× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Thuyết Ðạo - Lễ Kỷ Niệm Ðức Hộ Pháp Qui Thiên (10/4/Ất Tỵ,1965)

Kính Chư Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện Nam Nữ,
Kính Chư Chức việc và Ðạo hữu lưỡng phái,

Hôm nay là ngày kỷ niệm Ðức HỘ PHÁP Qui Thiên, tôi xin nói về vấn đề đức chí thành và công nghiệp của Ðức Ngài trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

Ðức Chí Thành là một đức tính mà con người sanh ra ở thế gian ai cũng cần phải có, để tự kềm chế mình được ngay thẳng thành thật trong đường đời cũng như đường Ðạo. Có chí thành con người mới có phẩm hạnh sáng tỏ, mới biết cân phân tà chánh, thị phi trong khi tiếp xúc với nhân quần xã hội, mới dám quyết định nên hư trong các công việc của mình và nhờ đó mà đi đến mức thành công mỹ mãn.

Người có đức chí thành không hề biết dối trá gạt gẫm ai, không biết a dua, bợ đỡ, không vì lợi bỏ nghĩa, không vì mình hại người, cứ thẳng thắn đường ngay tiến bước, thà là chịu thất bại còn hơn là dụng mưu mô bất chánh để dối người, lừa bạn.

Trên đường đời con người vì bị văn minh vật chất lôi cuốn làm cho điên đảo thần hồn, mịt mờ trí nảo nên không mấy ai còn giữ được đức chí thành.Vì đó mà người ta đối đãi nhau bằng những lừa dối, nghi kỵ xảo trá mưu mô khiến cho từ việc nhỏ đến việc lớn đều bị thất bại, nhứt là trong trường hợp có sự cộng tác của nhiều người hướng về một mục đích hay một chủ nghĩa nào.

Ðối với xã hội đức chí thành có một tầm quan trọng như thế, huống chi trong đường Ðạo, đối với tôn chỉ siêu việt cao cả của tôn giáo, đức chí thành lại còn quan trọng lớn lao hơn nữa.

Người hành Ðạo mà thiếu chí thành cũng chẳng khác chi người băng rừng lúc ban đêm mà trong tay không có ngọn đuốc để chỉ đường dẫn hướng, vì chí thành là căn bản của con người thuần túy. Có cái căn bản đó, người ta mới mong trau giồi hạnh đức chí quyết tự giác nhi giác tha, không thể lầm đường lạc nẻo.

Thiếu chí thành tức là mình tự dối với mình trước, sau là dối với bạn Ðạo, dối với người trên trước, dối với nhơn sanh. Cái lòng giả dối sẳn có ấy không thể nào thay đổi được. Một sự tầm thường dễ thấy hơn hết là khi tụng kinh hoặc khẩn vái, cầu nguyện với các Ðấng Thiêng Liêng mà lòng không được nét chí thành thì sự cầu nguyện chẳng qua là làm cho có vẻ bề ngoài chớ tựu trung không bổ ích gì hết. Vì có cảm mới có ứng, không chí thành thì không thể có hiệu nghiệm. Người hành Ðạo có đủ chí thành thì cốù gắng lập công vì nhiệm vụ, vì chủ nghĩa thương đời chớ không cầu danh chác lợi.

Không vì công lớn mà tỏ vẻ tự đắc, lập thế chuyên quyền làm điều trái đạo cho kẻ ăn oán nuốt hờn, người thở than đau khổ, biết lo chung cho sanh chúng, không cần tiếng bợ lời khen, tự khép mình vào khuôn viên đạo đức, treo tấm gương thanh bạch quyết thực hành tôn chỉ vì Ðạo cứu đời.

Theo thuyết Khổng giáo thì phải tu luyện ý chí cho đạt đến Chí Thành để rồi quyết định làm những điều hay lẽ phải để tiến tới Dũng. Dũng cảm đối với Ðức Khổng Tử không phải là cậy sức làm liều mạng, mà Dũng là giữ niềm hòa khí, lúc nào cũng sống với đạo lý của mình, ý chí không thể bị lay chuyển dù là lúc bình thường hay trong hồi nguy biến. Vậy luyện chí thành tức là:

1/ Thấy việc nghĩa nhứt định làm.

2/ Thiết tha với hoài bão của mình.

3/ Tìm mọi biện pháp để thực hiện hoài bão đó.

4/ Dầu là trong khó nhọc gian lao, chí thực hiện đó không sờn mẻ.

Ví dụ có điều mình chẳng học, nhưng đã học mà chẳng thành công thì chẳng thối; Có điều mình chẳng nghĩ, nhưng suy nghĩ mà chẳng ra thì cứ suy nghĩ mãi; Có điều mình không làm nhưng làm mà chưa hoàn tất thì không bỏ dở. Người ta ra công một lần mà được thành, mình dầu ra công một trăm lần mà chưa thành cũng cứ tiếp tục cho đến khi thành mới chịu.

Sự cường dũng là nơi đó vậy. Ðức HỘ PHÁP nếu chẳng phải là người đầy đủ đức chí thành thì ngày nay không có một sự nghiệp vĩ đại để lại cho toàn Ðạo chung hưởng. Ðức Ngài lãnh mạng lịnh với Ðức CHÍ TÔN quyết tạo lập Ðền Thánh thì cương quyết thế nào cũng phải làm tròn sứ mạng.

