× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Về Lương Tâm (Septembre 1958)

LƯƠNG TÂM

· Viết để tưởng nhớ hai Ðấng Hiền Triết của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ:
ÐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG VÀ ÐỨC CAO THƯỢNG PHẨM

 

TÂM hay là LƯƠNG TÂM là một vấn đề mà về mặt Ðạo người ta đã có nhiều bàn luận đến, nhưng lý thuyết thì vẫn có mà thực hành ít ai để ý đến. TÂM là chi?

Tâm là một nguồn sáng Thiêng Liêng, một điểm linh quang của Ðức Chí Tôn ban bố cho con người để khuyên lơn dìu dắt và soi sáng bước đường đời cũng như bước đường Ðạo của mỗi cá nhân trong kiếp sanh, hầu lúc rời bỏ xác phàm, mỗi nguyên nhân hay hóa nhơn được hoặc qui hồi cựu vị, hoặc thăng đẳng cấp, hoặc bị trừng trị theo Luật Thiên Ðiều.

Dầu cho Thần Thánh Tiên Phật khi xuống thế mang xác phàm thì buổi chung qui được hay phạt, thăng hay đọa đều do nơi Tâm cả, và nếu người được tánh linh hơn muôn vật là nhờ có LƯƠNG TÂM vậy.

Nên để ý là trong các đẳng nhơn sanh, người dầu sang hay hèn, Thánh nhân hay thường nhân, cái tâm của Thiêng Liêng ban cho đều có sự sáng suốt ngang nhau không khi nào chênh lệch.

Vì lẽ đó, nếu mỗi người ai cũng theo thiên lý mà tu dưỡng mà hành động thì không ai hơn ai cả. Xưa Thành Nghiễn bảo Tề Cảnh Công rằng: Thánh Hiền là Trượng phu, ta cũng là Trượng phu ta sợ gì không được như Thánh Hiền. Nhan Hồi cũng đã nói: Vua Thuấn là người nào, ta là người nào, ai theo Ðạo mà làm thì cũng thế cả.

TÂM được sáng suốt thêm hay trở nên mờ tối là do nơi con người biết nuôi nấng, nâng cao nó lên hay là đàn áp làm cho nó bị che lấp mất.

TÂM ở nơi con người cũng như một vị quốc sư ở cạnh một đấng cầm quyền thống trị thiên hạ. Trong khi ta đang ngẩn ngơ trước một sắc đẹp mỹ nhơn hoặc ta đương dùng thẳng trước một món lợi lớn của người đem hiến cho ta đặng dục ta làm chuyện phi pháp, thì một tiếng nói văng vẳng bên tai ta, nghe dịu dàng, chơn chánh và siêu kỳ:

"Không, người không nên động đến sắc đẹp ấy, vì sắc đẹp ấy đã có chủ (hoặc) sắc đẹp ấy là một thứ trái cấm bất khả xâm phạm. Ðộng chạm đến ắt tai họa sẽ đến cho ngươi." Hay là "món lợi ấy là của phi nghĩa, ngươi không có quyền thâu dụng mà làm chuyện bất công. Thâu dụng của ấy, ắt tai họa chẳng nhỏ và danh dự ngươi sẽ bị tổn thương chẳng ít".

Tiếng nói thân yêu ấy là chi? Ðó là tiếng nói thiêng liêng, tiếng nói của lương tâm vậy.

Nhưng khi tiếng nói ấy dứt thì một tiếng nói khác tiếp theo, tiếng nói sau này chẳng phải dịu dàng. Khác với tiếng nói của lẽ phải. Ấy là tiếng kêu gào của xác thịt, của dục vọng, tức là của tà thần.

Tiếng nói ấy lừng lên đánh đổ tiếng nói trước kia: "Mi dại gì mà chẳng nhận món tiền ấy, mi chỉ ra chút công mọn mà đặng lấp đầy những chỗ thiếu thốn của mi. Mi sẽ được ăn mặc sang trọng thiên hạ sẽ thù phụng mi và mi chẳng còn khổ cực nữa".

Hay là: "Hương trời, sắc nước là của chung, dại gì mà chẳng hưởng. Thanh xuân bất tái, nếu bỏ qua chẳng còn dịp nào hay hơn nữa".

Tiếng nói của lương tâm lại nhỏ nhẹ khuyên can nữa và tiếng nói của dục vọng phản đối chẳng vừa.

