PHẦN XIX/1.
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp rằng :
- Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cần phải đối với kinh Ðại Bát Niết Bàn này, chuyên tâm suy nghĩ về năm thứ hạnh. Những gì là năm ? Một là Thánh hạnh, hai là Phạm hạnh, ba là Thiên hạnh, bốn là Anh nhi hạnh (hạnh trẻ con), năm là Bệnh hạnh (hạnh người bệnh). Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát thường phải tu tập năm thứ hạnh này. Lại có một hạnh nữa là hạnh Như Lai, đó là Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn. Này Ca Diếp ! Sao gọi là việc tu Thánh hạnh của Ðại Bồ tát ? Ðại Bồ tát hoặc theo Thanh Văn, theo Như Lai, được nghe Kinh Ðại Niết Bàn như vậy mà nghe rồi thì sinh ra lòng tin, tin rồi thì nên làm theo suy nghĩ như vầy : “Các đức Phật Thế Tôn có đạo Vô thượng, có đại chánh pháp, có đại chúng chánh hạnh, lại có Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng. Ta nay vì yêu thích tham cầu Kinh Ðại thừa nên lìa bỏ sự yêu vợ con, quyến thuộc, chỗ ở, nhà cửa, vàng, bạc trân báu, chuỗi ngọc vi diệu, hương hoa, kỹ nhạc, nô bộc, cấp sứ, trai gái lớn nhỏ, voi, ngựa, xe cộ, trâu dê, gà, chó, heo lợn.v.v...” Ðại Bồ tát lại nghĩ rằng : “Gia cư bức bách giống như lao ngục. Tất cả phiền não do đó mà sinh ra. Xuất gia ở nơi nhàn tịnh khoáng đãng giống như hư không. Tất cả thiện pháp nhân đó mà tăng trưởng. Nếu tại gia cư thì chẳng được trọn đời tịnh tu phạm hạnh. Ta nay cần phải cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo !” Họ lại nghĩ rằng : “Ta nay nhất định phải xuất gia tu học đạo Bồ Ðề chân chính Vô thượng”. Khi Bồ tát muốn xuất gia như vậy thì thiên ma Ba Tuần phát sinh đại khổ não, nói rằng : “Bồ tát này lại phải cùng ta dấy cuộc chiến tranh lớn rồi !” Này thiện nam tử ! Bồ tát như vậy thì sao gọi là sẽ lại cùng người chiến tranh ? Lúc đó Bồ tát liền đi đến Tăng phường, nếu thấy Như Lai và đệ tử của Phật uy nghi đầy đủ, các căn tịch tịnh thì lòng Bồ tát ấy nhu hòa, thanh tịnh, tịch diệt, liền đến chỗ ấy mà xuất gia cầu đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y. Ðã xuất gia rồi thì Bồ tát phụng trì cấm giới, oai nghi chẳng khiếm khuyết, tiến lùi an tường, không có sự xúc chạm, thậm chí tội dù nhỏ lòng cũng sinh kinh sợ. Lòng hộ giới giống như Kim cương. Này thiện nam tử ! Ví như có người đeo giữ phao nổi muốn qua biển cả. Bấy giờ, trong biển có một quỉ la sát liền theo người này đòi xin cái phao nổi. Người ấy nghe rồi liền nghĩ rằng : “Ta nay nếu cho thì nhất định chìm chết” nên đáp rằng : “Này La sát ! Người thà giết ta, chớ phao nổi chẳng thể cho được !” La sát lại nói rằng : “Ngươi nếu chẳng thể cho hết thì có thể cho nửa cái phao ấy”. Người đó do dự chẳng chịu cho. La sát lại nói rằng : “Ngươi nếu chẳng thể cho ta một nửa thì nguyện xin cho ta một phần ba”. Người đó chẳng chịu, quỉ La sát lại nói rằng : “Nếu chẳng thể thì cho ta chỗ bằng cánh tay”. Người đó chẳng chịu, La sát lại nói rằng : “Ngươi nay nếu lại chẳng thể cho ta chỗ như cánh tay thì ta nay đói cùng cực, mọi khổ bức bách. Nguyện xin ngươi sẽ cứu giúp ta một chỗ nhỏ như vi trần”. Người đó lại nói rằng : “Sự đòi hỏi của ngươi nay quả thật chẳng nhiều, nhưng hôm nay ta phải đi qua biển mà chẳng biết đường trước gần xa như thế nào ? Nếu ta cho ngươi thì hơi sẽ thoát ra dần, nạn biển cả do đâu được thoát qua, có thể giữa đường chìm xuống nước mà chết”. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát hộ trì cấm giới cũng lại như vậy, như người qua biển kia tiếc giữ cái phao nổi. Khi Bồ tát thủ hộ giới như vậy thường có các ác La sát phiền não nói với Bồ tát rằng : “Ông phải tin ta, nhất định chẳng lừa dối nhau ! Ông chỉ phá bốn trọng cấm, hộ trì những giới còn lại. Do nhân duyên này khiến cho ông yên ổn được vào Niết Bàn”. Bấy giờ, Bồ tát nên nói rằng:“Ta nay thà trì cấm giới như vậy mà vào ngục A Tỳ, nhất định chẳng chịu hủy phạm để mà sinh lên trời !” La sát phiền não lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phá bốn trọng cấm thì có thể phá Tăng tàn ! Do nhân duyên này khiến cho ông yên ổn được vào Niết Bàn !” Bồ tát cũng nên chẳng theo lời nói ấy. La sát lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phạm Tăng tàn thì cũng có thể nên phạm tội Thâu La Già. Do nhân duyên này khiến cho ông yên ổn được vào Niết Bàn !” Bồ tát bấy giờ cũng lại chẳng theo. La sát lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phạm Thâu Lan Già thì có thể phạm xả đọa. Do nhân duyên này ông có thể yên ổn được vào Niết Bàn !” Bồ tát bấy giờ cũng lại chẳng theo, La sát lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phạm xả đọa thì có thể phá Ba Dạ Ðề. Do nhân duyên này khiến ông yên ổn được vào Niết Bàn !” Bồ tát bấy giờ cũng lại chẳng theo, La sát lại nói rằng : “Ông nếu chẳng thể phạm Ba Dạ Ðề thì may mắn có thể hủy phá giới Ðột Cát La. Do nhân duyên này ông có thể được yên ổn vào với Niết Bàn !” Bồ tát bấy giờ, lòng tự nghĩ rằng : “Ta nay nếu phạm tôi Ðột Cát La mà chẳng phát lồ sám hối thì chẳng thể qua bờ kia của sinh tử để mà được Niết Bàn”. Ðại Bồ tát ở trong những giới luật vi tiểu (nhỏ mọn) hộ trì kiên cố, lòng như Kim cương. Ðại Bồ tát hộ trì bốn trọng cấm và Ðột Cát La thì kính trọng, kiên cố, bình đẳng không sai khác. Bồ tát nếu có thể kiên trì như vậy thì tức là đầy đủ năm chi các giới. Ðó là đầy đủ : Bồ tát căn bản nghiệp thanh tịnh giới, tiền hậu quyến thuộc dư thanh tịnh giới, Phi chư ác giác giác thanh tịnh giới, hộ trì chánh niệm niệm thanh tịnh giới, hồi hướng A nậu đa la tam miệu tam Bồ Ðề giới.
