× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Thánh Ngôn

Thánh Ngôn Hiệp Tuyển - Quyển Nhì


Bài 85: Thánh-giáo của Thái-Thượng Ðạo-Tổ bày tỏ chút ít điều mật-yếu.

Ngày 16 tháng 7 Giáp-Tuất (1934)

Thái-Thượng Ðạo-Tổ

Hỉ chư Ðạo-hữu. Cười...

Có lẽ chư Ðạo-hữu vẫn ngạc nhiên vì Bần-Ðạo đến thình-lình, mà chư Ðạo-hữu không để tâm trước đó chăng?

(M... Ng... bạch: Quả nhiên như lời của Ngài, vì Thượng-Phẩm có để lời trước rằng Chí-Tôn sẽ giảng dạy).

Chí-Tôn đã sở-cậy Bần-Ðạo thố-lộ chút ít điều mật-yếu, để dìu bước chư Ðạo-hữu trong buổi loạn-lạc trong nền Ðạo buổi nầy.

M... Ng... Hiền-hữu có nhớ những lời Bần-Ðạo đã giải-bày lúc trước bằng nhiều cách và lấy danh từ khác nhau mà dìu-dẫn chăng?

Cơ Trời mầu-nhiệm, đối với đời, mà máy Thiên-cơ đối với Ðạo, lại càng huyền-vi thậm-trọng hơn nữa, có lẽ tâm phàm dầu cao-kiến đến đâu, cũng chưa đạt thấu được. Những vai tuồng của Chí-Tôn sắp-đặt trên sân khấu Ðạo, nếu so-sánh lại cũng chẳng khác chi những bậc nguyên-nhơn lãnh phận-sự dìu đời từ xưa đến nay mà thôi.

Muốn an tâm tỉnh trí và đè nén lửa lòng, cần phải có một nghị-lực vô-biên, một tâm-trung quảng-đại, thì mới khỏi bực-tức với những trò đã vì mạng-lịnh Thiêng-liêng phô-diễn ở nơi thâm-hiểm nặng-nề nầy. Nên biết rằng, mỗi việc chi đều có hạn định, có căn-nguyên, dầu các bậc tiền-bối cũng vậy. Phải lấy nét đạo-đức mà đoán xét, thì mới hiểu thấu sự mầu-nhiệm vĩ-đại của Chí-Tôn sắp-đặt.

Xưa Hớn-Bái-Công chưa phải là chánh-đáng một vị Minh-Quân, mà cơ Trời vẫn để cho nghiệp Hớn ba trăm năm quyền-bính. Nào tật đố hiền-tài, hữu thỉ vô chung, nghe lời sàm tấu, giết người lao công hạn mã, nếu chẳng phải chí của Trương-Lương thì không thể nào khỏi xung-tâm oán-trách. Võ-Tắc-Thiên hoang-dâm thái-thậm, Tùy-Dương-Ðế lỗi Ðạo muôn phần, khi Sở Hạng bạo-ngược vô biên, Tần-Thủy-Hoàng hôn-quân cực-điểm, nhưng, than ôi! Máy Thiên-cơ buổi nọ nếu phải chìu-chuộng một ít vị công-thần bị khép vào vòng những kẻ đã chịu sở bức, thì phải thay-đổi, bôi-xóa sự-nghiệp non-sông của những chúa tể ngu-muội ấy chăng? cười...

Ðời là đời, Ðạo cũng vậy, chi chi cũng có định phân mực-thước. Những kẻ chí-sĩ lãnh trách-nhậm nghiêng vai gánh vác cả non-sông, đều làm phận sự, công nghiệp nhiều ít ấy, tính lời vốn với Tòa Thiêng-liêng, hoặc ghi tên tuổi vào thanh-sử thiên-niên, chớ chẳng phải để kể công-trình với chúa-tể ấy.

Than ôi! cái nư giận thường làm đổ-nát những công sáng tạo đã qua, không biết bao nhiêu vĩ-đại.

Hiền-hữu chỉ biết hành-động của người, mà chưa biết đến Thiên-thơ của Ðức Chí-Tôn. Có biết thạnh-suy, mà chưa chịu biết để công-linh đào-tạo thời-thế, đặng dìu-dắt chúng sanh cho kịp buổi.

Bần-Ðạo hỏi bốn Hiền-hữu có ai đã mang sao đội nguyệt, ăn mật nằm gai, chịu muôn sự khổ-hạnh cõi đời để tạo hạnh-phúc cho nhơn-sanh chưa?

(T... Ð... bạch......)

Cười... Ðối với bực hiền xưa, chưa đặng muôn một nếu Chí-Tôn không lập sớm Ðại-Ðạo, chờ đôi ba chục năm nữa, e khi các bậc nguyên-nhơn đang vị hiện-thời, đều phải chịu luân-hồi không biết mấy kiếp.

Ngày giờ nhặt-thúc, sanh chúng đương bơ-vơ, chẳng biết đuốc huệ soi về phương nào, mảng nói nói cười cười. M... Ng... Hiền-hữu có rõ ngày chung cuộc xây-trở về đâu chăng?

Chắc hẳn không, nhưng Thiêng-liêng vị, xin Hiền-hữu cũng nhớ để công-tâm trí-não vào chúng-sanh với, Hiền-hữu chịu chăng?

(M... Ng... bạch...... )


Cười... trách nhậm là trách nhậm, muốn làm thì dầu bao nhiêu cũng gọi thiếu, dầu ngày nào cũng gọi chẳng sớm, sớm là sớm nơi cái tâm bất định mà thôi. Chí-Tôn đã vì nỗi con-cái của Ngài mà sửa-chỉnh bước đường, thì Hiền-hữu lại há không vì sự yêu đương quí hóa ấy mà sửa đổi tâm trí cho quảng-đại sao?

Tà-chánh, cười... Bần-Ðạo nói thiệt, cũng chưa dám định-đoạt. Trong cái rủi thường có sự may; trong cái may vẫn khép cầm sự rủi, khó lường được, điều cần là nên làm mà thôi. Nếu luận tà-chánh, thì chưa một ai dám còn mang mắt phàm xưng tụng mình là chánh. Cái tà, vì thiên-thơ xử-dụng, tà vì cơ thử-thách của Tam-Giáo-Tòa; tà vì những quỉ xác ma hồn lẫn-lộn của quỉ-vương để làm cho công phu lỡ-dở. Mỗi cái tà có duyên-cớ ấy, ngày sau đều có sự biến-đổi Thiêng-liêng, hoặc có một kết-quả. Ngày chung qui, chỉ đem về Thầy một chữ tâm và những công-nghiệp đã gây thành cho sanh-chúng. Nền Ðại-Ðạo đã chia ba, theo lời Bần-Ðạo đã nói, M... Ng... Hiền-hữu muốn lập công nơi nào? Tòa-Thánh, Trung-Ương, Hậu-Giang?

(M... Ng... bạch... nơi Tòa-Thánh)

Tòa-Thánh là gốc-cội của Ðạo, nếu muốn lập công nơi đó, vì Thầy đã dạy, thì nên làm đi, cách xây-đổi phương-lược tùy cơ ứng-biến, ấy là cơ-nghiệp riêng của mỗi Ðạo-hữu, Bần-Ðạo không dám dạy, nếu chờ thì phải trễ chăng? Hiền-hữu nên xét, Ðời khác, Ðạo khác, những sự lỗi-lầm của mình tạo khổ cho mình mà nguyên-nhơn vẫn cứ huyền-bí, mắt thịt tâm phàm chưa dễ độ đặng, Nên xét cho xa.

Thăng

Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 530