Rốt cuộc lương tâm thắng dục vọng, đó là Thánh Ðức thắng phàm tâm.

Ta thắng được là nhờ tiếng nói của lương tâm được thích tùng, nhờ ta biết cân phân lẽ phải của đạo lý với sự dục hư của tà thần.

Nếu ta nhu nhược để cho vật dục lôi cuốn đánh đổ cả chơn lý của lương tâm, tất nhiên ta phải bị sa ngã vào đường tội lỗi. Ấy là tinh thần chịu khuất phục vật chất.

Một lần sa ngã cũng chưa phải hại lớn, ngặc nỗi cái sa ngã này lôi cuốn cái sa ngã khác, thất tình lục dục thay phiên nhau đưa đẩy ta đi đến mức đường cùng ; tối tăm ô trược, tức là ta bị đắm đuối giữa vực thẳm hang sâu. Là vì cái sáng suốt thiêng liêng ở nơi mình không khêu lên lại làm cho nó bị lu mờ và bị vùi lấp cho đến chỗ bế tắc. Thì con người lúc ấy đã mất hẳn ánh sáng thiêng liêng và kiếp sống như thế trở nên nguy hiểm cho xã hội.

Trái lại cái tâm được nuôi nấng, được nâng cao, cái tâm của các bậc phi thường như ÐỊCH NHƠN KIỆT đời ÐƯỜNG, QUAN CÔNG HẦU đời HỚN là tâm làm cho những đấng ấy danh vọng xa bay, tiếng tăm lừng lẫy. Họ xem sắc đẹp như cây khô, thị tiền tài như dép rách, đời trong sạch thanh bai từng làm cho kẻ thù nghịch phải khép nép cúi đầu. Vì vậy mà được danh tạc sử xanh, thiên hạ sùng bái. Những câu:

  Mỹ sắc nhơn gian tối lạc xuân
Ngã dâm nhân phụ, phụ dâm nhân
Nhược tương mỹ sắc tu vong phụ
Biến thể thơ toàn diệt sắc tâm.

Và gương Trung, Can, Nghĩa, Khí há chẳng còn được ca tụng đến nay đó sao?

Những bậc vĩ nhân siêu phàm của non nước Việt như PHAN THANH GIẢN, LÊ VĂN DUYỆT, HƯNG ÐẠO VƯƠNG, NGÔ TÙNG CHÂU, VÕ TÁNH..v..v.... Ngày nay được danh tạc sử xanh là nhờ nơi khí phách anh hùng tâm linh cao thượng, lòng trung quân ái quốc đến thác chẳng dời đổi, mặc thời thế đổi thay, mặc bao nhiêu sóng gió.

Về mặt Ðạo, đối với người đã tầm được lý tưởng cao siêu, cái tâm cần phải giữ cho trong sạch thanh cao. Vì tôn chỉ Ðạo là khêu ngọn đuốc thiêng liêng để dìu đời cho sáng suốt, chẳng khác chi chiếc thuyền từ vớt khách giữa sông mê, đưa người qua biển khổ.

Bên trong đã sẳn cái lý toàn nhiên nơi tâm, bên ngoài nhờ giáo lý cao siêu của Ðạo, người hành đạo có đủ tài liệu phương chước sửa mình và trau giồi hầu treo gương sáng cho người đời noi bước.

Trước khi nhập Ðạo, ta đã từng quan sát, kiếm hiểu lẽ mầu nhiệm sâu sa, cân phân điều chánh lẽ tà, rõ biết rồi ta dọn mình, lập ý cho thành, tâm cho định, mới đến khắc kỹ tu thân, khi ấy người hành Ðạo đã có sẳn chí hướng, đi từ bước một, mỗi bước mỗi dè dặt cân phân và nên mãi đinh ninh rằng người nơi cửa Ðạo phải làm sao cho thoát khỏi thường tình, phải đi ngược với thế sự.

Ðời chuộng sang vinh, Ðạo chuộng khổ hạnh, Ðời ham trược phú, Ðạo giữ thanh bần, lên xe xuống ngựa chốn phồn hoa là cảnh áo bả hài gai nơi tịnh xá, tương dưa thanh đạm chốn thiền môn, để mặc miếng mỹ vị cao lương ngoài quán tục. Giữ được bao nhiêu đức tính ấy người hành đạo bước được vững vàng không dục vọng nào lôi cuốn nỗi.

