy. Nếu thấy thần thông sở tác của Như Lai là vì chúng sinh hay vì lợi dưỡng. Nếu vì chúng sinh chẳng vì lợi dưỡng thì phải biết chính đó là Như Lai. Ðó gọi là mắt thấy. Nếu khi quan sát Như Lai dùng trí Tha Tâm quan sát chúng sinh là để vì lợi dưỡng hay vì chúng sinh nói pháp. Nếu vì chúng sinh, chẳng vì lợi dưỡng thì phải biết chính là Như Lai. Ðó gọi là nghe thấy. Nếu quan sát sao gọi là Như Lai mà thọ thân này ? Vì sao thọ thân ? Vì ai thọ thân ? Ðó gọi là mắt thấy. Nếu quan sát Như Lai, sao gọi là nói pháp ? Vì sao nói pháp ? Vì ai nói pháp ? Ðó gọi là nghe thấy. Dùng nghiệp ác thân gia hại mà chẳng sân hận thì phải biết đó là Như Lai. Ðó gọi là mắt thấy. Dùng nghiệp ác miệng gia hại mà chẳng sân hận thì phải biết đó là Như Lai. Ðó gọi là nghe thấy. Nếu thấy khi Bồ tát mới sinh, ở mười phương diện đều đi bảy bước, đại tướng quỉ thần Ma Ni Bạt Ðà, Phú Na Bạt Nan Ðà cầm tràng phan, bảo cái, chấn động vô lượng vô biên thế giới, ánh sáng vàng chói sáng cùng khắp trong hư không. Vua rồng Nan Ðà và Bạt Nan Ðà dùng sức thần thông tắm rửa thân Bồ tát, hình tượng chư thiên nghênh đón, lễ bái, tiên A Từ Ðà chắp tay cung kính, tuổi trẻ bỏ dục như nhổ bỏ nước bọt, chẳng bị sự mê hoặc của thế lạc, xuất gia tu đạo, ưa thích nhàn tịch, vì phá tà kiến nên sáu năm khổ hạnh, đối với các chúng sinh bình đẳng không hai, lòng thường ở tại định, trước không tán loạn, tướng tốt nghiêm lệ, trang sức thân mình, chỗ ngồi đi qua gò đống đều bằng phẳng, y phục rời thân bốn tấc chẳng rơi, khi đi nhìn thẳng, chẳng quay nhìn trái, phải, vật ngài đã ăn là vật        , chỗ ngồi đứng dậy cỏ chẳng động chẳng rối, vì điều phục chúng sinh nên đến nói pháp mà lòng không kiêu mạn... Ðó gọi là mắt thấy. Nếu nghe Bồ tát đi bảy bước đã xướng lên rằng : “Thân này của ta hôm nay là biên sau cùng”. Nghe tiên A Tư Ðà chắp tay nói rằng : “Ðại vương phải biết, thái tử Tất Ðạt nhất định được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, nhất định chẳng ở nhà làm Chuyển Luân Vương ! Vì sao vậy ? Vì tướng sáng tỏ, còn tướng của Chuyển Luân Thánh Vương chẳng sáng tỏ. Thân tướng của thái tử Tất Ðạt sáng tỏ. Vậy nên nhất định được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Nghe Bồ tát thấy lão, bệnh, tử nói rằng : “Tất cả chúng sinh rất đáng thương xót ! Họ thường cùng với sanh, già, bệnh, chết như vậy chung đuổi theo nhau mà chẳng thể quan sát ! Họ thường đi với khổ, ta sẽ đoạn trừ !” Từ tiên nhân ngũ thông A La La thọ Vô tưởng định, sau khi đã thành tựu rồi thì nói rằng: “Ðịnh ấy chẳng phải !” Từ tiên nhân Uất Ðà thọ phi hữu tưởng phi vô tưởng định, khi đã thành tựu rồi thì nói rằng : “Chẳng phải Niết Bàn mà là pháp sinh tử !” Tu sáu năm khổ hạnh không có sự thu hoạch, liền nói rằng : “Tu hạnh khổ này rỗng không không sở đắc. Nếu là thật thì ta nên được. Nhưng do hư vọng nên ta không sở đắc. Ðó gọi là tà thuật, chẳng phải chánh đạo vậy”. Bồ tát đã thành đạo rồi, Phạm thiên khuyến thỉnh : “Nguyện xin đức Như Lai vì chúng sinh mở rộng cam lộ, nói pháp Vô Thượng”. Ðức Phật nói rằng : “Này Phạm vương ! Tất cả chúng sinh thường bị sự ngăn che của phiền não, chẳng thể thọ lời nói chánh pháp của ta !” Phạm vương lại lại nói rằng : “Thưa đức Thế Tôn ! Tất cả chúng sinh thường có ba loại là lợi căn, trung căn, độn căn. Hạng lợi căn có thể thọ, nguyện xin ngài vì họ diễn nói !” Ðức Phật dạy rằng : “Này Phạm vương ! Hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Ta nay sẽ vì tất cả chúng sinh mở cửa cam lồ”. Phật liền ở nước Ba La Nại, chuyển bánh xe chánh pháp, tuyên nói trung đạo. Tất cả chúng sinh chẳng phải phá các kết, chẳng phải chẳng thể phá. Chẳng phải phá, chẳng phải chẳng phá nên gọi là Trung đạo. Chẳng độ chúng sinh, chẳng phải chẳng độ thì đó gọi là Trung đạo. Chẳng phải tất cả thành, cũng chẳng phải chẳng thành thì đó gọi là Trung đạo. Phàm có lời nói mà chẳng tự nói rằng thầy, chẳng nói rằng đệ tử thì đó gọi là Trung đạo. Nói chẳng vì lợi mà chẳng phải chẳng được quả thì đó gọi là Trung đạo. Chánh ngữ, Thật ngữ, Thời ngữ, Chân ngữ, nói chẳng phát ra trống rỗng mà vi diệu đệ nhất... Những pháp như vậy thì gọi là nghe thấy. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn thấy Như Lai thì nên phải nương vào hai thứ nhân duyên này !

            Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Sư Tử Hống bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như trước ngài đã nói, quả Am La dụ cho bốn thứ người.v.v... Có người hành động tinh tế mà lòng chẳng chính thật, có người lòng tinh tế mà hành động chẳng chánh thật; có người lòng tinh tế mà hành động cũng chánh thật, có người lòng chẳng tinh tế mà hành động cũng chẳng chánh thật. Hai thứ người đầu này làm sao có thể biết ? Như lời đức Phật nói, chỉ nương vào hai thứ nhân duyên đó chẳng thể được biết.

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Quả Am La dụ cho hai thứ người.v.v... thì thật khó có thể biết. Do khó biết nên trong Kinh ta nói rằng, phải cùng cộng trụ. Nếu trụ mà chẳng biết thì phải cùng ở lâu. Ở lâu mà chẳng biết thì phải dùng trí tuệ. Trí tuệ mà chẳng biết thì phải quan sát sâu. Do quan sát sâu nên biết kẻ trì giới và người phá giới. Này thiện nam tử ! Ðủ bốn việc này : Cộng trụ, ở lâu, trí tuệ, quan sát, nhiên hậu được biết trì giới hay phá giới. Này thiện nam tử ! Giới có hai thứ, người trì cũng có hai thứ, một là cứu cánh, hai là chẳng cứu cánh. Có người do nhân duyên nên thọ trì cấm giới. Người trí phải quan sát, người này trì giới là vì lợi dưỡng hay là cứu cánh trì? Này thiện nam tử ! Giới cấm của Như Lai thì không có nhân duyên. Vậy nên được gọi là cứu cánh giới. Do nghĩa này nên Bồ tát tuy bị sự tổn hại của các chúng sinh ác nhưng sinh ra sân si. Vậy nên Như Lai được gọi là thành tựu trì giới rốt cùng, trì giới cứu cánh. Này thiện nam tử ! Một thuở trước đây, ông Xá Lợi Phất và năm trăm đệ tử đều chung dừng trụ ở đại thành Chiêm Bà của nước Ma Dà Ðà, có người thợ săn truy đuổi một con bồ câu. Con bồ câu này kinh sợ đến núp bóng ông Xá Lợi Phất mà còn run lẩy bẩy như cây chuối. Nó đến núp trong bóng của ta thì thân tâm yên ổn, nỗi kinh sợ được trừ khỏi. Vậy nên phải biết rằng, Như Lai Thế Tôn rốt ráo trì giới, thậm chí bóng của thân còn có sức lực này. Này thiện nam tử ! Chẳng cứu cánh giới còn chẳng thể được Thanh Văn, Duyên Giác, huống gì là có thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại có hai thứ, một là vì lợi dưỡng, hai là vì chánh pháp. Vì lợi dưỡng nên thọ trì cấm giới thì phải biết giới này chẳng thấy Phật tính và cả Như Lai. Tuy chỉ nghe danh Phật tính và Như Lai thôi mà còn chẳng được danh để nghe thấy. Nếu vì chánh pháp thọ trì cấm giới thì phải biết giới này có thể thấy Phật tính và cả Như Lai. Ðó gọi mắt thấy, cũng gọi là nghe thấy. Lại có hai thứ, một là rễ sâu khó nhổ, hai là rễ cạn dễ lay (động). Nếu có thể tu tập Không, Vô tướng, Vô nguyện thì đó gọi là rễ sâu khó nhổ. Nếu chẳng tu tập ba tam muội này thì tuy lại tu tập vì hai mươi lăm cõi hữu thì đó gọi là rễ cạn dễ lay. Lại có hai thứ, một là vì tự thân, hai là vì chúng sinh. Vì chúng sinh thì có thể thấy Phật tính và cả Như Lai. Người trì giới lại có hai thứ, một là tính tự có thể trì, hai là cần sự dạy bảo của người khác. Nếu thọ giới rồi mà trải qua vô lượng đời, ban đầu chẳng lỗi lầm gì, rồi hoặc  gặp đất nước ác, gặp ác tri thức, lúc ác, đời ác, nghe pháp tà ác, ở chung với tà kiến... Bấy giờ tuy không thọ giới pháp, vẫn tu trì như cũ, không có sự hủy phạm. Ðó gọi là tính tự có thể trì. Nếu gặp sư tăng, bạch bốn yết ma, rồi nhiên hậu được giới. Tuy được giới rồi nhưng cần nhờ cậy Hòa Thượng, các thầy, bạn lành đồng học dạy bảo dỗ dành mới biết tấn chỉ (tiến dừng), nghe pháp, nói pháp để hoàn bị các oai nghi. Ðó gọi là cần sự dạy bảo của người khác. Này thiện nam tử ! Tính có thể trì là mắt thấy Phật tính và cả Như Lai, cũng gọi là nghe thấy. Giới lại có hai, một là Thanh Văn giới, hai là Bồ tát giới. Từ lúc mới phát tâm cho đến khi được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðó gọi là Bồ tát giới. Như từ quan sát xương trắng cho đến chứng được quả A la hán. Ðó gọi là Thanh Văn giới. Nếu có người thọ trì Thanh Văn giới thì phải biết người đó chẳng thấy Phật tính và cả Như Lai. Nếu có người thọ trì Bồ tát giới thì phải biết người đó sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, có thể thấy Phật tính, Như Lai, Niết Bàn !

