× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Bài đăng báo: Tìm Chơn Lý

"CẢ QUỐC DÂN HÃY ÐỒNG LÒNG LẤY THIÊN LƯƠNG SÁNG SUỐT LẤP CẠN NGUỒN ÐAU KHỔ CỦA GIỐNG NÒI THÌ HẠNH-PHÚC MỚI MONG GẦY DỰNG."

Theo thói thường ở đời thì giàu sang vinh hiển, cửa rộng nhà cao, ai cũng ham, nhưng nếu chẳng noi theo Ðạo mà được thì người quân tử không màng.

Chòi tranh vách lá, áo mỏng đêm đông, ăn bữa sớm lo bữa chiều, ai cũng lánh, nhưng nếu chẳng do theo Ðạo mà cho khỏi, thì người quân tử thà cam trong cảnh cơ-hàn.

Xem công danh như mây nổi, coi phú quí tợ bèo trôi, đó là tánh tình của người quân tử vì họ đã được cái sáng suốt của Thiên lý nên việc gì trái với nghĩa, nghịch với nhân họ không làm.

Phú quí thì hành động theo phú quí, bần tiện thì hành động theo bần tiện, tùy theo thời thế và cảnh ngộ mà đối đãi với mọi người; giàu chẳng bợ, khó chẳng khinh, người quân tử lúc nào cũng an phận mà vui thú. Lên cao xuống thấp tự mình điều khiển lấy thân, người quân tử chẳng để một mảy chi nhơ-bợn đến tinh thần cao khiết của mình đặng. Gặp lúc gặp thời thì đem đức sáng tài hay của mình đặng phụng-sự thiên-hạ giúp nước trị dân khó nhọc chẳng từ, gian nan không quản. Danh chẳng màng, chỉ màng nơi cứu cánh của việc làm; lợi chẳng ham, chỉ ham thật hành được nghĩa vụ. Nếu chưa gặp thời để ứng dụng tài đức thì đành cam lui bước, ẩn chốn lâm tuyền, bạn cùng non nước.

Ðức KHỔNG TỬ xưa châu-du thiên hạ cho tới già, vì không gặp được chúa biết dùng để sửa đời trị nước, KHƯƠNG-THÁI-CÔNG là ông câu nơi sông Vị, NINH THÍCH chăn trâu ở Ngao Sơn, BÁ LÝ HỀ xin ăn nơi đất Chất, đều là những bậc cao, sẵn ôm tài tế thế trong mình, nhưng chưa gặp thời nên cam vất vả. Nếu gặp chúa xứng đáng, biết dụng nhơn, xem phải đạo minh quân lương tể, thì cái chí hướng của người quân tử đã đạt. Nhưng công thành thì thân thối; cái thích của họ là sự gầy dựng của mình đã được hoàn thành lấy sự vui của muôn dân làm phần thưởng cho mình, chớ không cần phú quí vinh hoa của người đền đáp.

Bởi vậy, khi làm cho nên nước Ngô rồi thì TÔN-VÕ-TỬ ẩn sĩ từ quan, giúp Việt Vương được nghiệp cả trùng hưng thì PHẠM-LÃI dạo chơi Ngũ Hồ, gầy dựng xong cho Lưu-Bang thì TRƯƠNG-TỬ-PHÒNG ẩn chốn núi non, vui cùng tứ hạo. Những bậc vĩ-nhân ấy là cái tinh hoa của trời đất để làm gương mẫu cho đời. Cái chí lập quốc cứu dân của họ sánh với bực Thần Tiên, mồi danh bả lợi không lay chuyển được. Có khi lại dám liều cả tánh mạng để cho đời biết chí cao thượng của mình như GIỚI-TỬ-THÔI đời chiến quốc! Chúng ta xem qua cái tiết-tháo của người xưa đáng kính phục là dường nào!

