A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ LUẬN
阿 毘 達 磨 俱 舍 論
ABHIDHARMAKOŚABHĀṢYĀM
dịch và chú Thích PHƯỚC VIÊN
2.CÁC UẨN PHI SẮC.
A.TỤNG VĂN.
Hán văn.
此 中 根 與 境 許 即 十 處 界
受 領 納 隨 觸 想 取 像 爲 體
四 餘 名 行 蘊 如 是 受 等 三
及 無 表 無 為 名 法 處 法 界
識 謂 各 了 別 此 即 名 意 處
及 七 界 應 知 六 識 轉 為 意
由 即 六 識 身 無 間 滅 為 意
成 第 六 意 識 十 八 界 應 知
Phiên âm.
Thử trung căn dữ cảnh Hứa tức thập xứ giới
Thọ lãnh nạp tuỳ xúc Tưởng thủ tượng vi thể
Tứ dư danh hành uẩn Như thị thọ đẳng tam
Cập vô biểu vô vi Danh pháp xứ pháp giới
Thức vị các liễu biệt Thử tức danh ý xứ
Cập thất giới ưng tri Lục thức chuyển vi ý
Do tức lục thức thân Vô gián diệt vi ý
Thành đệ lục ý thức Thập bát giới ưng tri
Việt dịch.
Trong đây, căn và cảnh, là mười xứ, mười giới
Thọ, cảm nhận theo xúc. Tưởng, thủ tượng là thể/14/
Ngoài bốn, là hành uẩn. Như vậy, ba uẩn thọ v.v.../15/
và vô biểu, vô vi, là pháp xứ, pháp giới.
Thức, mỗi mỗi liễu biệt. Đây chính là ý xứ,
Và bảy giới, nên biết. Sáu thức chuyển thành ý/16/.
Tức chính sáu thức thân vô gián diệt, là ý.
Lập sở y thứ sáu; mười tám giới, nên biết./17/
B. LUẬN THÍCH.
1.Tổng hợp uẩn xứ giới của sắc.
Chính các tự thể sắc uẩn được nói ấy, là căn và cảnh tức mười xứ vậy
(14a-b) Trong đây, căn và cảnh, là mười xứ mười giới.
Nghĩa là, trong phạm vi của xứ, lập thành mười xứ -nhãn xứ, sắc xứ, v.v... cho đến thân xứ, xúc xứ. Trong phạm vi của giới, lập thành mười giới –nhãn giới, sắc giới, v.v... cho đến thân giới, xúc giới.
Nói xong về sắc uẩn và lập thành xứ giới. Tiếp đến, nói về ba uẩn: thọ, v.v... và lập thành xứ giới.
2.Thọ uẩn (vedanāskandha).
(14c) Thọ, cảm nhận theo xúc
Thọ uẩn có ba loại: lạc, khổ, bất khổ bất lạc. Lại nữa, thọ (sự cảm nhận) được chia thành sáu loại cảm nhận của thân -cảm nhận sinh ra do nhãn thức tiếp xúc với sắc trần; cho đến cảm nhận sinh ra do ý thức tiếp xúc với pháp trần.
3.Tưởng uẩn (saṃjñāskandha)
(14d) Tưởng, thủ tượng là thể
Tưởng uẩn lấy sự chấp thủ ảnh tượng làm thể, tức là chấp thủ các tướng xanh vàng, dài ngắn, nam nữ, oán thân, khổ vui v.v... Tưởng cũng chia thành sáu loại tưởng thân. Theo cách nói của thọ để hiểu.
4.Hành uẩn (saṃskāraskandha)
(15a) Ngoài bốn, là hành uẩn
i.Hành tức ý chí.