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì mà thọ trì cấm giới ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Vì lòng chẳng hối vậy ! Vì sao chẳng hối ? Vì thọ lạc vậy ! Vì sao thọ lạc ? Vì viễn ly (xa lìa) vậy ! Vì sao viễn ly ? Vì yên ổn vậy ! Vì sao yên ổn ? Vì Thiền định vậy ! Vì sao Thiền định ? Vì tri kiến chân thật vậy ! Vì sao vì tri kiến chân thật ? Vì thấy những tội lỗi hoạn nạn của sinh tử ! Vì sao vì thấy lỗi hoạn của sinh tử ? Vì lòng chẳng tham trước ! Vì sao vì lòng chẳng tham trước ? Vì được giải thoát ! Vì sao vì được giải thoát ? Vì được Vô Thượng Ðại Niết Bàn ! Vì sao vì được Ðại Niết Bàn? Vì được pháp Thường Lạc Ngã Tịnh. Vì sao vì được Thường Lạc Ngã Tịnh ? Vì được chẳng sinh, chẳng diệt. Vì sao vì được chẳng sinh chẳng diệt? Vì thấy Phật tính ! Vậy nên tính Bồ tát tự có thể trì cứu cánh tịnh giới. Này thiện nam tử ! Tỳ kheo trì giới tuy chẳng phát nguyện cầu lòng chẳng hối, nhưng lòng chẳng hối tự nhiên mà được. Vì sao vậy ? Vì pháp tính vậy nên tuy Tỳ kheo trì giới chẳng cầu lạc, viễn ly, yên ổn, thiền định, thật tri kiến, thấy lỗi hoạn sinh tử, lòng chẳng tham trước, giải thoát, Niết Bàn, Thường Lạc Ngã Tịnh, chẳng sinh chẳng diệt, thấy Phật tính mà tự nhiên được. Vì sao vậy ? Vì pháp tính vậy.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu nhân trì giới được quả bất hối (chẳng hối hận), nhân giải thoát được quả Niết Bàn thì Giới không có nhân, Niết Bàn không có quả. Giới nếu không nhân thì gọi là Thường. Niết Bàn không có nhân thì chính là Vô thường. Nếu vậy thì Niết Bàn là vốn không nay có. Nếu là vốn không nay có thì chính là vô thường, giống như thắp đèn. Niết Bàn nếu vậy thì làm sao được gọi là Ngã Lạc Tịnh vậy ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Hay thay ! Hay thay ! Ông đã từng ở vô lượng chỗ Phật, gieo trồng căn lành, mới có thể hỏi Như Lai nghĩa lý sâu như vậy! Này thiện nam tử ! Ông chẳng mất ý niệm xưa mới hỏi được như vậy ! Ta nhớ thuở xa xưa, qua vô lượng kiếp, tại thành Ba La Nại, có đức Phật ra đời hiệu là Thiện Ðắc. Bấy giờ, trong ba ức năm, đức Phật đó diễn nói Kinh Ðại Niết Bàn như vậy. Ta cùng với ông đều ở tại pháp hội đó, ta đã vì việc này mà hỏi han đức Phật đó. Bấy giờ đức Như Lai vì chúng sinh nên chánh thọ tam muội, chưa giải đáp nghĩa này. Hay thay ! Này Ðại sĩ ! Ông mới có thể nhớ nghĩ việc cũ như vậy ! Ông hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Ta sẽ vì ông diễn nói ! Giới cũng có nhân gọi là nghe chánh pháp. Nghe chánh pháp là cũng có nhân gọi là gần bạn lành. Gần bạn lành thì cũng có nhân gọi là tín tâm. Có tín tâm thì cũng có nhân. Nhân có hai