× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Huấn Dụ - Lễ Bế Mạc Hạnh Ðường Lễ Sanh (25/10/1966)

Kính HỘI-THÁNH,
Kính Chư Hiền Huynh, Hiền Tỷ, Chư Ðạo Hữu, Ðạo Muội,

Khóa Huấn luyện Lễ Sanh nơi Hạnh Ðường đã chấm dứt. Hôm nay là buổi lễ Bế Mạc niên học Bính Ngọ để rồi một ngày gần đây các sinh viên sẽ dự cuộc thi lãnh cấp bằng Hạnh Ðường.

Một niên học đã qua, HỘI-THÁNH đã gắng lo đào tạo chức sắc cho hiểu thông Ðạo lý và khả năng hầu một ngày kia có thể thay mặt HỘI-THÁNH để dìu dắt tín hữu nơi các địa phương.

Ðó là một nhiệm vụ rất quan trọng mà mỗi chức sắc đều phải đảm đương để được thi thố trí tài hầu lập nên địa vị xứng đáng.

HỘI-THÁNH đã làm xong phận sự giáo hóa, Ban Giám Ðốc và quý Giảng Viên đã tận tâm với nhiệm vụ. Cái kết quả tốt đẹp hay không là tùy nơi sanh viên tự liệu. Nói cách khác là thầy đã gắng công dạy dỗ, học trò được nên người hay không là tự nơi nó.

Hôm nay khóa học đã chấm dứt, các em sinh viên thử cân nhắc lại sự hiểu biết của mình khi chưa học với sự hiểu biết khi mãn khóa học để coi sự khác biệt là thế nào và sự học trong năm có đem lại cho mình một sự tiến triển nào về mặt Ðạo đức cũng như về mặt trí dục hay không?

Nếu các em nhìn nhận sau khóa học, các em được hiểu thông Ðạo lý và kiến thức được mở rộng hơn thì đó mới thật là chẳng uổng công phu đèn sách.

Vả lại, cái chí hướng của người học Ðạo là trau mình cho được sáng hầu giúp cho kẻ khác cũng được sáng như mình, tức là tự giác nhi giác tha. Ðó là phương pháp độ mình và độ người của hạng tu sĩ.

Nếu thấy mình chưa được sáng tỏ, tức là sự học Ðạo còn nhiều thiếu sót, phải gắng công trau giồi thêm nữa, khoản nào chưa thông hiểu tột lý thì cứ việc trình hỏi cho rõ ràng, vì sự hiểu biết mập mờ chỉ có hại chớ không có ích lợi.

Ðời sống của người hành Ðạo là một đời học tập không ngừng. Không phải vì mãn khóa học mà các em sanh viên chấm dứt hẳn sự học, người ta chẳng những học nơi nhà trường mà còn phải học nơi kinh sách của Thánh Hiền, học theo gương sáng của đấng Vĩ nhân, học với bậc cao thấp của thế thái nhân tình, học theo đức tính ôn nhu của người thân hữu.

Các em sinh viên đã nương vào cửa Ðạo thì sẵn có Thánh giáo của Ðức CHÍ TÔN và các Ðấng Thiêng Liêng, sẵn có sách Ðạo của các bậc đàn anh ra công biên soạn, lại thêm có nhiều dịp nghe lời giảng dạy của cấp trên thì các em có đủ phương châm để ôn cố tri tân, trau giồi tâm trí.

Mỗi ngày các em phải dành ít lắm hai tiếng đồng hồ để học qua các kinh sách Ðạo. Ðức CHÍ-TÔN mở Ðạo để qui Tam Giáo hiệp Ngũ Chi thì sách nào thuộc về Tam Giáo các em đều phải xem qua và tìm hiểu ít nhiều triết lý căn bản của mỗi Ðạo giáo. Những tài liệu các em thu thập được sẽ giúp các em về mặt giáo hóa nhơn sanh khi các em lãnh phận sự Ðạo.

Lẽ tự nhiên là ngọc có giồi thì ngọc mới sáng, người có học mới rõ thông Ðạo lý. Trên đường Ðời cũng như trong cửa Ðạo, nhờ có sự bền chí kiên tâm, người hiếu học mới đi đến mức thành công mỹ mãn.

Nếu biết là sự học hỏi không có phạm vi giới hạn, trí huệ càng mở mang thì sự học càng tiến thêm mãi và nếu được lãnh hội mau chóng là nhờ có suy nghĩ nhiều. Có suy nghĩ nhiều người tự học mới đạt đến chỗ uyên thâm của vấn đề chuyên học.

Ðức Khổng có nói: "Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi", nghĩa là học mà chẳng suy nghĩ thì sự học chỉ lờ mờ, suy nghĩ mà không có công học thành ra suy nghĩ vẫn vơ không lấy gì làm căn bản. Thành thử phải đủ cả công học hành và suy nghĩ cái kết quả mới tốt đẹp.

