× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Về Liêm Khiết

Trong xã hội, phần nhiều những người có tinh thần Nho học và có nhiểm mùi đạo đức, đều gồm có những đức tính cao quí như Trung, Hiếu, Nghĩa Liêm, Chính.

Liêm là một đức tính ít người được có và những ai đã thực hành được chữ Liêm cũng cho là bậc phi thường trong thiên hạ.

Liêm là gì?

Liêm tức là thanh liêm, liêm khiết, hay khiết kỷ, là bản tánh trong sạch, không nhơ bợn một mảy gì, một vật gì, một món tiền của nào bất chánh, không phải do nơi công lao của mình làm ra.

Có người chịu lao lực vất vả suốt ngày, đầu tắt mặt tối để được hưởng một món tiền vừa đủ nuôi thân, nhưng vẫn bằng lòng với số phận. Nếu có ai đem cho một số tiền lớn và xúi giục làm một việc bất công, thì nhất định không nhận, thà chịu ở trong cảnh nghèo mà được trong sạch.

Xưa dưới triều đại của những đấng minh quân thì dân được giáo hóa trong tinh thần Nho giáo, nên phần nhiều là người có đức hạnh và nhơn phẩm cao qúi, trừ ra một phần ít là hạng người thất học, mới có những tánh xấu, tham lam hèn hạ mà thôi.

Còn những quan cai trị là những bậc liêm chánh, giữ mình thật trong sạch để làm gương cho đoàn hậu tấn.

Cụ Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều có tả đời thung dung tự toại của vị quan liêm chính bằng hai câu:

  "Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu tao."

Ðó là lấy tích ông Triệu Biên đời Tống làm quan thanh liêm đến nỗi khi đi phó nhậm chỗ nầy sang chỗ khác, chỉ đem theo một con hạc và một cây đàn Cầm chứ không có món chi đáng giá.

Những hạng người chơn chánh như vậy, Nho giáo cho là hạng Quân tử. Quân tử đây có nghĩa là cao thượng đáng tôn kính.

Hạng Quân tử không bao giờ quan tâm đến sự phú quí.

Không phải là họ ghét sự phú quí, mà chỉ vì họ trọng đạo quá nên phú quí không đủ mãnh lực làm cho họ phải thèm muốn. Hơn nữa, họ cũng quan niệm hể vi phú thì bất nhân, thà vi nhơn bất phú.

Ðức KHỔNG TỬ dạy rằng: "Giàu sang ai cũng muốn, nhưng không lấy đạo nghĩa mà được thì quyết không nhận. Nghèo hèn ai cũng ghét, nhưng không lấy lẽ phải làm cho khỏi thì đành chịu nghèo". Ngài nói: "Ăn cơm hẩm, uống nước lã, co tay gối đầu thật là cảnh buồn mà ta có thú vui trong đó, còn làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, ý ta coi như đám mây nổi".

Tánh liêm khiết nâng cao giá trị con người và làm cho người được thơ thới, dầu cho ở trong cảnh nghèo khó người ta cũng hảnh diện tự tìm sự vui trong chỗ thanh cao khác thường của mình, vì ngó lên không thẹn với Trời, dòm xuống không hổ với thiên hạ.

Người thanh bần như vậy thì vui sướng hơn kẻ giàu mà sâu mọt, lường công tham của, thâu đa nạp thiểu, hoặc lợi dụng quyền thế để rút rỉa dân nghèo khép chặt cửa công, mở rộng cửa tư để dục vọng được thỏa mãn.

Vì làm giàu với những hành động bất chánh nên họ vẫn cứ phập phồng lo sợ không biết cơ mưu sẽ bại lộ ngày nào.

Ðó thiệt là "Thanh bần thường lạc, trược phú đa ưu". Lại có câu "Hoạnh tài bất phú", ham dụng của phi nghĩa rốt cuộc cũng không hưởng được bền lâu, phép nước dầu không trừng trị thì luật Trời cũng không thứ tha, thiện ác đều có sự báo ứng.

Sau đây là một gương liêm khiết của người quân tử, đã được lưu truyền muôn đời ca tụng.