Khi TẤN-VĂN-CÔNG là TRÙNG-NHĨ chưa gặp thời, còn lánh nạn nơi đất Vệ thì chúa tôi từng trải nhiều nỗi gian-lao khổ sở. Một hôm thất lạc vào rừng, lương thực thiếu hụt, Trùng Nhĩ đói quá đi không nổi. Một người trung thần là GIỚI-TỬ-THÔI cắt thịt vế trái mình, nấu một tô đem dưng cho Trùng-Nhĩ. Trùng-Nhĩ thấy thịt nóng, ăn ngon lắm, mới hỏi: Chỗ nầy làm sao có thịt?, TỬ-THÔI thưa rằng: "Tôi thường nghe con thảo hết mình thờ cha, tôi ngay liều mình thờ chúa, nay Chúa-công đói lòng nên hạ-thần cắt thịt trái vế mà dưng cho Chúa-công đỡ dạ. Trùng Nhĩ rơi nước mắt mà than rằng: "Kẻ nạn nhân này làm hại cho ngươi biết bao, ta lấy chi báo đáp ơn người cho xứng".

Sau TRÙNG-NHĨ gặp thời về nước kế vị cho cha, lấy hiệu là TẤN-VĂN-CÔNG. TẤN-VĂN-CÔNG muốn thưởng những người chịu nhọc với mình trong buổi phiêu lưu nên đại hội quần thần, luận công ban chức. Ai ai cũng có phần, trừ ra GIỚI-TỬ-THÔI vì vắng mặt nên Văn-Công quên lửng!!!

Số là trước ngày phong thưởng, TỬ-THÔI lóng nghe bọn quần thần nhóm nhau, giành lộc tranh công, lấy làm hổ-thẹn chung, nên vào trào cung hạ có một lần, rồi từ đó về sau cáo bịnh ở nhà, dệt chiếu mà nuôi mẹ già.

Có người thấy TỬ-THÔI không được ban thưởng, nên tới nhắc TỬ-THÔI, TỬ-THÔI chỉ cười mà không đáp. Mẹ già nghe vậy bảo con rằng: "Mầy chịu nhọc nhằn mười chín năm, lại cắt thịt trái vế cho vua ăn, nay sao không nhắc lại đặng hưởng chút công hầu, chẳng hơn dệt từ chiếc chiếu hay sao?" TỬ-THÔI liền thưa: "Thưa mẹ, TẤN-HẦU là người hiền đức đặng thiên hạ ấy là lòng Trời khiến, mà quần thần lại giành công chác lợi, con rất hổ ngươi, thà cam trọn đời dệt chiếu. Chẳng dám lấy sức Trời làm công mình". Mẹ TỬ-THÔI lại nói rằng: "Mầy hay làm người liêm-sĩ, ta há chẳng ham làm mẹ kẻ liêm sĩ hay sao?" TỬ-THÔI cả mừng, bèn cõng mẹ lên Miêng-Thượng cất lều trong kẹt núi mà ở, cỏ làm áo, trái làm cơm!

Khi TẤN-VĂN-CÔNG hay đặng, dẫn quan quân đến nơi tìm kiếm cả ngày mà không thấy. Có người bày chước đốt rừng cho TỬ-THÔI sợ mà ra, nhưng TỬ-THÔI một lòng sắt đá, hai mẹ con ôm nhau chịu chết thiêu trong kẹt núi.

Người đời sau thương TỬ-THÔI có làm bài thơ rằng:

  Mười chín năm tròn lận đận kinh!
Chơn trời góc biển khắp linh đinh!
Chú nài cắt vế vua no dạ,
Chẳng muốn cầu danh mẹ thỏa tình!
Miêng-Thượng khói ùn lừng tiết-khí,
Giới-sơn trăng dọi rạng trung thành!
Ngày nay cấm lửa buồn hàn-thực,
Hơn đốt nhang tàn giấy đỏ xanh!

