× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Về Ðức Khổng Phu Tử

PHẦN THỨ HAI: Các Bài Thuyết Ðạo, Huấn Từ và Diễn Văn của Ðức Thượng Sanh

 

BÀI THUYẾT VỀ ÐỨC KHỔNG PHU TỬ

 

Hôm nay là ngày vía của Ðức Khổng Thánh, tôi xin nhắc sơ lược lịch sử của Ngài mà các dân tộc Á Ðông đều nhìn nhận là Thủy tổ của Nho Giáo.

Trước hết cần giải nghĩa hai chữ Nho Giáo. Thời xưa người học Ðạo của Thánh hiền gọi là Nho, tức là người tìm học để biết được lẽ trời đất và người hầu dạy bảo người ta ăn ở cho phải Ðạo luân thường.

Chữ Nho của Hán tự là bởi chữ "Nhân" đứng kế bên chữ "Nhu" mà thành ra. Nhân là người, Nhu là cần dùng, tức là một hạng người lúc nào cũng cần có để giúp cho nhân quần xã hội, biết cư xử và hành động cho hợp với lẽ Trời. Chữ "Nhu" lại có nghĩa là chờ đợi, tức là người học giỏi đợi người cần dùng đến, là đem tài trí mình ra hiến cho quốc gia để làm cho ích nước lợi dân.

Có biết rõ cái ý nghĩa ấy thì mới hiểu tại sao Ðức Khổng Tử cả đời cứ phải châu du thiên hạ để cầu ra xuất chính.

Ngài là người theo Ðạo Nho, bao nhiêu học hỏi và tư tưởng của Ngài, Ngài quyết đem ra thực hành trong xã hội để giáo hóa nhơn sanh và sửa đời được tận thiện tận mỹ.

Cái chí hướng của Ngài cũng là cái chí hướng chung của người Nho học từ đời Thượng cổ. Vì đó trước thời Xuân Thu những người Nho học gọi là "SĨ". Sĩ ở đây có nghĩa là làm quan, mà quan thời đó là làm việc nghĩa với đời.

Từ cuối thời Xuân Thu trở đi, Ðức Khổng Tử đem phát huy cái học thuyết chính thức của Nho gia và định rõ những điều đại khái như sau:

1/- Nói về cuộc biến hóa của võ tru, quan hệ đến vận mạng của Nhơn loại.

2/- Nói về mối luân thường đạo lý trong xã hội.

3/- Nói về các lễ nghi trong việc tế tự Trời Ðất, Thánh Thần.

Những điều ấy thành ra cái thuyết về "NHÂN SANH TRIẾT HỌC" có ảnh hưởng lớn lao đến tư tưởng và hành động của toàn cả nhơn quần xã hội, lại là những điều cốt yếu của một tôn giáo.

Cho nên từ Ðức Khổng Tử trở đi, cái học của Nho gia được gọi là Nho Giáo và Ðức Khổng Tử được tôn là thủy tổ của Nho Giáo.

LỊCH SỬ: Ðức Khổng Tử người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ thuộc tỉnh Sơn Ðông bên Trung Hoa. Dòng dõi Ngài ở nước Tống, nhưng ông Tổ ba đời của Ngài sang cư ngụ tại nước LỖ.

Thân phụ Ngài là Thúc Lương Ngột, làm quan võ, lấy người vợ trước sanh được chín người con gái, người vợ lẽ sanh được một trai là Mạnh Bì bị tật què chơn. Ðến lúc gần già mới lấy bà Nhan Thị sanh ra Ngài.

Ngài sanh vào mùa Ðông, tháng 10 năm Canh Tuất là năm thứ 21 đời vua Linh Vương nhà Châu, tức là năm 551 trước Tây lịch kỷ nguyên. Bà Nhan Thị có cầu tự tại núi Ni Khâu, nên khi sanh Ngài mới đặt là Khâu tự là Trọng Ni. Dã sử chép rằng trước khi sanh, bà Nhan Thị có thấy một con kỳ lân nhả tờ Ngọc thơ có đề chữ: "Thủy Tinh chi tử, kế suy Châu vi Tố vương". Nghĩa là con của Thủy Tinh nối Nhà Châu đã suy mà làm vua không ngôi. Bà Nhan Thị lấy dây lụa buộc vào sừng con kỳ lân, được mấy ngày kỳ lân ấy đi mất.

Lại khi Ngài ra đời, có hai con rồng xuống quấn chung quanh nhà và có 5 ông Lão và 5 vì sao trên trời xuống đứng giữa sân.