thứ, một là nghe pháp, hai suy nghĩ nghĩa. Này thiện nam tử ! Tín tâm là nhân đối với thính pháp. Thính pháp là nhân đối với tín tâm. Hai pháp như vậy cũng là nhân mà cũng là nhân của nhân, cũng là quả mà cũng là quả của quả. Này thiện nam tử ! Ví như bọn ni càn đứng nâng đỡ cái bình, vì nhân quả đắp đổi họ chẳng được lìa nhau. Này thiện nam tử ! Như vô minh duyên hành, hành duyên vô minh. Vô minh, hành này cũng là nhân mà  cũng là nhân của nhân. Chúng cũng là quả mà cũng là quả của quả... cho đến sinh duyên lão tử, lão tử duyên sinh. Sinh, Lão tử này cũng là nhân mà cũng là nhân của nhân. Chúng cũng là quả mà cũng là quả của quả. Này thiện nam tử ! Sinh có thể sinh ra pháp nhưng chẳng thể tự sinh. Chẳng tự sinh nên do sinh mà sinh ra sinh. Sinh ra sinh chẳng tự sinh mà nhờ sinh nên sinh. Vậy nên hai sinh cũng là nhân mà cũng là nhân của nhân. Chúng cũng là quả mà cũng là quả của quả. Này thiện nam tử ! Tín tâm và thính pháp cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Quả này chẳng phải là nhân, gọi là Ðại Niết Bàn thì vì sao gọi là quả ? Là Thượng quả ? Quả của Sa môn ? Quả của Bà la môn ? Ðoạn trừ sinh tử, phá tan phiền não, vậy nên gọi là quả. Bị sự quở trách của các phiền não, vậy nên Niết Bàn gọi là quả. Phiền não thì gọi là tội lỗi của tội lỗi. Này thiện nam tử ! Niết Bàn không nhân mà thể chính là quả. Vì sao vậy ? Vì không sinh diệt, không sở tác, chẳng phải hữu vi, chính là vô vi, thường trụ bất biến, không xứ sở, không chung thỉ. Này thiện nam tử ! Nếu Niết Bàn có nhân thì chẳng được xưng là Niết Bàn. Bàn là nói nhân. Bát Niết là nói Không. Không có nhân nên xưng là Niết Bàn.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Như lời đức Phật nói, Niết Bàn không nhân thì nghĩa này chẳng vậy ! Nếu nói rằng không thì phải hợp sáu nghĩa. Một là rốt ráo không nên gọi đó là không, như tất cả pháp không ngã, không ngã sở. Hai là có lúc không nên gọi đó là không, như người đời nói rằng, sông ao không nước, không có mặt trời, mặt trăng. Ba là ít nên gọi đó là không, như người đời nói rằng, trong đồ ăn ít mặn nên gọi là không mặn, nước uống ít ngọt nên gọi là không ngọt. Bốn là không thọ nhận nên gọi đó là không, như Chiên đà la chẳng thể thọ trì pháp của Bà la môn nên gọi là Không Bà la môn. Năm là thọ pháp ác nên gọi đó là không, như người đời nói rằng, người thọ pháp ác thì chẳng gọi là Sa môn, Bà la môn. Vậy nên gọi là không có Sa môn và Bà la môn. Sáu là chẳng đối nên gọi đó là không. Ví như không trắng thì gọi đó là đen, không có sáng nên gọi đó là vô minh. Thưa đức Thế Tôn ! Niết Bàn cũng vậy, có lúc không nhân nên gọi là Niết Bàn.

