× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Về Ðức Quan Thánh Ðế Quân (24/6/Bính Ngọ, 1966)

Kính chư Chức sắc Cửu Trùng Ðài và Phước Thiện Nam Nữ,
Kính chư Chức việc và Ðạo Hữu lưỡng phái,

Hôm nay là ngày lễ vía Ðức Quan Thánh Ðế Quân, một đấng Thiêng liêng cầm quyền Tam Trấn oai nghiêm Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Tôi xin nhắc lại sơ lược Tiểu sử của Ðức ngài một bậc danh nhân tiền bối của Trung Hoa mà chẳng những hầu hết người Trung Hoa thờ phượng mà một phần đáng kể người Việt Nam cũng tôn thờ, chỉ vì nơi sùng bái cái tiết tháo của Ðức Ngài và muốn noi theo gương sáng của Ðức Ngài mà cư xử cho đúng bổn phận làm người.

Ðức Ngài họ Quan tên Vũ tự là Vân Trường, sanh nhằm đời nhà Hớn bên Trung Hoa, lúc đời Tam Quốc phân tranh trong thế kỷ thứ ba cách đây lối 1730 năm, lúc ấy Giao Châu tức là Việt Nam bị lệ thuộc của Ðông Ngô.

Ðức Ngài vốn người quận Hà Ðông, huyện Giải Lương, là một đấng anh hùng xuất chúng thời ấy cùng với Lưu Huyền Ðức và Trương Phi kết nghĩa tại Ðào viên thề đồng sống thác, quyết tâm khuôn phò nhà Hớn.

Ðời làm tướng của Ðức Ngài, bộ truyện Tam Quốc Chí đã có ghi rõ.

Ðây chúng tôi chỉ nhắc sơ lược những giai đoạn quan trọng và điều đáng quan tâm là Ðức Ngài không phải là người tu hành, không xuất thế, không trường chay giái sát mà khi bỏ xác trần Ðức Ngài đắc Thánh vị và sau thăng đến Phật Vị.

Chỉ vì khi còn tại thế Ðức ngài gồm cả bốn Ðức: Trung, Cang, Nghĩa, Khí. Một lời giao kết dù cho nát thân cũng không dời đổi. Trung thì bền lòng như sắt đá. Cang dũng thì coi sự chết như mảnh lông hồng, trọng nghĩa như Thái sơn, khí tiết thì chói lòa Nhựt Nguyệt. Ngài là một nhơn vật phi thường một vị Thánh nhơn tại thế vậy.

Ðời người làm tướng của Ðức ngài uy danh lừng lẫy dù cho kẻ thù nghịch của Ðức ngài cũng phải kiêng nể kính phục.

Khi Ðức Ngài thất thủ thành Hạ Bì vì binh cô tướng quả, bị Tào Tháo vây tại hòn Thổ Sơn thì có tướng Tào là Trương Liêu đến dụ hàng.

Ðức ngài thế cùng lực tận, muốn bảo hộ nhị tẩu được vẹn toàn nên vạn bất đắc dĩ Ðức Ngài phải chịu đầu Tào nhưng với ba điều giao ước. Một là Ðức Ngài chỉ qui hàng Hớn Ðế chớ không qui hàng Tào Công, hai là chỗ của nhị tẩu ở cấm bất kỳ quan chức nào cũng không cho đến cửa, ba là khi nghe tin Lưu Huyền Ðức ở nơi nào thì dù xa ngàn dặm, Ðức Ngài cũng từ giả ra đi.

Khi Trương Liêu về tâu lại với Tào Tháo thì Tháo nói rằng: Ðiều thứ nhứt thì ta chịu vì ta là thừa tướng nhà Hớn thì nhà Hớn tức là ta chứ ai, điều thứ nhì cũng được vì cấm người tới cửa hai vị phu nhân là việc lễ nghĩa chẳng khó chi. Duy có điều thứ ba là không thể nhận, vì nếu Vân Trường được tin Lưu Bị ở đâu thì tức tốc ra đi, như vậy ta nuôi Vân Trường có ích gì?

Trương Liêu thưa rằng: Lưu Huyền Ðức mà đãi Vân Trường chẳng qua là đầy ân hậu mà thôi.

Nay Thừa tướng lại ra ơn cho hậu hơn Huyền Ðức để mua lòng thì có lo gì Vân Trường không phục.

