阿毘 達 磨 俱 舍 論
Abhidharmakośabhāṣayām
Nguyên tác: Thế Thân
Hán dịch: Huyền Trang
PHẨM THỨ HAI: PHÂN BIỆT CĂN (4).
NHÂN DUYÊN (tiếp)
Đã nói về hành tướng sáu nhân và sự hiện hữu của chúng trong ba đời.
NĂM QUẢ (pañca-phalāni).
b.Từ nhân sinh quả.
i.Nêu chung về thể của quả.
Những quả gì, để đối với nó, lập nhân[1]?
Văn Tụng.
Hán:
果 有 為 離 繋 無為 無 因 果
Việt dịch:
Quả[2] có hữu vi và ly hệ Vô vi không có nhân quả /100cd/.
Luận giải thích:
Như luận Phát Trí[3] nói, quả pháp là gì[4]? đó là các pháp hữu vi và pháp trạch diệt[5].
Hỏi:Nếu vậy, đã chấp nhận (trạch diệt) vô vi là quả thì lẽ đáng phải có nhân; vì phải đối với nhân kia mới có thể nói quả nầy. Lại nữa, đã chấp nhận vô vi nầy là nhân thì cũng nên có quả; vì phải đối với quả kia mới có thể nói nhân nầy[6].
Đáp: Chỉ có pháp hữu vi mới có nhân quả, các pháp vô vi không có nhân quả. Lý do vì sao? – Vì không có sáu nhân nên không có năm quả[7].
(Hỏi) Lý do vì sao lại không chấp nhận các vô gián đạo[8] là nhân năng tác của quả ly hệ (visaṃyoga-phala)[9]?
Đáp: Đối với sự sinh khởi (của các pháp khác) không gây trở ngại nên lập làm nhân năng tác; vô vi vốn không sinh khởi, đạo (vô gián đạo) có tác dụng gì?
Hỏi: Nếu vậy, (đó là) quả (ly hệ) của pháp nào, ý nghĩa của quả ra sao[10]?
Đáp: Đó là quả của đạo, do đạo lực chứng đắc.
Hỏi: Nếu vậy, quả của đạo phải là đắc (trên trạch diệt), vì đối với đắc, đạo có công năng (dẫn sinh); đối với diệt, chẳng có công năng (dẫn sinh, ā- kṣip).
Đáp: Không phải như vậy. Đối với đắc hay đối với diệt, đạo có công năng khác nhau.
Hỏi: Đối với đắc, đạo có công năng như thế nào?
Đáp: Đó là công năng dẫn sinh.
Hỏi: Đối với diệt, đạo có công năng như thế nào?
Đáp: Đó là công năng chứng đắc (chứng đắc, adhigama). Do vì lý nầy nên đạo tuy chẳng phải là nhân của diệt nhưng cũng có thể nói trạch diệt là quả của đạo.
Hỏi: Các pháp vô vi đã không phải là tăng thượng quả, làm sao có thể nói là nhân năng tác[11]?
Đáp: Những vô vi nầy, đối với các pháp khác ở sinh vị, không gây cản trở, nên lập thành nhân năng tác. Song không phải là quả bởi lẽ vốn là pháp ly thế[12] (ly hệ, vô lậu) nên không có công năng thủ quả, hay dữ quả[13].
Kinh Bộ nói, vô vi chẳng phải là nhân; không có Kinh nào nói nhân là vô vi; chỉ có Kinh nói nhân là hữu vi.
(Hữu Bộ) Kinh nói chỗ nào?
(Kinh bộ) Như có Kinh nói, các nhân các duyên có khả năng sinh thành các sắc đều là vô thường[14]. Nhân duyên vốn đã vô thường thì các sắc được sinh bởi nó làm sao thường được. Nói rộng ra cho đến thức cũng như vậy.
(Hữu Bộ) Nếu vậy, vô vi cũng không nên làm sở duyên duyên cho các thức năng duyên... [15]?
(Kinh Bộ) Chỉ nói (nhân duyên) có công năng sinh khởi cho nên được làm sở duyên duyên. Nghĩa là Kinh chỉ nói các nhân các duyên sinh thành các thức đều là vô thường, không nói tất cả sở duyên của thức đều là vô thường cho nên không thành vấn nạn.
(Hữu Bộ) Há cũng không nói chỉ có nhân có khả năng sinh khởi là vô thường cho nên không bác bỏ vô vi do không chướng ngại mà làm nhân năng tác sao?
(Kinh Bộ) Trong Khế kinh nói vô vi là pháp sở duyên duyên, không nói vô vi là nhân năng tác nên không lập bất chướng nhân tánh[16].
