× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Huấn Từ - Hội Thánh đãi tiệc Chức sắc và Công quả (13/2/1971)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính Quý Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu Nam Nữ,

Thắm thoát ngày tháng trôi qua, với trăm hoa đua nở muôn tía ngàn hồng cũng như bao nhiêu Xuân trước, những quang cảnh vô tri thì tươi đẹp theo lệ thường mà tình hình đất nước Việt Nam vẫn còn mịt mờ trong khói lửa, dân chúng vẫn lầm than, cảnh đời còn đen tối; Gượng vui để khỏa lấp cái buồn khổ chung của nòi giống.

Trong khi chào đón Xuân mới, người Ðạo Cao Ðài hy vọng và cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN mở lượng từ bi xoay trở thế cuộc, ban ân huệ cho dân tộc Việt Thường chóng thoát nạn chiến tranh, sớm vui hưởng đời thanh bình vĩnh cửu, người có sứ mạng Thể Thiên hành hóa mới có cơ thuận tiện tận tâm lo dìu dắt nhơn sanh trên đường giải thoát.

Mỗi độ Xuân về, dù cảnh đời biến chuyển thế nào, những Chức sắc có nhiệm vụ nơi các địa phương cũng giữ thường lệ trở về Tòa Thánh để dâng lễ đầu năm ra mắt Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU, sau để tiếp xúc với Hội Thánh và vui cuộc đoàn viên với anh chị em trong cửa Ðạo.

Trong bữa tiệc ủy lạo nầy, sự hiện diện đông đủ của toàn thể Chức sắc các cấp bậc và nhơn viên Công quả chứng tỏ mối dây thân ái đã thắt chặt tình huynh đệ thiêng liêng giữa con cái Ðức CHÍ TÔN. Hôm nay đoàn tụ trong bầu êm ấm vui tươi dưới mái gia đình của nền Ðại Ðạo, sự đoàn kết chặc chẽ nầy tiêu biểu một sức mạnh phi thường có thể dời non lấp bể, nếu những quả tim của tất cả các bạn Ðạo đều cùng đập một nhịp yêu đương và cương quyết làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta phải cố gắng giữ gìn cho cái sức mạnh tinh thần đó còn nguyên vẹn mãi mãi, để làm nền tảng kiên cố cho cơ quan phổ độ tồn tại đến thất ức niên và tạo nên nhiều phương tiện trên đường lối xây đựng cơ nghiệp Ðạo.

Ðời mạt pháp hầu tàn, sự hung bạo của con người đã lên đến cực điểm. Trước sự tiến triển của văn minh vật chất, trước sự đổ vở của Ðạo lý luân thường, trường đời là một trận mê hồn, mà sự xa hoa hào nhoáng có thể gây tai họa lớn lao cho kẻ tu hành. Chúng ta cần phải chung lưng đâu cật, nương nhờ lẫn nhau, giữ gìn cho nhau, đem tinh thần đạo đức nhập lại thành một khối cứng rắn đặng đối phó với cơ thử thách bất thường thì mới khỏi bị sa ngã vào cạm bẫy của tà quyền để đi trọn vẹn trên đường Thánh đức. Phần đông Chức sắc có đức tin vững chắc, có quan niệm rõ rệt về sứ mạng Thiêng liêng của mình nên nhứt quyết không để cho ai chi phối, mặc dù giọng kèn tiếng quyển vẫn luôn luôn to nhỏ bên tai để chực cuốn theo đường lối bất hảo. Trái lại, một phần Chức sắc dù là thiểu số, vì cơ thử thách quá nặng nề, nên không đủ nghị lực để cượng nỗi với sự quyến rũ của những kẻ biết lợi dụng thời cơ nên phải sa ngã vào chỗ lạc lầm, có lẽ phải gánh trọn cái hậu quả thất thệ đối với quyền Thiêng liêng, tuân theo Thánh đức Ðức CHÍ TÔN, Hội Thánh quyết giữ vững lập trường Tôn giáo thuần túy, không ra khỏi phạm vi đạo đức, vượt mình lên cao hơn những nghị luận của thế gian, nên khỏi vướng vào cuộc phiêu lưu nguy hiểm trên trường chánh trị. Nhờ vậy mà thanh danh Tòa Thánh Tây Ninh được nâng cao, Hội Thánh nắm vững Luật Pháp và Chơn Truyền điều khiển bước Ðạo được điều hòa êm ấm.

