阿 毗 達 磨 俱 舍 論
ABHIDHARMAKOŚABHĀṢAYĀM - q.3.
Nguyên tác: Thế Thân
Hán dịch: Huyền Trang
Việt dịch: Thích Phước Viên
PHẨM II: PHÂN BIỆTCĂN 1
TIẾT I : 22 CĂN
I. Ý nghĩa của căn
Như vậy, nhân nói về 18 giới, đã nêu lên 22 căn; trong đó, căn có nghĩa là gì?
Tối thắng, tự tại, quang hiển gọi là căn; do ba tính chất nầy tạo thành nghĩa tăng thượng của căn.
Với nghĩa tăng thượng, căn nào có công năng đối với những vấn đề nào?
1. Hữu Bộ.
Văn Tụng.
Hán.
T29n1558_p0013b14║ 傳說五於四 四根於二種
T29n1558_p0013b15║ 五八染淨中 各別為增上
Âm Hán.
Truyền thuyết ngũ ư tứ Tứ căn ư nhị chủng
Ngũ bát nhiễm tịnh trung Các biệt vi tăng thượng.
Việt dịch.
Truyền thuyết, năm căn đối với bốn
Bốn căn đối với hai.
Năm, tám, trong nhiễm tịnh
Mỗi mỗi đều tăng thượng /1/.
Luận giải thích.
/1a/ Truyền thuyết, năm căn đối với bốn.
Năm căn mắt, tai v.v..., mỗi một căn, trong bốn khía cạnh, có khả năng tăng thượng: một, trang nghiêm thân; hai, đạo dưỡng thân; ba, sanh thức; bốn, bất cọng sự.
Một, trang nghiêm thân: hai căn mắt, tai trang nghiêm thân nghĩa là, nếu mắt mù, tai điếc thì thân hình trở nên xấu xí.
Hai, đạo dưỡng thân: nhờ sự thấy nghe mà tránh được tai nạn nguy hiểm.
Ba, sanh thức: hai căn nầy là sở y, phát sinh hai thức tương ứng và các tâm sở.
Bốn, bất cọng sự: chỉ có mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mỗi mỗi đều riêng biệt.
Ba căn mũi, lưỡi, thân: về trang nghiêm thân cũng giống như mắt, tai. Đạo dưỡng thân: có khả năng nạp thọ các loại thực phẩm có tính đoạn thực. Sanh thức: phát sanh ba thức mũi, lưỡi, thân và các tâm sở; bất cọng sự nghĩa là, chỉ có mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân giác xúc.
/1b/ Bốn căn đối với hai.
Bốn căn: nữ căn, nam căn, mạng căn và ý căn. Mỗi một căn nầy, đối với hai vấn đề, có khả năng tăng thượng. Trong đó, hai căn nữ nam tăng thượng trong hai khía cạnh: một, khác nhau về giới tính; hai, khác nhau về hình tướng. Khác nhau về giới tính, đó là, do hai căn nầy khiến có sự khác nhau về chủng loại nam nữ hữu tình. Khác nhau về hình tướng, đó là, cũng do hai căn nầy tạo nên sự sai khác về tiếng nói, hình dáng, và vú nhỏ vú lớn, v.v...
Một quan điểm khác (Kinh Lượng bộ):
Nữ căn, nam căn, đối với hai pháp nhiễm, tịnh, có khả năng tăng thượng cho nên nói là hai. Lý do vì sao? Bởi lẽ, những người thuộc hạng phiến đề, bán trạch hay nhị hình hoặc do bản tánh hoặc do tổn hoại đều không thể tạo tác các pháp tạp nhiễm như bất luật nghi, vô gián, đoạn thiện căn, cũng như không thành tựu các pháp thanh tịnh như luật nghi, đắc quả, ly nhiễm.
Mạng căn có hai nghĩa là đối với chúng đồng phầncó khả năng tăng thượng trong hai khía cạnh là giữ gìn và làm tương tục .
Ý căn có khả năng tăng thượng trong hai khía cạnh là tiếp nối đời sau và tự tại tuỳ hành. Tiếp nối đời sau, như Khế kinh nói: đó là lúc, kiền đạt phược, ở trong tâm, tuỳ thuộc vào (tương ưng với) một tính chất mà hiện tiền (thành sanh hữu), nghĩa là, hoặc cùng với ái, hoặc cùng với nhuế v.v...
Tự tại tùy hành, như Khế kinh nói:
Tâm có khả năng dẫn dắt thế gian,
Tâm nhiếp thâu tất cả các thọ.
Như vậy, tâm là một pháp
có khả năng tự tại tuỳ hành.