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Nay ông đã nói sáu nghĩa như vậy, vì sao ông chẳng dẫn rốt ráo không để dụ cho Niết Bàn mà chọn lấy “có lúc không” vậy ? Này thiện nam tử ! Thể của Niết Bàn là rốt ráo không nhân giống như không ngã và không ngã sở. Này thiện nam tử ! Thế pháp và Niết Bàn nhất định chẳng đối nhau. Vậy nên sáu việc chẳng được làm ví dụ. Này thiện nam tử ! Tất cả các pháp đều không có ngã mà Niết Bàn này chân thật có Ngã. Do nghĩa này nên Niết Bàn không nhân mà thể chính là quả. Nhân này chẳng phải quả mà gọi là Phật tính. Chẳng phải nhân sinh ra nên nhân này chẳng phải quả. Chẳng phải quả của Sa môn nên gọi là chẳng phải quả. Vì sao gọi là nhân ? Vì do rõ nhân vậy ! Này thiện nam tử! Nhân có hai thứ, một là sinh nhân, hai là liễu nhân. Có thể sinh ra pháp thì gọi là sinh nhân. Ðèn có thể làm rõ vật nên gọi là Liễu nhân. Các kết phiền não gọi là nhân sinh, cha mẹ chúng sinh gọi là Liễu nhân. Như hạt lúa gọi là sinh nhân, đất nước, phân.v.v... thì gọi là liễu nhân. Lại có sinh nhân là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của sáu Ba la mật. Lại có liễu nhân là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của Phật tính. Lai có Liễu nhân là Phật tính của sáu ba la mật. Lại có sinh nhân là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của Thủ Lăng Nghiêm tam muội. Lại có Liễu nhân là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của tám Chánh đạo. Lại có sinh nhân là sáu Ba la mật của tín tâm.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, thấy đối với Như Lai và cả Phật tính là nghĩa làm sao ? Thưa đức Thế Tôn ! Thân Như Lai không có tướng mạo, chẳng phải dài, chẳng phải ngắn, chẳng phải trắng, chẳng phải đen, không có địa phương, xứ sở, chẳng ở tại ba cõi, chẳng phải tướng hữu vi, chẳng phải sự nhận biết của nhãn thức thì làm sao có thể thấy Phật tính vậy ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Thân Phật có hai thứ, một là Thường, hai là Vô Thường. Thân vô thường là vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh nên phương tiện thị hiện. Ðó gọi là thân mắt thấy. Thân thường là thân giải thoát của Như Lai Thế Tôn, cũng gọi là thân mắt thấy, cũng gọi là thân nghe thấy. Phật tính cũng có hai, một là có thể thấy, hai là chẳng thể thấy. Có thể thấy là Bồ tát Thập Trụ, các đức Phật Thế Tôn. Chẳng thể thấy là tất cả chúng sinh. Mắt thấy là gọi mắt của Bồ tát Thập Trụ, các đức Phật Như Lai Phật tính sở hữu của chúng sinh. Nghe thấy là tất cả chúng sinh, Bồ tát Cữu Trụ nghe có Phật tính. Thân Như Lai lại có hai, một là sắc, hai là chẳng phải sắc. Sắc là Như Lai Giải thoát. Chẳng phải sắc là Như Lai vĩnh viễn đoạn trừ các sắc tướng. Phật tính có hai thứ, một là sắc, hai là chẳng phải sắc. Sắc là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Chẳng phải sắc là từ phàm phu cho đến Bồ tát Thập Trụ. Bồ tát Thập Trụ thấy Phật tính chẳng rõ ràng nên gọi là chẳng phải sắc. Này thiện nam tử ! Phật tính lại có hai thứ, một là sắc, hai là chẳng phải sắc. Sắc là gọi Phật, Bồ tát. Chẳng phải sắc là tất cả chúng sinh. Sắc thì gọi là mắt thấy. Chẳng phải sắc thì gọi là nghe thấy. Phật tính thì chẳng phải bên trong, chẳng phải bên ngoài. Tuy chẳng phải bên trong, bên ngoài nhưng Phật tính chẳng phải mất hoại nên gọi là chúng sinh đều có Phật tính.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, tất cả chúng sinh đều có Phật tính như trong sữa có lạc (cao sữa). Phật tính của chư Phật và Kim Cương lực sĩ như Ðề hồ trong sạch thì làm sao đức Như Lai nói rằng, Phật tính chẳng phải bên trong, chẳng phải bên ngoài.