(Hữu Bộ) Tuy không có Kinh nào nói nhưng cũng không có Kinh nào bảo không; hơn nữa, một số lượng Kinh rất nhiều, nay đã bị mất, như vậy làm sao phán định là kinh không nói?
(Kinh Bộ) Nếu vậy, pháp gì gọi là ly hệ?
(Hữu Bộ) Chính trong luận Phát trí nói, đó là trạch diệt
(Kinh Bộ) Há không phải trước đã hỏi, pháp gì gọi là trạch diệt? đáp – là pháp ly hệ. Nay hỏi: pháp gì gọi là ly hệ? đáp – là trạch diệt. Như vậy cả hai câu trả lời lại dựa vào nhau; đối với tự tánh nầy không thể hiển bày cho nên lại lập thêm một loại để khai hiển tự tánh[17].
(Hữu Bộ) Tự tánh của pháp nầy thật sự không thể bàn luận[18], chỉ có các bậc thánh nội chứng riêng biệt, nhưng vì phương tiện cũng chỉ có thể nói về tổng tướng của nó rằng, là thiện (phân biệt với hư không và phi trạch diệt), là thường (phân biệt với các pháp hữu vi khác), có một pháp có thật là trạch diệt, cũng gọi là ly hệ (hiển bày tự tánh của nó)[19].
(Kinh Bộ) Tất cả các pháp vô vi (ba pháp) đều chẳng có thật như năm pháp sắc, v.v... là những pháp có thật; vô vi nầy vốn không.
(Hữu Bộ) Nếu vậy, vì cớ gì lại gọi là hư không, v.v... (đã không có thật thể sao lại gọi là hư không, v.v...)?
(Kinh Bộ) Chỉ dựa trên sự không xúc đối mà nói là hư không. Chẳng hạn như, ở trong tối không có sự xúc đối, nói rằng, đây là hư không. Các tuỳ miên đã khởi, có khả năng sinh khởi phiền não về sau, ở nơi diệt vị[20], do lực giản trạch (trí huệ) khiến chúng không thể sinh khởi trở lại gọi là trạch diệt. Nếu không do lực giản trạch, (chỉ) vì thiếu duyên nên các chủng tử phiền não kia không sinh khởi trở lại gọi là phi trạch diệt. Như các uẩn của tàn chúng đồng phần[21], người chết nửa chừng[22].
Luận sư Thượng toạ bộ, v.v...[23] nói, do công năng của huệ khiến các tuỳ miên không sinh khởi gọi là trạch diệt; tuỳ miên thiếu duyên, hậu khổ (khổ quả) không sinh khởi không phải do công năng của huệ, gọi đó là phi trạch diệt.
(Kinh Bộ Sư bác) Phi trạch diệt kia nếu không có lực giản trạch thì diệt của khổ quả nầy cũng không thành tựu, cho nên (khổ quả) nầy không sinh khởi nhiếp thuộc trạch diệt.
(Đại Chúng Bộ) Có thuyết nói, các pháp đã sinh, sau đó mất đi, tự nhiên mất đi (diệt) cho nên gọi là phi trạch diệt.
(Kinh Bộ bác) Quan điểm như vậy thì thể của phi trạch diệt nên là vô thường, vì khi pháp chưa diệt thể của nó vốn không (sau khi pháp diệt thể mới có).
(Đại Chúng Bộ) Há không phải rằng (chính trong) trạch diệt, đầu tiên là trạch, (thế thì) diệt (ấy) trước không sau có, cũng nên là vô thường?
(Kinh Bộ) Chẳng phải đầu tiên là trạch, sau mới có diệt, như vậy làm sao bảo trạch diệt cũng là vô thường[24]. Vì sao? – vì chẳng phải trạch có trước, sau đó các pháp chưa sinh ở vị lai[25] mới không sinh[26].
Là sao?
(Kinh Bộ đáp) Lý bất sinh xưa nay vốn có. Nếu không có huệ giản trạch thì các pháp sinh khởi; khi khởi huệ giản trạch, các pháp vĩnh viễn không sinh. Đối với sự không sinh khởi nầy, trạch có công năng; đó là vào lúc đầu, các pháp chưa gặp chướng ngại cho sự sinh khởi, nay (thánh đạo khởi) khiến trở ngại cho sự sinh khởi (của các pháp, hiển lý bất sinh), chẳng phải mới tạo nên sự không sinh.
