× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Ðạo tại Ðền Thánh - Lễ Chung Niên (23/12/Kỷ Dậu, 1970)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Quý Chức Sắc, Chức Việc và Ðạo Hữu Nam Nữ,

Sen tàn cúc nở, đông mãn kế xuân về. Ngày tháng thoát qua chẳng khác chi nước chảy dưới gầm cầu, lật bật năm Kỷ Dậu sắp cáo chung, trăm họ nô nức đón chào Xuân mới.

Cứ Xuân mãn rồi Xuân về, nhựt nguyệt mãi vần xây mà bức tranh xã hội vẫn nhuộm màu chiết tỏa thê lương, khói lửa vẫn bao trùm non nước, gây biết bao tang thương ảm đạm cho kiếp con người sống trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc.

Ðức Chí Tôn có dạy là dân tộc Việt Thường đang ở trong vòng vay trả oan nghiệp, nhưng hơn 20 năm qua đã hứng chịu nạn binh đao thảm khốc, sự đau khổ đã chập chồng trên đất nước, dù là nơi an tịnh tu hành cũng không tránh khỏi thảm họa chết chóc, sự nghiệp tiêu tàn, cửa nhà đổ vỡ. Chúng ta trong cửa Ðạo, vì lòng bác ái đối với nhơn sanh, vì tình thương tổ quốc, phải luôn luôn để tâm cầu khẩn Ðấng Chí Tôn chan rưới hồng ân, xóa bớt tội tình cho Việt Chủng.

Cầu nguyện là phận sự đối với quyền Thiêng Liêng, song chúng ta chẳng nên quên nhiệm vụ về mặt hữu hình là gắng chí tu hành lập công bồi đức, khắc kỷ vị tha, hướng dân qui thiện, vì đó là con đường Ðại Từ Phụ đã vạch sẳn cho chúng ta noi theo để tự giải thoát cho mình và tiêu trừ nghiệp quả chung của nòi giống. Thành thử chúng ta phải dọn mình cho xứng đáng để phát ra lời cầu nguyện, tức là người cầu nguyện phải trong sạch, đạo tâm đầy đủ và hết sức tín thành thì lời cầu nguyện mới có hiệu quả.

Pháp văn có câu phương ngôn: "Cái áo không tạo thành người tu sĩ", tức là người mặc áo đạo không chắc là thầy tu. Nói rõ hơn: Cái áo đạo bên ngoài hay phản khắc với tâm hồn của người mặc áo. Áo thật là áo đạo mà tâm tánh của người thì xảo trá, gian dối đủ điều, thử hỏi người như vậy cầu nguyện có cảm động Trời Phật được chăng? Như thế câu: "Hữu cầu tắc ứng" là vô nghĩa đối với trường hợp nầy.

{ trang 2 thiếu }

là người ta gặp sự may hay sự rủi chỉ do nơi vận mạng, nghiệp căn của mình vậy. Vả lại của lớn tiền nhiều không phải là hạnh phúc, cái hạnh phúc về tinh thần mới đúng là chơn hạnh phúc. Ðó là cái hạnh phúc của người biết sống có lương tâm thơ thới, hay làm việc phải, không nhơ bợn bả lợi mồi danh hoặc tiền tài bất chánh.

Do cái chơn lý nhân sinh tự cổ chí kim, ai cũng nhìn nhận như thế. Dòng đời xuôi ngược cứ thay đổi theo thế hệ trào lưu, chỉ có chơn lý là bất di bất dịch. Người đã thấy hiểu cái chơn lý ấy vẫn điềm nhiên trước cảnh đua chen náo nức của thiên hạ khi ngày Xuân sắp đến, không bắt chước se sua lãng phí, cứ an phận thủ thường, tùy hoàn cảnh của mình mà lo liệu ổn thỏa việc gia đình.

Duy có hạng người có ý niệm nông nổi cho rằng ngày Tết thì phải ăn xài phủ phê, mặc dù không dư dả hoặc nghèo túng quanh năm, cũng học đòi theo nhà sẳn của, cũng sắm ăn sắm mặc lòe loẹt bề ngoài. Thành thử phải tiêu phí số tiền nhỏ nhen dành dụm bấy lâu hoặc vay mượn tứ phía để rồi xong ba ngày Tết phải cặm cụi lao nhọc mãn năm mà trả cũng chưa dứt nợ. Ðó là một điều sai lầm đáng thương hại, khổ nỗi cái tệ đoan ấy không biết bao giờ mới tiêu trừ được.

Cái ý nghĩa chánh của Xuân chỉ hướng về mặt tinh thần. Ngoài ra sự cúng Tổ Tiên, các giới Sĩ, Nông, Công, Thương dùng dịp tạm nghỉ để kiểm điểm việc làm đã qua hầu lo tính công việc sắp tới, tìm phương thế làm cho nghề nghiệp được tinh xảo hơn, sự sản xuất sung túc và tốt đẹp hơn, trước là đem thắng lợi cho mình sau giúp ích xã hội trong mọi phương diện.

Là người tu hành, chúng ta không nên so sánh với mặt đời, không nên se sua lãng phí, kiêu sa, cờ bạc. Phải vui Xuân với ý nghĩa thanh bai trong tinh thần Ðạo đức và trong mặc tưởng hướng về Tổ quốc đang lâm nguy và nhơn sanh đang quằn quại khổ đau khắp trên đất nước.