            Ðức Phật dạy rằng :

            -  Này thiện nam tử ! Ta cũng chẳng nói trong sữa có lạc. Lạc từ sữa sinh ra nên nói rằng có lạc (cao sữa).

            - Thưa đức Thế Tôn ! Tất cả pháp sanh đều có thời gian tiết độ ?

            - Này thiện nam tử ! Khi sữa không lạc cũng không sinh ra tô (váng sữa) sống, tô chín và đề hồ thì tất cả chúng sinh cũng gọi là sữa. Vậy nên ta nói rằng, trong sữa không có lạc. Như trong sữa ấy có thì vì sao chẳng được gọi tên hai thứ như người làm được hai thứ thì có thể nói rằng, thợ vàng sắt ? Khi lạc không sữa, tô sống, tô chín và cả đề hồ thì chúng sinh cũng gọi là lạc chẳng phải sữa, tô sống, tô chín và cả đề hồ... cho đến đề hồ cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Nhân có hai thứ, một là chánh nhân, hai là duyên nhân. Chánh nhân là như sữa sinh ra lạc. Duyên nhân là như men, hơi ấm.v.v... từ sữa sinh ra nên nói rằng, trong sữa mà có tính của lạc.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu sữa không có tính của lạc thì trong sừng cũng không. Vì sao lạc chẳng từ trong sừng sinh ra vậy ?