(Hữu Bộ dẫn Kinh để vấn nạn) Nếu chỉ có bất sinh (diệt, 滅) ở vị lai là niết bàn thì câu kinh nầy giải thích thế nào cho thông? Kinh nói, năm căn (tín, tấn, v.v...) hoặc tu ở kiến đạo hoặc tập ở tu đạo hoặc tu tập ở vô học đạo có thể khiến cho các khổ trong quá khứ, hiện tại và vị lai vĩnh viễn đoạn trừ; thể của vĩnh viễn đoạn trừ nầy tức là niết bàn. (do đó, nếu nói) Duy chỉ ở vị lai có nghĩa bất sinh, chẳng phải ở quá khứ hay hiện tại, há không trái ngược nhau sao?
(Kinh Bộ đáp) Tuy có đoạn văn nầy nhưng nghĩa không trái. Ý kinh nói, (hoặc) duyên với các khổ quá khứ, hiện tại, phiền não được đoạn trừ, gọi là đoạn trừ các khổ. Như đức Thế tôn nói, các ngươi nên đoạn trừ tham dục đối với sắc; khi đoạn trừ tham dục gọi là đoạn sắc và biến tri sắc; nói rộng ra cho đến thức cũng như vậy[27]. Đoạn trừ các khổ trong quá khứ, hiện tại, nghĩa cũng như vậy. Dầu có các Kinh khác nói đoạn trừ các phiền não trong quá khứ, hiện tại và vị lai, căn cứ theo lý trước để giải thích, ý nghĩa cũng không trái chống. Hoặc trong Kinh nầy có một ý thú riêng rằng, phiền não quá khứ là phiền não (hoặc) đã khởi trong đời quá khứ; phiền não hiện tại là phiền não khởi lên trong đời hiện tại. Chẳng hạn như mười tám ái hành trong ái hành; nghĩa là ái khởi trong đời quá khứ, căn cứ vào đời quá khứ mà nói; vị lai, hiện tại nên biết cũng như vậy (tức ái hành duyên với sáu cảnh trong ba đời thành ra 18 ái hành). Cũng như vậy, phiền não khởi lên trong hai đời làm sinh khởi các phiền não trong vị lai; ở trong thân tương tục hiện tại dẫn khởi chủng tử (sở huân quả chủng tử); chủng tử nầy đoạn, thì (nhân được huân trong quá khứ hiện tại) kia cũng gọi là đoạn. Như khi dị thục chấm dứt cũng nói là nghiệp tận. Nếu các khổ và các phiền não trong vị lai do không có chủng tử nhân, rốt ráo không sinh khởi, cũng nói là đoạn. Nếu khác như vậy, (phiền não) quá khứ, hiện tại, với duyên cớ gì mà cần phải đoạn; chẳng cần đối với (phiền não) đã diệt và đang lúc diệt lại phải nhọc sức khiến nó phải diệt.
(Hữu Bộ nạn) Nếu các pháp vô vi đều không có thật thể, cớ gì Kinh lại nói có các pháp hoặc hữu vi hoặc vô vi, trong đó, ly nhiễm là đệ nhất[28]. Như vậy, làm sao có thể ở trong (cái không của) pháp không có mà lại lập nên pháp đệ nhất[29]?
(Kinh Bộ đáp) Tôi cũng không nói các pháp vô vi đều không có thật thể, chỉ nên nói có như thế nầy[30]: chẳng hạn như nói, âm thanh nầy (hiện) có nhưng trước đó (vị lai) chẳng phải có và về sau (quá khứ) cũng chẳng phải có; không thể từ chỗ chẳng phải có mà nói là có nên nghĩa có được thành tựu[31]. Nói có vô vi, nên biết cũng như vậy. Có tuy chẳng phải (thật có) nhưng có thể xưng thán, cho nên các tai hoạnh hoàn toàn chẳng phải có gọi đó là ly nhiễm. Ở trong tất cả các pháp có và chẳng phải có, tánh niết bàn rất là thù thắng. Vì muốn giáo hoá khiến chúng sinh sinh lòng ưa thích sâu xa nên xưng thán niết bàn là đệ nhất.
(Hữu Bộ) Nếu pháp vô vi chẳng phải có (phi hữu), vì không có cho nên không nên gọi là diệt thánh đế[32]
(Kinh Bộ phản nạn) Vả lại nói thánh đế có nghĩa là thế nào[33]?
(Hữu Bộ đáp) Há không phải câu nầy thuộc nghĩa không điên đảo ư[34], thánh thấy có và không một cách không điên đảo. Đó là đối với khổ, thấy rõ là khổ; với khổ không có thấy rõ không có. Câu nầy đối với thánh đế, nghĩa có gì trái nhau.
(Hữu Bộ) Như thế nào mà cái chẳng phải có (phi hữu) lại lập làm đệ tam thánh đế[35]?
(Kinh Bộ) Đế thứ hai là tập. (Điều kế tiếp được) Bậc thánh ở vô gián đạo thấy và nói, cho nên thành lập thánh đế thứ ba[36].