Ngoài (các hành thuộc) sắc, thọ, tưởng và thức, tất cả các hành còn lại gọi là hành uẩn. Nhưng trong kinh, đức Thế tôn nói : «sáu tư thân là hành uẩn, ấy do vì lực của nó tối thắng.» Nghĩa là thế nào? –Bởi lẽ, hành là tạo tác, tư là tự thể của tạo tác (nghiệp); nó (tư) có lực tạo tác mạnh mẽ cho nên gọi là tối thắng. Do vậy, đức Phật dạy : nếu có khả năng tạo tác các pháp hữu lậu, hữu vi, gọi đó là hành thủ uẩn ... . Nếu không như vậy, các tâm sở khác và các bất tương ưng hành pháp không nhiếp thuộc vào uẩn. (Như vậy) chẳng phải khổ, chẳng phải tập, thì không thể là nên biết, nên đoạn. Đức Thế tôn dạy : nếu đối với một pháp, chưa thấu triệt, chưa biết rõ, Ta nói rằng, không thể vượt qua giới hạn của sự khổ. Chưa đoạn chưa diệt cũng nói như vậy. Cho nên, ngoài bốn uẩn, các pháp hữu vi còn lại đều nhiếp thuộc hành uẩn.
ii.Tổng hợp uẩn, xứ, giới của pháp.
(15bcd) Lại nữa, ba uẩn thọ, v.v... cùng vô biểu, vô vi là pháp xứ, pháp giới.
Ba uẩn thọ, tưởng, hành và vô biểu sắc, ba loại vô vi, cả thảy bảy pháp, trong phạm vi của xứ, lập thành pháp xứ ở trong phạm vi của giới, lập thành pháp giới.
5. Thức uẩn (vijñānaskandha)
i.Định nghĩa .
(16a) Thức,mỗi mỗi liễu biệt;
Mỗi thức đối với từng đối tượng riêng của nó, thủ đắc tổng tướng cho nên gọi là thức uẩn. Lại nữa, thức uẩn còn chia thành sáu loại thức thân –nhãn thức thân cho đến ý thức thân.
ii. Ý xứ (manaāyatana)
Thức uẩn được đề cập ở đây, trong phạm vi của xứ,lập thành ý xứ;
(16b) Đây chính là ý xứ
iii.Ý giới (manodhātu)
Trong phạm vi của giới, lập thành bảy giới.
(16c) Và bảy giới,
Những gì là bảy ?
(16d) Sáu thức chuyển thành ý
Đó là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; chính sáu thức thân chuyển thành ý giới.
Như vậy, năm uẩn được nói ở trong nầy là mười hai xứ, mười tám giới. Đó là, trừ vô biểu sắc, các sắc uẩn còn lại là mười xứ, cũng là mười giới. Các uẩn thọ, tưởng, hành cùng vô biểu, vô vi gọi là pháp xứ, cũng gọi là pháp giới.
Nên biết, thức uẩn gọi là ý xứ cũng gọi là bảy giới –sáu thức giới và ý giới.
iv. Tự thể của ý giới.
Há không phải thức uẩn là sáu thức thân ư; thế thì ngoài sáu thức nầy, cái gì gọi là ý giới ? không một pháp nào khác mà chính các thức ấy,
(17a-b) Tức chính sáu thức thân vô gián diệt, là ý.
Chính sáu thức thân nầy, sau khi diệt, không gián cách, có khả năng sinh khởi thức sau, cho nên gọi là ý giới. Chẳng hạn như, con của người nầy là cha của người kia; trái của cây nầy là giống của cây kia.
Nếu vậy, chỉ có 17 hoặc 12 giới mà thôi, vì sáu thức thân và ý thâu nhiếp lẫn nhau; và như vậy, vì lý do gì lại lập thành 18 giới?
(17c-d).Lập sở y thứ sáu; mười tám giới, nên biết.
Năm thức giới đều có năm giới nhãn, v.v... làm sở y; thức thứ sáu không có một sở y nào cả; do đó, với mục đích lấp thành sở y cho thức nầy mà nói ý giới. Như vậy, sở y, năng y, cảnh giới, mỗi loại có sáu, cọng thành 18 giới .
Nếu vậy, tối hậu tâm của bậc vô học (A la hán, Thập địa bồ tát), lẽ ra chẳng phải là ý giới, vì tâm nầy, sau khi diệt, không sinh khởi thức sau. Không phải vậy. Tâm nầy vốn đã có mặt trong tự thể của ý, do thiếu duyên nên không sinh khởi thức sau đó thôi.