Lúc bấy giờ Ðạo đương hồi chia rẽ, người thì ra lập chi phái riêng, kẻ thì hô hào bất hợp tác, tìm phương phá rối nội bộ làm cho nhân tâm ly tán. Tài chánh lại eo hẹp, thêm chính quyền thực dân để ý nghi kỵ làm khó dễ đủ mọi phương diện, nhưng mặc cho đường Ðạo gay go, mặc tình đời khắc khổ. Ðức Ngài vẫn bình thản khởi công, quyết chí hy sinh, tận tâm vì nghĩa vụ.

Suốt 5 năm công khó, ăn ngủ thất thường, đem hết trí não điều khiển công cuộc xây dựng. Ðền Thánh vừa mới tạo xong mặt ngoài thì chánh phủ Pháp ra lệnh cho nhân công phải ngưng hết mọi công việc xây cất. Ðó là ngày 28/5/Tân Tỵ (1941).

Kế Ðức Ngài bị bắt và bị đưa đi sang MADAGASCAR vào ngày 27/7 năm 1941 cùng 5 vị Chức sắc. Cơ thử thách quá nặng nề, dầu cho ai lâm vào cảnh tang thương não nùng như vậy thì chí cương quyết cũng phải tiêu ma, nhưng Ðức Ngài nhờ có khối nhiệt thành trau luyện tột bực, nên Ðức Ngài đinh ninh là cái sứ mạng xây dựng Ðền Thánh do Ðức CHÍ TÔN giao phó, không vì cái bạo tàn của thực dân mà phải bỏ dở.

Vầng trăng đương soi sáng vũ trụ, bỗng nhiên một thoáng mây đen thoáng qua, tuy là làm cho lu mờ cảnh vật, nhưng đó chỉ là trong chốc lát. Một luồng thanh phong thổi tới, áng mây bị đẩy đi xa, ánh trăng cũng trở lại tỏ rạng khắp bốn phương trời

Thật vậy, sau 5 năm mấy tháng lưu đày. Ðức Ngài hồi hương với một tinh thần cao siêu hơn, một tâm linh cao đẹp hơn, một chí thành cứng rắn hơn. Chim bằng đã dưỡng sức từ bấy lâu nay chớp cánh bay tận bốn phương trời, mặc sức vẫy vùng giữa chốn ngàn mây dặm gió.

Về đến vùng Thánh địa, điều lo nghĩ trước nhứt của Ðức Ngài là tiếp tục công cuộc kiến thiết Ðền Thánh. Khích lệ đám nhân viên công thợ của Ðạo, Ðức Ngài chăm lo tiện tặn tài chánh, lo tô điểm ngôi Ðền Thờ cho đến khi hoàn thành mỹ mãn.

Xong công cuộc xây dựng Ðền Thánh, Ðức Ngài lo tu bổ các dinh thự mở mang đường sá, xây cất Trí Huệ Cung, tổ chức Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh. Nhờ uy tín và chí thành của Ðức Ngài, Ðạo lúc bấy giờ phát triển không ngừng.

Bàn tay của Ðức Ngài là bàn tay sáng tạo. Có Ðức Ngài đại nghiệp Ðạo mới được đồ sộ như ngày nay, thanh danh Ðạo mới được loan truyền khắp mặt địa cầu.

Ðức Ngài đã hy sinh trọn đời để lo cho sanh chúng, tạo cho đời một kỷ niệm tinh thần, nâng cao nền tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam ngang hàng với các nước Âu Á về mặt tôn giáo.

Sứ mạng hoàn thành, Ðức Ngài trở về Thiêng Liêng vị, bằng lòng với công cuộc của mình đã xây dựng để lưu lại cho bao nhiêu bạn đồng hành, bao nhiêu con em trong cửa Ðạo.

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, thừa hưởng sự nghiệp của Ðức Ngài, mỗi Chức sắc, mỗi Ðạo hữu phải ghi nhớ công ơn của Ðức Ngài. Sự nhớ công ơn đó chẳng phải là bằng lời nói không, mà phải bằng những cử chỉ và hành động xây dựng, thế nào cho thanh danh Ðạo ngày càng thêm cao, thế nào cho Ðại nghiệp nầy được bành trướng và trường tồn mãi mãi.

Nhớ công ơn Ðức Ngài, chúng ta phải noi theo gương vị tha và đức chí thành của Ðức Ngài, tức là phải quên mình để phục vụ, cố gắng làm nên để cho nhơn sanh hưởng nhờ và cương quyết theo hoài bão xây dựng cho đến mức thành công.

Sau nữa, nhớ công ơn Ðức Ngài, chúng ta phải thành thật thương yêu nhau, không vì một lẽ nào mà chia rẽ nhau, thù nghịch lẫn nhau, vì Ðức Ngài cũng vì thương yêu, nên đã phí cả một kiếp sanh để gắng công lưu lại cho đời một tinh thần bất diệt.

Hướng về chốn ngàn mây động bích, chúng ta đồng cầu xin Ðức Ngài trợ giúp chúng ta vững tiến đường đạo đức và làm tròn nhiệm vụ.

Mong thay! Kính thay!

THƯỢNG SANH



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 645