THÍCH GIÁO: Theo THÍCH GIÁO, con đường đi đến thành chánh quả là: MINH TÂM KIẾN TÁNH. Nghĩa là phải trau giồi bản tâm cho sáng suốt đặng kiến tánh.

KIẾN TÁNH tức là cùng PHẬT đồng tánh thấy sáng đạo nhiệm mầu, các điều vọng niệm thảy đều tiêu tan, sống ở chơn tâm hoàn toàn giải thoát.

Bậc đã được kiến tánh, giữ cõi lòng thật thanh tịnh trở lại với bản tánh thiên nhiên tức là lúc mắt tuy thấy thiên hình vạn trạng trí tưởng nghìn muôn pháp, nhưng tâm vẫn yên tịnh dường như không gì xao xuyến. Lúc ấy bậc kiến tánh được thấy ngọn đèn chơn lý đột nhiên đưa đến sáng rạng lạ thường để chỉ đường dẫn lối đưa đến cõi tâm giới nhiệm mầu.

Ví bằng bản tâm để cho mờ ám vọng động bởi sức quyến rũ bên ngoài thì người tu biết bao giờ kiến tánh mà tầm lối giải thoát.

Vậy mê là chúng sanh, ngộ là PHẬT.

Vì đó PHẬT HỌC cho cái tâm là cái rất nông nỗi, lại đặt cho tâm cái tên là giặc (tâm vi tặc). Phật học dạy xóa bỏ vọng tâm thường lôi cuốn con người vào đường tội lỗi. Nếu không bỏ vọng tâm thì chân tâm diệu minh không hiện phát ra được. Xóa bỏ vọng tâm tức là để cho chơn tâm phát hiện, người tu hành mới thoát khỏi thất tình lục dục hiểu thấu chơn lý và thắng được mọi sự khổ.

THÂN NGHIỆP, Ý NGHIỆP, KHẨU NGHIỆP gọi là tam nghiệp làm cho con người luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác. Cứ nghiệp trước tàn, nghiệp sau nối kế tiếp không ngừng, đó là do nơi tâm tạo. Vì tâm động là phát ra tư tưởng, có tư tưởng rồi mới có nói và làm theo.

Thế thì tâm là nguồn gốc sanh điều lành việc dữ, cái máy tạo thành họa phước Thánh phàm, nên Thánh Hiền có dạy rằng:

  Tam điểm như tinh tượng
Hoành câu tợ nguyệt tà
Phi mao tùng thủ đắc
Tổ Phật dã do tha.

Nghĩa là: Trên ba điểm như ba ngôi sao, dưới một vòng câu như hình nguyệt xế, cánh lông theo ấy được, thành Phật do bởi gì?

LÃO GIÁO: Theo triết học của Ðạo Giáo, Lão Tử rất chú ý đến việc tu thân để cho mình có đủ đức tính kéo lại những lỗi lầm sa ngã của quần chúng.

Ngài nói: Ta sở dĩ có điều lo lớn là vì ta có cái thân, nếu ta không có cái thân thì ta có lo gì?. Có thân tức là có cái tâm, có cái tâm không dễ gì điều khiển và giữ gìn cho trong sạch.

Theo thuyết của Ngài cái thân đáng quý là khi đem nó ra phụng sự cho thiên hạ, khi phụng sự cho thiên hạ cái tâm không còn gì xao xuyến ích kỷ để lo cho mình nữa. Vì lẽ cái tâm hay lừa đảo, hay làm cho con người sa ngã nên theo phép tu thân của Lão giáo, ta phải dứt bỏ những điều ham muốn, những tư tưởng ngông cuồng có thể hại đến tâm tính. Giữ lòng được phẳng lặng bình tĩnh để trông rõ những sự huyền diệu thiêng liêng, tức là lấy cái tâm đè nén cái khí để nuôi nấng tinh thần được cao siêu thoát tục, đó là con đường dẫn đến cơ đắc đạo.

TU TÂM, LUYỆN TÁNH là thuyết của LÃO GIÁO dạy người mộ đạo muốn tầm tiên lánh tục.

LÃO TỬ coi danh lợi là thù của thân, không lấy cái sống vật chất làm hạnh phúc, nên khuyên người đời chỉ nên chú trọng tinh thần. Phương pháp giáo hóa của Ngài không giống các bậc hiền triết khác, vì lẽ ngài không thích chen vai với đời để lấy sự hiểu biết khuyên dạy quần chúng.

