× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Ðiếu Văn - Ngài Tiếp Pháp (21/2/1965)

Kính Hội Thánh Cửu Trùng Ðài và Hội Thánh Phước Thiện Nam Nữ,
Kính Tỉnh Trưởng Tây Ninh và Chư Quý Quan Chức,
Kính toàn thể Chức Việc Ðạo Hữu lưỡng phái,
Kính Quý Ông, Quý Bà, thân bằng quyến thuộc,
Kính Tang quyến,

Trước Liên Ðài Ngài Tiếp Pháp Chơn Quân, thay mặt Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài, tôi xin để mấy lời từ biệt một người bạn Ðạo đã cùng chúng tôi góp công xây dựng nền Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ trong khoản gần 40 năm trường.

Ngài Tiếp Pháp Chơn Quân qui liễu, một tin đau đớn bất ngờ, khiến cho toàn thể Chức Sắc và Ðạo hữu xa gần đều xúc động tiếc thương.

Thật vậy, vì mặc dù Ngài ngọa bịnh đã vài tháng trước đây, nhưng sau khi ra khỏi bịnh viện Sài Gòn, Ngài được Hội Thánh rước về dưỡng bịnh tại Hiệp Thiên Ðài. Trong những ngày đầu, thấy căn bịnh Ngài được nhiều thuyên giảm thì ai ai cũng có lòng mừng. Cũng tưởng nhờ sức Thiêng liêng ủng hộ, nhờ sự chăm sóc chu đáo của Hội Thánh, Ngài sẽ qua khỏi cơn nguy, sức khỏe lần hồi bình phục.

Nào hay mạng căn dĩ định, thiên số nan đào, Ngài trở bịnh không mấy ngày, bỗng chốc rời bỏ xác trần qui hồi Tiên cảnh.

Than ôi!

Một giấc thiên thu, ngàn năm vĩnh biệt, tiếng hơi lặng lẽ, hình bóng mờ xa, vó ký giục đường mây, giông đùa chia bóng nhạn.

Ðã hay sống ở thác về, đó là lẽ dĩ nhiên của khách phong trần nơi cõi thế.

Nhưng nền Ðạo đương hồi biến chuyển, bể khổ sóng chập chờn mà con thuyền tế độ lắm lúc ngửa nghiêng, đương thiếu tay chèo chống.

Sứ mạng của Ngài đã hoàn thành, Ngài đã dứt hết nỗi khổ đau, đã gạt hết bao nhiêu dòng lệ thảm, để rồi bỗng nhiên rời bỏ những bạn đồng hành và đàn em dại đang khao khát Ðạo mầu, nhờ tay dìu dắt.

Ðạo đã mất một tay rường cột, Hiệp Thiên Ðài phải mất thêm một bạn hiền lương đạo đức đã cùng chúng tôi chia vui sớt khổ trên những bước đường đen tối, chinh nghiêng của Ðạo.

Hồi nhớ lại những lúc cùng nhau hiệp mặt, Ngài thường than thở, tỏ ý bực tức, chỉ vì muốn rút hết ruột gan để phục vụ cho nền Ðạo, nhưng lại bị lối đố kỵ tài hiền, phải hứng chịu những lời cay đắng vô ân. Ðó là cái nguyên nhân làm cho Ngài âm thầm đau khổ.

Ðáng kính phục là, mặc dù bực tức, nhưng nghĩ lại thương nền Ðạo, thương bao nhiêu nhơn sanh còn chịu khổ nơi bể trần, Ngài cũng dần dần khuây lảng, để hết tâm trí, gắng công lo phận sự.

Ngài làm việc Ðạo khác hẳn hơn các bạn, vì Ngài thấy Ðạo thiếu người chung lo, nên Ngài muốn gồm hết một mình bao nhiêu nhiệm vụ, để rồi phải lao tâm tiêu tứ, chịu vất vả thân hình. Sức người có hạn định, sự tận tâm của Ngài có lẽ đã làm cho Ngài ngọa bịnh.

Lần chót hết, Ngài về tư gia tại Biên Hòa để dưỡng bịnh vào lúc cuối tháng mười Giáp Thìn (1964). Kể vài tuần sau, Chức Sắc Hội Thánh đến tận nơi mời Ngài về Tòa Thánh để nâng loan cho Ðức Lý Ðại Tiên phong thưởng Chức Sắc. Mặc dù Ngài chưa thật bình phục nhưng chẳng lẽ chối từ, Ngài phải chìu theo ý muốn của Hội Thánh, để cho bao nhiêu người khỏi nhọc lòng trông đợi.

