× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Lời thuyết đạo

Lời Thuyết Đạo của Đức Thượng Sanh


Bài đăng báo: Chánh Trị Cần Có Ðạo Ðức Không?

Cái HÀ CHÍNH gớm ghê hơn cọp.

Tự cổ chí kim, nước nhà được trị hay loạn, hưng hay vong đều do nơi người cầm quyền hành chánh. Người cầm quyền biết theo đường ngay chính, biết lấy Ðạo mà sửa trị, biết lấy Ðức mà cảm hóa, thì nước nhà vững đặt, đời được thái bình. Người cầm quyền không cần noi theo lẽ phải, không biết thương dân và lấy Ðạo Ðức sửa trị, thì nước nhà phải chinh nghiêng loạn lạc. Là vì dân tâm tức là thiên ý, làm trái lòng dân tức là làm trái mạng trời, mà trái mạng trời tức là đi vào lối diệt vong vậy.

Kinh Thư của KHỔNG GIÁO nói rằng: Trời không thân riêng ai, chỉ có đức là được trời giúp, lòng dân không có thường, chỉ có ơn là mến; làm điều lành không giống nhau, nhưng kết quả là trị, làm việc ác không giống nhau, nhưng kết quả là loạn (Hoàng Thiên vô thân, duy đức thị phụ, dân tâm vô thường duy huệ chi hoài. Vi thiện bất đồng, đồng qui vi trị, vi ác bất đồng, đồng qui vi loạn).

Xưa những người có trách nhiệm trị nước trị dân lúc nào cũng phải kính cẩn, hằng lo sửa mình cho ngay chính để được có kẻ hiền tài theo giúp mình, rồi lấy nhân mà trị, lấy đức mà hóa, cái kết quả trong việc chính trị mới tốt đẹp.

Khổng Giáo cho Ðạo Nhân là gốc của việc chính trị cũng như đất tốt là gốc sanh sản ra cây cỏ sởn sơ. Vì vậy mà người hành chánh dầu có tài mà thiếu phần đạo đức thì nước cũng loạn lạc, dân cũng lầm than. Mặc dầu trong nước được có một chánh thể hay đến đâu mà giao về người cầm quyền thất nhân bất đức, cái chính thể ấy cũng hóa ra ươn dở. Trái lại dầu chính thể có dở mà có được người hành chánh đủ tài đủ đức thì người ta có dụng tài đức ấy suy cổ nghiệm kim, do theo trình độ tấn hóa của xã hội và dân chúng mà thay đổi lần hồi cho hợp thời và thuận lý. Huống chi người cầm quyền bình đẳng, một nước dầu là của nước Quân Chủ, hay là Tổng Thống, nước Cộng Hòa Dân Chủ cũng đều có chịu mạng Trời thể Thiên hành đạo. Cái quyền hành ấy là cái bảo vật có quan hệ đến vận mạng của xã hội, một dân tộc, vì vậy trị dân, chìu theo lòng dân và thận trọng coi sứ mạng mình là của báu thiêng liêng không thể để hư hỏng được. Lại nữa đem thân ra phụng sự quốc gia thì thân mình thuộc về quốc gia và chung cả thiên hạ, cái thân ấy không còn là của mình và của gia đình nữa.

Ðức Lão Tử cho ở đời thân hình là một cái không đáng quí nhứt, vì nó thường là mối lo cho người ta. Ðáng yêu quí nhứt là lúc đem thân ra phụng sự cho thiên hạ, Ngài nói: "Ta sở dĩ có điều lo lớn là vì ta có cái thân, nếu không có thân thì ta có lo gì?" Cho nên chỉ yêu quí thân là khi đem thân vì thiên hạ, như có thế gởi gắm được cho thiên ha.

Ấy đó, coi sứ mạng mình là thiêng liêng, coi thân mình là nhẹ hơn hạnh phúc của nhân sanh, chính là hai con đường dìu người hành chánh đến mức thành công vậy.

