× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Diễn Văn - Lễ Kỷ Niệm Ðức Hộ Pháp Qui Thiên (10/4/Bính Ngọ, 1966)

Kính Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính Trung Tá Tỉnh Trưởng Tây Ninh và Quý Quan Khách,
Chư Chức Việc và Ðạo Hữu Lưỡng Phái,

Hôm nay là ngày lễ kỷ niệm đăng tiên của Ðức Hộ Pháp Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ Tòa Thánh Tây Ninh. Trước hết tôi để lời cám ơn toàn thể chức sắc, chức việc và Ðạo Hữu lưỡng phái đã sẳn lòng đến dự đông đảo làm cho cuộc lễ tăng thêm phần long trọng.

Ðây là một dịp để Hội Thánh nhắc lại công nghiệp vĩ đại của Ðức Ngài trong nền Ðại Ðạo và cũng là một dịp để cho các cơ quan Ðạo tỏ lời cảm tưởng đối với một đấng vĩ nhân đã phí một kiếp sanh đã dạy dỗ và dìu dắt con em trong Ðạo trên bước đường giải khổ.

Tiểu sử của Ðức Hộ Pháp và sự hy sinh cao cả của Ðức Ngài trong lúc bình thường cũng như trong hồi tai biến của nền Ðạo, Chúng tôi đã có dịp nói qua nhiều lần và toàn thể chức sắc, Ðạo hữu điều rõ biết.

Những lời cảm khái của chức sắc trong các cơ quan Ðạo vừa mới bày tỏ, chứa đầy sự thương tiếc, bộc lộ xiết bao nỗi tri ân nồng hậu đối với một Ðấng vĩ nhân mà cuộc đời phải trải qua biết bao sóng gió nguy nan, đòi phen thất thổ ly hương, lắm lúc ôm sầu nuốt hận cũng vì chủ nghĩa thương đời. Sự thương tiếc và sự tri ân đó thật chánh đáng.

Những ai đã từng mang vào mình bộ Thiên phục, đã từng được dự vào hàng chức sắc Thiên phong, được nói ra những lời đạo đức thuần túy, ra đối với mặt Ðời được người người kính nể, thì cũng đều nhìn nhận là đã nhờ nơi tay của Ðức Hộ Pháp đỡ nâng lập vị.

Không có Ðức Hộ Pháp thì không có Ðạo CAO ÐÀI ra đời.

Không có Ðức Hộ Pháp thì nơi đây vẫn còn là những đám rừng rậm sầm uất.

Ðành rằng tìm ra mối Ðạo là do nơi ba vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh. Nhưng nếu không có Ðức Hộ Pháp là người có sứ mạng đặc biệt về mặt bí pháp và có sẳn kiên tâm trì chí thì ÐẠO CAO ÐÀI cũng không thể lập thành.

Ðấng Chí Tôn đã cho ra đời nhà thông minh xuất chúng đó hầu sáng tạo cho đất nước Việt Nam một nền chánh giáo để nâng cao tinh thần của giòng giống Lạc Hồng ngang hàng với các nước trên mặt địa cầu về phương diện tín ngưỡng.

Ðiều đáng chú ý là Ðức Hộ Pháp được Ðấng Chí Tôn ban cho một ân huệ đặc biệt chưa từng có trong các lịch sử Ðạo Giáo trên toàn cầu. Vì từ xưa những bậc vĩ nhân tạo nên sự nghiệp đồ sộ về tinh thần, nhưng sự nghiệp đó chỉ lưu lại cho đời sau thừa hưởng mà thôi. Ðức Hộ Pháp lại may mắn hơn. Ðức ngài đã thành công mỹ mãn và dân tộc Việt Nam được hưởng liền sự nghiệp của Ðức Ngài trong khi Ðức Ngài còn tại thế.

Chí hướng làm nên của Ðức Ngài, công phu xây dựng của Ðức Ngài, toàn thể chức sắc và Ðạo hữu ghi nhớ ơn là một điều quí nhất.

Nhưng chẳng phải tỏ sự biết ơn bằng lời nói suông là đủ, phải biết quí mến, giữ gìn sự nghiệp của Ðức Ngài để lại, phải góp công bồi bổ xây dựng thêm cho nó được càng ngày càng thêm vẽ vang tốt đẹp hơn. Phải thận trọng trong cử chỉ cũng như trong việc làm và tự mình coi Ðức Ngài như còn tại thế vậy. Vì tuy Ðức Ngài về Thiêng Liêng vị, nhưng vẫn dùng huyền diệu, cơ bút đến hội hiệp với chúng ta, khi thì để lời giáo hóa, khi thì an ủi vỗ về và lẽ tất nhiên là Ðức Ngài hằng dòm ngó đến sự nghiệp của Ðức Ngài lưu lại nơi vùng Thánh địa, nơi mà Ðức ngài đã chan rưới biết bao nhiêu giọt mồ hôi, chịu biết bao nhiêu khổ tâm mới tạo thành được như ngày nay.

Chúng ta chẳng những phải giữ gìn và tô điểm thêm sự nghiệp hữu hình của Ðức Ngài, chúng ta còn phải quý trọng cái danh giá của Ðạo, vì Ðức ngài khi sanh tiền đã phải trải bước từ ÂU sang Á, đem hết tâm trí đặng làm cho danh giá ÐẠO CAO ÐÀI được nêu cao tột bực. Trong các nước văn minh tiên tiến, nơi nào Ðức Ngài có để chân đến thì những bậc thượng lưu trí thức sau khi nghe ngài thuyết pháp đều để lòng sùng bái bái Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, nhiều người đã xin nhập môn, xin Ðức Ngài đến nhà khai đàn thượng tượng và tôn trọng Ðức Ngài như một Ðấng Cứu Thế.

Ngày nay mặc dầu Ðức Ngài đã khuất bóng nhưng cái danh giá của Ðạo Cao Ðài vẫn còn được nguyên vẹn y như lúc Ðức Ngài còn tại thế.

Chúng ta phải chung sức nhau mười như một, một như mười để bảo tồn cái danh giá quí báu đó và làm thế nào cho nó được càng ngày càng thêm cao vọi, thì chúng ta mới thật là trung thành và thật biết ơn Ðức Ngài vậy.

Nếu vì một lẽ nào, vì một tham vọng hoặc vì tranh giành quyền lợi, người chức sắc hay tín hữu có manh tâm làm cho nền Ðạo phải mang tai tiếng, danh giá Ðạo bị tổn thương thì chính đó là hành động cố ý xô ngã công phu gầy dựng của Ðức Ngài. Cái tội đó Ðức Ngài và các Ðấng Thiêng Liêng không thể dung thứ được.

Biết tôn thờ Ðức Ngài, Biết ghi nhớ ơn của Ðức Ngài, chúng ta phải noi theo gương sáng của Ðức Ngài, cái gương nhẫn nại và vị tha, luôn luôn quên mình, sẳn sàng hy sinh để bảo thủ chơn truyền và giữ trọn hiếu trung đối với Ðức Chí Tôn Ðại Từ Phụ.

Ngoài ra, chúng ta phải biết thương nhau, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau, đừng vì một lẽ nào mà chia rẽ ganh ghét nhau hầu làm cho vui lòng Ðức Ngài là một bậc tiền bối đã phí một kiếp sanh cho đến hơi thở cuối cùng để thực hành chủ nghĩa từ bi bác ái và để phụng sự cho nhân sanh và cho Ðạo.

Ðược vậy thì cuộc lễ long trọng hôm nay mới có ý nghĩa thực tế. Mong Thay! Kính Thay!

CAO THƯỢNG SANH



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 680