Chúng tôi thường nghe nhiều Tín hữu hoặc người trong các giới hỏi rằng: Tại sao Tòa Thánh Tây Ninh vẫn trầm lặng, không nói lên ý kiến chi đối với thời cuộc, trong lúc các Tôn giáo khác đã có tiếng vang dội kêu gọi hòa bình cho đất nước.

Xin thưa rằng: Trị nước an dân thì có nhà cầm quyền Quốc gia, lèo lái con thuyền Ðạo thì có nhà lãnh đạo tinh thần của Tôn Giáo. Tôn giáo không có thể xoay chuyển vận nước được, cũng như Chánh quyền không thể điều khiển Tôn giáo, thế thì chúng ta kêu gọi, la lối để làm gì? Nếu đem chính trị nhập vào Tôn giáo, chắc chắn Tôn giáo sẽ đi sai lạc hướng và nắm thất bại trong tay. Còn như hô hào tở mở vạch lối chỉ đường theo quan niệm của mình, thử hỏi mình có thực hành được theo như sự hô hào hay không? Hai bên Chánh phủ đối phương có chịu nhận mình làm trọng tài để phán quyết hay không? Ví như nghe người ta kêu gào, mình cũng bắt chước kêu gào, thấy ai nhảy mình cũng nhảy, ai múa mình cũng múa, quý vị hãy tưởng tượng thiên hạ sẽ bình phẩm mình ra sao? Vả lại hoạt động chính trị chẳng phải một việc mà ai cũng có thể làm được bất cứ ở vào trình độ văn hóa nào, chính trị rất quan trọng vì nó có liên hệ với sự trị loạn của quốc gia và phúc họa của dân tộc.

Ðức Khổng Tử nói rằng: Trong đạo làm người chánh trị là việc lớn (Nhơn đạo chính vi đại). Cho nên người làm chính trị phải có đủ tài đức, trọng nghĩa, ái nhân thì mới có thể giúp ích cho dân, cho nước. Nếu thiếu kinh nghiệm, kém tài, thiếu đức chỉ biết chạy theo bả lợi mồi danh thì vận nước phải suy vi, dân tình thống khổ. Mục đích của chính trị là làm cho quốc gia hưng vượng, công lý thăng bằng, nhân dân no ấm, đó là đường lối chính trị thời xưa của những bậc ưu thời mẫn thế. Thời nay, quý vị thử nhìn quanh sân khấu đời coi những nhân vật hoạt động chính trị có bao nhiêu người vì nước, vì dân, biết lo quốc kế dân sinh, mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Hay là phần đông chỉ là những kẻ tay sai cho thế lực kim tiền? Lợi dụng địa vị hoành hành thiên hạ, bốc lột nhân sanh, khoát nạt trước đám dân đen, cúi rạp mình trước người thượng cấp, lấy nhục làm vinh, lấy xấu làm tốt, miễn lo cho đầy túi tham, không cần nghĩ tới hậu quả việc làm đen tối của mình.

Người đã khép mình trong cảnh giới tu hành đã xả thân cầu Ðạo, thấy diễn những lớp tuồng bẩn thỉu như vậy cũng đã bất bình, chán ngán. Không lẽ còn mê luyến hồng trần, ham mùi chung đỉnh để rồi phải chịu lỡ dở công phu trên đường lập vị. Không lẽ đã lánh khỏi bến sông mê, người tu sĩ còn đi trở lại đoạn đường phiền não; tức là từ trên cao bổng sa xuống chỗ thấp hèn, từ chỗ sạch trong bổng gieo mình vào nơi ô trược.

Là môn đệ của Ðức CHÍ TÔN, là Chức sắc Thiên phong, chúng ta không thể làm như vậy và tôi tin rằng quý vị cũng đồng có cái quan niệm đó.

Dung ruổi trên đường tục lụy, người ta chạy theo danh vọng tiền tài, chúng ta chạy theo nghĩa nhân đạo đức, người ta đạp đổ lầu đài tinh thần trong sự tranh giành quyền lợi, mưu hại lẫn nhau, chúng ta củng cố đạo tâm, vun trồng cội phúc.

Ðời càng tỏ ra đê hèn, hạ tiện, chúng ta càng tỏ ra chơn chánh, siêu phàm, thiên hạ cúi mình bò lết trong chỗ nhơ bẩn vì chút ít lợi quyền, chúng ta phải vươn mình lên cao để đón hứng mùi hương thanh thoát, làm cho trí óc trở nên phi thường và tâm hồn thơ thới. Mùi hương đó là mùi Ðại Ðạo do ngọn gió Thiêng liêng của Ðấng CHÍ TÔN đưa đến bên chúng ta để thổi vẹt không khí ô trược, mê hồn mà trước kia chúng ta bị thâm nhiễm.