Bà Nhan Thị lại nghe trên không có âm nhạc tiếng nói rằng: "Thiên cảm sanh Thánh Tử", nghĩa là Trời cảm lòng cầu nguyện cho sanh ra con Thánh.

Khi Ðức Khổng Tử được ba tuổi thì ông thân phụ mất, năm 19 tuổi Ngài thành gia thất, tuy còn trẻ tuổi, Ngài nổi tiếng là người học giỏi nên quan nước Lỗ là Trọng Tôn Cổ cho hai con là Hà Kỵ và Nam Cung Hoát theo Ngài học Lễ.

Ngài rất chú ý về việc lễ nghi và những phép tắc của các Ðế vương đời trước. Lúc Ngài được 29 tuổi nhờ Lỗ Hầu giúp cho xe ngựa và tiền lộ phí nên Ngài cùng một ít môn đệ sang qua Lạc Ấp là kinh sư nhà Châu để khảo cứu và xem xét những chế độ nơi miếu đường và nơi nào có việc gì quan hệ đến sự tế lễ là Ngài đến nghiên cứu cho tường tận. Ngài lại đến hỏi Nhạc nơi Trành Hoằng hỏi Lễ Ðức Lão Tử lúc ấy đương làm quan giữ Tàng thơ viện cho Nhà Châu.

Cuộc hội đàm giữa hai bậc Thỉ tổ Nho Giáo và Ðạo Giáo không được tương đắc, vì lẽ Ðức Lão Tử thiên về mặt vô vi, dùng sự thanh tịnh an nhiên, trầm tư mặc tưởng để sưu tầm một chơn lý cao siêu thoát tục, còn Ðức Khổng Tử thì đương chen lộn trong xã hội, đem thuyết "Hình Nhi Hạ" tức là Nhân Nghĩa và luân thường mà phổ cập trong thiên hạ, chớ Ngài chưa chiêm nghiệm về võ trụ, định mạng, sinh tử tức là về "Hình Nhi Thượng Học", một vấn đề mà 20 năm sau Ngài mới đề cập đến. Lẽ dĩ nhiên sở kiến của hai Ngài rất đối chọi nhau.

Sử ký chép rằng: Khi Ðức Khổng Tử đem thuyết Nhơn Ðạo để hỏi thì Ðức Lão Tử đáp rằng: "Người quân tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá và đi chân. Ta nghe người buôn bán giỏi khéo chứa của mà không ai biết, người quân tử có đức tốt mà bề ngoài coi như người ngu dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng ham muốn đi, những cái ấy đều vô ích cho ông".

Sau khi Ðức Khổng Tử ra về, Ngài bảo các đệ tử rằng: "Con chim có tài bay, con cá có tài lội, giống thú chạy giỏi, ta đều có thể biết được. Ðến khi con rồng thì nó cỡi gió lướt mây, vận chuyển một cách phi thường thì ta không biết đâu mà lường được. Hôm nay ta thấy Lão Tử như con rồng vậy".

Ðức Khổng Tử ở Lạc Ấp ít lâu rồi trở về nước Lỗ. Sự học hỏi của Ngài được mở rộng và học trò đến thọ giáo ngày càng đông.

Tuy nhiên vua nước Lỗ chưa dùng Ngài, Ngài lại sang nước Tề, bị quan Ðại phu là Yến Anh ngăn trở không cho Tề hầu dùng Ngài.

Ngài trở về nước dạy học cho đến năm 51 tuổi, vua nước Lỗ mới dùng ngài làm quan Trung Ðô Tể. Cách một năm Ngài được thăng Ðại Tư Khấu. Ngài đặt ra luật lệ cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc lớn nhỏ phân biệt, trai gái đều có bổn phận, ngoài đường không lượm của rơi, kẻ gian phi vắng bóng, hình pháp có đặt ra mà không dùng đến. Bốn năm sau Ngài được thăng lên đến bậc Nhiếp Tướng Sự, nghĩa là Ngài quyền nhiếp về việc chánh trị trong nước.

Ngài cầm quyền được bảy ngày thì giết quan Ðại phu Thiếu Chính Mão là một người xảo trá nham hiểm thời ấy. Ðược ba tháng thì quốc chánh rất hoàn toàn, trật tự được phân minh, cảnh tượng nước Lỗ thật là thạnh trị.