Ðời Chiến Quốc có người lượm được hòn ngọc quí, bèn đem dâng hiến cho quan thái thú tại chỗ là Tử Hản để cầu thân, vị quan nầy nhứt định không nhận, người dâng ngọc thưa rằng: Ngọc nầy tôi đã đem cho thợ mài ngọc xem, quả đúng là một bảo vật mới dám đem dâng cho quan lớn, xin quan lớn nhận dùm cho tôi vui lòng.

Tử Hản nói: Ngươi có ngọc là báu của ngươi, còn ta giữ tánh liêm khiết là báu của ta. Ngươi cho ta ngọc, nếu ta thâu nhận thì cả hai đều mất của báu. Vậy ngươi cứ đem về, ngươi giữ của báu của ngươi, ta giữ của báu của ta. Như thế, hai người đều còn của báu, há chẳng hay hơn sao?

Người dâng ngọc liền thưa: tôi là thường dân mà cầm ngọc nầy, sợ phải bị trộm cướp mà hại đến thân, nên không dám giữ nó.

Tử Hản bèn lưu người ấy lại kêu thợ đến mài ngọc, bán dùm được một số tiền lớn rồi giao cho đem về làm vốn sanh nhai.

Trong một bài Thánh giáo, Ðức CHÍ TÔN có nêu gương hai nhà hiền triết thuở xưa mà đời còn nhắc nhở trong hai câu:

  "Hớn Lưu Khoan trách dân bồ tiên thị nhục,
Hạng Trọng Sơn khiết kỷ ẩm mã đầu tiền."

Thánh giáo có giải rằng: Ðời Hớn ông Lưu Khoan lấy đức trị dân, khi dân phạm tội thì đánh bằng cái roi bồ, roi lát để tượng trưng sự răn phạt vậy thôi, chớ không bắt tù đày chi hết.

Còn nước Hạng có ông Trọng Sơn giữ tánh liêm khiết cho đến đổi khi dẫn ngựa đến suối cho uống nước, lấy tiền quăng xuống suối, để trả tiền nước.Ý muốn tỏ, dầu nước suối là của thiên nhiên, cũng không muốn nhơ bợn, không thèm lợi dụng.

Trong cửa Ðại Ðạo, Ðức CHÍ TÔN đã từng dạy Chức sắc phải giữ mình thật trong sạch.

Có trong sạch, người hành đạo mới biết tự trọng, biết lẽ công bình, dìu dắt nhơn sanh trên đường Thánh đức.

Vả lại, người tu hành đã gọi là Xả thân cầu Ðạo quyết hiến thân cho chủ nghĩa thương đời thì liêm khiết là một đức tính đương nhiên phải có. Chức sắc thiếu liêm khiết, cửa Ðạo là bến chợ đời chớ không còn là cửa Ðạo nữa.

Ðức CHÍ TÔN có dạy rằng: "Thầy nhớ xưa kẻ mộ Ðạo chịu ngàn cay muôn đắng, biết có người mà chẳng biết nhọc mình, hài gai áo bả, đội nguyệt mang sao, gió trước lọt chòi tranh, mưa sau xiêu giậu lá, bần hàn chẳng quản, tay trắng dìu người, một mảy không bợn nhơ mới có thể lập ngôi cho mình được".

Bậc chơn tu xưa được như vậy, nay Ðức CHÍ TÔN chẳng phải không thể dạy con cái của Người được như hạng cao khiết ấy, nhưng trên có lời giáo hóa dưới phải cố gắng thực hành thì kết quả mới khả quan, tâm phàm mới trở nên chí Thánh.

Nói tóm lại, Liêm khiết là một đức tính đáng kính của bậc Hiền nhơn quân tử. Quí hóa thay; nếu trong cửa Ðạo Chức sắc đồng nêu gương Liêm khiết để tạo một uy tín vẻ vang đối với mặt đời thì nhiệm vụ phổ độ của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng thơ thới./.

(Trích Thông Tin số 10, ngày 11/8/1970)

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1903