Xưa kia Khổng Tử là người rất hiếu học, mặc dù Ðức Ngài là bậc Thánh bất cứ điều gì Ðức Ngài cũng cố ý nghe, suy nghĩ và tìm hiểu, Ðức Ngài nói rằng: "Ba người cùng đi với nhau tất có một người là thầy ta, ta chọn người thiện mà bắt chước, ngừơi bất thiện thì so sánh mà sửa mình".

Do theo gương của Ðức Ngài, những bậc trí thức ngày xưa mặc dù có tài học lỗi lạc, thường hay nhún nhường, khiêm tốn chớ không hề tỏ vẻ tự đắc.

Trong cửa Ðạo, người có sứ mạng nơi mình lại càng phải dè đặt, khiêm tốn nhiều hơn nữa, vì với thái độ ôn hòa nhã nhặn, người tu sĩ sẽ gây được nhiều thiện cảm đối với mặt đời và nhờ đó mà hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng, đem thắng lợi về cho Ðạo.

Quý anh em sinh viên Lễ Sanh nam nữ,

Rồi đây các em sẽ dự thí lãnh bằng tốt nghiệp Hạnh Ðường và sẽ lần lượt được giao phó phận sự Ðầu Tộc Ðạo nơi các địa phương. Các em sẽ thay mặt HỘI-THÁNH để giáo hóa nhơn sanh đem hạt Thánh cốc gieo rải trong vùng tộc Ðạo.

Ðó là một ân huệ thiêng liêng cao quí mà các em quá đổi may duyên mới được phần hưởng thụ. Có thể nói là một cơ hội thiên thu hạnh ngộ làm cho các em được rạng mày nở mặt đối với xã hội cũng như đối với gia đình và chủng tộc.

Phục vụ xứ sở quê hương cũng cho là một vinh hạnh quá đáng rồi, các em lại được cơ hội phục vụ cho Ðấng CHÍ-TÔN THƯỢNG ÐẾ đưa chiếc thuyền từ chực rước khách trầm luân nơi khổ hải đặng lập nên Thiên vị cho mình.

Thử hỏi có đem sự giàu sang danh vọng của trường đời để đổi lấy phẩm vị ấy được chăng?

Phải biết rõ chức vụ của mình quý trọng là thế nào các em mới thận trọng giữ gìn phẩm giá của mình mới tận tâm lo tròn phận sự.

Các em đừng sợ công việc quá khó khăn và không đủ tài để đảm đương nhiệm vụ. Nho giáo có câu: "Thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên", nghĩa là trên đời không có việc gì khó mà chỉ tại lòng người không bền.

Các em cứ để tâm cầu nguyên Ðức CHÍ-TÔN và luôn luôn giữ dạ trung thành với HỘI-THÁNH, đừng để ai lung lạc tinh thần, đừng theo phe nầy phái nọ và luôn luôn lấy công bình hành sự. Việc chi không quyết đoán thì yêu cầu HỘI-THÁNH chỉ giáo. Ðối nội thì làm cho trên thuận dưới hòa, chia vui sớt nhọc, kết giải đồng tâm, nối dây thân ái. Ðối ngoại thì lấy lễ mà tiếp nhân, lấy khiêm từ mà phục chúng, sẵn sàng giúp đỡ người trong mọi việc đặng tạo cảnh hòa ái tương thân.

Ðược vậy thì trong ấm ngoài êm, ngọn cờ cứu khổ sẽ được nêu cao khắp chốn.

Nên để ý là người hành Ðạo cần phải có chí nhẫn nại, phải cố gắùng theo dõi mục đích mà mình đã đạt lấy không lúc nào chểnh mảng. Cái mục đích ấy là giúp đời tế chúng, đem ánh sáng vào cõi tối tăm, cải dữ nên lành, lấy chơn thay giả. Ðem công quả mà đổi lấy Thiên vị thì cái công quả đó phải dành trọn cho ích lợi của nhơn sanh chớ không phải dựa theo Ðạo đặng tạo riêng cho mình và cho gia đình mình. Nếu có tánh ích kỷ và ham lợi dụng thì người hành Ðạo có ý thức quá nông nổi. Thoảng như có ai đem một lợi lộc nào mua chuộc để sai khiến mình trong việc bất chánh thì chắc hẳn là họ sẽ bán đồ nhi phế, bỏ cả chức phận để chạy theo. Ðó có khác chi là buông mồi bắt bóng.

Vậy tôi xin các em sinh viên sau nầy có lãnh phận sự Ðạo thì nên dè dặt cho lắm.

Nếu các em biết thận trọng giữ gìn phẩm giá của mình và tận tâm vì Ðạo thì các em sẽ nắm chặc sự thành công trong tay.

Giờ đây các em hãy dọn mình đặng chờ ngày đảm đương phận sự, thi đua công quả hầu lập vị vẻ vang trong cửa Ðại Ðạo.

Tôi ước mong các em sẽ tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy của HỘI-THÁNH và xin cầu chúc các em vững bước trên đường nhiệm vụ.

Rất mong thay,

Nam Mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát

Cao Thượng Sanh



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 738