Này Ca Diếp ! Ðại Bồ tát này lại có hai thứ giới. Một là Thọ thế giáo giới, hai là được Chánh pháp giới. Bồ tát nếu được Chánh pháp giới thì nhất định chẳng làm ác. Thọ thế giới (giới răn của đời) là bạch bốn Yết-ma, rồi nhiên hậu mới được. Lại nữa, này thiện nam tử ! Có hai thứ giới. Một là Tính trọng giới, hai là giới chấm dứt chê bai hiềm khích của đời. Tính trọng giới là bốn trọng cấm, dứt thế kỵ hiềm giới là chẳng làm những việc buôn bán, khinh trọng, nhỏ lớn, lừa dối... đối với người, nhân thế lực người khác mà lấy tài vật của người, lòng hại trói buộc, phá hoại thành công, thắp sáng mà nằm, ruộng đất gieo trồng, gia nghiệp bày ra. Chẳng nuôi voi, ngựa, xe cộ, trâu dê, lạc đà, lừa, gà, chó, khỉ đột, công (khổng tước) anh vũ, chim cộng mạng và chim câu chỉ la, sài lang, cọp báo, mèo, chồn, heo lợn... và những ác thú khác, đồng nam, đồng nữ, trai lớn, gái lớn, nô tỳ, đồng bộc... Chẳng tích trữ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xa cừ, mã não, san hô, bích ngọc, kha cụ (ngọc kha)... các thứ báu. Chẳng chứa đồng đỏ, bạch lạp, du thạch (hợp kim đồng-kẽm), chén bát, đồ đựng, thảm lông, chiếu lông, áo cắm lông vũ, tất cả lúa gạo, đậu mì lớn nhỏ, gạo tẻ, gạo nếp, mè, đồ ăn sống hay chín... Bồ tát thường thọ một bửa ăn trong ngày, chưa từng ăn lần hai, nếu đi khất thực và ăn trong tăng chúng, Bồ tát thường biết dừng đủ, chẳng nhận lời mời khác, chẳng ăn thịt, chẳng uống rượu, năm vật cay nồng đều chẳng ăn. Vậy nên thân người ấy không có mùi xú uế. Bồ tát thường được sự cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi của chư thiên và tất cả người đời. Ði chân xin mà ăn, nhất định chẳng nhận đồ ăn lâu dài. Việc nhận quần áo chỉ đủ che thân. Tiến, dừng thường cùng ba y bát là đủ nhất định chẳng lìa bỏ như hai cánh chim. Chẳng nuôi căn tử (rễ, con), hành tử (hành :thân thảo), tiếp tử (nối liền), tiếp tử, tử tử (con con) (?), chẳng chứa bảo tàng hoặc vàng, hoặc bạc, đồ ăn, thức uống, nhà bếp, kho lẫm, quần áo, phục sức. Giường lớn cao rộng, giường ngà voi, giường vàng đan xen đủ màu đều chẳng ngồi, nằm. Chẳng chứa tất cả những loại chiếu nằm mềm mại. Chẳng ngồi lên cỏ voi, cỏ ngựa (cỏ của voi ngựa ăn). Chẳng dùng y phục thượng diệu mềm mại để trải giường nằm. Giường nghỉ ngơi ấy chẳng đặt hai gối ? Cũng chẳng nhận chứa gối đỏ diệu hảo, an đặt gối gỗ vàng (huỳnh mộc). Nhất định chẳng nhìn xem đấu voi, đấu ngựa, đấu xe, đấu binh, hoặc nam, hoặc nữ, trâu, dê, gà, trĩ, anh vũ.v.v... đánh nhau. Cũng chẳng cố đến nhìn xem quân trận. Cũng chẳng cố nghe thổi vỏ sò, tù và, đánh trống, đàn cầm, đàn sắt, đàn không hầu, đàn tranh, sáo, tiếng ca xướng kỹ nhạc, trừ khi cúng dường Phật. Trò chơi sư bồ (một trò đánh bạc), cờ vay, ba la tắc, sư tử tượng đấu, cờ đạn, sáu cách đánh bạc, đá cầu, ném đá, quăng túi, dắt đường, tám đường đi thành... Tất cả sự vui chơi đều chẳng nên làm. Nhất định chẳng xem tướng tay, chân, mặt, mắt. Chẳng dùng chân súc vật, gương, cỏ chi, cành liễu, bát chén, đầu lâu mà làm bói quẻ. Cũng chẳng ngước xem hư không tinh tú, trừ khi muốn giải sự hôn thụy (ngủ mê). Chẳng làm sứ mạng qua lại của vương gia, đem đây nói cho đó, đem đó nói cho đây. Nhất định chẳng dua nịnh, tà mạng nuôi sống mình. Cũng chẳng tuyên nói việc vua tôi, đạo tặc, đấu tranh, ăn uống, đất nước đói kém kinh sợ hay giàu thịnh an vui. Này thiện nam tử ! Ðó gọi là giới của Ðại Bồ tát chấm dứt sự chê bai hiềm khích ở đời (Tức thế kỵ hiềm giới). Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát kiên trì giới cấm ngăn chận như vậy cùng tính trọng giới bình đẳng không sai biệt.
Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát thọ trì những cấm giới như vậy rồi thì phát nguyện rằng : “Thà đem thân này gieo vào hầm sâu lửa cháy rực, nhất định chẳng hủy phạm việc chế cấm giới của chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại cùng con gái của sát lợi, bà la môn, cư sĩ.v.v... mà làm việc bất tịnh”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng sắt nóng bó buộc giáp vòng thân thể, nhất định chẳng dám đem thân phá giới mà nhận lấy quần áo của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng miệng này nuốt hòn sắt nóng, nhất định chẳng dám dùng miệng hủy giới mà ăn đồ ăn, thức uống của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà thân này nằm trên sắt rất nóng, nhất định chẳng dám dùng thân phá giới thọ đồ trải giường nằm của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà đem thân này chịu ba trăm giáo nhọn đâm, nhất định chẳng dám đem thân hủy giới mà nhận thuốc chữa bệnh của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà đem thân này gieo vào vạc sắt nóng, nhất định chẳng dám đem thân phá giới nhận phòng xá nhà cửa của đàn việt tín tâm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng chùy sắt đánh nát thân này từ đầu đến chân khiến cho như vi trần, chẳng đem thân phá giới nhận sự cung kính lễ bái của những Sát lợi, Bà la môn, cư sĩ”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng que sắt nóng móc đôi mắt của mình, chẳng dùng nhiễm tâm nhìn sắc đẹp người khác”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng dùi sắt đâm khắp cùng tai, chẳng dùng nhiễm tâm nghe âm thanh hay”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng dao bén cắt bỏ mũi của mình; chẳng dùng nhiễm tâm ham ngữi các mùi thơm”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng dao bén cắt nát lưỡi của mình, chẳng dùng nhiễm tâm tham trước vị ngon”. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát lại phát nguyện này : “Thà dùng búa bén chém đứt thân mình, chẳng dùng nhiễm tâm tham trước những chạm xúc”. Vì sao vậy ? Vì do nhân duyên này có thể khiến cho hành giả đọa vào địa ngục, ngã quỉ, súc sinh. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát hộ trì cấm giới. Ðại Bồ tát hộ trì cấm giới như vậy rồi thì đều đem bố thí cho tất cả chúng sinh. Do nhân duyên này nguyện khiến cho chúng sinh hộ trì cấm giới được giới thanh tịnh, giới thiện, giới chẳng khuyết, giới chẳng chiết (gẩy), giới Ðại Thừa, giới chẳng thoái, giới tùy thuận, giới rốt ráo (tất cảnh) và thành tựu đầy đủ giới Ba la mật. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát khi tu trì giới thanh tịnh như vậy thì liền được trụ ở Bất động địa đầu tiên. Sao gọi là Bất động địa vậy ? Bồ tát trụ trong Bất động địa này thì chẳng động, chẳng đọa, chẳng thoái, chẳng tan. Này thiện nam tử! Ví như núi Tu Di, gió mạnh Tùy Lam chẳng thể làm cho lay động, rơi rớt, thoái, tan. Ðại Bồ tát trụ trong địa này cũng lại như vậy, chẳng bị sự lay động của sắc, thanh, hương, vị, chẳng đọa vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, chẳng thoái lui địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng bị tan theo gió tà kiến khác mà tạo tác tà mạng. Lại nữa, này thiện nam tử ! Chẳng động lại là chẳng bị sự lay động của tham dục, sân nhuế, ngu si. Lại chẳng đọa là chẳng rơi vào bốn trọng cấm. Lại chẳng thoái là chẳng lui lại nhà. Lại chẳng tán là chẳng bị sự tan hoại theo người trái nghịch Kinh điển Ðại Thừa. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng vậy chẳng bị sự khuynh động của các phiền não ma, chẳng bị sự đày đọa của ấm ma... cho đến ngồi ở dưới cây Bồ Ðề Ðạo Tràng, tuy có thiên ma nhưng chẳng thể làm cho Bồ tát ấy thoái lui Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, cũng lại chẳng bị việc làm tan hoại của tử ma (ma chết). Này thiện nam tử ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát tu tập Thánh hạnh. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Thánh hạnh ? Thánh hạnh là sở hạnh của Phật và Bồ tát. Vậy nên gọi là Thánh hạnh. Do những gì mà gọi Phật, Bồ tát là Thánh nhân vậy ? Những người như vậy có pháp Thánh, thường quán các pháp tánh không tịch. Do nghĩa này nên gọi là Thánh nhân. Người đó có giới Thánh nên gọi là Thánh nhân, có định huệ Thánh nên gọi là Thánh nhân. Người đó có bảy của cải Thánh là tín, giới, tàm quí, đa văn, trí tuệ, xả, ly nên gọi là Thánh nhân. Người đó có bảy Thánh giác nên gọi là Thánh nhân. Do nghĩa này nên lại gọi là Thánh hạnh.
