× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Về Con Ðường Giải Thoát

Kính Thưa Quý Vị,

Mỗi Tôn Giáo, dầu Thích giáo, Lão giáo hay Nho giáo đều có tôn chỉ khuyên người lánh dữ làm lành, dưỡng tánh tu tâm để đi đến con đường giải thoát.

Phật giáo gọi Ðời là bể khổ, nước mắt chúng sanh trong ba nghìn thế giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn biển.

Ðức CHÍ TÔN NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ dạy rằng: Cõi Ðời là nơi con người bị đày đọa, đặng trả cho xong nợ tiền khiên. Nếu trả chưa dứt nợ, thì phải chịu trầm luân mãi cho đến khi vay trả vẹn toàn mới được giải thoát.

Muốn được giải thoát, con người phải lo tu hành, phải sống một đời thanh bạch, tránh chốn cạnh tranh giành giựt, trau giồi hạnh đức và lập công quả để làm nấc thang bước lên khỏi chốn mê đồ, thoát vòng tục lụy.

Dìu dắt con người đi trọn vẹn trên đường Thánh đức, là mục đích chung của các Ðạo giáo.

Mục đích đó, người theo Ðạo có thể quên đi, nhưng nó vẫn có sẳn trong kinh điển.

Muốn vạch con đường cho nhơn sanh thoát nơi biển khổ, tránh đọa luân hồi, Ðức Phật THÍCH CA dạy phải diệt cái bản ngã, dứt hết mọi tình lưu luyến, coi sự đời là mộng ảo, đoạn tuyệt sự ham muốn, trừ khử vô minh để về với chân như bất sanh bất diệt.

Ðức LÃO TỬ thì coi thường mọi việc thế tình, cho công danh phú quí là phù vân, nên chủ trương cái thái độ hờ hững lãnh đạm với ngoại giới.

Ðức Ngài quan niệm cái nguyên lý sinh tồn tự thể của con người, với cái nguyên tắc sinh tồn bản thể của vũ trụ, có những mối tương quan vô hình nhưng chặc chẽ, làm nhân duyên sinh khởi tồn tại cho nhau, nên muốn thanh tịnh vô vi để hòa mình cùng Ðạo, hầu tìm phương trường sanh bất tử.

Chúa JÉSUS thì long trọng phán truyền cho nhân loại: "Các con hãy trở nên hoàn thiện như Cha các con trên trời".

Ðức KHỔNG TỬ thì áp dụng triệt để khẩu hiệu: "Thành chi" tức là tiến tới hoàn thiện. Thuyết 'Thành chi của Ðức Ngài chia ra làm hai giai đoạn: Thành kỷ và Thành nhân, tức là hoàn thiện mình trước, rồi giúp người hoàn thiện như mình, để phối hiệp cùng Ðấng THƯỢNG ÐẾ.

Vì hiểu thấu con người tuy hèn mọn đối với võ trụ, nhưng được ban cho một định luật linh diệu là có thể tu tâm dưỡng tánh, để phối hợp với Trời, và Trời bao giờ cũng ở trong tâm hồn chúng ta, nên Ðức KHỔNG TỬ cảm thấy mình tràn ngập vui sướng mới dám nói lên: "Triêu văn Ðạo, tịch tử khả hỷ", có nghĩa: Sáng nghe biết Ðạo, chiều chết cũng vui.

Ðể hoàn thiện mình, Ðức Ngài áp dụng định luật "Trật tự" và "Hòa hợp" của Trời đất.

Quan niệm của Ðức Ngài là phải đem trật tự lại trong con người, tức là phải sửa ngay ngắn lại những gì chêch lệch, phải chấn chỉnh lại những gì gian tà, phải đem thành thực lại thế cho những gì giả dối. Ðể thực hành việc đó, Ðức Ngài dùng những phương pháp: Ý thành, Tâm chánh, Thân tu, Gia tề, Quốc trị, Thiên hạ bình.

Trật tự tu tỉnh lại bản thân đó gọi là Trung. Kế đó đem trật tự gieo lại cho người khác, cho họ hoàn thiện như mình gọi là Thứ.

Trung và Thứ hòa hợp với nhau, để đem công bình, bác ái lại cho thiên hạ, cùng nhau góp sức chung vai nâng đỡ nhau về cùng Thượng Ðế toàn thiện toàn mỹ.

Như vậy bản thân mình sẽ là khúc nhạc, gia đình mình là khúc nhạc và quốc gia, xã hội cũng là khúc nhạc.

Khúc nhạc nhơn quần đó sẽ hòa tấu cùng khúc nhạc võ trụ.

Huyền diệu thay! Hòa bình vĩnh cửu, hạnh phúc trường tồn sẽ do đó mà phát sinh.

Tánh ích kỷ của phàm phu, lòng ganh tỵ của tục tử không còn có nữa.

Nơi bến chợ đời, người ta không còn trông thấy sự cấu xé giết hại nhau vì một miếng ăn hay mảnh áo. Lễ nghĩa ngập tràn trong xã hội, trẻ biết kính già, lớn biết thương nhỏ, đi đường nhường bước, của rơi không mất. Kẻ nghèo khó được đỡ nâng, thì đạo tặc phải vắng bóng.

Cái đời thái bình thịnh trị đó là đời Thánh đức của nhà Châu dưới quyền thống trị của vua Văn Vương ở vào năm 1120 trước Tây lịch.