Xương máu của đồng bào đã hao nhiều vì chiến cuộc, hồn thiêng sông núi đang chờ đợi những đứa con thân yêu của quê hương đang xông pha ngoài chiến địa để cứu nguy cho dân tộc mà không biết ngày nào được trở về.

Chúng ta phải thành tâm cầu nguyện cho những bạn trẻ ấy, ngoài ra nếu có dư dả, nên giúp đỡ những quả phụ cô nhi của tử sĩ đang sống trong cảnh cơ hàn vất vả còn có ý nghĩa hơn là phung phí ăn chơi trong ngày Tết.

Một năm đã qua là một tuổi chồng chất, kiếp sống một hao mòn.

Chức sắc trong hàng Thánh Thể Ðức Chí Tôn phải tự xét mình lo trau giồi hạnh đức, tu luyện tánh tình thế nào cho xứng bậc Thể Thiên Hành Hóa.

Chức Sắc đã hiến thân cho Ðạo, quyết xả thân để phụng sự nhơn loại thì bản thân không còn là của mình nữa, phải chết về mặt đời, sống về mặt Ðạo, tận tụy với nhiệm vụ, không nệ khó khăn lao nhọc thì mới đúng với sự hiến thân của mình.

Ngoài ra, Chức Sắc phải tự giữ phẩm giá thế nào cho người trông vào tư cách và cử chỉ của mình mà đem lòng kính phục thì mới có thể gieo hột Thánh cốc khắp nơi để nhơn sanh được thấm nhuần đạo-đức.

Cũng như hoa sen mọc nơi bùn lầy nước đọng mà không nhiễm chút mùi bùn, người Chức Sắc bôn ba giữa chốn phồn hoa để chọn khách may duyên đưa vào cửa Ðạo, nhưng vẫn giữ vẹn thân danh không vướng vào tục lụy, sa ngã theo lượn sóng trần đó là đạt tới mức trí dũng của Thánh hiền thời xưa vậy.

Ðức Khổng Tử có nói: "Nhơn năng hoằng Ðạo, phi Ðạo hoằng nhơn", nghĩa là người có thể mở rộng Ðạo, Ðạo không mở rộng người.

Nhưng nếu người không hy sinh cho Ðạo, chỉ lo cho cá nhân mình thì chẳng những không mở rộng Ðạo mà còn làm cho danh Ðạo bị tổn thương, cái trách nhiệm ấy quá ư hệ trọng đối với quyền Thiêng Liêng!

Nho Giáo có câu: "Ðạo đại nhân tự tiểu chi, Ðạo công nhân tự tư chi, Ðạo quảng nhân tự hiệp chi", nghĩa là: Ðạo lớn tự người làm nó ra nhỏ, Ðạo công tự người làm nó ra tư, Ðạo rộng tự người làm nó ra hẹp.

Vùng Thánh Ðịa nầy dù là Nội-Ô hay Ngoại-Ô cũng đều sản xuất nơi lòng thương yêu vô biên của Ðức CHÍ TÔN và sự hy sinh tuyệt đối của các Ðấng tiền bối trong Ðạo. Thánh Ðịa phải xứng với danh từ của nó.

Người ở trong vùng Thánh Ðịa dù là Chức Sắc hay Tín hữu cũng đồng con cái của Ðức CHÍ TÔN, nên không thể thiếu lòng thương yêu được, mỗi cá nhân không nên chìu theo thị dục mà gây sự tranh chấp hơn thua với nhau, gây nên kiện tụng liên miên, tạo ra cảnh rối loạn như ở bến chợ đời.

Người của Thánh Ðịa phải hiền từ, mực thước, thành thật, công bằng thì hai chữ Thánh Ðịa mới khỏi bị mỉa mai, chê biếm.

Thế cuộc đang biến chuyển do Thiên Ðiều chế ngự, dữ đọa hiền thăng, chúng ta nên sáng suốt nhận thức cơ thưởng phạt Thiêng Liêng rất nên mầu nhiệm mà thận trọng kềm chế vô-minh, vun trồng cội đức để mong được gội nhuần ân-huệ của Ðấng Chí Linh trên đường giải thoát.

Trước thềm Tân Xuân Canh Tuất, nhơn danh Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài tôi có mấy lời nhắc nhở bạn đồng hành về mặt Ðạo, mong ước chúng ta cùng đồng tâm nhứt trí cải sửa đường lối, lập chí vị tha, quyết hy sinh vì sứ mạng hầu làm vẻ vang cho nền Ðạo và khỏi phụ lòng tin cậy của Ðức CHÍ TÔN ÐẠI TỪ PHỤ.

Tôi cũng xin để lời chúc toàn thể Chức Sắc cùng Tín hữu Nam Nữ ở quốc nội cũng như nơi hải ngoại được sức khỏe dồi dào, tinh thần mẫn huệ và cầu xin Ðức CHÍ TÔN, Ðức PHẬT MẪU ban ơn lành cho tất cả quí vị.

NAM MÔ CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT

TÒA THÁNH, ngày 24 tháng Chạp Kỷ Dậu (dl. 31/1/1970)
CAO THƯỢNG SANH



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 521