            - Này thiện nam tử ! Sừng cũng sinh ra lạc ! Vì sao vậy ? Vì ta cũng nói rằng, duyên nhân có hai thứ, một là men, hai là hơi ấm. Tính của sừng ấm nên cũng có thể sinh ra lạc !

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu sừng có thể sinh ra lạc thì người cầu lạc vì sao cầu sữa mà chẳng chọn lấy sừng ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Vậy nên ta nói, chánh nhân và duyên nhân.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Nếu giả sử trong sữa vốn không có tính của lạc mà nay mới có thì trong sữa vốn không có cây Am ma la, vì sao nay chẳng sinh ra ? Vì cả hai đều không vậy.

            - Này thiện nam tử ! Sữa cũng có thể sinh ra cây Am ma la, nếu dùng sữa tưới thì trong một đêm, tăng trưởng năm thước. Do nghĩa này nên ta nói có hai nhân. Này thiện nam tử ! Nếu tất cả pháp do một nhân sinh ra thì khó có thể được nói rằng, trong sữa vì sao chẳng thể sinh ra cây Am ma la. Này thiện nam tử ! Giống như “Bốn Ðại” vì tất cả sắc mà tạo tác nhân duyên, nhưng sắc đều khác sai biệt, chẳng đồng. Do nghĩa này nên trong sữa chẳng sinh cây Am ma la.

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói, có hai thứ nhân, chánh nhân và duyên nhân thì chúng sinh và Phật tính là nhân gì đây?

            - Này thiện nam tử ! Chúng sinh và Phật tính cũng có hai thứ nhân, một là chánh nhân, hai là duyên nhân. Chánh nhân là gọi các chúng sinh, duyên nhân là gọi sáu Ba la mật.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Con nay quyết định biết sữa có tính của lạc. Vì sao vậy ? Vì con thấy người cầu sữa ở thế gian chỉ chọn lấy sữa nhất định chẳng chọn lấy nước. Vậy nên phải biết sữa có tính của lạc !

            - Này thiện nam tử ! Như lời ông hỏi thì nghĩa này chẳng đúng ! Vì sao vậy ? Vì ví như có người muốn thấy hình dáng của mặt mình liền chọn lấy lưỡi dao.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Do nghĩa này nên sữa có tính của lạc. Nếu dao không có hình dáng của mặt thì vì sao người ta chọn lấy dao ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Nếu trong dao này nhất định có hình dáng của mặt thì vì sao điên đảo, đựng đứng thì thấy mặt dài ra, để ngang thì thấy mặt rộng bành ra. Nếu là mặt mình thì vì sao thấy dài ? Nếu là mặt người khác thì sao được xưng rằng, đó là hình dáng mặt của mình. Nếu nhân mặt mình thấy mặt khác thì vì sao chẳng thấy hình dáng mặt lừa, mặt ngựa ?

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Ánh sáng của mắt đến mặt đó nên thấy mặt dài !

