× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Về Lòng Nhân Ái

Hôm nay nhân dịp cúng Lễ Hạ Ngươn, tôi xin nói về "LÒNG NHÂN ÁI".

Những nhơn vật trong hàng trí thức nếu đã thâm nhiểm triết lý của Thánh Hiền và hiểu bổn phận làm người thì ai cũng cố gắng trau giồi học vấn và đức tính để kịp tiến hóa cho đến chí thiện, chí mỹ.

Muốn đạt đến cái mục đích ấy thì phải lấy chí vị tha, dụng công phu mà sáng tạo ra những sự vật có sức linh hoạt khả dĩ giúp ích cho đời về mặt tinh thần hay vật chất. Thí dụ: Nhà Tôn giáo tìm ra một lý thuyết giúp nhân loại tránh việc cạnh tranh sát phạt; nhà triết học phát huy cái tư tưởng cao xa; nhà văn chương làm ra quyển sách kiệt tác hay nhà khoa học tìm ra cái cơ khí tinh xảo, đều là hợp với cái đức sinh hóa của trời đất cả.

Vậy hợp với cái đức sinh hóa của Trời Ðất là Thiện, trái với cái đức sinh hóa là ác.

Người có học Ðạo thì ai cũng theo thiên lý mà bồi bổ cho sự sinh hóa thiên nhiên. Sự bồi bổ đó gốc ở Ðạo NHÂN mà ra vậy.

Thực hành được Ðạo NHÂN thì sự sống ở đời mới có ý nghĩa cao xa mà cái cảnh thú cuộc đời mới trở nên vui vẻ thanh thoát.

Sanh đứng làm người được có tánh linh hơn muôn vật là nhờ Trời phú cho có LƯƠNG TÂM, có trí xét đoán, biết phân biệt điều phải lẽ quấy, điều chánh, lẽ tà thì đáng lẽ ai cũng đều có LÒNG NHÂN mới phải.

Vả lại, con người khi mới sanh ra đều có tính thiện cả, vì cái thiên tính của Trời ban cho được còn nguyên vẹn chưa bị sự cám dỗ của mặt đời làm cho mất căn bản thiêng liêng của nó.

Nói như thế nghĩa là nếu con người từ nhỏ cho tới lớn được dạy dỗ trong khuôn viên đạo đức và chỉ có gần với kẻ thiện thì cái lòng nhân còn giữ y nguyên có lẽ còn được gia tăng thêm nữa.

Ngặt nỗi con người tùy theo hoàn cảnh gia đình, tùy theo địa vị xã hội của cha mẹ, tùy theo người lân la kết bạn, tùy theo sự hữu học hay vô học nên phần nhiều bị biến đổi, lôi cuốn trở nên khác hẳn với con người toàn thiện của Trời sanh.

Vì đó mới có kẻ hay, người dở, kẻ chánh, người tà, kẻ hiền người dữ, Thánh hiền mới phân biệt hạng người có nhân và hạng người bất nhân.

Chữ nhân vẫn hàm súc luôn cái nghĩa của chữ Ái, có nhân mới có ái, có ái mới có lòng thương người yêu vật, muốn cho vạn vật bao giờ cũng có sự yên vui trong kiếp sống.

Bởi có lòng nhân nên người ta mới kết nên đoàn thể với nhau, coi nhau như anh em một nhà, xem cả đoàn thể như một châu thân, cả võ trụ đồng nhứt thể. Hễ có một người đau khổ tức là một chỗ trong châu thân bị đau thì toàn thân nhận thấy khó chịu, phải tìm phương thế làm cho chỗ đau được êm dịu.

Trái lại, người bất nhân không có ích lợi gì cho ai, nho học cho rằng người bất nhân ở trong xã hội cũng như người có bệnh tê vậy, ai đau khổ mặc ai, ai bị tai nạn thế nào cũng cứ dửng dưng không hề có chút cảm động.

Hơn nữa họ vì từ tâm, từ tri, nghĩa là vì bản ngã mà thành ra mờ ám, mất hết trực giác rồi cứ chìu theo lòng ích kỷ mà làm những điều trái hẳn với lẽ phải và đạo đức.