/1cd/ Năm, tám trong nhiễm, tịnh; mỗi mỗi đều tăng thượng:
Năm tức năm thọ căn (vedanendriya), lạc v.v... và tám tức tám căn vô lậu, tín, tấn v.v..., đối với các pháp nhiễm tịnh, theo thứ tự, có khả năng tăng thượng. Năm thọ căn lạc v.v... tăng thượng cho các pháp nhiễm ô, nghĩa là, chúng là nơi các phiền não tham, sân v.v... tăng trưởng. Tám căn tín v.v... tăng thượng cho các pháp thanh tịnh, nghĩa là, các pháp thanh tịnh theo đó mà sanh trưởng.
Có Luận sư khác nói: các căn lạc v.v... cũng có khả năng tăng thượng cho các pháp thanh tịnh. Như Khế kinh nói: do lạc (sukha) cho nên tâm định; khổ (duḥkha) là yếu tố phát sinh tín. Và y chỉ của xuất ly (giải thoát) chính là hỷ, ưu, xả.
Trên đây là những điều được nói bởi của các Luận sư Tỳ-bà-sa.
2.Kinh Lượng Bộ
Văn Tụng.
Hán:
T29n1560-p0312a08 : 了 自 境 增 上 總 立 於 六 根
T29n1560-p0312a09 : 從 身 立 二 根 男 女 性 增 上
Âm Hán:
Liễu tự cảnh tăng thượng Tổng lập ư lục căn
Tùng thân lập nhị căn Nam nữ tánh tăng thượng
Việt Dịch:
Tăng thượng liễu tự cảnh Lập tất cả sáu căn
Từ thân lập hai căn Tăng thượng tánh nam nữ /2/
Luận giải thích:
Các Luận sư khác nói, đạo dưỡng thân chẳng phải là công năng của mắt, tai mà đó là công năng tăng thượng (ādhipatya) của thức; chính do thức liễu biệt mới có khả năng tránh được các hiểm nạn, thọ dụng các thức ăn. Các công năng thấy sắc v.v... cũng chẳng phải là của cái gì khác ngoài thức. Cho nên, yếu tố bất cọng sự đối với các căn mắt, tai v.v... không thể lập thành một tác dụng tăng thượng riêng. Do vậy, không thể căn cứ vào đó mà nói rằng, mắt, tai v.v... là căn.
Nếu vậy thì thế nào?
/2ab/ Tăng thượng liễu tự cảnh, lập tất cả sáu căn: Liễu tự cảnh là sáu thức thân. Năm căn mắt, tai, v.v... đối với các thức liễu biệt cảnh riêng biệt, có tác dụng tăng thượng; đệ lục ý căn (mana-indriya) đối với thức liễu biệt tất cả cảnh, có tác dụng tăng thượng. Cho nên, sáu cơ quan mắt, tai, v.v... đều được lập làm căn.
Ngoại nạn: Màu sắc, âm thanh, v.v... đối với các thức năng liễu biệt cũng có tác dụng tăng thượng, lẽ ra nên lập làm căn?
Nói tăng thượng có nghĩa là tối thắng tự tại. Căn con mắt đối với việc phát khởi nhãn thức là tối thắng tự tại cho nên gọi là tăng thượng; nó là nhơn chung cho các thức liễu sắc và thức tùy thuộc vào căn mà có sự sáng (paṭu) tối (maṇḍa) khác nhau. Sắc thì không như vậy; hai bên trái ngược nhau. Cho đến ý căn cũng như vậy.
/2cd/ Từ thân lập hai căn; tăng thượng tánh nữ nam: từ thân (kāyendriya) lại lập hai căn nữ và nam, bởi lẽ đối với tính nữ, tính nam, chúng có tác dụng tăng thượng. Thể của hai căn nữ nam không tách rời khỏi thân căn; từ một phần của thân, lập nên tên gọi nầy.Theo thứ tự, đối với thân nữ thân nam, hai căn nầy có tác dụng tăng thượng. Vì chúng hơi khác với các phần khác của thân nên lập riêng thành hai căn. Những loại hình tướng, âm thanh, nghề nghiệp, chí hướng và sự ưa thích thuộc phái nữ, gọi là tính nữ (strībhāva). Những loại hình tướng, âm thanh, nghề nghiệp, chí hướng (abhiprāya) và sự ưa thích, thuộc phái nam, gọi là tính nam. Sự khác nhau về phái tính nầy là do hai căn nữ nam, nên nói rằng hai căn nữ nam có công năng tăng thượng đối với hai loại phái tính.
Văn Tụng.