Nước Tề là lân bang của nước Lỗ, sợ nước Lỗ được cường thịnh nên dùng 80 mỹ nữ dâng cho vua nước Lỗ để làm kế phản gián. Vì vậy Lỗ hầu say mê tửu sắc, bỏ việc triều chánh. Ðức Khổng Tử can gián không được nên buồn lòng bỏ nước Lỗ mà đi.

Từ đó Ngài châu du khắp thiên hạ, Ngài sang nước Vệ, đến nước Khuông, nước Trần, bị thất bại Ngài trở về nước Vệ rồi qua nước Tống, nước Sở, nước Tần, nước Diệp, nước Thái.

Trên bước đường gió bụi, Ngài bị nguy khổn nhiều phen, như lúc bị vây ở đất Khuông vì dân nhận lầm Ngài là tên gian ác Dương Hổ, Ngài vẫn an nhiên lấy đàn ra khảy, họ biết lầm lạc nên xin lỗi Ngài. Kế đó Ngài bị tuyệt lương ở nước Sở, bị hăm dọa nơi nước Tống, nhưng nhờ tánh khí khái và điềm đạm của Ngài mà được vô sự.

Ngài ôm tài an bang tế thế, mà đi đến nước nào cũng bị quan Ðại phu nước ấy ganh tỵ nên Ngài không được đắc dụng. Thành thử Ðạo của Ngài không thi hành ra được. Lần sau cùng Ngài trở lại nước Vệ ở được sáu năm rồi được quan Ðại phu nước Lỗ là Quý Tôn Phi cho người sang rước Ngài về nước Lỗ. Ngài bỏ nước Lỗ đi đã 14 năm, lúc về Ngài đã 68 tuổi. Ngài thấy mình đã già yếu nên không cần ra làm quan nữa.

Ngài ở nhà dạy học trò khảo cứu và chú giải những kinh sách đời trước như các Kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, và làm sách Xuân Thu để bày tỏ cái Ðạo của Ngài về đường chánh trị.

Ðến mùa xuân năm Canh Thân là năm thứ 39 đời vua Kinh Vương nhà Châu có người đi săn bắt được con kỳ lân què chân trước bên trái, ai cũng cho là điều không tốt nên đem ra thả ngoài đồng. Ngài đi xem trông thấy quá cảm động, bưng mặt mà khóc, khi trở về Ngài than: "Ngô Ðạo Cùng Hỷ" (Ðạo ta đã cùng rồi)

Hai năm sau, đến tháng tư năm Nhâm Tuất đời vua Kinh Vương tức là năm 478 trước Tây lịch kỷ nguyên, một hôm Ðức Khổng Tử dậy sớm, đi vẩn vơ trước cửa, tay kéo lê cây gậy mà hát rằng: "Núi Thái Sơn có lẽ đổ chăng? Người triết nhân có lẽ nguy chăng? Cây lương mộc có lẽ nát chăng?"

Thầy Tử Cống, học trò Ngài vừa đến nghe bài hát như thế vội hỏi thăm. Ngài nói khi đêm có nằm chiêm bao nên biết có lẽ sắp chết. Kế đó Ngài ngọa bịnh được bảy ngày thì mất, hưởng thọ 73 tuổi.

Ngài mất rồi, học trò ai bi thương khóc, cả thảy để tâm tang ba năm. Có hơn một trăm người làm nhà gần mộ Ngài để giữ mộ cho đến mãn tang. Riêng Thầy Tử Cống ở giữ mộ trọn 6 năm.

Ðức Khổng Tử là một bậc chí Thánh đã đem cái Ðạo của Thánh Hiền đời trước lập thành một học thuyết, lưu truyền về sau để làm kỷ cương cho các dân tộc Á Ðông.

Vì vậy đã hơn hai ngàn năm qua, nay kể có hằng 500 triệu người sùng bái tôn thờ Ngài. Ðời sống của Ngài là một đời hy sinh, chịu lắm vất vả, bình bồng chỉ vì một mục đích là làm cho đời loạn ra trị, xã hội được quang minh, con người được thuần túy.

Chủ Nghĩa thương đời hóa chúng của Ngài, tuy kiếp sanh không được toại, nhưng lý thuyết sách vở của Ngài được lưu truyền cho đời sau mấy ngàn năm hưởng nhờ thì công nghiệp ấy đáng được tôn thờ sùng bái.

Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đã thờ Ngài trong Tam Giáo. Chúng ta nên noi gương Ngài để hết tâm thực hành chủ nghĩa Nhân ái, Vị tha. Ðược vậy nhơn sanh trong cửa Ðạo lấy làm may mắn.

Cao Thượng Sanh



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1227