Ðạo và Ðời khác nhau ở chỗ một cao, một thấp, một trắng một đen. Nếu Ðạo cũng là đà nơi chỗ thấp hèn như ở bến chợ đời thì Ðạo có ích gì cho chúng sanh? Và Ðạo lấy gì để làm gương mẫu và cảnh tỉnh thiên hạ? Ðược nuôi dưỡng trong tình thương của Ðức CHÍ TÔN, Chức sắc Thiên phong là những bậc Thánh hiền trong cửa Ðạo. Hễ làm bậc Thánh hiền thì phải có tư cách thanh cao, tánh tình phong nhã, phải trau dồi tâm trí cho ra bậc phi thường để cho đàn em noi gương mà tiến bước. Bực phi thường tức là người đã vượt khỏi mức thường tình không sân, si, hỉ, nộ như kẻ phàm phu, phải đi ngược với thế tình, tức là trọng tinh thần, khinh vật chất, ham nhơn nghĩa, lánh vạy tà, bỏ thói kiêu sa, bỏ lòng tự ái, đó là giữ đúng mức siêu nhiên của một phần tử trong Thánh thể Ðức CHÍ TÔN.

Chúng ta thường mục kích người Chức sắc hay có cái tự ái không đúng chỗ, ưa tiếng khen mà ghét lời chỉ trích. Trong thực tế thì những ai ưa lời khen tặng thường bị quyến rũ bởi lời đường mật, có khi phải sa ngã vào đường bất chánh. Còn những ai ưa nghe lời chỉ trích và tự xét mình sẽ trở nên bậc chí Thánh.

Xưa Võ Vương nhà Châu nghe một lời nói phải thì bái phục. Thầy Tử Lộ nghe người ta bảo mình có lầm lỗi thì vui mừng (Võ Vương văn thiện ngôn tắc bái, Tử Lộ nhơn cáo tri hữu quá tắc hỉ).

Nho học có dạy: Ai nói điều xấu của ta đó là thầy ta, ai nói tốt cho ta đó là giặc của ta. (Ðạo ngô ác giả thị ngô sư, Ðạo ngô hảo giã thị ngô tặc). Vì vậy khi chúng ta nghe người ta khen mình, dù là lời khen thành thật và đúng chỗ, chúng ta phải kể lời khen đó như một luồng thanh phong, nên để cho nó thoảng qua mà đừng quá tưởng niệm. Trái lại, chúng ta nên để ý lời chỉ trích đúng chỗ, chúng ta nên tự nhận và lập tâm hối cải, ví như lời chỉ trích chỉ do sự ganh tỵ mà ra thì ta nên thản nhiên tiếp tục làm việc phải. Trời không vì người ta sợ rét mà thôi mùa đông, Ðất không vì người ta sợ xa mà thâu hẹp lại, người Quân tử không vì lời nghị luận xuyên tạc của tha nhân mà thôi việc làm chánh trực của mình.

Kính thưa quý vị,

Trong lúc khói lửa chiến tranh còn bao trùm đất nước, nền Ðại Ðạo tuy không được bành trướng khả quan nhưng nhờ sự trung thành và sự tận tâm phục vụ của phần đại đa số Chức sắc nơi Trung ương và Ðịa phương, nên phương diện tinh thần của Ðại Ðạo vững mức cao siêu, cái danh liêm khiết của Hội Thánh cũng như chí hy sinh của Chức sắc được các giới trí thức ngoài mặt đời ngợi khen và kính nể. Chúng ta phải đồng tâm nhứt trí tiếp tục giữ vững thanh danh của Tòa Thánh Tây Ninh, uy quyền của Hội Thánh và nhân cách phi phàm của người tu hành, thì dù gặp bao nhiêu khó khăn chúng ta cũng sẽ lướt qua để xây dựng cho nền Ðại Ðạo một tương lai sáng lạng và tươi đẹp hơn.

Nhơn bữa tiệc thân mật hôm nay, thay mặt Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài, tôi xin chân thành cầu chúc Quý Chức sắc, Chức việc và Ðạo hữu Nam Nữ gặp nhiều may mắn để đạt thắng lợi hoàn toàn trên đường phụng sự cho Ðạo và cho nhơn sanh, cầu nguyện Ðức CHÍ TÔN và Ðức PHẬT MẪU ban ân lành cho toàn thể Quý vị./.

NAM MÔ CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 551