(Hữu Bộ) Nếu pháp vô vi không có thật thể, thì đối với hư không, niết bàn (tức pháp vô vi), thức đã duyên với vô cảnh (tức không có đối tượng)[37].
(Kinh Bộ) Thức duyên với vô cảnh cũng không có lỗi. Trong phần bàn về ba đời, sẽ phân biệt (phẩm hoặc).
(Hữu Bộ) Nếu chấp nhận vô vi có thật thể thì có lỗi gì[38]?
(Kinh Bộ hỏi ngược) Lại có tác dụng gì[39]?
(Hữu Bộ) Nếu chấp nhận (vô vi có thật thể) tức ủng hộ quan điểm của Tông Tỳ Bà Sa, đó gọi là đức (guṇa).
(Kinh Bộ) Nếu đáng ủng hộ, thiên thần[40] nhất định biết và tự lo ủng hộ; song nếu cho rằng (vô vi) thật sự có, rõ ràng là quan điểm sai lầm, đó gọi là thất (lỗi).
(Hữu Bộ) Lý do vì sao?
(Kinh Bộ ) Vì hư không chẳng có thể để nắm bắt như sắc, thọ, v.v...; cũng không có tác dụng để có thể nắm bắt như mắt, tai, v.v... [41]; lại nữa, nếu (vô vi nầy) tồn tại riêng lẻ, thì làm sao lập được chủ thuộc cách (sở hữu cách) tức diệt của các pháp tham, sân, v.v... kia[42]; do diệt và các pháp tham, v.v… không hỗ tương phụ thuộc lẩn nhau. Pháp vô vi nầy với các pháp tham, sân v.v… kia chỉ có tương vọng, không có nhân quả. Chỉ (trên khía cạnh) ngăn cản các pháp tham, sân, v.v… kia, sở hữu cách có thể được thành lập; và khi các pháp tham, sân, v.v… kia không còn gọi là diệt.
(Hữu Bộ) Diệt tuy tồn tại riêng lẻ, nhưng do khi phiền não duyên với các pháp tham, sân, v.v… kia được đoạn trừ mới thành tựu diệt nầy nên có thể nói rằng diệt nầy sở thuộc các pháp kia[43].
(Kinh Bộ) Lý do nào để nói rằng, diệt nầy nhất định thuộc đắc nầy[44]?
(Hữu Bộ đáp) Như Khế kinh nói, Bí sô đạt được hiện pháp niết bàn; (hỏi vặn) đối với cái chẳng có, làm sao có thể nói đạt được[45]?
(Kinh Bộ) Do thành tựu năng đối trị đạo (pratipakṣa) nên có được thân sở y vĩnh viễn xa lìa phiền não, vĩnh viễn xa lìa thân sở y đời sau cho nên gọi là chứng đắc niết bàn. Lại có Thánh giáo cho thấy rằng niết bàn duy chỉ lấy phi hữu làm tự tánh; như Khế kinh nói, có các loại khổ đều được đoạn hết thảy, mỗi mỗi (khổ) đều buông bỏ, đều hết sạch (tận), ly nhiễm, tịch diệt, tịnh tức, vĩnh một; các khổ khác (ở vị lai) không còn tương tục, không còn chấp thủ trở lại, không còn sinh khởi. Đây là niết bàn cực tịnh, niết bàn cực diệu; nghĩa là buông bỏ các sở y thân (hiển bày niết bàn không có khổ quả), (buông bỏ) tất cả các ái (hiển n.b. không có hoặc nhân), hết sạch, ly nhiễm, tịch diệt gọi là niết bàn[46].
(Hữu Bộ) Tại sao không chấp nhận (Kinh) nói bất sinh tức nương vào lực vô sinh của trạch diệt nên nói khổ bất sinh[47]?
(Kinh Bộ) Chúng tôi thấy đấy là đệ thất chuyển thanh (tức vị trí cách), đối với sự chứng đắc trạch diệt, (vô sinh) hoàn toàn không có công lực, với ý gì ông nói nương vào vô sinh nầy[48]? Nếu nương vào vô sinh nầy thuộc nghĩa (niết bàn) đã có, các khổ lẽ ra từ xưa đã không sinh vì niết bàn thường hữu. Nếu nương vào vô sinh thuộc nghĩa đã chứng đắc (niết bàn) thế thì nên chấp nhận nương vào đắc trên niết bàn do đạo đưa đến. Cho nên duy chỉ nương vào đạo hoặc nương vào đắc trên đạo khiến khổ không sinh khởi, ông nên tin và chấp nhận. Do đó mà giải thích hợp lý ví dụ được nói trong Kinh rằng, giống như sự vắng mặt của ánh đèn (đăng diệm niết bàn), tâm giải thoát cũng như vậy. Kinh nầy ý nói, như sự diệt mất của ánh đèn, chỉ có ánh đèn tắt đi, không có một vật thể nào riêng biệt. Thế tôn cũng như vậy, (khi) tâm được giải thoát chỉ có các uẩn diệt, không có một vật nào khác.
