× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Huấn Từ - Khánh Thành Học Ðường Bộ Nhạc Trung Ương (14/12/1968)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Hội Thánh Phước Thiện,
Kính Ðại Tá Tỉnh Trưởng Tây Ninh,
Kính Quý Quan Khách,
Kính Quý Chức sắc và Ðạo hữu Nam Nữ,

Hôm nay tôi lấy làm hân hạnh đến Chủ Tọa buổi lễ Khánh thành ngôi Học đường của Bộ Nhạc Trung Ương.

Nghĩ đến công cuộc kiến tạo mà Bộ Nhạc Trung Ương phải tự túc để hoàn thành, tôi ý thức đến nỗi khó khăn cũng như sự nổ lực của toàn thể Chức sắc Bộ Nhạc đã đồng tâm nhứt trí mới đi đến thành công mỹ mãn.

Nhơn danh Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài, tôi xin để lời khen ngợi vị Chưởng Quản Bộ Nhạc Trung Ương và tất cả Chức sắc Bộ Nhạc.

Ðáng lẽ Hội Thánh Cửu Trùng Ðài và Hội Thánh Phước Thiện phải chia nhau đài thọ số phí tổn kiến tạo cơ sở cần thiết cho Bộ Nhạc, vì Nhạc và Lễ là hai môn phục vụ cho Ðạo, chung cả Hành Chánh và Phước Thiện.

Ở trong tình trạng phải tự túc, Chức sắc Bộ Nhạc cam lòng hy sinh đa thiểu tùy theo sức mình, ngoài ra còn nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong Ðạo, cuộc kiến thiết mới được hoàn tất như chúng ta đã thấy.

Cho hay "Hữu chí cánh thành", sở nguyện và cương quyết của Chư Chức sắc Bộ Nhạc đã nung đúc thành khối kiên tâm cứng rắn thì dù khó khăn bao nhiêu cũng có thể san bằng để đi tới chỗ cứu cánh. Vì đó Nho học có câu: "Thế thượng vô nan sự, nhơn tâm tự bất kiên" có nghĩa trên đời không có việc nào khó, chỉ tại người không bền lòng.

Học đường của Bộ Nhạc đã hoàn thành đó là một công quả đáng ghi của Chức sắc Bộ Nhạc.

Giờ đây vị Chưởng Quản và Chức sắc Bộ Nhạc phải gắng công đào luyện đàn em cho thành tài, đồng thời trau luyện Nghệ Thuật mình cho đến chỗ tận thiện, tận mỹ, trước để phụng sự nền Ðạo sau để nâng cao phẩm giá của Âm nhạc là môn học rất trọng yếu của Khổng Giáo.

Khi mới khai sáng nền Ðạo, Ðức CHÍ TÔN rất chú trọng đến Nhạc và Lễ, vì cái hay của Lễ là giữ trật tự bên ngoài cái hay của Nhạc là tạo sự điều hòa để kềm chế tâm tình bên trong cho khỏi vọng niệm. Lễ và Nhạc cùng họp nhau và nếu giữ đúng nề nếp thì đàn cúng mới nghiêm chỉnh, được bao trùm một bầu không khí huyền diệu, Thiêng liêng khiến cho chúng ta cảm tưởng là có Ðức CHÍ TÔN và Chư Tiên Phật giáng ngự để ban ơn cho toàn Ðạo.

Trái lại nếu Lễ không nghiêm, Nhạc không hòa thì đàn cúng có cái trạng thái hỗn loạn khiến cho người đến Lễ bái có một tâm trạng xao xuyến, tinh thần bất định. Ðó là một sự thất Lễ đối với các Ðấng Thiêng liêng và như vậy Ðức CHÍ TÔN không khi nào giáng Ðàn, tà quái có thể thừa dịp xung nhập gây nên điều rắc rối.

Trong nhiều Ðàn cúng lúc ban sơ, Chức sắc thường bị Ðức Chí TÔN giáng cơ quở trách vì Ðàn không nghiêm, Lễ Nhạc còn khuyết điểm.

Trong năm Ất Tỵ (1965) Ðức Hộ Pháp cũng có giáng cơ tại Ðền Thánh dạy Chức sắc Bộ Nhạc nên trau luyện Nhạc điệu vì Nghệ thuật còn kém. Sự kém cỏi đó, có lẽ một phần Nhạc sĩ thiếu tập dượt, hoặc có thụ huấn mà chưa nhuần nhã. Tôi ước mong mỗi Chức sắc Bộ Nhạc nên lưu tâm để tự mình trau luyện cho đúng mức độ Nghệ Thuật.

Thưởng thức một bài đờn hay như nghe một bài thi sắc sảo, một câu đờn tao nhã có điêu luyện như một câu thi tuyệt bút có mãnh lực gợi cảm làm cho xúc động tâm hồn.

Vì vậy thời xưa các Ðấng Ðế Vương dùng Nhạc để cảm hóa lòng người trong Ðạo trị dân, Vì Nhạc có thể khiến dân trở nên thuần hậu và có thể di phong dịch tục.