Người lý tưởng của Ngài là người sống trong cảnh tịch mịch, cách biệt vời người đời, đóng cửa, rấp ngỏ không giao thiệp với ai, để rèn luyện tâm tánh, trụ vững tinh thần như thế mới gần gũi được với thiên nhiên, quan năng trực giác mới được sáng suốt, tuy không ra khỏi ngỏ cũng hiểu được thiên hạ, không ngó qua cửa sổ cũng biết được thiên đạo.

Người ấy LÃO TỮ gọi là Thánh nhơn.

Trái lại, người chung đụng với thế gian bị tranh đấu về danh lợi, làm cho tâm tánh vọng động càng đi xa càng bị sóng đời lôi cuốn, bản tâm rối loạn, thiên tính càng lu mờ, đó là tự mình tìm lối diệt vong vậy.

Người ta cho LÃO TỮ có tư tưởng yếm thế tiêu cực, hoặc tư tưởng của Ngài là độc thiện kỳ thân hay cá nhân chủ nghĩa. Nhưng xét ra, người học Ðạo nên tùy theo đẳng cấp và trí thức của mình, chọn lọc thuyết nào thuận tiện thi hành cho tâm tánh được nâng cao, tinh thần được cứng rắn. Ngoài ra phương pháp nào quá cao siêu ta chưa với tới được thì để lại cho bậc có quan niệm cao thượng hơn ta thực hành.

KHỔNG GIÁO: Khổng Giáo cho rằng tâm là thần minh của Trời phú cho, nên tâm của ta với Trời là một thể. Mạnh Tử lại cho Tánh là cái bản nguyên thiêng liêng, đối với Tâm vẫn có một. Hễ biết rõ tâm thì ta biết rõ tánh, biết rõ tánh tức là biết rõ trời đất vạn vật.

"TỒN TÂM DƯỠNG TÁNH" là giữ cho mình còn cái tâm hư linh; nghĩa là đừng để cho tự ý che lấp mất và nuôi cho cái tánh được sáng suốt toàn hảo như của Trời đã ban cho ta, tức là biết có Trời và thờ Trời một cách chơn thật.

Cái bản tâm giữ được còn mới thật là lương tâm. Có lương tâm mới có lương năng và lương tri, tức là cái giỏi biết rất tự nhiên, rất mẫn tuệ (người không học mà giỏi gọi là lương năng, không suy nghĩ mà biết gọi là lương tri. Cũng như đứa trẻ con còn ẳm trên tay, không đứa nào là không biết yêu mến cha mẹ, chỉ vì lương tâm còn nguyên vẹn thuần túy).

Theo thuyết KHỔNG GIÁO, người ta ở đời phân biệt nhau ở nơi quân tử hay tiểu nhơn, hiền hay ngu là do người ta giữ cho còn cái tâm hay để cho mất cái tâm. Giữ cho còn cái tâm là đáng bậc Thánh Hiền, bỏ mất cái tâm con người vẫn là một cây thịt biết đi biết chạy mà thôi.

Thầy MẠNH TỬ chú ý nhứt về chỗ tìm lại cái tâm của mình đã để sổ ra mất, vì lẽ người ta để con gà, con chó sổ ra còn biết đi tìm, há đâu để món báu thiêng liêng là cái tâm của mình sổ ra lại không đi tìm hay sao?

Tìm lại cái tâm đã mất tức là sửa mình đó.

Từ bậc vua chúa dĩ chí thứ dân, ai cũng lấy sự học để sửa mình làm gốc. Muốn sửa mình cho ra người có đức hạnh hoàn toàn, trước phải giữ gìn cái tâm cho chính, cái ý cho thành, sau mới cách vật trí tri, nghĩa là tìm hiểu rõ các sự vật và biết đến cho cùng cực của sự biết.

Muốn giữ cái tâm cho chính, sự sợ hãi, sự vui say, sự ưu hoạn, làm cho cái tâm ta chênh lệch xao xuyến vì một khi tâm bị loạn thì mắt không trông thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết mùi, tất nhiên ta chẳng còn phân biệt được tà chánh ngay gian mà xử sự đúng theo đạo lý.