Xưa Ðức KHỔNG TỬ chú ý nhất là về ÐẠO NHÂN. Ngài nói: "Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị" nghĩa là: Người quân tử gây thành cái hay cho người, không gây thành cái ác cho người, tiểu nhân thì không thế.

Lòng người quân tử vốn hậu mà cái sở kiến chỉ ở sự thiện cho nên thấy ai làm điều hay thì khuyến khích cho người ta cố gắng làm hay hơn nữa, hoặc thấy ai làm điều ác thì can ngăn không để cho làm điều ác được. Còn kẻ tiểu nhân thì cái sở kiến chỉ ở điều ác cho nên thấy ai làm ác thì xúi giục thêm hoặc thấy ai làm điều thiện thì lại ghen ghét, kiếm cách ngăn trở.

Theo ý của Ngài thì đạo nhân vô cùng, vô tận; học đạo nhân tức là phải sửa mình luôn và lập chí theo cho đến cùng dầu thấy chết cũng không bỏ. Ngài dạy rằng: "Chí sĩ nhân nhân vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát nhân dĩ thành nhân" nghĩa là: bậc chí sĩ thì ai cũng không ham sống để bỏ mất nhân, thà liều thác để giữ trọn đạo nhân.

Thầy NHAN TỬ hỏi về nhân, Ngài nói rằng: "Khắc kỷ phục lễ vi nhân": sửa mình theo lễ là nhân vì theo lễ tức là theo thiên lý bỏ hết lòng tư dục, mà bỏ lòng tư dục tức là biết thương người.

PHÀN TRÌ hỏi nhân, ngài nói rằng: Ái nhân tức là phải thương tất cả mọi người. Thầy Trọng Cung hỏi nhân, Ngài nói rằng: "Xuất môn như kiến đại tân, xử dân như thừa đại tế, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", nghĩa là: Ra cửa phải như tiếp khách lớn, trị dân phải làm tế lễ lớn, điều gì mình không muốn ai làm cho mình thì mình đừng làm cho ai. Chúng ta phải hiểu thêm rằng: mình nên làm cho kẻ khác điều gì mình muốn cho người ta làm cho mình. Thí dụ: nếu mình muốn có người giúp đỡ mình lúc đau khổ thì mình phải biết thương và giúp đỡ người khi cần đến.

Sau Ðức Khổng Tử, một nhà đại hiền triết là Thầy Mạnh Tử đem học thuyết Khổng Giáo làm cho sáng tỏ hơn nữa, theo thuyết của Thầy Mạnh thì Ðạo làm người quí nhất là NHƠN với NGHĨA; dầu đến bậc vua chúa mà thiếu Nhơn với Nghĩa cũng bị khinh thường. Cho nên kẻ nhân giả không thấy người sang giàu mà ham muốn, không thấy mình nghèo hèn mà sợ, vì kẻ kia cậy ở cái giàu của nó, ta đây cậy ở cái nghĩa của ta, ta có điều gì bất mãn đâu?

Thầy Mạnh Tử thường nói rằng: "Sinh diệc ngả sở dục giả, nghĩa diệc giả sở dục giả, nhị giả bất khả đắc kiêm xá sinh nhi thủ nghĩa giả giả". Nghĩa là cái sống ta cũng muốn, điều nghĩa ta cũng muốn, giá ta không thể giữ được cả hai thì ta bỏ cái sống mà giữ lấy điều nghĩa vậy.

Lão Giáo trọng thiên về chủ nghĩa Vô Vi, nhưng về mặt xử thế, Ðức Lão Tử cũng có cái chí vị tha, chung thân phụng sự cho Ðời cho đến lúc công thành sự toại rồi mới thối lui. Cái hay của thuyết Lão Tử là chỗ công toại thân thoái: công toại rồi lui bước.

Ngài nói: thân mình là một cái không đáng quí nhứt, vì nó thường là mối lo cho con người.

Ðáng yêu quí nhứt là lúc người ta đem thân phụng sự cho Thiên hạ.

Kinh Cảm Ứng của Ðức Thái Thượng có dạy: "Tích đức ủy công, từ tâm ư vật", chứa đức bồi công lòng thương cho đến súc vật, sao gọi là chứa đức bồi công?