Tào Tháo bèn khứng chịu ba điều giao ước, khi rút binh về Hứa Xương Ðức Quan Thánh thỉnh nhị tẩu lên xe, bổn thân hộ tùng xe ấy mà đi.

Dọc đàng khi tạm nghỉ nơi quán dịch, Tào Tháo cố ý làm cho loạn lễ quân thần, để cho Ðức Ngài ở chung với nhị tẩu. Ðêm ấy Ðức Ngài cầm đuốc đứng ngoài cửa từ đầu hôm cho tới sáng, làm cho Tào Tháo càng thêm kính phục hơn nữa.

Về giai đoạn này, Vua Tự Ðức có hai câu thi như sau:

  "Ðuốc ngọc canh thâu trời một góc,
Vườn Ðào nguyện cũ ruột trăm chìu."

Về tới Hứa Xương, Tào Tháo tâu xin với Thánh Ðế phong cho Ngài chức Thiên Tướng quân và lấy vàng đúc ấn Hớn Thọ Ðinh Hầu mà ban cho Ðức Ngài.

Kể từ ngày ấy, Tào Tháo thết đãi Ðức Ngài rất trọng hậu, ba ngày thì đãi tiệc nhỏ, năm ngày thì đãi tiệc lớn lại ban cho gấm nhiễu vàng bạc vô số kể. Ngoài ra còn lựa những mỹ nữ tuyệt sắc đưa đến để hầu hạ Ðức Ngài.

Ðức Ngài liền đưa hết những mỹ nữ ấy vào nhà trong để phục sự cho nhị tẩu.

Tào Tháo nhơn thấy Ðức Ngài mặc áo chiến bào cũ quá bèn lấy gấm tốt may một cái chiến bào mới ban cho Ðức Ngài, Ðức Ngài lãnh lấy đem về mặc vào trong rồi cũng cứ mặc cái áo cũ ra ngoài. Tào Tháo thấy hỏi sao hỏi Ðức Ngài hà tiện như vậy, Ðức Ngài đáp: Không phải là tôi hà tiện, nhưng cái áo cũ này là của Lưu Hoàng Thúc ban cho, tôi mặc nó ra ngoài như là thấy anh tôi vậy. Tôi không dám trọng áo mới của Thừa Tướng mà quên cái cũ.

Tào Tháo tuy ngoài miệng khen Ðức Ngài nhưng trong lòng không vui.

Ngày kia nhơn mời ngài đi phó yến, Tào Tháo thấy ngựa cũa Ðức Ngài quá ốm, bèn khiến kẻ tùy tùng dắt đến một con ngựa sắc đỏ như than lửa, vóc cao sức lực mạnh mẽ, rồi sai thắng đủ yên lạc mà ban cho Ðức Ngài, Ðức Ngài nhìn ngựa rồi lật đật quì xuống lạy tạ.

Tào Tháo sững sốt nói rằng: "Tôi đã nhiều phen cho ông gái tốt, vàng bạc, gấm lụa, mà Ông chưa từng lạy tạ, nay sá chi một con ngựa mà ông phải lạy tạ?" Ðức Quan Thánh nói rằng: "Tôi biết ngựa này là ngựa xích thố của Lữ Phụng Tiên, một ngày đi ngàn dặm. Nay được nó rồi, nếu tôi biết anh tôi ở đâu thì nội trong một ngày tôi sẽ thấy mặt anh tôi được."

Tào Tháo nghe nói lấy làm hối tiếc vì sự cho.

Bửa sau Trương Liêu đến ra mắt Ðức Ngài và nói rằng: "Tôi tiến cử anh cho Thừa Tướng thì người vẫn kính trọng mà đãi anh rất hậu, dù cho Lưu Huyền Ðức đãi anh cách nào cũng không hơn thừa tướng, sao anh cứ mong lòng ra đi hoài, tức là không biệt phân khinh trọng đó."

Ðức ngài liền đáp: "Thừa Tướng thiệt đãi tôi rất trọng hậu nhưng tôi và Lưu Hoàng Thúc thề đồng sống thác, không lẽ nay lại phụ nhau. Tôi quyết không ở đây, nhưng tôi phải lập công để đền ơn cho thừa tướng rồi mới đi."