Khi tâm đã chánh, ý đã thành, cái lương tri lương năng của ta trở nên mẫn huệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ đến chỗ nhiệm mầu sâu xa dầu đối phó với cảnh ngộ nào cũng điều hòa và hợp với lẽ phải.

Chừng đó con đường đã dọn sẵn, sự sáng suốt của tâm đã đủ sức dìu dắt ta trong bước tu thân, có còn chi trở ngại nữa.

Việc tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cũng do nơi con đường đó mà đạt thành.

Ngày nay ÐỨC CHÍ TÔN khai nền ÐẠI ÐẠO tại VIỆT NAM để cứu vớt nhân loại lần cuối cùng qui tam giáo, hiệp ngũ chi đem chủ nghĩa từ bi bác ái lập nền tảng đại đồng hòa bình.

Ðức Chí Tôn từng dạy chúng ta lập tâm chí thanh cao và noi theo đức háo sanh của Ngài mà phổ độ sanh chúng.

Lúc mới khai Ðạo (1926), mỗi đêm những chức sắc lớn phải đi đến nhà các đạo hữu mới nhập môn đặng làm lễ khai đàn. Một hôm nhiều chức sắc đến khai đàn tại nhà một đạo hữu ở trong một túp lều tranh nơi xóm dân lao động. Ðường đi trong ngõ hẽm trơn trợt vì gặp phải mùa mưa, phần đông chức sắc than phiền dường như rất bực lòng đi đến chỗ không xứng đáng.

Lúc khai đàn, Ðức Chí Tôn giáng cơ ban khen Vị Ðạo Hữu chủ đàn và rầy cả chức sắc sao không hiểu nghĩa vụ của mình đối với Ðạo, nhơn sanh.

Bài thi cho cả chức sắc hiện diện như sau đây:

  Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Há cần hạ giới dụng cao ngôi?
Hèn sang trối kệ tâm là quí,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.

Từ ấy các chức sắc đi chứng lễ khai đàn nơi tư gia, tỏ ý sốt sắng và không dám câu nệ nữa. Ðức Chí Tôn thường nói với các môn đệ:

"TÂM các con vừa động Thầy đã biết rõ, vì TÂM các con là một phần thiêng liêng của Thầy ban cho, vậy tư tưởng các con Thầy đều biết, khá tìm hiểu."

Do đó chúng ta biết DÂN TÂM tức là THIÊN Ý và theo thể pháp của Ðạo, duy có quyền Vạn linh đối với quyền Chí Tôn mà thôi.

Lúc ÐỨC QUYỀN GIÁO TÔNG còn tại thế, Ngài có tiếp một bài thi của Ðức Chí Tôn như sau đây:

  Nghiêng vai gánh vác đạo nhà Nam,
Gắng khổ chìu tâm độ tánh phàm.
Khổ ấy về sau danh phận xứng,
Chăm lo trách nhậm mới gìn kham.

Ngài thường nói với các chức sắc gần gũi với Ngài: "Tuy qua đi hành đạo vất vả cực nhọc nhưng qua vẫn vui lòng, vì đối với Thầy, tâm qua được trong sạch, đối với nhơn sanh tâm qua được thơ thới an vui vì làm tròn nhiệm vụ. Ngoài đời người ta được thưởng công bằng tiền bạc, trong cửa đạo chúng ta được thưởng công bằng sự ban khen phủ ủy của lương tâm.

Những tiếng ban khen ấy đối với qua không lấy vật chi quí báu của đời mua được".

Quí hóa thay lời nói của người Anh cả chúng ta. Ngày nay bậc cao khiết ấy đã về với Thầy rồi, lời nói trên đây còn văng vẳng bên tai của kẻ viết bài này.

Bức tranh xã hội thường ngày vẽ cho chúng ta thấy nhiều chuyện trớ trêu khúc mắc và chỉ cho chúng ta biết rằng đời hiện tại là đời mạt kiếp, nên cang thường đảo ngược, luân lý suy đồi. Người ta đua nhau lăn xả vào vòng trụy lạc, sống một đời vật chất vô nghĩa, vô nhân, vô tâm, vô đạo. Nào con giết cha, vợ giết chồng, nào anh em làm loạn luân thường, nào mẹ bán con vì mối lợi thừa, chồng hiến vợ cho kẻ có quyền để cậy thân dựa thế. Người ta dám giết lẫn nhau vì số tiền một vài trăm đồng hoặc tạo cảnh nồi da xáo thịt vì bát cơm manh áo.