Ðược như thế thì ngưới cầm quyền đối với dân cũng như cha đối với con. Phải tu thân tích đức, lo cho dân được an cư lạc nghiệp, dạy cho được sáng suốt khôn ngoan y như cha lo cho con. Phải thích cái thích của dân, phải ghét cái ghét của dân mới đáng làm cha mẹ dân.

Vả lại, lòng tự nhiên của dân là muốn điều lành ghét điều ác, cứ do theo lòng dân ấy mà trị dân tức là dìu dắt dân đến con đường hạnh phúc.

Trái lại, nếu làm những điều dân ghét bỏ và ghét những điều dân ưa chuộng, hoặc ham muốn xa hoa, lo cho thân mình được sung sướng ngoài ra mặc kệ dân khốn khổ lầm than, ấy là hành động trái với lòng dân, người cầm quyền dầu có tài ba lỗi lạc cũng không khỏi đi đến con đường thất bại. Lẽ dĩ nhiên trị dân mà không làm cho dân tin cậy mến yêu, hành động trái ngược, có thể khiến cho trăm họ đổi lòng phục tòng của tôi con ra tâm thù oán của kẻ nghịch, thì người cầm quyền đem cho mình và cho nước họa đó.

Những đấng minh quân đời trước thương dân như con đỏ, hằng chịu lao tâm tiêu tứ để lo hạnh phúc cho dân. Người trong nước không kể sang hèn, hễ ai có tài có đức là được cất nhắc lên làm quan giúp nước trị dân. Vua với quan đều lấy sự ích nước lợi dân làm chủ đích. Trên thân dưới như tay chân đối với lòng dạ, dưới thân trên như nhà đối với mẹ từ. Vì sự thương yêu lẫn nhau là mối vững bền, muôn dân lạc nghiệp.

Một hôm Ðức Khổng Tử đi ngang qua núi Thái Sơn, trông thấy một người đàn bà ngồi khóc dựa bên cái mồ, nghe tiếng khóc đau thương mà ra bộ sợ hải lắm. Ngài dừng xe lại sai Thầy Tử Lộ hỏi xem cho rõ nguyên do, thì người ấy thưa rằng: "Ngày trước cha chồng tôi bị cọp ăn, sau chồng tôi cũng bị cọp ăn, nay con tôi lại bị cọp ăn nữa, cho nên tôi thương khóc mà sợ lắm." Ngài bảo rằng: "Sao không đi chỗ khác mà ở." Người đàn bà trả lời: "Thưa, ở đây không có hà chính." Ngài liền day lại bảo học trò rằng: Các con nhớ lấy: "Cái hà chính gớm ghê hơn cọp vậy" (Hà chính mãnh ư hổ giã).

Nói tóm lại, nhà chính trị phải cần có đạo đức, không đạo đức là chính trị hà khốc, làm cho lòng dân ly tán, vận nước khuynh nguy, dầu cho có lập hình pháp trừng trị bao nhiêu cũng không khuất phục.... được nhân tâm.

Ðời nay văn minh tiến bộ, cái văn hóa mới lan tràn trong nước dường như phe tân học quá thiên về đường vật chất, nên phần nhiều người cầm giềng mối chính trị hay biết về quyền hành chớ không muốn biết đến đạo đức.

Giữa xã hội người ta thấy bao nhiêu nỗi bất bình bực tức: mạnh lấn yếu, chúng hiếp cô, vì lẽ cái thế lực kim tiền được tôn thờ kính phục. Cái khổ của dân vì đó càng ngày càng chồng chất mà không biết kêu ca vào đâu?

Cái thuyết cao siêu của Mạnh Tử: "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" ngày nào mới được thật hành trên đất nước Việt Nam?

Ngày đó mới chính thật là ngày đem hòa bình và hạnh phúc lại cho dân chúng./.

HUỆ GIÁC

(Tài liệu trích trong Tuần Báo DUY TÂM)

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 798