Hán:
T29n1560-p0312a10 : 於 同 住 雜 染 清 淨 增 上 故
T29n1560-p0312a11 : 應 知 命 五 受 信 等 立 為 根
Âm Hán:
Ư đồng trú tạp nhiễm Thanh tịnh tăng thượng cố
Ưng tri mạng ngũ thọ Tín đẳng lập vi căn
Việt dịch:
Tăng thượng sự tồn tại, Tạp nhiễm và thanh tịnh
Nên biết, mạng, năm thọ, Tín, v.v... lập làm căn /3/.
Luận giải thích:
/3a/.Tăng thượng sự tồn tại : mạng căn có công năng tăng thượng đối với sự tồn tại (trú) của chúng đồng phần.
/3b/. Tạp nhiễm : năm thọ căn lạc, v.v... có công năng tăng thượng đối với các pháp tạp nhiễm.Vì sao biết được? vì Khế kinh nói: ở trong lạc thọ, tính tham theo đó tăng trưởng; ở trong khổ thọ, tính sân tăng trưởng; trong không khổ không lạc thọ, vô minh (avidyā) tăng trưởng.
/3b/. và thanh tịnh: năm căn: tín, v.v... có công năng làm tăng trưởng các pháp thanh tịnh. Vì sao như vậy? Bởi do thế lực các căn nầy có khả năng điều phục các thứ phiền não, dẫn sanh thánh đạo.
/3cd/. Nên biết, mạng, năm thọ, tín, v.v... lập làm căn : nói "nên biết” ý khuyên nên chấp nhận tất cả đều là căn.
Văn Tụng:
Hán:
T29n1560-p0312a12 : 未 當 知 已 知 具 知 根 亦 爾
T29n1560-p0312a13 於 得 後 後 道 涅 槃 等 增 上
Âm Hán:
Vị đương tri dĩ tri Cụ tri căn diệc nhĩ
Ư đắc hậu hậu đạo Niết bàn đẳng tăng thượng.
Việt dịch:
Căn vị đương tri, dĩ tri, Và cụ tri cũng vậy
Tăng thượng hậu hậu đạo Và niết bàn vân vân /4/.
Luận giải thích:
Ba căn vô lậu có công năng tăng thượng đối với hậu hậu đạo, niết bàn v.v...
Nói "cũng vậy” tức theo đó suy ra để thấy tất cả đều là căn.
/4a/.Căn vị đương tri : căn vị tri đương tri có công năng tăng thượng trong việc chứng đắc dĩ tri căn đạo.
/4a/. dĩ tri : căn dĩ tri có công năng tăng thượng đối với việc chứng đắc cụ tri căn đạo.
/4bcd/. Và cụ tri cũng vậy, tăng thượng hậu hậu đạo và niết bàn vân vân : căn cụ tri có công năng tăng thượng đối với việc chứng đắc niết bàn. Tâm chưa giải thoát không thể chứng bát-niết-bàn.
Chữ "vân vân” chỉ cho các giải thích khác.
Cách giải thích khác là gì? Đó là, trong việc đoạn trừ các phiền não của giai đoạn kiến đạo, căn vị tri đương tri có công năng tăng thượng. Trong việc đoạn trừ các phiền não của giai đoạn tu đạo, căn dĩ tri có công năng tăng thượng. Trong hiện pháp lạc trú, căn cụ tri có công năng tăng thượng; do căn cụ tri nầy mà cảm nhận được những hỷ, lạc ở trong thân giải thoát.
II: PHẾ LẬP CÁC CĂN
1. Hữu Bộ
a. Nếu với nghĩa tăng thượng mà lập làm căn thì, các phẩm loại như vô minh, v.v..., lẽ ra cũng nên lập làm căn. Bởi vì, vô minh, v.v... là nhơn của các quả hành, v.v..., mỗi một thứ đều có công năng tăng thượng.
b. Lại nữa, ngữ cụ v.v... nên lập làm căn. Bởi lẽ, ngữ cụ, tay chân, đại tiểu tiện xứ, theo thứ tự, chúng có công năng tăng thượng đối với lời nói, việc cầm nắm, đi đứng, tống khứ, lạc thú.
c.Hữu Bộ trả lời: tất cả các thứ đó đều không thể lập làm căn. Bởi lẽ, đã chấp nhận rằng, căn có tướng như vậy:
Văn Tụng.
Hán:
T29n1560-p0312a14 : 心 所 依 此 別 此 住 此 雜 染
T29n1560-p0312a15 : 此 資 糧 此 淨 由 此 量 立 根
Âm Hán:
Tâm sở y thử biệt Thử trú thử tạp nhiễm
Thử tư lương thử tịnh Do thử lượng lập căn
Việt dịch:
Sở y của tâm, nó khác nó tồn tại, nó tạp nhiễm
Tư lương của nó, nó tịnh với số lượng nầy lập căn/5/.