Ðức PHẬT THÍCH CA có giáng cơ như vầy:

  Lộ vô nhân hành,
Ðiền vô nhân canh,
Ðạo vô nhân thức,
Ta hồ tận chúng sanh!

Ðiền là tâm điền, chỉ nghĩa tâm người ta như miếng ruộng, cần phải cày cấy, gieo giống tốt mới nở bông sanh trái, bằng để u trệ không lo săn sóc, ruộng sẽ bị cỏ chạ cây rừng loán mọc, thành đất hoang vu, chứa những độc trùng hiểm nguy không ít.

Thường ta thấy nơi trường đời người ta mượn cái lốt bề ngoài để lòe quần chúng để che khuất cái tâm khô khan cằn cổi bên trong, đặng chờ dịp lừa phỉnh nhau và sát hại nhau.

TÂM bất chánh trong phạm vi eo hẹp thì làm rối loạn gia đình, tâm bất chánh ở chỗ xử sự xã giao thì gây ác cảm, chác oán thù, tâm bất chánh loán vào xã hội tạo giây oan nghiệt, đưa đến cảnh tội tù, xô đẩy con người vào vực sâu hang thẵm.

Gặp được mối Ðạo mầu, chúng ta rất hữu phước được Ðức Chí Tôn dìu dắt và giáo hóa, chúng ta nên gắng công trau giồi tâm chí hầu nâng cao danh thể Ðạo và thức tỉnh những kẻ sai bước lạc đường.

Ðức Chí Tôn cầm quyền cả càn khôn thế giới, đã từng hạ mình làm hồn ma đặng dìu dắt các môn đệ lúc ban sơ, ta há vì tự trọng tấm thân mà không noi gương của Ngài trong muôn một hay sao?

Có tài thì cái tài rất hữu dụng, mà đức lại càng qúi hơn. Diêu Trì Cung Bát Nương có khuyên dạy về hai chữ tài và đức như sau đây:

  Tài lấn đức tài mau diệt tận,
Ðức đồng tài, tài phấn khởi thêm.
Mênh mông biển khổ con thuyền,
Ðạo sơ đức kém ngửa nghiêng sóng trần.
Ỹ tài sức cậy thân dựa thế,
Tài càng nhiều càng lụy đến thân.
Tài kia tai nọ luôn vần,
Ðức tài trau luyện đồng cân mới mầu.
Trăm năm một cuộc bể dâu!

Tố Như Tiên sanh là cụ Nguyễn Du dạy đời hai câu bất hủ nầy:

  "Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài."

Nơi cửa Ðạo, người hành đạo phải làm gương mẫu cho nhơn sanh và muốn lập chữ tâm phải quên được cái "bản ngã" thường tình. Trừ bỏ được bịnh chỉ biết có mình, hành vi nào cũng được trong sạch, khỏi bận tâm lo mất còn thiếu đủ. Trong cảnh hèn sang, vui khổ, phải chia sớt với tất cả bạn đồng hành, sự tương thân, tương ái mới được trọn vẹn.

Lưu Hướng Liệt Nữ truyện Trung Hoa có chép một truyện như sau đây:

"Lúc Xuân Thu, nước Tề cữ binh phạt nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, viên tướng chỉ huy binh Tề trông thấy một người đàn bà một tay bồng đứa bé, tay kia dắt một đứa bé nữa. Quân tràn tới, người đàn bà vội bỏ đứa bé đang bồng trên tay xuống, xốc đứa bé đang dắt, rồi hơ hãi chạy trốn vào rừng. Ðứa bé bị bỏ, chạy theo la khóc, người đàn bà cứ lo chạy không ngó lại.

Viên tướng Tề sai quân bắt lại và hỏi:

"Ðứa bé nàng bồng chạy là con ai, đứa bé bỏ lại là con ai?"

- Thưa, đứa tôi bế chạy là con của anh cả tôi, đứa tôi bỏ lại là con tôi. Vì không thể bảo toàn cả hai đứa, nên tôi phải bỏ con tôi.

- Tướng Tề nói: "Tình mẹ con không đau xót sao?- Ai nở bỏ con mình để cứu lấy con của anh là thế nào?"