(Kinh Bộ) A tỳ đạt ma cũng nói rằng, vô sự pháp là thế nào? -đó là các pháp vô vi. Nói vô sự có nghĩa là vô thể. Luận sư Tỳ Bà sa không chấp nhận giải thích nầy.
(Kinh Bộ) Nếu vậy, họ giải thích nghĩa của chữ sự thế nào?
(Hữu Bộ) Họ nói, sự tóm tắt có năm loại: 1. tự tánh sự; như có chỗ (Kinh Cđ.) nói, nếu đã chứng được thể của pháp nầy (đắc thử sự) thì (người ) kia ắt thành tựu tự thể của pháp nầy. 2. Sở duyên sự, như có chỗ nói, tất cả các pháp, tuỳ theo từng loại đều được biết bởi trí. 3. Hệ phược sự, như có chỗ nói, hoặc với thử sự bị trói buộc bởi ái kết thì người kia đối với thử sự bị kết trói bởi nhuế chăng? 4. Sở nhân sự, như có chỗ nói, hữu sự pháp là thế nào? – đó là các pháp hữu vi. 5. Sở nhiếp sự, như có chỗ nói, điền sự, trạch sự, thê tử đẳng sự. Nay ở trong nầy nói nhân là sự nhằm hiển bày pháp vô vi hoàn toàn không có nhân. Cho nên vô vi tuy thật sự là một vật, nhưng thường không có tác dụng nên không có nhân không có quả[49].
Bàn luận tổng quát xong.
ii. Đối nhân phối quả.
Ở trong các quả nên nói quả nào được thành tựu bởi nhân nào?
Văn Tụng.
Hán:
後 因 果 異 熟 前因 增 上 果
同 類 遍 等 流 俱相 應 士 用 /101/.
Việt dịch:
Nhân sau cùng sinh quả dị thục
Nhân đầu tiên sinh quả tăng thượng
Nhân đồng loại, biến hành sinh quả đẳng lưu
Nhân câu hữu, tương ưng sinh quả sỹ dụng.
Luận giải thích:
Nói nhân sau cùng chỉ cho nhân dị thục; ở trong sáu nhân nó được nói sau cùng. Quả thứ nhất là dị thục do nhân nầy thành tựu. Nói nhân trước chỉ cho nhân năng tác; ở trong sáu nhân, được nói đầu tiên. Quả sau cùng là tăng thượng do nhân nầy thành tựu; quả của sự tăng thượng gọi là quả tăng thượng.
Hỏi: Chỉ không chướng ngại sự tồn tại, có gì gọi là tăng thượng?
Đáp: Tức do không chướng ngại mà có tên là tăng thượng. Hoặc nhân năng tác cũng có lực mạnh mẽ; như mười xứ, mười giới đối với năm thức thân; các nghiệp của hữu tình đối với khí thế giới; tai, v.v... đối với sự sinh khởi nhãn thức, v.v... cũng có lực tăng thượng xoay vần sinh khởi. Nghe rồi muốn thấy sinh khởi. Các tăng thượng nầy, cũng nên như thế mà suy nghĩ.
Nhân đồng loại, nhân biến hành thành tựu quả đẳng lưu. Quả của hai nhân nầy thành tựu đều cùng loại với nhân. Nhân câu hữu, tương ưng thành tựu quả sỹ dụng; chẳng phải ngoài thể của sỹ mà có sỹ dụng riêng, chính cái được thành tựu nầy là sỹ dụng quả.
Hỏi: Sỹ dụng nầy gọi là pháp gì?
Đáp: Đó chính là tác dụng của các pháp (chư pháp sở hữu tác dụng); như do hoạt dụng của sỹ phu nên mới có từ sỹ dụng; cũng như thế gian nói nha túc dược thảo, tuý tượng, tướng quân (nha túc tợ dược thảo, dược thảo tợ nha túc...).
Hỏi: Chỉ hai nhân nầy có quả sỹ dụng hay các nhân khác cũng vậy?
Có thuyết nói, các nhân khác cũng có quả sỹ dụng nầy, chỉ trừ nhân dị thục. Bởi do quả sỹ dụng với nhân cùng sinh khởi hoặc vô gián sinh khởi. Dị thục không như vậy.