Lại nữa, này thiện nam tử ! Hạnh Thánh của Ðại Bồ tát là quan sát thân này từ đầu đến chân, trong ấy chỉ có tóc, lông, móng, răng chẳng sạch cấu bẩn, da, thịt, gân, xương, tỳ, thận, tim, phổi, gan, mật, ruột, bao tử sống chín hai tạng, đại tiểu tiện, nước mũi nước dãi, nước mắt, mỡ, mô não, tủy xương, mũ, máu, sọ não, các mạch. Khi Bồ tát chuyên tâm quán như vậy thì có cái gì là ta ? Ta thuộc cái gì ? Trụ ở chỗ nào ? Cái gì thuộc về ta ? Bồ tát lại nghĩ rằng : “Xương là ta ư ? Lìa khỏi xương là gì vậy ?” Khi Bồ tát trừ khử da thịt, chỉ quán xương trắng thì lại khởi ý niệm này : “Màu xương khác như là màu xanh, vàng, trắng, màu chim câu. Như vậy tướng xương cũng lại chẳng phải là ta. Vì sao vậy ? Vì ta cũng chẳng phải màu xanh, vàng, trắng và cả màu chim câu”. Khi Bồ tát buộc lòng tác khởi sự quan sát này thì liền được đoạn trừ tất cả sắc dục. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Như vậy xương là từ nhân duyên sinh ra. Nương nhờ xương bàn chân để chống đỡ xương gót chân. Nương nhờ xương gót chân để chỗng đỡ xương ống chân. Nương nhờ xương ống chân để chống đỡ xương đầu gối. Nương nhờ xương đầu gối để chống đỡ xương đùi vế. Nương nhờ xương đùi vế để chống đỡ xương mông. Nương nhờ xương mông để chống đỡ xương lưng (eo). Nương nhờ xương lưng để chống đỡ xương sống. Nương nhờ xương sống để chống đỡ xương sườn. Lại nhân trên xương sống chống đỡ xương cổ. Nương nhờ xương cổ để chống đỡ xương hàm. Nương nhờ xương hàm để chống đỡ răng. Trên có đầu lâu. Lại nhân xương cổ để chống đỡ xương vai. Nương nhờ xương vai để chống đỡ xương cánh tay. Nương nhờ xương cánh tay để chống đỡ xương cổ tay. Nương nhờ xương cổ tay để chống đỡ xương bàn tay. Nương nhờ xương bàn tay để chống đỡ xương ngón tay. Khi Ðại Bồ tát quan sát như vậy thì số xương sở hữu của thân thể tất cả đều chia lìa. Bồ tát được cái quán này rồi thì liền đoạn trừ ba dục, một là hình mạo dục, hai là tư thái dục, ba là tế xúc dục. Khi Ðại Bồ tát quán xương xanh thì thấy đại địa này khắp Ðông, Tây, Nam, Bắc, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới đều là tướng màu xanh. Như quán màu xanh, màu vàng, màu trắng, màu chim câu cũng lại như vậy. Khi Ðại Bồ tát tác khởi sự quan sát này thì vùng chân mày liền phát ra ánh sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, màu chim câu.v.v... Ở trong mỗi một những ánh sáng này Bồ tát thấy có tượng Phật. Thấy rồi Bồ tát liền hỏi rằng : “Như thân này là bất tịnh, do nhân duyên hòa hợp chung thành mà sao lại được ngồi, dậy, đi, đứng, co, duỗi, cúi, ngước, nhìn, ngắm, hít thở, buồn khóc, vui cười ? Trong việc này không có chủ thì ai sai khiến vậy ?” Hỏi thế rồi thì các đức Phật trong ánh sáng bỗng nhiên biến mất. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Hoặc thức chính là ta nên khiến cho các đức Phật chẳng vì ta nói”. Bồ tát lại quan sát thức này theo thứ lớp sinh diệt giống như nước chảy thì cũng lại chẳng phải là ta. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này: “Nếu thức chẳng phải là ta thì thở ra, hít vào hoặc có thể là ta”. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Thở ra hít vào này chính là tính của gió mà tính gió đó mới là tứ đại thì trong tứ đại cái gì là ta. Tính của đất chẳng phải là ta. Tính của nước, lửa, gió cũng lại chẳng phải là ta”. Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Thân này tất cả đều không có ta. Chỉ có gió tâm nhân duyên hòa hợp, thị hiện ra đủ thứ nghiệp sở tác, ví như sức chú thuật làm ra điều huyễn hóa, cũng như đàn không hầu (giống đàn sắt) theo ý phát ra âm thanh. Vậy nên thân này bất tịnh như vậy. Giả sử mọi nhân duyên hòa hợp chung thành thì sẽ ở chỗ nào mà sinh ra tham dục ? Nếu bị mắng chửi hủy nhục thì lại ở chỗ nào mà sinh ra sân nhuế ? Như thân này của ta gồm ba mươi sáu vật bất tịnh dơ bẩn hôi thối thì có chỗ nào nhận sự mạ nhục. Nếu nghe lời mạ nhục ấy thì Bồ tát liền suy nghĩ rằng : “Do âm thanh gì mà thấy mạ nhục vậy ? Mỗi một âm thanh riêng rẻ chẳng thể thấy mạ nhục mà nếu một chẳng thấy thì nhiều cũng vậy thôi. Do nghĩa này nên chẳng nên sinh ra sân giận. Nếu người khác đánh đập thì cũng nên suy nghĩ rằng : “Như vậy đánh từ đâu mà sinh ra ?” Bồ tát lại tác khởi ý niệm này : “Nhân có tay, dao gậy và cả thân ta nên được gọi là đánh. Ta nay vì duyên gì mà ngang ngược sân giận với người khác ? Chính thân ta tự chuốc lấy lỗi lầm đó là do ta thọ tấm thân năm ấm này. Ví như nhân vào cái đích thì mới có trúng tên, thân ta cũng vậy, có thân thì có đánh. Ta nếu chẳng nhẫn thì lòng tán loạn. Nếu lòng tán loạn thì mất chánh niệm. Nếu mất chánh niệm thì chẳng thể quan sát nghĩa thiện và chẳng thiện. Nếu chẳng thể quan sát nghĩa thiện và chẳng thiện thì làm ác pháp. Nhân duyên ác pháp thì rơi vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ. Khi Bồ tát tác khởi sự quan sát đó rồi thì được Tứ niệm xứ. Ðược Tứ niệm xứ rồi thì được trụ ở Kham nhẫn địa. Ðại Bồ tát trụ ở địa này rồi thì có thể kham nhẫn tham dục, sân nhuế, ngu si, cũng có thể kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, ruồi, muỗi, rận, rệp, gió bão, va chạm việc dữ, đủ thứ dịch bệnh, ác khẩu, mắng chửi, đánh đập, đánh bằng gậy... Thân tâm khổ não, tất cả đều có thể nhịn chịu. Vậy nên đó gọi là trụ ở Kham nhẫn địa.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Bồ tát chưa được trụ ở Bất Ðộng Ðịa, khi tịnh trì giới, như có nhân duyên thì có được phá giới không ?
- Này thiện nam tử ! Bồ tát chưa trụ ở Bất Ðộng địa nếu có nhân duyên thì có thể được phá giới.
Ngài Ca Diếp thưa rằng :
- Kính thưa đức Thế Tôn ! Thế nào là được vậy ?
Ðức Phật dạy rằng :
- Này Ca Diếp ! Nếu có Bồ tát biết dùng nhân duyên phá giới thì có thể khiến cho người thọ trì, yêu thích Kinh điển Ðại Thừa. Lại có thể khiến cho người ấy đọc tụng thông lợi, ghi chép kinh quyển, rộng vì người khác diễn nói chẳng thoái chuyển đối với Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì như vậy nên Bồ tát được phá giới. Bấy giờ, Bồ tát nên khởi ý niệm này : “Ta thà một kiếp hay giảm một kiếp, rơi vào địa ngục A tỳ thọ tội báo này chỉ cần khiến cho người đó chẳng thoái chuyển Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác !” Này Ca Diếp ! Do nhân duyên này nên Ðại Bồ tát được hủy phạm tịnh giới !