- Con của tôi là tình riêng, con của anh tôi là "nghĩa công", bỏ con đẻ tuy đau xót, nhưng muốn làm tròn nghĩa công, tôi phải lìa nó mà cứu con anh tôi. Tôi không thể nào mang tiếng "vô nghĩa" mà sống ở nước tôi được.

Viên tướng Tề dừng binh lại, đợi vua Tề đi tới quì tâu: "Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới tới biên giới, đã thấy một kẻ phụ nhơn ở xó rừng góc núi còn biết chẳng vì tình riêng mà hại nghĩa công huống chi là những bậc quan lại sĩ phu trong nước. Vậy xin kéo binh về là hay hơn."

Vua Tề cho là phải.

Nhờ vậy người đàn bà bảo toàn cả hai đứa bé và sau được Vua nước Lỗ thưởng một trăm tấm lụa và tặng hai chữ "nghĩa cô".

Ðó là tâm lý xử nghĩa của một người đàn bà ở tận góc núi ven rừng nơi trường đời.

Khi người ta bỏ được thuyết "bản ngã" ra ngoài hành động trông ra chánh đáng và cao thượng làm sao!

Nơi cửa Ðạo, chủ nghĩa giác thế độ đời lại cao cả hơn nữa. Nếu tâm vẫn còn chịu khổ để lo cái "của mình" còn hay mất, được hay thua, thêm hay bớt thì phận sự Ðạo làm sao cho trọn?

Ðức CAO THƯỢNG PHẨM có giáng cơ dạy rằng: "Phải giữ thân thể khỏi sa ngã vào sự ràng buộc nào phải cực trí lao thần. Tâm được trong sạch thanh cao, Thần được nhẹ nhàng thơ thới, người hành đạo mới thành hữu dụng cho Ðạo Ðời.

Còn mang lấy xác thân là còn trách nhiệm cho đến ngày thở hơi cuối cùng. Phải tự nuôi tâm chí cho cao thượng, tự bảo đãm cái trách nhậm ấy đặng tự tạo con đường "sống còn" hầu giải thoát cho những kẻ đương "sống mất".

Than ôi! Họ "sống mất" không biết bao nhiêu, thành ra đời loạn, chúng ta có đành chịu kiếp sống mất chăng?

Dưới đây là một bài thi giáng cơ của Ðức Nhàn Âm Ðạo Trưởng:

  "Tìm Ðạo mà chi khá hỏi mình,
Bến mê mới vững vớt quần sinh.
Vun trồng cội phúc ơn chan thấm,
Giong rủi đường tiên nghĩa tạc gìn.
Tâm chánh nương nhau dìu lối chánh,
Lòng thanh nhờ lẫn lóng hơi thanh.
Thiên cơ tuy hẵn nêu trường khảo,
Lướt khỏi ngàn thu quả đắc thành."

Thánh Giáo của Ðức Diêu Trì Kim Mẫu:

"Ðời hay Ðạo cũng vậy, muốn lập nền tảng cho sự thái bình, phải cần lập tâm chơn chánh đỉnh đạt để gieo sự hòa nhã yêu đương rồi mới gia tề quốc trị.

Thiếu nhân kém đức, tâm chí nông nỗi, chủ hướng mơ màng, chẳng qua tạo cảnh khổ cho nhơn sanh mà thôi. Vậy các con nên trao giồi chữ tâm cho lắm.

Mẹ để ít lời dưới đây cho các con làm chuẩn thằng trong bước Ðạo.

  Gắng sức trau giồi một chữ TÂM,
Ðạo đời muôn việc khỏi sai lầm.
Tâm thành ắt đoạt đường tu vững,
Tâm chánh mới mong mối đạo cầm.
Tâm ái nhơn sanh an bốn biển,
Tâm hòa thiên hạ trị muôn năm.
Ðường tâm cửa Thánh dù chưa vẹn,
Có buổi hoài công bước Ðạo tầm."

Mấy bài Thánh Giáo trích lục chúng ta đã được đọc qua là những lời châu ngọc, chúng ta nên cố gắng nhớ để làm kinh nhựt tụng.

Trong bước đường tu, dưới bóng từ bi bác ái của Ðức Chí Tôn, ước mong những lời dạy bảo ấy sẽ giúp ích mãy may cho những đạo hữu ham tìm ánh sáng của chơn lý.

MÙA THU NĂM MẬU TUẤT
(Septembre 1958)



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 874