Nhơn dân được vui hưởng hạnh phúc, gia vô bế hộ, lộ bất thập di, trong nước không có nhà tù, vì không có tội nhơn. Nếu vạn bất đắc dĩ phải răn phạt người sái phép, thì nhà cầm quyền chỉ vẽ một vòng tròn nơi một khoản đất nào, rồi bắt người phạm tội vào ngồi trong đó một hay là nhiều ngày, gọi là cách giam phạt tội nhơn. Mặc dù không cắt người canh giữ, nhưng tội nhơn không khi nào dám bước ra khỏi cái vòng vẽ đó và đợi đến mãn giờ phạt, có lịnh cho đi mới dám đi.

Ðời Thánh Ðức đó Ðức KHỔNG TỬ muốn đem Ðạo của Ðức Ngài mà tạo trở lại trên nước Trung Hoa.

Ðó cũng là cơ giải thoát hữu hình do thuyết Trung Hòa mà Ðức Ngài hằng lập tâm thực hiện.

Nhưng Ðức Ngài đã thất bại, vì gặp nhằm Xuân Thu thời đại, loạn lạc bốn phương, dân tình khổ sở, Vua thì yếu đuối, mất hết quyền hành, các chư hầu thì đua nhau tranh bá xưng hùng, không ai thiết gì đến nhơn nghĩa.

Ngày nay từ Âu sang Á, làn sóng văn minh tràn ngập khắp nơi, vật chất lấn áp tinh thần khiến cho nền luân lý cổ truyền cõi Á đông phải luân lạc.

Bởi Hạ ngươn hầu mãn, nên Ðức CHÍ TÔN NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ dùng huyền diệu cơ bút lập ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ với tôn chỉ qui nguyên Tam giáo, hiệp nhứt Ngũ chi.

Lấy Nho tông chuyển thế, lấy sự thương yêu là phương pháp thực hành chánh Ðạo. Ðức CHÍ TÔN quyết cứu vớt những kẻ hữu căn thoát vòng khổ hải, tránh đọa luân hồi hầu vui hưởng một hạnh phúc vĩnh cửu.

Cơ giải thoát chúng sanh lần nầy là lần cuối cùng, Ðức CHÍ TÔN phải ra công dạy dỗ cho toàn thể tín hữu biết hồi tâm hướng thiện, quay về đường chánh giáo tu tâm dưỡng tánh, lập công bồi đức hầu ngày chung qui được hội hiệp với Người nơi cõi Thiêng Liêng hằng sống.

Mở rộng trường thi công quả, Ðức CHÍ TÔN quyết lòng chỉ bảo cho các môn đệ có thể lập vị cho mình và độ rỗi nhơn sanh còn sa ngã trong vòng tục lụy.

Ðại Từ Phụ lại sợ cơ thử thách quá cay nghiệt, nên có dạy rằng: "Ngày nào Ðạo đã khai tức là tà khởi. Các con phải hết sức mà gìn giữ lấy mình. Chẳng những giữ mình các con mà thôi, lại còn phải giữ gìn cả môn đệ Thầy nữa. Những mưu chước của tà mỵ làm ngăn trở bước đường Thánh đạo của các con, đó là do Thầy dùng để thử các con. Vì vậy, Thầy đã thả một lủ hổ lang ở lộn cùng các con, chúng nó hằng thừa dịp cắn xé các con. Song trước, Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp chúng nó chẳng hề thấy đặng, đó là đạo đức của các con. Thầy lại khuyên các con gìn giữ bộ thiết giáp cho đến ngày hội hiệp cùng Thầy.

Ấy vậy, Ðạo rất hữu ích cho con người như giáp hữu ích cho thân các con. Nếu các con bỏ giáp thì thân các con ra trần lổ, còn bỏ Ðạo thì các con ở dưới phép tà thần".

Ðức CHÍ TÔN lo lắng cho môn sinh như thế, là vì trên trường đời đầy dẩy những cạm bẩy hiểm nguy. Lòng ham muốn của con người lại vô bờ bến: Nào lợi, nào danh, nào tiền tài, nào tửu sắc.

Trước bao nhiêu cuộc quyến rũ, con người mất hết huệ khí thiên lương nên phải sa ngã vào đường tội lỗi.

Nhưng, người đã quyết chí tu hành, quyết lánh giả tầm chơn, đã xả thân cầu Ðạo, xả phú cầu bần thì sự quyến rũ nào lôi cuốn được?

May duyên gặp thời kỳ đại ân xá nầy, đó là cơ hội "Ngàn năm một thuở" Ðức CHÍ TÔN ÐẠI TỪ PHỤ, lại tha thiết nhủ khuyên, ân cần dìu dắt, thì hỡi ai, còn tiếc chi tuồng đời mộng ảo mà phải để cho công phu lở dở?

Ðời người qua thấm thoát như cửa sổ thoát vó câu, như ngọn đèn treo trước gió, người tu hành chẳng nên bỏ mất thì giờ, phải mau chơn tiến bước trên đường nghĩa vụ.

Giữa trường đời gió bụi, mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết, người Tín hữu CAO ÐÀI lại may mắn được che chở dưới bóng từ bi của Ðức THƯỢNG ÐẾ, lại được Ơn Trên ban cho một món báu mầu nhiệm riêng biệt mà từ ngàn xưa chưa hề có trên thế gian.

Ðó là cơ giải thoát, mà muốn đạt được, người hành đạo duy có trải tâm chơn thành, giồi trau hạnh đức hầu tế độ nhơn sanh quay về chánh giác.

Các ân huệ đó lớn lao biết bao nhiêu!

Hội Thánh trông mong mỗi Tín hữu nên lưu tâm và đừng để mất cơ hội./.

NAM MÔ CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT

(Trích Thông Tin số 7, ngày 28/06/1970)

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 701