TIẾT 2 : THIẾT LẬP BA KHOA
I.THỐNG NHẤT UẨN XỨ GIỚI
A.TỤNG VĂN
Hán văn
總 攝 一 切 法 由 一 蘊 處 界
攝 自 性 非 餘 以 離 他 性 故
類 境 識 同 故 雖 二 界 一 體
然 謂 令 端 嚴 眼 等 各 生 二
Phiên âm
Tổng nhiếp nhất thiết pháp do nhất uẩn xứ giới
Nhiếp tự tánh phi dư dĩ ly tha tánh cố
Loại cảnh thức đồng cố tuy nhị giới nhất thể
Nhiên vị linh đoan nghiêm nhãn đẳng, các sanh nhị
Việt dịch.
Tổng nhiếp tất cả pháp bằng một uẩn, xứ, giới;/18/
Nhiếp tự tánh, không ngoài vì lìa tha tánh vậy
Cùng một loại, cảnh, thức tuy hai giới, một thể
Song, vì khiến đoan nghiêm Nhãn, nhĩ đều sanh hai/19/
B. LUẬN THÍCH.
1.Nguyên lý tổng thể.
Ở đây, uẩn thâu nhiếp tất cả các pháp hữu vi; ngũ uẩn chỉ thâu nhiếp các pháp hữu lậu; xứ và giới thâu nhiếp toàn bộ tất cả các pháp.
Nhưng, theo tổng thể, nên biết :
(18a-b).Tổng nhiếp tất cả pháp bằng một uẩn, xứ, giới
Nghĩa là, với một sắc uẩn, một ý xứ và một pháp giới, nên biết thâu nhiếp tất cả các pháp. Ở trong các Kinh Luận có nói, về mặt thắng nghĩa,
(18c) Nhiếp tự tánh, không ngoài.
Nghĩa là chỉ thâu nhiếp tự tánh, không thâu nhiếp tha tánh. Vì sao?
(18d). vì lìa tha tánh vậy
Pháp nầy đối với một pháp khác không cùng chung tự tánh, luôn luôn có sự ngăn cách. Tự tánh cách biệt với tha tánh mà nói tương hợp là không đúng lý. Chẳng hạn như, nhãn căn chỉ thâu nhiếp sắc uẩn, nhãn xứ, nhãn giới, khổ đế, tập đế v.v... , những loại có cùng tự tánh. Không thâu nhiếp các uẩn khác, xứ khác, giới khác, v.v... những loại không có cùng tự tánh. Cũng trong Kinh Luận, có nói, về mặt thế tục, nên biết cũng có các pháp khác thâu nhiếp các pháp khác. Như bốn nhiếp pháp thâu nhiếp đồ chúng v.v.. .
2.Cá biệt.
Ba xứ nhãn, nhĩ, tỷ, mỗi một xứ đều có hai, thế thì vì sao, giới thể không phải là hai mươi mốt ?
Vấn nạn nầy phi lý, bởi lẽ ,
(19 a-b).Cùng một loại, cảnh, thức; tuy hai giới, một thể.
Cùng một loại : tức hai xứ có chung tự tánh là nhãn; cùng cảnh : hai xứ đều lấy sắc làm đối tượng; một thức : hai xứ đều là sở y của thức. Do đó, nhãn giới tuy có hai nhưng tự tánh chỉ một. Nhĩ, tỷ cũng nên an lập như vậy.
Nếu vậy, vì duyên cớ gì lại sanh ra hai y xứ ?
(19 c-d) Song, vì sự đoan nghiêm, Nhãn,v.v...,mỗi thứ có hai
Với mục đích khiến cho thân tướng sở y được đoan nghiêm nên giới thể tuy một nhưng xứ lại có hai. Nếu nhãn căn xứ, nhĩ căn xứ chỉ có một, tỷ căn xứ không có hai, thì thân thế trông rất khó coi .
Giải thích nầy không hợp lý; bởi lẽ, nếu từ xưa đến nay vốn như vậy thì có ai nói là xấu xí. Hơn nữa, giống miêu ly, v.v..., tuy có hai xứ nhưng có gì là đẹp đẽ.
Nếu nói vậy thì, ba căn kia vì sao lại có hai xứ ? –vì để giúp các thức có khả năng phân biệt, nhận biết rõ ràng hơn. Như thông thường, thế gian, nếu che một mắt, v.v... sự phân biệt, nhận biết về sắc, v.v..., không rõ ràng. Vì lý do đó, ba căn mỗi thứ đều có hai xứ.