Có các vị Sư khác nói, nhân dị thục nầy cũng có quả sỹ dụng cách xa. Ví như người nông phu thâu hoạch kết quả (có một khoảng cách thời gian dài).
iii. Quả tướng.
Quả dị thục, v.v..., hành tướng của chúng thế nào?
Văn Tụng.
Hán:
異 熟 無 記 法 有情 有 記 生
Việt dịch:
Quả dị thục[50] là pháp vô phú vô ký
Thuộc hữu tình số, do hữu ký sanh
Luận giải thích:
Chỉ ở trong các pháp vô phú vô ký có quả dị thục[51].
Hỏi: Quả dị thục nầy cũng thông với cả phi hữu tình số[52] chăng?
Đáp: Chỉ hạn cuộc trong hữu tình số.
Hỏi: Nó thông với đẳng lưu, sở trưởng dưỡng không?
Đáp: Nên biết, do hữu ký sinh[53]. Tất cả các pháp bất thiện và thiện hữu lậu đều có khả năng ghi nhớ dị thục cho nên gọi là hữu ký. Từ nhân các pháp bất thiện, thiện hữu lậu (trải qua một thời gian) sau đó dị thục mới khởi, chẳng phải do câu hữu hay vô gián (sinh), nên nói được sinh ra từ hữu ký[54]. Như vậy gọi là hành tướng của quả dị thục.
Hỏi: Phi hữu tình số, cũng từ nghiệp sinh, tại sao chẳng phải là dị thục?
Đáp: Do vì cọng hữu[55]; nghĩa là người khác cũng có khả năng thọ dụng như vậy. Rằng, quả dị thục nhất định không có nghĩa cùng thọ dụng với người khác; chẳng phải một người tạo nghiệp, người khác nhân đó, thọ nhận quả dị thục.
Hỏi: Quả tăng thượng kia cũng do nghiệp sinh, sao lại cộng thọ?
Đáp: Vì do cộng nghiệp sinh.
Văn Tụng.
Hán:
等 流 似 自 因
Việt dịch:
Quả đẳng lưu[56] có nhân là pháp tương tự
Luận giải thích:
Pháp có nhân là pháp tương tợ gọi là quả đẳng lưu; đó là hai nhân tương tợ: biến hành và đồng loại.
Hỏi: Nếu nhân biến hành cũng đưa đến quả đẳng lưu, tại sao lại không chấp nhận gọi nó là nhân đồng loại?
Đáp: Bởi quả đẳng lưu nầy chỉ do cùng cõi, cùng loại nhiễm ô cho nên cùng với nhân tương tợ, không phải do chủng loại[57]. Nếu do chủng loại, quả cũng cùng loại với nhân thì nhân của quả nầy gọi là nhân đồng loại[58]. Cho nên nêu câu hỏi rằng, nếu là nhân đồng loại cũng là nhân biến hành chăng? Nên lập bốn câu để phân biệt.
1. Câu thứ nhất: Chẳng phải pháp biến hành là nhân đồng loại (là nhân đồng loại, chẳng phải nhân biến hành)[59].
2. Câu thứ hai: Pháp biến hành ở các bộ khác là nhân biến hành (là nhân biến hành, chẳng phải là nhân đồng loại)[60].
3. Câu thứ ba: Pháp biến hành ở tự bộ là nhân biến hành (vừa là nhân đồng loại vừa là nhân biến hành)[61].
4. Câu thứ tư: trừ các tướng như trên (Chẳng phải là nhân đồng loại cũng chẳng phải là nhân biến hành).
Văn Tụng.
Hán:
離 繋 由 慧 盡
Việt dịch:
Quả ly hệ[62] do huệ đoạn sạch các hoặc
Luận giải thích:
Pháp được thành tựu do huệ đoạn trừ sạch hết các hoặc, gọi là quả ly hệ. Diệt cho nên gọi là tận; trạch cho nên gọi là huệ tức nói trạch diệt gọi là quả ly hệ.
Văn Tụng.
Hán:
若 因 彼 力 生 是 果 名 士 用
Việt dịch:
Nếu từ lực của nó sinh ra đó gọi là quả sỹ dụng[63]
Luận giải thích:
Nếu một pháp do chính thế lực của nó sinh ra thì nói pháp đó là quả sỹ dụng. Chẳng hạn nương vào tâm lực được da hạnh ở hạ địa mà định hữu lậu, vô lậu ở thượng địa sinh khởi; và nhân lực thiền định thanh tịnh của tâm mà tâm biến hoá sinh khởi. Những loại trạch diệt như vậy nên nói do đạo lực khiến thành tựu.
Văn Tụng.
Hán:
除 前 有 為 法 有為 增 上 果 /103/.
