× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Về Lương Tâm (14/1/Nhâm Dần - 1962)

Tâm hay là Lương Tâm là một vấn đề mà về mặt Ðạo người ta đã có nhiều bàn luận và có nhiều lý thuyết, nhưng đem những lý thuyết ấy ra thực hành thì ít ai có thể làm được.

LƯƠNG TÂM là gì?

Lương Tâm là một nguồn sáng thiêng liêng, một điểm linh quang của Trời ban bố cho con người để khuyên lơn dìu dắt và soi sáng bước đường đời cũng như đường Ðạo của mỗi cá nhân trong kiếp sanh. Dầu cho Thần Thánh Tiên Phật khi xuống thế mang xác phàm, thì buổi chung qui được thưởng hay phạt, đọa hay thăng đều do nơi Tâm cả, và con người được tánh linh hơn muôn vật là nhờ có Lương Tâm vậy.

Nên để ý là trong các đẳng cấp nhơn sanh, người dầu sang hay hèn, Thánh nhân hay là Phàm nhân cái Lương Tâm của Thiêng liêng ban cho đều có sự sáng suốt ngang nhau không khi nào chênh lệch.

Vì lẽ đó, nếu mỗi người ai cũng theo Thiên lý mà tu dưỡng và hành động thì cả thảy đặng được trọn lành.

Xưa thầy Nhan Hồi đã nói: Vua Thuấn là người nào, ta là người nào. Ai theo Ðạo mà làm thì cũng thế cả.

Tâm được sáng suốt mãi hay là trở nên mờ tối là do nơi con người biết nuôi nấng nâng cao nó lên hay là đàn áp làm cho nó bị che lấp mất.

Tâm ở nơi con người là một vị thần hộ mạng, là tiếng nói của lẽ phải, tiếng nói của thiên lương, của chơn lý, tức là tiếng nói của Trời.

Khi con người bị cám dỗ vào đường bất chánh, bị lôi cuốn theo sắc dục hoặc lợi quyền thì Lương Tâm chực sẵn để cản ngăn bằng những lý lẽ cao siêu. Vì đó có sự phản ứng, có tiếng đối lập với dục vọng, tức là với tà thần.

Cứu cánh của sự xung đột giữa LƯƠNG TÂM và DỤC VỌNG có khi Lương Tâm đắc thắng, đó là Thánh đức thắng tà thần, có khi ta quá nhu nhược, thiếu đạo đức để cho dục vọng đàn áp lương tâm, tức nhiên ta phải sa ngã vào đường tội lỗi. Ðó là tinh thần chịu khuất phục vật chất.

Một lần sa ngã cũng chưa phải hại lớn, ngặt nỗi cái sa ngã này lôi cuốn cái sa ngã khác, thất tình lục dục luân phiên nhau đưa đẩy ta đi đến mức đường cùng tối tăm ô trược, là vì ngọn đèn thiêng liêng ở nơi mình đã không khêu lên lại làm cho nó bị lu mờ và đàn áp cho đến chỗ bế tắc, thì con người lúc ấy đã mất trọn cả Lương Tâm, và kiếp sống như thế trở nên nguy hiểm cho xã hội.

Về mặt Ðạo đối với người đã tầm được lý tưởng nhiệm mầu, cái tâm cần phải giữ cho trong sạch, cần phải được nuôi nấng và nâng cao. Tôn chỉ đạo là khêu ngọn đuốc thiêng liêng để dìu đời thoát tục, nếu Tâm không đủ sáng suốt, không nhận định chánh tà, chính mình không tự kềm nỗi với vật dục thì thế nào đi vững bước đường tu để độ chúng?

Trước khi nhập Ðạo ta đã từng quan sát, tìm hiểu lẽ sâu xa của Cơ Ðạo và quan niệm cái thống khổ của cuộc đời. Rõ biết rồi ta dọn mình lập ý cho thành, tâm cho định mới đến khắc kỷ tu thân.

Khi người tu đã có sẵn chí hướng đi từ bước một, mỗi bước mỗi dè dặt cân phân và nên mãi đinh ninh rằng người nơi cửa Ðạo phải quyết tâm ra khỏi lối thường tình, tức là phải đi ngược với thế sự...

Ðời chuộng vinh sang, Ðạo chuộng khổ hạnh, đời ham trược phú, Ðạo giữ thanh bần, lên xe xuống ngựa chốn phồn hoa đổi lại cảnh lê hoát nâu sồng, nơi cửa Ðạo tương dưa thanh đạm tháng ngày, để mặc miếng mỹ vị cao lương ngoài quán tục.

Giữ được bao nhiêu đức tính ấy, người hành đạo bước được vững vàng, không dục vọng nào lôi cuốn nỗi.

Theo THÍCH GIÁO- người tu phải trau dồi bản tâm được sáng suốt đặng biết rõ được lẽ nhiệm mầu của Ðạo pháp, các điều vọng niệm phải tiêu tan, sống ở chơn tâm tức là MINH TÂM KIẾN TÁNH. Ví bằng bản tâm để cho mờ ám vọng động bởi sức quyến rũ bên ngoài thì người tu còn ở trong vòng mê muội không trông gì tầm lối giải thoát.

Vậy mê là chúng sanh, ngộ là Phật, bởi cái Tâm quá nông nổi nên Phật giáo cho là TÂM VI TẶC tức là Tâm ví như tên giặc loạn. Vì lẽ cái Tâm tạo thành tam nghiệp: THÂN NGHIỆP, Ý NGHIỆP, KHẨU NGHIỆP làm cho con người bị luân hồi từ kiếp nầy đến kiếp khác, kế tiếp không ngừng, Tâm làm cho người phải sa đọa mà Tâm cũng đưa người đến ngôi vị Tiên Phật, do đó Phật giáo cho là nhứt thiết do TÂM ÐẠO.