Nhạc là món ăn tinh thần đứng đầu trong bốn thú phong lưu của Thánh hiền thời xưa là Cầm, Kỳ, Thi, Họa và các bậc Thánh hiền đã dùng Nhạc để đạt đến lý tưởng cao siêu, giúp ích cho sự kinh bang tế thế, xây dựng nước nhà.

Vì Nhạc có cái thế lực quan trọng như vậy nên Ðức Khổng Tử soạn ra bộ Kinh Nhạc và cho đứng vào hàng Ngũ kinh là Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc. Về sau Ngài làm ra bộ sách Xuân Thu, nhập với năm bộ sách trước gọi là Lục Kinh.

Sau khi Ðức Khổng Tử mất, kế nhà Tần có việc đốt sách thì những Kinh ấy bị thiêu hủy hoặc thất lạc ít nhiều.

Nhứt là Kinh Nhạc thì mất gần hết, chỉ còn lại có một thiên, sau đem nhập vào Bộ Lễ Ký đặt tên là Thiên Nhạc Ký. Thành thử trong sáu bộ kinh chỉ còn lại có Ngũ Kinh là Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.

Tính của Ðức Khổng Tử hay ưa thích đàn và hát. Lúc Ngài ở nước Tề ham học Nhạc thiều, trong ba tháng say mê cho đến đổi ăn không biết mùi vị.

Ngài nói: Ta chẳng ngờ Học Nhạc vui đến được như thế (Bất đồ vi Nhạc chi chí ư tư giả).

Khi Ngài châu lưu khắp thiên hạ thì bên mình không khi nào rời cây đàn Ngũ Huyền Cầm.

Quan niệm của Ngài là tiếng đàn thanh nhã có thể nâng cao tinh thần và trụ vững tâm trí siêu nhân của người Quân tử. Lúc Ngài bị vây giữa khoản nước Tần và Sái, bảy ngày không nấu ăn, chỉ ăn rau luộc suông, các Ðệ tử như Tử Lộ, Nhan Hồi, Tử Cống v.v... đều băn khoăn lo sợ cho Ngài, nhưng Ngài vẫn ung dung ngồi đàn hát.

Chúng ta thấy rõ Thánh nhơn trọng dụng Âm nhạc như vậy vì Âm Nhạc là một bộ môn văn hóa cao đến tuyệt độ và Nhạc Thiều có cái mãnh lực huyền bí, cao siêu giúp dân trị nước, cải hoán xã hội.

Du Bá Nha đập nát Diêu Cầm thề không đờn nữa, người bạn tri âm là Chung Tử Kỳ đã mất thì không ai còn biết nghe tiếng đờn của mình.

Khổng Minh Gia Cát mượn tiếng đờn mà lui giặc Tư Mã Ý.

Trương Tử Phòng nhờ có giọng Tiêu ai oán mà trong một đêm giải tán tám ngàn đệ tử của Sở Bá Vương tại Cửu Lý San để cho Lưu Bang diệt được kẻ thù chung của thiên hạ, lập nên cơ nghiệp nhà Hớn hơn bốn trăm năm.

Công dụng của Nhạc Thiều thời xưa thì cao thượng như vậy. Ngày nay người ta dùng Âm Nhạc làm công cụ cho chủ nghĩa con buôn trên sân khấu, khiến nên nhà nhạc sĩ vì kế sinh nhai phải bán rẻ tài nghệ làm cho cái giá trị của Quốc nhạc phải bị hạ thấp đến cực điểm.

Trong cửa Ðại Ðạo, chúng ta phải nâng đỡ ngành Âm Nhạc, phải bảo tồn Âm Ðiệu cổ truyền để lưu lại cho Ðất Nước tinh hoa của một Nghệ Thuật thuần túy, mặc dù cái tinh hoa ấy nay chỉ còn phưởng phất chút dư hương do sự phế cựu hoán tân của giới Nhạc Sĩ trong nước.

Ði ngược lại với trào lưu thoái bộ đó, chúng ta không nên coi thường môn Âm Nhạc và phải cố tâm gìn giữ cái chơn giá trị của nó.

Dù Nhạc Lễ hay Nhạc Ðiệu Tài tử cổ truyền, mỗi môn đều có cái hay riêng đặc biệt. Nếu học Nhạc dù là môn nào, phải cố gắng học đến chỗ cùng cực uyên thâm, năng luyện tập trau giồi để càng ngày càng thêm tiến triển mới đáng gọi là biết yêu Nghệ thuật. Từ đây Bộ Nhạc Trung Ương đã có ngôi Học Ðường làm nơi đào tạo nhơn tài, Chức Sắc đàn Anh trong Bộ

Nhạc phải ra công dìu dắt các Nhạc Sĩ thế nào cho khỏi mang tiếng là "Hữu danh vô thực".

Với sự mong ước nói trên, tôi xin cầu chúc Vị Chưởng Quản và Chức Sắc Bộ Nhạc thành công mỹ mãn để phục vụ cho Nghệ Thuật và cho nền Ðại Ðạo.

NAY KÍNH

TÒA THÁNH, Ngày 25 tháng 10 năm Mậu Thân
(dl. 14/12/1968)
CAO THƯỢNG SANH



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 579