Nào dè sức khỏe quá mỏng manh, Ngài về Tổ đình không mấy ngày, chưa kịp nâng loan phong Thánh thì bịnh cũ lại phát hiện, Ngài phải quay về tư gia, kế đó vào bệnh viện xin điều trị.

Than ôi! Ngài vào bệnh viện lần nầy là lần chót trong đời của Ngài.

Hôm nay, văn phòng Tiếp Pháp nơi Hiệp Thiên Ðài còn đó mà người chủ đã ngàn thu biệt dạng.

Mây bay hạc lánh, ngọc nát vàng chìm.

Chúng tôi không còn gặp Ngài được nữa, để cùng nhau thố lộ tâm tình, chia vui sớt nhọc.

Chẳng có lời nào xác đáng để tỏ hết nỗi tiếc thương của chúng tôi đối với một bạn đồng môn mà cả đời hành Ðạo chỉ biết tận tụy với nhiệm vụ. Không hay phô trương, không màng quyền lợi, sống trong cảnh chật vật với món tiền hưu bổng, Ngài Tiếp Pháp đã tượng trưng cho một tâm hồn cao siêu của nhà hiền triết. Tánh tình hòa nhã, lời nói khiêm cung, giàu chẳng bợ, khó chẳng khinh, thương kẻ bần hàn, giúp người cô quả. Suốt 30 năm lăn lóc trong quan trường, vì bản tánh thanh cao mà đến ngày hồi hưu Ngài chỉ còn lại hai bàn tay trắng với một chồng sách triết học và Ðạo lý mà Ngài vẫn thường dùng làm món ăn tinh thần trên bước đường hành Ðạo.

Nói đến công trình của Ngài đối với Ðạo thì Ngài chẳng khác chi thân tằm, cứ mãi rút ruột nhả tơ để trả ơn dâu đến ngày kiệt sức.

Nhập Ðạo vào đầu năm Bính Dần (1926) thọ phong Tiếp Pháp Hiệp Thiên Ðài cũng trong năm và mặc dầu còn vướng chơn trong vòng quan lại, Ngài đã lãnh lịnh nâng loan với Ông Khai Pháp, mỗi đêm lập Ðàn thâu phục tín đồ và dạy Ðạo trong nhiều tỉnh miền Ðông và các vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh.

Khi về Tòa Thánh đảm nhiệm phận sự chánh thức, dưới quyền của Ðức Hộ Pháp thì Ngài đã tỏ ra xứng đáng một tướng soái của Ðức CHÍ TÔN trong mọi phương diện. Ngoài nhiệm vụ đã được giao phó trong lúc rảnh rang thì Ngài cặm cuị, đem hết trí óc, não cân để sáng tác những sách Ðạo với mục đích là giúp cho Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu am hiểu rành rẽ giáo lý Ðại Ðạo và các Tôn giáo cõi Á Ðông.

Hỡi bạn Tiếp Pháp! Trong đời người chỉ có cuộc tử biệt là đau đớn nhứt. Nhưng về mặt Ðạo, chúng tôi nén lòng đau xót và mầng cho bạn ngày nay đã lánh vòng trần khổ, được trở về với Ðức CHÍ TÔN, Ðại Từ Phụ, sứ mạng hoàn thành công viên quả mãn.

Toàn Ðạo đã đặng thừa hưởng cái công nghiệp phi thường của bạn, vì tên tuổi bạn vẫn còn mãi trên những quyển sách, lưu lại nghìn đời cho đàn em trong cửa Ðạo. Rồi đây nhờ nơi huyền diệu cơ bút, chúng tôi có thể gặp lại bạn trong lời nói câu văn, để thố lộ tâm tình cũng như lúc trước, thế thì đối với bạn, sự mất như còn, chết mà vẫn sống.

Thật vậy, bạn vẫn sống mãi trong lòng của chúng tôi, và mỗi khi nhắc đến gương đạo đức, khiêm cung, từ tâm, bác ái thì dường như chúng tôi còn thấy bạn sờ sờ trước mắt.

Thôi! Chúng tôi xin từ giã bạn lần cuối cùng.

Trên chốn động biếc ngàn mây, nơi cõi hư linh hằng sống, chúng tôi thành tâm cầu nguyện bạn được tiêu diêu tự toại, hưởng hồng ân huệ của Ðức CHÍ TÔN. Và xin bạn hiển linh hộ trì Hội Thánh để chóng đem lại thanh bình cho nền Ðại Ðạo./.

CAO THƯỢNG SANH



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 718