× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Hội Lý Xiển Chơn Luận


Thứ tự tu hành luận

I

Cách thức tu-hành cho có ấn-chứng và y qui-điều của Phật, Thánh, Tiên thì phải giữ theo tam-cang ngũ-thường, tam-qui ngũ-giới, tam-nguơn ngũ-hành, không cho phạm đến, đổi tánh sửa lòng, trai-giới tinh tấn.

Tìm học phép huờn hư luyện tánh đối cảnh vô tâm, phủi hết phàm tâm, chẳng cố tâm đến.

Việc đã qua rồi, việc chưa đến, việc trước mắt đều không mơ tưởng.

Nho rằng: "Chấp trung chi tâm-pháp, vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã".

Phật kêu rằng: Vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, cùng là ứng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm.

Tiên kêu rằng: "Hườn hư tánh thể" luyện cho thanh tịnh thì có cảnh nghiệm, thì mình thấy biết rằng đắc phép huờn hư luyện kỷ đó.

Nho kêu rằng: "Tri chỉ nhi hậu hữu định", rồi thầy truyền đến bực trúc-cơ là phép ngưng tụ thần-khí chẳng cho hao tán tam-bửu (Thần-Khí-Tinh).

Tu cho Càn-khôn giao phối, âm dương hiệp nhứt thì có cảnh nghiệm ứng cho biết rằng đắc phép trúc-cơ.

Nho nói rằng: Ðịnh nhi hậu năng an.
Phật nói rằng: Diệt tận định.
Tiên nói rằng: Diên hống tương đầu.

Hiệp tu lâu thì có cảnh nghiệm ứng ra nữa.

Nho kêu rằng: An nhi hậu năng lự;
Phật rằng: Phát xuất huệ cảnh.
Tiên rằng: Thể dược qui hồ.

Thì đây có phải Thầy chỉ truyền hỏa-hầu mà dùng thuốc linh-đơn, phải biết thời-tiết mà lấy, phải biết già non mà nấu, dùng cang-nhu chế luyện, phải biết thanh trược mà phối hiệp, phải biết tấn hỏa thối phù cho đủ châu thiên, phải biết văn phanh võ luyện, đặng ôn dưỡng mộc-dục, thường hành công cần giờ khắc chẳng ly, tinh biến ra khí hết.

Tiên gọi một trăm ngày kiết tụ linh-đơn.

Nho gọi rằng: Trong ba tháng không giây phút nào lìa chỗ nhơn.

Phật rằng: Diệc phục như thị, thành xá-lợi-tử; mới gọi cái máy ấn-chứng của Tiên, Phật, Thánh rõ ràng, luyện tinh hóa ra khí vậy.

Như giữ theo bực nầy thì chứng quả.

Nhơn-Tiên trường sanh vô bịnh mà thôi. (1)

Còn tịnh công thêm nữa thì phải định tịnh diệt tận bảy ngày mà dùng đại dược đặng hóa quang phục thực, hành đại châu thiên.

Hễ hóa quang phục thực đặng thì chứng bực Ðịa-Tiên.

Tịnh định gia công thêm cho Thần mãn, Khí mãn đủ mười tháng, thai huờn nhập Thánh, Phật gọi xuất thai thân vi Phật-tử, Tiên kêu: xuất hiện dương-thần, Nho kêu: siêu phàm nhập Thánh, đây là chứng bực Thần-Tiên.

Gia công tu dưỡng ba năm nhũ bộ cho dương-thần tráng kiện, cho thần thông quảng đại kêu là tam-niên nhũ-bộ chứng bực Thiên-Tiên.

Như gia công tu thêm chín năm thì về Niết-Bàn hư không cảnh giới chứng bực đại-giác Kim-Tiên, như Thích-Ca luyện cửu niên diện bích vậy; đắc quả tiêu-diêu thắng cảnh vĩnh kiếp trường-tồn, thì Trời Ðất có hư hoại, chớ tánh linh đó không hoại.

 

II

Phật, Thánh, Tiên đâu có dối ngữ, tại người đồ không y pháp học không nhằm lý, nên tu hoài không thấy ấn-chứng sự thành mà ngã lòng và không gặp thầy chỉ truyền tâm-pháp, bị lầm Bàn-Môn ngoại đạo, phân chia nhiều mối rối loạn lòng người, mượn lời Tiên-Phật mà giáo-hóa, luận những lời thành Phật thành Tiên, nói hơi Thánh hơi Hiền, xưng rằng chánh lý cho người người đều ham mộ mà lầm.

Song chưa quảng thông Tam-Giáo, học-thức chẳng cao thâm, lấy chi mà nghiệm so sánh, biết rằng đàng tà nẻo chánh mà đi, thì phải lầm Bàn-Môn giả đạo.

Còn hỏa-hầu, tôi luận sơ lược đây cho người đồng-chí sau gặp chánh đạo mà thám-ngộ nhập-môn hạ thủ.

Tâm-pháp bí-truyền phải có Thầy chỉ mới rõ điều ấn-chứng của Tam-Giáo.

Như người có căn trước một hai kiếp cùng là có duyên nơi đạo-đức, nay gặp bài luận nầy tầm cho đặng Thầy chỉ truyền tâm-pháp cho y kinh sánh thì tu chắc thành chẳng sai.

Nếu không y mấy lời nầy và không phù kinh sách thì là chưa phải gặp Chơn-Sư chánh đạo, có tu thì hưởng hồng phước mà thôi, khó về Tiên-Thiên hư-vô chi khí, vì bởi còn âm-thần nên chứng quả không đặng.

Biết máy tu dương-thần, thì hiệp với khí ấy mới lên đặng. Vì Ðạo không hành đến, nên không biết đặng.

Còn chúng ta đây trước khi học chưa thấu lý, dòm chưa tột chỗ Tam-Giáo, cũng luận rằng; ba đạo ấy bày sự kinh sách lưu truyền, kiếm lời mà đặt để cho cao xa, luận việc quỉ ma cho thái quá, gạt kẻ ngu phàm cho kẻ vọng tưởng mơ ước làm Tiên Phật, chớ đâu có lý chắc làm đặng, có thế nào làm Tiên Phật đâu.

Rồi chúng ta ngụ ý riêng nghĩ thầm rằng: chẳng phải Tam-giáo để kinh sách bày mấy lời đó mà có lợi ích chi cho các Ngài đâu? Các Ngài cũng muốn cho có công với đời, không lý các Ngài nỡ lòng nào mà chỉ khiến cho chúng sanh vào đường nguy-hiểm sa chìm thiệt hại.

Nên chúng ta lập chí xung thiên đi tìm học đạo, cho thấu đạo tâm-pháp bí-truyền, ngộ đặng phép diệu-lý, y theo trong kinh sách của Tam-Giáo, và tu có ứng-nghiệm, rồi lại thí-nghiệm coi các điều cũng thật chắc quả nhiên, tu tới bực nào thì phải cảnh nghiệm ấn-chứng bực nấy.

Mới biết Phật, Thánh, Tiên hết lòng cứu độ chúng sanh. Nên chúng ta hội các lý của Tiền-Tổ mà luận tắt ra đấy cho người đồng-chí thân tín mà hội-ngộ khỏi lầm Bàn-Môn ngoại đạo, dối giả đặng trở lại đường ngay nẻo thẳng.


Chú thích:
(1) Theo thiển ý TT/NSW chúng tôi thì hai câu trên liên tục nhau mới trọn nghĩa.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 734 | Tác giả: Nguyễn Văn Kinh