Tào Tháo nghe được than rằng: "Thờ chúa chẳng quên căn bổn, ấy thiệt là người nghĩa sĩ trong thiên hạ."

Từ đó Tào Tháo chí công mua lòng Ðức Ngài Quan Thánh hơn nữa: Như may đai gấm để bọc râu cho Ðức Ngài, khi hội yến thì nhường cho Ðức Ngài ngồi trên như bậc thượng khách, khi Ðức Ngài lên ngựa thì thưởng vàng, xuống ngựa lại thưởng bạc, cố ý làm cho Ðức Ngài cảm động hầu lưu Ðức Ngài ở luôn với mình.

Theo thế thường thì giàu đổi bạn sang đổi vợ, con người khi gặp nơi đắc dụng được kẻ biết trọng đãi kính nể mình, ban cho vàng bạc đủ đầy gái tốt hầu hạ sớm khuya, yến tiệc linh đình, tước cao lộc quí thì cho anh em ruột cũng quên được, vợ mình tấm mẳn cũng dứt tình, chúa cũ cũng không màng huống chi là kết nghĩa giao bằng hữu.

Nhưng mà đối với Ðức Ngài thì Ðức Ngài coi vàng bạc như củi mục, thị sắc đẹp như cây khô, tước lộc cũng không màng, một tấm lòng son thủy chung như nhứt.

Sau khi Ðức Ngài giải vây thành Bạch Mã giết hai tướng Nhan Lương, Văn Xủ để trả ơn cho Tào Tháo, Ðức Ngài được hay tin Lưu Huyền Ðức đang ở Hà Bắc, Ðức Ngài lật đật đến từ giả Tào Tháo đặng lên đường. Tháo biết trước nên lánh mặt, Ðức ngài tự đến dinh ba lần đều không gặp. Ðức Ngài biết ý Tào không muốn cho Ðức Ngài đi, nhưng Ðức Ngài đã nhứt quyết nên viết thư từ giả sai người dâng đến phủ thừa tướng. Rồi đó Ðức Ngài gom góp những vàng bạc, gấm lụa của Tào Tháo ban cho Ðức Ngài từ thử phong niêm kỷ lưỡng để lại, 12 mỹ nữ cũng để ở lại, đoạn Ðức Ngài treo Ấn Hớn Thọ Ðình Hầu trên trính nhà, thỉnh nhị tẩu lên xe, Ðức Ngài chỉ cởi ngựa xích thố, cầm Thanh Long Ðao, đốc xuất quân tùy tùng cũ ngày trước đẩy xe ra khỏi thành.

Dọc đường qua năm ải Ðức Ngài buộc lòng phải giết hết sáu tướng của Tào, vì cản trở không cho Ðức Ngài qua ải.

Ðến sau ba anh em Lưu, Quan, Trương đắc địa, chiếm cứ Du Giang khẩu hiệp binh với Ðông Ngô, làm cho Tào Tháo đại bại nơi sông Xích Bích.

Ðức Ngài được lịnh của quân sư Gia Cát ngăn đường Huê Dung để bắt Tào Tháo.

Mặc dầu Ðức Ngài có lập đoan văn với quân sư Gia Cát, hể tha Tào Tháo thì phải chịu tử hình chiếu theo quân lịnh. Nhưng khi Tào Tháo bại binh chạy qua Huê Dung Ðạo, Ðức ngài thấy binh mã của Tào xơ xác, người thiếu lương, ngựa thiếu cỏ, Tào Tháo thì áo giáp mất hết, xuống ngựa quì lạy cầu xin Ðức Ngài nhớ ơn ngày trước mà phóng thích.

Tánh Ðức Ngài trọng nghĩa như Thái Sơn, nay thấy kẻ yếu thế đã hạ mình, phần Tào Tháo thiết tha khẩn cầu, phần binh tướng Tào Tháo khép nép rơi lụy nên Ðức Ngài động lòng cảm niệm quay ngựa ra lịnh cho binh mã của mình dang ra để cho Tào Tháo và binh tướng đều chạy qua khỏi, không giết người dưới ngựa, mặc dù có lập sanh tử trạng, thà cam chịu chết để trả xong ơn nghĩa, từ cổ chí kim không có người thứ hai như vậy.