Việt dịch:
Trừ pháp hữu vi trước, (còn lại)
đều là quả tăng thượng[64] của các pháp hữu vi khác.
Luận giải thích:
Các pháp hữu vi, trừ pháp đã sinh trước[65], đều là quả tăng thượng của các pháp khác[66].
Hỏi: Hai quả sỹ dụng và tăng thượng khác nhau thế nào?
Đáp: Quả sỹ dụng gọi là duy đối (tức chỉ đối với) tác giả. Quả tăng thượng gọi là thông đối (tức cả) tác giả và ngoài tác giả[67]. Cũng giống như tác phẩm được hoàn thành bởi người hoạ sỹ[68], đối với hoạ sỹ, người làm bức tượng, (họ) có đầy đủ cả hai tên: sỹ dụng và tăng thượng. Đối với những người không phải hoạ sỹ, (họ) chỉ có quả tăng thượng.
iv. Nói về thời gian thủ dữ của nhân.
Trong sáu loại nhân được nói ở trên, ở vị nào, nhân nào thủ quả, dữ quả?
Văn Tụng.
Hán:
五 取 果 唯 現 二與 果 亦 然
過 現 與 二 因
Việt dịch:
Năm nhân thủ quả chỉ ở hiện tại
Hai nhân dữ quả cũng như vậy
Quá khứ và hiện tại, dữ quả có hai nhân
Luận giải thích:
iv.i. Tổng quát.
Năm nhân thủ quả chỉ ở hiện tại, nhất định không thể là quá khứ vì chúng đã thủ; cũng chẳng phải vị lai, vì chúng không có tác dụng[69].
iv.ii. Vô sở duyên tứ cú:
iv.ii.i. Nhân năng tác.
Cũng nên như vậy mà nói, nhân năng tác không nhất định có quả nên ở đây không nói[70].
iv.ii.ii. Nhân tương ưng và câu hữu.
Nhân câu hữu và tương ưng dữ quả cũng như vậy, chỉ ở hiện tại; do hai nhân nầy thủ quả và dữ quả nhất định phải đồng thời.
iv.ii.iii. Nhân đồng loại và biến hành.
Hai nhân đồng loại và biến hành dữ quả thông với cả quá khứ, hiện tại.
Hỏi: Quá khứ khả dĩ như vậy, nhưng làm sao, hiện tại lại dữ quả đẳng lưu[71]?
Đáp: Có quả đẳng lưu vô gián sinh vậy. Nếu quả đã sinh, nhân liền trở thành quá khứ gọi là đã dữ quả, không thể lại dữ một lần nữa[72].
iv.ii.iv. Nhân đồng loại tính thiện.
Nhân đồng loại tính thiện có lúc thủ quả mà không dữ quả. Nên lập bốn câu để phân biệt.
Câu thứ nhất: thủ chẳng phải dữ – đó là đắc được xả bỏ ở sát na sau cùng khi đoạn thiện căn[73].
Câu thứ hai: dữ chẳng phải thủ – đó là đắc được thành tựu đầu tiên khi tiếp nối thiện căn. Nên nói, lúc đó, cái được nối tiếp là tiền đắc[74].
Câu thứ ba: cũng thủ cũng dữ – đó là người không đoạn thiện căn ở các vị khác[75].
Câu thứ tư: chẳng thủ chẳng dữ – đó là trừ các tướng trên[76].
iv.ii.v. Nhân đồng loại tính bất thiện.
Lại nữa, ở trong nhân đồng loại tính bất thiện, cũng có bốn câu. Câu thứ nhất – đó là đắc được buông bỏ sau cùng khi lìa dục tham[77].
Câu thứ hai – đó là đắc được thành tựu đầu tiên khi thối dục tham; nên nói, bấy giờ, thối tức là tiền đắc[78].
Câu thứ ba – đó là chưa lìa dục tham, ở nơi các vị khác.
Câu thứ tư – đó là trừ các tướng trước.
g. Nhân đồng loại hữu phú vô ký.
Ở trong hữu phú vô ký nhân đồng loại cũng có bốn câu.
Đối với A la hán, khi đắc, khi thối, vị đắc và vô học vị, nên như lý mà nói[79].
iv.ii.vi. Nhân đồng loại vô phú vô ký.
Trong vô phú vô ký nhân đồng loại thuận theo câu sau. Đó là khi dữ quả tất cũng thủ quả; hoặc có lúc thủ quả chẳng dữ quả, đó là A la hán, các uẩn tối hậu[80].
iv.iii. Hữu sở duyên tứ cú[81]:
iv.iii.i. Nhân đồng loại tính thiện.
