× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Về Luật Nhơn Quả (Vía Ðức Phật Thích Ca, 8/4/Tân Sửu 1960)

Phật Giáo gọi tất cả những thú vui trên đời là Dục Lạc, tức là nguồn gốc của đau khổ.

Vậy muốn hạnh phúc thật, con người không nên chạy theo dục lạc mà phải diệt trừ dục lạc. Trước hết sự tiêu diệt dục lạc phải bắt đầu từ phép TRI TÚC. TRI TÚC là bằng lòng với những gì mình đang có, mình có thể có với sức của mình và trong phạm vi đạo đức.

Người tri túc thì dầu nằm trên đất cũng cho là sung sướng, người không biết tri túc dầu nằm trên đống vàng vẫn thấy chưa đầy đủ.

Vì bởi không biết tri túc, không cượng nỗi với lòng ham muốn cho nên người ta chạy theo dục lạc, làm điều bất chánh gây ra tội lỗi dẫy đầy.

Sự hành động của ta là NHÂN, tức là NGUYÊN NHÂN, sự báo ứng hay là kết quả của hành động đó tức là QUẢ.

LUẬT NHÂN QUẢ là một LUẬT THIÊNG LIÊNG, CÔNG BÌNH không ai dưới thế nầy thoát ra khỏi luật ấy được.

NHÂN QUẢ do nơi chữ Phạn "KARMA" có nghĩa là cái nghiệp hay là hành động.

Khi ta có hành động gì, đó tức là KARMA.

Chúng ta tụ họp nhau để dâng lễ Ðức CHÍ TÔN, đó là chúng ta tạo ra một hình thức KARMA.

Khi chúng ta nói chuyện, khi chúng ta giận hờn, thương xót ai hay ghét ai, hoặc tính mưu định kế chi, đó là chúng ta tạo ra KARMA.

Vì lẽ, khi ta làm một việc gì, ta phải tiêu phí đi một ít nghị lực, sự làm của ta gây một phản động hay là một kết quả tương đương và người hành động phải hứng chịu kết quả đó.

LUẬT NHƠN QUẢ cũng gọi là LUẬT ÐIỀU HÒA hay là LUẬT CÔNG BÌNH, và nếu người ta có hành động nào bất chánh làm cho mất sự điều hòa của Ðạo lý hay là mất sự công bằng thiêng liêng (ví dụ gạt người lấy của, thâu đa nạp thiểu, hại người để lợi cho mình, ỷ thế hiếp cô, mưu mô để làm việc bất chánh v.v...) thì Ðấng Tạo Ðoan sẽ lập lại sự thăng bằng, đem một cái quả để báo ứng vào kẻ đã phạm pháp cho đúng theo Luật quân bình của Trời Ðất.

Bởi đó, mọi sự sanh ra trong đời của chúng ta đều phải có một nguyên nhân kết cấu mà ra.

Cái đời sống của ta hiện giờ giàu sang hay nghèo hèn, liền lạc hay tật nguyền, xinh đẹp hay xấu xa, được yêu vì hay bị ngược đãi, an vui hạnh phúc hay lắm chịu thiên ma bách chiết, cũng đều do ta gây nhân ở tiền kiếp.

Cái nhân ở kiếp trước đã định vận mạng cho kiếp này thì ở kiếp này ta cũng có thể gây những nhân lành để định vận mạng ta ở kiếp vị lai. Thành thử tự ta cả tạo đời sống của ta chứ không có một Ðấng Thiêng Liêng nào định mạng cho ta cả. Buồn vui, cực sướng là do hành vi của mình tạo ra, hễ gây nhân lành thì trả lại quả vui, gây nhân ác thì trả lại quả dữ, trồng hoa được hoa, trồng đậu được đậu, chính ta định vận mạng cho ta mà thôi.