Lúc bấy giờ, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng :
- Thưa đức Thế Tôn ! Như có Bồ tát nhiếp lấy hộ trì người như vậy khiến cho chẳng thoái chuyển tâm Bồ Ðề mà vì sự hủy giới đó nếu đọa địa ngục A Tỳ thì không có điều này.
Bấy giờ đức Phật khen ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :
- Hay thay ! Hay thay ! Ðúng như lời nói của ông ! Ta nhớ thuở xa xưa, ở cõi Diêm phù đề, ta làm đại quốc vương tên là Tiên Dự, yêu thích kính trọng Kinh điển Ðại Thừa. Tâm vua ấy thuần thiện, không có thô ác, tật đố, san lận. Miệng vua thường tuyên nói ái ngữ, thiện ngữ. Thân vua thường nhiếp hộ kẻ bần cùng, cô độc, bố thí tinh tấn không có ngưng bỏ. Thời thế không có Phật, Thanh Văn, Duyên Giác. Ta vào lúc bấy giờ yêu thích Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng, trong mười hai năm phụng sự Bà la môn, cung cấp sự cần dùng cho họ. Qua mười hai năm bố thí yên ổn xong rồi, taliền nói rằng : “Thưa các thầy, hôm nay các thầy nên phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác !” Bà la môn nói rằng : “Này Ðại vương ! Tính Bồ Ðề là không sở hữu. Kinh điển Ðại Thừa cũng lại như vậy thì tại sao đại vương lại muốn khiến cho con người đồng với hư không”. Này thiện nam tử ! Vào lúc bấy giờ, lòng ta trọng Ðại Thừa mà nghe Bà la môn bài báng Phương Ðẳng nên nghe xong ta tức thời giết chết người ấy. Này thiện nam tử ! Do nhân duyên này nên từ đó về sau ta chẳng rơi vào địa ngục.
Này thiện nam tử ! Ủng hộ nhiếp trì Kinh điển Ðại Thừa mới có thế lực không lường như vậy. Lại nữa, này Ca Diếp ! Lại có Thánh hạnh, gọi là bốn Thánh đế, Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Này Ca Diếp ! Khổ là tướng bức bách. Tập là tướng năng sinh trưởng (có năng lực sinh trưởng). Diệt là tướng tịch diệt. Ðạo là tướng Ðại Thừa. Lại nữa, này thiện nam tử ! Khổ là hiện tướng. Tập là chuyển tướng. Diệt là trừ tướng. Ðạo là năng trừ tướng (tướng có khả năng trừ diệt). Lại nữa, này thiện nam tử ! Khổ thì có ba tướng là tướng khổ khổ, tướng hành khổ, tướng hoại khổ. Tập là hai mươi lăm cõi hữu. Diệt là diệt hai mươi lăm cõi hữu. Ðạo là tu Giới, Ðịnh, Tuệ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Pháp hữu lậu có hai thứ là có Nhân, có Quả. Pháp vô lậu cũng có hai thứ là có Nhân, có Quả. Quả hữu lậu thì gọi là Khổ. Nhân hữu lậu thì gọi là Tập. Quả vô lậu thì gọi là Diệt. Nhân vô lậu thì gọi là Ðạo. Lại nữa, này thiện nam tử ! Tám tướng gọi là khổ như là : Sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Có khả năng sinh ra tám khổ như vậy thì gọi là Tập. Không có tám điều khổ như vậy thì đó gọi là Diệt. Mười lực, bốn vô sở úy, ba niệm xứ (?), Ðại bi... đó gọi là Ðạo. Này thiện nam tử ! Sinh là tướng hiện ra, có năm thứ, một là sơ xuất, hai là chí chung (đến cuối cùng), ba là tăng trưởng, bốn là xuất thai (ra khỏi thai), năm là chủng loại sinh. Những gì là Lão ? Lão có hai thứ, một là niệm niệm lão, hai là chung thân lão. Lại có hai thứ lão nữa, một là tăng trưởng lão, hai là diệt hoại lão. Ðó gọi là lão. Sao gọi là bệnh ? Bệnh là gọi rắn độc bốn đại đắp đổi nhau chẳng điều hòa thích hợp, cũng có hai thứ, một là thân bệnh, hai là tâm bệnh. Thân bệnh có năm, một là nhân nước, hai là nhân gió, ba là nhân nóng, bốn là tạp bệnh, năm là khách bệnh. Khách bệnh (bệnh do nguyên nhân khách quan) có bốn, một là chẳng phải phận mà cưỡng làm, hai là quên lầm rơi rụng, ba là dao gậy gạch đá, bốn là sự bám lấy của quỉ mị. Tâm bệnh cũng có bốn thứ, một là nhảy nhót, hai là sợ hãi, ba là ưu sầu, bốn là ngu si. Lại nữa, này thiện nam tử ! Bệnh của thân tâm thường có ba thứ. Những gì là ba ? Một là nghiệp báo, hai là chẳng được lìa xa các ác đối tác, ba là thời tiết thay đổi. Chúng sinh ra những nhân duyên như vậy với tên gọi và sự phân biệt thọ bệnh. Nhân duyên của bệnh là gió.v.v... các bệnh. Tên gọi là lòng buồn bực, phổi trướng, khí lên, ho, tâm nghịch, đi lị... Thọ phân biệt là đau đầu, đau mắt, đau tay chân.v.v... Ðó gọi là bệnh. Những gì là chết ? Chết là bỏ sự thọ thân. Bỏ sự thọ thân cũng có hai thứ , một là chết do mạng hết, hai là chết do ngoại duyên. Chết do mạng tận (hết) cũng có ba thứ, một là mạng hết chẳng phải là phước hết, hai là phước hết chẳng phải làmạng hết, ba là phước mạng đều hết. Chết do ngoại duyên cũng có ba thứ, một là chẳng phải số phận mà tự hại chết, hai là ngang ngược vì người khác mà chết, ba là đều chết. Lại có ba thứ chết, một là chết phóng dật (buông lung), hai là chết phá giới, ba là chết hoại mạng căn. Những gì gọi là chết phóng dật ? Nếu có bài báng Ðại Thừa Phương Ðẳng Bát Nhã Ba la mật thì gọi là chết phóng dật. Sao gọi là chết phá giới ? Hủy phạm sự chế cấm giới của chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại thì đó gọi là chết phá giới. Sao gọi là chết hoại mạng căn ? Bỏ thân năm ấm thì đó gọi là chết hoại mạng căn. Như vậy gọi rằng chết là đại khổ. Sao gọi là ái biệt ly khổ ? Vật yêu thích bị phá hoại lìa tan. Vật yêu thích bị phá hoại lìa tan cũng có