Sánh với hạng tiểu nhơn vụ lợi thì hành vi lại trái hẳn. Hạng tiểu nhơn thì trời nào cũng phải, chúa nào cũng nên, khéo nịnh hót, giỏi cúi lòn miễn lộc cả quyền cao, ngoài ra chẳng kể đến vận nước thạnh suy, lòng dân thương ghét. Bề ngoài họ cũng làm bộ thương nước thương dân để lừa dối bề trên mà bên trong thì họ lo cho đầy túi tham là đủ! Xưa biết bao vua chúa dùng lầm hạng tiểu nhơn mà phải chịu xã-tắc khuynh-nguy, muôn dân đồ thán.

Ai có đọc MẠNH-TỬ, cũng để ý đến câu chuyện vợ chồng nước Tề.

"Nước Tề có một người cùng ở chung với hai vợ. Mỗi ngày anh chồng thường ra ngoài, khi trở về thì có vẻ say sưa no đủ. Vợ lớn hỏi ăn uống với ai thì chồng nói với những bạn giàu sang, toàn là người có tên tuổi; Vợ lớn đem lòng nghi, nhơn khi luận bàn với vợ lẽ rằng: Chồng ta nói đi ra ngoài, đồng bàn với hạng người phú quí, mà ta chưa tầng thấy ai lại nhà chơi, vậy ta sẽ tìm biết sự thật coi thế nào?

Một bữa kia vợ lớn thức dậy sớm, lén theo dấu ông chồng, đi khắp trong vùng không thấy người nào cùng nói chuyện với. Sau thấy anh chồng đi ra mé thành phía đông chỗ mồ mả người ta cúng tế, xin lấy đồ cúng thừa mà ăn; ăn chưa đủ lại tìm nơi cúng tế khác mà xin ăn nữa. Ấy cái đạo no say của anh chồng là như thế!

Vợ lớn trở về bảo vợ lẽ rằng: Chồng ta là người ta phải trông nhờ vào suốt đời, mà nay như thế thì còn trông cậy nỗi gì? Rồi hai chị em cùng ôm nhau tủi thẹn khóc than! Thế mà anh chồng chưa biết sự mình đã bại lộ, cũng cứ hớn hở tự ngoài đi vào, kiêu căng tự đắc với hai vợ!"

Ðó là câu chuyện bịa đặt của Mạnh-Tử.

Nhưng đời nầy cũng có lắm kẻ hay cầu cạnh lấy hư danh và bã lợi, cũng có những hành động đê tiện để tủi nhục đến vợ con chẳng khác chi người nước Tề kia vậy.

Hai thái độ trái ngược của hạng người nầy và GIỚI-TỬ-THÔI, khiến cho chúng ta suy nghĩ đến sự nên hư của thời cuộc mà đau lòng!

Nếu đời còn ly loạn, nước còn đảo huyền, quốc dân còn chịu khổ sở lầm than là do xã hội Việt-Nam còn dẫy đầy những hạng tham vàng bỏ nghĩa, dám vì chút lợi mà quên lấy thân, như miếng ăn chẳng hạn!

Tiểu nhơn thắng thì quân tử phải thối, bức tranh đời vẫn còn cho chúng ta thấy bao nhiêu cảnh đau đớn chua cay, thì ách nước nạn dân chưa vội chấm dứt đặng.

Ngày nào tiếng trống giác-mê, hồi chuông cảnh tỉnh có đủ mãnh lực dìu dắt bước đường của phần đông theo bước đường đạo đức; ngày nào trên con đường thống nhứt giang sơn, quốc dân Nam những kẻ có trách nhậm lớn nhỏ trong xã hội thấy lợi nghĩ đến nghĩa, thấy nguy nghĩ đến dân, tận tụy vì bổn phận, bỏ hẳn nhơn cách đáng khinh, theo Thiên-lương sáng suốt, đồng một lòng làm cho cạn nguồn đau khổ của giống nòi, trụ lại một quốc hồn mạnh mẽ, thì ngày ấy chủ-nghĩa dân-chủ mới rạng soi, hạnh-phúc quốc-dân mới mong mỏi!

HUỆ-GIÁC

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 564