Ví dụ cờ bạc gây ra cái quả thiếu hụt, nợ nần, vì thiếu hụt phải lường gạt hay trộm cắp; trộm cắp gây ra cái quả lao tù. Bây giờ bỏ dứt sự cờ bạc, lo làm ăn lương thiện thì tất nhiên phải được an thân, khỏe trí. Phật Giáo dạy rằng: "Nhất thiết do tâm tạo," nghĩa là tất cả đều do lòng người tạo nên. Người ta tự tạo cho mình từ sự đau khổ hoặc sự hạnh phúc cho đến ngôi vị Tiên Phật chi chi đều do nơi lòng mình cả thảy.

Vì vậy, trăm ban vạn sự trên thế gian nầy đều có nguyên nhân chớ chẳng phải tình cờ mà chẳng phải do một định mạng nào cả. Tự ta làm cho đời ta phải khổ, ta tự trói buộc vào vòng luân hồi thì ta phải tự tháo mở, tự giải phóng cho ta vậy.

Có nhân quả tức là có luân hồi. Vậy LUÂN HỒI là gì? LUÂN nghĩa là bánh xe, HỒI nghĩa là xoay tròn. LUÂN HỒI tức là bánh xe xoay tròn không manh mối, không thủy chung.

ÐỨC PHẬT THÍCH CA thấy chúng sanh cứ sanh rồi chết, chết rồi lại sanh, cứ mãi bị trói buộc trong vòng sanh tử để trả nghiệp quả không thể thoát ra khỏi nên gọi là LUÂN HỒI.

Giờ đây hiểu thấu cái nguyên nhân của sự VAY TRẢ ở cõi đời, tự nhiên ta nhận thức tại sao mà ta sanh ra ở cõi thế, ta từ nơi nào mà đến vậy và đến đây để đi về đâu? Tại sao con người phải khổ đau? Phải rên siết?

Kinh nhơn quả có nói: "Dục tri tiền thế nhân kim sanh thọ giã thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị." Nghĩa là muốn biết nhân đời trước xem kết quả đời này, muốn biết kết quả đời sau xem nguyên nhân đời hiện tại.

Mỗi người đều mang vào thân cái quả hay là nghiệp hoặc nhiều hoặc ít. Nếu trong kiếp sanh chúng ta vừa trả quả tiền kiếp vừa tạo nhân lành cho kiếp sau, nghĩa là mỗi người dầu ở trong hoàn cảnh nào đều giữ lòng công bình chơn chánh, thương người mến vật, khắc kỷ tu thân thì trên đời gió bụi này đâu còn trông thấy những cảnh trạng đau thương khốc hại nữa.

Luật nhân quả vẫn mầu nhiệm sâu xa. Có khi nhân ở kiếp trước sanh ra quả đời này, có khi nhân ở kiếp nầy sanh ra quả ở kiếp sau.

Các nhân quả ấy xen lộn hoặc nhập lại thành cái thân tâm và cảnh giới của con người để sắp đặt cuộc thành bại, hư nên, họa phước của mỗi cá nhân một cách công bình mực thước.

ÐẠO LÃO gọi Luật Nhân Quả là CẢM ỨNG. CẢM có nghĩa là xúc, là động hay là hành động. ỨNG nghĩa là đối đáp, dội lại hay là phản động. CẢM ỨNG nghĩa là có sự hành động trước rồi mới có cái sức dội lại hay là sự phản động sau.

Kinh CẢM ỨNG của Ðức THÁI THƯỢNG LÃO QUÂN khởi đầu như vầy:

"Họa phước vô môn duy nhơn tự triệu, thiện ác chi báo như ảnh tùy hình".

Nghĩa là điều họa hay phước không có ngõ nhứt định, chỉ tại người tự dời đến cho mình, sự dữ lành hai lẽ báo ứng tỷ như cái bóng đi theo cái hình vậy.

Theo kinh CẢM ỨNG, con người thở ra thở vô, hơi thở đều có thông đồng với khí hư vô của Trời, cho nên niệm tưởng vừa phát động tuy người phàm không hay chớ Trời đã rõ thấu.