Nói xong về sự thâu nhiếp trong uẩn, xứ, giới.
II.TÔNG LUẬN BA KHOA.
Hán văn.
聚 生 門 種 族 是 蘊 處 界 義
愚 根 樂 三 故 說 蘊 處 界 三
諍 根 生 死 人 及 次 第 因 故
於 諸 心 所 法 受 想 別 為 處
蘊 不 攝 無 為 義 不 相 應 故
隨 麤 染 器 等 界 別 次 第 立
前 五 境 唯 現 四 境 唯 所 造
餘 用 遠 速 明 或 隨 處 次 第
為 差 別 最 勝 攝 多 增 上 法
故 一 處 名 色 一 名 為 法 處
牟 尼 說 法 蘊 數 有 八 十 千
彼 體 語 或 名 此 色 行 蘊 攝
有 言 諸 法 蘊 量 如 彼 論 說
或 隨 蘊 等 言 如 實 行 對 治
如 是 餘 蘊 等 各 隨 其 所 應
攝 在 前 說 中 應 審 觀 自 相
空 界 謂 竅 隙 傳 說 是 明 闇
識 界 有 漏 識 有 情 生 所 依
Phiên âm
Tụ sanh môn chủng tộc thị uẩn xứ giới nghĩa
Ngu căn lạc tam cố thuyết uẩn xứ giới tam
Tránh căn sanh tử nhơn cập thứ đệ nhơn cố
Ư chư tâm sở pháp Thọ Tưởng biệt vi xứ
Uẩn bất nhiếp vô vi Nghiã bất tương ưng cố
Tuỳ thô nhiễm khí đẳng Giới biệt thứ đệ lập
Tiền ngũ cảnh duy hiện tứ cảnh duy sở tạo
Dư dụng viễn tốc minh hoặc tuỳ xứ thứ đệ
Vị sai biệt, tối thắng nhiếp đa, tăng thượng pháp
Cố nhất xứ danh sắc nhất danh vi pháp xứ
Mâu ni thuyết pháp uẩn số hữu bát thập thiên
Bỉ thể ngữ hoặc danh thử sắc hành uẩn nhiếp.
Hữu ngôn chư pháp uẩn lượng như bỉ luận thuyết
Hoặc tuỳ uẩn đẳng ngôn như thật hành đối trị
Như thị dư uẩn đẳng các tuỳ kỳ sở ứng
Nhiếp tại tiền thuyết trung ưng thẩm quán tự tướng
Không giới vị khiếu khích Truyền thuyết thị minh ám
Thức giới hữu lậu thức hữu tình sanh sở y.
Việt dịch.
Tụ tập, sanh môn, chủng tộc; là nghĩa của uẩn, xứ, giới.
Vì ba thứ-ngu, căn, lạc; nói ba khoa -uẩn, xứ, giới./20/
Nhơn tránh căn, sanh tử và cả nhơn thứ đệ;
Ở trong các tâm sở lập riêng thọ, tưởng uẩn./21/
Uẩn không nhiếp vô vi; nghĩa không tương ưng vậy.
Tuỳ thô, nhiễm, khí, giới mà thành lập thứ tự./22/
Năm(căn) trước, cảnh hiện tại. Bốn căn, cảnh sở tạo.
Ngoài ra, dùng xa, nhanh hoặc xứ, để sắp xếp thứ tự./23/
Vì giản biệt, ưu thế, nhiếp nhiều pháp và tăng thượng pháp
nên một xứ được gọi là sắc, một xứ được gọi là pháp./24/
Mâu ni nói pháp uẩn, có cả thảy tám vạn.
Thể là ngữ hoặc danh; nhiếp nhập uẩn -sắc, hành./25/
Có thuyết nói-các pháp uẩn, lượng như Luận kia nói.
Hoặc tuỳ theo uẩn v.v... mà nói, như thật hành đối trị./26/
Như vậy, các uẩn khác v.v... mỗi mỗi tuỳ tương thích,
nhiếp vào các uẩn, nói trước. Nên quán sát tự tướng./27/
Không giới là lỗ hỗng. Truyền thuyết là sáng tối.
Thức giới, thức hữu lậu; là sở y của sinh mạng./28/
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
|