Theo triết học của ÐẠO GIÁO thì Ðức LÃO TƯ rất chú ý đến việc tu thân để cho mình có đủ đức tính kéo lại những lỗi lầm sa ngã của quần chúng. Ngài nói: Ta sở dĩ có điều lo lớn là vì ta có cái thân, nếu không có cái thân thì ta có lo gì.

Có thân là có cái Tâm, có cái Tâm không dễ gì điều khiển và gìn giữ cho trong sạch. Theo thuyết của Ngài, cái thân đáng quí là khi đem nó ra phụng sự cho thiên hạ, vì khi phụng sự cho thiên hạ thì cái Tâm không còn xao xuyến, ích kỷ để lo riêng cho mình nữa.

Cái TÂM hay lừa đảo, làm cho con người sa ngã, nên theo phép tu thân của LÃO GIÁO, người tu phải dứt bỏ những điều ham muốn, những tư tưởng ngông cuồng có thể hại đến tâm tánh. Phải sống gần gủi với thiên nhiên, lánh xa thế tục, giữ lòng được phẳng lặng, bình tĩnh để trông rõ sự huyền diệu thiêng liêng, tức là lấy cái TÂM đè nén cái khí để nuôi nấng tinh thần được cao siêu thoát tục.

KHỔNG GIÁO cho rằng TÂM là thần minh của Trời phú cho, nên TÂM của ta với Trời là một thể, THẦY MẠNH TỬ lại cho tánh là cái bản nguyên thiêng liêng đối với TÂM vẫn có một, hễ biết rõ Tâm thì ta biết rõ Tánh, biết rõ Tánh là biết rõ Trời Ðất vạn vật, tức là cách vật trí tri vậy.

TỒN TÂM DƯỠNG TÁNH là giữ cho còn cái TÂM HƯ LINH của mình, nghĩa là đừng để cho tư ý che lấp mất và nuôi cái TÁNH cho được sáng suốt toàn hảo như của Trời đã ban cho ta, tức là thờ Trời đó.

Cái bản TÂM giữ được còn mới thật là LƯƠNG TÂM, có LƯƠNG TÂM mới có LƯƠNG NĂNG và LƯƠNG TRI là cái giỏi biết rất tự nhiên, rất mẫn huệ.

Theo thuyết KHỔNG GIÁO, người ta ở đời phân biệt nhau ở nơi quân tử hay tiểu nhân. Hiền hay ngu là do người ta giữ cho còn cái Tâm hay là để cho mất cái Tâm, giữ cho còn cái TÂM là sánh được với bậc THÁNH HIỀN, bỏ mất cái TÂM, con người chỉ là một cây thịt biết đi, biết chạy mà thôi.

Thầy MẠNH TỬ chú ý nhứt về chỗ tìm lại cái TÂM của mình đã để sổ ra mất, vì lẽ con người ta để con gà, con chó sổ ra còn biết đi tìm, há đâu để món báu thiêng liêng là cái tâm của mình mất đi, lại không lo tìm lại hay sao?

Tìm lại cái tâm đã mất tức là TU THÂN vậy, sự tu thân sửa mình rất nên cần yếu, dầu cho bậc vua chúa dĩ chí thứ dân ai cũng lo sửa mình cho ra người có đức hạnh hầu xử sự cho hợp với lẽ phải.

Ngày nay chúng ta rất may duyên được Ðức CHÍ TÔN dìu dắt vào nền ÐẠI ÐẠO, chúng ta nên gắng công trau giồi bản tâm hầu nâng cao danh thể Ðạo và thức tỉnh những kẻ sái bước lạc đường.

Người hành Ðạo phải làm gương mẫu cho nhơn sanh, phải nuôi nấng kềm chế cái tâm cho được thanh cao trong sạch khác hơn người ở mặt đời.

Ðối với những người chưa nhập Ðạo, chúng ta chịu kém về phần học thức, về tiền bạc, về cách phục sức và cả hình thức bên ngoài. Nhưng chúng ta nhứt định không chịu kém về phần TÂM ÐẠO, về Hiền Từ và Ðức Tính.

Sau khi so sánh, nếu chúng ta tự hỏi mình và đã nhận thức là chúng ta chưa hơn họ về mấy điểm vừa kể qua thì chúng ta phải cố gắng trau giồi cái tâm cho đến khi đạt được mức cao siêu hơn thường tình thì ta mới chịu cho. Ðó là chí hướng tối cần cho người tu hành.

Trong khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta họp nhau nơi ÐỀN THÁNH để chiêm ngưỡng, thử hỏi chúng ta dâng lên cho Ðức CHÍ TÔN cái chi gọi là quí báu nhứt của chúng ta? Thì chúng ta chỉ dâng lên cho ÐẠI TỪ PHỤ cái TÂM của chúng ta mà thôi, ngoài cái TÂM ra chúng ta không dám dâng món chi khác, vì tất cả đều là thường tình và phàm tục. Nhưng cái TÂM phải thế nào mới đáng được dâng lên cho Ðức CHÍ TÔN. Ðiều đó mỗi người trong chúng ta đều có thể tự xét mà tự giải quyết được.

Riêng tôi... tôi thiết tha cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN giúp sức Thiêng Liêng cho toàn thể Chức sắc và Quý bạn trau dồi BẢN TÂM được minh mẫn trong sạch, để được xứng đáng dâng lên Ðức CHÍ TÔN và PHẬT MẪU./.

CAO THƯỢNG SANH


Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1093