Khi trở về phục lịnh, Ðức Ngài trói mình nạp cho quân sư Gia Cát, nhưng nhờ Lưu Huyền Ðức xin tha thứ cho Ðức Ngài để lập công chuộc tội.

Ðến sau Ðức Ngài lầm gian kế của Lử Mông thất thủ kinh châu bị binh Ngô bắt được, Ðức Ngài tận trung với Hớn thất nên cam chịu chết chứ không chịu đầu.

Khi Ðức Ngài qui vị, cái khí phách còn nhiễm mối thù nên anh hồn hiển Thánh trên núi Ngọc Tuyền là nơi có một vi chơn sư pháp danh Phổ Tịnh đương tu luyện.

Một đêm kia bóng trăng sáng tỏ, sư Phổ Tịnh đang ngồi trước cửa am xãy nghe trên không có tiếng kêu "Trả đầu cho ta". Sư Phổ Tịnh ngước lên xem thì thấy trên không trung một vị tướng quân cởi ngựa xích thố, tay cầm thanh long đao, hai bên có hai vị theo hầu. Ba người sa lần xuống núi. Phổ Tịnh nhìn biết là Quan Hầu, bèn lấy cây phất chủ gõ trên mặt cửa mà gọi tên Ðức Ngài. Hồn Ðức Quan Thánh nghĩ biết, liền xuống ngựa nghiêng mình nơi trước am mà hỏi rằng: "Pháp danh thầy là chi?" Sư Phổ Tịnh đáp: "Tôi pháp danh là Phổ Tịnh, có gặp nhau tại chùa Trấn Quốc khi ngài quá ngủ quan, có lẽ ngài còn nhớ?".

Ðức Quan Thánh đáp: "Ngày trước nhờ ơn cứu nhau, nay tôi đã bị hại xin thầy chỉ điểm mê đồ tôi với." Sư Phổ Tịnh liền nói: "Trước quấy nay phải, tiền căn hậu quả một mãy không sai. Nay Quan Hầu bị Lữ Mông Gia hại, lại kêu mà bảo trả đầu. Vậy chớ những đầu của Nhan Lương, Văn Xủ và sáu tướng nơi năm cửa ải xưa kia thì biết đòi ai?"

Ðức Quan Thánh nghe nói liền tỉnh ngộ, cúi lạỵ chịu phép qui y mà thăng.

Ðến sau Ðức Ngài thường hiển Thánh nơi Ngọc Tuyền Sơn mà bảo hộ nhơn dân. Người trong làng cảm đức lập miếu trên núi mà thờ Ðức Ngài, bốn mùa hương khói không dứt.

Trong thời ấy có người làm bài thơ tặng Ðức Quan Thánh như vầy:

  "Tuy bậc tầm thường chốn Giải lương,
Người sau đều lạy Hớn Vân Trường.
Ðào viên một thuở vầy huynh đệ,
Tự hậu ngàn thu gọi đế vương.
Khí tợ phong lôi cao vòi vọi,
Lòng như nhựt nguyệt sạch chan chan.
Nếu nay miễu võ đầy thiên hạm
Thanh sử danh nêu đã rõ ràng."

Và đây là đôi liễn của phần đông người Trung Hoa thờ Ðức Ngài Quan Thánh Ðế Quân:

  "Chí tại XUÂN THU công tại HỚN
Trung đồng nhựt nguyệt nghĩa đồng thiên"

Cụ thủ khoa Nghĩa có bài thơ tặng cái tiết tháo của Ðức Ngài như sau:

  "Hạ bì ngày nọ chẳng màng nào,
Gương sáng chi lầm chước túng theo.
Chung rượu anh em keo gắn chặt,
Tâm son tôi chúa đuốc chong cao.
Theo rồng dốc nhóm may trời Hán,
Xuống ngựa đâu tham bạc đất Tào.
Hai mối cương thường gom đặng cả,
Ngàn năm thơm để miệng người rao."

Là người tu hành, chuộng cái hay, chê cái dở, hằng dọn mình cho được thanh khiết hầu lập nên thiên vị, chúng ta lại chẳng bắt chước lập nên một vài đức tốt của Ðức Quan Thánh để cho ra mặt phi thường trong cửa Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ hay sao?

Tôi mong ước toàn thể chức sắc đều lưu ý.

Nay Kính

CAO THƯỢNG SANH



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 3180