Căn cứ vào sát na sai biệt của các pháp hữu sở duyên, nhân đồng loại tính thiện cũng có bốn câu.
Câu thứ nhất: thủ mà chẳng phải dữ – đó là thiện tâm vô gián khởi nhiễm vô ký tâm.
Câu thứ hai: dữ chẳng phải thủ – đó là trái ngược câu trên.
Câu thứ ba: cũng thủ cũng dữ – thiện tâm vô gián hoàn khởi thiện tâm.
Câu thứ tư: chẳng phải thử cũng chẳng phải dữ – trừ các tướng trước.
iv.iii.ii. Nhân đồng loại tính bất thiện.
Bất thiện tâm, v.v... như theo sở ứng của chúng, cũng có bốn câu. Theo các ví dụ trên mà nói.
iv.iv. Ý nghĩa thủ quả, dữ quả.
Hỏi: Thủ quả dữ quả ý nghĩa thế nào?
Đáp: Có khả năng làm chủng tử cho quả nên gọi là thủ quả. Khi đang cung cấp lực cho quả gọi là dữ quả[82].
Văn tụng.
Hán:
一 與 唯 過 去 /104/.
Việt dịch:
Một nhân dữ quả, chỉ ở quá khứ /104/
Nhân dị thục dữ quả duy chỉ ở quá khứ, vì quả dị thục không cùng thời với nhân và không vô gián.
Thuyết khác.
Lại có các Luận Sư nói, ngoài năm quả trước, còn có bốn quả khác: 1. An lập quả: như thuỷ luân, quả của phong luân, cho đến cỏ, v.v... là quả của đại địa. 2. Da hạnh quả: như vô sinh trí, v.v... là quả xa của bất tịnh, v.v... 3. Hoà hợp quả: như nhãn thức, v.v... là quả của nhãn căn, v.v... 4. Tu tập quả: như hoá tâm, v.v..., quả của các tịnh lự. Bốn quả như vậy đều nhiếp thuộc vào hai quả tăng thượng và sỹ dụng.
Nói nhân quả xong.
c. Các pháp do nhân sinh.
Hỏi: Lại nên suy nghĩ, trong đó, pháp nào, do bao nhiêu nhân sinh khởi[83].
Đáp: Pháp tóm tắt có bốn loại: pháp nhiễm ô, pháp dị thục sinh, pháp sơ vô lậu và các pháp khác[84].
Các pháp khác đó là gì[85]?
Trừ dị thục vô ký, các pháp vô ký còn lại; trừ sơ vô lậu, các thiện pháp còn lại[86].
i.Giải thích pháp từ nhân sinh.
Bốn pháp như vậy,
Văn Tụng.
Hán:
染 污 異 熟 生 餘 初 聖如 次
除 異 熟 遍 二 及同 類 餘 生 /105/
此 謂 心 心 所 餘及 除 相 應[87] /106ab/.
Việt dịch:
Pháp nhiễm ô[88], dị thục sinh
các pháp khác, và pháp sơ thánh[89] như thứ tự,
trừ nhân dị thục, biến hành, cả hai nhân
và nhân đồng loại, được sanh khởi bởi các nhân còn lại /105/
Đây chỉ cho tâm, tâm sở[90].
Sắc và bất tương ưng pháp trừ thêm nhân tương ưng[91]/106ab/
Luận giải thích:
Bốn pháp.
i.i. Các pháp nhiễm ô:
Trừ nhân dị thục, do năm nhân còn lại sinh khởi.
i.ii. Pháp dị thục sinh:
Trừ nhân biến hành, do năm nhân còn lại sinh.
i.iii. Các pháp khác:
Trừ hai nhân dị thục và biến hành, do bốn nhân còn lại sinh. i.iv. Pháp sơ vô lậu:
Trừ hai nhân trước và nhân đồng loại, do ba nhân còn lại sinh[92]. Bốn pháp được nói như vậy là gì[93]?
Đó là bốn pháp thuộc tâm, tâm sở.
Bốn pháp thuộc tâm bất tương ưng hành và sắc do bao nhiêu nhân sinh khởi?
Ngoài các nhân đã trừ như tâm, tâm sở, còn trừ thêm nhân tương ưng; nên biết, các sắc pháp, bất tương ưng hành pháp (dư) đều do các nhân còn lại, hoặc bốn, ba, hai sinh khởi. Trong đó, các pháp nhiễm ô, pháp dị thục sinh do bốn nhân còn lại sinh khởi. Các pháp khác (ngoài ba pháp trên) do ba nhân còn lại sinh khởi. Pháp sơ vô lậu do hai nhân còn lại sinh khởi. Pháp do một nhân sinh khởi nhất định không có.
dịch Việt: Thích Phước Viên
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|