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Mà ánh sáng mắt này thật ra chẳng đến mặt đó. Vì sao vậy ? Vì gần hay xa đều cùng một lúc nhìn thấy mà chẳng thấy vật sở hữu trung gian. Này thiện nam tử ! Ánh sáng nếu đến mặt đó mà được thấy thì tất cả chúng sinh đều thấy đến lửa thì vì sao lửa chẳng đốt cháy ? Như người từ xa thấy vật trắng chẳng nên sinh nghi là ngỗng trời chăng ? Phướng chăng ? Người chăng ? Cây chăng ? Nếu ánh sáng đến thì làm sao được thấy vật trong thủy tinh, cá và đá trong vực sâu ? Nếu ánh sáng chẳng đến thì vì sao được thấy vật trong thủy tinh mà chẳng được thấy hình sắc ngoài tường vách. Vậy nên nếu nói rằng, ánh sáng của mắt đến mặt đó mà thấy dài ra thì nghĩa này chẳng đúng ! Này thiện nam tử ! Như lời ông nói, sữa có lạc thì vì sao người bán sữa chỉ chọn lấy giá trị của sữa, chẳng kể đến giá trị của lạc. Người buôn bán ngựa chỉ chọn lấy giá trị của ngựa chẳng kể đến giá trị của ngựa con. Này thiện nam tử ! Người thế gian không vợ con nên cưới vợ. Người vợ nếu mang thai chẳng được nói rằng là con gái. Nếu nói rằng, người con gái này có tính con nên cần cưới thì nghĩa này chẳng đúng ! Vì sao vậy ? Vì nếu có tính con thì cũng nên có cháu mà nếu có cháu thì tức là anh em. Vì sao vậy ? Vì một bụng sinh ra vậy. Vậy nên ta nói rằng người con gái không có tính con. Nếu trong sữa ấy có tính lạc (cao sữa) thì vì sao chẳng thấy năm vị cùng một lúc. Nếu trong hạt cây có chất năm trượng của cây Ni câu đà thì vì sao chẳng thấy những hình sắc khác của mầm, thân, cành, lá, hoa, trái ? Này thiện nam tử ! Khi màu sữa khác, vị khác, quả khác... cho đến đề hồ cũng lại như vậy thì làm sao có thể nói sữa có tính lạc ? Này thiện nam tử ! Ví như có người buổi sáng phải dùng tô (ăn váng sữa) nhưng nay đã bị hôi. Nếu nói rằng, trong sữa nhất định có lạc cũng lại như vậy (?). Này thiện nam tử ! Ví như có người có bút giấy mực thì hòa hợp thành ra chữ mà trong giấy này vốn không có chữ. Do vốn không nên mượn duyên mà thành. Nếu vốn có thì sao cần đến các duyên. Ví như xanh, vàng hợp thành duyên sắc. Phải biết rằng, hai cái này vốn không có tính duyên. Nếu chúng vốn có thì đâu cần phải hợp thành ? Này thiện nam tử ! Ví như chúng sinh nhân ăn được thọ mạng mà trong thức ăn này thật không có mạng. Nếu vốn có mạng thì khi chưa ăn, thức ăn nên có mạng này. Này thiện nam tử ! Tất cả các pháp vốn không có tính. Do nghĩa này nên ta nói kệ rằng :

                                    Trước (vốn) không nay có

                                    Trước có nay không

                                    Ba đời hữu pháp

                                    Ðiều này thì không.

            Này thiện nam tử ! Tất cả các pháp do nhân duyên nên sinh, do nhân duyên nên diệt. Này thiện nam tử ! Nếu bên trong chúng sinh có Phật tính thì tất cả chúng sinh nên có thân Phật như ta hôm nay vậy. Phật tính của chúng sinh chẳng phá, chẳng hoại, chẳng điều khiển, chẳng nắm bắt, chẳng trói, chẳng buộc như sở hữu hư không trong chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều có hư không, không ngăn ngại mà đều chẳng tự thấy có hư không này. Nếu giả sử chúng sinh không có hư không thì không đi lại, đi đứng ngồi nằm, chẳng sinh ra, chẳng lớn lên. Do nghĩa này nên trong Kinh ta nói, tất cả chúng sinh có hư không giới. Hư không giới thì gọi là hư không. Phật tính của chúng sinh cũng lại như vậy. Bồ tát Thập Trụ có thể thấy ít Phật tính đó như viên ngọc Kim Cương. Này thiện nam tử ! Phật tính của chúng sinh là cảnh giới của chư Phật, chẳng phải là sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác. Tất cả chúng sinh chẳng thấy Phật tính. Vậy nên họ thường bị sự trói buộc của phiền não nên lưu chuyển trong sinh tử. Thấy được Phật tính rồi thì các kết phiền não đã chẳng thể trói buộc, giải thoát khỏi sinh tử, được Ðại Niết Bàn.

         


Xem dưới dạng văn bản thuần túy