Vì vậy Ðức THÁI THƯỢNG dạy rằng: Trong lòng vừa khởi tưởng đến việc lành, việc lành tuy chưa làm mà vị thần lành đã theo mình, hoặc trong lòng vừa khởi tưởng đến việc dữ tuy chưa làm ra mà vị thần dữ đã kế bên mình (Phù tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi nhi kiết thần dĩ tùy chi, hoặc tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi nhi hung thần dĩ tùy chi).

Ông TRANG TỬ nói rằng: Nhứt nhựt bất thiện niệm, chư ác giai tự khởi; Một ngày không tưởng đến việc lành, thì mọi việc dữ đều tự nó dấy lên.

NHO GIÁO cũng có luận về luật BÁO ỨNG y như LUẬT NHÂN QUẢ.

Ðức KHỔNG TỬ dạy rằng: Vi thiện giã thiện báo chi dĩ phước, vi bất thiện giã thiện báo chi dĩ họa, Nghĩa là: Kẻ làm điều lành thì Trời lấy phước mà trả cho, kẻ làm điều chẳng lành thì Trời lấy họa mà trả cho.

Lại nữa, Ðức KHỔNG TỬ có dạy một lời thiết thực đáng ghi nhớ là khi Ngài đau, Thầy Tử Lộ xin phép khẩn đảo. Ngài hỏi xưa có làm như vậy chăng? Thầy Tử Lộ trả lời: Thưa có vậy, vì trong Văn Lễ có nói: Ðảo nhỉ vu thượng hạ thần kỳ. Chúng tôi khẩn đảo các Ngài là Chư Thần trên Trời và dưới Ðất. Ðức KHỔNG TỬ mới nói: Khâu nầy đã khẩn đảo lâu rồi, vì bình nhựt thấy lỗi thì cải ngay, thấy lành thì dời ngay. Ðó là ta khẩn đảo thường thường nào phải chờ đến ngày nay đâu?

KINH THƠ dạy rằng: "Thiên tác nghiệt du khả vi, tự tác nghiệt bất khả hoại". Trời xuống họa còn có thể tránh, tự mình gây họa thì không thể sống nỗi.

Ấy vậy, chúng ta đã học Ðạo thì phải tin LUẬT TRỜI rất công minh, lành dữ báo ứng một mảy không sai chạy.

 

ÐỨC CHÍ TÔN có dạy trong những bài Thánh giáo năm Bính Dần (1926) như sau đây:

"Thầy đến để độ rỗi cho các con là lập thành một trường công quả cho các con nên Ðạo. Vậy đắc Ðạo cùng chăng tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi đường nào khác mà đắc Ðạo bao giờ. Các con không tu, không tự lập ở cõi thế này là cái đời tạm của các con thì Thầy cũng không bồng ẫm các con mà đỡ lên cho đặng. Các con làm một việc phải tức là do nơi ý Trời, phạm một nét vạy tà là cải nơi Thiên Luật, phải quấy Thần Thánh, chỉ chép biên, thưởng phạt duy đợi ngày chung cuộc."

Là người trong cửa Ðạo, chúng ta nên gắng lập công bồi đức, gây nhân lành, tránh quả dữ để cho đời tu hành được trong sạch thanh cao mới chẳng uổng một kiếp sanh may duyên gặp Ðạo.

Ðời người qua thắm thoát, thoạt còn thoạt mất như vầng mây nổi, như giọt sương tan. Những cảnh ruột đứt châu rơi hằng diễn ra để đày đọa vày bừa con người giữa chốn sông mê biển khổ. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện, phải hồi tâm cải hóa, phải gắng công tu và chỉ có sự tu hành chơn chánh mới giúp ta cởi mở các dây oan trái, chuộc tội tiền khiên để đi trọn vẹn trên đường giải thoát./.

THƯỢNG SANH



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1040