Ðiều lành còn ở trong lòng thì gọi là Ðức, khi đem ra thi hành thì gọi là công. Thường tu đức, thường lập công thì Ðạo tâm mới vững, lòng nhân ái mới đầy đủ. Lập thành Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn muốn cứu vớt cả nhơn sanh thoát nơi khổ hải. Sự thương yêu là phương pháp duy nhất để độ đời, người hành Ðạo phải phô lòng nhân ái dìu dắt con cái Ðức Chí Tôn qui chánh cải tà để tiến bước trên đường thiện niệm.

Vì đó, lòng nhân ái là cái vốn vô hình của người hành Ðạo, cái vốn đó rất cần thiết, vì người tu hành mà thiếu cái vốn nhân ái thì cũng như người muốn đi buôn mà trong tay không có sẳn tiền, người muốn làm ruộng mà không có sẳn hạt giống, người muốn đi biển mà không có sẳn ghe...

Có cái vốn nhân ái rồi, người hành Ðạo mới khởi công làm phận sự, trước cho nhơn sanh trong cửa Ðạo hưởng nhờ, sau mới phô trương đạo đức nơi mặt đời để cứu nhân độ thế.

Ðức Chí Tôn có dạy: Thầy thường nói với các con rằng: "Thầy là cha của sự thương yêu. Do bởi thương yêu Thầy mới tạo thành thế giới và sanh dưỡng các con. Vậy thì các con sản xuất nơi sự thương yêu. Ðã sản xuất nơi sự thương yêu, các con tức là cơ thể của sự thương yêu.

Ấy vậy sự thương yêu là giềng bảo sanh của càn khôn thế giái. Bởi thương yêu mà vạn loại hòa bình, Càn khôn an tịnh mới không thù nghịch nhau, không thù nghịch nhau mới không tàn hại nhau, không tàn hại nhau mới giữ bền cơ sanh hóa.

Còn kẻ nghịch cơ sanh hóa là ai?

Là quỉ vương đó. Quỉ vương vốn là tay diệt hóa, cũng như có sống của Thầy ắt phải có chết của quỉ vương. Quỉ vương lấy cơ thể nào mà tàn hại các con?

Ấy là sự ghét.

Vì ghét nhau vạn loại mới nghịch lẫn nhau. Nghịch lẫn nhau mới tàn hại lẫn nhau, mà tàn hại lẫn nhau là cơ diệt thế.

Vậy Thầy cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau."

Ðức Chí Tôn đã phân tách rõ ràng sự thương và sự ghét: Hễ biết thương là con đường chánh của Trời, còn chứa sự oán ghét tức là làm tôi tớ cho Quỉ vương, mà làm tôi tớ cho Quỉ vương thì há còn trông mong làm con cái Ðấng Chí Tôn được sao?

Nếu con người trên thế gian thực thi đầy đủ nhân nghĩa, bỏ sự oán ghét tư hiềm, bỏ sự vì mình hại chúng, thương người khác thể thương thân, giúp đỡ lẫn nhau trong khi khốn khó thì trong xã hội đâu còn thấy cảnh ngang trái đau lòng, mạnh hiếp yếu, giàu hiếp nghèo, làm cho thế sự đầy dẫy tuồng đau khổ.

Có câu ca dao:

  "Nước còn quyện cát làm voi,
Huống chi ta chẳng tài bồi lẫn nhau."

Nếu ai ai cũng quan niệm con người sanh ra nơi cõi thế đều cùng một nguồn gốc siêu hình mà ra và Ðấng Thượng Ðế là Cha Thiêng Liêng chung của nhơn loại thì sự xử kỷ tiếp vật của mỗi cá nhân chắc hẳn sẽ được tốt đẹp hơn hiện tại bội phần. Sự đối đãi lẫn nhau cứ tiến triển mãi trong cảm tình chơn thật và trong niềm hòa khí thân yêu, con người sẽ đi lần tới mức Huynh Ðệ Ðại Ðồng không bao lâu. Ngày đó thiên hạ sẽ cùng nhau trong cảnh Thiên đàng tại thế vậy. Rất mong thay!

Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1360