Luận giải thích:
Sở y của tâm là sáu căn mắt, v.v...; sáu nội xứ nầy là những yếu tố căn bản tạo nên hữu tình; tướng trạng khác nhau của sáu nội xứ, do hai căn nữ nam tạo nên. Nó* tồn tại trong một thời gian, do mạng căn. Nó* thành tạp nhiễm, do năm thọ căn. Tư lương thanh tịnh của nó* là năm căn tín v.v... Nó* trở thành thanh tịnh, do ba căn sau. Do những yếu tố trên, việc lập căn đã được ổn định. Đồng thời, không nên chấp nhận vô minh, v.v... và ngữ cụ, v.v..., được lập làm căn. Bởi lẽ, trong đó, chúng không có công năng tăng thượng.
2. Dị thuyết.
Lại có các Luận sư khác nói về tướng của căn rằng,
Văn Tụng.
Hán:
T29n1560-p0312a16 : 或 流 轉 所 依 及 生 住 受 用
T29n1560-p0312a17 : 見 立 前 十 四 還 滅 後 亦 然
Âm Hán:
Hoặc lưu chuyển sở y Cập sanh trú thọ dụng
Kiến lập tiền thập tứ Hoàn diệt hậu diệc nhiên.
Việt dịch:
Hoặc sở y của lưu chuyển Và sanh, trú, thọ dụng
Lập mười bốn căn đầu. Hoàn diệt sau, cũng vậy/6/.
Luận giải thích:
Chữ "hoặc” được dùng để chỉ cho thấy đây là quan điểm của các Luận sư khác; đó là, căn cứ vào lưu chuyển và hoàn diệt mà thành lập 22 căn.
Sở y của lưu chuyển là sáu căn mắt, v.v.... Sự sinh thành của sáu căn do hai căn nữ nam. Tồn tại do mạng căn dựa vào đây mà tồn tại. Thọ dụng do dựa vào năm thọ thân vì chúng có sự cảm nghiệm. Căn cứ vào đây, thành lập 14 căn đầu.
Trong hoàn diệt vị, cũng căn cứ vào sự khác nhau của bốn nghĩa nầy, lập thành 8 căn sau:
Sở y của hoàn diệt là năm căn tín, tấn, niệm, định, huệ. Trong ba vô lậu, do sơ vô lậu căn nên niết-bàn sanh khởi; do vô lậu căn kế tiếp mà an trụ; do vô lậu căn cuối cùng nên niết bàn được thọ dụng (hiện pháp lạc trú).
Số lượng của các căn, do bốn nghĩa nầy mà thành lập, không thêm không bớt. Tức do nhơn duyên bốn nghĩa nơi lưu chuyển, hoàn diệt, nên trong Kinh đã thành lập 22 căn theo thứ tự.
*Bác bỏ các quan điểm khác
Ngữ cụ (lưỡi) không thể là căn (tăng thượng) của ngôn ngữ (vāc). Bởi lẽ, phải đợi có sự học hành, ngôn ngữ mới thành tựu.
Tay (pāṇi), chân (pāda) không thể là căn (tăng thượng) của sự cầm nắm, đi đứng, vì chúng không có tính chất nào khác; nghĩa là chính tay chân khi phát sinh ở vị trí vị trí khác, bằng hình thức khác gọi đó là cầm nắm, hay bước đi. Hơn nữa, không cần đến tay chân vẫn có sự cầm nắm, đi đứng; chẳng hạn như các loài bò sát. Cho nên, không thể lấy tay chân lập làm căn cho việc cầm nắm, đi đứng được.
Đại tiện xứ (pāyu) không thể lập làm căn cho việc tống khứ khí vật. Bởi lẽ, tất cả các vật nặng, ở giữa không trung, đều phải rơi xuống. Lại nữa, ở đây, do lực của phong tống xuất ra. Xuất tiểu tiện xứ (upastha) không thể lập làm căn cho vấn đề sinh lạc. Bởi lẽ, chính nữ nam căn khởi sinh lạc sự.
*Đặt vấn đề
Các thứ như cổ họng (kaṇṭha), răng (danta), mí mắt (akṣivartman), đốt xương (āṅgulīparvan), có tác dụng hỗ trợ đối với việc nuốt (abhyavaharṇa), nhai (carvaṇa), mở nhắm (unmeṣanimeṣa), co duỗi (saṃkocavikāśa), nên lập làm căn. Hoặc, tất cả các nhơn có khả năng tác động đối với tự sở tác (quả), do đó cũng nên lập làm căn.
*Bác bỏ
Tất cả các thứ đó tuy có tác dụng nhưng chẳng phải là tăng thượng nên không thể lập làm căn. Ở đây, ngữ cụ v.v..., cũng không thể lập làm căn.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|