hai thứ, một là trong người năm ấm hoại, hai là trong trời năm ấm hoại. Như vậy sự yêu thích năm ấm của người trời phân biệt tính kể có vô lượng thứ. Ðó gọi là ái biệt ly khổ. Sao gọi là oán tắng hội khổ ? Việc chẳng yêu thích mà chung tụ tập. Việc chẳng yêu thích mà chung tụ tập cũng có ba thứ. Ðó là địa ngục, ngã quỉ, súc sinh. Như vậy ba đường phân biệt tính kể có vô lượng thứ. Như vậy thì gọi là oán tắng hội khổ. Sao gọi là cầu bất đắc khổ ? Khổ cầu chẳng được cũng có hai thứ, một là điều mình hy vọng mà cầu chẳng thể được, hai là dùng nhiều công lực mà chẳng được quả báo. Như vậy thì gọi là cầu bất đắc khổ. Sao gọi là ngũ thịnh ấm khổ ? Ngũ thịnh ấm khổ là sinh khổ, bịnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ. Vậy nên gọi là ngũ tịnh ấm khổ. Này Ca Diếp ! Căn bản của sinh thường có bảy thứ khổ như vậy. Lão khổ... cho đến ngũ thịnh ấm khổ, này Ca Diếp ! Bàn về lão suy thì chẳng phải tất cả có mà Phật và chư thiên nhất định là không còn trong loài người thì bất định, hoặc có, hoặc không. Này Ca Diếp ! Thọ thân trong ba cõi không loài nào chẳng có sinh mà già thì chẳng nhất định. Vậy nên tất cả sinh là căn bản. Này Ca Diếp ! Chúng sinh trong thế gian bị điên đão che tâm mà tham trước tướng sinh, chán hoạn sinh tử. Bồ tát chẳng vậy, quan sát lúc mới sinh, đã thấy có lỗi hoạn. Này Ca Diếp ! Như có người con gái vào ở nhà người khác. Người có gái này đoan chính, nhan mạo đẹp đẽ, trang nghiêm thân bằng chuỗi ngọc đẹp. Người chủ nhà thấy rồi liền hỏi rằng : “Nàng tên gì ? Hệ thuộc ai ?” Người con gái đáp rằng : “Thân ta tức là trời lớn Công Ðức (Công Ðức Ðại Thiên)”. Người chủ hỏi rằng : “Nàng làm gì chỗ nàng đến ?” Trời nữ (nữ thiên đáp rằng : “Chỗ ta đến, ta có thể ban cho đủ thứ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, bộc sứ...” Người chủ nghe rồi, lòng sinh vui mừng, nhảy nhót không lường mà nói rằng : “Ta nay có phước đức nên khiến cho nàng đi đến nhà cửa của ta!” Người chủ liền đốt hương, tung hoa cúng dường, cung kính lễ bái. Lại ở ngoài cửa, người ấy lại thấy một người con gái hình dung xấu xí, quần áo rách rưới, nhiều những cấu bẩn, da dẻ nứt nẻ mà màu trắng bệch. Thấy rồi, người chủ hỏi rằng : “Nàng tên gì ? Hệ thuộc với ai ?” Người con gái đáp rằng : “Tôi tên là Hắc Ám !” Người chủ lại hỏi : “Vì sao tên là Hắc Ám ?” Người con gái đáp rằng : “Chỗ ta đến có thể khiến cho của báu sở hữu của nhà ấy, tất cả bị suy hao”. Người chủ nghe rồi liền cầm dao bén mà nói rằng : “Nàng nếu chẳng đi ta sẽ giết nàng !” Người con gái đáp rằng : “Ông rất ngu si, không có trí tuệ !” Người chủ hỏi rằng : “Vì sao gọi ta ngu si, không trí tuệ ?”Người con gái đáp rằng : “Người trong nhà của ông tức là chị của ta. Ta thường cùng chị tiến, dừng chung cùng. Nếu ông đuổi ta thì cũng sẽ đuổi chị đó!” Người chủ quay lại vào hỏi trời Công Ðức rằng : “Bên ngoài có một người con gái nói là chị của nàng ! Có thật thế không ?” Trời Công Ðức nói rằng : “Quả thật là em của ta ! Ta cùng người em này đi, đứng chung, chưa từng rời nhau theo chỗ sở trụ. Ta thường tạo tác cái tốt, người đó thường tạo tác cái xấu. Ta làm lợi ích, người đó làm suy tổn. Nếu ông yêu ta thì cũng nên yêu người đó. Nếu ông cung kính ta thì cũng nên cung kính người đó !” Người chủ liền nói rằng : “Nếu có sự tốt xấu như vậy thì ta đều chẳng dùng ! Các nàng đều tùy ý mà đi!” Lúc đó hai người con gái liền cùng đem nhau trở về chỗ ở của họ. Bấy giờ người chủ thấy họ đã đi trở về, lòng sinh vui mừng, nhảy nhót không lường. Lúc đó, hai người con gái lại cùng nhau theo đến một nhà nghèo. Người nghèo thấy rồi, lòng phát sinh vui mừng, liền mời họ rằng : “Hai nàng đã đến, từ nay nguyện xin hai nàng hãy thường trụ ở nhà tôi !” Trời Công Ðức nói rằng : “Trước đây, chúng ta đã bị người khác xua đuổi vì nhân duyên gì ông lại đều mời chúng tôi ở ?” Người nghèo đáp rằng : “Nàng nay nghĩ đến tôi ! Tôi nhờ nàng nên lại phải cung kính nàng kia. Vậy nên tôi đều thỉnh hai vị trụ ở nhà tôi”. Này Ca Diếp ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, chẳng nguyện sinh lên trời vì có sinh thì sẽ có lão, bệnh, chết vậy. Do đó đều bỏ hết, từng không có thọ tâm (lòng thọ nhận). Người phàm phu ngu si chẳng biết những lỗi hoạn của già, bệnh, chết.v.v... nên tham thọ hai pháp sinh tử. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như đứa trẻ con ấu trĩ Bà la môn bị sự bức bách của đói khát, thấy trong phân người có trái cây Am La, liền thủ lấy. Có người trí nhìn thấy liền quở trách rằng : “Này Bà la môn ! Ngươi chủng tính thanh tịnh mà vì sao thủ lấy trái cây bẩn chứa trong phân này ?” Ðứa trẻ nghe rồi đỏ mặt thẹn tùng, liền đáp rằng : “Tôi thật chẳng ăn, muốn rửa sạch rồi lại bỏ nó đi !” Người trí nói rằng : “Ngươi rất ngu si! Nếu lại bỏ đi thì trước chẳng nên lấy !” Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, đối với phần sinh này chẳng nhận, chẳng bỏ như người trí kia quở trách đứa trẻ. Người phàm phu mừng sinh, ghét chết như đứa trẻ kia lấy quả, lại bỏ đi. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có người ở đầu ngã tư đường lớn với dụng cụ đựng đầy đồ ăn sắc hương mỹ vị mà muốn bán. Có người từ xa đến, đói rỗng gầy yếu thấy đồ sắc hương vị của đồ ăn người ấy liền chỉ mà hỏi rằng : “Ðây là vật gì ?” Người chủ đồ ăn đáp rằng : “Ðây là đồ ăn sắc hương vị thượng hạng ! Nếu ăn món ăn này thì được sắc, được lực, có thể trừ đói khát, được thấy chư thiên, chỉ có bị một hoạn nạn là mạng chung”. Người đó nghe rồi liền nghĩ rằng : “Ta nay chẳng cần sắc lực hay thấy trời, cũng chẳng cần chết”. Hắn liền nói rằng : “Ăn món ăn này rồi nếu mạng chung thì ông hôm nay làm gì bán nó ở đây ?” Người chủ đồ ăn đáp rằng : “Người có trí nhất định chẳng chịu mua, chỉ có người ngu chẳng biết việc này khen giá trị đồ ăn của ta, tham mà ăn đó thôi !” Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, chẳng nguyện sinh lên trời, được sắc, được lực và thấy chư thiên. Vì sao vậy ? Vì những điều ấy chẳng khỏi được các khổ não. Kẻ phàm phu ngu si theo chỗ có sinh, đều tham ái vì họ chẳng thấy già, bệnh, chết vậy. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như cây độc, rễ có thể giết người, cành, gốc, thân, đốt, vỏ, lá, hoa, trái đều cũng có thể giết. Này thiện nam tử ! Việc thọ năm ấm ở chỗ thọ sinh của hai mươi lăm cõi hữu cũng lại như vậy, tất cả có thể giết hại. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như phân bẩn dù ít hay nhiều đều thối. Này thiện nam tử ! Sinh cũng thế, giả sử sống lâu tám vạn xuống đến mười năm thì đều thọ khổ. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như trên bờ hiểm có cỏ che phủ. Ở bên bờ đó có nhiều cam lộ mà nếu có người ăn thì sống lâu một ngàn tuổi, vĩnh viễn tiêu trừ các bệnh, yên ổn khoái lạc. Người phàm phu ngu si tham ăn vị ấy nên chẳng biết bên dưới bờ ấy có hầm rất sâu, liền trước muốn lấy mà chẳng hay sa chân rơi vào hầm mà chết. Kẻ trí biết rồi lìa bỏ đi xa. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, còn chẳng muốn thọ món ăn thượng diệu của trời, huống lại là của trong loài người. Người phàm phu mới ở địa ngục nuốt hòn sắt nóng, huống lại là món ăn ngon lành thượng diệu của người trời mà có thể chẳng ăn. Này Ca Diếp ! Do những thí dụ như vậy và vô lượng vô biên thí dụ khác nên ông phải biết là sinh quả thật là Ðại Khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Bồ tát trụ ở Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn mà quan sát sinh khổ !
Này Ca Diếp ! Sao gọi là Ðại Bồ tát trụ ở Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn này mà quan sát lão khổ ? Lão thì có thể bị ho, khí lên ngược, có thể hủy hoại dũng lực, nhớ nghĩ, tiến giữ những khoái lạc, kiêu mạn cống cao, yên ổn, mặc ý mình của thời trai tráng, có thể làm lưng còng, giải đãi lười biếng, bị sự khinh thường của người khác. Này Ca Diếp ! Ví như trong ao nước đầy hoa sen nở phô bày vẻ tươi đẹp rất đáng yêu thích thì gặp phải trời mưa đá đều bị tan nát. Này thiện nam tử ! Lão cũng như vậy, đều có thể phá hoại sắc đẹp của thời trai tráng. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như vị quốc vương có một bề tôi trí tuệ (trí thần) giỏi biết binh pháp. Có vua nước địch chống cự lại chẳng thuận theo. Nhà vua sai vị bề tôi giỏi này đến hỏi tội (thảo phạt) vị vua địch đó, và ông liền bắt được đem về cho vua. Già cũng như vậy, bắt giữ được hình sắc tráng kiện đem giao cho vua chết. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như cái trục xe gẫy không sao lại dùng được. Lão cũng như vậy, không sao lại dùng. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như đại phú gia có nhiều của báu như vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não... có những oán tặc, nếu chúng vào nhà người ấy thì liền có thể cướp đọat khiến cho rỗng không hết. Này thiện nam tử ! Sắc đẹp trai trẻ cũng lại như vậy, thường bị sự cướp đọat của giặc Già (lão tặc) Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như người ngèo tham trước món ăn ngon, áo quần êm dịu. Tuy họ lại hy vọng nhưng mà chẳng thể được. Này thiện nam tử! Lão cũng như vậy, tuy có lòng tham muốn thọ giàu có an vui, năm dục thỏa lòng mình nhưng mà chẳng thể được. Lại nữa, này Ca Diếp ! Lòng rùa đất thường nghĩ đến nước. Này thiện nam tử ! Người cũng như vậy, đã bị sự khô héo của lão suy thì lòng thường nhớ nghĩ khi tráng kiện đã hưởng thụ niềm vui năm dục. Lại nữa, này Ca Diếp ! Vào mùa thu, những hoa sen vốn đã được sự ưa ngắm nhìn của tất cả thì nay những hoa ấy héo vàng bị sự khinh ghét của mọi người. Này thiện nam tử ! Tuổi trẻ tráng kiện cũng lại như vậy, đều được sự yêu thích của tất cả, khi Lão ấy đến thì bị sự khinh ghét của mọi người. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như cây mía đã bị ép lấy nước rồi thì không còn vị nữa. Tuổi trẻ tráng kiện cũng lại như vậy, đã bị lão (già) ép rồi thì không còn ba thứ vị, một là vị xuất gia, hai là vị đọc tụng, ba là vị ngồi thiền. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như đêm trăng tròn nhiều ánh sáng, ngày thì chẳng vậy. Này thiện nam tử ! Người cũng như vậy, trai tráng thì đoan nghiêm, hình mạo đẹp đẽ, già thì suy yếu, hình mạo, thần thái khô héo, tiều tụy. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có vị vua thường dùng chính pháp trị nước, an dân, chân thật không quanh co, thương xót ưa bố thí. Nhà vua vì sự phá hoại của nước địch lưu ly trốn chạy đến nước khác. Nhân dân nước khác thấy mà thương xót ngài, đều nói rằng : “Ðại vương thuở trước dùng Chính pháp trị nước, chẳng ép uổng bá tính (vạn tính) mà sao một sớm phải lưu ly đến đây ?” Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, đã bị sự bại hoại của lão suy rồi thì thường khen việc tạo lập sự nghiệp thời trai tráng. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như bấc đèn chỉ nhờ dầu mỡ, dầu mỡ đã hết thì chẳng bao lâu phải dừng. Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, chỉ nhờ cậy vào mỡ tráng kiện, mỡ tráng kiện đã hết thì bấc đèn lão suy chẳng bao lâu sẽ dừng. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như dòng sông khô chẳng thể lợi ích cho người và chẳng phải người, chim bay, thú chạy. Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, bị sự khô cạn của lão thì chẳng thể lợi ích cho tất cả những tác nghiệp. Lại nữa, này Ca Diếp ! Cây đại thọ đứng bên bờ sông lâm nguy nếu gặp gió dữ thì ắt ngã đổ. Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, đến bờ lão hiểm nguy mà gió chết đã đến thì thế chẳng được trụ. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như trục xe gẫy thì chẳng đủ sức chở nặng. Này thiện nam tử ! Lão cũng như vậy, chẳng thể hỏi han, thính thọ tất cả thiện pháp. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như đứa trẻ con bị sự rẻ rúng của con người. Này thiện nam tử ! Lão cũng như vậy, thường bị sự khinh chê của tất cả. Này Ca Diếp ! Do những ví dụ đó và còn vô lượng vô biên ví dụ nữa nên ông phải biết rằng, lão thật là đại khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát Lão khổ.
Này Ca Diếp ! Sao gọi là Ðại Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát bịnh khổ. Sở dĩ gọi bệnh là có thể hoại tan tất cả những việc vui yên ổn, ví như mưa đá làm thương tổn hủy hoại cây lúa. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như người có oán cừu, lòng thường lo buồn mà ôm lấy sợ hãi. Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, thường sợ bệnh khổ, lòng ôm lo rầu. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có người hình mạo đoan chính bị lòng dục của vợ vua ái mộ, đưa tin ép gọi đến cùng chung giao thông. Vị vua bắt được, liền sai người móc một mắt, cắt một tai, chặt một tay, một chân của người ấy. Người đó, bấy giờ hình dung đổi khác, bị người khinh ghét. Này thiện nam tử ! Con người cũng vậy, trước tuy đoan chính, tai mắt đầy đủ, nhưng đã bị sự trói buộc bức bách của bệnh khổ rồi thì bị sự gớm ghiếc của mọi người. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như cây chuối, tre trúc, lau sậy và con La (loa) hễ có con thì chết. Này thiện nam tử ! Con người cũng như vậy, hễ có bệnh thì chết. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như đại thần chủ binh của vua Chuyển Luân thường ở trước dẫn đường, còn vua theo sau mà đi. Cũng như vua cá, vua kiến, vua ốc, vua trâu, thương chủ đi ở trước thì như vậy các chúng đều đi theo, không rời bỏ. Này thiện nam tử ! Vua Tử Chuyển Luân cũng lại như vậy, thường theo bệnh thần, chẳng lìa bỏ nhau. Vua bệnh cá, kiến, ốc, trâu, thương chủ cũng lại như vậy, thường bị sự theo đuổi của tử chúng. Này Ca Diếp ! Bệnh nhân duyên là gọi sự khổ não, sầu lo, bi thán, thân tâm chẳng yên, hoặc là sự bức hại của oán tặc, phá hoại phao nổi, triệt phá cầu, cũng có thể cướp đoạt chánh niệm căn bản. Lại có thể là sự phá hoại sắc đẹp thịnh tráng, thế lực an lạc, trừ bỏ tàm quí. Có thể là vì thân tâm bị thiêu nóng rực cháy. Do những ví dụ này và còn vô lượng vô biên ví dụ khác nên ông phải biết, bệnh khổ chính là đại khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát bệnh khổ.
Này Ca Diếp ! Sao gọi là Bồ tát tu hạnh Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát tử khổ. Sở dĩ gọi tử (chết) là có thể thiêu diệt vậy. Này Ca Diếp ! Như tai họa lửa khởi lên thì có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ Nhị thiền sức lửa chẳng đến được. Này thiện nam tử ! Lửa tử cũng vậy, có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn thì thế lửa tử chẳng bì kịp. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như tai họa nước khởi lên thì tất cả trôi dạt chìm mất, chỉ trừ Tam Thiền, sức nước chẳng đến. Này thiện nam tử ! Nước tử cũng vậy, làm trôi dạt chìm mất tất cả, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như tai họa gió khởi lên thì có thể thổi tất cả khiến cho tan diệt hết, chỉ trừ Tứ thiền thì sức gió chẳng đến được. Này thiện nam tử ! Gió tử cũng vậy, có thể thổi diệt tất cả sỡ hữu, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|